31 tháng 1, 2012

BƯỚC ĐẦU XÁC ĐỊNH DANH HIỆU CÁC TIỂU QUỐC THUỘC MIỀN BẮC VƯƠNG QUỐC CỔ CHIÊM THÀNH / CHAMPA KHOẢNG THẾ KỶ 11-15

                                                                               Trần Kỳ Phương 

Vùng cực bắc Chiêm Thành / Champa bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hiện nay, nằm giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân. Đây là vùng đất thường xảy ra giao tranh, xung đột giữa nhà Hán và Lâm Ấp trong thời kỳ Bắc thuộc từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 9; và sau này, giữa các triều đại Việt Nam và Chiêm Thành/ Champa từ thế kỷ 10-14. Ranh giới cực bắc của Chiêm Thành/ Champa là Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình, khoảng vĩ tuyến 18.

Vào thời Tiền Lê, cuộc xung đột đầu tiên giữa Đại Cồ Việt và Chiêm Thành/ Champa đã xảy ra vào năm 982 khi Lê Hoàn đem quân tấn công vào châu Amaravati ở Quảng Nam hiện nay.

Đến triều Lý, năm 1044, Lý Phật Mã tấn công Chiêm Thành, đánh phá thành Phật Thệ, đã có nhiều ý kiến cho rằng thành Phật Thệ tức là Vijaya hay là thành Chà Bàn ở Bình Định ngày nay (Hoàng Xuân Hãn 1966: 62-66; Đào Duy Anh 1964: 174- 76).

Sau đó là cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt năm 1069 vào thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm là Chế Củ; và đây là lần đầu tiên vùng đất miền cực bắc Champa được đề cập đến trong Việt sử với các tên gọi là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh. Vùng đất này được sử sách Đại Việt nhắc đến như là sự hiến dâng của Chế Củ cho nhà Lý để đổi lấy tự do. Đó là giai đoạn miền bắc Chiêm Thành/ Champa rơi vào những cuộc tranh chấp triền miên trong nhiều thập niên (Nguyễn Xuân Hoa 2002: 36-37).

Cho tới khoảng năm 1078, một văn bia của Harivarman, tìm thấy tại Mỹ Sơn, đề cập đến sự ổn định và xây dựng lại vương quốc Chiêm Thành / Champa của vị vua này, như sau: “Kẻ thù đã vào vương quốc Champa, tự xưng là những kẻ cầm quyền; đã cướp đi tài sản của hoàng gia và của cải của chư thần; đã phá hủy đền thờ, tu viện, nơi an cư, làng mạc và các tự viện khác cùng với ngựa, voi, trâu bò và mùa màng; đã hủy diệt mọi thứ trong các tỉnh thành của vương quốc Champa; đã cướp đoạt những ngôi đền thờ thần Srisanabhadresvara và tất cả những phẩm vật mà các vị vua trước kia đã phụng hiến cho thần Srisanabhadresvara; đã vơ vét tất cả của cải của thần và cướp đi những nhân sự tùy thuộc ngôi đền, các vũ nữ, nhạc công... những người phục dịch cùng với tài sản trù phú của Srisanabhadresvara; ngôi đền bị cướp sạch và bỏ phế... Rồi đức vua Vijaya Harivarmadeva yan Devatamurti lên ngôi. Ngài đã tiêu diệt hết quân thù, phục hưng lại Nagara Champa, và trùng tu ngôi đền của Srisanabhadresvara... Vương quốc Champa lại trở nên hưng thịnh như xưa...” (Majumdar 1989: III, 160). 

Những thông tin trên về triều đại của Harivarman phù hợp với những biến cố được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam về Chiêm Thành/ Champa vào giai đoạn này.

Các địa danh của miền cực bắc Chiêm Thành/ Champa nêu trên như Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh xuất hiện trong thời Lý, đã được nhiều sử liệu và sử gia xác định đó là vùng đất ở phía nam Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình cho đến phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay, như sau:

1. Địa Lý, đời Lý đổi ra Lâm Bình, đời Trần đổi ra Tân Bình, đời Lê Trung hưng đổi ra Tiên Bình, thuộc tỉnh Quảng Bình, gồm các huyện Lệ Thủy, Phong Phú, Phong Lộc, nay thuộc huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh;
2. Ma Linh, đời Lý đổi ra Minh Linh, đời Minh đổi ra Nam Linh, đời Lê lập lại Minh Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị, gồm hai huyện Minh Linh và Gio Linh, nay là huyện Vĩnh Linh và Gio Linh;
3. Bố Chánh, nhà Minh đổi ra Trấn Bình, nhà Lê đổi lại Bố Chánh, thuộc tỉnh Quảng Bình, gồm các huyện Bình Chánh và Tuyên Chánh, nay thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Tuyên Hóa (Hoàng Xuân Hãn 1966: 80-81; Đào Duy Anh 1964: 177).
Đời nhà Trần, khoảng năm 1306, theo Việt sử, vua Chiêm là Chế Mân đã đổi hai châu Ô, Lý hay Ô, Rí để cầu hôn với Huyền Trân Công Chúa (?!), đó là vùng đất được xác định từ phía nam Quảng Trị cho đến phía bắc đèo Hải Vân. Nhà Trần đã gọi khu vực từ cửa Việt vào đến cửa Tư Dung/Tư Hiền là châu Ô và châu Lý; vào năm 1307 thì đổi thành châu Thuận và châu Hóa (Đào Duy Anh 1964: 177).

Về tư liệu Champa, để tìm hiểu các địa danh/danh hiệu của vùng đất này, có một minh văn quan trọng được tìm thấy tại nhóm tháp D của thánh địa Mỹ Sơn, có niên đại khoảng năm 1192, đã ghi chép các địa danh từ Bình Định và Quảng Nam ra đến Quảng Bình bằng tiếng Chăm, như sau: “Jaya Indravarmadeva đã trốn thoát từ người Campuchia và chạy tới Amaravati. Ông đã nổi dậy và  khởi binh trong nhiều huyện thành khác nhau (anekapramana) tại Amaravati, Ulik, Vvyar, Jriy và Traik. Ông đánh chiếm Vijaya. Hoàng tử [Vidyanandana] dẫn đại binh tham chiến, đánh bại [Jaya Indravarmadeva], và buộc ông phải chạy về lại Traik; [Hoàng tử] đã truy nã và giết ông tại Traik. Vì vậy, từ đó Hoàng tử không còn người đối nghịch”. (Majumdar 1985: III, 204; Southworth 2000: 237-38).

Những địa danh như Vijaya, Amaravati, Ulik, Vvyar, Jriy và Traik đã xuất hiện trong văn bia Champa trên đây, mà ta có thể đối sánh chúng với các địa danh đã xuất hiện trong các thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Hoa như sau (tính từ Nam ra Bắc).

1. Vijaya, đã xuất hiện trong một bia ký của Jaya Harivarmadeva tìm thấy tại Po Nagar Nha Trang khoảng năm 1160 và thường được đề cập đến trong thư tịch cổ Việt Nam với danh hiệu là Trà Bàn/Chà Bàn hay Đồ Bàn hoặc Phật Thệ  (Hoàng Xuân Hãn 1966: 62-66; Đào Duy Anh 1964: 174-76) là địa vực nằm trong tỉnh Bình Định ngày nay. Đương thời, tiểu quốc này được thư tịch Trung Hoa gọi là Tân Châu để phân biệt với Cựu Châu hay Amaravati ở vùng Quảng Nam ngày nay(1). Tiểu quốc Vijaya đã phát triển liên tục từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, được minh chứng bởi các di tích kiến trúc to lớn hiện vẫn tồn tại như Tháp Bạc (Tk 11), Bình Lâm (Tk 11), Dương Long (Tk 12-13), Hưng Thạnh (Tk 12-13), Cánh Tiên (Tk 13-14), Thốc Lốc (Tk 14-15), Thủ Thiện (Tk 14-15), tọa lạc dọc theo sông Côn; còn đầm Thị Nại [Sri Boney] chính là cảng-thị của tiểu vương quốc này.

2. Amaravati, xuất hiện trong văn bia của Java Harivarmadeva tại Mỹ Sơn khoảng năm 1157 và tại Po Nagar Nha Trang năm 1160 (Southworth 2000: 237-38), là khu vực hạ lưu sông Thu Bồn bao gồm Mỹ Sơn là thánh địa, Trà Kiệu là hoàng thành và Đại Chiêm Hải Khẩu là cảng-thị. Danh hiệu này được phiên âm là A-mu-la-bu [A-mộc-lạt-bổ] trong Minh sử khoảng năm 1481-1482 (Wade 2003: 14)(2).

3. Ulik, đã được nhắc đến trong sử sách Việt Nam dưới tên gọi châu Ô và châu Lý hoặc Rí từ đời Trần, năm 1307 [Ulik > Ô-Lý/Ô-Rí]. Vùng đất này được xem là lễ vật của Chế Mân dâng cho vua nhà Trần để cầu hôn với công chúa Huyền Trân, nằm ở phía bắc đèo Hải Vân(3), nay thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế và phía nam tỉnh Quảng Trị, đặc biệt khu vực xung quanh Huế với di tích quan trọng là thành Lồi tọa lạc bên dòng sông Hương cùng với các dòng sông khác như Ô Lâu, sông Bồ chảy vào đầm phá Tam Giang, có cửa Tư Hiền/Tư Dung làm cảng-thị với tháp Linh Thái - nơi thờ nữ thần Pô Nagar/Po Yang Inu Nagar tương tự thánh địa Pô Nagar Nha Trang của tiểu quốc Kauthara (Trần Kỳ Phương 2003: 113-14).

4. Vvyar, đã được đề cập đến trong thư tịch Việt Nam như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, có tên là Việt Môn (Hồng Đức bản đồ 1964: 48), chính là cửa Việt, nay thuộc huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị [Vvyar > Việt]. Dọc theo sông Thạch Hãn có nhiều di tích nghệ thuật quan trọng đã được phát hiện ở Hà Trung, Trà Liên, Thạch Hãn, với niên đại từ thế kỷ 9 đến 11/12; và nhiều địa danh có âm cổ của từ Việt như Gio Việt, Việt An, v.v... Cửa Việt là cửa biển lớn nhất của Quảng Trị và nó cũng là cửa biển quan trọng nhất thời bấy giờ của khu vực giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân, và có địa thế tương tự cửa Đại Chiêm ở vùng Hội An và hạ lưu sông Thu Bồn của châu Amaravati trong tỉnh Quảng Nam.

5. Jriy, đã được nhắc đến với tên là Di Luân Môn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư khoảng năm 1630-53; còn trong Bình Nam đồ [Hồng Đức bản đồ] khoảng năm 1653-90 thì gọi là Nhật Lệ Hải Môn Thâm (Hồng Đức bản đồ 1964: 48, 141), chính là cửa Nhật Lệ thuộc thị xã Đồng Hới hiện nay. Tên gọi Jriy có thể đã được chuyển âm thành Địa Lý (?) vào thời Lý (năm 1064). Giữa thế kỷ 16, khoảng năm 1553-55, trong sách Ô Châu cận lục có nhắc đến nhiều địa danh có âm tương tự đã tồn tại ở vùng này, chẳng hạn, sông Thổ Rí chảy vào cửa Nhật Lệ (Dương Văn An 2001: 28). Sự biến âm của địa danh này có thể đã được diễn ra như sau: Jriy > Rí/Di > Lý > Lệ(4). Về vùng phía tây cửa Nhật Lệ có những di tích Phật giáo Champa đáng lưu ý ở Đại Hữu, Mỹ Đức, Thu Thư thuộc thế kỷ 9-10; còn về vùng thượng lưu của sông Lý Hòa thì có hang động Phong Nha với một số dấu tích Champa đã được phát hiện.

6. Traik, địa danh này được nhắc đến dưới thời Lý là Bố Chánh bao gồm các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch tọa lạc ở vùng cửa sông Gianh, có thể từ Gianh là một biến âm của từ Trạch [Traik > Trạch > Gianh](5). Đây là vùng đất cực bắc của Champa giáp giới với Đại Việt, nằm ở phía nam Đèo Ngang, cho nên theo minh văn Chăm nêu trên, Jaya Indravarmadeva mới bị Hoàng tử Vidyanandana giết tại đây. Vùng này cũng có các di tích nghệ thuật Champa quan trọng như Lâm Ấp Phế Lũy, Hoàn Vương Phế Lũy, và một minh văn Phật giáo Champa tìm thấy ở Ròn thuộc thế kỷ 9-10(6).

Dựa theo quan niệm Hindu giáo về sự hình thành các tiểu quốc trong mandala Champa, mỗi tiểu quốc được hình thành dựa vào một ngọn núi thiêng, tượng trưng cho thần Siva; và một dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, vợ thần Siva. Dọc theo dòng sông thiêng này mỗi tiểu quốc thiết lập ba trung tâm trọng yếu, đó là: (1) một trung tâm thương mại hay cảng-thị tọa lạc ở một cửa sông; (2) một trung tâm quyền lực của hoàng gia hay là hoàng thành; (3) một trung tâm tôn giáo của hoàng gia hay là thánh đô.

Vào khoảng thế kỷ thứ 7, căn cứ vào những yếu tố địa dư và những di tích lịch sử liên quan đến châu Amaravati của Champa ở địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay, ta có thể tìm thấy mô hình về sự hình thành của một tiểu quốc được bộc lộ như sau.
-  Ngọn núi thiêng là núi Mahaparvata/Đại Sơn Thần hay núi Răng Mèo;
-  Dòng sông thiêng Mahanadi/ Ganga hay sông Thu Bồn(7);
-  Cửa sông hay cảng-thị là Đại Chiêm Hải Khẩu hoặc Cửa Đại, tọa lạc ở vùng Hội An;
-  Hoàng thành là Simhapura/Thành phố Sư tử ở vùng Trà Kiệu;
-  Thánh đô hoàng gia là Srisanabhadresvara hay Mỹ Sơn.

Những tỉnh thành (tiểu quốc?) có danh hiệu tiếng Chăm nêu trên của miền bắc Champa đều gắn liền với một cửa biển, nó bộc lộ rằng mỗi tiểu vương quốc thuộc mandala Champa(8) được thiết lập dựa vào một cảng-thị là trung tâm hải thương quốc tế; điều đó phù hợp với mô hình “riverine exchange network” (mạng lưới trao đổi ven sông) của Bennet Bronson nêu ra về sự trao đổi nội và ngoại thương dựa vào những dòng sông chính trong khu vực cùng với sự trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa những tiểu quốc với nhau, mà địa lý của vương quốc Chiêm Thành/ Champa đã đặc biệt thích ứng(9).

Áp dụng mô hình này để tìm hiểu địa-lịch sử của vùng Quảng Nam ngày nay, hay là Amaravati của Champa xưa kia, ta thấy rằng sông Thu Bồn và những chi lưu của nó đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi(10). Dọc theo dòng sông lớn này có nhiều khu chợ sầm uất ở miền trung du như Trung Phước, Ái Nghĩa, Túy Loan, v.v... giữ vai trò trung chuyển hàng hóa giữa miền ngược, nơi có những nhóm sắc tộc nói tiếng Môn-Khmer(11) sinh sống và cung cấp các loại lâm sản quý, với miền xuôi(12); nguồn lâm sản này được tập trung vào một cảng-thị quan trọng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn nơi giữ vai trò của một trung tâm ngoại thương mà diện mạo của nó có thể hình dung được qua sự phồn thịnh của cảng-thị Hội An nổi tiếng của Đàng Trong vào những thế kỷ 17-18. Sự phồn vinh của cảng-thị Hội An đương thời chính là sự tái hiện của một cảng-thị Champa trước kia (Trần Kỳ Phương 2010: 207-15)(13).


CHÚ THÍCH

1.    Tiểu quốc Vijaya của Champa vào đầu thế kỷ 15 (1436) đã được mô tả bởi một học giả Trung Hoa tên là Fei Hsin/Phí Tín, người đã tháp tùng đoàn hải hành của Trịnh Hòa tại Đông Nam Á, như sau: “... xứ này ở dọc theo duyên hải, và có một hải cảng gọi là Tân Châu [Quy Nhơn]. Về phía tây là Giao Chỉ, và Trung Hoa nối liền về phía bắc. Khi các chuyến tàu chở hàng của ngoại quốc cập đến xứ này, để đón các sứ thần, vị thủ lĩnh đội một cái mão có ba tầng bằng vàng, mặc y phục thêu thùa, đeo vòng vàng trên ngực và cánh tay, đi giày bằng vỏ đồi mồi và đeo một sợi đai có nạm tám viên ngọc vuông. Ngài trông như  một vị thần hộ pháp lộng lẫy. Ngài cỡi một con voi, được hơn năm trăm thổ binh hộ tống trước sau, có người mang gươm bén và giáo ngắn, có người mang khiên giáp sáng ngời, họ đánh trống và thổi tù và bằng vỏ dừa, ngài cùng những cận thần khác đi ra ngoại thành để đón nhận phẩm vật của vua ban. Vị thủ lĩnh xuống voi chắp tay và cúi đầu cảm tạ ơn vua đã ban phẩm vật và xin dâng những cống phẩm của địa phương. Xứ này có nhiều voi và tê ngưu to lớn, vì vậy ngà voi và sừng tê được bán tới những xứ khác với sản lượng lớn” (Su Chung-Jen/Tô Tông Nhân 1967: 198-211). Qua mô tả trên chúng ta có thể phân tích rằng, người cai quản cảng-thị Tân Châu/Vijaya là một thủ lĩnh/lãnh chúa; còn hoàng thành của nhà vua phải là một nơi khác cho nên vị thủ lĩnh của cảng-thị mới phải đi ra ngoại thành để dâng và nhận phẩm vật của vua ban. Cảng-thị của Tân Châu/Vijaya đương thời tọa lạc tại đầm Thị Nại về phía đông-bắc thành phố Quy Nhơn ngày nay. Quanh đầm Thị Nại có thành Thị Nại (thuộc huyện Tuy Phước), có thể đó là nơi đồn trú của vị thủ lĩnh/lãnh chúa của cảng-thị; về phía tây có thành Cha (thuộc huyện An Nhơn), có thể là thành Chà Bàn sau này (?), đó là nơi đóng đô của nhà vua (thành Thị Nại và thành Cha chỉ cách nhau chừng 7-8km theo đường chim bay). Các kiến trúc tôn giáo của hoàng gia là các nhóm tháp Bình Lâm, Bánh Ít  (thế kỷ 11-12), Dương Long, Hưng Thạnh (thế kỷ 12-13) và các tháp Cánh Tiên, Thủ Thiện, Thốc Lốc (thế kỷ 14-15). Trong một cấu trúc tương tự về các cảng-thị của Champa, chúng ta có thể so sánh với một phức hệ khác dựa theo sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi nơi có cửa Sa Kỳ /Cửa Đại với thành Cổ Lũy (nơi đồn trú của thủ lĩnh cảng thị) và thành Châu Sa (nơi đóng đô của vua và hoàng tộc) được thiết lập ở hai bên bờ sông. Chúng tôi mong sẽ có dịp trở lại chủ đề này trong một chuyên khảo khác.
(2)    Sau khi Lê Thánh Tông đánh chiếm thành Chà Bàn năm 1471, hoàng tộc Champa của Vijaya phải sống lưu vong ở Malacca; năm 1481/82 một sứ thần được vua Cổ Lai, một vị vua Champa lưu vong, cử đến triều đình nhà Minh dâng sớ nhờ giúp đỡ để lấy lại lãnh thổ đã mất vào tay Đại Việt, trong sớ kể rằng lãnh thổ Champa bao gồm vùng đất như sau: “Đất nước của chúng tôi bao gồm 27 xứ, 4 phủ, 1 châu, và 22 huyện. Lãnh thổ này trải dài về phía đông giáp biển, phía nam giáp Chân Lạp, tây giáp núi rừng của người Lê [Lê Nhân sơn], và bắc giáp A-mu-la-bu”. (Wade 2003: 14).     
(3) Hiện nay, có một làng ở phía nam chân đèo Hải Vân tên là Nam Ô thuộc thành phố Đà Nẵng, địa danh này góp thêm chứng cứ cho việc xác định châu Ô là ở phía bắc đèo Hải Vân.
(4) Cứ theo Hồng Đức bản đồ, 1653-90, (sđd, trang 48) thì thứ tự các cửa biển nay thuộc tỉnh Quảng Bình, tính từ bắc vào nam, như sau: Thuận Cô Môn nay là cửa Ròn; Cương Giản Môn nay là cửa Gianh; Di Luân Môn nay là cửa Lý Hòa (?); An Niên Môn nay là cửa Doanh; Nhật Lệ Môn nay là cửa Nhật Lệ (Tập bản đồ hành chính Việt Nam, Nxb Bản đồ, 2003, tr. 38). Như vậy, cũng có khả năng Jriy là Di Luân Môn hay là cửa Lý Hòa [Jriy>Di>Lý] (?). Nhưng theo Đồng Khánh địa dư chí, 1886-87, thì Di Luân Môn chính là cửa Ròn (Đồng Khánh địa dư chí 2003: 1355); còn sách Đại Việt địa dư toàn biên, thời Minh Mạng, của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thì gọi cửa Ròn là đồn biển Tấn và cho biết trước đó cửa này gọi là cửa biển Di Luân (Phương Đình Nguyễn Văn Siêu 1997: 246). Theo nhà địa lý học Lê Bá Thảo đương thời cửa Nhật Lệ là một cửa biển lớn (Lê Bá Thảo 2003: 211-15). Trong các cửa biển tại Quảng Bình, cửa Nhật Lệ là cửa quan trọng nhất từ thời Lê, nhưng ngoài ra, cửa Lý Hòa cũng là một thương cảng lớn (Lương Duy Tâm 1998). Tóm lại, hiện thời, chúng tôi chưa thể xác định chính xác địa danh của Di Luân Môn, nhưng đại thể, địa danh Jriy của Champa nằm trong địa vực huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Quảng Ninh hiện nay, nó có thể đã được phiên âm thành Di hoặc Lý hoặc Lệ (?).
(5)    Vùng đất giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân đã được các tác giả người Pháp định danh là Indrapura, về danh hiệu này đã được Southworth phân tích và phủ nhận trong một chuyên khảo về địa-chính trị Champa (Quach-Langlet 1988: 28-29; Southworth 2000: 237-40; Trần Kỳ Phương 2002: 63-74, chú 10).
(6) Ngoài ra, có thể còn nhiều cửa biển của những dòng sông chính ở miền Trung có khả năng tồn tại những tiểu quốc độc lập khác mà chúng ta chưa thể xác định được danh hiệu của chúng, mặc dầu những tiểu quốc này đã được đề cập đến trong các thư tịch cổ của Trung Hoa khi liên hệ đến Champa với danh xưng là “quốc”, chẳng hạn: Môn Độc Quốc, Cổ Đan Quốc, v.v... Những tiểu quốc này được thiết lập trên những cửa biển sau: Cửa Hàn trên sông Hàn thuộc thành phố Đà Nẵng; Cửa Kỳ Hà trên sông Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam; Cửa Dung Quất trên sông Trà Bồng và Cửa Sa Kỳ/Cửa Đại trên sông Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Cửa Tuy Hòa trên sông Ba hay sông Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên; Cửa Phan Rí trên sông Lũy và cửa Phan Thiết trên sông Cà Ty/Cái thuộc tỉnh Bình Thuận (Southworth 2000: 237-244; Trần Kỳ Phương 2002: 64-65). Dọc theo những dòng sông này đều có những nhóm đền-tháp quan trọng như Khương Mỹ, Phú Hưng (Tam Kỳ, Quảng Nam), Chánh Lộ, thành Châu Sa, thành Cổ Lũy (Quảng Ngãi), tháp Nhạn, thành Hồ (Phú Yên), Pô Đam, Phú Hài (Bình Thuận), v.v.. là chứng cứ về sự tồn tại của những di tích hoàng gia Champa tại những tiểu quốc đương thời.
(7)     Tên của ngọn núi thiêng và dòng sông thiêng này đã xuất hiện trong những minh văn Champa được phát hiện tại Mỹ Sơn từ cuối thế kỷ thứ 4 cho đến thứ 7 (Majumdar 1985: III, 4-8; 21-26).
(8)  Thuật ngữ mandala (circles of kings) được các nhà nghiên cứu dùng để diễn tả một hệ thống chính trị-kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Mandala là mô hình của một vương quốc bao gồm nhiều tiểu vương quốc hoặc lãnh chúa. Trong  mỗi  tiểu quốc của mandala có một vị tiểu vương thường được thần linh hóa và tự xưng là lãnh đạo của các thủ lĩnh khác, mà trên lý thuyết, đó là những thuộc hạ và chư hầu của họ. Mỗi tiểu vương trong mandala là người duy nhất có đặc quyền được nhận cống phẩm mang đến bởi các sứ thần và là người có uy quyền tối cao lãnh đạo quân đội. Cũng thường xảy ra tình trạng là một vài vị thủ lĩnh trong mandala có quyền từ chối vai trò chư hầu của họ và cố xây dựng cho riêng họ một hệ thống chư hầu mỗi khi họ có cơ hội nổi dậy. Để ngăn ngừa tình trạng này, tiểu vương trong mandala ứng xử với các chư hầu bằng cách không can thiệp vào nội bộ của những thủ lĩnh địa phương để giữ một khoảng cách tương đối với thủ phủ, và tạo những mối quan hệ hôn nhân hoặc mời họ tham gia vào ứng thí đại biểu của hoàng gia, v.v... (Wolters 1999: 27-40; Nakamura 1999: 60).
(9)     Nhiều nhà nghiên cứu đã giải thích hệ thống chính trị-kinh tế của vương quốc Champa theo một mô hình được gọi là “hệ thống trao đổi ven sông/riverine exchange network”. Theo mô hình này, “hệ thống trao đổi ven sông” có một vùng duyên hải để làm cơ sở cho một trung tâm thương mại thường tọa lạc ở một cửa sông. Đây cũng là trung tâm giao dịch quốc tế. Ngoài ra, cũng có những trung tâm ở thượng nguồn, đó là những điểm tập trung ban đầu của các nguồn hàng có gốc từ những vùng xa sông nước. Những nguồn hàng này được sản xuất ở các vùng không họp chợ bởi các cư dân sống trong các bản làng ở miền thượng du hoặc thượng nguồn. Nguồn hàng này, chủ yếu là lâm sản, được tập trung trao đổi ở các chợ phiên vùng trung du, rồi vận chuyển về các khu chợ sầm uất hơn ở vùng hạ lưu gần cảng-thi, sau đó lại được tập trung về cho các thương nhân cư trú ở cảng-thị để xuất khẩu. Mỗi tiểu quốc trong mandala có riêng một “hệ thống trao đổi ven sông” như vậy (Bronson 1977: 39-52; Hall: 1985: 1-25; Nakamura 1999: 60). Dựa vào nguồn hàng hoá biết được tại cảng-thị Hội An, chúng ta thấy rằng hoàng hoá miền ngược bao gồm tất cả các mặt hàng lâm sản quý hiếm như: trầm hương, sừng tê ngưu, ngà voi, quế, gỗ quý, v.v…; và các mặt hàng ở vùng hạ lưu thương bao gồm các mặt hàng nhập cảng như: gốm sứ, đồ đồng, vải vóc …của Trung Hoa, hoặc mã nảo, đá quý của Ấn Độ, v.v… (Trần Kỳ Phương 2002; 2004).
(10)    Về việc áp dụng mô hình “hệ thống trao đổi ven sông” để tìm hiểu lịch sử và văn hóa miền Trung, chúng tôi đã bước đầu công bố trong một tham luận tại hội thảo khoa học về “Văn hóa làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam” do Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Trung Tây Nguyên tại thành phố Huế tổ chức tại Huế ngày 28 tháng 5 năm 2004 (Trần Kỳ Phương 2004).
(11)    Trong các tộc người nói tiếng Môn-Khmer ở miền tây Quảng Nam, người Katu là sắc tộc đông nhất, sống phân bố dọc theo các dòng sông lớn của Quảng Nam như sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Côn, sông Túy Loan, v.v... Người Katu hiện nay có khoảng 50.000 người, sống tập trung tại 2 huyện miền núi Tây Giang và Đông Giang (trước đây là huyện Hiên và Giằng) tỉnh Quảng Nam, ngoài ra còn có một bộ phận sống ở huyện Nam Đông phía bắc đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Về sinh hoạt kinh tế-văn hóa-xã hội của người Katu, trong đó có mối quan hệ với thương nhân miền xuôi mà người Katu gọi là “các-lái” hay “thương-lái”, đã được tường thuật bởi Le Pichon vào năm 1938 trong một chuyên khảo về người Katu ở Quảng Nam, và của cụ Quách Xân, một chiến sĩ cách mạng lão thành đã sống với người Katu nhiều năm tại các vùng rừng núi phía tây tỉnh Quảng Nam (Quách Xân 2000; Le Pichon  1938). 
(12)           Trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi ở vùng Quảng Nam đã được phản ảnh qua câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu/bạn nguồn, Măng le/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” (Trần Quốc Vượng 1998: 24).
(13)  Trong một chuyên khảo dựa vào luận án tiến sĩ của mình, Wheeler cũng đã phân tích và chứng minh rằng cảng-thị Hội An trong các thế kỷ 17-18 đã kế thừa những thành quả về sự thiết lập các mối quan hệ nội và ngoại thương của Champa trong các thế kỷ trước đó (Wheeler 2003a; 2003b). Mô hình trên cũng có thể được áp dụng để tìm hiểu vai trò kinh tế của các cảng -thị khác của Chiêm Thành dựa vào các cửa sông ở miền bắc vương quốc như sông Thạch Hãn, sông Gianh, v.v…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bronson Bennet, 1977. “Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes Toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography [Hutterer, Karl L. ed.]: 39-52. Ann Arbor: Center for South and Southeast Asia Studies, The University of Michigan.
2.   Dương Văn An, 2000. Ô Châu cận lục  [Tân dịch hiệu chú] (Hiệu đính -dịch chú: Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc). Huế: Nxb Thuận Hóa.
3.   Đào Duy Anh, 1964. Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nxb Khoa học.
4.   Đồng Khánh địa dư chí (CD-ROM), 2002. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - École pratique des Hautes Etudes - École Francaise d’Extrême-Orient.
5.   Hagesteijn Renée, 1989. Circles of kings: political dynamics in early Continental Southeast Asia. Dordrecht-Holland/Providence-USA: Foris Publications.
6.   Hall Kenneth R., 1985. Maritime Trade and Early State Development in Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press.
7.   Hoàng Xuân Hãn, 1965. Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao triều Lý (tái bản). Sài Gòn, Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh.
8.   Hồng Đức bản đồ, 1962. Tủ sách Viện Khảo cổ, số III, Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục.
9.   Le Pichon J., 1938. “Les Chasseurs de Sang”, Bulletin des Amis du Vieux Hué”, 1938, No. 4: 357-409. Huế: Association des Amis du Vieux Hué [CD-ROM, Ecole Francaise d’Extrême Orient - Université de Hue, Vietnam, Festival Huế 2000].
10.  Lê Bá Thảo, 2003. Thiên nhiên Việt Nam (tái bản). Hà Nội: Nxb Giáo dục.
11.  Lương Duy Tâm, 1998. Địa lý-Lịch sử Quảng Bình. Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình.
12.  Majumdar R. C., 1985. Champa: history and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East 2th -16th centuries AD (Reprinted). Dehli: Gian Publ. House.
13.  Maspéro George, 1988. Le Royaume de Champà. Paris: Ecole Francaise d’Extrême-Orient. [Réimpression de l’École Francaise d’Extrême-Orient (EFEO)]
14.  Nakamura Rie, 1999. Cham in Vietnam: Dynamics of Ethnicity [Ph.D. dissertation]. University Washington: Department of Anthropology.
15. Nhà xuất bản Bản đồ, 2003. Tập bản đồ hành chính Việt Nam.
16.  Nguyễn Xuân Hoa, 2001. “Thừa Thiên Huế dưới thời Lâm Ấp-Chămpa”, Nghiên cứu Huế, tập 3: 28-38. Huế: Trung tâm Nghiên Cứu Huế.
17.  Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, 1997. Đại Việt địa dư toàn biên. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học. Hà Nội: Viện Sử học và Nxb Văn hóa.
18.  Quach-Langlet T., 1988. “Le cadre géographique de l’ancien Campa”, Actes du seminaire sur le Campa, organisé à l’Université de Copenhague, le 23 Mai 1987: 28-48. Paris: Travaux du Centre d’Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise.
19.  Quách Xân, 2000. “Giặc mùa”, Ngok Linh [Chuyên đề nghiên cứu, sáng tác về miền núi và Tây Nguyên], số 1: 71-106. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Đà Nẵng.
20.  Southworth, William, 2002. “Notes on the political geography of Campa in central Vietnam during the late 8th and early 9th centuries A.D.” [Proceedings of the 7th International Conference of the European Association of Southeast Asian Archaeologists, Berlin, 31 August-4 September 1998], Southeast Asian Archaeology 1998: 237-244. Hull: Center for Southeast Asian Studies, University of Hull, Great Britain.

21.  Trần Kỳ Phương
- 2002. “Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (37): 63-74; số 4 (38): 71-78. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế.
- 2003a. “Di tích mỹ thuật Champa ở Thừa Thiên Huế”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4-5 (42-43): 110-20. Huế: Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.
- 2003b. “The geography of the ancient Champa kingdom in Central Vietnam”. Paper given at Pacific Neighborhood Consortium Annual Conference 2003, held on November 7-9, 2003 at Princess Maha Chakri Sirindhorn Anthropology Center, Bangkok, Thailand.
- 2004. “Bước đầu tìm hiểu về địa-lịch sử của vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam: Với sự tham chiếu đặc biệt vào “hệ thống trao đổi ven sông” của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Văn hóa làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”. Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Miền Trung tại thành phố Huế, 5-2004.
- 2010. ‘Interactions between uplands and lowlands through the ‘riverine exchange network’     of central Vietnam- A case study in the Thu Bon river valley’, In 50 years of archaeology in Southeast Asia: Essays in honour of Ian Glover. Bérénice Bellina, Elisabeth A. Bacus, Thomas Oliver Pryce & Jan Wisseman Christie (eds.). Bangkok: River Books, pp.207-15.

22.  Trần Quốc Vượng, 1998. “Để  tìm hiểu thêm về  xứ Quảng”, Di tích Quảng Nam: 24. Quảng Nam: Sở Văn hóa -Thông tin Quảng Nam.
23.  Wade G., 2003. “The Ming shi Account of Champa”. Singapore: Asia Research Institute, Working Paper Series, No. 3: 14, <www.ari.nus.edu.sg/pub/wps.htm>.
24.  Wheeler Charles,
- 2003a. “One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hoi An Region” (forthcoming), For Viet Nam: Borderless Histories, ed. Nhung Tran & Anthony Reid (Madison: University of Wisconsin Press).
- 2003b. “Environment, Economies, And Social Organization in the Development of a Trade Regime: Hoi An’s Trading World, c. 1550-1830”. Paper given at Pacific Neighborhood Consortium Annual Conference 2003, held on November 7-9, 2003 at Princess Maha Chakri Sirindhorn Anthropology Center, Bangkok, Thailand.
25.  Wolters O. W., 2000. History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives (Revised Edition). Singapore: Institute of Southeast Asia Studies.

19 tháng 1, 2012

NGHĨ VỀ ÔNG PHAN THANH GIẢN

                                                                            Nguyễn Hữu Hiệp

Tìm hiểu một sự kiện lịch sử hay một nhân vật lịch sử, chúng ta không thể không nghiên cứu những yếu tố khách quan và chủ quan, mà nguồn tham khảo chủ yếu là dựa vào các sách sử, tư liệu, chứng nhân lịch sử có liên quan đến nó. Cũng không thể không quan tâm đến bối cảnh xã hội, đến hoàn cảnh và trạng thái, tâm tư những người trong cuộc tại thời điểm ấy. Trên cơ sở đó mà phân tích, xử lý và khách quan rộng xét mới có thể phán đoán được vấn đề - ít ra cũng đạt ở mức độ tương đối.

Trong chiều hướng đó, để biết vì sao ông Phan Thanh Giản đã có quyết định “hết sức sai lầm” – nói theo cách hiểu chung nhất lâu nay - thiết tưởng chúng ta cũng không có cách nào khác hơn.

Phần mình, ông Phan Thanh Giản “sai lầm” có chủ tâm, hay đó là một hành động thiếu suy nghĩ, để rồi phải ân hận mà tự chuốc lấy cái chết cho mình?

Như chúng ta đều biết, ông Phan Thanh Giản (1796 - 1867) là một công thần nhà Nguyễn, làm quan trải 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức từ 1826 - 1867, ông đã lần lượt kinh qua ít nhất 58 chức vụ lớn nhỏ (1). Thuở hàn vi, mới 7 tuổi ông Phan Thanh Giản phải chịu cảnh mồ côi mẹ, rồi cha lại bị tù (oan), cảnh nhà vô cùng nghèo khổ, cơ cực, ông sống nhờ vào tình thương quả bà dì ghẻ và những người hàng xóm tốt bụng. Được giúp đỡ mọi mặt nên tạm đủ điều kiện theo đuổi việc học hành, để rồi cuối cùng ông “công thành danh toại” hết sức vẻ vang: thi đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân khoa năm Bính Tuất, 1826 - vị tiến sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ – được triều đình bổ dụng làm quan.

Hoạn lộ của ông Phan Thanh Giản vô cùng lận đận! Nhìn lại ta được biết, ông đã 7 lần làm cho vua giận tức, không chỉ bị giáng chức, cách lưu mà có khi phải cam chịu theo quân tiền hiệu lực (làm lính) (2) . Song mỗi lần như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn ông lại được phục hồi để rồi từng bước được vinh thăng đến cực phẩm triều đình (lần lượt giữ chức Thượng thư các bộ Hình, bộ Lại, bộ Binh (3); 6 lần được sung Cơ mật viện đại thần, và cả Chánh sứ toàn quyền đại thần (4). Ở cương vị nào ông cũng chỉ biết cố gắng làm hết phận sự mình, dù vinh cũng không lấy đó làm hãnh, mà trái lại ít nhất ông cũng 4 lần dâng sớ khẩn khoản khước từ quyền cao chức trọng, nhưng vua không chấp thuận, nên đành phải vâng mệnh. Rõ ràng ông Phan Thanh Giản không hề ham muốn cao sang danh vọng. Đình thần và nhà vua không ai không biết rõ bản chất con người và tính nết của ông (Phan Thanh Giản) từng được vua ban tặng tấm kim khánh với 4 chữ vàng Liêm, Bình, Cần, Cán; và do “liêm trực cẩn thận”, sau vua lại ban thêm cho tấm bi lương ngọc để tỏ lòng tin yêu, sủng ái).

Do liêm trực cẩn thận như vậy nên mỗi khi có việc trọng đại mang tính mất còn, nhất là trong quan hệ với người Pháp, tuy vẫn biết ông sẽ không thể làm được như ý muốn mình, song “muôn lần như một” bá quan văn võ ở triều đình, tôn nhân phủ và nhà vua cũng cứ Phan Thanh Giản mà sai phái, kỳ vọng (5). Đơn giản, vì đối với những việc “thiên nan vạn nan”, trong hàng các quan và cả vua, cũng không nghĩ ra được mưu chức gì, chỉ biết bó tay, ngồi nhìn! Điển hình là khi nhà vua cử ông làm Chánh sứ sang thương thuyết với hoàng đế nước Pháp (và Y Pha Nho) xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, trước khi đi, vua Tự Đức ướm hỏi: “Trước kia ngươi bỏ 3 tỉnh Nam Kỳ chắc là đã có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa chăng?”. Phan Thanh Giản tâu: “Tôi xét kỹ thời thế, không bỏ không được, nay tôi vâng mệnh đi sứ, việc thành hay không đều tùy nước Tây, tôi chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi”. Vua chảy nước mắt! (6).

“Chảy nước mắt” lúc ấy, chứng tỏ nhà vua đã mặc nhận “việc thành hay không là do nước Tây”. Vậy mà sau đó khi biết rõ người Pháp tiếp tục đẩy mạnh cuộc xâm lược để bức chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, nhà vua liền khai phục và thăng bổ Phan Thanh Giản làm Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (1865) để sai phái ông vào Nam đương đầu trước làn tên mũi đạn. Hơn ai hết, ông Phan Thanh Giản biết rất rõ rằng mình chỉ là “con bài hy sinh” không hơn không kém, bèn xin khước từ (7), vua không chấp thuận. Sau đó lại xin hưu trí với lý do “vì tuổi già sức yếu không kham được việc lớn” (8), vua cũng không cho. Thế là phải vâng mệnh!

Tại thời điểm quân Pháp xua binh hùng tướng mạnh đến áp bức Vĩnh Long, trước tình thế nguy ngập ấy xét thấy không còn con đường nào khác là phải cứu dân, bởi việc phòng bị của triều đình từ muôn đời nay vẫn là chiến thuật, chiến lược và chiến cụ thời trung cổ, thực lực yếu xìu như cọng bún thiu, trong khi phía địch, chúng bất thần ập đến với cả ngàn quân hung hãn, đều súng to, tàu lớn, trong tư thế sẵn sàng nhả đạn bình địa tức khắc nếu có hành vi kháng cự lại. Vì vậy ông đành phải ra lịnh giao thành để, ít ra trước mắt cũng bảo toàn được xương máu nhân dân.

Suy nghĩ của ông lúc ấy là đằng nào cũng phải mất thành, mất đất. Còn số phận mình tất cũng không khác, nghĩa là đằng nào cũng phải chết! Và ông đã chọn lựa để hành động! Một hành động mà từ hàng trăm năm nay, ai hiểu được nỗi lòng của ông thì không thể không đồng tình, thậm chí thầm khen là can đảm; còn đối với những người phẫn tức thì không tiếc lời mắng mỏ ông hèn nhát. Song suy cho cùng, “nói sao cũng đúng” vì đó là quan điểm xuất phát từ tận đáy lòng yêu nước, thương dân mà ra. Về phần mình, ông Phan Thanh Giản là người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”!

- Dám nghĩ: Cứu dân, bảo vệ cho dân kiểu ông Phan Thanh Giản, theo tôi hiểu, là một cách suy nghĩ và làm theo sự suy nghĩ có cân nhắc. Ông đã “dám nghĩ” như thế hẳn không thể không xuất phát từ “sự hiểu” là vua (và triều đình) đã cố tình đẩy ông vào “cửa tử”, vì tất cả đều biết rõ là ông sẽ không tài nào xoay chuyển được tình thế, bởi “việc thành hay không là do nước Tây”. Vua Tây đã quyết xâm lược, thôn tính nước Nam, thì quan Tây phải thi hành thôi (9), quá dễ hiểu! Trước tình thế cứ bị dồn vào chân tường như vậy, ông thấy rõ trước sau gì mình cũng phải đi vào cửa tử, nên ông đã dâng sớ tỏ bày thống thiết: Tôi nghĩa nên chết, không dám tạm sống để hổ thẹn đến vua cha. Hoàng thượng... thay đổi đường lối, thế lực còn có thể làm được! Tôi đến lúc sắp chết nghẹn lời không biết nói gì, chỉ ứa nước trông về kinh mến tiếc, mong muốn vô cùng mà thôi! (10). Do cái “đạo quân thần”: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, nhà nho Phan Thanh Giản đã không tiếc mạng sống của mình để tỏ rõ sự tận trung. Nhưng thật bẽ bàng, sự trung quân ấy nhà vua đã cố tình không hiểu! Đã không một chút đoái hoài, an ủi vong linh kẻ trung thần mà còn nhẫn tâm đe nẹt, nhẫn tâm ra lệnh đình thần xử trị thật nặng vì: “Trước đi sứ không được việc, sau cẩu thả hèn kém, để mất các tỉnh Long - Giang - Hà. Hai tội đều nặng cả, tuy đã tự chết, nhưng chưa đủ che được tội”, quyết “phải truy đoạt lại chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu. Giết kẻ đã chết để răn đe về sau”! (11).

- Dám làm: Trong việc để mất 6 tỉnh Nam Kỳ, trước sau Phan Thanh Giản vẫn là người trực tiếp đứng mũi chịu sào. Việc đã diễn ra như thế thì không thể nói sao khác được. Nhưng vì sao một đại thần trung nghĩa của triều đình từng được vua ban cho 4 chữ vàng “Liêm, Bình, Cần, Cán”, rồi sau một lần nữa khen tặng là “Liêm trực, cẩn thận” lại “dám làm” chuyện tày đình như thế? Hẳn phải có duyên do mà chủ yếu là triều đình đã nắm biết và đánh giá tình hình là trước sau gì vận nước cũng sẽ phải diễn ra như thế, cho nên nếu lập trường của nhà vua ban đầu cứng rắn bao nhiêu thì, dần dần mềm nhũn bấy nhiêu. Ta ghi nhận:

- Năm 1862, Tự Đức dò dặn Chánh sứ toàn quyền đại thần Phan Thanh Giản lúc sắp lên đường vào Nam hội đàm với sứ Pháp và Y Pha Nho là: Nếu họ đòi giao 3 tỉnh (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) thì nhứt định không thể theo lời (...); quyết không cho Tây được đi lại trong toàn quốc, không cho họ đặt quan ở kinh, cũng không cho người Y Pha Nho xin ở và đánh thuế, cùng cực chỉ cho họ ở một đôi chỗ để buôn bán, về đạo Gia Tô cũng quyết không cho họ công nhiên lưu hành, bất đắc dĩ thì cho phép họ ở tại một vài nơi do ta chỉ định” (12) - lập trường nhà vua rất dứt khoát, cứng rắn!

- Năm 1863, khi cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ sang Pháo và Y Pha Nho thương thuyết, Tự Đức đã xuống nước một cách thảm hại, phải “chảy nước mắt” khi nghe Phan Thanh Giản thành thực tâu nói “Việc thành hay không là do nước Tây”! - Tình thế đã đến mức như vậy thì chỉ có khóc mà thôi!

- Tháng 9 năm Bính Dần (1866) khi Khâm sứ Thượng thư của Pháp là Vial và Cố Dương đến kinh chính thức đòi lấy 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên thì ngay sau đó vua Tự Đức chỉ thị Phan Thanh Giản (và Trương Văn Uyển) lập tức mật bàn với các quan tỉnh ấy “xét xem sự thế nhân tâm ra sao, nếu cử động (kháng cự) ngay thì phải nghĩ cách đối đãi, nếu nhường (các tỉnh ấy cho họ) thì nên châm chước cốt được hòa bình. Tính kỹ tâu lại” (13) - Rõ ràng Tự Đức đã có ý muốn bỏ 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ!

Thế thì với tư cách là người được nhà vua “chuyên ủy” (chữ dùng của vua Tự Đức nói với Phan Thanh Giản) (14) cớ gì lại không dám hành động hợp ý vua? Ông đã “dám làm” cái chuyện mà trong thâm tâm nhà vua và bá quan văn võ đều đồng tình, nhưng họ chẳng những “không dám làm” mà còn cố “làm màu” để né tránh trách nhiệm trước lịch sử – trong trường hợp này so với Phan Thanh Giản họ đều thiếu can đảm! Phải chăng hành động này của ông Phan Thanh Giản cũng là một kiểu “cứu chúa”? - nhưng rất tiếc cách xử trí vấn đề của “chúa” này khác hẳn chúa Lam Sơn!

- Dám chịu trách nhiệm: Bằng vào lý trí của mình, ông Phan Thanh Giản đã tỏ ra rất dứt khoát trong khi xuống lệnh cho các quan tướng thuộc quyền giao thành An Giang và Hà Tiên cho quân Pháp. Ông đã dám nghĩ, dám làm tất dám chịu trách nhiệm trước triều đình. Trong công thư ngắn gọn gửi quan Tổng đốc 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên về việc này, sau khi đã phân bày với lời lẽ vô cùng thống thiết; phần kết bức công thư hết sức chân thành, xúc động và không thể không làm người đọc chú ý “ẩn tình” sâu kín mà ông muốn gửi và cần chú ý:

... “Vậy bổn chức viết công thơ cho các quan văn cũng như cho các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và giao thành trì, khỏi chống lại.

Nhưng, nếu bổn chức tùy theo Thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đem tai họa, rớt trên đầu họ, bổn chức trở thành phản thần đối với Hoàng đế của ta vì bổn chức trao 3 tỉnh của Hoàng đế cho Phú lang sa mà không chống cự... Bổn chức đáng tội chết. Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang sa, nhưng lá cờ 3 sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống...”.

Chúng ta đều đã thấy rất rõ rằng, tại thời điểm cực kỳ nguy hiểm ấy, ông Phan Thanh Giản không có cách xử trí nào khác hơn là đành phải bó tay. Với ông, nó không có nghĩa là khuất phục, “mọi người có thể sống dưới sự điều khiển của người Pháp” nhưng tuyệt đối không hợp tác, không giúp đỡ họ (ít ra ông cũng đã trăng trối với các con mình như vậy), vì đối với kẻ thù, “chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi”, xem như phải chấp nhận “tạm hàng” để “cầu mưu”. Mưu của ông như thế nào? Trước hết là phải bằng mọi cách bảo toàn sinh mạng cho mọi người (ngoài ông!) – gồm cả quan và dân. Mọi người còn sống mới không tiêu hao tiềm lực, mới có thể tính được chuyện khôi phục cơ đồ, nghĩa là cần phải có thời gian cần thiết để củng cố thực lực cho đủ mạnh. Nhưng trước hết và bức thiết hơn hết là cần phải “thay đổi đường lối”, vì theo ông “thế lực còn có thể làm được”, ông “mong muốn vô cùng”. Đó là những gì tâm huyết nhất mà ông đã bộc bạch trong sớ dâng lên trước khi chết. Theo ông, võ lực thôi chưa đủ mà còn phải đặc biệt quan tâm phát triển về trí lực, ở đó nhất thiết là phải đi lên bằng con đường khoa học kỹ thuật (trong phạm vi gia đình ông đã dặn và mong muốn các cháu của mình phải cố học, học cho “tới nơi tới chốn” mở mang trí óc theo kịp văn minh tiến bộ của phương Tây để phụng sự cho dân, cho nước)(15).

Và cuối cùng, để tỏ rõ lòng thành và tiết tháo, vào lúc nửa đêm ngày chủ nhật 4-8-1867 (nhằm ngày mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão) trước sự chứng kiến của gia đình, trong căn nhà cỏ của mình ở quê nhà Vĩnh Long (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), ông đã hướng về phương Bắc lạy (vua) 5 lạy rồi bình tĩnh mượn chén thuốc độc tự kết liễu đời mình (giấm chua pha với thuốc phiện) sau khi đã nhịn ăn 15 ngày mà không chết.

Ông Phan Thanh Giản đã dũng cảm chịu trách nhiệm về việc làm có suy nghĩ của mình. Với ông, như vậy là đã trọn chữ trung quân, tròn lời Thánh dạy!

Nhưng sự trung quân của ông có làm vua Tự Đức hài lòng?

Sau sự kiện giao thành, mất thêm 3 tỉnh Nam Kỳ, vua Tự Đức hạ lịnh đình
thần lập tức nghị xử việc để thất thủ 3 tỉnh ấy.

Bản án của các đại thần tâu lên phân tích khá tình lý:

“Phan Thanh Giản và Nguyễn Văn Nhã, hiện đã quyên sinh hoặc ốm chết rồi thì nên cho được miễn tội trảm hậu và trượng lưu (...). Cứu xét tới nguồn gốc, thì bọn phạm kia đối với công việc trinh sát bí mật đâu phải dễ dàng? Hơn nữa địa thế 3 tỉnh lại rất xa xôi cách trở, tin tức khó thông. Huống chi bọn Tây ôm ấp tấm lòng phản trắc, hiệp ước còn đầy đủ đó mà chúng trở mặt xé ngay; việc làm của chúng sự thực không ai có thể liệu tính trước được? Đối với sự thế bấy giờ, các phạm viên kia ở vào địa vị khó xử, triều đình bao phen huấn thị, thực đã xét thấu từ lâu. Chỉ vì 3 tỉnh thần kia tuân theo mật lục, trọng chữ tín nghĩa không muốn tranh biện đến cùng, thì tình cũng nên lượng xét. Hơn nữa Phan Thanh Giản sau khi lỡ việc, đối với nghĩa vụ chẳng dám cẩu thả nên đã quyên sinh; so với các viên tỉnh thần chỉ biết lo bảo toàn mạng sống để trở về, cũng có khác biệt. Vậy thì từ Phan Thanh Giản trở xuống đến bọn Đỗ Huy, có nên phân biệt để lượng giảm hay không, ơn đócòn trông ở chỉ thị của hoàng thượng”.

Nhưng Tự Đức không một chút xót thương, đoái tưởng! Ông cho là nghị như vậy “chưa được sáng suốt, chính đáng”, bèn dụ rằng:

“Nguyên Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Kinh lược sứ Phan Thanh Giản, trước đã cùng Lâm Duy Thiếp sơ suất định hòa ước, đem 3 tỉnh Định - Biên – Tường khinh thường cho người; đi sứ lại không được việc. Sau sung Kinh lược sứ lại để lỡ cơ hội, nên các tỉnh Long - Giang - Hà đều mất, hai tội đều nặng cả, tuy sau khi việc đã rồi, xét phải tội chết, chưa đủ che được tội. Vậy Phan Thanh Giản (cùng với Lâm Duy Thiếp(16)) đã quá cố đều truy đoạt lại chức hàm, và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu. Giết kẻ đã chết để răn về sau”.

Quyết định “bất nhơn” như vậy liệu có ổn không khi mà chính nhà vua và toàn bộ triều đình nhà Nguyễn đều đã trực tiếp tạo điều kiện xui khiến Phan Thanh Giản hành động như thế?

Lương tâm nhà vua hẳn không thể không cắn rứt, vì ông đã nhìn nhận “Phan Thanh Giản là người học rộng, nết tốt, đáng làm mô phạm cho đời; tấm lòng trung thành cần mẫn trong sạch, chăm chú làm hết phận sự, thì trẫm đã biết từ lâu và rất chú trọng. Riêng nói về tài thì hơi kém, không đủ thao lược ứng biến, lại còn phạm lỗi cố chấp, không thể trao cho công việc trọng đại, cho nên đại sự đến nỗi vấp ngã”(17).

Và nhà vua có còn nhớ hay không lời nói của mình với ông Phan Thanh Giản: “Trẫm ngày ngày mong tin ngươi thu lại 3 tỉnh ấy báo cho trẫm thì ngươi, giả sử chẳng may có chết cũng nhắm được mắt, trẫm cũng yên tâm, không thế thì cùng với ngươi cùng mang tội đến muôn đời không bao giờ chuộc được, hồn vía không tan cũng làm hùng kiệt loài quỷ để mong báo mới hả”(18)?

Phải chăng làm “Bài dụ tự chê về việc để mất Nam Kỳ” Tự Đức đã cảm thấy thanh thản?

Gì thì gì, ông Phan Thanh Giản (và Lâm Duy Thiếp) không hề bán nước, mà suốt đời, cho đến phút trút hơi, ông chỉ một lòng một dạ – yêu nước, thương dân, mà thôi.

Người đời luôn xót thương tướng giữ thành, để thành mất, phải mất theo thành. Cũng như thế, ông Phan Thanh Giản là người được giao giữ đất, để mất đất và ông đã mất theo đất! Rõ ràng Phan Thanh Giản không hề nhu nhược, mà ngược lại đã rất dũng mãnh - cái dũng mãnh rất riêng chỉ có ở một quan văn tiết tháo như ông. Vậy mà Tự Đức đã không một chút xót xa lại còn hạ lệnh để mãi cái án trảm (chết rồi, vẫn phải chém, - chém nữa!). Nhưng con cháu ông  đã không c hịu tuân theo lời ông! Mười chín năm sau (1886) Phan Thanh Giản (và Lâm Duy Thiếp, cùng một số quan khác) đã được triều đình (đời vua Đồng Khánh) “xét thấy không có tội chi” nên đã tâu lên, được khai phục nguyên hàm (và dựng lại bia tiến sĩ) cho ông(19). Và cũng từ ấy hầu khắp các tỉnh ở Nam Kỳ, nhân dân không chỉ luôn nhắn nhớ, ngưỡng mộ mà còn lập bàn thờ thờ ông tại một số đình, đền, chùa, miếu. Không ít nhà dân đã treo chân dung ông nơi trang trọng để thể hiện tình cảm như đối với người thân đáng kính trong thân tộc! Không chỉ thế mà người Nam Bộ (vốn có truyền thống yêu nước và đấu tranh rất kiên cường, rất quyết liệt đối với bọn cướp nước) cho đến hiện nay, mỗi khi có dịp đề cập đến nhân vật lịch sử này, hầu hết bà con đều thể hiện sự cảm thông sâu sắc và tỏ cảm tình rất đặc biệt đối với ông. Họ còn truyền tụng nhau khá nhiều câu chuyện rất cảm động mang nội dung ca ngợi ông, như chuyện ông xin ở tù thay cha cho tròn phận hiếu; chuyện bị viên cai đồn chặn xét hỏi khi ông đi ghe về quê thọ tang cha; chuyện ông mặc áo sô gai về thăm bà con ở quê nhà; chuyện ông làm quan đến thượng phẩm triều đình mà vẫn còn cất giữ kỹ bộ áo quần năm xưa người láng giềng cho ông lúc cònnghèo khổ, v.v...

Còn nhớ, nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - vốn là người cực kỳ nghiêm khắc trong cái nhìn “địch - ta”, từng làm 2 bài thơ điếu Phan Thanh Giản (một bài chữ Nôm, một bài chữ Hán) lời lẽ hết sức thống thiết, tuy có trách cứ họ Phan, nhưng đồng thời cũng đánh giá ông rất cao: “Lịch sử tam triều độc khiết thân” (nghĩa là: Một người từng trải 3 triều vua duy nhất còn trong sạch)(20). Hãy còn có rất nhiều quan điểm tỏ bày như vậy của các danh sĩ xưa và nay mỗi khi nhận xét về ông. Lòng dân đối với Phan Thanh Giản là như thế đó!

Vì vậy, trong hoàn cảnh đất nước đã hoàn toàn sạch bóng quân xâm lược, ngay khi nhân dân ta đã giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, đối với quân thù ta chủ trương khép lại quá khứ; đối với những kẻ lỡ lầm ta xóa bỏ hận thù; toàn dân đoàn kết một lòng, cùng nhau ra sức lao động sáng tạo, sản xuất để tập trung ý chí quyết tâm xây dựng nước Việt Nam văn minh và giàu mạnh thì, với tinh thần khoan dung, thông cảm và độ lượng vốn có, thiết tưởng thế hệ hôm nay có lẽ cũng nên mở lòng nhìn lại nhân vật lịch sử này bằng ánh mắt thân thiện hơn, gần gũi hơn để nhằm an ủi phần nào sự hy sinh vô điều kiện của một ông quan nổi tiếng thanh liêm, đức độ đã để lại trong lòng người lục tỉnh nhiều kỷ niệm mà ấn tượng nhất là cuộc sống thanh bần, giản dị của ông.

Ông Phan Thanh Giản đã dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, lẽ nào ta không hiểu thấu cho ông?!

--------------------------------------

(1) Ông Phan Thanh Giản vào quan trường triều Minh Mạng, năm 1826 với chức vụ Biên tu ở Hàn lâm viện, trải 41 năm thăng trầm hoạn lộ, chức vụ cuối cùng của ông là Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
(2) Ông Phan Thanh Giản 7 lần sai phạm vào các năm 1831, 1836, 1838, 1839, 1840, 1862, 1864, 1867 - bị cách lưu theo quân tiền hiệu lực (giáng làm lính đoái công chuộc tội năm 1831). Lý do: lúc ấy ông làm Hiệp trấn Quảng Nam, ở Chiêm Đàn có việc cần dập tắt, ông dẫn quân đi đánh dẹp, nhưng do vốn là quan văn, không thạo việc chiến trường, không thắng, phải bị cách lưu).
(3) Thượng thư bộ Hình 1847, Thượng thư bộ Lại 1848, Thượng thư bộ Binh 1853, lại làm Thượng thư bộ Lại 1864. Thượng thư bộ Hộ 1864 (sách Quốc triều hương khoa lục của Cao Xuân Dục ghi Phan Thanh Giản cũng có giữ Thượng thư bộ Lễ).
(4) Sung Cơ mật viện đại thần các năm 1832, 1836, 1841, 1844, 1847, 1853. Chánh sứ toàn quyền đại thần năm 1863 (thương thuyết với Pháp hoàng và Y Pha Nho - Phó sứ là Phạm Phú Thứ, Bồi sứ là Ngụy Khắc Đản).
(5) Ông Phan Thanh Giản được vua cử làm Chánh sứ vào Gia Định (Phó sứ là Lâm Duy Thiếp - có sách ghi Lâm Duy Hiệp, Lâm Duy Nghĩa) nghị hòa với sứ Pháp là Bonard và Y Pha Nho là Palanca
để ký hòa ước Nhâm Tuất, 1862.
(6) Phan Khoang, Việt Nam Pháp thuộc sử (1884 - 1945), tr. 174, Khai Trí xb, S., 1961.
(7) Tháng 8 năm Nhâm Tí (1852) Phan Thanh Giản xin trả lại phù tiết khinh lược sứ, vua không chấp nhận. Năm sau 1853 xin từ chối khi vua thăng Thự Hiệp biện Đại học sĩ, vua không cho. Cũng năm ấy ông khước từ chức Phó sứ Kinh lược Nam Kỳ lãnh Tuần phủ Gia Định kiêm chức Lãnh đốc các đạo Vĩnh Long, Định Tường, Biên Hòa, An Giang, Hà Tiên (Nguyễn Tri Phương là Kinh lược Đại sứ), vua cũng không chấp thuận. Sau, năm 1866 lại xin khước từ sự khai phục chức Lãnh Thượng thư bộ Hộ sung Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (trước đó khi đi Pháp về, bị cách vì “hèn kém”). Vua cũng ép nhận!
(8) Xin hưu trí năm 1866, vua không cho - lúc này ông 70 tuổi, quá chán nản và mệt mỏi!
(9) Chính phủ Pháp đã có ý định chiếm lấy nước ta làm thuộc địa nên từ tháng 4- 1857, vua Napoléon III quyết định lập một ủy ban để nghiên cứu vấn đề nước Nam gọi là “Cammission de la Cochinchine”, giao cho Nam tước Brenier làm Chủ tịch, và Phó Đô đốc Fourichon, Đại tá Jaurès làm hội viên. Ủy ban làm việc từ ngày 28- 4-1857 đến ngày 18-5-1857, rồi quyết định nên chiếm nước Nam vì 3 lợi ích: tinh thần, chính trị và thương mãi. Cần phải sửa soạn gấp và trong bí mật việc chiếm cứ 3 thành thị chánh của nước này. Hai ông Fourichon và Jaurès trình bày chương trình hành động theo đó một đoàn quân viễn chinh, khác hạm đội Pháp ở Trung Quốc, sẽ từ Pháp sang chiếm Tourane, Sài Gòn, Ke Sở. Ngày 15-7-1857, Hải quân Trung tướng Rigault de Genouilly được chỉ định chỉ huy cuộc viễn chinh này (theo Phan Khoang, sđd, và tạp san Sử Địa số 7 và 8-1967). Ông ta đã y lịnh, đem 15 chiến hạm, 1.500 tên lính Âu châu và 850 tên lính Phi Luật Tân thuộc dân của nước Tây Ban Nha khởi hấn, trước tiên là bắn phá các đồn lũy ở Đà Nẵng vào ngày 1-9-1858 và tiếp tục leo thang, chiếm lấy 3 tỉnh miền Đông, rồi 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Sách lược của chúng là khi đánh chiếm xong tỉnh nào liền xé vụn ra thành nhiều mảnh nhỏ, rồi căn cứ vào danh sách nhân sự đã được duyệt mà bổ nhiệm quan cai trị ngay nơi đó. Như vậy, việc mở mang thuộc địa, mà cụ thể là thôn tính nước ta là ý đồ, là chủ trương của chính phủ Pháp. Kế sách ấy có chương trình hẳn hòi, cả nước Pháp có nhiệm vụ phải dồn sức thực hiện triển khai cho bằng được. Cuối cùng, chúng đã đạt được mục đích: đặt ách thống trị lên toàn cõi nước ta gần ngót 80 năm!
(10) Đại Nam thực lục, bản dịch Viện Sử học, tập 31, quyển 36, tr. 134, Nxb. KHXH, H., 1974.
(11) Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập 31, quyển 39, tr. 269, in năm 1974.
(12) Theo Phan Khoang, sđd.
(13) Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập 31, quyển 35, tr. 65, in năm 1974.
(14) Trước, quan Kinh lược là Phan Thanh Giản đem hai việc chuộc lại 3 tỉnh, và đổi tỉnh Biên Hòa nói kín với tướng trước của nước Pháp, tướng ấy trả lời là việc ấy không thể bàn trước được, đến nay đổi tướng mới, Viện Cơ mật xin sai Phan Thanh Giản dò xem tình hình, tâu lại. Vua bảo Thanh Giản rằng: “Việc trù tính ở biên giới đã chuyên ủy cho ngươi...” (Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập 31, quyển
36, tr. 114).
(15) Khi đi sứ sang Pháp, trong khuôn khổ thăm viếng Paris thì có những cuộc du ngoạn thăm viếng thắng cảnh, các cơ sở kỹ nghệ ở kinh thành. Bắt đầu là vườn Bách thảo, cho tới điện Versailles, rừng Boulogne, rừng Vincennes. Phái bộ có dự nhiều buổi kịch nghệ và cả cuộc đua ngựa ở Longchamp. Các ngài quan sát lâu nhất là nhà máy gaz, xưởng làm thảm Gobelins. Các ngài chú ý nhất là cơ sở kỹ nghệ.  Trong hai tháng ở Pháp, các ngài đã thấy nhiều, biết nhiều, suy nghĩ nhiều. Các ngài có ghi chép. Nhưng các ngài, ít nhất là 3 vị đại sứ, khá lạnh nhạt và ít chú ý tới những cuộc vui tao nhã người ta cống hiến các ngài. Có lẽ vì sứ mạng của các ngài nặng nề quá, thu hút hết mọi chú ý của các ngài. (Theo Trương Bá Cần, Phan Thanh Giản đi sứ ở Paris, 13-9 đến 10-11- 1863, tổng hợp từ một số tư liệu và các báo Pháp đăng lúc đó - Ts. Sử Địa số 7 và 8-1967). Ông Phan Thanh Giản có thơ khi đi sứ về:
Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh,
Thấy việc Âu châu bỗng giật mình.
Kêu gọi đồng bang mau tỉnh giấc,
Hết lời năn nỉ chẳng ai tin!
(16) Lâm Duy Thiếp chết tháng 3 năm Quí Hợi (1863)
(17) Đạo dụ vua Tự Đức - Viện Cơ mật ghi lại trong “Tập tâu bản án của các đại thần nghị xử việc để thất thủ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên” (Theo bản dịch của Tô Nam, Tạp san Sử Địa số 7 và 8-1967).
(18) Đại Nam thực lục, bản dịch đã dẫn, tập 31, quyển 36, trang 114.
(19) Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, trang 425, Nhóm nghiên cứu sử địa xb, S., 1971.
(20) Địa chí Bến Tre (nhiều tác giả), Nxb, KHXH, H., 1991.

16 tháng 1, 2012

CÂU CHUYỆN THẤT SƠN

                                                                         Nguyễn Kim Nương

Địa danh “Thất Sơn” rất quen thuộc với người An Giang và cũng không lạ gì với hàng triệu khách hành hương hằng năm về viếng Bà Chúa Xứ núi Sam (Châu Đốc). Thế nhưng, nếu có ai đó hỏi “Thất Sơn là bảy núi nào?” thì ngay cả những người bản địa cũng khó có lời giải đáp một cách thuyết phục. Giới nghiên cứu cũng đã tốn khá nhiều công sức sưu tầm nhưng “bức màn huyền bí” của Thất Sơn hầu như vẫn chưa được mở toang ra.

Cách đây mấy năm, khi tham gia biên soạn bộ “Địa chí An Giang”, tôi có dịp tiếp cận với một số tài liệu viết về “Thất Sơn”. Những lý giải về Thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn”?; Vì sao gọi là Thất Sơn? Thất Sơn là bảy núi nào? thật là thú vị. Câu chuyện Thất Sơn cuốn hút tôi từ dạo ấy!

Trong Gia Định thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức biên soạn trước năm 1820 không thấy đề cập đến địa danh “Thất Sơn”. Cho đến Đại Nam nhất thống chí (ĐNNTC) của Quốc sử quán triều Nguyễn (bắt đầu biên soạn năm 1865), phần An Giang tỉnh mới có  “Thất Sơn”.  Dựa vào những tài liệu này, người ta đoán địa danh “Thất Sơn” ra đời khoảng giữa thế kỷ XIX. Không có ý kiến tranh cãi về khoảng thời gian ra đời của địa danh “Thất Sơn”, chỉ là chưa xác định thời gian cụ thể. Riêng lý do vì sao vùng này có đến mấy chục quả núi nhưng chỉ gọi Thất Sơn - Bảy Núi thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Tiến sĩ Bùi Đạt Trâm khi viết phần Địa hình - Địa chí An Giang đã về tận vùng Bảy Núi để đếm. Ông ghi nhận trên địa bàn tỉnh An Giang ngày nay có đến 37 quả núi có tên gọi. Riêng vùng Châu Đốc, Tri Tôn, Tịnh Biên (vùng Thất Sơn) cũng có 27 núi. Trong các sách xưa, số lượng núi ở vùng này cũng vượt xa hơn con số “bảy”.

Gia Định Thành thông chí (GĐTTC) của Trịnh Hoài Đức mô tả núi non vùng đất An Giang xưa gồm 19 núi. ĐNNTC, phần tỉnh An Giang có mô tả 24 núi.

Theo kỹ sư Trần Anh Thư trong bài “Thất Sơn có từ bao giờ?” đăng trong tạp chí Phát triển nông thôn – số Xuân Canh Thìn năm 2000 – thì số “bảy” trong “Bảy Núi” liên quan đến bảy khối núi tại vùng Tri Tôn, Tịnh Biên ngày nay và điều này rất trùng hợp với tâm thức của người dân Nam Bộ “nam thất nữ cửu”, đã có “Cửu Long” ắt có “Thất Sơn” – âm dương mới hài hòa. Từ cách lý giải như trên, kỹ sư Thư cho rằng Thất Sơn gồm: núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Phú Cường, núi Nam Qui, núi Sam và khối núi Trà Sư (gồm núi Két, Trà Sư…). Còn vì sao người xưa chỉ chọn 7 núi thì kỹ sư Thư giải thích rằng tên gọi của 7 ngọn núi trong Thất Sơn đều là các con vật tín ngưỡng cao quí tượng trưng cho tầng lớp vua chúa, cung đình xưa: Rồng, Kỳ lân, Rùa, Phụng, Voi, Hổ… tương ứng với tứ linh “Long, Lân, Qui, Phụng” và thế “Voi chầu, Hổ phục”, 6 ngọn núi với tên của 6 con vật quý này bao quanh, bảo vệ lấy Thiên Cấm Sơn là núi trung tâm.

Một cách lý giải khác mà tôi được nghe từ một lương y ở tại An Giang, cũng khá thú vị. Ông cho rằng, sở dĩ có Thất Sơn là vì đã có Tam Đảo (miền Bắc), Ngũ Hành (miền Trung). Ông chứng minh rằng Ngũ Hành Sơn có đến 6 ngọn núi mà tên gọi vẫn quy về “Ngũ Hành”, cũng như gọi “Thất Sơn” mà đến hàng chục quả núi! Cách đặt tên như vậy là dựa theo bảng giải mã Lạc Thư 3-5-7, đó là một dãy số dương nằm từ hướng đông sang tây. Cho nên, Tam Đảo – Ngũ Hành – Thất Sơn có ý nghĩa như một sự tốt đẹp, thống nhất và vĩnh cửu.

Cũng có ý kiến cho rằng địa danh “Thất Sơn” ra đời từ chính các ông đạo ở vùng núi non này vào giữa thế kỷ XIX. Bấy giờ, tín ngưỡng Đạo Giáo có điều kiện xâm nhập, ăn sâu và phát triển ở Nam Bộ. Vùng núi non An Giang sớm trở thành nơi hội tụ của các bậc tu tiên. Có lẽ chính vì vậy mà phương ngữ Nam Bộ có câu “Tu Phật Phú Yên, tu Tiên Bảy Núi”. Đạo giáo quan niệm rằng hình hài núi non, sông bãi trên trái đất đều do các vì tinh tú trên trời quy định. Bảy Núi là biểu hiện của 7 vì tinh tú - Thất tinh: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa và Sao Thổ. Trở lại khoảng thời gian xuất hiện địa danh “Thất Sơn” như trên đã nêu trên, đúng là tại vùng Thất Sơn bấy giờ có rất nhiều hoạt động mang màu sắc Đạo Giáo. Sau khi Phật Thầy Tây An viên tịch (12 tháng 8 năm Bính Thìn - 1856), nhiều đệ tử của ngài vẫn tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, thuyết này bị phản bác bởi vì sự tôn thờ Trời của Đạo Giáo thể hiện việc thờ Cửu diệu tinh quân, tức 9 vị tinh tú kỳ diệu, đó là: Mặt Trời, Mặt Trăng, Sao Kim, Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Nam Tào và Sao Bắc Đẩu chứ không phải là Thất tinh. Vả lại, chưa thấy có nơi nào tại các vùng ảnh hưởng Đạo Giáo xem núi là tượng trưng của các vì sao.

Cách đây hằng nửa thế kỷ, một số nhà văn, nhà sưu khảo xem chừng cũng đã tốn không ít thời gian và công sức để giải thích cái địa danh có vẻ huyền bí này.

Theo xu hướng tôn giáo huyền bí, một số tác giả cho rằng số “bảy” trong “Thất Sơn” xuất phát từ ý nghĩa của con số “bảy” trong Khổng, Đạo, Phật. Số “bảy’ là số sanh hóa vô tận và tốt đẹp vô cùng. Trong kinh A-Di-Đà, Đức Phật Thích Ca cho biết thế giới cực lạc là nơi hoàn toàn an vui, không còn có cảnh khổ. Cảnh trí cõi này rất đẹp, được làm bằng 7 thứ quí báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Đường sá, lầu các, cung điện. Gọi “Thất Sơn” là vì ý nghĩa tốt đẹp đó. Thất Sơn (Bảy Núi) – Dương và Cửu Long (Chín Rồng) – Âm, sơn tiền điểm long mạch, trong số bảy có sanh hóa; trong số chín, âm – dương kết tụ huờn hư là địa huyệt linh diệu vô cùng. Thất Sơn là Kim Thành Huyệt tương ứng với Cửu Long Huyệt hay Minh Đường Huyệt, là nơi âm dương hòa hợp - địa linh sanh nhân kiệt!

Tác giả Vương Kim trong một số bài viết còn cho rằng Thất Sơn là bảy hòn núi sắp theo hình của huyệt “tiên thiên” trong cơ thể con người, cho nên gọi là núi quí (Bảo Sơn - Bửu Sơn). Nếu đúng như thế thì địa danh “Thất Sơn” có lẽ xuất hiện cùng lúc với sự ra đời của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương? Nhà văn Hồ Biểu Chánh thì không giải thích con số “bảy” mà cho biết Thất Sơn gồm các núi; Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm. Riêng về tên gọi núi Cấm, ông giải thích đó là tên mà nhân dân địa phương gọi chung cho mấy hòn núi cao nằm khoảng giữa bao gồm các núi Ba Xoài, Ngất Sung (Ngất Sum), Nam Vi, Đoài Tốn (Đài Tốn).

Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Hầu cũng có cùng lời giải đáp như Hồ Biểu Chánh. Ông còn cho biết có một nhà khảo cứu người ngoại quốc cũng thừa nhận Thất Sơn gồm những núi như Hồ Biểu Chánh đã viết.

Năm 1984, Trần Thanh Phương viết cuốn Những trang về An Giang cho rằng Thất Sơn bao gồm các núi: Núi Nước (Bích Thủy Sơn, Thủy Đài Sơn), núi Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Két (Ô Thước Sơn, Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngoạ Long Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn, Bạch Hổ Sơn), núi Năm Giếng (Giài Năm Giếng, Ngũ Hồ Sơn) và núi Tượng (Liên Hoa Sơn). Nhân dân sở tại cũng liệt kê tên gọi của các núi thuộc Thất Sơn giống như trong sách của Trần Thanh Phương. Có lẽ khi thực hiện Những trang về An Giang, tác giả đã về vùng Thất Sơn sưu tầm tư liệu từ dân gian.

Trên đây là một số lời giải về Thất Sơn đáng chú ý. Nếu làm một bảng so sánh, ta thấy các ý kiến có một số yếu tố trùng lặp: ai cũng cho rằng núi Tô, núi Dài, núi Cấm, núi Két là những núi thuộc Thất Sơn; còn lại là chưa thống nhất. Sở dĩ các ý kiến còn có chỗ khác biệt là do mỗi người có một căn cứ khác nhau, và việc đối chiếu tên cũ – tên mới cũng làm cho “bài toán Thất Sơn” thêm rối rắm!

Thử căn cứ vào bộ sách sử chính thống của Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí - để đưa ra thêm một lời giải nữa xem sao!

Phần Núi sông của tỉnh An Giang trong ĐNNTC (quyển 30) ghi Thất Sơn gồm có các núi:

1. Tượng Sơn: Ở bờ phía đông sông Vĩnh Tế, cách huyện Hà Dương 31 dặm về phía đông bắc, cao hơn 8 trượng, chu vi 3 dặm, là một trong Thất Sơn, núi không cao lắm, chân núi có đá thủy tinh.
(Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả Tượng Sơn là núi ở phía nam đồn Châu Đốc 9 dặm, cách thượng lưu sông Vĩnh Tế bờ phía đông nam 2 dặm)

Vị trí như được mô tả chỉ có thể là núi Sam ngày nay. Điều này được khẳng định thêm nhờ đọc chú thích (bằng chữ Hán) trên An Giang toàn đồ. Như vậy, Tượng Sơn (trong ĐNNTC) là núi Sam chứ không phải núi Tượng ở xã Ba Chúc (huyện Tĩnh Biên). Nhà khảo cổ học Lê Xuân Diệm có cho biết, trước đây, Vương Hồng Sển cũng cho rằng núi Sam nằm trong hệ Thất Sơn. Điều này làm cho nhiều người (kể cả người viết bài này) thắc mắc rằng tại sao sau này không ai gọi núi Sam là Tượng Sơn! Có tài liệu cho biết trên núi Sam xưa kia có nhiều cây sam. Đó là một loại thực vật thân gỗ họ thông, có thể dùng để đóng ghe – “ghe sam bảng” (sau này gọi “ghe tam bảng”). Ngày nay, nghe nói trên núi ấy vẫn còn một ít cây sam. Vì vậy mà Tượng Sơn chuyển thành núi Sam?

2. Tô Sơn: Ở  cách huyện Hà dương 17 dặm về phía tây nam, là một trong Thất Sơn, phía tây núi có đền thờ Thủy thần.
Theo cách mô tả trên đây trong ĐNNTC thì Tô Sơn là núi Tô ngày nay. Có điều về phương hướng thì chưa chính xác lắm. Núi Tô ngày nay nằm về hướng đông nam huyện Hà Dương chứ không phải là hướng tây nam. Trên An Giang toàn đồ, vị trí của núi Tô được chú thích là “Đài Tốn Sơn”. Xem lại ĐNNTC mô tả Đài Tốn Sơn như sau: ở phía đông nam sông Vĩnh Tế và phía tây bắc sông Thụy Hà, cách huyện Hà Dương 30 dặm về phía Nam, cao 50 trượng, chu vi hơn 200 dặm, cao vót như cái đài, cao đứng sững ở vị thìn tị, nên gọi tên thế. Cách núi Ngất Sum 10 dặm về phía đông, núi non cao vót, sẵn các thứ trầm hương, tốc hương, sa nhân, giáng hương, gỗ cao, gỗ sam, tre trúc xanh tươi rậm rạp, đường sá tắt quanh, gần với đồng nội, sát ngay phá chằm; dân làm ruộng, dân đánh chài chia nhau ở dưới. Những đặc điểm này rất gần với núi Tô ngày nay. Ý nghĩa của tên gọi “Đài Tốn Sơn” (cái đài ở hướng đông nam - Tốn: phương đông nam của Hậu thiên bác quái) cho phép ta khẳng định núi Tô và Đài Tốn Sơn là một. Trong Người Việt gốc Miên của Lê Hương (xuất bản năm 1964) cho biết người Khmer gọi Đài Tốn Sơn là “Phnom Ktô”. Trên bản đồ tỉnh An Giang trước năm 1975 chú thích chữ “Cô Tô” ngay vị trí núi Tô ngày nay. Như vậy, núi Tô (hay Cô Tô) ngày xưa gọi là Đài Tốn Sơn là một trong Thất Sơn.

3. Cấm Sơn: Ở cách huyện Hà Dương 17 dặm về phía tây nam, đỉnh núi rất cao, ít người đi đến, cũng là một trong Thất Sơn.

Riêng tên gọi “Cấm Sơn” và chi tiết “đỉnh núi rất cao” cũng giúp chúng ta dễ dàng nhận ra đây chính là núi Cấm ngày nay. Có một điều mà nhiều nhà nghiên cứu thắc mắc: Tại sao núi Cấm cao lớn như thế mà trong GĐTTC của Trịnh Hoài Đức không hề được nhắc đến? Chúng tôi tìm mãi trên An Giang toàn đồ cũng chẳng thấy quả núi nào được chú thích là núi Cấm mà ngay vị trí núi Cấm ngày nay có chú thích là núi “Ba Xôi”. Trong Người Việt gốc Miên, Lê Hương cho biết người Khmer gọi núi Ba Xôi là “Phnom Popal”. Hiện nay, người Khmer ở địa phương gọi núi Cấm là Phnom Popal. Như vậy, núi Ba Xôi và núi Cấm là một.

4. Núi Ốc Nhẫm: Ở huyện Hà Dương, phía Tây tiếp núi Tượng Sơn, cũng là một trong Thất Sơn.
ĐNNTC mô tả núi này bằng một dòng ngắn gọn như vậy, còn trong GĐTTC thì không thấy có tên núi Ốc Nhẫm. Nếu căn cứ phương hướng như mô tả thì cũng có thể đây là núi Két ngày nay; nhưng nếu xem trên An Giang toàn đồ thì lại không phải “phía tây tiếp núi Tượng Sơn” mà có thể là núi Bà Đội Om ngày nay.

5. Núi Nam Vi: Ở cách huyện Hà Dương 24 dặm về phía nam, cao 30 trượng, chu vi hơn 8 dặm, cây cối um tùm, cấm chặt cây, khe sâu cỏ rậm, rất nhiều hươu nai, hổ báo. Dân núi… tụ họp cấy cày ở chân núi, là một trong Thất Sơn.
Xác định vị trí theo mô tả, rồi đối chiếu trên An Giang toàn đồ, ta thấy núi Nam Vi được đề cập trong ĐNNTC chính là núi Nam Qui ngày nay. Nhiều sách và bản đồ trước đây viết là “Nam Vi, người Khmer địa phương gọi là Phnom Pi.

6. Núi Tà Biệt:
Ở cách huyện Hà Dương 5 dặm về phía Bắc, cao 20 trượng, chu vi 6 dặm, mặt về phía đông, lưng về phía tây; không như các ngọn núi khác mà ở lệch về bên Vàm Nao, nên gọi tên thế, núi tuy nhỏ bé  mà hình thế đĩnh đạc, cũng là một trong Thất Sơn.
Căn cứ vào những đặc điểm của núi mà sách mô tả, kết hợp với ghi chú trên An Giang toàn đồ thì núi Tà Biệt chính là núi Phú Cường ngày nay.

7. Núi Nhân Hòa: Ở phía đông nam huyện Hà Dương, liền với núi Nam Vi, tục gọi Sáng Cháy, cũng là một trong Thất Sơn.

Liền với núi Nam Vi có núi Dài. Nếu xem chú thích trên An Giang toàn đồ thì vị trí của núi Nhân Hòa trùng với núi Dài ngày nay.

Như vậy, Thất Sơn gồm có các núi: 1. Núi Sam, 2. Núi Tô (Cô Tô, Phụng Hoàng Sơn), 3. Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), 4. Núi Bà Đội Om, 5. Núi Nam Qui, 6. Núi Phú Cường (Ngũ Hổ Sơn), 7. Núi Dài (Ngọa Long Sơn).

Bảy núi này mang ý nghĩa gì? Chắc chắn không phải là những núi to nhất trong vùng. Trong một lần về An Giang, nhà văn Sơn Nam khuyên tôi nên tìm hiểu theo hướng “phong thủy”.

Thất Sơn xưa có nhiều hoạt động đạo giáo và đặc biệt vùng này còn là nơi ẩn tích, là địa bàn hoạt động của một số nhà yêu nước như Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, Đức bổn sư Ngô Lợi của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa…
Hẳn nhiên, chọn được một thế đất tốt, theo người xưa, sẽ mở đầu cho một cơ nghiệp huy hoàng. Ta thấy, các kinh đô xưa đều là những địa điểm được chọn theo “con mắt phong thủy”. Thành Đại La sau đổi là Thăng Long “ở vào nơi trung tâm Trời Đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi… lại tiện hướng nhìn ra sông dựa núi… Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi đây là thắng địa” (Chiếu Dời đô). Kinh đô Huế, nhìn rộng thì có biển đằng trước, núi đằng sau; nhìn hẹp thì có núi Ngự Bình ở phía trước làm án, sông Hương chảy lững lờ bao quanh, trên sông ở hai đầu có hai cồn đất giống như Thanh Long (tả) và Bạch Hổ (hữu), đoạn sông nằm giữa hai cồn ấy chính là Minh Đường. Theo Ngũ hành, các thế đất được phân thành Hình Thủy, Hình Hỏa, Hình Mộc, Hình Kim và Hình Thổ. Thế đất Hình Kim được coi là sẽ phù trợ cho con cháu phát theo đường võ; còn thế đất Hình Mộc sẽ phù hợp cho con cháu phát theo đường văn. Nếu một thế đất có đủ cả Ngũ hành thì sẽ được coi là phát đế vương.
                                                   
Trở lại vùng Thất Sơn, theo cách dò tìm Long mạch, xác định vị trí của 7 núi trên bản đồ, ta thấy ở đây đúng là một thế đất Ngũ hành, trong đó Hình Thổ (trung ương) là núi Cấm (Thiên Cấm Sơn). Phải chăng đây là “đáp số” của bài toán “Thất Sơn”?

Để hoàn tất bài viết này, thú thật, tôi rất vất vả vì kiến thức của mình có hạn, chẳng biết những lời lẽ trên đây có thuyết phục được quí độc giả chút nào chăng? Mong nhận được những ý kiến đóng góp!

Thất Sơn ngày nay đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn với hàng triệu lượt khách thập phương hằng năm về đây hành hương và thưởng ngoạn cảnh đẹp. Trong làn khói hương huyền diệu lan tỏa khắp núi rừng trùng điệp, Câu chuyện Thất Sơn chắc hẳn đã và sẽ cùng với bao huyền thoại linh thiên của vùng đất đi vào tâm hồn con người như những lời gởi gắm của người xưa !
                                                                An Giang, tháng 4 âl năm 2000

13 tháng 1, 2012

Ý NGHĨA CỦA TÊN GỌI VIỆT NAM

                                                                           Nguyễn Đăng Trúc 

Khi nêu lên câu hỏi ý nghĩa tên gọi Việt-Nam, tên gọi của quốc gia chúng ta hôm nay,
hẳn nhiên cần phải ghi nhận những sự kiện lịch sử khách quan liên hệ đến việc chọn lựa danh hiệu nầy. Nhưng, trong khuôn khổ chuyên môn nghiên cứu của tôi, tôi không đủ khả năng để đi sâu vào những chi tiết có tính cách thuần lịch sử. Thật  đáng tiếc! 
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về  văn hóa Việt-nam, tôi có đọc được một bản văn mà tôi đánh giá là có giá trị văn hiến làm nền cho tư tưởng truyền thống dân tộc -  Truyện  Họ Hồng Bàng trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính và xuất bản vào mùa thu năm 1492 -, và truy tìm được nghĩa của hai từ Việt và Nam trong khuôn khổ văn hóa tư tưởng mà bản văn nầy muốn chuyển tải. 
Trong truyện Họ Hồng Bàng nầy, câu kết tóm gọn như sau :
Bách-Nam là thủy-tổ của Bách-Việt vậy  [1].
Muốn hiểu hai chữ Nam và Việt trong câu nầy, dĩ nhiên chúng ta cần đọc nguyên bản văn [2] để nắm bắt được lý do tại sao hai chữ ấy có thể thu tóm ý nền tảng tư tưởng mà « bản văn Sáng Thế »  ấy muốn chuyển đạt.
 (Tôi đã cố gắng minh giải bản văn trên đây trong chương III cuốn Văn Hiến, Nền Tảng Của Minh Triết do Định Hướng xb. năm 1997. Để trình bày tiếp câu hỏi về ý nghĩa tên Việt Nam ở đãy, tôi chỉ gói gọn ý kiến của mình trong khuôn khổ bản văn truyện Họ Hồng Bàng trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái doVũ Quỳnh hiệu chính.)
a/ Bối cảnh chung
-                      Chúng ta xác định được là hai chữ Việt và Nam đã được nhắc đến trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính năm 1492. 
-                      Hai chữ ấy được nêu lên đến để cô động toàn ý nghĩa truyện Họ Hồng Bàng. Truyện nầy lại là truyện đầu cuốn sách : nó vừa trình bày nội dung tổng quát của sách (các truyện tiếp theo chỉ là phần khai triển chương nầy),  vừa nói lên một nội dung duy nhất và nền tảng cho văn hóa đó là VẤN ĐỀ Ý NGHĨA CỦA NHÂN TÍNH. Trong bối cảnh văn chương đặc loại như thế, chữ VIỆT và NAM phải được hiểu trong khuôn khổ của vấn nạn duy nhất ấy.
-                      Hai sự kiện khác nữa cần lưu ý nữa đó là lối hành văn đặc biệt của các bản văn văn hóa cổ nói chung và đặc biệt của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái : 
•   Một là lối nói thi ca và tượng trưng : các chữ dùng chỉ nhằm nói đến một nội dung duy nhất là con người và những yếu tố hình thành, những chiều kích sinh hoạt của nó ; nhưng nội dung đặc lại nầy được diễn tả qua những hình ảnh của những vật thể khác trong vũ trụ. Riêng đối với cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, phần lớn các tên gọi lại là hán việt ; do đó không những phải lưu ý âm hưởng thi ca của tên gọi, mà còn cần lưu ý âm hưởng thi ca của tên gọi đó trong bối cảnh của văn hóa Á Đông nữa.
•   Riêng đối với câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa tên Việt Nam, thì vấn đề lại khó khăn hơn. Chữ ý nghĩa, tiếng Pháp là signification hàm ngụ sự hiểu biết của trí khôn con người khi đo lường một sự vật. Nó thuộc lãnh vực lý thuyết khách quan. Trái lại, nghĩa của hai chữ Việt Nam mà tác giả Vũ Quỳnh nêu lên trong khuôn khổ cuốn Lĩnh Nam Chích Quái không phải là ý nghĩa của một vật thể mà các bộ môn khoa học ngày nay truy tìm. Nghĩa của hai chữ Việt Nam phải được hiểu là phân vụ phải chu toàn, như khi ta nói nghĩa làm người hoặc là đạo làm người. Chữ nghĩa nầy chỉ áp dụng cho vấn nạn về con người : trong ngôn ngữ dân gian, chúng ta thường nói  nghĩa vợ chồng, nghĩa làm con hay đạo làm chồng, đạo làm con…... chẳng hạn. Liên quan đến nghĩa của nội dung cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, tác giả là Vũ Quỳnh đã viết rõ như thế nầy trong lời tựa :
Than-ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu? 
b/ Chữ Nam trong bản văn cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
( Trích bản văn)
Đế-Minh lập Đế-Nghi làm tự-quân cai-trị phương Bắc, phong Lộc-Tục làm Kinh-Dương-Vương cai-trị phương Nam, đặt quốc-hiệu là Xích-Quỉ-Quốc.
Kinh-Dương-Vương xuống Thủy-phủ, cưới con gái vua Động-Đình là Long-Nữ, sinh ra Sùng-Lãm tức là Lạc-Long-Quân; Lạc-Long-Quân thay cha để trị nước, còn Kinh-Dương-Vương thì không biết đi đâu.
 (…)

 
Đế-Nghi truyền ngôi cho Đế-Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên-hạ vô-sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế-Minh nam-tuần gặp được tiên-nữ. Đế-Lai bèn khiến Xi-Vưu tác-chủ quốc-sự mà nam-tuần qua nước Xích-Quỉ, thấy Long-Quân đã về Thủy-phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu-Cơ cùng với bộ-chúng thị-thiếp ở lại hành-tại. Đế-Lai chu-lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình-thế, trông thấy kỳ-hoa dị-thảo, trân-cầm dị-thú, tê-tượng, đồi-mồi, kim-ngân, châu-ngọc, hồ-tiêu, nhũ-hương, trầm-đàn, các loại sơn-hào hải-vị không thứ nào là không có; khí-hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế-Lai ái-mộ quá, quên cả ngày về.
 (…)

 
Lạc-Long-Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu-Cơ ở một mình, dung-mạo đẹp lạ-lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi-lang phong-tư mỹ-lệ, tả-hữu thị-tùng đông-đảo, tiếng đàn ca vang đến hành-tại. Âu-Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long-Quân bèn rước nàng về núi Long-Trang.
(…)

 
Âu-Cơ ở với Lạc-Long-Quân giáp một năm, sinh ra bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; nàng đem về nuôi-nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự-nhiên trường-đại, trí-dũng song-toàn, ai cũng úy-phục, bảo nhau đó là những anh em phi-thường.
Qua đoạn văn trích dẫn, chúng ta có được một trực giác về ý nghĩa nhân tính của bách nam, những con người nguyên thủy được tạo dựng trong ánh sáng của chân lý : Bách Nam sinh ra từ 100 trứng, là hoa trái của tương giao giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ  (Trời và Người). Bách Nam vượt lên trên muôn sinh vật của vũ trụ (linh ưu vạn vật) : không phải cho ăn, cho bú mà tự-nhiên trường-đại, trí-dũng song-toàn, ai cũng úy-phục, bảo nhau đó là những anh em phi-thường.
Nam đối nghịch với với Bắc. Đối với người ở vùng bắc bán cầu như chúng ta, Nam tượng trưng vùng đất có mặt trời ban sự sống và ánh sáng. Bắc tượng trưng cho bóng tối và cõi chết (nơi cư ngụ của Đế Lai, kẻ thù của Lạc Long Quân).
Phương Nam là nước Xích Quỉ, là cộng đồng của giống thần thiêng : từ hán-việt Xích có nghĩa là hơi ấm của mặt trời; từ Quỉ không phải là quỉ ma (satan, diable) như ta hiểu ngày nay, nhưng là giống thần thiêng (có thể dịch qua pháp ngữ là esprit)
Phương Nam là quê của Sùng Lãm ((Sùng là cao trọng đáng tôn kính bên trong, Lãm là đẹp đẽ xuất hiện ra bên ngoài), của Lạc Long Quân (Lạc :  gợi lên hạnh phúc viên mãn (= Mỹ),  Long :  nguồn gốc thần thánh (= Chân), Quân :  điều hành công minh, xử lý tốt lành cuộc sống (= Thiện).
Nơi phương Nam, Âu Cơ (Âu là nhớ nhung Ai; cơ là lo toan việc nầy việc kia; Âu Cơ tượng trưng cho hiện sinh con người) là con người trước đây từng bị Đế Lai (tượng trưng cho chấp ngã, dục vọng của quyền lực cá nhân, ham mê của cải vật chất  ... ) khống chế, nay được Lạc Long Quân (tượng trưng cho chiều kích Trời hay Thần,  hoặc là Chân Thiện Mỹ) đưa vào cùng chung sống nơi quê hương Thần Thánh (Long Trang)…...
Nơi phương Nam, con người được khai sinh bởi mối tương giao giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân ; từ mối tương giao nguyên thủy và nền tảng đó con người nối kết với con người trong mối tình huynh đệ.
Qua những hình ảnh tượng trưng dồn dập nói đến lý lịch thần linh của con người, Nam trong hai chữ Bách Nam ở câu kết của bản văn là nói đến chiều kích LINH THIÊNG của nhân tính ban cho mọi người, không loại trừ một ai.
(Ở doạn văn nầy cũng như ở phần sau (trừ câu kết), chữ VIỆT không minh nhiên viết ra thành văn. Nhưng trong ngôn ngữ hán-việt, VIỆT có nghĩa là vượt qua, vươn lên, đưa lên cao ..., do đó, một khi Bách Nam là con người được Thần (Lạc Long Quân) nâng lên hàng linh thiêng, được giải thoát khỏi bóng tối và sự chết (giải thoát khỏi gông cùm của Đế Lai) thì Bách Nam ấy cụng hàm ngụ là  Bách Việt.) 
c/ Chữ Việt trong bản văn cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Nếu con người từ nguyên thủy [từ lý lịch căn nguyên=  nhân chi sơ = con người ở vườn địa đàng (x. Sách Sáng Thế của Do-thái giáo và Kitô giáo)] là Bách Nam, thì thực tại hay hiện sinh con người là một thân thế tranh tối tranh sáng. Một mặt vì Thần (Lạc Long Quân) mà con người phải nối kết luôn ẩn mặt, luôn là KẺ KHÁC (không ai thấy Thần, Thần vô phương), mặt khác con người mang gánh nặng kinh hoàng của tự do và luôn bị bóng tối và sự chết (Đế Lai, phương Bắc) kềm hãm.
Bản văn viết :
Long-Quân ở lâu dưới Thủy-phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc-quốc liền đi lên biên-cảnh; Hoàng-Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân-binh trấn-ngự quan-tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long-Quân:
-          Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.
Long-Quân hốt-nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở  Tương-Dạ; Âu-Cơ nói :
- Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc-dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò-võ.
Long-Quân bảo :
- Ta là loài rồng, sinh-trưởng ở thủy-tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm-dương hợp lại mà có con nhưng phương-viên bất-đồng, thủy-hỏa tương-khắc, khó mà ở cùng nhau trường-cửu. Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.
Thủy-phủ ở đây là hình ảnh của cảnh vực bên kia bờ, là chiều kích siêu nhiên vượt lên trên thời gian không gian làm khung cho sự hiểu biết của con người. Khi nói Long-Quân ở lâu dưới Thủy-phủ có nghĩa là nói đến Thần vô phương, Thần Linh vượt lên trên trật tự mà sức con người có thể đo lường, khai phá. Nói cánh khác, con người thực tế trước mắt (hiện sinh), tuy mang ấn tích thần thánh trong mình, nhưng đang bị ràng buộc bởi thân phận đang gặp nguy cơ : chiều kích linh thiêng, mở ra với AI  KHÁC thì ẩn kín, tưởng như xa vời (mẹ con ở một mình), trong lúc dục vọng chỉ tìm mình, chỉ biết  mình và tham lam vật nầy vật khác  (nhớ về Bắc-quốc) thì rình rập không ngơi. 
Nếu ở phần đầu, Bách Việt có nghĩa là con người được Kẻ Khác ban phần linh thiêng vượt lên trên mọi sinh vật trong trời đất, hoặc con người được Thần nâng lên hàng thần thánh, thì về phần mình, trong thực tại làm người của bất cứ ai, phận vụ hoàn thành nhân tính của mỗi người (hoặc NGHĨA làm con người) lại là luôn nhớ Long Quân và thân thế nguyên sơ của mình ở phương Nam. Nỗi nhớ nầy là ấn tích nguyên sơ, là Đại Ký Ức (ở bên trên mọi ký ức bình thường) làm nên nguồn suối sâu kín trong tâm con người . Nỡi nhớ ấy  là Nền Cao Cả ở trong Tâm (Hoàng Đế) vừa có sức can ngăn con người không cho nó rơi vào sự ác (phương Bắc, Đế Lai), vừa nhắc con người nhớ Lạc Long Quan nơi phương Nam ẩn kín.
Đi vào Đại Ký Ưc để vượt lên thân phận bị trói buộc bởi phương Bắc, bởi Đế Lai (vốn là chính dục vọng chấp ngã, chỉ biết mình, phe mình, có nhiều vật cho mình) để tìm về  Thủy- tổ phương Nam, nơi con người được nâng lên địa vị thần linh, được mở ra với Ai Khác và nối kết với kẻ khác, nhìn nhận và yêu thương mọi người (không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, nam nữ, trẻ già .... ) trong tương giao huynh đệ cùng chung mẹ Âu Cơ, cùng được khai sinh do tình yêu không điều kiện đến từ Cha Lạc Long Quân.
Như thế, nghĩa làm người là chiến đấu vượt lên tăm tối sự ác để đi về ánh sáng của yêu thương và chân lý; nói cánh khác con người trong thực tại hiện sinh đúng nghĩa là BáchViệt.
Một khi ánh sáng và nguồn suối khai nguyên con người là phương Nam, một khi con người ban sơ, nguyên thủy là Bách Nam (người sinh ra và cư ngư ở phương Nam nầy), thì Bách Việt (con người tại thế đang vươn mình tìm về nguồn ánh sáng khai nguyên) phải nhận ra Bách Nam chính là thủy tổ của mình.
Bách-Nam là thủy-tổ của Bách-Việt vậy.
Khi cảm ứng được nghĩa làm người như thế, con người nhận ra mình thuộc một giống tộc Lớn, Cao cả  (Hồng), ôm trọn được mọi người (Bàng) : con người đó  thuộc họ Hồng Bàng.
Theo Vũ Quỳnh, nghĩa của hai từ Nam và Việt như thế đã được tổ tiên  cảm nhận từ nơi thâm cung tấm lòng của mỗi người  (khơng cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người = Đạo Tâm) và phải được chuyển đạt cho con cháu. Xuyên qua huyền thoại họ Hồng Bàng,  con cháu nên tiếp nhận nghĩa nầy như Văn Hiến hay Cương Thường dẫn lối cho cuộc sống :
Ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu ?

 [1] Bản dịch của Gs Lê Hữu Mục, do nhà xuất bản Trăm Việt, Portland, Hoa Kỳ tái bản 1982.
 [2]  Nguyên bản truyện họ Hồng Bàng  chỉ có 2 trang chữ in, khổ A5, nơi bản dịch qua chữ quốc ngữ,

12 tháng 1, 2012

KHU DI TÍCH GÒ THÁP (ĐỒNG THÁP) TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ ÓC EO

                                                                                Nguyễn Thị Hậu

Những năm gần đây, trong các công trình nghiên cứu khảo cổ học đã thể hiện ngày càng rõ hơn cách / hướng tiếp cận những nền văn hóa khảo cổ từ việc nghiên cứu môi trường sinh thái tự nhiên – cũng là môi trường sống của chủ nhân trong quá khứ của những nền văn hóa ấy. Không phải ngẫu nhiên mà khi nói đến văn hóa Oc Eo –  một nền văn hóa cổ phát triển từ đầu Công nguyên đến TK VII và truyền thống của nó còn kéo dài đến thế kỷ X –  những nhà nghiên cứu thường gắn địa bàn phân bố của nó với đồng bằng sông Cửu Long – Tây Nam bộ, mặc dù hiện nay đã phát hiện một số di tích văn hóa Oc Eo ở lưu vực sông Đồng Nai thuộc miền Đông Nam bộ.

Môi trường tự nhiên của văn hóa Oc Eo chủ yếu là miền Tây Nam bộ. Vùng sinh thái Tây Nam bộ được chia làm 3 tiểu vùng: tiểu vùng Thượng châu thổ Cửu Long, tiểu vùng Hạ châu thổ và tiểu vùng Đất mới ven biển Tây Nam bộ. Cảnh quan chung của cả 3 tiểu vùng là sông rạch, đầm đìa, bưng biền xen với những giồng, gò nổi cao giữa đồng bằng trũng ngập nước hàng năm và một vài ngọn núi thấp như Núi Sam, Núi Sập, Bảy Núi, Ba Thê. Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng rất lớn của các đợt biển tiến thời Holocene từ khoảng 5000 năm TCN đến khoảng 1200 năm (TK XII) sau Công nguyên. Thời kỳ trước Công nguyên biển tiến Holocene đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa Đồng Nai xuống đây, vì vậy ở miền Tây Nam bộ tìm thấy khá ít ỏi di tích khảo cổ thời Tiền sử. Chỉ đến khi nước biển rút thì các nhóm cư dân bản địa của văn hóa Đồng Nai bắt đầu mở rộng địa bàn cư trú xuống vùng này cùng với một bộ phận cư dân từ hải đảo vào. Liên quan đến thời kỳ văn hóa Oc Eo là biển tiến Holocene IV bắt đầu từ giữa TK IV và đạt đỉnh cao vào giữa TK VII, sau đó biển rút dần trả lại bề mặt đồng bằng vào khoảng TK XII. Hiện nay ở Nam bộ còn lại các phế tích kiến trúc đền tháp, di tích cư trú kiểu nhà sàn kéo dài dọc sông rạch, di tích cư trú trên các giồng gò cao giữa đồng bằng…Các cuộc khai quật từ thời L.Malleret (1944) đã tìm thấy dấu tích khoảng 30 “đường nước cổ” là các kênh đào ngang dọc ở vùng tứ giác Long xuyên. Đây vừa là hệ thống đường giao thông lợi dụng thủy triều ra vào cảng thị Oc Eo, vừa là hệ thống thủy lợi thoát nước trong mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây khảo cổ học đã phát hiện những cổ vật qúy giá, nhiều di vật như tượng thờ ngay trong các di tích đền tháp, mộ táng, vật dụng phục vụ sinh hoạt vật chất, sinh họat tinh thần tồn tại ngay trong địa tầng văn hóa (in-situ)… Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho các di tích của nền văn hóa Oc Eo rực rỡ “đột ngột biến mất”. Tuy nhiên, từ sau TK VII trên toàn Nam bộ vẫn tồn tại “truyền thống văn hóa Oc Eo” đến tận TK X – XIII.

Trong thời kỳ hình thành và phát triển của văn hóa Oc Eo (từ TK I đến TK VII) khu vực trung tâm Oc Eo – Ba Thê  được nhìn nhận là một (trong nhiều) cảng thị của vương quốc cổ Phù Nam, trạm dừng chân quan trọng trên tuyến đường biển nối liền Nam Á và Bắc Á với hai trung tâm văn minh lớn của nhân loại là An Độ vàTrung Hoa. Khu vực này là một phần của tiểu vùng Thượng châu thổ Cửu Long (phần còn lại là Đồng Tháp Mười). Cũng như tất cả các vùng thượng châu thổ khác, tiểu vùng này tương đối cao, từ 2 – 4m, nhưng lại bị ngập lụt vào mùa mưa nhiều hơn là tiểu vùng Hạ châu thổ. Mùa nước nổi ở đây từ tháng 6 trở đi và vào khoảng tháng 9 thì đạt đến mức cao nhất, khu vực tứ giác Long Xuyên ngập nhiều hơn Đồng Tháp Mười nhưng nước không đọng lâu mà theo mạng lưới kênh rạch rất dày đổ ra vịnh Rạch Giá – vào thời kỳ nước lớn cứ mỗi giây lại có khoảng 5000m3 nước lũ đổ vào bồn này để chảy ra biển Tây Nam bộ. Vì vậy tiểu vùng này được coi như một hồ chứa và xả nước tự nhiên của sông Hậu, làm giảm bớt sự ngập lụt ở Hạ châu thổ.

Để có thể tồn tại và phát triển, cư dân Oc Eo – điển hình là tại tiểu vùng thượng châu thổ – đã tạo dựng một lối sống thích hợp với những điều kiện đặc thù, biết và dám chấp nhận đồng thời khai thác những mùa nước nổi, nước lên theo chu kỳ hàng năm để mang lại nguồn lợi cho mình. Đặc điểm nổi bật của cư dân văn hóa Oc Eo là lối cư trú trên nhà sàn ven hệ thống sông rạch tự nhiên và nhân tạo, hoặc chọn các gò, giồng cao xây dựng những trung tâm sinh hoạt tinh thần, mở rộng khu vực xung quanh làm nơi cư trú, tiến đến mở rộng địa bàn canh tác. Cư dân cổ đã duy trì và phát triển cuộc sống này, trở thành một “truyền thống” thể hiện qua hệ thống di tích kiến trúc và những di vật khảo cổ có niên đại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ X – XII.

 Đồng Tháp Mười  (Tháp Mười,  Đồng Tháp) – những địa danh nổi tiếng này đều bắt nguồn từ tên gọi một khu di tích phân bố trong vùng trung tâm của Đồng Tháp Mười: khu di tích Gò Tháp thuộc thời kỳ văn hóa Oc Eo, trong đó di tích Gò Tháp nằm trên một gò cao đến 6m (so với mực nước biển).

Đồng Tháp Mười nằm ở phía Bắc của đồng bằng sông Cửu Long, giới hạn phía Tây Nam bởi sông Tiền và phía Bắc là dải đất chuyển tiếp giữa vùng phù sa cổ và phù sa mới, có thể lấy sông Vàm Cỏ Đông làm ranh giới. Toàn bộ vùng trũng lầy này rộng mênh mông, dài khoảng 130km, rộng 60 - 70km, diện tích chừng 8000km2, chiếm khoảng 1/5 diện tích châu thổ sông Cửu Long (khoảng 40.000km2) và bằng hơn  ½ châu thổ Bắc bộ (15.000km2). Cảnh quan tự nhiên ở đây là những gò đất cao nằm rải rác trên vùng đất lầy thấp. Các gò đất này cấu tạo bằng cát và sét nặng, theo cả chiều ngang và chiều thẳng đứng người ta đều có thể quan sát thấycó sự sắp xếp đều đặn giữa cát và sét: cát thường nằm phủ lên trên còn sét bắt đầu thấy từ 0,3 – 0,4m trở xuống. Cả hai tầng này đều có dạng uốn cong kiểu “lưng lừa” và có màu xám nhạt. Có thể nhận thấy các gò này là phần cao nhất của bậc thềm phù sa cổ, còn chính bậc thềm này lại nằm thấp hơn chừng 1 – 2m. Như vậy, bề mặt của thềm phù sa cổ bị chia cắt mạnh mẽ, các sông có lòng khá sâu, như sông Vàm Cỏ Tây đoạn gần Mộc Hóa có “thung lũng” sâu đến 10 – 15m. Dọc các con sông là thung lũng phù sa và tiếp đến là vùng trũng của Đồng Tháp Mười, gồm hai khu vực: khu vực thứ nhất là những dải đất dọc theo sông Tiền, tuy thấp nhưng không lầy lội, làng mạc tập trung trên các “giồng đất” cao và dọc theo kênh rạch. Khu vực thứ hai là cảnh quan chính của Đồng Tháp Mười, là một “bồn trũng” có độ cao thay đổi từ 0,5 – 3m nhưng trông gần như bằng phẳng. Bề mặt phù sa mới phủ lên nền phù sa cũ ngày càng dày. Phần lớn lớp phù sa này đã lắng đọng trong môi trường nước lợ và sét, vì vậy độ pH ở đây rất thấp. Trong vùng Đồng Tháp Mười có thể phân ra 3 khu vực ngập nước khác nhau nên đã được khai thác ở những mức độ khác nhau. Xuyên qua lớp phù sa mới ta có thể nhận thấy các sông rạch chảy trong vùng trũng này đã đổi dòng nhiều lần, bằng chứng là các thấu kính đất có thành phần cơ giới nhẹ hơn phân bố theo những tuyến nhất định , đánh dấu các lòng sông rạch hóa thạch cũ. Vào mùa khô Đồng Tháp Mười mọc đầy các loại cỏ năng, lát, bàng, láng sen, đìa lau sậy… nhưng vào mùa mưa nhất là từ tháng 9, nước từ các Vàm Cỏ Đông – Tây và sông Tiền tràn vào làm vùng trũng ngập sâu đến 2 – 3m, biến cả một vùng rộng lớn này thành một biển nước mênh mông, lấp ló những vạt lúa nổi và đây đó vài gò cao chơ vơ nổi lên. Đây chính là cảnh quan môi trường sinh sống của con người từ thời xa xưa, mà một trong những dấu tích điển hình là khu di tích Gò Tháp.

 Khu di tích Gò Tháp  được biết đến từ những năm cuối thế kỷ XIX và vào những thập kỷ đầu thế kỷ XX, một số nhà nghiên cứu người Pháp đã đến đây khảo sát và công bố những phát hiện quan trọng về một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ…Từ sau năm 1975 khu di tích này được các nhà khảo cổ học Việt Nam đặc biệt quan tâm, đã tiến hành khảo sát, đào thám sát và khai quật nhiều lần. Đến nay, có thể nhận biết quy mô và tính chất của khu di tích Gò Tháp gồm 3 loại hình là di chỉ cư trú, di tích kiến trúc và di tích mộ táng. Ngoài những phát hiện của các học giả Pháp, xin điểm lại một vài di tích tiêu biểu được phát hiện và có những nghiên cứu mới từ sau năm 1975.

- Di chỉ cư trú Gò Minh Sư:  Đã được khai quật 3 lần. Dấu tích cư trú phân bố dưới chân gò và rộng khắp cánh đồng thấp xung quanh. Cuộc khai quật tháng 1/2001 đã phát hiện một khu cư trú cùng mộ táng có địa tầng còn nguyên vẹn cách chân Gò Minh Sư khoảng 120m về phía Đông Nam. Trong di chỉ tìm thấy nhiều di vật đá nhưng hiện vật chiếm tỷ lệ nhỏ. Đồ đất nung gồm mảnh ngói, tượng khỉ, dấu ấn, mảnh phù điêu, vòi yoni…Đồ gốm khá phong phú, có tới hơn 18.000 mảnh, gồm các loại bình, vò nồi, nhiều mảnh lớn có thể phục nguyên được, có lẽ đây là những hiện vật nguyên vẹn đã bị sụp vỡ do dây là khu di chỉ cư trú và mộ táng. Một số lớn các bình vò, nồi lớn đã được dùng để đựng than tro hỏa táng – như trong mộ M1: chiếc vò đựng xương tro có hình quả lê, cổ trụ, vành miệng đã mất, vai xuôi thân phình tròn, thu dần xuống đế hình vành khăn thấp. Gốm mịn màu ngà vàng, xương trắng xám lẫi ít sỏi laterit. Một vò khác có xương đen, chắc mịn, áo màu đỏ gạch loang lổ. Việc xuất lộ vò gốm chứa than tro, đặc biệt mật độ dày đặc của các cụm bình vò cho thấy đây là phát hiện đầu tiên về một khu mộ táng khá tập trung trong văn hóa Oc Eo. Tại di tích Linh Sơn Nam (Ba Thê – An Giang) trong cuộc khai quật của trường Viễn Đông bác cổ và TT Khảo cổ học Viện KHXH TPHCM cũng xuất lộ vò chứa than tro nhưng đơn lẻ và có tính chất khác biệt về hình thức chôn cất cũng như niên đại so với di tích  mộ táng ở Gò Minh Sư.

Trong cuộc khai quật lần thứ hai di tích này vào tháng 3/2002, những người khai quật đã phát hiện nhiều hố mộ phân bố trên thềm laterit hoặc chồng chéo lên nhau. Chúng có dạng hố đào hình lòng chảo hoặc hình phễu, đáy lót cát hoặc có thêm lớp đất sét xám xanh bên dưới. Bên trên có các đồ gốm vỡ, xương thú, than tro, sỏi nhỏ và nhiều hiện vật khác…Bên cạnh hiện tượng hỏa táng có thể đã tồn tại hiện tượng hung táng hay bán hung táng. Ngoài số lượng gốm khổng lồ và nhiều loại hình hiện vật khác đã được phát hiện gồm các chất liệu đá, xương, thủy tinh, kim loại, gỗ…còn phát hiện xỉ thủy tinh, xỉ kim loại, cốc rót kim loại, mảnh vỡ của các tấm đá…cho thấy sự phát triển của nhiều nghề thủ công ở đây. Đặc điểm và địa tầng Gò Minh Sư cho thấy di chỉ được sử dụng cư trú và chôn cất trong một thời gian rất dài, khoảng từ TK I đến TK VIII sau CN.

Lần thứ 3 khai quật di tích Gò Minh Sư (4/2003) đã làm rõ thêm các đặc điểm của di chỉ cư trú kiêm mộ táng của di tích. Hình thức cư trú theo mùa được nhận thức khá rõ, cư trú trên các đồi gò thấp bên cạnh các lạch trũng nhỏ và quá trình bồi đắp để mở rộng diện tích sử dụng là một đặc điểm phổ biến của giai đoạn văn hóa Oc Eo ở đây. Bên cạnh các di vật Oc Eo điển hình, một số di vật ngoại nhập còn có những mảnh gốm có đặc điểm của thời tiền sử, cho thấy di tích này trong khu di tích Gò Tháp không chỉ là một trung tâm văn hóa Oc Eo phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với thế giới bên ngoài mà còn có lịch sử phát triển lâu đời hơn những gì đã biết đến nay.

Ngoài di chỉ cư trú ở chân Gò Minh Sư, trong khu di tích Gò Tháp còn có một số di chỉ khác như Miếu Bà chúa Xứ, Đìa Phật, Đìa Vàng, khu mộ Đốc Binh Kiều, một vài gò nhỏ xung quanh…trong các di chỉ này tìm thấy vết tích bếp lửa, mảnh gốm ám khói, than củi, phế thải bếp núc, xương trâu bò, vỏ dừa, hạt luá, trái cây, gỗ có vết gia công, nhiều cọc gỗ nhà sàn, đặc biệt nhiều tượng Phật bằng gỗ và có dấu hiệu của một xưởng thủ công chuyên chế tác loại tượng này…Niên đại của những di chỉ cư trú này kéo dài từ thời kỳ Tiền sử muộn đến thời kỳ văn hóa Oc Eo. Cùng với những di chỉ cư trú khác trong vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, nhóm di chỉ cư trú ở khu di tích Gò Tháp đã mang lại nhiều tư liệu mới để tìm hiểu về chủ nhân văn hóa Oc Eo.

- Di tích kiến trúc: gồm dấu tích kiến trúc ở Gò Tháp, gò Bà Chúa Xứ, gò Minh Sư, Tháp Mười cổ tự, lăng mộ Đốc Binh Kiều. Các kiến trúc ở đây rất đa dạng, gồm kiến trúc đền mộ có bình đồ chữ nhật khép kín, tường vách bên trong xây giật cấp, kiến trúc bình đồ chữ nhật bẻ góc hai đầu Đông – Tây, quanh tường có gờ cột giả. Trung tâm có cấu trúc vuông sâu từ bề mặt xuống đến đáy. Loại kiến trúc này có thể thuộc thời kỳ sau Oc Eo. Ngoài ra còn có dấu vết của những bờ tường gạch dài vài chục mét, bờ tường xây chìm dưới đất. Trên 10 kiến trúc mộ táng có cấu trúc trung tâm xây gạch, gồm huyệt mộ vuông, giữa là một trụ gạch vuông sâu đến đáy, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật.

- Kiến trúc Gò Tháp: Gò Tháp cao hơn mặt ruộng xung quanh khoảng 3,8m, diện tích chừng 4500m2. Từ những cuộc khảo sát của L.Malleret đã phát hiện trên gò có nhiều gạch và hàng chục khối đá lớn, yoni, cột… (như 3 cột lớn bằng đá hoa cương mặt cắt ngang hình vuông cạnh 0,48m, dài 1,56m, 1,10m và 1,42m, một đầu có chốt đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao). Dấu tích rõ ràng nhất là kiến trúc gạch dài 17,30m theo hướng Đông – Tây, rộng 12m (Bắc – Nam), cạnh bẻ góc, đối xứng hai phần Bắc – Nam, cho thấy kiến trúc khá quy mô và có liên quan đến nhiều kiến trúc khác xung quanh. Di vật gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số mảnh vỡ của Yoni, tượng Visnu, khuông đúc, đặc biệt có 2 tượng Visnu rất đẹp tuy không nguyên vẹn.

-  Kiến trúc Gò Bà Chúa Sứ: Khai quật năm 1984 đã đưa ra khỏi lòng đất một kiến trúc khá lớn nằm trong lòng gò: kích thước 20,90 x 13,40m có cạnh bẻ góc dài ngắn khác nhau. Phần nền và móng có những ô vuông xây gạch, có chỗ dày đến 1,4m. Phần kiến trúc bên trên đã bị phá hủy hoàn toàn. Căn cứ vào dấu tích nền móng và những mảnh đá kiến trúc để lại, có thể nhận biết đây là một đền thờ Hindu giáo được xây dựng khá chuẩn mực, có niên đại vào TK VI.

Nếu so với những khu di tích khác của văn hóa Oc Eo thì khu di tích Gò Tháp tương đương về quy mô, số lượng và loại hình di tích. Các cuộc điều tra còn ghi nhận dấu tích của nhiều con kinh đào cổ từ khu vực di tích này tỏa đi nhiều di tích khác trong Đồng Tháp Mười như Gò Đế, Gò Hàng, Gò Bảy Liếp, Đìa Tháp, Gò Vĩnh Châu A…

- Cổ vật quan trọng trong khu di tích Gò Tháp. Hiện vật trong di tích kiến trúc và mộ táng vô cùng phong phú về chất liệu, độc đáo về loại hình và kiểu dáng, Chúng tôi muốn nhắc đến những hiện vật vàng, nhóm các pho tượng Phật bằng gỗ và 2 bia đá có minh văn.

Nhóm hiện vật vàng ở Gò Tháp có đến 321 mảnh, chạm khắc hình tượng các vị thần, linh vật, hoa văn…Từ các cứ liệu C14, văn khắc và tiếu tượng học những mảnh vàng này đã cho biết niên đại của chúng không đồng nhất, thể hiện ảnh hưởng từ nền văn hóa An Độ trong thời gian khá dài, từ TK IV – V trước Công nguyên đến TK V sau CN.

Khu di tích Gò Tháp nổi tiếng với các pho tượng Phật bằng gỗ –  di vật đặc trưng của nghệ thuật Phật giáo trong văn hóa Oc Eo. Tuy phần lớn tượng Phật gỗ được phát hiện ngẫu nhiên trong khi đào đìa, làm ruộng nhưng số lượng lớn, sự phong phú và đa dạng về kích thước và kiểu dáng vừa phản ánh sự tiếp thu các ảnh hưởng của nghệ thuật mới, vừa bộc lộ nét bàn địa chân chất, giản dị trong chất liệu tạc tượng là nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào tại chỗ. Chất liệu gỗ mù u làm nên các pho tượng này vừa bền vững đồng thời vẫn thỏa mãn được sự sáng tạo, tính đa dạng của nghệ nhân Oc Eo, tạo nên phong cách nghệ thuật độc đáo ở đây. Thế kỷ V – VII là thời kỳ phát triển rực rỡ của điêu khắc Phật giáo bản địa mà sưu tập tượng Phật bằng gỗ ở vùng Đồng Tháp là một minh chứng.

Cho đến nay trong số các bia đá mang nội dung phản ánh về vương quốc Phù Nam có 1 tấm bia (ký hiệu K5) tìm thấy ở khu di tích Gò Tháp, được các nhà nghiên cứu định niên đại vào thế kỷ V. Nội dung văn bia thấm đượm tinh thần Hindu giáo, chi phái Visnu là tôn giáo phổ biến song hành cùng Phật Giáo trong văn hóa Oc Eo. Quan trọng nhất là văn bia còn cho biết, chính đây là vùng đầm lầy được chinh phục bởi vua Phù Nam Jayavarman và phong cho con trai là Gunavarman cai quản.

Quy mô kiến trúc, nội dung phản ánh của sưu tập di vật và hệ thống đường giao thông thủy trong khu di tích Gò Tháp đã cho thấy, khu vực này từng là một trung tâm tôn giáo – văn hóa quan trọng từ TK IV đến TK VIII, không chỉ của vùng Đồng Tháp Mười mà còn của chung đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc sống của cư dân thời cổ thể hiện rõ nét quá trình thích nghi với môi trường sinh thái tự nhiên. Tính chất thích nghi không chỉ là sự “nương nhờ”, khai thác tự nhiên một cách thuần tuý mà còn là quá trình tạo nên môi trường sinh thái nhân văn – cảnh quan lao động sản xuất, nơi cư trú, các công trình kiến trúc… Khảo cổ học dựa vào những di tích di vật phát hiện được để nghiên cứu về đời sống con người trong quá khứ, tất nhiên, chỉ hiểu biết được một phần vì những gì còn lại cũng vô cùng ít ỏi. So với nhiều di tích khảo cổ, khu di tích Gò Tháp là nơi phát hiện một số lượng lớn di vật nhiều loại hình, từ vật dụng sinh hoạt trong di chỉ cư trú đến vật dâng cúng quý giá trong các đền tháp, vật tùy táng linh thiêng trong những ngôi mộ, từ các phế tích kiến trúc đền tháp và tượng thờ, minh văn đến di tích nhà ở, nền bếp… Tổng thể di tích và di vật phản ánh quá trình tụ cư, hoạt động kinh tế – văn hóa – tôn giáo và các mối quan hệ giao lưu trong một thời gian dài khoảng 10 thế kỷ. “May mắn” là môi trường tự nhiên và nhân văn của khu di tích này (và nhiều di tích văn hóa Oc Eo khác) vẫn không/ chưa biến đổi nhiều so với trước kia. Điều đó giúp ta hình dung được phần nào cuộc sống của chủ nhân những di tích và di vật nơi đây. Trong môi trường sinh thái “bưng biền Đồng Tháp” cư dân cổ  đã xây dựng cảnh quan nhân văn gồm các kiến trúc đền thờ, tháp mộ trên các gò phù sa cổ (có khi được con người đắp cao thêm), xây dựng nhà sàn cư trú ở địa hình thấp xung quanh… Họ khai thác nhiều loại động – thực vật nơi đầm lầy đìa trũng để sinh sống, trong đó có lúa ma hay lúa trời – loại lúa hoang dại có thể cao đến 1,5m, nổi trên mặt nước vào mùa nước, rồi dần dần “cải tạo” vùng đất trũng lầy để trồng lúa – có lẽ là theo lối sạ lúa một vụ năng xuất không cao, giống như lối canh tác của cư dân Đồng Tháp Mười cho đến gần đây. Quá trình này để lại dấu tích cư trú ở đây trong một thời gian rất dài, từ đầu Công nguyên đến khoảng thế kỷ XII – XIII. Không chỉ vậy, khu vực Gò Tháp còn gắn liền với cảng thị Oc Eo – Ba Thê và trở thành một trung tâm lớn thể hiện sự gắn bó giữa đời sống xã hội và sự phát triển của tôn giáo: từ một vài di tích quy mô không lớn, xây dựng đơn giản vào đầu Công nguyên đã phát triển đến đỉnh cao của kiến trúc và điêu khác Hindu giáo và Phật giáo vào thế kỷ VI – VIII. 

Việc tiếp cận khu di tích Gò Tháp từ môi trường tự nhiên để tìm hiểu về môi trường nhân văn đã đặt ra 2 vấn đề về văn hóa Oc Eo:

Một là, hiện nay các di tích văn hóa Oc Eo đang được bảo tồn là di tích kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng mà hầu như không có di tích cư trú và di tích môi trường nào xung quanh nó được bảo tồn. Do đó, một mặt các di tích này bị tách khỏi môi trường xã hội và môi trường tự nhiên, trở thành các phế tích đơn lẻ. Mặt khác, vô hình chung chúng ta đã chỉ quan tâm đến một yếu tố văn hóa ngoại sinh thuộc “thượng tầng kiến trúc” mà “quên đi” các yếu tố văn hóa nội sinh khác của “hạ tầng cơ sở” –  nền tảng vô cùng quan trọng để nhận diện chủ nhân của xã hội Oc Eo.

Hai là, dù có những thay đổi về “chính trị” từ thế kỷ VII nhưng sau đó, cuộc sống của cư dân cổ đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp diễn trong sự thích ứng cao nhất với điều kiện tự nhiên và  bằng sự duy trì truyền thống (vật chất, tinh thần) của văn hóa Oc Eo. Do vậy, phạm vi niên đại của văn hoá Óc Eo nên chăng cần mở rộng hơn, đến khoảng thế kỷ X – XII, có thể và cần phải chia làm nhiều giai đoạn để nhìn nhận sự phát triển đa tuyến nhưng liên tục từ cội nguồn văn hóa thời Tiền sử ở Nam bộ mà không cần thiết sử dụng khái niệm “hậu Oc Eo” – một khái niệm cho đến nay chưa có được sự đồng thuận của các nhà khoa học về nội hàm và giới hạn niên đại của nó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Võ Sĩ Khải, 2002: Văn hóa đồng bằng Nam bộ (di tích kiến trúc cổ). NXB Khoa học xã hội.
- Lê Thị Liên, 2006: Nghệ thuật Phật giáo và Hindu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long trước thế kỷ X. NXB Thế giới.
- Lê Bá Thảo, 2004: Thiên nhiên Việt Nam. NXB Giáo dục.