10 tháng 1, 2012

NHỮNG CÁCH TÂN TANKA THỜI MEIJI

                                                                 Nguyễn Vũ Quỳnh Như(*)

Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin) vào thế kỷ 19 là một trong các thời kỳ quan trọng nhất đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản trong lịch sử Nhật Bản. Chỉ trong một thời gian ngắn 45 năm mở cửa hoà nhập thế giới, đời sống xã hội Nhật Bản đã sang trang với những biến đổi sâu sắc từ chính sách kinh tế, văn hoá, giáo dục đến tư tưởng. Xã hội Nhật Bản chuyển biến mạnh mẽ theo phong trào “hiện đại hoá” từ thành phố đến địa phương. Kể từ thời kỳ này, người Nhật đã thành công khi theo học tư tưởng và phong cách của phương Tây và là một nước phi tôn giáo trở thành cường quốc về công nghiệp, đưa mức sống của người dân được xếp hạng trong những nước mạnh nhất trên thế giới [12, tr.143].
Với văn học, thế kỷ 19 là con đường đưa văn học Nhật Bản đến với hiện đại hoá, tiếp xúc với đa dạng thể loại văn học phương Tây. Cánh cửa rộng mở đến với thế giới thơ ca phương Tây đã đem lại sự chuyển biến đầy giá trị cho thơ ca Nhật Bản. Trong bối cảnh đó thơ ca Nhật Bản đứng trước ngưỡng cửa hoặc phải quên đi những gì đã được tích luỹ trong lịch sử thơ ca, rũ bỏ những gì thuộc về kinh điển của thể thơ truyền thống chỉ vài dòng, vận động của vạn vật được ẩn sâu trong chỉ vài lời đầy chất tĩnh lặng để đón nhận một làn gió mới từ cuộc viễn chinh thi ca phương Tây tràn vào đầy ồn ào, sống động, miêu tả trực tiếp với từ và những từ; hoặc phải chuyển mình tìm đường dung hợp trong sự khác biệt giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây trong thi ca.
Như trường hợp thơ haiku (tên gọi trước đó là hokku) bị xếp là loại hình giải trí của tầng lớp thương nhân nhưng nhờ tiếp xúc với văn học phương Tây thời kỳ Meiji, đã nhanh chóng chuyển mình cách tân, đưa haiku phát triển phù hợp với thời đại, chính thức trở thành một thể loại của văn học Nhật Bản. Trong khi đó tác động của văn chương bên ngoài thời kỳ đầu Meiji dường như chẳng mấy được giới nhà thơ tanka quan tâm vì từ thời kỳ Heian (794-1185) và thời kỳ Kamakura (1185-1333) tanka đã trở thành dòng thơ dành cho cung đình, giới quý tộc.
1.      TANKA THỜI CẬN ĐẠI: TRƯỚC NGƯỠNG CỬA DIỆT VONG
Trước ngưỡng cửa hiện đại, văn hoá nghệ thuật Nhật Bản trên nhiều lãnh vực trở nên lạc hậu lỗi thời, bị cho là mất dũng khí và thiếu phương hướng phát triển. Bước vào thời kỳ cận đại Meiji với vô vàn tác phẩm thi ca nước ngoài tràn vào Nhật Bản, cùng với haiku, tanka cũng dần bị mất vị thế và càng yếu thế trong việc lưu truyền lại bản sắc truyền thống bấy lâu. Quy luật bó buộc cứng ngắc từ hình thức đến ngôn từ làm tanka phải đối diện với thực tế là có thể bị thế giới văn đàn chối từ. Vẫn những hình ảnh về thiên nhiên, của thay đổi bốn mùa, âm thanh của tiếng thác đổ, của dòng suối chảy, tuyết tan trên đỉnh núi Fuji, tiếng kêu của chim chóc côn trùng, hoa nở, lá rơi, mưa xuân, thu tàn…là các chủ đề lập đi lập lại và càng trở nên dễ bị nhàm chán. Hơn nữa chỉ với chủ đề nghèo nàn và thiếu sức phản ánh đầy đủ thế giới thực mà con người đang sống trong nó, khiến thế giới quan thơ ca thời kỳ Meiji trở nên thờ ơ với tanka và biến nó trở thành một “trò chơi đầy khó khăn”. Nhất là vào cuối những năm 1880, phong trào cách tân haiku và trường dạy haiku ra đời dưới sự dẫn dắt của Masaoka Shiki khiến tanka lại càng cảm thấy thất bại trong việc phản ảnh những thay đổi trong xã hội.
Thông qua các bản dịch thơ ca phương Tây, các nhà thơ Nhật Bản đã lĩnh hội được cách thể hiện một cách tự do hơn so với những quy luật bó buộc của tanka. Làn sóng văn học phương Tây đã làm các nhà thơ tanka vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 bừng tỉnh, bắt đầu tìm tòi các thử nghiệm để đem lại sức sống mới cho tanka, giúp tanka hiệu quả hơn khi đến với quần chúng, sáng tạo hơn trong diễn đạt ngôn từ và phong cách thơ ca. Từ đó, tanka như được đơm hoa kết trái với các nhà thơ mang phong cách mới có thể truyền tải ý tưởng hiện đại vào thể thơ đậm sắc màu truyền thống. Sự kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa hiện đại và truyền thống hoà trộn vào nhau trong một thể thơ rất giản đơn như tanka, đã tiếp thêm sức sống cho tanka bất chấp các thể thơ tự do của phương Tây đang ùa vào Nhật Bản.
Cho đến năm Meiji 10 (1877) tanka tồn tại với đặc trưng phong nhã chân thiện mỹ của cuối thời kỳ Edo, với hình thức theo lề thói cũ. Bước vào thời kỳ Minh Trị Duy Tân cùng với sản phẩm văn hoá, chế độ văn hoá, phong tục từ phương Tây, thơ ca Nhật Bản chuyển mình thay đổi với nhiều đề tài mới nhưng về thực chất vẫn theo lối cũ. Vào những năm Meiji 20, hợp tuyển “Luận biến cải quốc văn waka” ra đời năm 1887 dựa trên chủ nghĩa tự nhiên phương Tây của học giả Hagino Yoshiyuki, Yonakamura đã khơi mào các luận điểm cải cách tanka cho các học giả tiếp theo. Từ sau những năm Meiji 20, các cuộc vận động cách tân thơ ca đã tác động ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và tanka buộc phải đối mặt với thách thức phải cấp tiến hơn để có thể chuyển tải một cách đầy đủ các thông điệp của cuộc sống đương thời.
2.     
Phong trào cách tân tanka bắt đầu sôi động từ năm Meiji 26 (1893) (một năm sau khi Masaoka Shiki bắt đầu tiến hành cải cách haiku) với sự thành lập nhóm Asaka Society của Ochiai Naobumi (1861 - 1935) hướng đến đổi mới thơ để phù hợp với thời đại mới, dẫn đường cho khuynh hướng mới có tính cách hiện thực. Ông đã gây ảnh hưởng và cổ vũ các nhà thơ trẻ, khuyến khích các nhà thơ vốn theo lối trừu tượng cũ đi theo đường lối mới này. Trong các môn đệ của ông nổi bật có Yosano Tekkan (1873-1935), Kaneko Kunen (1876-1951), Onoe Saishuu (1876-1957), Sasaki Nobutsuna (1872-1963), Masaoka Shiki (1867 - 1902) và nhiều nhà thơ khác.
Từ khoảng sau năm Meiji 30, các cuộc vận động cách tân tanka liên tục diễn ra, trong đó đại diện có thể kể đến Yosano Tekkan với nhóm Shinshisha - Tân Thơ Xã (tên chính thức là Tokyo Shinshisha) ra đời vào tháng 11 năm 1899 (Meiji 32). Trước đó, cũng trong năm 1899, vào tháng 3 Masaoka Shiki sáng lập hội tanka vùng Negishi với chủ trương sử dụng thủ pháp tả thực bằng phương thức đơn giản là miêu tả trực tiếp khách quan.
2.1. Yosano Tekkan (1878 – 1942) và sự hồi sinh của tanka
Tekkan sinh năm 1873 tại một ngôi chùa ở Kyoto. Khi còn trẻ, Tekkan phải làm nhiều công việc khác nhau như giáo viên, biên tập, nhà báo…để kiếm sống. Những trải nghiệm phong phú trong cuộc đời đã được Tekkan khắc hoạ vào các tác phẩm sau này. Ở tuổi 20, Tekkan trở thành sinh viên của nhà thơ mới đầu tiên thời kỳ Meiji Ochiai Naobumi.
Bảy năm đầu của thế kỷ 20 là khoảng thời gian phát triển thuận lợi nhất trong sự nghiệp của Tekkan. Tầm nhìn cách tân của Yosano Tekkan đã bao trùm tất cả các thể loại của thơ ca mà trong đó chủ yếu là thế giới tanka. Tekkan viết và xuất bản pha trộn thơ truyền thống Nhật Bản và thơ phương Tây, và ông cũng sử dụng các thuật ngữ khác lạ trong các bài viết phê bình, kể cả jiga no shi (自我の詩, thơ của cái tôi), shintaishi (新体詩, Tân Thể Thi), đổi tên tanka thành tanshi (短詩, Đoản Thi) đánh dấu sự cách tân. Năm Meiji 27 (1894), Tekkan viết Bokoku no on (亡国の音, Tiếng thơ vong quốc) đả phá mạnh mẽ chất nữ tính nhu hoà ẻo lả của tanka kiểu cũ. Năm Meiji 29 (1896) và Meiji 30 (1897), Tekkan cho in hai bộ tuyển tập tanka đầu tiên Tozai Nanboku (東西南北, Đông Tây Nam Bắc) và Tenchigenko (天地玄黄, Thiên địa huyền hoàng) khởi nguồn cho cuộc vận động cách tân tanka. Trong lời mở đầu của tác phẩm Tozai Nanboku, Shiki đã viết “Tôi đã muốn trở thành người đầu tiên cách tân tanka, nhưng Tekkan đã là người đi trước” [10, tr. 77].
Năm Meiji 32 (1899), Tekkan thành lập nhóm Shinshisha (新詩社, Tân Thi Xã) với phương châm phá bỏ các hình thức vốn có lâu nay, xây dựng hình thức thơ tự do, đem vào tư tưởng thơ ca bầu không khí mạnh mẽ của nam nhi. Một năm sau (1990) nhóm Shinshisha cho ra tờ tạp chí Myojo (明星, Minh Tinh) tại Tokyo, đăng nhiều tập thơ của các nhà thơ mới, trong đó đại diện chủ yếu là thơ tanka (mà sau này ông đổi tên thành tanshi – Đoản thi). Dưới sự dẫn dắt của Yosano Tekkan và sau đó được vợ là Yosano Akiko (1878 - 1942) tiếp sức, các thành viên trong nhóm Shinshisha và tờ tạp chí Myojo đã thành công khi lấy lại sự quan tâm và uy tín của tanka. Tạp chí Myojo chủ trương thơ của cái tôi làm lay động trái tim của giới trẻ. Khi sáng lập tờ  Myojo, Yosano Tekkan mới 28 tuổi nhưng đã yêu cầu tờ báo phải là nơi đăng tải các dòng thơ mang tính nam nhi hùng hồn (masuraoburi) theo phong cách của Manyoshuu (Vạn Diệp tập).
われ男の子    Ware o no ko    Tôi, người con trai
意気の子名の子    iki no ko na no ko    Người chí khí, người nổi danh
つるぎの子    tsurugi no ko    Người cung kiếm
詩の子恋の子    shi no ko koi no ko    Người thơ, người tình ái
あゝもだえの子    azumodae no ko    Ôi, người con trai muộn phiền.
          (Đoàn Lê Giang dịch)
Từ khi ra đời, tờ báo Myojo đã trở thành phương tiện để chuyển tải những bài thơ của các nhà thơ xuất chúng như Akiko (sau đó trở thành vợ ông), Ishikawa Takuboku (1883 - 1956), Kitahara Hakushuu (1855 - 1942), và Takamura Kotaro (1883 - 1956) là những người sau này đóng vai trò đáng kể vào sự phát triển thơ ca của Nhật Bản theo các dòng chủ lưu khác nhau.
Hoạt động ban đầu của nhóm Shinshisha (Tân Thi Xã) hơi chậm chạp. Kể từ số báo thứ 6 tờ báo phát triển mang tính đột phá, tăng gấp đôi kích thước, trở thành tạp chí văn học nghệ thuật tổng hợp mà tập trung chủ yếu về thơ ca. Tờ báo đả phá sự trì trệ của tanka tân thời, lên tiếng đẩy mạnh thơ của cái “tôi”, cái bản ngã theo chủ nghĩa lãng mạn trong thơ ca thời kỳ Meiji, đánh dấu sự tiến triển của thơ ca Nhật Bản. Đặc biệt trong tờ báo số 6, đã đăng cương lĩnh cải biên của nhóm Shinshisha với tên gọi Shinshisha Seiki (Tân Thi Xã Thanh Kỳ), giương cao ngọn cờ cách tân thơ ca thời kỳ Meiji, nhấn mạnh thơ ca thời Meiji phải do chính nhà thơ sáng tạo nên, không bắt chước mô phỏng máy móc từ những nhà thơ đi trước và gọi đó là trào lưu “Quốc thi mới”, “Thơ ca thời Meiji”, “Thơ do ta tự sáng tác” [9, tr.203].
Từ đó tanka thời kỳ Meiji được sang trang, bước ra hoà nhập với thế giới rộng mở bên ngoài hoà điệu với thơ ca cận đại. Sang trang không có nghĩa xoá nhoà những gì đã đi trước, mà hồi quy lại bản chất của hình thức thơ ca truyền thống, thổi vào đó nguồn sinh lực mới đầy sáng tạo, xoá bỏ sự phân biệt giữa tanka (短歌, Đoản Ca) và thể thơ mới (新体詩, Shintaishi - Tân Thể Thi) mà hoà nhập chúng thành một thể thơ mới ngắn với tên gọi mới “tanshi” (短詩, Đoản Thi) , hướng đến một “Quốc thi mới”.
            Bên cạnh đó Yosano Akiko (1878 - 1942), vợ của Tekkan với các tác phẩm phóng khoáng về tình cảm và nhục thể được đánh giá là nữ nhà thơ cận đại hàng đầu của Nhật Bản, được xem là người phụ nữ được giải phóng hiếm thấy trong xã hội phong kiến thời đó.Điểm nổi bật trong thơ ca của Akiko là miêu tả thực cảm “jikkan” (実感) - cảm xúc mà tác giả thực sự muốn phơi bày, coi trọng diễn tả “arino-mama” (ありのまま, chúng như chính chúng) theo phong cách tả thực của nhà thơ Shiki. Đặc biệt, lối diễn tả cảm xúc của Akiko trong thơ ca rất phóng túng, tình cảm buông thả mạnh mẽ đánh dấu cho dòng thơ trữ tình lãng mạn – một hướng đi mới cho sự cách tân thơ ca thời cận đại. Khác với các nhà thơ truyền thống, Akiko đã đặt cái bản ngã quan trọng hơn sự miêu tả vũ trụ [10, tr.71]. Tất cả 399 bài tanka của Akiko trong tuyển tập Midaregami (みだれ髪, Tóc rối) xuất bản năm 1901 là tác phẩm miêu tả mãnh liệt về tình yêu, về cái đẹp u huyền, mơ ước chủ nghĩa duy mỹ không tưởng và khai hoá cho thời đại chủ nghĩa lãng mạn. Lối diễn tả về tình yêu của Akiko trong tập thơ với hoa từ mỹ lệ, cách diễn tả đã vượt ra khỏi lễ giáo truyền thống đã là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự tiến triển của tanka cận đại, khai hoa nở nhuỵ cho dòng thơ lãng mạn chủ nghĩa tích cực thời kỳ Meiji.
やは肌の    Ya wa hada no    Làn da mềm mại
熱き血潮に    Atsu ki chishio ni    Dòng máu nóng bừng
触れも見で    Fure mo mide    Anh cũng chẳng đụng tay vào, chẳng ngắm
寂しからずや    Sabishikarazu ya    Anh chỉ nói về đạo
道を説く君    Michi wo toku kimi    Có gì buồn không anh.
          (Đoàn Lê Giang dịch)
            Sau nhiều lần thăng trầm hoạt động, đến năm Meiji 41 (1908), tờ báo Myojo đóng cửa. Chỉ trong vòng tám năm hoạt động với 100 số báo, tờ báo đã giương cao ngọn cờ thơ ca lãng mạn, thổi luồng gió mới vào thể thơ cũ waka có lịch sử hơn 300 năm nhưng lại đang dần rơi vào quên lãng, đóng góp rất lớn cho phong trào cách tân tanka.
     2.2. Masaoka Shiki và cuộc vận động cách tân tanka
Bên cạnh thể loại thơ tự ngã trữ tình lãng mạn của nhóm Yosano là phong trào cách tân tanka do Masaoka Shiki (1867 - 1902) khởi xướng. Dù Shiki được đánh giá là một trong bốn đại thụ thơ haiku của Nhật Bản trước thời hiện đại, và là “cha đẻ của haiku hiện đại”, nhưng khởi đầu sự nghiệp của Shiki không chỉ chuyên về thơ haiku mà còn viết phê bình thơ ca nói chung trong đó viết rất nhiều phê bình về tanka để ủng hộ cho nền văn học mới được sản sinh vào thời kỳ Meiji. Shiki đã không đơn thuần kế thừa tính truyền thống của dòng thơ waka mà xem xét, nhận thức lại tính lịch sử của waka, đưa ra tiêu chuẩn đánh giá mới để viết lại lịch sử waka, phản kháng tính truyền thống thời bấy giờ và đưa ra dự định cách tân cho waka[17, tr. 189].
Trong thời gian hoạt động cho tờ báo Nippon từ tháng 12 năm 1892, Shiki có dịp làm quen với nhiều bậc tiền bối về tanka. Từ năm Meiji 31 (1898) trong vòng bảy năm trời, Shiki đã viết các bài viết Uta yomi ni atauru sho (歌よみに与ふる書) “Thư dành cho những nhà thơ tanka” - là một tác phẩm quan trọng đầu tiên về lý luận tanka và được Tekkan đánh giá cao. Sau đó Shiki đã cho đăng toàn bộ nội dung của tác phẩm trong vòng nhiều tuần lễ liền trên tờ báo Nippon. Shiki đã phê bình thơ kiểu Kokinshu (Cổ Kim tập) chẳng có giá trị gì và chủ trương theo đường lối thơ Manyoshu (Vạn Diệp Tập).
Cùng với Katori Hozuma, Oka Fumoto (1871 - 1951) và một số đồng môn khác, vào mùa xuân 1899 Shiki đã thành lập hội thơ Negishi Tanka Kai (Hội Tanka vùng Negishi). Tuy hội tanka Negishi không mang tính chính thống như hội Tân Thơ Xã Shinshisha của Yosano Tekkan, nhưng lại rất tích cực so với các trường phái nhóm khác. Thời gian đầu Hội đã tận dụng tờ báo Nippon, tạp chí Kokoro no hana (Hoa của trái tim) để đăng thơ của các nhà thơ như Ito Sachio – người kế thừa Shiki cho nhóm Araragi sau này, nhà thơ – tiểu thuyết gia Nagatsuka Takashi (1879 - 1915)…Shiki đã đề xướng đơn giản hoá phong cách Manyoshu và lấy đó là phương cách cách tân tanka. Tuy nhiên, sự đơn giản hoá phong cách Manyoshu của Shiki không chỉ khác với cách làm của các học giả thời kỳ Edo trước đó, mà Shiki còn viết tanka với phong cách giản dị hơn, ít trữ tình lãng mạn hơn như Shiki đã làm với haiku [14, tr.188]. Trong lịch sử phát triển của tanka, từ đầu thế kỷ 13, tướng quân Minamoto Sanetomo (1192 - 1219) là nhà thơ đầu tiên theo chủ trương quay về với phong cách Manyoshu. Sau đó vào giữa thế kỷ 18, học giả dân tộc học Kamo no Mabuchi (1697 - 1769) cũng theo đường lối này, và người thứ ba chính là Shiki. Quay trở lại với phong cách Manyoshu không có nghĩa là chạy lùi về với dòng thơ ca cũ mà là để sáng tạo một phong cách thơ mới dựa trên sự khơi sâu lại ý nghĩa và bản sắc thơ ca truyền thống. Với phương cách này, tanka không những cùng tồn tại với trào lưu thơ ca mới đang ngày ngày thay đổi trong thời kỳ Meiji, mà còn có thể mở rộng ra những gì đang bị hạn chế như ngôn từ, âm điệu, chủ đề. Trong bài viết Bunkai Yatsu Atari (Không có sự phân biệt trong thế giới văn chương, 1893), Shiki đã bày tỏ sự phôi thai của hai quan niệm trong số các ý tưởng chủ yếu của vấn đề cách tân tanka. Shiki đã đặt ra vấn đề hạn hẹp vốn có của tanka, về sự cô lập vị trí của nó trong giới nghệ thuật (vì tanka vốn chỉ để phục vụ cho giới cung đình, giới thượng lưu). Vì thế tanka cần phải hoàn thiện để đáp ứng tiêu chuẩn của văn học để được đông đảo quần chúng tiếp nhận, thoát khỏi những trói buộc nếu thực sự muốn được tồn tại. Thơ tanka của Shiki thể hiện rất rõ “cái tôi bản ngã” được mô tả khách quan thông qua hình ảnh của thiên nhiên đã dẫn dắt người đọc đến với quan hệ giữa con người và thiên nhiên, giữa tác giả và tác phẩm.
うたゝ寐の    S Utatta ne no    Tỉnh mộng
うたゝ苦しき    Utatta kurushiki    ê chề nỗi đau
夢さめて    Yume samete    lau giọt mồ hôi,
汗ふき居れば    Ase fuki oreba    những cánh hoa hồng
薔薇の花散る    Bara no hana chiru    lả tả rơi.
Một cảm xúc thật mạnh trước thiên nhiên dù đơn giản chỉ là những cánh hoa hồng hay trước tình cảnh của tác giả (cơn bạo bệnh của Shiki). Nhà thơ đã cố vận mình vào những vần thơ qua một quang cảnh hiện thực ngay trước mắt.Cánh hoa hồng rơi hay những giọt mồ hôi vật vã của Shiki đang nhỏ giọt!
Năm 1902, Shiki qua đời lúc hãy còn trẻ (35 tuổi). Sau khi ông mất, tập tanka tả thực nhan đề Take no sato-uta (竹の里, Bài ca Làng tre) của ông mới được ấn hành. Saito Mochiki (1882 - 1953) người không quen biết gì với Shiki, sau khi đến với tuyển tập Take no sato uta, đã quyết định trở thành nhà thơ đi theo khuynh hướng khách quan trong tanka của Shiki.
土の上に    Tsuchi no ue ni    Trên mặt đất
やまかがし遊ばず    yamakagashi asobazu    các chú rắn nước
なりにけり    nari ni keri    thôi vờn giỡn nhau,
入日赤々と    irihi aka-aka to    mặt trời lên
草わらにみゆ    kusawara ni miyu    sáng bừng bãi cỏ.
3.      CÁCH TÂN TANKA
3.1. Tanka phải trở thành một bộ phận của văn học đại chúng
Trong tác phẩm “Thư dành cho những nhà thơ tanka”, Shiki đã đặt câu hỏi về các nhà thơ tanka, cho rằng sự vô vị sáo rỗng của tanka là do sự lỗi thời của các nhà thơ [9, tr.74]. Để minh chứng cho điều này, Shiki đã đưa ra danh sách của những “kiểu nhà thơ” đó gồm các học giả văn chương Nhật Bản, Thầy tu Thần đạo, Giới quý tộc cung đình, Phụ nữ nhàn nhã, Nữ sinh viên, Nam trí thức ít học, Giới học làm sang mới nổi, Nam thanh niên muốn bài tanka được in trên sách, tạp chí…
Shiki cho rằng những hạng người này chẳng qua chỉ là sự buông thả đắm mình hoặc chẳng gì khác hơn là để kiếm tiền và khi tanka vẫn còn nằm trong tay họ, thì mọi hy vọng cho sự sống còn của tanka sẽ chẳng còn gì cứu vãn. Ông kết luận“Để gìn giữ giá trị của tanka ngày hôm nay: hãy lấy tanka ra khỏi tay của những người gọi là nhà thơ tanka (có nghĩa là những nhà học giả văn chương Nhật Bản thô kệch và tham vọng trần tục) và đặt chúng vào tay của những nhà thơ đích thực” [9, tr.75]
Thuật ngữ “nhà thơ” trong “nhà thơ đích thực” mà Shiki đã sử dụng là shijin (詩人, thi nhân). Thuật ngữ này tuy không mới, nhưng Shiki muốn hàm ý shijin trước thời kỳ Meiji chỉ được dành cho những nhà thơ viết bằng chữ Trung Hoa cổ, còn đầu thời kỳ Meiji, thuật ngữ shijin (thi nhân)bao gồm cả các nhà thơ viết theo phong cách mới shintaishi (新体詩, Tân thể thi) . Với Shiki, shijin – thi nhân có nghĩa chính xác của “nhà thơ” theo nghĩa “poet” của tiếng Anh, hàm chỉ thi nhân là bất kỳ ai viết bất kỳ thể loại thơ nào và trái với những nhà văn viết văn xuôi. Shiki dẫn ra rằng “Nhiều người châu Âu không chỉ viết thơ ca mà còn viết cả kịch nghệ, tiểu thuyết….Mặc dù cho đến nay những người viết tanka chỉ đơn giản là nhà thơ tanka (kajin), chứ không phải là thi nhân (shijin)” [11, tr.75]. Như vậy Shiki đã khẳng định một khái niệm mới trong văn chương về thi nhân. Khi yêu cầu tanka cần phải được trao trả lại cho các “nhà thơ đích thực”, Shiki đã đưa ra vấn đề vị trí của tanka trong văn chương, yêu cầu tanka phải được trở thành một bộ phận của văn học đại chúng như Shiki đã từng làm đối với haiku. Với lời kêu gọi đó, tanka thời kỳ Meiji đã xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ với nhiều sáng tạo theo các dòng chủ lưu khác nhau, mang lại chiếc áo mới hiện đại nhiều màu sắc cho tanka. Ngoài vợ chồng Tekkan và Shiki có thể kể đến các nhà thơ: Ito Sachio (1864 - 1973) mang cảm xúc thực trong cuộc sống với âm hưởng thơ trang trọng; Sasaki Nobutsuna (1872 - 1963) – thơ của tự tại truyền thống giàu giai điệu; Kubota Utsubo (1877 - 1967) tôn trọng cảm xúc thực trong thơ đậm tính nhân sinh trong cuộc sống đời thường; Nagatsuka Takashi (1879 – 1915) tôn thờ tả thực khách quan; Maeda Yugure (1883 - 1951) ảnh hưởng chủ nghĩa tự nhiên với phong cách sáng tác đa cảm, từ khẩu ngữ tự do đến khôi phục cấu trúc truyền thống; Toki Zenmaro (1885-1980) dưới ảnh hưởng chủ nghĩa xã hội, thơ đề cập đến quan hệ giữa cá nhân và xã hội; Wakayama Bokusui (1885-1928) – nhà thơ theo chủ nghĩa tự nhiên với chủ đề phong phú về thiên nhiên, tình yêu, du hành và rượu; Ishikawa Takuboku (1886-1912) ảnh hưởng chủ nghĩa xã hội làm thơ với giai điệu nhẹ nhàng, nói về nỗi đau trong cuộc sống đói nghèo và phiêu bạt; Yoshi Isamu (1886-1960) - phong cách cảm xúc hưởng lạc.
はたらけどはたらけど猶    Hatara kedo hatarakedo nao
わが生活楽にならざり    waga seikatsu ni narazari
ぢつと手を見る    jitto te wo miru.
(Ishikawa Takuboku, với lối viết tanka thành 3 hàng)
Làm việc và làm việc, làm việc suốt một đời
Chưa bao giờ ngơi nghỉ
Tôi chằm chằm nhìn vào tay tôi.
              (Đoàn Lê Giang dịch)
Và để tanka được mở rộng, không gì khác hơn là mở rộng phạm vi hạn hẹp của tanka. Shiki đã đưa ra một phương pháp cho vấn đề này này là đem hài hoà haiku và tanka với nhau. Đem haiku và tanka hài hoà với nhau nghĩa là đem sự diễn đạt của haiku (nội dung, chủ đề, đề tài) hài hoà với cấu trúc ngữ pháp và từ vựng của tanka nhằm giúp mở rộng nội dung và phong cách vốn hạn hẹp của tanka và ngược lại giúp ngôn từ haiku hoa mỹ hơn. Nói vậy không có nghĩa chê bai sự thô tục của haiku cũng như không có ý chỉ trích ngữ pháp cổ điển và ngôn từ hoa mỹ của tanka mà là hoà hợp cả hai thể thơ này với nhau để làm phong phú hơn tính chất thơ ca của mỗi thể loại chứ không nhằm triệt tiêu một trong hai. Bởi haiku là thơ ca của quần chúng của thị dân, sự kết hợp với haiku sẽ mở đường cho tanka đến với số đông rộng rãi hơn chỉ là bó hẹp trong hoàng cung và quý tộc. Shiki cho rằng vay mượn một thể loại thơ khác cũng là một phương cách để tăng sức sống cho tanka. Với quan niệm mới về thi nhân, các nhà thơ cần phải học thêm về các thể loại thơ khác nữa, bởi “Các nhà thơ tanka chẳng biết gì khác bên ngoài tanka. Thậm chí họ cũng chẳng biết gì haiku, một thể thơ gần nhất với tanka…Dĩ nhiên họ cũng chưa bao giờ học thơ ca Trung Hoa và cũng chẳng biết rằng thơ ca đã tồn tại tại phương Tây hay không nữa” [10, tr.84].    
3.2. Tanka phải tăng cường tính hiện thực
Tính hiện thực qua phương pháp tả sinh shasei (tả sinh) bao hàm cả tả thực shajitsu (tả thực) tức miêu tả những gì như chính chúng đang có đã được Shiki làm đường lối cho phong trào cách tân haiku. Đối với cách tân tanka, lý thuyết shasei (tả sinh) đào sâu những gì thuộc về bản chất mà tanka đang có và gắn chúng với con đường của cận đại hoá để mô tả hiện thực thiên nhiên nhưng hiện thực của ngày hôm nay phải nhiều hơn ngày hôm qua. Năm cuối đời, Shiki đã để lại bài tanka thắm đượm phong cách tả thực tả sinh.
いちはつの    Ichihatsu no    Trong mắt tôi
花咲きいでて    hana saki ide te    chỉ có
我目には    wagame ni wa    mới xuân này
今年ばかりの    kotoshi bakari no    hoa ly
春ゆかんとす    haru yukan to su    Đang đua nở.
Thông qua từ ngữ thể hiện của tác giả, Shiki muốn mô tả những gì đã quan sát được, gửi gắm tình cảm vào đó, để lại cho người đọc sự cảm nhận không chỉ về thiên nhiên mà còn là mối quan hệ giữa con người (tác giả) với vẻ đẹp của thiên nhiên mà ta đang ngắm nhìn nó. Tiếp bước khuynh hướng này có thể kể đến nhà thơ Sasaki – sau làm chủ biên tập của tờ báo Kokoro no Hana (Hoa của trái tim) và có nhiều bài thơ nổi tiếng về sau. Tiếp nối lối ẩn ý của Shiki, Sasaki đã đưa ra thuyết Tanka rensaku ron (Luận liên tác tanka) – tính liên tưởng cho tanka, và cho rằng tìm con đường cận đại hoá hình thức của tanka là điều hoàn toàn có thể làm được và sẽ ảnh hưởng không ít đến thơ đàn các thời kỳ sau.Nhà thơ cảm xúc trước sự vật, miêu tả chúng như chính chúng đang có, liên tưởng đến cái không cùng trong muôn vàn hình tượng của sự vật để nghe những gì không nghe được, nhìn thấy những gì không thể thấy được. Nắm bắt lấy nó, vẽ lại dung mạo của nó, thêm sắc thái hình ảnh, góp âm thanh, tâm trạng theo đó mà ưu tư, lắng đọng và để lại sự liên tưởng tiếp theo cho người đọc.
この心    Kono kokoro    Tâm hồn này
静かに澄めば    shizuka ni sumeba    càng tĩnh lặng,
秋風の    aki kaze no    bay bổng vào mây
さわたる空の    sawataru sora no    lan vào không trung
雲にまじけり    kumo ni maji keri    trong cơn gió thu.
Khác với tanka kiểu cũ, tanka kiểu mới sử dụng tính liên tác, đưa người đọc liên tưởng đến cái tôi, cái tự ngã của tác giả được miêu tả ẩn ý trong tác phẩm.
病み臥せる     Yami fuseru    Trên giường bệnh
わが枕邊に    waga makurabe ni    phía trên gối đầu
運びくる    hakobikuru    ai đà đem đến,
鉢の牡丹の    hachi no botan no    cánh hoa run rẩy
花ゆれやまず    hana yure yamazu.    trong chậu hoa mẫu đơn.
Bài thơ như một câu chuyện tâm tình của Shiki với hoa mẫu đơn (botan) là hoa mà Shiki yêu thích. Cánh hoa đang run rẩy hay chính Shiki đang run rẩy đối mặt với cơn bạo bệnh.Hay một bài thơ khác của Shiki cũng thể hiện tính hiện thực đạt đến sự huyền bí đã gợi lên khoảng không gian nơi chồng chéo giữa trí nhớ và sự tưởng tượng.
里を見て    S Sato o mite    Ngoảnh nhìn cố hương
歸りし夜半の    kaerishi yowa no    giữa khuya
枕上    makuragami    trên giường,
菜の花咲く野    na no hana saku no    phía trước là rừng hoa
野目に見ゆるかも    me ni miyuru kamo.     nở bừng trước mắt.
Sự ảnh hưởng của thiên nhiên đối với nhà thơ chẳng phải lúc nào cũng rộng lượng, không chỉ có sắc màu rực rỡ. Bài thơ dưới đây không phải là vẻ đẹp của các bông hoa đang nở mà là cảm xúc cô đơn của chính Shiki:
まくらべに    Makurabe ni    Trên chiếc gối đầu
友なき時は    Tomonaki toki wa    khi chẳng một ai,
鉢植の    Hachiue no     quay mặt nhìn sang
梅に向ひて    Ume ni mukaite    bên chậu cây mơ
ひとり伏し居り    Hitori fushi ori.    cũng chỉ một thân một mình.
Đây cũng là một điểm rất riêng của tanka thời kỳ Meiji là mô tả hiện thực thông qua cái tôi, cái “tự ngã”. Điều này khác biệt với các thể thơ truyền thống trước đó chưa làm được: nhận thức kép trong thể hiện giữa miêu tả khách quan và chủ quan. Chủ quan là cá thể là cái tôi để thể hiện sự thật một cách khách quan.
3.3. Tanka thoát khỏi sự nghèo nàn của ngôn từ
Ngôn từ của tanka vốn dĩ tao nhã dành cho cung đình và giới thượng lưu. Nhưng chẳng lẽ như vậy thơ ca chỉ giới hạn như vậy thì giới bình dân, địa phương không thể hiểu được, và tanka vẫn chỉ mãi bó hẹp giữa thế giới nhỏ bé của một số người nhất định. Để tanka được phổ biến rộng rãi hơn, được tiếp nhận dễ dàng hơn trong quần chúng thì không gì khác hơn là phải “hiện thực hoá” yếu tố tao nhã trong ngôn ngữ của tanka. Đây cũng là một phương pháp tả thực – tả sinh của Shiki áp dụng vào khơi sâu vào bản chất truyền thống tanka để làm phong phú vốn từ ngữ của tanka như ông đang làm với haiku. Trong bài viết “Không có sự chống đối phân biệt trong thế giới văn chương”, Shiki đã kêu gọi tiếp tục đào sâu giá trị ngôn ngữ thơ của tanka bằng cách hiện thực hoá chúng, mặt khác không chỉ là mỹ từ mà còn có thể sử dụng những từ thông dụng trong đời sống hàng ngày kể cả từ địa phương, từ mới, thậm chí từ ngoại lai đều có nhu cầu được đưa vào tanka thay thế cho vốn từ vựng cổ điển. Ý tưởng đó đã khai hoa nở nhuỵ cho sự dung hoà các hình thức câu nệ cứng ngắc với lối diễn tả thông thường trong cuộc sống hàng ngày, mở màn cho một thời đại “tanka khẩu ngữ” mà trước đó chưa từng có với ngôn từ thân thiện hơn, hiện đại hơn. Sự hấp dẫn của tanka khẩu ngữ đã thu hút nhiều nhà thơ trẻ đến với tanka, dẫn đường cho các phong trào thơ ca khẩu ngữ hiện đại bùng nổ vào các thập niên 1940 (Saito Fumi), 1980 (Tawara Machi) sau này.
木に花咲き    Ki ni hana saki    Vào mùa 
君わが妻と    kimi waga tsuma to    hoa nở
ならむ日の    naramu hi no     tháng 4,
四月なかなか    shigatsu nakanaka     biết đến ngày nào
遠くもあるかな    tooku mo arukana.    anh lấy được em.
(Maeda Yugure)          
Ngôn ngữ bắt đầu được đặc biệt quan tâm khi sáng tác thơ ca thời kỳ này. Thơ ca phương Tây đã làm người Nhật nhìn lại thơ ca của mình và nhận ra khoảng trống giữa thơ ca truyền thống Nhật Bản với người đọc nó. Nhà thực vật học Yatabe Ryokichi đã so sánh với thế giới thơ phương Tây khi nhận thấy rằng trong quá trình phát triển văn chương, người phương Tây chẳng phải vay mượn từ vựng nước ngoài như Nhật Bản, văn phong từ ngữ thơ ca phương Tây luôn được bổ sung bằng những từ ngữ mới chư chứ không cứng nhắc với vốn từ cổ xư hàng ngàn năm như Nhật Bản. Nhờ vậy ngay cả đứa bé cũng có thể hiểu được thơ ca của nước mình[11, tr.109].            Các học giả khác như Toyama, Yatabe, Inoue [1] đã đặt vấn đề nếu sử dụng từ cổ trong thơ ca sẽ chẳng bao giờ phản ánh được thực tại của đời sống và xã hội hiện tại. Những biện luận của họ về từ thông tục, mở rộng ngôn từ và sự lựa chọn chủ đề cho thơ ca đánh dấu sự thách thức đối với thể thơ kinh điển.
よろこびの    Yorokobi no    Vui
極となりし    kihami to nari shi    cũng như
かなしみの極に    kanashimi no kihami    buồn,
二人また    futari mata    hai ta
酔ひにける     ei ni keru.    đều say khướt.
(Yoshi Isamu)          
Vì thế tanka không nhất thiết chỉ để phục vụ cho giới cung đình tráng lệ mà cần phải vượt qua những hạn chế trong ngôn ngữ như từ vựng, âm điệu, các đề tài. Một khi tanka vẫn tự gói mình trong các ngôn từ từ hồi thế kỷ 10 qua tập thơ Kokinshu, không có những từ mới du nhập từ Trung Hoa và của phương Tây thì đề tài của tanka sẽ không thể vượt qua hạn chếđể có thể trở nên phong phú hơn. Mặt khác, đưa yếu tố văn hoá nước ngoài vào trong thơ ca cũng là một phương pháp cách tân để làm giàu tanka. Để hoà nhập và sống còn với văn hoá nước ngoài trong thời đại mới của thời kỳ cải cách Meiji thì chỉ còn cách là chấp nhận yếu tố ảnh hưởng từ nước ngoài. Điều này đặt cho các nhà cách tân tanka, những nhà thơ trẻ tanka trong nghịch lý một mặt đầu hàng sự tấn công từ nước ngoài, mặt khác lại dung hoà với nó.
指をもて遠く辿れば、水いろの
                     ヴォルガの河の、
                                 なつかしきかな[2]。(Toki Zenmaro)
Sashi o mote tooku tadoreba mizu iro no    Chỉ tay trên bản đồ
volga no kawa no    lần theo màu của nước
natsukashiki kana    nhớ về sông Volga.
Tanka thời cận đại không còn chỉ nói về núi non biển cả của Nhật Bản mà còn về thế giới bên ngoài, và cũng có thể nhà thơ Toki đã từng đến sông Volga chăng? Shiki cũng vậy, ông cho rằng ngôn từ của tanka cũng cần có một phong thái mới và Shiki không ngần ngại sử dụng ngôn từ phương Tây vào tanka. Du nhập tư tưởng văn chương từ nước ngoài chỉ để làm mạnh mẽ hơn văn chương nước nhà. Shiki không cố tình phá đi thể thơ quốc gia mà chỉ muốn gia cố “thành luỹ” cho văn chương Nhật Bản dựa trên chính nó. Shiki tha thiết mong mỏi được xây dựng các bức tường đó đủ mạnh để thậm chí không bị lung lay khi va chạm với nước ngoài. Đối với tanka, Shiki cố gắng dẹp bỏ các thể thơ tư tưởng lạc hậu và đi tìm cái mới. Và dù tanka có được sáng tác bằng ngôn ngữ gì đi nữa như tiếng Trung, tiếng phương Tây thì chúng đều thuộc về ngôn ngữ của tanka.
久方の    S Utatane no    Ở phía đằng kia
アメリカ人の    Amerikabito no    người Mỹ
はじめにし    hajime ni shi    bắt đầu chơi,
ベースボールは    besuboru wa    bóng chày
見れど飽かぬかも    miredo akanu kamo.    xem mãi không chán.
冬ごもる    Fuyugomoru    Đông tàn
病の床の    yamai no toko no    lau sạch cửa kính
ガラス戸の    garasudo no    bám đầy tuyết
曇りぬぐへば    kumori nugueba    phía trên giường bệnh,
足袋干せる見ゆ    tabi hoseru miyu.     nhìn thấy vớ trắng hong khô.
Trong hai bài thơ trên những thuật ngữ ngoại lai như besuboru (phiên âm từ baseball, bóng chày) và garasu (glass, kính) đã được Shiki đưa vào tanka như ông đã làm với haiku. Mặt khác bài thơ cũng đề cập đến sự kết hợp hai yếu tố đối nghịch trong một bài tanka, là tương phản giữa cái bên trong và bên ngoài (indoors and outdoors). Cái bên trong indoors của bài thơ phải chăng là cái tăm tối của tác giả đang đối nghịch (cơn bệnh của chính mình) với thực tại outdoors bên ngoài (tabi[3]
LỜI KẾT
Thơ ca Nhật Bản được hình thành với nhiều thể loại khác nhau, mỗi thể loại mang một đặc điểm riêng về cấu trúc, nội dung và biến chuyển theo dòng chảy của lịch sử dưới sự tác động của xã hội [14, tr.181].
Trong đó tanka – một thể thơ một thời mang tính đặc trưng dành cho giới quý tộc xuống dốc theo thời gian. Tuy nhiên, chỉ trong vòng nửa cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của phương Tây và nhờ vào sự sáng tạo cách tân của các nhà thơ trẻ, tanka lại trở nên loé sáng và có thể sánh vai với các thể thơ truyền thống có giá trị trước đó như Manyoshu, Kokinshu, Shin – Kokinshu. Thể chế chính trị xã hội đã kéo theo tính chất văn chương nghệ thuật cũng thay đổi theo. Nhờ đó đặc điểm văn chương trở nên sống động hơn, phổ biến hơn, tinh hoa hoa mỹ thơ ca của cung đình được đắp đổi bởi sự sắc sảo của thị dân [14, tr.186]. Tanka thời kỳ Meiji được sáng tạo bằng sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và sắc thái hiện đại, trữ tình lãng mạn mang đậm tính hiện thực hơn, mô tả chúng như chính chúng rõ ràng từ kích thước, dáng vẻ, sắc thái của cảnh vật ngay trước mắt trong bài thơ dưới đây của Shiki.
くれなゐの    Kurenai no    Gai búp hoa hồng
二尺伸びたる    nishaku nobitaru    đỏ tía
薔薇の芽の    bara no me no    vươn mình hai xích[4],

針やはらかに    hari ya waraka ni     đối chọi
春雨のふる    harusame no furu    mưa xuân.
Sự thay đổi này tạo thêm cân bằng cho thơ ca Nhật Bản, tính quần chúng hỏm hỉnh được bổ sung để cân bằng sự nghiêm trang, cứng ngắc của thơ ca trước đó. Trái ngược với những nhà thơ đi trước, các nhà thơ mới shintai – shijin (新体詩人, Thơ mới - Thi nhân) thời kỳ Meiji rất nhạy bén với thể thơ mới, để lại phía sau những hạn chế của thể loại thơ cũ và đi tìm những nét mới từ thế giới của vạn vật và cuộc sống. Có thể nói thơ ca Nhật Bản đã chấp nhận thử thách này và dường như đang được hồi sinh [13, tr. 92]. Không chỉ về chủ đề mà cấu trúc hình thức cũng cuộn theo dòng thay đổi. Các nhà thơ trẻ không còn hài lòng với hình thức thơ theo kiểu “cha truyền con nối” với chỉ 31 âm tiết 5/7/5/7/7 của waka (Trong lúc đó một thể thơ khác ngắn hơn là haiku với 17 âm tiết 5/7/5 cũng đòi hỏi phải được thay đổi tương tự). Các nhà thơ mới viết thơ tự do hơn theo cách của họ cho vừa vặn với những gì mà họ muốn bày tỏ, có thể kéo dài âm tiết hơn hoặc rút ngắn hơn nếu cảm thấy cần, từ ngữ được dùng sáng tạo hơn, phổ biến hơn, quần chúng hơn thậm chí cả từ thông dụng cấm kỵ cũng được đưa vào sáng tác thay cho những thuật ngữ cung kính tao nhã thanh lịch hay được dùng trước đó, chú trọngthơ ca thời kỳ Meiji phải là của thời kỳ Meiji với sự tiến triển của nhịp điệu, phong cách, ngôn từ [11, tr.109].
Tanka thời kỳ Meiji đã mang theo những đặc điểm mới, là những cấu trúc với hai yếu tố trái ngược cùng song hành nhau, những khoảnh khắc trái chiều nhưng đề tài đa dạng, phong cách sáng tác phong phú thoát khỏi sự gò bó cầu kỳ, cứng ngắc. Các phương cách cách tân dù khác nhau của vợ chồng Yosano Tekkan (thơ của thực cảm theo chủ nghĩa lãng mạn tích cực) và Masaoka Shiki (hiện thực tả sinh) đã đưa tanka dễ hoà nhập với đời sống hơn, thoát khỏi cánh cửa hoàng tộc và thượng lưu đến gần với thị dân hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và thể hiện đầy đủ chức năng của thơ ca.
ああ皐月    A a satsuki    Ô kìa, trăng mới lên
仏蘭西の野は    furansu no wa    trên cánh đồng nước Pháp
火の色す    hi no iro su    đỏ rực như màu lửa
君も雛罌粟    kimi mo kokuriko    anh là hạt dẻ nhỏ
われも雛罌粟     ware mo kokuriko    hạt dẻ nhỏ là em.
(Yosano Akiko)         (Đoàn Lê Giang dịch)
 藤なみの    Fuji nami no    Những cành đậu tía
花をし見れば    hana o shi mireba    rũ xuống,
奈良のみかど    Nara no mikado    cổng đình Nara
京のみかどの    Kyō no mikado no    cổng đình Kyoto
昔こひしも    mukashi koishi mo    Ôi ngày xưa ấy.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
 A. Tiếng Việt
1.      Aristote (2007), Nghệ thuật thơ ca, Lao Động.2.      Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Khoa Ngữ văn Báo chí (2003), Thơ - Nghiên cứu Lý luận phê bình, Đại học Quốc gia TPHCM.3.      Đoàn Lê Giang (1998), Sự ra đời của từ "Văn học" và quan niệm mới về văn học của các nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản, Tạp chí Văn học, (5), tr.66.4.      Nguyễn Phan Cảnh (2006), Ngôn ngữ thơ, Văn học.5.      Nguyễn Trọng Hoàn (2002), Tiếp cận văn học, NXB Khoa học Xã hội.6.      Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản – Từ khởi thủy đến 1868, Giáo dục.7.      Nhật Chiêu (2007), 3000 thế giới thơm, Văn nghệ.
 B. Tiếng Anh 
8.      Harold G. Henderson (1958), An Introduction to HAIKU – An anthogoly of poems and poets from Basho to Shiki, A Doubleday Anchor Books, United States of America.9.      Makoto Ueda (1996), Modern Japanese Tanka, Columbia University Press, New York.10.      Masaoka Shiki11.      Massimiliano Tomasi (2007), “The Rise of a New Poetic Form: The Role of Shimamura Hōgetsu in the Creation of Modern Japanese Poetry”,  Japan Review (19), tr. 107–132.12.      R.H. Blyth (1981), Haiku Volume 1 – Eastern Culture, The Hokuseido Press Tokyo, Japan.13.      Yone Noguchi (1914), Wisdom of the East - The Spirit of Japanese Poetry, John Murray, Albemarle Street, W., London. 14.      William J. Higginson (2008), The Haiku handbook – How to write, share, and Teach Haiku, Kodansha Intl.com, Japan.  
C. Tiếng Nhật
 15.      Donald Keene - Kanaseki Hisao (1999), 日本人の美意識, Chuokoron Shinsha Inc, Japan.16.      Ichiko Teiji (1978), 日本文学全史近世, Gakutou Sha, Japan. 17.      Kato Shuichi (1999), 日本文学史序説〈上〉, Chikuma Bungaku Bunko, Japan.18.      Kato Shuichi (1999), 日本文学史序説〈下〉, Chikuma Bungaku Bunko, Japan.19.      Okuno Takeo (1995), 日本文学史近代から現代へ, Chuokoron Sha, Japan.20.      Yamaguchi Seizon (2001), 明治秀句<新版>日本秀句5, Shunjusha, Japan. 21.      Yasumori Toshitaka, Ueda Hiroshi (1998), 近代短歌を学ぶ人のために,  
D. Internet
 22.      http://en.wikipedia.org/wiki/Masaoka_Shiki http://ja.wikipedia.org/wiki/%E6%AD%A3%E5%B2%A1%E5%AD%90%E8%A6%8F#column-one http://shiki.toward.co.jp/~kim/masaoka1.html http://www.asahi-net.or.jp/~cf9b-ako/shiki/shiki.htm 27.      http://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Haiku-2-1.htm28.      http://www.geocities.jp/ginyu_haiku/criticism/masaokashikino_j.doc http://www.h6.dion.ne.jp/~yukineko/syasei.html * Thạc sĩ, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM[1] Toyama là giáo sư tâm lý học và sử học từng theo học Đại Học London và Michigan, Yatabe chuyên môn về thực vật học ở Cornell, Inoue chuyên về triết học ở Berlin.[2] Một đặc điểm của nhà thơ Toki là viết tanka theo 3 câu dưới hình thức như vậy.[3] Tabi là một loại vớ truyền thống Nhật Bản[4] 尺(shaku, Xích) là đơn vị đo chiều dài thời xưa của Nhật Bản, một shaku dài khoảng 30 cm.  Nguồn: Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh. Đoàn Lê Giang chủ biên. Nxb Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. 2011________________________________________  26.      http://www.cc.matsuyama-u.ac.jp/~shiki/kim/newlast3haiku.html