8 tháng 9, 2012

TÌNH HÌNH VÙNG CHÂU THỔ MÉKÔNG-ĐỒNG NAI KHI LƯU DÂN NGƯỜI VIỆT VÀO KHAI HOANG MỞ CÕI


                                                    Nguyễn Hữu Hiếu

Công cuộc khai mở đất Nam bộ có thể nói được bắt đầu từ cuối thế kỷ xvi-đầu thế kỷ vii, với vài sự kiện còn biết được. Đó là cuộc hôn nhân ngoại giao giữa quốc vương Chân Lạp Chêy Chett II và công nương Ngọc Vạn (con chúa Sải Nguyễn Phước Nguyên vào năm 1620 và tiếp theo đó là sự kiện Chêy Chetta II cho chúa Sải Nguyễn Phước Nguyễn “mượn” đất Prey Nokor (Sài Côn/Sàigòn) vào năm 1623 để lập trạm thuế thương chính. Đến năm 1757, cụộc khai mở được xem như kết thúc với sự kiện quốc vương Chân Lạp nhường đất Tầm Phong Long (Kompong Luong), vùng đất nằm giữa sông Tiên và sông Hậu, cho chúa Nguyễn.
Để thấy được công lao to lớn của các lớp lưu dân tiền phong người Việt và bản lãnh ứng phó linh họat của các chúa Nguyễn trong công cuộc Nam tiến trên vùng đất này chúng ta thử nhìn lại tình hình châu thổ Mékông-Đồng Nai trong khoảng thời gian nói trên.
Theo cách gọi của sử gia Trung quốc, vương quốc Chân Lạp có hai khu vực: Lục Chân Lạp (vùng đất cao, thuộc địa bàn Campuchia ngày nay) và Thủy Chân Lạp (vùng đất thấp, tức Nam bộ).
 Do hậu quả của hiện tượng biển tiến, đến các thế kỷ xiii-xiv, vùng châu thổ Mékông-Đồng Nai vẫn còn là vùng trủng thấp, sình lầy, thừơng xuyên ngập nước, hoang vu hầu như vô chủ, thổ dân Khmer chỉ cư ngụ rải rác trên các gò, giồng cao. Sang thế kỷ xv-xvi, nước tiếp tục rút dần, phần lớn vùng này trở nên cao ráo, mầu mở do phù sa của sông Đồng Nai, Mékông lắng tụ…dần dần. Một vùng châu thổ rộng lớn, trải dài từ biển đông đến bờ vịnh Xiêm La cập theo tuyến hải hành trên vùng biển  Đông Nam Á , có sức hấp dẫn, lôi cuốn một số thế lực trong khu vực lúc bấy vào cuộc tranh giành, chiếm lĩnh. Tham gia vào cuộc tranh chấp này, ngoài người Xiêm, người Việt còn có đám người Hoa lưu vong và cũng phải nói đến phản ứng của người Khmer/Chân Lạp, người chủ trên danh nghĩa.
Để thủ thắng trong cuộc đấu tranh xác lập chủ quyền trên đất này, một cuộc đấu tranh không có tiền lệ trong lịch sử dân tộc, người Việt luôn đứng trước hoàn cảnh, thách thức gai go, mới lạ, tiền nhân ta luôn phải tìm ra giải pháp đối phó phù hợp với từng đối thủ, từng thời điểm.
1- Trước hết phải nói đến phản ứng của người Chân Lạp trước tình hình này. Mặc dù họ đã chiếm vùng châu thổ hạ lưu sông Mékông của Phù nam từ thế kỷ thứ viii, nhưng vì họ phải tập trung phát triển vùng chính quốc (Lục Chân Lạp), lại phải thường xuyên đương đầu với người Xiêm, nên ngay cả thời cực thịnh-Angkor, họ cũng không đủ sức người, sức của và kỹ thuật để khai thác và khả năng quản lý vùng ngập nước ở hạ lưu châu thổ sông Mê-kông. Mãi đến đầu thế kỷ xvii, khi lưu dân người Việt vào cư ngụ ở Mô Xoài (Bà Rịa), Prei Nokor (Sàigòn)…ngày một đông dần lên, tháng 4 năm 1674, khi Nặc-thu được Chúa Nguyễn ủng hộ lên ngôi vua, chánh quyền vương quốc Chân Lạp mới cử Nặc-nộn làm Obareach [1] (Phó vương hay nhị vương) xuống ngự ở Prey Nokor, để quản lý vùng dân cư thưa thớt này [2]. Đây là động thái duy nhứt thể hiện chủ quyền của họ trên vùng đất Thuỷ Chân Lạp. Nhưng đối chiếu với danh sách 41 tỉnh hạng nhứt, 7 tỉnh hạng nhì, 5 tỉnh hạng ba và 3 tỉnh hạng tư của Chân Lạp thuở đó, thì không thấy ghi vùng này nằm trong những tỉnh nào. Nói đây là đất vô chủ thì cũng không đúng hẳn; mà nói rằng đây là tỉnh huyện nào của Chân Lạp thì cũng thật là không phải [3].
Sự xuất hiện của người Việt trên đất Thuỷ Chân Lạp vào thế kỷ xvii, đưa nội bộ hoàng gia Chân Lạp một tình thế mới. Nội bộ triều đình Chân Lạp vốn thường xuyên chia rẽ tranh giành ngôi báu, trước đây người Xiêm lợi dụng tình trạng này, can thiệp vào nội tình Chân Lạp để gặm nhấm dần đất đai phía tây nước này; nhưng từ đây người Chân Lạp thường chia thành hai phe: một dựa người Xiêm, một nương tựa vào người Việt trong cuộc xung đột nội bộ. Nhóm người Chân Lạp thân Xiêm, thường nghe lời xúi dục, hoặc được người Xiêm trợ giúp nổi lên đánh đuổi người Việt, cụ thể vào các năm 1731 (cướp Gia Định), 1739, 1767,  1770 (đánh Hà Tiên), 1755 (đánh  ở vùng Vô-tà-ân, có thể là Đồng Tháp Mười)…nhưng tất cả đều bị người Việt đánh tan. Với sách lược uyển chuyển, lúc cứng rắn khi mềm dẻo của người Việt, hoàng gia Chân Lạp lần lượt cắt phần đất hoang vu mà họ chỉ làm chủ trên danh nghĩa, để đền ơn người Việt đã bảo vệ ngai vàng, ngăn chận sự xâm lược của người Xiêm giúp họ.
2 - Người Xiêm (Tiêm/Siam/Thay) từ khi hình thành vương quốc Ayuthay  (1353) luôn nuôi dưỡng ý đồ bành trướng về phiá đông, các tiểu quốc Mã Lai như Keđa, Kêlantan, Trengganu, Patani…lần lượt đều phải thần phục. Chân Lạp nằm trên đường tiến của họ, nên luôn bị áp lực nặng nề và họ xem người Việt ở Thủy Chân Lạp là lực cản trên đường đông tiến của họ.
Sau cuộc xâm lược của người Miến, năm 1767, Trịnh Quốc Anh, người Xiêm gốc Hoa [4], khởi binh tự lập làm vua, đổi tên nước Ayuthya thành vương quốc Xiêm, dời đô về Chalaburi, sau đổi thành Bangkok (tức Vọng-các). Trung tâm kinh tế và chánh trị của Xiêm chuyển dịch xuống vùng hạ châu thổ sông Chao Phraya, Chân Lạp vừa là mục tiêu vừa trở thành vùng đệm trong chánh sách “Đông tiến” của người Xiêm [5]. Trịnh Quốc Anh buộc Chân Lạp và Mã-lai thần phục. Các tiểu quốc Mã ngoan ngoãn tuân lịnh. Riêng Nặc-yêm, quốc vương Chân Lạp dựa  vào thế lực Đàng Trong, không chiụ nộp cống. Năm 1715, Xiêm tấn công Nặc-yêm  hai mặt. Một đánh vào Oudong, có nhiều người thuộc phe Nặc-thâm (thân Xiêm) giúp sức, Nặc-yêm chống không lại, phải thần phục Xiêm. Một đánh vào Hà Tiên, Mac Cửu cũng chống không nổi bỏ chạy, quân Xiêm cướp phá Hà Tiên, nhưng chiến thuyền của Xiêm bị quân Chân Lạp đánh chìm, nên họ phải rút về.
Năm 1771, Trịnh Quốc Anh đích thân dẫn hai đạo binh đi “tiểu phạt”. Quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên và Nam-vang, đưa Nặc-nộn lên ngôi và “có ý dòm ngó thành Gia Đinh”. Nặc-tôn chạy sang cầu cưú chúa Nguyễn. Nguyễn Cửu Đàm mang  quân chống cự. Đến cuối năm 1772, quân Xiêm bị đánh bật ra khỏi Nam-vang, Trịnh Quốc Anh chạy về Hà Tiên, rồi mang theo con của Mạc Thiên Tứ đưa về Xiêm. Nặc-tôn được ta đưa về nước làm vua. Năm sau (1773) vâng lịnh chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tứ cho người sang xin giảng hoà. Thấy thế lực Đàng Trong mạnh, Trịnh Quốc Anh phải rút khỏi Hà Tiên.
Năm 1777, cuộc khởi nghiã Tây Sơn nổ ra Quy Nhơn, rồi lan dần vào Nam Bộ. Từ đây Nam Bộ thường xuyên thay đổi chủ, khi Nguyễn Ánh, lúc Tây Sơn; đây là cơ hội tốt cho ngưới Xiêm thực hiện  mộng bành trướng của họ. Hà Tiên trở thành ải địa đầu bảo vệ phiá tây của Nam Bộ, nên chiến tranh thường xảy ra giữa Mạc Thiên Tứ và Trịnh Quốc Anh. Đó là thời điểm quan hệ ngoại giao giữ Xiêm và Gia Định vô cùng căng thẳng.  
Năm 1779, lúc Nguyễn Ánh tạm thời làm chủ Nam Bộ, đã đưa quân sang giải quyết việc tranh chấp ngôi vua ở Chân Lạp và đưa Nặc-ấn lên ngôi. Trịnh Quốc Anh liền cử tướng Chakri (Chất-tri) xâm lược Chân Lạp. Nặc-ấn cầu cứu Nguyễn Ánh. Năm 1782, Nguyễn Ánh cử Nguyễn Hữu Thoại và Hồ Văn Lân đưa 3.000 quân sang Chân Lạp tiếp cứu. Chiến tranh chưa ngã ngũ thì tướng Chakri bất ngờ mang quân về Xiêm giết Trịnh Quốc Anh , tự lập làm vua, tức Rama I.
Sau khi bại trận ở Bến Nghé (tháng 3/1783), Châu Văn Tiếp lại sang Xiêm cầu viện. Tháng 12/1783, Phò mã Tây Sơn Trương Văn Đa mang quân tấn công Chân Lạp, trong lúc Chiêu-thùy-biện (người Mã Lai) được người Xiêm công nhận là phụ chính ở đây. Chiêu-thùy-biện chạy sang Xiêm cầu cứu. Để giải toả áp lực Tây sơn, đồng thời nhân muốn cơ hội này thực hiện ý đồ chiếm Gia Định, nên Rama I bám lấy Nguyễn Ánh.
Điều đó lý giải được sự đáp ứng nhanh chóng của người Xiêm trước yêu cầu cứu viện của Nguyễn Ánh. Mặc dù lúc bấy giờ Miến Điện chuẩn bị tấn công Xiêm, song Nhị vương Xiêm, So-si, cũng không bỏ lỡ cơ hội may mắn này, vẫn sai hai cháu là Chiêu Tăng và Chiêu Sương mang  năm vạn quân cùng 200 chiến thuyền lên đường[6]. Nhưng cơ hội chiếm Gia Định sớm trôi qua nhanh chóng với sự thảm bại của họ ở trận Rạch Gầm-Xoài Mút vào đầu năm 1785, sự kiện này đã lưu lại trong lịch sử của nước họ một ấn tượng sâu sắc. Có thể nói rằng trận Rạch Gầm-Xoài Mút, với thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ đã chận đứng tham vọng bành trướng về phiá đông của triều đại Chakri I [7].
 Nhằm thực hiện tham vọng Đông tiến của mình, người Xiêm từ triều đại Trịnh Quốc Anh cũng như Rama thường tuân thủ theo đường lối ngoại giao kết hợp với quân sự hết sức linh động, biết phát huy tiềm năng kinh tế khu vực và lợi thế của vịnh Xiêm La thu hút các thương thuyền Á lẫn Âu. Thấy được vị trí và tầm quan trọng của Thuỷ Chân Lạp (Nam Bộ) và cả Đàng Trong nằm trên tuyến hải hành Đông Nam Á, nên người Xiêm có tham vọng đưa nó vào quỹ đạo của họ, càng về cuối thế kỷ xviii, người Xiêm càng gây áp lực mạnh về phía đông[8]. Nhưng họ đành phải thúc thủ trước một đối thủ đầy bản lĩnh. Các chúa Nguyễn tỏ ra rất mềm dẻo, khéo léo trong quan hệ với người Xiêm, điều này thể hiện rõ  trong các văn kiện ngoại giao vừa gợi lại mối quan hệ truyền thống hữu hảo giữa hai nước vừa kiên quyết đập tan mọi hành vi vi phạm chủ quyền và thái độ ngạo mạn của chánh quyền Xiêm[9].
.3- Chúng ta không phủ nhận vai trò rất tích cực của các nhóm người Hoa “phản Thanh phục Minh” trong nhiều lãnh vực ở Nam Bộ, từ công cuộc khai hoang đến phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và cả lãnh vực chánh trị ở Nam Bộ. Nhưng cũng phải nhận rõ rằng phần lớn các nhóm người Hoa lưu vong này ít nhiều đều có tham vọng cát cứ đất đai tranh hùng, xưng bá, nếu điều kiện, cơ hội cho phép. Tình hình này diễn ra giống như thế lực người Hoa ở một số nước Đông Nam Á. Thế lực này phân tán thành nhiều nhóm nhỏ:
 + Nhóm Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch:
 Hiền vương do dự trong việc chấp nhận cho bọn Dương Ngạn Địch  Trần Thượng Xuyên nhập cư là có cơ sở. Ngoài lý do ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao với Thanh triều, còn có nguyên nhân khác. Vì Dương Ngạn Địch tên là Dương Nhị, trước khi sang Việt Nam tỵ nạn, có một thời là dư đảng của Trịnh Thành Công ở Đài Loan, vốn là một tay cướp biển khét tiếng ở vùng biển phía nam Trung Quốc hồi đầu nhà Thanh. Hoạt động của Địch là bảo vệ thương thuyền của họ Trịnh đi buôn bán ở vùng Đông Nam Á và hỗ trợ Ngô Tam Quế, Tổng đốc Lưỡng Quảng đương chống nhà Thanh. Khi cụôc Phản Thanh phục Minh lâm vào chỗ bế tắc (1681), Địch sang Việt Nam xin nương náu. Nhưng trước đó Dương Ngạn Địch có ý đánh chiếm Đàng Trong  làm cơ sở xưng hùng xưng bá; song, thấy thế lực Đàng Trong vững vàng, nên không dám ra tay[10]. Về sau (1688) Phó tướng Hoàng Tiến giết chủ tướng Dương Ngạn Địch để thực hiện ý đồ này, nhưng sớm bị người Việt phát hiện, cho phục binh bất ngờ đánh úp, Tiến chạy thóat rồi chết. Chúa Nguyễn giao Trần Thượng Xuyên cai quản luôn binh Long Môn từ đó.
+ Nhóm Mạc Cửu ở Hà Tiên:
 Trước nội tình Chân Lạp luôn rối ren vì nạn tranh giành ngôi vua và thường bị người Xiêm khống chế. Mạc Cửu bỏ chức Ốc Nha (thụôc chánh quyền Chân Lạp), xin tới cửa biển Péam (tức Phương Thành và Hà Tiên sau này) để khai phá. Hà Tiên luôn bị bọn cướp biển và quân Xiêm thường cướp phá và chính bản thân Mạc Cửu bị bắt ép về ở cảng Muang Galapuri (Vạn Tuế sơn) [11]. Một thời gian sau ông lại lẻn về Hà Tiên tiếp tục công việc đang dang dở. Điều đó cho thấy Mạc Cửu có một ý đồ xây dựng vùng đất này thành một cõi biên thùy riêng. Sự phát triển độc lập của Hà Tiên được người Trung Quốc đương thời nhìn nhận, họ gọi là Hà Tiên là Cảng Khẩu (âm Quảng Đông là Cancao hay Cancar/Cẳn Kháo  và trong sách Thanh triều văn hiến thông khảo, viết: “ Cảng Khẩu là một tiểu quốc ở vùng Nam Hải, dân xứ này thích văn chương chữ nghĩa sách vở thánh hiền. Xứ này có đền thờ Đức Khổng phu tử, và cả trường học để dạy  các thanh niên. Sản phẩm có hải sâm, thịt cá, tôm khô…Năm Ung Chính thứ 7 của Thiên triều (1727) một đường thương mãi giữa xứ này và Quảng Đông được thiết lập dài 7200 lý đường biển” [12]
. Nhưng do tình hình vùng vịnh Xiêm La và Thủy Chân Lạp luôn biến động, Hà Tiên khó có thể trở thành một thương cảng, với tư cách một “công quốc tự trị”, nên năm 1708,  buộc lòng Mạc Cửu phải dâng biểu xin nội thuộc Đàng Trong. Đây là một động thái khôn ngoan rất mực của Mạc Cửu. Nếu không, Hà Tiên có thể là một phiên thuộc của Xiêm hoặc là một vùng lãnh thổ tự trị của Chân Lạp. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu không có chúa Nguyễn, Hà Tiên có thể trở thành một Singapor trên đất liền [13].
Sau khi Hà Tiên nội thuộc chúa Nguyễn, nó vẫn là vùng lãnh thổ tự trị. Năm Ất mảo, Mạc Cửu qua đời, con là Mạc Thiên Tứ, tiếp tục được chúa Nguyễn phong làm Đô đốc trấn Hà Tiên. Bốn năm sau khi Mạc Cửu mất, năm Kỷ mùi (1739), quốc vương Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc-thâm, xua quân đánh  chiếm Hà Tiên, nhưng Mạc Thiên Tứ đẩy lui. Năm Kỷ mão (1769), bọn gia tướng phản phúc của Mạc Cửu là Mạc Sùng, Mạc Khoan… muốn tách Hà Tiên rời khỏi Đàng Trong, đã liên kết với tên cướp biển Xiêm gốc người Triều Châu là Trần Thái, âm mưu bán rẻ Hà Tiên cho Xiêm, nhưng bị Mạc Thiên Tích diệt trừ.
Ngoài ra, trong thời kỳ nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh phải nói đến tham vọng  hùng cứ đất Thủy Chân Lạp của nhóm Lý Tài và Tập Đình, nhóm Trần Quang ở Biên Hoà…
Những điều trình bày cho thấy trước và trong khi lưu dân người Việt vào khai phá Thuỷ Chân Lạp, tình hình ở đây khá phức tạp, là nơi đã từng diễn ra hàng loạt sự kiện:
- Sự suy tàn của vương quốc Phù Nam;
- Sự bất lực của Chân Lạp, Chiêm Thành;
- Trước năm 1680, với xã hội tiểu nông tự cung tự cấp kiểu Sruk, Gramma truyền thống, Chân Lạp không kéo được vùng này vào cương vực của mình;
- Với kinh nghiệm của Trịnh Thành Công, Mạc Cửu cũng không biến Hà Tiên thành một cảng thị với tư cách một “công quốc tự trị”bền vững…
Mà chờ đợi, đến khi lưu dân người Việt vào, mới đáp ứng được yêu cầu:
- Một cộng đồng người với khả năng và phẩm chất tinh thần;
- Một phương thức phát triển lịch sử và một truyền thống sáng tạo văn hoá;
- Trong một tổ chức xã hội với thiết chế quan hệ như thế nào đó…mới có khả năng đứng vững trên vùng đất này;
- Một hoạt động thương nghiệp tiền tư bản kết hợp chặt chẽ với nền sản xuất nông nghiệp và một tổ chức xã hội phù hợp giữa bối cảnh chánh trị-xã hội phức tạp ở Đông Nam Á, với nhiều ý thức hệ khác nhau thể hiện qua  lãnh vực tôn giáo-tín ngưỡng [14].



[1] Theo thể chế hoàng gia Chân Lạp, đứng đầu hoàng gia là nhà vua, dưới vua có ba tước vị: Upayuvareach (tức Thượng hoàng sau khi thoái vị, dùng lọng 6 tầng), Obaeưach (tức là đệ nhứt hoàng thân hay phó vương, dùng lọng 5 tầng, thường kế vị vua, sau khi băng hà), bà Mẫu hậu hoặc đệ nhất hoàng nữ, dùng lọng 4 tầng.
[2] Nếu lấy tỷ lệ người Khmer chưa bằng 1/10 người Việt (theo con số 146.718 Khmer/1.732.316 Việt, theo tài liêụ của Pháp năm 1862), thì vào năm 1689, khi Nguyễn Hữu Cảnh  vào Nam kinh lược, người Khmer ở Nam Bộ chưa vượt qua con số 20.000 ngưòi. Con số này được phỏng đóan từ con số 146.718 vào năm 1862, tất nhiên là chưa chính xác; song, nó giúp chúng ta hình dung dân số người Khmer ở Nam Bộ rất thưa thớt nếu không muốn nói là hoàn toàn hoang vắng khi khi Việt vào.
 3 Trần Văn Giàu (1987): Địa chí Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập 1-Lịch sử, Nxb TP.HCM, tr.236.
 [4] Trịnh Quốc Anh là con một người Hoa kiều, gốc Triều Châu, tên Trịnh Dung ( còn gọi là Yển), di cư sang Xiêm làm ăn, nhờ đánh bạc  mà giàu có, sau kết hôn với một phụ nữ Xiêm tên Nok Lang. Do giàu có và có thế lực nên được cử làm Phya (thủ lĩnh) ở Mường Tát. Trịnh Quốc Anh sanh năm 1734, theo phong tục Xiêm, năm 12 tuổi, Trịnh Quốc Anh phải vào chùa tu học. Anh rất thông minh, biết được tiếng Ấn, Hoa, Miến và Việt. Năm 21 tuổi, Trịnh Dung qua đời, Anh về kế nghiệp cha và được cử làm Tổng trấn Mường Tát. Năm 1763, quân Miến xâm lược Xiêm, bị quân của Trịnh Quốc Anh chận đánh tại Patbury, không tiến về kinh thành Ayuthay  được. Với chiến thắng này, Trịnh Quốc Anh được triều đình biết đến và được nhà vua triệu về kinh tăng cường vịêc phòng thủ. Từ đó Trịnh Quốc Anh phát triển thế lực.
 [5] Nguyễn Văn Kim (2006): Tham luận “Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực” báo cáo tại hội thảo khoa học “Lich sử vùng đất Nam Bộ đến cuối thế kỷ XIX” do Bộ KHCN tổ chức tại TP.HCM ngày 7-8/4/2006
[6] Hội KHLSViệt Nam, Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb Thế giới , 2006, tr.41.
[7]  Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn…: Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc; “Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút”, Nxb.QĐND, 1976, tr.350.
[8]  Nguyễn Văn Kim, Tlđd.
[9] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Nxb.KHXH, Hànội, 1977, tr. 261-272
[10] Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí, Nxb Hội Nhà Văn, H. 2003, tr. 599-600 
[11] Trần Kinh Hoà: “ Họ Mạc và chúa Nguyễn ở Hà Tiên” Tạp chí Văn hóa Á châu, số 7, năm 1958.
[12] Bản dịch của Emile Gaspardon (1952) , trong bài “Un Chinois des Mers du Sud; Le Fondateur”. Trên tạp chí Journal Asiatique..         
[13]  Tạ Chí Đại Trường, Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch sử nội chiến (1771-1802), Sài Gòn, 1973, tr. 203
[14] Cao Tự  Thanh (1996 ), Nho giáo ở Gia Định, NxbT.P. HCM, tr.232-235

24 tháng 8, 2012

THUẾ BIỆT NẠP Ở ĐỊNH TƯỜNG

            Nguyễn Hữu Hiếu
Trong Đại nam thực lục tiền biên (tr.203) viết buổi quốc sơ, tuỳ theo đất mà đặt kho ( kho ở xã, thôn nào  thi lấy xã thôn đó làm tên) thu chứa tiền, thóc và sản vật để tiện cho dân nộp. Thuận Hoá gồm 7 kho, Từ Quảng Nam vào Nam gồm có 12 kho. Còn đất Gia Định rất rộng thì lập ra  9 khố trường biệt nạp, nạp riêng chở riêng (Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạnh) cho dân tuỳ tiện lập ấp vở ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu…
Sách Gia Định thành thông chí, mục Cương vực chí trấn Định Tường chép: “Đất Gia Định từ khi mới khai thác, dân số ở đó bị phân ra nhiều mối bởi vì đất Nông Nại quá rộng nên cần mộ dân đến ở. Trước hết là lập ra hai huyện Phước Long và Tân Bình (1698) nhưng dân ở cũng chưa hết đất”. Đất ấy lại cách Biên Hòa và Phiên An cũng hơi xa mà lại hiểm trở. Tình thế ấy chưa có thể vội vàng dùng pháp luật để ràng buộc được, cho nên phải tính toán bằng nhiều cách, bèn lập ra 9 khố trường biệt nạp là: Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạnh để cho dân tùy nghi khai hoang lập ấp cho rộng ra…
Theo Phủ Biên tạp lục, chúa Nguyễn đã cho lập 9 khố trường biệt nạp: “Xứ Gia Định cho có một kho là kho Tân Định (nay còn địa danh ở Quận I – TPHCM). Chúa cho rằng đất Gia Định là vùng đất rộng nên cho lập 9 kho và đặt quan lại trưng thu. Chúa biết bọn thừa hành thường gian lận nên sai quan chia nhau đi kiểm tra và ra lịnh cho  các địa phương mỗi năm phải làm các loại sổ sách kê khai số tiền thóc và sản vật đã thu được cùng tên người biên thu để dâng lên Chúa”.
Qua cách ghi nhận của ba quyển sách cổ nói trên về khố trường biệt nạp, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình hình khai hoang vào cuối thế kỷ xvii, sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thành lập phủ Gia Định, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất mới. Lúc ấy không kể các cuộc di dân cơ chế, đại bộ phận lưu dân từ Thuận Quảng vào Nam muốn khẩn hoang ở chỗ nào tuỳ nghi lựa chọn không theo một quy định nào cả. Nên kết quả vùng đất khai khẩn mới được rơi vào hai trường hợp:
- Một là liền ranh, giáp giới với vùng đất khai khẩn trước, được chánh quyền chúa Nguyễn  cho phép lập thôn làng và được trực thuộc vào tổng liền kề để quản lý mọi mặt.
- Hai là vùng này ở trong tình trạng da beo, không liền ranh với vùng được khai khẩn trước, có chỗ cũng được phép  thành lập làng, nhưng phần lớn ở nới hoang vắng lẽ tẻ, chưa người quản lý, nên phải tạm thời lập thành trang, traị, man, nậu, thuộc… chưa được xếp vào tổng nào để quản lý, vì đường đi lại đến thôn khác hoặc tổng…còn nhiều trở ngại do rừng hoang, lùm bụi gai gốc, sình trấp…Vì vậy đến năm Tân dậu (1741), chúa Nguyễn Phước Khoát cho lập 9 khố trường biệt nạp ở Gia Định để quản lý việc thu thuế riêng  các vùng đất nằm trong tình trạng này.
Đồng thời ba mệnh đề này cũng đưa đến cho chúng một số vấn đề cần phải lý giải: Khố trường biệt nạp là gì; các khố trường này tọa lạc ở đâu và nó có tác dụng gì trong phát triển kinh tế-xã hội ở vào giai đoạn của thời ấy?
Trong khuôn khổ tư liệu hịên nay, chúng ta có thể hiểu:
Khố trường biệt nạp (hay trường biệt nạp) là kho thu thuế dành riêng cho những vùng mà các thôn xã mới lập chưa liền ranh, còn trong tình trạng da beo, lẻ tẻ  từng chòm, từng lõm…chưa thể họp thành đơn vị hành chánh cấp xã thôn, tổng để quản lý. Dân ở vùng đó sản xuất thứ gì (trừ lúa), thì nạp bằng hiện vật, không bắt buộc phải nạp bằng tiền. Do đó, phải có nhà kho lớn để chứa trước khi chở về huyện, trấn. Lập ra khố trường biệt nạp nhằm đáp ứng một số mục tiêu:
- Tạo điều kiện cho nông dân thuận tiện trong việc nạp thuế: không phải chuyên chở hiện vật đi xa, không phải bán để lấy tiền nạp thuế;
-  Để tránh thất thu tiền thuế và sản vật,  chúa Nguyễn cho đặt quan trưng thu ở các khố trường, để thu thuế biệt nạp ở các nơi chưa hình thành thôn xã hoàn chỉnh, còn trong tình trạng hành chánh tạm thời, gọi là trang, traị, man, nậu, thuộc…Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi rõ:’Bọn lại theo lối quen đã lâu, hoặc có kẻ dựa thế làm gian. Chúa biết tệ ấy, sai quan lại chia nhau đi kiểm tra, lại ra lịnh cho các địa phương hàng năm phải chiếu số mục tiền thóc và sản vật thu được và tên những người biên thu làm sổ dâng lên, phép ấy mới rõ ràng đầy đủ.”
- Qua đó tạo điều dễ dàng, khuyến khích lưu dân từ các nơi đến phá rừng vỡ hoang bất cứ nơi nào mà người dân thấy thuận tiện, phù hợp với họ…không bị ràng buộc theo một qui hoạch nào, nhằm đẩy mạnh tiến độ khai hoang.
Chín khố trường biệt nạp ở rải rác nhiều nơi trong ba trấn, Trấn Biên, Phiên Trấn và Trấn Định Tường, ngày rất khó xác minh vị trí, vì theo quy định của chúa Nguyễn lúc bấy giờ là khố trường nằm ở thôn xóm nào thì lấy tên của thôn xóm đó làm tên. Đáng lưu ý hơn nữa là tên thôn xóm thời này đều là tên tự phát do dân gian dựa vào đặc điểm của địa phương đặt ra để thoả mãn nhu cầu giao tiếp và thường là nôm na; nhưng lại bị Hán Việt hoá khi vào văn bảng. Dó đó, ngày nay rất khó đối chiếu với thực địa.
Đến năm Tân Dậu (1741), toàn phủ Gia Định chúa Nguyễn cho lập 9 khố trường biệt nạp ở rải rác nhiều nơi:
- Khố trường Hoàng Lạp: ở vùng cù lao Phố - Biên Hòa, ngày nay tại đây còn địa danh “Bến Đò Kho”.
- Khố trường Giản Thảo: còn gọi là kho Bốn Trấn, phụ trách thu thuế vùng Gia Định tức vùng Cầu Kho (thuộc TP.HCM ngày nay).
- Khố trường Thiên Mụ, Cảnh Dương và Tân Thạnh: thu thuế ở khu vực Nhà Bè, vùng Cần Giuộc.
 - Khố trường Tam Lạch: phụ trách thu thuế vùng Ba Giồng – Mỹ Tho ngày nay.
- Ba khố trường Bả Canh, Quy An, Quy Hóa: phụ trách thuế vùng chung quanh Đồng Tháp Mười. Cha của Trịnh Hoài Đức (tác gi quyển Gia Định thành thông chí) là Trịnh Khánh làm Cai Thâu ba kho.
Trong đó có ba khố trường thuộc trấn Định Tường.
- Khố trường Tam Lạch:
Theo lời linh mục Jean de Jésu thì “Tam Lạch là nơi quân Đông Sơn khởi sự xưng danh tánh”; theo đó, thì khố trường Tam Lạch phụ trách thu thuế biệt nạp ở vùng Ba Giồng tức là một phần của các huyện Châu Thành, Cai Lậy tỉnh Tiền Giang ngày nay.
- Khố trường Bả Canh:
Trên địa bàn trấn Định Tường có hai nơi mang tên Bả Canh: một ở thôn Mỹ Trà, nay thuộc thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp; hai ở thôn Vĩnh Hựu, nay huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Sở dĩ có tên Bả Canh ở hai nơi, là vì trong thời khai hoang (thế kỷ XVII-XVIII) lưu dân ở thôn Bả Canh, xã Đập Đá, huyện Phù Cát, trấn Bình Định vào hai nơi này sinh sống và được dân ở các khu vực lân cận gọi theo tên quê cũ, lâu ngày thành quen.
Địa bạ năm 1836 của tỉnh Định Tường cho biết: thôn Vĩnh An, huyện Kiến Hòa nguyên là xóm (xứ) Cái/Cá Chốt (tại đây còn có con rạch mang tên Cá Chốt), nằm trong thuộc Bả Canh của trại An Hòa, trấn Phiên An. Ngày nay vùng đất này thuộc địa phận xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây.
Trong bia Tiền hiền Nguyễn Tú (khắc năm 1878) hiện toạ lạc tại phường II thành phố Cao Lãnh có đoạn viết: “…Vô linh Gia Long niên gian hệ Quy Nhơn  đầu cứ thữ thổ cổ hiệu Bả Canh trường” có nghĩa là:“…nghe đâu vào đời Gia Long một số người ở Quy Nhơn vào cư ngụ ở đất này, có tên cũ  là trường Bả Canh” nhằm nhắc đến sự việc Nguyễn Tú đến lập thôn Mỹ Trà tại Cao Lãnh vào cuối thế kỷ XVIII. Theo đó, Bả Canh ở Vĩnh Hựu (Gò Công) là Thuộc, còn Bả Canh ở Mỹ Trà (Cao Lãnh) là Trường. Như vậy là khố trường Bả Canh đặt tại xóm Bả Canh, thôn Mỹ Trà (Cao Lãnh) quản lý việc trưng thuế biệt nạp ở vùng Đồng Tháp Mười
 - Hai khố trường Quy An, Quy Hóa:
Chưa có tài liệu liên quan để xác định hai khố trường này là ở đâu. Tuy nhiên, căn cứ vào tiểu sử của Trịnh Hoài Đức được ghi ở phần đầu sách Gia Định thành thông chí theo bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá, xuất bản ở Sàigòn năm 1972, thì cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh được chúa Nguyễn Phước Khoát cho nộp một số tiền để được giữ chức Cai thâu  ở cửa biển An Trường sau đổi làm Cai thâu ba kho Quy An, Quy Hóa và Bả Canh. Từ đó, chúng ta có thể phỏng đoán ba kho này có thể cách nhau không xa lắm và cùng ở trên một trục giao thông đường thủy mới có do một người quản lý.
Sử chép đến năm Kỷ hợi (1779), Nguyễn Ánh cho lập địa đồ vạch ra địa giới của Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và Hà Tiên, bải bỏ 9 khố trường biệt nạp, trừ các hạt trước đây tùy thuộc vào các nha sở thì lấy số dân và số ruộng ấy lập thành huyện Kiến Khang, lập ra dinh Trường Đồn (tiền thân của trấn Định Tường), đặt ra các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để cai quản, lỵ sở đặt tại giồng Kiến Định, lãnh một huyện và ba tổng.
Điều đó cho thấy, đến năm 1779 công cuộc khai hoang  trên địa bàn Định Tường cơ bản hoàn thành, các trang trại, man, nậu, thuộc…giải tán để thành lập xã thôn, góp phần hình thành ba tổng, thống nhứt  với hệ thống hành chánh toàn phủ Gia Định. Vai trò của khố trương biệt nạp chấm dứt sau gần 40 năm tồn tại. Trong thời gian này bốn khố trường biệt nạp nói trên đóng vai trò gì trong sự phát triển của Định Tường nói chung và Mỹ Tho đại phố nói riêng.
Mặc dù không có số liệu ghi chép cụ thể, nhưng qua tiến độ khai hoang trong thời gian này, chúng ta có thể suy đóan, khố trường biệt nạp đóng vai trò tích cực trong việc thu thuế biệt nạp theo quy định, nhưng quan trọng hơn là góp phần gia tăng sản xuất kể cả việc khai thác lâm thủy sản và đẩy nhanh tiến độ khai hoang.
Qua trường hợp của Trịnh Khánh, để được làm Cai thâu ở ba khố trường Quy An, Quy Hoá và Bả Canh, ông ta phải nộp cho chúa Nguyễn một số tiền. Điều này cho thấy cách thuế ở các khố trường là theo kiểu trưng thu tức khoán thuế. Việc thu thuế được kiểm tra chặt chẽ tránh thất thu, vừa làm giàu ngân sách nhà nước vừa đóng vai trò tái phân phối lợi tức.
Sự nhập cư của nhóm bô thần nhà Minh (1679) vào vùng Định Tường do Dương Ngạn Địch chỉ huy là tiền đề hình thành Mỹ Tho đại phố. Đô thị Mỹ Tho nằm tại ngã ba sông, thuộc thôn Mỹ Chánh, nơi kinh Bảo Định, được đào vào năm 1705, đổ nước vào sông Tiền. Khi ấy tiếp tục có hai dòng lưu dân: Một từ vùng Trấn Biên lấn dần xuống Gia Định, lập rất nhiều làng xã để hình thành hai huyện Phước Long và Tân Bình; một đi vào cửa Đại, cửa Tiểu đến Mỹ Tho rồi lấn dần lên. Diệ tích khai hoang ngày một rộng dần, đến năm 1732 thành lập dinh Long Hồ, lỵ sở dặt tại chợ Cái Bè. Đến năm 1757 thì dời dinh Long Hồ, về xứ Tầm Bào ( thuộc thành phố Vĩnh Long ngày nay) và lập thêm ba đạo bảo vệ là Đông Khẩu (ở xứ Sa Đéc), Tân Châu (ở đàu nguồn sông Tiền ) và Châu Đốc (ở đầu nguồn sông Hậu).
Từ năm 1741 tức năm thành lập khố trường đến năm 1772, chúa Nguyễn đã cho lập thêm các thuộc ở Ba Lai (ba Rài), Bà Kiến (rạch Bà Kiến) và Tân An (châu Định Viễn, nay là vùng Bến Tre). Sau đó đưa lực lượng đồn điền và lưu dân tự do tiếp tục khai khẩn lập thêm nhiều lân, ấp.
Theo báo cáo của Cai bạ Long Hồ, Nguyễn Khoa Thuyên, năm 1772 thì hai thuộc Quy Nhân (Quy An) và Quy Hóa mỗi nơi có 3.000 dân đinh, ruộng đất mỗi nơi 3.000 sở. Thuộc Tam Lạch có dân số ngoài 3.000 đinh và có ruộng đất ngoài 5.000 sở. Ba trại Bả Canh, Bà Lài (có lẽ là Ba Rài ở Cai Lậy) và Bà Kiến (có lẽ là rạch Bà Kiến ở Cần Đước ?) có 4.000 đinh, ruộng đất ngoài 4.000 sở.
Báo cáo của Nguyễn Khoa Thuyên còn nhấn mạnh: có những khoảnh ruộng tại các xứ thuộc huyện Tân Bình và Phước Long và thuộc Quy An, người ta phải cày rồi mới trồng lúa. Gieo một hộc lúa giống thì thu hoạch được 100 hộc lúa mùa; còn những khoảnh ruộng ở trường Bả Canh, thuộc Tam Lạch và châu Định Viễn có những khoảnh ruộng không cần phải cày mà chỉ cần phát cỏ rồi trồng lúa. Gieo một hộc lúa giống thì người ta thu được 300 hộc lúa mùa, không nơi nào được hơn.
Cho nên, đến năm 1772, vùng Quy An, Quy Hóa và Tam Lạch trở thành một thuộc; Bả Canh lập một thuộc (của trại An Hòa). Điều đó cho thấy bốn khố trường Chúa Nguyễn trên vùng Định Tường không chỉ có tác dụng thuận tiện việc nạp thuế và thu thuế, mà còn tạo tiền đề để lực lượng đồn điền của nhà nước và cả lưu dân tự do đến tuỳ nghi tiếp tục khai thác.
Đến năm 1781, dinh Trường Đồn đổi thành Trấn Định và dời lỵ sở từ gò Kiến Định về đô thị Mỹ Tho ở thôn Mỹ Chánh là một móc niên đại quan trọng đánh dấu của sự phát triển tột đỉnh của Mỹ Tho đại phố trước khi bị chiến tranh tàn phá vào năm 1785. Sự phát triển này có sự góp phần của chánh sách thuế biệt nạp qua các khố trường.

Tài liệu tham khảo
1. Quốc Sử quán (1960) Đại nam thực lục tiền biên, Ban dịch Viện sử học.
2. Trịnh Hoài Đức (1972), Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
3. Quốc Sử quán (1972) Đại nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
4. Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
5. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ Nam k, tỉnh Định Tường, NXB TP. HCM.