23 tháng 4, 2012

HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN CÓ TÁC PHẨM NÀO GỌI LÀ HỊCH TƯỚNG SĨ KHÔNG ?

                                                                               Nguyễn Đăng Na

Sách giáo khoa Ngữ văn 8 tập hai, xuất bản năm 2004, trang 55 có in một tác phẩm văn học của Trần Quốc Tuấn với nhan đề Hịch t­ướng sĩ(1). Nhưng thử đặt câu hỏi: liệu Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn có tác phẩm nào gọi là Hịch tư­ớng sĩ không ? Có lẽ, ít ai nghĩ tới điều ấy. Để trả lời câu hỏi đó, theo tôi cần giải quyết 3 vấn đề:
- Một là, quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học của người trung đại;
- Hai là, tìm về gốc văn bản;
- Ba là, xét tổ chức đơn vị hành chính thời Trần.
Bây giờ xin lần lượt trình bày từng vấn đề.
1. Quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học của người trung đại
Văn học trung đại được chia làm hai loại: Văn học chức năng (bao gồm chức năng hành chính, chức năng lễ nghi) và văn học nghệ thuật. Bài mà soạn giả Ngữ văn 8 gọi là Hịch tướng sĩ kia thuộc văn học chức năng hành chính. Muốn biết tên tác phẩm văn học chức năng hành chính được đặt theo quy luật nào, hãy xét nhan đề các tác phẩm cụ thể của văn học Việt Nam thời trung đại sẽ rõ. Chẳng hạn, nhan đề các văn bản Thiên đô chiếu, Thất trảm sớ, Quân trung từ mệnh tập, Dụ thiên hạ hào kiệt chiếu, Bình Ngô đại cáo, Tạ ơn biểu, Hiệu định quan chế dụTừ tên những tác phẩm cụ thể kể trên, ta nhận thấy nhan đề tác phẩm văn học chức năng hành chính bao giờ cũng gồm 2 bộ phận: bộ phận đứng trước chỉ ra chủ đề của văn bản; bộ phận đứng sau (những chữ gạch dưới) chỉ ra thể văn của chúng. Thể văn các tác phẩm kể trên là: chiếu, sớ, tập, đại cáo, biểu, dụ, còn chủ đề của chúng là thiên đô (dời đô), thất trảm (chém 7 tên), quân trung từ mệnh (các từ mệnh trong quân đội), dụ thiên hạ hào kiệt (dụ hào kiệt trong thiên hạ), bình Ngô (dẹp yên giặc Ngô), tạ ơn (tạ ơn vua), hiệu định quan chế (hiệu định chế độ quan chức)… Quy luật này đã được Tiến sĩ khoa học B.L. Riptin nêu ra cách đây hơn ba mươi năm: “Thể loại trong văn học trung cổ là một phạm trù chủ đạo được thể hiện trong cách thường xuyên nêu bật nó lên ngay ở tên gọi tác phẩm… Phần cuối của tên sách cũng báo trước (thể loại của chúng)”(2).
Với quy luật ấy, ta hãy xem tác phẩm của Trần Quốc Tuấn thuộc thể loại nào.
Nếu tách Hịch tướng sĩ làm 2 bộ phận và bộ phận đứng cuối cho biết thể loại tác phẩm thì, “tướng sĩ” sẽ là thể loại tác phẩm của Trần Quốc Tuấn. Nhưng rõ ràng rằng, không có thể loại văn học nào gọi là “tướng sĩ” cả! Hoặc giả, nhan đề này do người biên soạn dịch chăng? Càng không phải! Nếu dịch, soạn giả sách giáo khoa bao giờ cũng mở ngoặc chua thêm phiên âm tên chữ Hán của tác phẩm. Chẳng hạn: Ngắm trăng (Vọng nguyệt) tr.37, Đi đường (Tẩu lộ) tr.39, Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu) tr.48…; còn, nếu soạn giả tự đặt thì bao giờ cũng được chỉ ra xuất xứ một cách rõ ràng. Chẳng hạn bài Nước Đại Việt ta, soạn giả chỉ rõ: “trích Bình Ngô đại cáo” (tr.66). Với cách viết tên tác phẩm của Trần Quốc Tuấn như trong Ngữ văn 8, người đọc sẽ nghĩ rằng, nhan đề Hịch tướng sĩ do chính Trần Quốc Tuấn tự đặt và đặt theo quy luật ngữ pháp tiếng Việt vì người Việt vẫn nói Hịch tướng sĩ, Hịch kháng Nhật cứu nước… Đặt nhan đề tác phẩm như sách Ngữ văn 8 không những đi ngược quy luật chung của phạm trù văn học trung đại, mà người đọc cũng chẳng thể hiểu nổi tác phẩm ấy được viết bằng chữ Hán hay chữ Việt mặc dù cuối văn bản có ghi rõ: “theo bản dịch trong…”, tr.58.
2. Tìm về gốc văn bản
Tác phẩm của Trần Quốc Tuấn đư­ợc khắc in sớm nhất trong Đại Việt sử kí toàn thư­. Nguyên văn đoạn giới thiệu văn bản đó như­ sau: “Quốc Tuấn th­ường soạn Binh gia diệu lí yếu l­ược thư­, dĩ thụ chư­ tì tướng, dụ chi dĩ hịch vân…”(3) nghĩa là, Quốc Tuấn từng soạn sách Binh gia diệu lí yếu l­ược để truyền cho các tì tư­ớngdụ họ bằng bài hịch rằng… Sách Binh gia diệu lí yếu l­ược còn có tên nữa là Binh thư yếu lược. Điều này chính Trần Quốc Tuấn khẳng định trong bài hịch văn dụ các tì tướng của mình. Đến năm 1825, khi đư­a vào bộ Hoàng Việt văn tuyển, Bùi Huy Bích giới thiệu: “Trần Hư­ng Đạo Đại vương Dụ ch­ư tì tư­ớng hịch văn(4) nghĩa là, bài Hịch văn dụ chư­ tì t­ướng của Trần Hư­ng Đạo Đại vương. Thế thì, ngay từ đầu, nhan đề tác phẩm của Trần Quốc Tuấn đâu phải là Hịch tướng sĩ?
Vậy cái tên Hịch tướng sĩ bắt đầu xuất hiện từ đâu?
Trong các sách in bằng chữ Quốc ngữ, ngư­ời đầu tiên đề cập tới văn bản của Trần Quốc Tuấn là Trần Trọng Kim. Ông viết: “Bấy giờ Hư­ng Đạo vư­ơng có soạn ra một quyển Binh thư­ yếu lư­ợc rồi truyền hịch khuyên răn các tư­ớng sĩ…”(5). Ông Trần đã gọi bài hịch văn Dụ ch­ư tì tư­ớng Hịch khuyên răn các tư­ớng sĩ. Dịch như vậy, ông Trần đã bỏ mất chữ “tì” (cấp dư­ới) trong cụm từ “tì tướng”. Trần Quốc Tuấn chỉ “khuyên răn” (dụ) các tướng dưới quyền mình. Hơn 20 năm sau - năm 1943, D­ương Quảng Hàm lại tiếp tục bớt đi chữ “dụ”. Ông viết: “Hịch tướng sĩ văn (bài hịch truyền cho tướng sĩ) của Trần Quốc Tuấn”(6). Rồi đến năm 1962, nhan đề tác phẩm chỉ còn vẻn vẹn 4 chữ Hịch tướng sĩ(7) và nghiễm nhiên bước vào sách giáo khoa !
Tóm lại, tìm về gốc văn bản, ta cũng chẳng thấy tác phẩm nào của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn mang nhãn hiệu chỏn lỏn 4 chữ Hịch tướng sĩ cả!Cái nhan đề ấy chỉ xuất hiện từ 1962 trở lại đây và do người ngày nay tự đặt ra và cái chính là, không phản ánh được tâm nguyện của Trần Quốc Tuấn.
3. Tổ chức đơn vị hành chính thời Trần
Cơ cấu tổ chức đơn vị hành chính thời Trần sẽ quyết định tới cơ cấu tổ chức quân đội và cơ cấu tổ chức quân đội sẽ giúp ta nhận chân nhan đề tác phẩm của Trần Quốc Tuấn.
Nhà Trần hình thành cuối năm 1225 và tổ chức đơn vị hành chính theo mô hình thái ấp. Ngô Sĩ Liên từng nhận xét: “Chế độ nhà Trần, các vương hầu đều ở phủ đệ ở hương(7) mình, khi chầu hầu thì mới đến Kinh sư, xong việc lại về. Như Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp, Thủ Độ ở Quắc Hương, Quốc Chẩn ở Chí Linh, đều thế cả… Vả lại, như năm Đinh Tị đời Nguyên Phong (1257), giặc Nguyên vào cướp, các vương hầu cũng đem người nhà và hương binh thổ hào làm quân giúp vua; trong cuộc biến loạn đời Đại Định (1370) lại đem người thôn trang đi đón vua, cũng là làm cho thế nước vững mạnh” (tr.34). Với cách tổ chức hành chính như vậy, mỗi vương hầu đều có quân đội riêng và quân đội của ai, người ấy chịu trách nhiệm nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí… Khi quốc gia hữu sự, các vương hầu có nghĩa vụ đem quân tới giúp triều đình. Việc xong, quân lính lại trở về chịu sự cai quản của các vương hầu. Còn chế độ điền trang, Ngô Sĩ Liên cho biết, bắt đầu có từ tháng 10 năm 1266 (tr.83).
Đọc Đại Việt sử kí toàn thư ta thấy tác giả đề cập rất nhiều tới quân đội riêng của các vương hầu. Chẳng hạn: tháng 10 năm 1282 vì còn bé, không được dự hội nghị bàn việc đánh giặc, Trần Quốc Toản tức giận trở về “huy động gia nô và thân thuộc được hơn nghìn người, làm binh khí, đóng chiến thuyền, đề 6 chữ Phá cường địch, báo hoàng ân vào lá cờ” (tr.53-54). Cho dù tháng 10 năm 1283 Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn được tiến phong làm Quốc công tiết chế, “thống lĩnh thiên hạ chư quân sự” (tr.54), nhưng thực chất quân đội vẫn nằm trong tay các vương hầu ở thái ấp và điền trang. Chứng cứ là, tháng 8 năm sau - năm 1284, “Hưng Đạo vương đòi điều động các quân của vương hầu để đại duyệt ở bến Đông” (tr. 55). Rồi đến, ngày 26 tháng 12 năm đó, ông lại “vâng lệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn người mạnh khỏe làm quân tiền phong, vượt biển vào Nam…; các quân nghe thế, không quân nào là không đến tụ họp…    Hưng Vũ vương Nghiễn, Minh Hiếu vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện đốc suất quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn, cộng 20 vạn quân đến họp ở Vạn Kiếp, theo sự điều khiển của Hưng Đạo vương để chống quân Nguyên” (tr.55-56). Tháng 6 năm 1286 nhà vua lại “sai các vương hầu tôn thất đều mộ binh và thống lãnh quân thuộc hạ của mình” (tr.63) để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba. Và chính Trần Quốc Tuấn trong tác phẩm nói trên cũng khẳng định: “Chẳng những thái ấp của ta không còn…”. Chế độ thái ấp, điền trang và quân đội nằm trong tay các vương hầu tồn tại cho đến khi nhà Trần sụp đổ.
Nếu tự đặt nhan đề bài văn của Trần Quốc Tuấn là Hịch tướng sĩ, vô tình ta đã phạm ít nhất 3 sai lầm:
- Thứ nhất, phủ định hiện thực lịch sử chế độ thái ấp, điền trang tồn tại hơn 150 năm của nhà Trần (1225 - 1400). Vào thời điểm ấy, nhờ chính sách lập thái ấp, điền trang với quân đội riêng của từng vương hầu mà triều Trần vững mạnh và đủ sức 3 lần chặn đứng không cho quân Mông Nguyên tràn xuống phía Nam và Đông Nam Á. Trần Quốc Tuấn tuy là Quốc công tiết chế, thống lãnh chư quân, nhưng chỉ là để điều động quân của các vương hầu chứ không huấn luyện quân thay cho họ.
- Thứ hai, phủ định sự khiêm tốn của Hưng Đạo vương. Ông chỉ “hịch” các tì tướng và chỉ tì tướng dưới quyền, chứ đâu dám “hịch” chư vị vương hầu ngang quyền với mình như Hưng Vũ vương Nghiễn, Minh Hiếu vương Uất, Hưng Nhượng vương Tảng, Hưng Trí vương Hiện…
- Thứ ba, rời bỏ chủ đề tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc của bài văn bởi bỏ mất chữ “dụ”. Nhờ tinh thần thương yêu các tướng lĩnh và binh lính dưới quyền như những người thân thiết ruột rà, như con em trong nhà mà quân đội nhà Trần có được sức mạnh bất khả thắng. Mặc dù viết hịch, nhưng “hịch” trên tinh thần “dụ”. Nếu đứng một mình, “dụ” có thể là một thể văn, nhưng trong nhan đề Dụ chư tì tướng hịch văn thì nó làm định ngữ cho “hịch văn”. Ở đây “dụ” hàm 2 nghĩa: khuyên răn, dạy dỗ, làm cho hiểu rõ… và nghĩa thứ hai là, lấy những dẫn chứng, những ví dụ làm luận cứ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản này có lắm ví dụ làm vậy! Nào là, Kỉ Tín cứu Cao đế, Do Vu bảo vệ Chiêu vương, Dự Nhượng báo thù cho chủ, Thân Khoái cứu nạn cho nước, Kính Đức phò Thái Tông, Cảo Khanh mắng An Lộc Sơn… Rồi Vương Công Kiên cùng tì tướng của ông là Nguyễn Văn Lập thời Tống, Cốt Đãi Ngột Lang cùng tì tướng Xích Tu Tư thời Nguyên… Và điều quan trọng hơn là, giọng văn trong bài hịch chứa chan tình cảm chân thành, thực bụng (Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…); mang tình thương yêu ruột thịt (không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm ; quan nhỏ thì…, lương ít thì…, đi thủy thì…, đi bộ thì…, lúc trận mạc xông pha thì…, lúc ở nhà nhàn hạ thì…) và khuyên răn chí tình (Chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng đời đời hưởng thụ, chẳng những gia quyến của ta…, mà vợ con các ngươi…) đúng như câu kết của bài văn: “Ta viết ra bài hịch này để các ngươi biết rõ(8) bụng ta”.
Tóm lại, từ quy luật đặt nhan đề tác phẩm văn học thời trung đại, đến tìm về bản gốc và đối chiếu với cơ cấu tổ chức quân đội thời Trần, ta có thể rút ra mấy nhận xét sau:
- Trần Quốc Tuấn không có tác phẩm nào gọi là Hịch tướng sĩ cả.
- Nhan đề Dụ chư tì tướng hịch văn vừa phù hợp với tổ chức nhà nước thời Trần, phù hợp với quy luật văn học trung đại, phù hợp với tư tưởng tình cảm và ý đồ sáng tác của Trần Quốc Tuấn, vừa giúp người dạy, người học định hướng thể loại tác phẩm, định hướng giá trị nội dung cũng như nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.
Thế mới hay, hiểu cho ra nhẽ nhan đề một tác phẩm văn học trung đại quả rất khó, đòi hỏi người soạn sách phải đầu tư nhiều công sức để tránh những nhầm lẫn không đáng có.

Chú thích:
(1) Ngữ văn 8 tập hai, Nxb. Giáo dục, 2004. Từ đây, khi trích dẫn, chúng tôi chỉ ghi số trang.
(2) B.L. Rip-tin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học Trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình, Tạp chí Văn học, số 2/1974, tr.114-115.
(3) Đại Việt sử kí toàn th­ư, tập IV, Nxb. KHXH, H. 1993, tr.205, bản chữ Hán. Nguyên văn nh­ư sau: 國峻嘗撰兵家妙理要略書以授諸裨将諭之以檄云.Từ đây viết tắt là Toàn th­ư.
(4) Bùi Huy Bích: Hoàng Việt văn tuyển, Hi Văn đ­ường khắc in năm 1825, Tồn Am gia tàng bản, Q7. Nguyên văn như­ sau: 陳興道大王諭諸裨将檄文.
(5) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử l­ược, Nxb Vĩnh & Thành, Hà Nội, in lần thứ hai, 1928, tr.117; Q1, Bộ Giáo dục Quốc gia, in lần thứ nhất 1917, tr.139.
(6) D­ương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nha Học chính Đông Pháp, H. 1943, tr.222 và tr.232.
(7) Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - thế kỉ XVII, Nxb. Văn hóa, 1962, tr.91. Tuy nhiên, trong Thơ văn Lí - Trần (tập II, Q thượng, KHXH, H. 1989, tr.387); Tinh tuyển VHVN, tập 3 (KHXH, H. 2004, tr.44), các soạn giả vẫn ghi là Dụ chư tì tướng hịch văn.
(8) Hương: Theo Đào Duy Anh, “hương là một đơn vị hành chính, lớn hơn xã và gần như huyện ở đời sau”. Đại Việt sử kí toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1971, in lần thứ hai, tr.280. Từ đây, trích trong tài liệu này, chúng tôi chỉ ghi số trang.
(9) Trong nguyên bản là “minh tri dư tâm”: biết rõ lòng ta. Nên thêm chữ “rõ” vào văn bản./.
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007; Tr.65-69)

22 tháng 4, 2012

TÌM HIỂU HỆ THỐNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT Ở NAM BỘ XƯA

TS. Phạm Phúc Vĩnh


Cách đây hơn 40 năm, xe lửa đã từng là một loại phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa quen thuộc của nhân dân nhiều tỉnh Nam bộ. Ngày nay, trừ Sài Gòn – Đồng Nai, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ khác bằng hệ thống giao thông đường sắt không còn nữa. Những gì còn sót lại của các tuyến đường sắt này là vài cây cầu sắt trơ móng và những kí ức phai mờ về những chuyến xe lửa với những hồi còi kéo dài hối hả đi về của người dân Nam bộ.
Nam bộ thời Pháp thuộc, nhiều thành tựu văn minh phương Tây được du nhập vào sớm hơn các nơi khác trong cả nước. Việc xây dựng, sử dụng và mở rộng hệ thống giao thông đường sắt ở Nam bộ cũng không ngoại lệ.
Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến đường sắt ở Nam bộ.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ NHẤT: SÀI GÒN – MỸ THO
Đầu năm 1881, thực dân Pháp đầu tư 11.652.000 Francs để xây dựng thí điểm 71km đường sắt đầu tiên nối liền hai thành phố lớn: Sài Gòn – Mỹ Tho.  Đây là tuyến đường sắt được Pháp cho xây dựng đầu tiên ở Việt Nam.
Tháng 7 năm 1882, đoạn đầu tiên của tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho nối Sài Gòn với Chợ Lớn dài 5km hoàn thành. Trong khi toàn tuyến chưa thể đưa vào khai thác, thực dân Pháp đã mở tuyến tàu điện Sài Gòn – Chợ Lớn cùng chạy song song với tuyến đường sắt này. Đến ngày 20 tháng 7 năm 1885, toàn bộ tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho hoàn thành và tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho cũng bắt đầu được chính thức đưa vào khai thác.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ HAI: SÀI GÒN – XUÂN LỘC – GIA RAY
Sau một thời gian đưa vào khai thác, tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả đó đã thúc đẩy chính quyền Pháp tính đến một kế hoạch xây dựng một hệ thống đường sắt lớn hơn.
Ngày 20 tháng 12 năm 1898, Pháp đã thông qua kế hoạch mở tuyến đường sắt xuyên Việt. Theo kế hoạch này, toàn tuyến đường sắt sẽ được xây dựng từng phần; mà trước hết là bắt đầu từ Hà Nội làm dần vào Nam và từ Sài Gòn làm dần ra Bắc, sau đó tiếp tục mở các tuyến ngắn nối các trung tâm lớn ở các tỉnh miền Trung rồi kéo dài và nối liền thành một hệ thống xuyên suốt Bắc – Nam.
Năm 1901, thực dân Pháp bắt đầu khởi công xây dựng đoạn đường sắt đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên Việt từ Sài Gòn ra Bắc. Đoạn này dài 81km nối liền Sài Gòn với Xuân Lộc (nay thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Ngày 14 tháng 1 năm 1904, 71km đường sắt đầu tiên của tuyến Sài Gòn – Xuân Lộc đã hoàn thành và đưa vào khai thác trước. Đến ngày 30 tháng 10 năm 1904, phần còn lại của tuyến đường này (dài 10km) cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Sau khi tuyến Sài Gòn – Xuân Lộc đi vào hoạt động, thực dân Pháp cho xây dựng nối dài thêm 18 km nữa đến Gia Ray (nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Đến ngày 25 tháng 8 năm 1905 thì hoàn thành và đưa vào khai thác.
Như vậy, đến tháng 8 năm 1905, tuyến đường sắt thứ hai ở Nam bộ dài 99km Sài Gòn – Xuân Lộc – Gia Ray đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Sau đó, tuyến này trở thành một phần của tuyến đường sắt xuyên Việt và cho đến nay nó là một phần của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ BA: SÀI GÒN – LỘC NINH
Trong khi đường sắt xuyên Việt sắp được hoàn thành, thực dân Pháp tiếp tục cho xây dựng thêm ở Nam bộ tuyến đường sắt thứ ba nối liền Sài Gòn với Lộc Ninh nhằm phát triển các đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ.
Năm 1933, Pháp bắt đầu khởi công đoạn đầu tiên của tuyến này từ Lộc Ninh đến Bến Đồng Sở và đưa vào khai thác trước. Sau đó tiếp tục làm đoạn từ Bến Đồng Sở đến Sài Gòn đến năm 1942 (có sách viết là năm 1950) thì hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến. Đây là tuyến đường sắt thứ 3, cũng là tuyến đường sắt cuối cùng mà thực dân Pháp xây dựng ở Nam bộ.
Ngoài ba tuyến đường sắt trên, thực dân Pháp còn có dự định mở rộng hệ thống đường sắt ở miền Tây Nam bộ trên cơ sở kéo dài tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho xuống Vĩnh Long rồi chia làm hai tuyến:
- Vĩnh Long – Long Xuyên – Châu Đốc – Phnom Penh (Campuchia).
- Vĩnh Long – Cần Thơ – Bạc Liêu
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, địa hình phức tạp... nên thực dân Pháp không thể triển khai và đến năm 1954, sau Hiệp định Genève, Pháp phải rút về nước.
Sau 1954, hệ thống đường sắt ở Nam bộ vẫn tiếp tục được chính quyền Sài Gòn khai thác. Tuy nhiên do chiến tranh, hoạt động của các tuyến vận tải đường sắt này bị gián đoạn liên tục, hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ và cuối cùng phải lần lượt ngừng hoạt động:
- Năm 1959, tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho ngừng hoạt động hoàn toàn.
- Năm 1964, tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh cũng phải ngừng hoạt động.

Như vậy, hệ thống đường sắt ở Nam bộ chỉ còn lại tuyến Sài Gòn - Xuân Lộc – Gia Ray thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam là vẫn còn hoạt động, còn lại hai tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, Sài Gòn – Lộc Ninh thì ngay cả những dấu vết còn lại của chúng giờ đây cũng không còn nhiều. Cách đây vài năm, ở Tân An (Long An) còn sót lại cây cầu sắt nhưng giờ cũng đã bị tháo gỡ chỉ còn lại hai móng ở hai đầu cầu, hầu hết hệ thống đường ray và cầu sắt của hai tuyến này cũng bị dỡ bỏ.

18 tháng 4, 2012

TRUNG QUỐC ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH BIỂN ĐÔNG

                                                                         Taylor Fravel

Tạp chí “Các vấn đề đối ngoại” của Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ gần đây đăng bài viết của ông Taylor Fravel, Phó Giáo sư Khoa học Chính trị thành viên Chương trình nghiên cứu an ninh của Viện Công nghệ Massachusetts, trong đó chỉ rõ, mấy năm gần đây Trung Quốc ngày càng sẵn sàng quyết đoán và bảo vệ các tuyên bố lãnh thổ trên Biển Đông.
Bắc Kinh công khai thách thức tính hợp pháp của các khoản đầu tư từ các công ty dầu lửa nước ngoài vào ngành năng lượng trên biển của Việt Nam và nhấn mạnh chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo và các vùng nước cách xa đất liền Trung Quốc, bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam gần các hòn đảo bị Trung Quốc chiếm giữ, đồng thời quấy rối các tàu thuyền của Việt Nam và Philippin đang thăm dò địa chấn ở các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Nhiều nước Đông Á coi thái độ của Trung Quốc như một dấu hiệu mới khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng theo đuổi sức mạnh đối đầu và đơn phương hơn trong khu vực. Nhưng gần đây Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận mới ôn hòa hơn. Mục tiêu chủ yếu của chính sách thân thiện hơn là khôi phục hình ảnh của Trung Quốc ở Đông Á và ngăn chặn Mỹ thúc đẩy vai trò trong khu vực.

          Dấu hiệu đầu tiên thể hiện cách tiếp cận mới của Trung Quốc diễn ra tháng 6/2011, khi Hà Nội phái một quan chức ngoại giao đặc biệt đến Bắc Kinh để thảo luận những bất đồng trên biển giữa hai nước. Chuyến thăm mở đường cho một thỏa thuận tháng 7/2011 giữa Trung Quốc và 10 nước thành viên ASEAN về việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002. Trong tuyên bố, các bên nhâst trí “kiềm chế những hành động gây phức tạp hoặc leo thang các bất đồng”. Từ mùa Hè năm ngoái, các quan chức cấp cao Trung Quốc, đặc biệt các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, thường xuyên nhấn mjnh nguyên tắc chỉ đạo của Đặng Tiểu Bình khi giải quyết các xung đột trên biển của Trung Quốc là chú trọng hợp tác kinh tế đồng thời trì hoãn giải pháp cuối cùng của các tuyên bố quan trọng. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc cũng bắt đầu nhấn mạnh vấn đề hợp tác. Từ tháng 8/2011 Ban Quốc tế của tờ Nhân dân Nhật báo, dưới bút danh Chung Thanh, đã công bố nhiều bài viết khẳng định Trung Quốc sẽ ít đối đầu trên Biển Đông. Tháng 1/2012, Chung Thanh thảo luận tầm quan trọng của hợp tác để đạt được các kết quả cụ thể. Do tờ Nhân dân Nhật báo là tờ báo chính thức của Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc, những bài báo như vậy có thể được coi là chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm giải thích chính sách mới đối với độc giả trong và ngoài nước.

Thực tế, Trung Quốc có nhiều tiến bộ trong việc gạt bỏ các bất đồng. Bên cạnh sự đồng thuận với ASEAN tháng 7/2011, tháng 10/2011 Trung Quốc đạt được một thỏa thuận với Việt Nam về “các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển”. Thỏa thuận nhấn mạnh tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển. Từ đó, hai nước thực hiện thoả thuận bằng cách thiết lập một nhóm công tác để
phân chia ranh giới và phát triên khu vực phía Nam của Vịnh Bắc Bộ gần các hòn đảo tranh chấp. Trung Quốc cũng bất đầu hoặc đã tham dự một số hội nghị nhằm giải quyết các mối lo ngại của khu vực trước sự quyêt đoán của Bắc Kinh. Ngay trước khi Hội nghị cấp cao Đông Á tháng 11/2011, Bắc Kinh loan báo sẽ thiết lập quỹ 3 tỷ NDT (476 triệu USD) về hợp tác trên biển giữa Trung Quốc-ASEAN trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, tự do hàng hải, tìm kiếm vả cứu hộ, chống tội phạm xuyên quốc gia trên biển. Sau đó, Trung Quốc tổ chức một số cuộc hội thảo về hải dương học và tự do hàng hải ở Biển Đông và tháng 1/2012, Bắc Kinh chủ trì một hội nghị của các quan chức cấp cao ASEAN nhằm thảo luận việc thực hiện Tuyên bố ứng xử năm 2002. Phạm vi của các hoạt động hợp tác cho thấy cách tiếp cận mới của Trung Quốc vẫn chỉ là chiến thuật tạm thời. Ngoài các nỗ lực mới để thể hiện Trung Quốc sẵn sàng theo đuổi cách tiếp cận hợp tác hơn, Bắc Kinh cũng ngừng thái độ quyết đoán hơn so với giai đoạn từ năm 2009-2011. Ví dụ, từ năm 2010, các tàu tuần tiễu của Cục Quản lý Đánh bắt cá Trung Quốc ít khi bắt giữ các ngư dân Việt Nam hơn (Từ năm 2005-2010, Trung Quốc bắt giữ 63 tàu thuyền đánh cá và ngư dân Việt Nam cho đến khi họ nộp đủ tiền phạt mới trả tự do). Các tàu thuyền của Việt Nam và Philippin có thể tiến hành thăm dò dầu khí mà không bị Trung Quốc ngăn cản. Nhìn chung, gần đây Trung Quốc không gây khó khăn cho các hoạt động thăm dò ở các vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. Rõ ràng, Trung Quốc kiềm chế can thiệp vào các hoạt động như vậy để chứng tỏ họ đang theo đuổi lựa chọn trở thành một nước láng giềng thân thiện hơn.

Nhưng tại sao Trung Quốc theo đuổi cách tiếp cận ôn hòa hơn như vậy? Hơn bao giờ hết, Bắc Kinh nhận ra rằng cách tiếp cận quyết đoán đang ảnh hướng không tốt đến các lợi ích chính sách đối ngoại lớn hơn của Trung Quốc. Một nguyên tắc trong chiến lược quan trọng hiện nay của Bắc Kinh là duy trì quan hệ thân thiện với các nước lớn, các nước láng giềng chung biên giới và thế giới đang phát triển. Thông qua những hành động trên Biển Đông, Trung Quốc đã phá huỷ nguyên tắc này và làm mất đi hình ảnh thân thiện ở Đông Nam Á mà Trung Quốc xây dựng được trong thập kỷ trước. Bắc Kinh đã tạo nên mối quan tâm chung giữa các nước khu vực trong việc chống Trung Quốc và khiến các nước này quay sang tìm kiếm sự ủng hộ của Oasinhtơn. Bằng cách làm đó, hành động của Trung Quốc đã tạo cơ hội cho Mỹ can dự lớn hơn trong khu vực và đưa các bất đồng Biển Đông vào mối quan hệ Mỹ-Trung. Mùa Thu năm ngoái, Trung Quốc nhận thấy họ đã đi quá xa. Hiện nay Bắc Kinh muốn tăng hình ảnh ôn hòa hơn trong khu vực để ngăn chặn khả năng hình thành một nhóm nước châu Á liên kết với nhau chống Trung Quốc, ngăn chặn ý đồ của các nước Đông Nam Á thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Mỹ, đồng thời làm suy yếu vai trò lớn hơn của Mỹ trong các bất đồng và khu vực. Đến nay, cách tiếp cận mới của Bắc Kinh dường như đang hiệu quả, đặc biệt với Việt Nam. Trung Quốc và Việt Nam đang tăng cường quan hệ thông qua các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên. Các chuyến thăm của Tổng Bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh tháng 10/2011 và của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội tháng 12/2011 nhằm củng cố tinh thần và bảo vệ mối quan hệ song phương rộng lớn hơn không bị ảnh hưởng bởi các bất đồng lãnh thổ trên Biển Đông. Tháng 10/2011, hai nước cũng nhất trí kế hoạch 5 năm nhằm thúc đẩy thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015. Và tháng 2/2012, bộ trưởng ngoại giao hai nước nhất trí thành lập các nhóm công tác về các vấn đề như tìm kiếm và cứu hộ trên biển, thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ ngoại giao, bắt đầu đàm phán việc phân chia ranh giới Vịnh Bắc Bộ.

Mặc dù bầu không khí hiện nay trên Biển Đông có vẻ lắng xuống, nhưng Biển Đông có thể tiếp tục xảy ra những bất đồng trong thời gian tới. Bởi vì, thời tiết xấu đã hạn chế hoạt động của các tàu cá và các công ty dầu khí trên Biển Đông. Nhưng khi các hoạt động đánh bắt cá và thăm dò dầu khí trở lại trong mùa Xuân, các sự kiện có thể tăng lên. Nhưng cách tiếp cận mới của Trung Quốc khiến nhiều người hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc để thay thế Tuyên bố 2002 và tiếp tục hạn chế. những hành động đơn phương. Nhưng do cách tiếp cận mới phản ánh lô gíc chiến lược, nó có thể kéo dài và cho thấy sự thay đổi chính sách đối ngoại quan trọng hơn của Bắc Kinh. Khi Đại hội Đảng lần thứ 18 đang đến gần, các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn một môi trường bên ngoài ổn định vì sợ rằng một cuộc khủng hoảng quốc tế sẽ làm đảo lộn các kế hoạch thay thế lãnh đạo cuối năm nay. Và mặc dù sau khi các nhà lãnh đạo Đảng mới được bầu chọn, họ cũng sẽ tìm cách tránh các cuộc khủng hoảng quốc tế đồng thời củng cố quyền lực và chú trọng các thách thức trong nước. Cách tiếp cận ôn hòa hơn của Trung Quốc trên Biển Đông cũng cho thấy một bằng chứng nữa: Trung Quốc sẽ tìm cách tránh kiểu chính sách đối đầu như họ theo đuổi với Mỹ năm 2010. Như trong chuyến thăm Oasinhtơn hồi tháng Hai, ông Tập Cận Bình khẳng định Mỹ không cần lo sợ phản ứng của Bắc Kinh đối với chiến lược trở lại châu Á. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ dựa vào các công cụ ngoại giao và kinh tế thông thường chứ không phản ứng quân sự trực tiêp đối với chiến lược này. Bắc Kinh cũng không thể quyết đoán hơn nếu điều đó khiến các nước Đông Nam Á tăng cường quan hệ với Mỹ. Chưa biết cách tiếp cận mới của Bắc Kinh có thể kéo dài hay không, nhưng ít nhất nó cũng thể hiện Trung Quốc có thể điều chỉnh chính sách đối ngoại của họ. Đây là dấu hiệu tốt cho sự ổn định trong khu vực.
***
TTXVN (Giacácta 9/4)
Nếu ý kiến về những tranh chấp chủ quyền biển đảo, tranh chấp về các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trên Biển Đông (khu vực quần đảo Trường Sa) và phụ cận, tác giả Robert Beckman – Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế và là Phó Giáo sư tại Khoa Luật – Đại học Quốc gia Xinhgapo vừa có bài viết, được đăng trên tờ “Bưu điện Giacácta” , nhan đề “Tranh chấp trên Biển Đông: Liệu Bắc Kinh có một tuyên bố hợp pháp?”

Giữa lúc các cuộc tranh cãi pháp lý và tranh chấp trên thực tế giữa các bên liên quan trên Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tác giả Robert Beckman đã nêu một số phân tích, nhận định đáng xem xét về một số qui định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), tình hình thực tế, và viện dẫn một số nội dung để cho rằng Trung Quốc có lý khi khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển xung quanh một số đảo của quần đảo Trường Sa. Theo đó, việc Bắc Kinh phản đối kế hoạch thăm dò dầu khí tại một số lô ngoài khơi đảo Palawan (thuộc chủ quyền Philippin) mà Manila mới loan báo có thể được coi là một hành động hợp pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.

Trong bài viết này, tác giả cũng nêu ý kiến liên quan đến “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, lập trường còn nhiều khác biệt của Trung Quốc và Philippin về việc xác định tính chất cấu trúc đảo, đá trên biển, phạm vi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các cấu trúc đó, cũng như cổ vũ cho chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác”. Dưới đây là nội dung bài viết:

Sau một vài tháng khá yên lắng vừa qua, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippin trên Biển Đông đã lại bùng phát. Va chạm giữa Philippin và Trung Ọuốc được kích hoạt bởi một thông báo của Manila rằng nước này sẽ thiết lập các lô mới ngoài khơi đảo Palawan để khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí. Trung Quốc đã phản đối với lập luận một số lô nói trên nằm trong những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố có quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Câu hỏi quan trọng là liệu Trung Quốc có một tuyên bố hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế về quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với những khu vực bao trùm những lô thăm dò đó hay không. Và nếu như vậy, thì có nghĩa là các lô thuộc diện tranh cãi nằm trong một “khu vực tranh chấp”, và, sự phản đối của Trung Quốc trước hành động đơn phương của Philippin là hợp lệ.

Đường đứt quãng chín đoạn “đầy tai tiếng” thể hiện trên bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông gợi ý các nhà phê bình miêu tả tuyên bố của Trung Quốc như là một tuyên bố về “chủ quyền lãnh hải”; họ cho rằng hoặc là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với tất cả các vùng nước trong đường chín đoạn hoặc là đối với 80% diện tích Biển Đông.

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại rằng Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc đã không hoàn toàn làm rõ đường đứt quãng chín đoạn, song trong một công hàm ngoại giao chính thức gửi Liên hợp quốc, Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển liền kề.
Có một nhất trí chung là khi nói đến “các vùng biển liền kề”, người ta hiểu đó là những vùng biển nằm trong phạm vi 12 hải lý tính từ bất cứ lãnh thổ đất liền nào, kể cả các đảo. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã tuyên bố trong công hàm ngoại giao chính thức rằng quần đảo Trường Sa được hưởng một EEZ và thềm lục địa theo quy định của pháp luật Trung Quốc và theo UNCLOS năm 1982. Một quốc gia không có chủ quyền trong EEZ hoặc trên thềm lục địa, nhưng lại có “quyền chủ quyền” và quyền tài phán với mực đích thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên dưới đáy biển, trong lòng đất thuộc EEZ, cũng như trên vùng thềm lục địa của mình.

Philippin tuyên bố có quyền chủ quyền để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí tại các lô thuộc Bãi cỏ Rong, vì Manila đã tuyên bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở kết nối các điểm ngoài cùng của hầu hết các hòn đảo ngoài cùng của quần đảo Philippin.

Philippin không tuyên bố EEZ hay thềm lục địa tính liền từ các đảo tranh chấp ở quần đáo Trường Sa. Thay vào đó, quan điểm của Philippin có thể là thậm chí một số cấu trúc gần Bãi cỏ Rong là những hòn đảo bởi vì chúng được hình thành tự nhiên như là những vùng đất đá nổi lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống, các đảo đó chỉ nên được hưởng phạm vi lãnh hải 12 hải lý, mà không phải là một vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.
Lập trường của Philippin dựa trên sự phân biệt được qui định trong UNCLOS 1982 giữa “đảo” và “bãi đá”. Mặc dù trên nguyên tắc đảo được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, còn “bãi đá”, nơi không thể duy trì hoạt động cư trú hay kinh tế của con người, chỉ được hưởng một vùng lãnh hải 12 hải lý.

Hiệu quả thực tế từ các quan điểm của Philippin là nhằm giảm các “khu vực tranh chấp” tại quần đảo Trường Sa và trong phạm vi 12 hải lý tiếp giáp. Do các lô tại khu vực Bãi cỏ Rong nằm cách xa các đảo tranh chấp hơn 12 hải lý, nên chúng không nằm trong các khu vực có tranh chấp, mà hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippin tính từ chính quần đảo này.
Trung Quốc duy trì lập trường cho rằng một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa nằm gần với Bãi cỏ Rong, chẳng hạn như Nanshan Island (đảo Vĩnh Viễn – tên Việt Nam), chính là những “hòn đảo” theo UNCLOS, vì nó được hình thành tự nhiên như là các khu vực đất đá nối lên trên mặt nước khi thủy triều xuống. Hơn nữa, Trung Quốc có thế duy trì lập luận một số các đảo này được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vì chúng có khả năng duy trì sự cư trú hay đời sống kinh tế của con người.

Nếu Trung Quốc tuyên bố rằng một số trong những hòn đảo nằm gần Bãi Cỏ Rong được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thì Bắc Kinh có thế duy trì lập luận nước này có quyền chủ quyền và quyền tài phán theo UNCLOS để thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí ở các khu vực đó. Bởi vậy, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ các đảo tranh chấp sẽ chồng chéo với các vùng đặc quyền kinh tế của Philippin tính từ quần đảo Philippin.

Nếu các lô đang tranh cãi gần Bãi cỏ Rong nằm trong khu vực tranh chấp, điều này sẽ có ý nghĩa đối với các hoạt động có thể được tiến hành hợp pháp bởi Philippin và Trung Quốc. Các phán quyết của trọng tài quốc tế gần đây cho thấy các hoạt đông đơn phương thăm dò và khai thác trong khu vực tranh chấp là “trái với UNCLOS”, đặc biệt nếu chúng liên quan đến hoạt động khoan đáy biển.

Giờ đây, có thể nói rằng Trung Quốc có cơ sở theo UNCLOS và luật pháp quốc tế để khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí trong vùng biển xung quanh một số đảo của quần đảo Trường Sa. Theo đó, việc Trung Quốc phản đối Philippin có thể được coi là một hành động hợp pháp nhằm bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.

Cách tốt nhất trước mắt có thể là hai nước gác sang một bên các tranh chấp về chủ quyền và tranh chấp về đảo hay bãi đá, tiến hành đàm phán để xác định các khu vực tranh chấp có thể là nơi triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển. Cùng lúc, hai nước cần kiềm chế và không có bất kỳ hoạt động đơn phương nào làm trầm trọng thêm các tranh chấp vốn đã phức tạp./.
Nguồn: TTXVN (Niu Yoóc 10/4)/BS

12 tháng 4, 2012

CÁC KHO SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XIX

                                                                          Nguyễn Tô Lan

Thư tịch kí tái thành tựu phát triển của mỗi dân tộc và là một trong những nguồn tư liệu quý giá bên cạnh bằng chứng về dân tộc học, khảo cổ học v.v… để phục dựng diện mạo dân tộc đó. Cũng như vậy, thư tịch Hán Nôm - sách vở được biên soạn bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Việt Nam là bộ phận quan trọng trong văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Hệ thống thư tịch này chuyên chở văn hóa Việt Nam thời phong kiến với hơn 10 thế kỉ có số lượng đồ sộ và nội dung phong phú. Từ khi đất nước bước vào kỉ nguyên độc lập cho đến nay, dân tộc Việt Nam đã đời này qua đời khác nối tiếp nhau tiến hành các hoạt động sưu tầm, thu thập, lưu trữ, nhân bản, phân loại v.v… thư tịch Hán Nôm nhằm bảo vệ và lưu truyền kho di sản này của dân tộc. Vì vậy, ngay từ sớm các kho lưu trữ thư tịch (kho sách) đã được xây dựng. Đáng tiếc thông tin về những kho sách này rất ít ỏi, nhất là những kho sách do các triều đại trước thế kỉ XIX (trước triều Nguyễn) thành lập. Bài viết mong muốn cung cấp một số thông tin dù rất ít ỏi về những kho sách này.
1. Đời Lý (1010 - 1225)
Trong giai đoạn đầu của chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Đinh (968 - 980) và nhà Tiền Lê (980 - 1009) ngoài việc củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế đã chú trọng giáo hóa và ra sức truyền bá đạo Phật, phát triển Đạo giáo. Có cơ sở từ trong thời kỳ Bắc thuộc với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, tầng lớp tăng lữ Việt Nam lúc bấy giờ phát triển mạnh với số lượng đông đảo. Đây cũng chính là đội ngũ trí thức tham gia vào công việc điều hành đất nước(1), hơn nữa cũng là tầng lớp có tiếng nói quan trọng trong các quyết định của triều đình. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi. Nam Việt Vương Đinh Liễn đã cho xây 100 tòa bảo chàng(2) tại Hoa Lư. Những điều này khiến ta có thể tin rằng giai đoạn này cũng có thể có cơ sở cho sự tồn tại của những cơ sở tàng trữ thư tịch ít nhất là thư tịch Phật giáo trong các tự viện(3). Tiếc là hiện nay không còn dấu tích cũng như tài liệu nào ghi chép về những nơi như thế. Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhà Lý đã tập trung xây dựng chính quyền phong kiến, đây chính là thời kỳ mà dấu vết của những thư viện đầu tiên được ghi chép lại.
Kho kinh Trấn Phúc: Theo Việt sử lược năm Tân Hợi (1011) dưới triều vua Lý Thái Tổ: “… ở trong thành xây cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, nhà chứa kinh Trấn Phúc…”(4) Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư năm 1011: “… ở trong thành bên tả dựng cung Đại Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, làm kho Trấn Phúc”(5). Nếu theo mạch lạc của câu văn thì kho này thuộc về chùa Vạn Tuế, có khả năng được dùng làm nơi chứa kinh sách Phật giáo như Việt sử lược đã chép. Chưa rõ nhà chứa kinh này chứa kinh gì và trữ lượng bao nhiêu.
Kho Đại Hưng: Sử chép, vào năm 1018 đời vua Lý Thái Tổ: “Mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng”(5). Sau đó hai năm đến “Mùa thu, tháng 9, Nguyễn Đạo Thanh đi sứ về, xin được kinh Tam tạng; xuống chiếu cho Tăng thống là Phí Trí sang Quảng Châu đón”(6). Đến năm 1023, “Mùa thu, tháng 9, xuống chiếu chép kinh Tam tạng để ở kho Đại Hưng.”(7) Hiện vẫn chưa rõ địa điểm kho này ở đâu, chỉ biết nó lưu trữ bản chép lại bộ kinh Tam tạng xin được từ nhà Tống.
Nhà Bát giác: Năm Tân Dậu (1021) vua Lý Thái Tổ sai “làm nhà Bát giác chứa kinh”(8). Việc này xảy ra sau khi đã đem được bộ kinh Tam tạng về từ Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng đây chính là nơi lưu trữ bộ kinh này. Sau này, bộ kinh Tam tạng được chép lại, bản chép lại được giữ ở kho Đại Hưng.
Kho Trùng Hưng: Năm 1034 dưới triều vua Lý Thái Tổ, “Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến chùa Trùng Quang núi Tiên Du, sai dựng kho Trùng Hưng [để chứa kinh]”(9). Núi Tiên Du ở huyện Tiên Du, nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh còn có tên gọi khác là Phật Tích hoặc Lạn Kha. Ở đây, nhà Lý đã cất pho kinh Đại tạng. Pho kinh này có được là do cùng năm này, vua Lý Thái Tổ đã “sai Viên ngoại lang là Hà Thụ, Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống hai con voi thuần. Nhà Tống lấy kinh Đại tạng để tạ”(10). Đến năm 1036, “tháng 2, xuống chiếu chép kinh Đại tạng cất ở kho Trùng Hưng”(11). Như vậy, kho Trùng Hưng là một bộ phận của chùa Trùng Quang, chuyên để chứa kinh Đại tạng do triều đình sai người chép từ bộ kinh được nhà Tống tặng.
Kho sách của Quốc tử giám: Năm 1070, vua Lý Thánh Tông sai dựng Văn miếu ở Thăng Long(12), đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám”(13). Như vậy, ít nhất là đến 1076 Quốc tử giám đã đi vào hoạt động với tư cách là trường học do nhà nước thành lập. Cùng với việc bắt đầu thi Minh kinh Bác học và thi Tam trường vào năm 1075, việc thi cử theo lối Nho học dần dần được phổ biến. Chúng ta có cơ sở để tin rằng tại Quốc tử giám ít nhất cũng lưu trữ một số bộ kinh điển Nho học để phục vụ trực tiếp cho việc học hành và thi cử(15).
Bí thư các và Hàn lâm viện: Sử chép, năm 1086 “Mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ”(16). Năm sau 1087, “Mùa xuân, tháng 3, dựng Bí thư các”(17). Đây là hai cơ quan mà các triều đại phong kiến thường tập trung giấy tờ sách vở của triều đình. Nhất là Bí thư các vốn là nơi lưu giữ các bản khắc và in sách đã được vua ngự lãm. cho phép lưu hành. Do vậy, rất có khả năng dưới thời Lý, hai nơi này cũng đã lưu trữ thư tịch.
2. Đời Trần (1225 - 1400)
Quốc tử viện, Quốc học viện, Quốc sử viện, Bí thư các: Tháng 10 mùa đông năm 1236, vua Trần Thái Tông “cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học”(18), đến tháng 9 lại “vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư, lục kinh”(19). Bên cạnh Quốc tử viện là Quốc học viện được thành lập vào tháng 6 năm 1253(20). Hai nơi này được thành lập để cho con em quí tộc triều Trần học tập. Hai cơ quan này đồng thời cũng là nơi có tàng trữ thư tịch, phần lớn là dành cho việc học tập và giảng dạy(21).
Bên cạnh hai viện này, triều Trần còn thiết lập Quốc sử viện để thúc đẩy việc biên soạn sách sử như các bộ sử ký, thực lục v.v…(22) của triều đình và những thư tịch liên quan. Sử quan Lê Văn Hưu, người chấp bút Đại Việt sử ký toàn thư cũng chính là một thuộc quan của cơ quan này(23). Vì vậy, bên cạnh chức năng biên soạn, Quốc sử viện ắt cũng là nơi lưu trữ các tư liệu để viết sử.
Bí thư các dưới đời Trần tiếp tục là nơi lưu trữ các giấy tờ của triều đình. Thư tịch được biên soạn dưới triều Trần cũng đã phong phú hơn, có các trước tác ở nhiều lĩnh vực như y học, quân sự, triết học, sử học v.v… Bí thư các đồng thời cũng là nơi nhà nước cho xuất bản hoặc tái bản những thư tịch được phép lưu hành trong cả nước.
Kho kinh ở phủ Thiên Trường: Sử chép, vào năm Ất Mùi, năm thứ 3 đời vua Trần Anh Tông, “Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, sứ Nguyên Tiêu Thái Đăng sang. Vua sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành.”(24) Như vậy, vào đời Trần lại xuất hiện một cơ sở lưu trữ kinh Đại tạng xin về từ Trung Quốc, hơn nữa lại in thêm bản khác để lưu hành. Có thể thấy hoạt động in ấn ở triều Trần đã có bước tiến rõ rệt. Khác với đời Lý khi đem kinh Đại tạng về, chỉ cho sai chép thêm một bản cất vào kho. Dưới triều Trần, có nhiều bộ sách về tôn giáo đã được in ấn và phát hành trong cả nước như Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức(25) v.v… Như thế, có lẽ không chỉ ở Thiên Trường - đất thang mộc của triều Trần mà còn có những nơi lưu trữ và in ấn kinh sách khác trong cả nước.
Thư viện Hoàng gia ở núi Lạn Kha: Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, phần lời chua của sử quan triều Nguyễn có chép: “Cung Bảo Hòa: Ở núi Lạn Kha (nay đổi là Phật Tích), huyện Tiên Du. Theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đời Minh, nhà Trần có dựng ra Lạn Kha thư viện, dùng danh nho Trần Tôn làm viện trưởng, dạy các sinh đồ. Nhà vua thường đến chơi. Vậy cung Bảo Hòa là ở đó”(26). Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cũng chính tại đây vào mùa xuân tháng 2 năm 1384, Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cũng chính là nơi dựng cung Bảo Hòa. Đến mùa hạ, tháng 5 lại chọn số Thái học sinh còn lại cho làm thư sử ở cung Bảo Hòa [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.169-170]. Ta có cơ sở để tin rằng cung Bảo Hòa bấy giờ là một cung của Thái thượng hoàng triều Trần, cung này vừa là nơi Thái thượng hoàng sinh hoạt vừa là một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức thi cử lại có các bộ phận biên chép và lưu trữ sách vở. Nhất là sau sự biến năm 1371, Chiêm Thành đem quân vào cướp, tiến thẳng vào thành. “Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy mà sạch không.” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.154]. Không rõ cung Bảo Hòa được xây dựng từ khi nào, nhưng có thể nói tại thời điểm đó, đây là nơi còn lưu trữ được thư tịch của dân tộc. Chính ở đây, vào tháng 12 năm Quý Hợi (1383) Thái thượng hoàng nhà Trần đã ở đây, sai Thiêm tri Nội mật viện sự Nguyễn Mậu Tiên, Lang trung Bộ Lễ là Phan Nghĩa và gia thần Vũ Hiến hầu ở Tiên Du thay phiên nhau chầu chực. Ban cho ăn và hỏi các việc cũ, ghi chép từng ngày, biên soạn thành 8 quyển, đầu đề là Bảo Hòa dư bút (sách này còn được biết đến với tên Bảo Hòa điện dư bút) gồm 8 quyển, sách do Đào Sư Tích đề tựa ở đầu sách. Sách được làm ra để dạy bảo Quan gia (tức đương kim hoàng thượng).
3. Lê (1428 - 1778)
Quốc tử giám, Sử quán, Bí thư sảnh, Đông các: Quốc tử giám vốn vẫn là nơi tập trung sách vở dành cho việc giảng tập, đồng thời cũng là nơi lưu giữ ván in sách để cấp phát cho các trường học ở cấp phủ, cấp huyện v.v... Như năm 1467: “Ban cấp bản in sách Ngũ kinh của nhà nước cho Quốc tử giám, theo lời tâu của Bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.419]. Cùng với sự quan tâm tới học tập và thi cử dưới thời Lê mà quy mô của Quốc tử giám ngày càng được mở rộng, các định lệ về hoạt động ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Cũng theo đó, số lượng sách và ván in ngày càng nhiều lên. Nếu như vào đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo quy mô cũ và còn thiếu thốn nhiều thì vào năm Quý Mão (1483) vua Lê Thánh Tông cho sửa rộng thêm ra và “đặt thêm kho Bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách” [Đại Nam thực lục, tập 1, tr.1161]. Hiện chưa rõ số sách được lưu trữ tại đây.
Sử quán là cơ quan đặc biệt phát triển dưới thời Lê. Sử quán tập hợp đội ngũ những bậc đại khoa, nhà bác học của triều đình để thực hiện công việc trước tác quốc sử này. Nơi đây vừa là nơi ghi chép những diễn biến của triều đại đương quyền, nơi biên soạn sách sử, vừa là nơi lưu trữ các tài liệu liên quan dùng để làm căn cứ biên soạn sử. Không ngoại trừ, bên cạnh Quốc tử giám, Sử quán cũng là một cơ sở in ấn sách của triều đình. Các bộ sử được liên tục biên soạn, có thể kể đến: năm 1479, vua “Sai Sử quán Tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển” [16, tập 2, tr.473] và khi bộ sử này làm xong nó đã được lưu trữ ở nơi đây năm 1483 vua ra sắc dụ cho Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn các sách Thiên Nam dư hạ tậpThân chinh ký sự [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.516]; năm 1511, Vũ Quỳnh dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép tường tận theo lối kỷ niên các triều đại gồm 26 quyển [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.58]; năm 1519, vua sai Đặng Minh Khiêm biên soạn Đại Việt lịch đại sử ký [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.93] v.v… Từ đó, có thể hình dung được rằng số lượng sách được lưu trữ ở đây là không nhỏ.
Bí thư sảnh nối tiếp Bí thư các những đời trước. Chức năng đầu tiên của Bí thư sảnh triều Lê là nơi lưu trữ thư tịch của triều đình và do triều đình sưu tầm được. Trong niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1489) vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần ra những lệnh sưu tầm sách vở như lệnh năm 1467 “Ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố Hàn lâm Thừa chỉ Học sĩ Nguyễn Trãi” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.416]; chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay do các nhà tư nhân cất giữ [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.100]. Khoảng trong những năm niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) vua lại hạ chiếu cầu những sách còn sót lại đem chứa cất ở Bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền, đều được khen thưởng nhiều. Do đó, các sách của đời trước cũng dần dần được đưa ra(27). Sử cũng đã chép về việc các vua đời Lê thường vào đây để xem sách, như vua Nhân Tông, vào Bí thư các xem sách vở, thấy các bản sách của Ức Trai còn sót lại(28). Chức năng thứ 2 của Bí thư các là nơi lưu trữ sách sử do triều đình biên soạn: Trong khoảng năm 1533 - 1662, bộ Bản kỷ tục biên do Phạm Công Trứ cùng các tể thần tham khảo sử cũ để biên soạn đã được cho khắc in, còn sách thì cất giữ ở nơi đây(29) hoặc là nơi nhân bản thư tịch như khi Vũ Quỳnh dâng Việt giám thông khảo lên, vua Lê Tương Dực đã khen là không việc gì là không chép hết và “lại sai bọn Bí thư giám là bọn Hoàng Khu sao chép ra một bản nữa, để truyền lại lâu dài.”(30)
Đông các cũng là nơi chứa thư tịch của triều đình. Đơn cử như những sách sưu tầm được trong dân gian vào khoảng niên hiệu Hồng Đức đã được đưa vào Đông các cất giữ (theo lời sử gia Ngô Sĩ Liên [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.100]). Đồng thời, các nho thần ở Đông các cũng tham gia tích cực vào việc biên soạn các bộ sách lớn của triều đình, có người còn được vua ban cho sách, như năm 1496, Đào Cử được sung làm Hàn lâm viện Thị giảng Đông các Học sĩ được vua ban cho một bộ Thiên Nam dư hạ tập [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.516].
Thư viện Bồng Lai: Theo Thượng kinh phong vật chí(31) thì tại thành Thăng Long, đời Lê có thư viện gọi là thư viện Bồng Lai. Hiện chưa rõ cách thức tổ chức và chủng loại thư tịch được lưu trữ ở đây.
Dưới triều Lê, số lượng thư tịch của dân tộc tăng lên về số lượng, các bộ sách lớn được biên soạn, khắc in và lưu hành. Nhiều bản in các sách được thực hiện, kể cả sách của Trung Quốc như năm 1435 hoàn thành ván khắc mới sách Tứ thư đại toàn [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.335] v.v… Hàng năm, số lượng sách công ban xuống các phủ không phải là ít, như các sách “Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Cương mục cùng các loại sách thuốc” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.490]. Đó là chưa kể đến việc triều đình liên tục ban hành các sách do triều đình biên soạn trong cả nước, đặc biệt là các điều luật, quy định mới v.v.. như năm 1511, triều đình ban sách Trị bình bảo phạm cho cả nước, gồm 50 điều [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.58]. Đây là cơ sở để ta có thể tin rằng dưới triều Lê có không ít các trung tâm lưu trữ hoặc thư viện lớn của nhà nước, ngoài ra còn có các cơ sở in ấn, nhân bản. Đời Mạc cũng có nhiều cố gắng trong việc thu thập sách vở(32) nhưng tiếc là sau nhiều sự biến và loạn lạc mà số sách còn lại ngày nay không được bao nhiêu.
4. Tây Sơn (1778 - 1802)
Theo sách La Sơn phu tử(33), thư viện Sùng Chính được thành lập năm Quang Trung thứ 4 (1791) tại làng Nam Hoa (nay là Nam Kim, Thanh Chương, Nghệ An) do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Đây vừa là nơi để sách, vừa là nơi dịch chú các sách kinh điển chữ Hán do các nhà Nho dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiếp đảm nhiệm. Trong một thời gian ngắn, nơi đây đã dịch chú được một số tác phẩm kinh điển của Nho gia sang chữ Nôm. Hiện chưa rõ số lượng sách tàng trữ.

CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.212]: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971]. Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo… Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”.
(2) Theo Phật đỉnh tôn thắng gia cú linh nghiệm Đà la ni, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam [tr.54-56].
(3) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.235] “Mùa xuân Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại tạng.”
(4) Việt sử lược [tr.75].
(5) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.242].
(6) (7) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.246].
(8) (9) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.247].
(10) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.256].
(11) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.257].
(12) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.258].
(13) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.275]: “Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu…Hoàng Thái tử đến học ở đây.”
(14) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.280].
(15) Tác giả Phan Văn trong Giáo trình thư viện học đại cương [tr.20] có viết: “Năm 1076, nhà vua mở Quốc tử giám để chăm lo giảng thuật Nho giáo, các sách giáo khoa được phổ biến rộng rãi và nhập vào thư viện càng nhiều. Do đó, ngoài những kho sách tàng kinh đã có, một thư viện đúng với nội dung của nó đã được xây dựng bên cạnh Quốc tử giám (1078)”. Chúng tôi chưa tìm được tài liệu gốc của thông tin này nên đưa vào đây để tiện tham khảo.
(16) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.281].
(17) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.282].
(18)(19)(20) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.15].
(21) Tác giả Phan Văn trong Giáo trình thư viện học đại cương [tr.20] viết: “Năm 1253, Quốc học viện được thành lập, để cho các Nho sinh học tập, có kho chứa sách, phòng đọc sách, có thầy giảng dậy, có nơi để học sinh lưu trú.”
(22) Có thể kể đến các bộ như Trung hưng thực lục, Hoàng triều Đại điển, Hình thư, Đại Việt sử ký v.v… hiện đều đã mất.
(23) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.38] chép “… Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển dâng lên...”
(24) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.73].
(25) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.78].
(26) Khâm định Việt sử thông giám cương mục [tập 1, tr. 669].
(27) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Bài tựa Nghệ văn chí [tr.101].
(28) Theo Dư địa chí thông luận, bài của Lý Tử Tấn chép ở phần đầu sách Dư địa chí, Ức Trai tập. Chuyển dẫn theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.48].
(29) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.93] “… đặt tên là Bản kỷ tục biên, giao cho khắc in, mười phần mới chừng được năm, sáu. Nhưng công việc chưa xong, sách còn giữ ở Bí các”.
(30) Theo bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, chuyển dẫn theo bản dịch của Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.64].
(31) Chuyển dẫn theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.14].
(32) Theo Lê Quý Đôn trong bài tựa sách Nghệ văn chí, Đại Việt thông sử [tr.101]: “Đến đời Ngụy Mạc, dần dần những sách vở ấy cũng được thu thập biên chép lại.” (“Sách vở ấy” ở đây là những thư tịch tài liệu bị rơi vãi trong loạn Trần Cảo năm 1516.)
(33) Chuyển dẫn theo Trần Nghĩa, bài Dẫn luận, sách Đề yếu [tập 1, tr.19]: La Sơn phu tử, Nxb. Minh Tân, 1952, tr.148.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phan Văn Các, Claudine Salmon (chủ biên), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến thời Lý, École francaise d’Extrême - Orient và Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Paris - H. 1998, 282 tr.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1998, 4 tập.
  3. Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H.. 1978, 402 tr.
  4. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam, tập 1: Thư viện Quốc gia xuất bản, H., 1970, 405 tr.; tập 2: Nxb. KHXH, H., 1990, 279 tr.
  5. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (phiên dịch và chú giải), Đinh Khắc Thuân (đối chiếu, chỉnh lý), Nxb. Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2005, 468 tr.
  6. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu.Trần Nghĩa, François Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993, tập 1: A - H; tập 2: I - S; tập 3: T - Y.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, 36 tập.
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H. 1998, 2 tập.
  9. Phan Văn: Giáo trình Thư viện học đại cương, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, H. 1983, 216 tr./. 
  10. Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.533-544

7 tháng 4, 2012

MỘT SỐ KINH NGHIỆM ÔN TẬP MÔN LỊCH SỬ HIỆU QUẢ

TS. Phạm Phúc Vĩnh
(Giảng viên Trường Đại học Sài Gòn)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2012, trong đó có môn Lịch sử. Đây là môn học được nhiều học sinh cho là “khó nuốt” nhất trong kì thi tốt nghiệp năm nay. Làm sao để ôn tập môn Lịch sử có hiệu quả vẫn là một câu hỏi khó đối với các bạn học sinh lớp 12. Dưới đây, tôi xin nêu ra một số kinh nghiệm nhỏ với mong muốn giúp các bạn học sinh ôn tập có hiệu quả hơn môn Lịch sử.
1. Nắm tổng thể nội dung của chương trình trước khi học các nội dung cụ thể
Để không bị lạc vào trong khối sự kiện quá lớn của chương trình Lịch sử lớp 12, trước khi ôn tập từng nội dung cụ thể, các bạn cần phải nắm một cách khái quát về tiến trình lịch sử:
Phần Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 2000 được trình bày theo tiến trình lịch sử: Giai đoạn 1919 – 1930 (gồm 2 giai đoạn nhỏ: 1919 – 1925 và 1925 - 1930); Giai đoạn 1930 – 1945 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 1930 – 1931, 1931 – 1935, 1936 – 1939 và 1939 – 1945); Giai đoạn 1945 – 1954 (gồm 4 giai đoạn nhỏ: 02/9/1945 - 19/12/1946, 1946 – 1950, 1951 - 1953 và 1953 – 1954); Giai đoạn 1954 - 1975 (gồm 5 giai đoạn nhỏ: 1954 – 1960, 1961 – 1965, 1965 – 1968, 1968 – 1973 và 1973 – 1975) và Giai đoạn 1975 đến 2000 (gồm 3 giai đoạn nhỏ: 1975 – 1976, 1976 – 1986 và 1986 - 2000). Dựa vào phân kì lịch sử này, các bạn tiến hành xác định những sự kiện lịch sử chính (chưa cần đi vào nội dung chi tiết) gắn liền với từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Phần Lịch sử thế giới từ 1945 đến 2000 được trình bày theo 6 chủ đề: 1/ Sự hình thành trật tự thế giới mới sau chiến tranh thế giới thứ hai; 2/ Liên Xô và các nước Đông Âu (1945 - 1991) và Liên bang Nga (1991 - 2000); 3/ Các nước Á, Phi và Mĩ Latinh (1945 - 2000); 4/ Mĩ, Tây Âu, Nhật Bản (1945 – 2000); 5/ Quan hệ quốc tế (1945 - 2000); 6/ Cách mạng khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa.
2. Học theo từng chủ đề lịch sử cụ thể
Việc nhóm các vấn đề lịch sử cùng đặc điểm, liên quan với nhau thành một chủ đề là một cách giúp học sinh ôn tập hiệu quả hơn, có thể kể đến một số chủ đề như sau: “Quá trình thành lập Đảng: Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước à truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê nin vào Việt Nam à sự xuất hiện của 3 tổ chức cộng sản à thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”; “Các hiệp định trong giai đoạn từ 1945 đến 1975: Hiệp định Sơ bộ, Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Pa-ri”; Phong trào yêu nước theo xu hướng dân chủ từ 1919 đến 1930.
3. Học một nhóm các sự kiện lịch sử có liên hệ với nhau
Đặc điểm của lịch sử là diễn ra liên tục, kết quả của sự kiện trước có liên hệ đến sự kiện sau. Do đó, nếu các bạn học cả một chuỗi sự kiện có liên hệ với nhau trong cùng một giai đoạn lịch sử, thì sẽ thấy hấp dẫn, thú vị và nhớ có hệ thống hơn, cụ thể như:
Thứ nhất, diễn biến của cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945 xoay quanh 4 sự kiện lớn là: Hội nghị Trung ương 6 (11/1939), Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945 (ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta) và cuối cùng là Hội nghị toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945).
Nếu nhóm cả 4 sự kiện này lại (từ bối cảnh đến nhận định tình hình, xác định kẻ thù, đề ra chủ trương của Đảng và quá trình triển khai các chủ trương đó), thì các bạn sẽ thấy được quá trình phát triển liên tục của Cách mạng Việt Nam từ 1939 đến 1945: từ chỗ bảo toàn được lực lượng vừa mới phục hồi (chủ trương của Hội nghị Trung ương 6) đến chuẩn bị lực lượng (chủ trương của Hội nghị Trung ương 8), rồi khởi nghĩa từng phần, chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa (quyết định của Hội nghị Ban thường vụ TW Đảng 12/3/1945) và cuối cùng là tiến lên tổng khởi nghĩa thắng lợi (quyết định của Hội nghị toàn quốc của Đảng).
Thứ hai, trong giai đoạn từ 1946 đến 1954, các bạn cần chú ý đến 4 kế hoạch của thực dân Pháp: Bôlae (1947), Rơ-ve (1949), Đờ-lát-đơ Tát-xi-nhi (1950) và Nava (1953). Nếu nhóm 4 kế hoạch trên và quá trình ta đánh bại từng kế hoạch của địch bằng những sự kiện lịch sử cụ thể, các bạn sẽ thấy được một thực trạng thú vị là các kế hoạch của Pháp đề ra theo kiểu “thua keo này, bày keo khác”, sau một lần thất bại của kế hoạch trước, thực dân Pháp thay tướng và đưa ra một kế hoạch mới, nhưng cuối cùng đều bị quân và dân ta đánh bại, buộc phải kí hiệp định Giơ-ne-vơ rút quân về nước.
Thứ ba, trong giai đoạn 1954 – 1973, ở miền Nam Việt Nam, các bạn cần chú ý đến giai đoạn 1954 – 1960 (trước đây gọi là chiến tranh đơn phương) và 3 chiến lược: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và Việt Nam hóa chiến tranh.
Nếu lập bảng tổng hợp tất cả các chiến lược trên với các nội dung: “Âm mưu, thủ đoạn”, “quá trình triển khai”“quá trình nhân dân ta đánh bại các chiến lược của Mĩ”, các bạn sẽ thấy được một đặc điểm thú vị là sau mỗi lần thất bại, Mĩ lại can dự sâu hơn vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam: từ chỗ chỉ viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn (1954 - 1960), tiến đến đưa cố vấn quân sự vào chỉ huy, phong tỏa miềm Bắc,… (1961 - 1965), đưa quân đội trực tiếp tham chiến, ném bom hậu phương miền Bắc (1965 - 1968) và cuối cùng Mĩ đành phải chấp nhận rút quân đội ra khỏi Việt Nam  bằng cách tăng cường sức mạnh cho quân đội Sài Gòn song song với việc mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, thương lượng với Liên Xô và Trung Quốc giảm viện trợ, làm cho cách mạng miền Nam suy yếu dần (1969 - 1973). Và đừng quên những thắng lợi của ta trong từng chiến lược qua những sự kiện lịch sử và số liệu cụ thể.
Thứ tư, đối với các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, các bạn bắt đầu từ chủ trương và kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam. Lúc đầu, Đảng ta đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong 2 năm, nhưng sau khi chiến dịch Tây Nguyên diễn ra, Đảng ta đã liên tục điều chỉnh rút ngắn kế hoạch giải phóng miền Nam. Cuối cùng, trong chưa đầy 3 tháng, ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam. Vấn đề còn lại chỉ là nhớ những sự kiện cơ bản của 3 chiến dịch này.
4. Một số lưu ý khác
Thứ nhất, đối với giai đoạn 1930 – 1931 và giai đoạn 1936 – 1939, các bạn chú đến cấu trúc: bối cảnh, chủ trương của Đảng, diễn biến, ý nghĩa và kết quả.
Thứ hai, đối với bài Việt Nam trong năm đầu tiên sau khi giành được độc lập (1946), các bạn cần lập một sơ đồ có cấu trúc gồm 2 vế: thứ nhất là tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong năm 1946 (bối cảnh, những khó khăn về đối nội, đối ngoại), thứ hai là quá trình giải quyết những khó khăn về đối nội và đối ngoại tương ứng.
Thứ ba, trong những năm gần đây, nhiều đề thi thường hỏi về mối quan hệ giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam (chủ yếu rơi vào giai đoạn từ 1919 đến 1945). Chính vì vậy, các bạn cần chú ý đến mối liên hệ giữa lịch sử Việt Nam với các kiến thức lịch sử thế giới có liên quan trong sách giáo khoa.
Thứ tư, đối với phần lịch sử thế giới và các nội dung còn lại chưa được đề cập ở trên, có lẽ các bạn phải tự tìm cho mình một phương pháp học thích hợp.
Không thể có một phương pháp học tập phù hợp cho tất cả mọi đối tượng học sinh, hy vọng rằng những kinh nghiệm nhỏ trên đây sẽ giúp ích ít nhiều cho các bạn học sinh trong kì thi sắp tới. Chúc các bạn đạt kết quả cao nhất trong kì thi tốt nghiệp và kì thi tuyển sinh năm 2012.


Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201203/Mot-so-kinh-nghiem-on-tap-mon-Lich-su-hieu-qua-1960223/