24 tháng 6, 2012

TỪ SỰ HỦY DIỆT CỦA VĂN MINH ÓC EO NHÌN VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

                                                                                     Hà Văn Thùy
Bước sang thế kỷ XXI, loài người đối mặt với nhiều hiểm họa sinh thái, trong đó đáng lo ngại nhất là sự nóng lên của Trái đất sẽ gây ra nạn đại hồng thuỷ nhấn chìm nhiều khu vực trên hành tinh. Theo dự báo ít bi quan nhất vào năm 1990 của Uy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì đến năm 2100, ít nhất mực nước biển tăng 15cm, trung bình lớn hơn 50 cm và cao nhất là 95 cm. Tuy nhiên, con số đưa ra của Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ (NAS) và Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) thì đến cuối thế kỷ này, mực nước biển tăng thấp nhất là 56 cm và cao nhất sẽ là 245 cm. Nếu chỉ căn cứ vào dự báo có phần lạc quan của IPCC, đến cuối thế kỷ sẽ có từ 2 đến 2,5 triệu hecta đất của đồng bằng sông Cửu Long và từ 1 đến 1,5 triệu hecta đất của đồng bằng sông Hồng ngập chìm trong nước biển!
Nỗi lo này có cơ sơ nếu ta nhìn lại những trận hồng thuỷ đã diễn ra trong quá khứ.
Nhà địa chất học người Pháp H. Fontaine cho thấy bức tranh khái quát của việc biến đổi mực nước biển như sau:
          Cuối Đại Pleixtoxen đầu Holoxen có một đợt hải thoái, mực nước biển hạ thấp khoảng 100 - 120 m so với ngày nay, khiến cho Biển Đông chỉ còn là một vũng nhỏ. Tiếp đó là thời kỳ băng hà Wum cách nay 60.000 đến 11.000 năm. Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 750 năm (từ 11.000 đến 10.250 năm trước) là thời kỳ băng tan và nước biển bắt đầu dâng. Sau đó vào năm 4850 trước Công nguyên, nước biển dâng lên bằng mực nước ngày nay. Sau thời kỳ này là 4 đợt hải xâm và 3 đợt hải thoái xen kẽ nhau:
  - Hải xâm Holoxen I  từ 4850 đến 1650 trước công nguyên, kéo dài 3.200 năm với 3 giai đoạn đỉnh cao 4 m (năm 3900), 3 m (năm 2.950), 2 m (năm 2.350).
  - Hải thoái Holoxen 1  từ 1.650 năm đến 1.150 năm trước Công nguyên, thời gian 500 năm với mức hạ thấp nhất - 0,8 m xảy ra vào năm 1400 trước Công nguyên.
  - Hải xâm Holoxen II  từ 1.150 đến 850 trước Công nguyên, thời gian 300 năm, đỉnh cao nhất xảy ra vào năm 950 trước Công nguyên.
  - Hải thoái Holoxen 2 từ năm 850 đến năm 200 trước Công nguyên, thời gian 650 năm, với cực tiểu 1 m xảy ra vào năm 550.
  -   Hải xâm Holoxen III từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên, kéo dài  150 năm, mức cao nhất khoảng 0,4 m vào năm 50.
  -  Hải thoái Holoxen 3 từ năm 50 trước đến năm 550 sau Công nguyên, kéo dài  500 năm với mực nước thấp nhất - 0,5 m vào năm 200.
  -  Hải xâm Holoxen IV từ năm 350 đến năm 1.150, kéo dài 800 năm với mức cao trung bình 0,8 m vào năm 650.
  -  Từ năm 1.150 đến 1950 nước biển dao động 1 m, xem như ổn định hơn các thời kỳ trước.
          Điều đáng chú ý là khi so sánh những vết tích hải xâm hải thoái ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương đồng với những dấu tích hải xâm hải thoái ở bờ bên kia của Thái Bình Dương, trên đất Mỹ: Hải thoái Oc Eo cách nay 1750 năm tương đương Hải thoái Florida - 3 m cách nay 2000 năm; Hải thoái Rạch Giá cách nay 3350 năm tương đương Hải thoái Crane Key - 2 m cách nay 3300 năm.
          Trong những đợt hải xâm hải thoái trên, đáng chú ý là Hải xâm Holoxen IV. Sau khi hiệu chỉnh niên hạn theo phương pháp C14, các đặc tính của lần hải xâm này như sau:
  - Thời hạn 800 năm, từ năm 350 đến năm 1.150, đỉnh cao vào năm 650.
  -   Mực nước cao nhất từ 0,5 đến 1 m trong 30 năm, từ năm 635 đến năm 665.
Giai đoạn lên từ năm 350 đến 650. Giai đoạn xuống từ năm 650 đến năm 1.150.
          Ngoài việc chứng minh Hải thoái giữa Đại Trung sinh và Tân sinh, Biển Đông khô cạn tạo điều kiện cho động vật từ châu Á tràn sang châu Đại Dương khiến cho hệ động vật gần nhau giữa hai châu lục, chúng ta chưa biết nhiều về ảnh hưởng của các đợt hải xâm hải thoái trong lịch sử. Tuy vậy, ở nước ta có một vùng đất chịu tác động trực tiếp của Hải xâm Holoxen IV, đó là đồng bằng sông Cửu Long.
          Hải xâm Holoxen III diễn ra từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên với mức nước 0,4 m đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa sông Đồng Nai ra đồng bằng nên phần lớn miền Tây Nam Bộ không có người sinh sống. Chỉ đến đầu Công nguyên, khi nước rút xuống thì những người Malayopolynesia mới từ các đảo ngoài biển tràn vào, tạo dựng văn minh Oc Eo. Nhưng từ năm 350 nước bắt đầu dâng lên từ từ. Thời gian đó, người Oc Eo sống chung với lũ bằng cách dựng nhà sàn và phát triển giao thông đường thủy. Nhưng đến năm 650, nước lũ lên quá cao, đến 1 m khiến người Oc Eo không thể bám trụ lại được nữa, một phần lên thuyền dông ra biển trở lại những hòn đảo tổ tiên họ đã ra đi, một bộ phận tiếp giáp Đông Nam Bộ thì lên vùng đất cao, thành một số tộc người Nam Trường Sơn hiện nay. Người Oc Eo không phải người bản địa mà là người di tản từ nơi khác đến, mang theo nền văn minh vốn có của họ. Chỉ trong vòng 600 năm tồn tại, người Oc Eo đã kiến tạo đồng bằng sông Cửu Long thành một địa bàn văn hóa phát triển rực rỡ. Nhưng sau đó một cách đột ngột, nền văn hoá này bị tiêu diệt.
          Có nhiều cách giải thích sự biến mất của cư dân Oc Eo vào thế kỷ VI. Một cách lý giải được nhiều học giả trước đây thừa nhận: đó là một cuộc chiến của người Chân Lạp từ phía tây tràn xuống cướp bóc và tiêu diệt cư dân Oc Eo. Nhưng cách lý giải này chưa đủ thuyết phục bởi lẽ những bằng chứng khảo cổ cho thấy không có vết tích của những đổ vỡ do cướp phá, tại thủ phủ Oc Eo những vật quý hầu như còn nguyên vẹn cho đến khi L. Malerete phát hiện. Một cuộc xâm lăng trên quy mô lớn nếu không chiếm đất cướp của thì với mục đích gì? Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất cho thấy cuộc xâm lăng chưa từng xảy ra là: vào thời điểm giữa thế kỷ VII, nước biển đã dâng cao trên phần lớn đồng bằng thời gian dài 30 năm khiến không ai sống nổi.
          Sau năm 665 nước biển bắt đầu rút. Nhưng phải 500 năm sau, cho đến năm 1.150 nước biển mới trở lại ổn định ở mức bình thường. Như vậy có thể suy ra: cho tới giữa thế kỷ XII, đồng bằng Nam Bộ chưa có người sinh sống. Điều này phù hợp với thư tịch cổ. Trong Chân Lạp phong thổ ký , ông Châu Đạt Quan sứ thần nhà Nguyên đến Chân Lạp qua đường sông Tiền năm 1296 mô tả: "Hầu hết cả vùng đều là rừng sác rậm rạp, những vàm rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú ẩn sum suê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy rẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre gai chạy dài hàng trăm lý..." Như vậy, nhìn vào lịch sử, đồng bằng sông Cửu Long do đất mới bồi và thấp đã bị nạn hồng thủy xóa đi sự sống của con người trong vòng sáu, bảy trăm năm. Từ năm 1150 nước rút trở lại mức độ bình thường cho đến năm 1950. Nhưng từ 1950 hình như đã bắt đầu một chu trình hải xâm mới! Mực nước đo được ở Hòn Dáu Hải Phòng trong 30 năm qua đã tăng lên hơn 30 cm.
          Cả bằng chứng lịch sử cả bằng chứng địa chất cho thấy: hải xâm Hôlôxen IV đã dìm đồng bằng sông Cửu Long hàng trâm năm trong nước biển và xoá đi nền văn minh Oc Eo.
          Một câu hỏi tất yếu phải được đặt ra: điều gì đang chờ đồng bằng sông Cửu Long trong thế kỷ này? Hay nói cách khác: người đồng bằng sông Cửu Long học được gì từ sự huỷ diệt của người Oc Eo ?
          Từ kinh nghiệm lịch sử và từ những công trình nghiên cứu khoa học, chúng ta khẳng định một điều là: trận hồng thủy mới đang tới gần. Trong khoảng 50 đến 100 năm nữa, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng bị nước nhấn chìm. Điều gì sẽ xảy ra lúc đó? Phải nói rằng chưa ai trong chúng ta hình dung ra một kịch bản như vậy và trong chúng ta cũng không mấy ai nghĩ đến một điều khủng khiếp như thế sẽ xảy ra! Dù chúng ta có nhắm mắt lại thì thảm họa sinh thái đó vẫn đến. Dù vô tình dù chẳng vô tình, thiên nhiên vẫn vận hành theo quy luật của nó!
Có một điều mà chúng ta Homo Sapiens - loài người thông minh - phải nghĩ sao và hành động sao trước tai hoạ này?
          Có một điều không khỏi bức xúc là dù hơn chục năm trước, các nhà khoa học thế giới cảnh báo nguy cơ này và trong thời gian đó, nhiều nhà khoa học trong nước cũng dóng chuông báo động nhưng đáng ngạc nhiên là trên phương diện quản lý vĩ mô, chưa hề thấy Nhà nước phản ứng gì trước những tiếng chuông báo động đó!
          Có thể nói rằng những việc chúng ta đang làm cho đồng bằng sông Cửu Long như kênh tưới kênh tiêu, xây dựng những điểm dân cư thoát lũ... chỉ là những giải pháp tình thế mà chưa căn cơ chưa mang tính chiến lược lâu dài. Chương trình Ngọt hoá bán đảo Cà Mau được triển khai rầm rộ nhưng không hiệu quả, 1500 tỷ đồng hoá thành nước lã trôi ra biển! Chương trình ngăn mặn cửa sông Ba Lai bộc lộ những mặt tiêu cực: thông nước cho nơi này nhưng lại gây ngập úng tù đọng ở nơi khác và môi sinh của vùng nước lợ bị hủy hoại gây hậu quả không lường! Mặc dù tốn rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng chúng ta chưa nghĩ tới một điều là: tất cả những công trình đó sẽ vô nghĩa một khi nước biển dâng lên, chỉ cần 50 cm!
          Một nghìn năm trăm năm trước, đối mặt với đại hồng thuỷ, khoảng một triệu người Oc Eo làm một cuộc di tản lớn ra các đảo ngoài khơi! Điều này buộc ta phải nghĩ : tới giữa thế kỷ này, khoảng 10 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi đâu để tránh nước dâng ? Một câu hỏi không dể trả lời nhưng cũng không thể không trả lời. Càng không thể nói quên đi !
          Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta nghiêm túc ngồi lại bàn chuyện này như một chương trình cấp quốc gia. Tương lai học là môn học cực khó nhưng những bài học từ nó giúp chúng ta ít ra là một cái hướng để đi tới. Cái định hướng ấy trước hết khẳng định một điều đau đớn là: một bộ phận đồng bằng sẽ bị chìm trong nước. Nhưng không chỉ thế mà phải chỉ ra trên một bản đồ dự báo: vùng nào ngập trước vùng nào ngập sau, diện tích bao nhiêu, số dân bao nhiêu?… Một khi biết những vùng nào chẳng bao lâu sẽ trả về cho nước, chúng ta sẽ biết cách đầu tư sao cho hiệu quả, tránh xây dựng những công trình kiên cố vững bền quá mức cần thiết và cũng lo cả phương án chủ động di tản hàng triệu người.
          Mối lo khác:  khi 4 triệu hecta đất nông nghiệp ở hai vùng châu thổ mất đi, có nghĩa là hai bồ lúa hai đầu đòn gánh xẹp đi, lấy gì để nuôi hơn một trăm triệu người lúc đó? Những câu hỏi như vậy quả không dễ trả lời. Nhưng nó cho ta gợi ý. Tôi nhìn về cứu cánh là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Người Oc Eo ra biển nhưng người của đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên miền Đông, lên Tây Nguyên. Nới đấy trong tương lai không chỉ là chốn dung thân của hàng triệu người mà còn là nơi làm ra luơng thực nuôi sống phần lớn dân cư. Từ cách nhìn đó, ta càng thấy vai trò vô cùng to lớn của miền Đông và tây Nguyên trong tương lai. Và để tạo chỗ dung thân của hàng triệu người Nam Bộ, chúng ta phải có phương cách đối xử  trân trọng, thông minh với Tây Nguyên mà công việc thiết yếu đầu tiên là phải trồng lại rừng đảm bảo độ phì nhiêu của đất, nguồn nước cho sinh hoạt cùng kinh tế. Khi phần lớn đất làm lúa nước không còn, những giống cây chịu hạn sẽ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng. Lúc đó giống cây trồng rồi tập quán canh tác cũng khác. Khoa học nông nghiệp sẽ đáp ứng thế nào cho một tương lai như vậy?
          Nói những điều trên vào lúc này không khỏi có người cho là lo bò trắng răng. Nhưng nhân vô viễn lự họa đáo cận thân! Họa sẽ đến gần nếu không biết lo xa.

 Tân Bình 4/2003

16 tháng 6, 2012

NGƯỜI ĐÀN BÀ

                 Nguyễn Hồng Nhung
Hamvas Béla -  Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung
( Trích tiểu luận triết học Scientia sacra)
1. Tư duy theo kiểu kết cấu gương về nhận thức của con người lịch sử không ở đâu tự trả thù chính mình như khi bàn đến bản chất và sự sống của người đàn bà. Nghĩa là khi một người nào đó tin rằng đàn bà là một nửa của đàn ông, thực ra họ đã hiểu sai hoàn toàn về hiện thực. Ở đây trong cách tư duy của con người lịch sử đã lộ rõ bản chất hoàn toàn bất lực của nó.  Khối lượng văn bản đồ sộ nói về đàn bà hoàn toàn có thể vứt đi.
Gần đây nhất, khi người ta nói về sự bùng nổ của chiêm tinh học, sự chú ý đến tính chất lưỡng tính của con người được coi như một khám phá vĩ đại. Trong thời hiện đại, ngoài một vài nhà huyền học và nhà thơ, không có tư tưởng nào có thể chấp nhận khi bàn về sự sống đàn bà.
Như mọi tư tưởng của thời cổ, nền tảng cần xuất phát: sự siêu hình. Vì chỉ từ cơ cấu ý nghĩa, từ hình ảnh, từ truyền thuyết không thể hiểu được nguồn gốc và bản chất của sự sống đàn bà. Có một điều bí ẩn không thể đặt tên và không thể nắm bắt mà người ta gọi là sự nhạy cảm siêu hình, là kinh nghiệm đầu tiên linh hồn kinh nghiệm, trước khi có tất cả các cơ cấu, hình ảnh truyền thuyết. Sự sống đàn bà chỉ có thể hiểu được từ đấy.
Bí ẩn của thế gian không phải là hai giới tính riêng biệt, không phải hai giới tính trong MỘT, mà là giới tính cổ. Bởi vì hai giới tính là hai, còn giới tính cổ là MỘT. Sự bí ẩn của sự sống đàn bà nằm ở nơi MỘT biến thành hai.
Vấn đề này mang một ý nghĩa sâu sắc, nghiêm chỉnh, đầy khó khăn và chưa nghe thấy bao giờ; nhưng sự tuyệt vời ở chỗ chính trong vấn đề này, thứ sâu sắc, khó khăn, nghiêm chỉnh và có ý nghĩa chỉ duy nhất có MỘT, chính đây là sự thống nhất lớn nhất giữa các truyền thống. Sự thống nhất này đôi khi theo đúng nghĩa cứ như có một sự thỏa thuận trước.
Tiếng Sankhja của Ấn độ gọi cái MỘT cổ, hiện thực cổ không thể chia cắt, cái bản chất cổ trước nhất của tạo hóa là Purusa.
Sự thể hiện đầu tiên của Purusa: là bản thân nguyên lý thế giới tạo hóa, là kẻ tạo dựng, là cái nôi, là nguồn gốc của mọi hình thức: Prakriti.
Purusa là sự sống cổ không chất và không thể chất hóa, là cái vô danh, vô giới hạn, cái tuyệt đối.
Prakriti là các chất lượng, các tên gọi, các giới hạn, các hình thức, là cái toàn bộ của các sinh linh.
Purusa là sự sống đàn ông, Prakriti là sự sống đàn bà.
 Sen-sien-kien của Trung quốc nói như sau:” Tất cả, cái có hình dạng, đều từ cái vô dạng bước ra. Cái không có hình dạng, cũng không có điểm dính mắc. Như vậy hình dạng là bản chất cổ của các sinh linh. Trong đó chứa đựng sự chuyển đổi lớn lao vô tận, CÁC NGUỒN LỚN, KHỞI THỦY, SỰ TINH KHÔI. SỰ CHUYỂN ĐỔI vẫn vô hình, CÁC NGUỒN là sự bắt đầu của các sức mạnh; KHỞI THỦY là cái bắt đầu của các hình dạng; SỰ TINH KHÔI là vật chất đầu tiên”.
Cái vô hình, thứ chưa có điểm dính mắc: là dương, là sự sống đàn ông. Hình dạng, bản chất cổ của các sinh linh chứa đựng SỰ CHUYỂN ĐỔI, CÁC NGUỒN LỚN, KHỞI THỦY, SỰ TINH KHÔI: đấy là âm, là sự sống đàn bà.
Trong truyền thống Ấn độ và Trung quốc đều có nghĩa như vậy. Và truyền thống Iran, Hêber, Ai cập cũng thế.
Tất cả siêu hình đều ghi nhận, cái đầu tiên, vô chất và không thể chất hóa, cái bản chất đi trước sự tạo dựng và các hình dạng là đàn ông( Purusa, Átman, Adam). Còn đàn bà là Prakriti, maja, Éva, Thái Âm, Csih, là sự tạo dựng các hình dạng, là phụ mẫu, là vật chất đầu tiên, mà truyền thống Trung quốc gọi là KHỞI THỦY, là các tên gọi, các sinh linh, là tổng thể và hình dạng cổ của các giới hạn và các tạo phẩm.
 Khi giải nghĩa các hình ảnh truyền thuyết, có thể phát biểu thành lời sách thiêng Do thái như sau: Adam là con người đầu tiên; là con người, là nhân loại, là chúa tể của thiên nhiên, là sinh linh tinh thần; là bản sao của TẠO HÓA. ĐẤNG TỐI CAO từ xương sườn của Adam tạo ra Éva, người đàn bà.
Nhưng người đàn bà, trong khoảnh khắc bước vào sự sống đã là: người mẹ. Và không chỉ là người mẹ của những đứa con của Adam và Éva, của toàn bộ nhân loại mà còn là người mẹ của chính Adam nữa.
Sự bí ẩn này ở các nơi khác cũng trình bày như vậy. Nữ thần mẹ trong truyền thuyết của tất cả các dân tộc đều là  mẹ của các vị thần, và là mẹ của cả vị thần đã tạo ra nữ thần mẹ. Khi ghi nhận những văn bản truyền thống, sự bí ẩn thoạt nhìn có vẻ nghịch lý này dễ hiểu một cách phổ quát đến mức không cần sử dụng những hình ảnh tượng trưng sáng sủa hơn.
Tri thức từ đó đến nay đã nhợt nhòa và biến mất. Ngày nay tất cả mọi người sẽ đều ngơ ngác không hiểu gì cả, nếu trong những chương sách của cuốn Mysterium Magnum không bộc lộ trực giác thần thánh của Jakob Böhme.
Theo cuốn sách này: „Adam là đàn ông và là đàn bà, hoặc không là ai, mà là một sinh linh trinh nguyên, là sự trong sạch, là hình ảnh cổ e lệ, là bản sao của Thượng đế; là cả hai bản chất cổ: vừa là lửa, và là ánh sáng, có cả hai trong Adam.”
Lời giải thích: Adam không mang hai giới tính, mà mang giới tính cổ. Giới tính cổ là trạng thái trong đó hai giới tính là một: „đàn ông và đàn bà, và không là một trong hai thứ.”
TẠO HÓA không tạo dựng ra Eva để phù hợp với Adam. Về điều này không hề ai nói đến. Böhme cho rằng: Đấng Tối cao đã tạo ra Eva từ bản chất của Adam.”
Cần phải hiểu điều này như thế nào?
Cần hiểu: Tạo Hóa lấy ra bản chất cấu thành sự sống của Adam, và từ đó, từ sự sống cô đọng này tạo dựng ra Eva. Bởi vậy Eva như một con người và như bản chất của sự sống bước vào sự sống: Matrix mundi - như Böhme viết: là mô hình cơ bản của thế gian, là hình ảnh cổ, hình dạng cổ: đấy là người mẹ cổ.
Ý nghĩa ẩn náu trong tiếng Sankja Ấn cổ cũng như vậy khi gọi cái toàn thể của các tên gọi, các giới hạn, các hình thức, các bản chất là Prakriti.
Bởi vậy Sen-sien-kien Trung Quốc gọi Thái Dương là hình ảnh cổ của thế gian. Bởi vậy trong các truyền thuyết,  nữ thần Mẹ là mẹ của các vị thần. Là mẹ của mọi hình dạng, mọi bản chất, mọi vật chất, của sự đông đảo, của mọi thấu kính, mọi giác quan, mọi lý tưởng.
 Mẹ: người mẹ của thế gian. Magna Mater. Là người mà từ đấy sự đông đảo của sự sống vĩnh viễn tuôn chảy. Là Mater và Matrix. Không phải một nửa của Adam, không phải một mặt kia của sự đối xứng, mà là bản chất của Adam.
Là người bước vào sự sống muộn hơn, muộn hơn trong thời gian nhưng về bản chất, vượt qua Adam. Đấy là nữ thần Mẹ, là Maat và Izisz của Ai cập, là Gaia Hy lạp, là Maja Ấn độ, là EL Ruah và En-sof Do thái, là Dương của Trung quốc, cũng là tạo phẩm của nguyên tắc tinh thần-đàn ông-thượng đế cổ- nhưng tạo phẩm này tuyệt đối, có trước và trên cả Tạo hóa. Đây là sự ra đời huyền bí của người đàn bà.
2. Phần sau đây so với phần trước cũng không kém sâu sắc, khó, và nghiêm chỉnh, và đầy ý nghĩa. Ở đây một lần nữa nếu không nhắc đến khái niệm Sophia của Böhme, không gì có thể diễn tả cho con người lịch sử hiểu nổi.
Böhme không đặt ra cái tên Sophia. Trong thời trung cổ đây là một truyền thống bí mật của các nhà giả kim mà phái ngộ đạo thời Alexandria, đặc biệt là Philon mang trở lại với thời cổ Ai cập. Văn bản mang tính chất Hermetikus nói về Tinh khôi thế giới (Kore kosmos) rất có thể đã dựa trên nền tảng truyền thống hàng nghìn năm.
Truyền thuyết Sophia cho rằng khi con người bắt đầu bị vật chất hóa, Adam thực thể, bản chất  đầu tiên, và cổ nhất” hình ảnh cổ e lệ của thực thể trinh khiết, trong sạch” không rơi xuống vật chất mà ở lại trong thế giới tinh thần.
 Thực thể trinh khiết này là Sophia-sự Thông Thái.” Sự Thông Thái là bản sao của Tình Yêu Thương”- „Tình yêu Thương nhìn thấy và nhận ra mình trong sự Thông Thái.”
Sophia trong hình hài cô gái trinh khiết ở lại với Thượng đế, và Eva „người đàn bà” Adam rơi xuống vật chất, người đàn bà bằng xương-thịt Eva thay thế vị trí này.
Sophia là lý tưởng, là Mẹ Trinh nữ cổ của thế giới, là Matrix, là sự Thông Thái mà Tình Yêu Thương nhận ra nó ở đấy, Sophia là Eva của Trời, là nàng con gái Trinh khiết. Còn Eva là thực thể trần tục, là bản sao, là phụ bản đã đánh mất bản chất vũ trụ, được sắp đặt bên cạnh con người đã bị vật chất hóa.
3. Giờ đây để hiểu những phần tiếp theo không mấy khó khăn.
Cần phân biệt giữa cái đẹp và sự quyến rũ.
Con người thông thường cho rằng đàn bà và cái đẹp như nhau, điều này được coi như sự tất nhiên tự thân. Đến mức người ta chỉ phân biệt cái đẹp từ bản chất đàn bà trong một số trường hợp ngoại lệ. Con người cho rằng hình ảnh tượng trưng tái tạo vĩnh cửu của bản chất vĩnh cửu của cái đẹp là đàn bà trên thế gian: trong hình dáng của họ, trong giọng nói, cử chỉ. Con người không nhận ra, khi họ nói người đàn bà đẹp, thực ra họ đồng nhất Eva và Sophia, họ đồng nhất người đàn bà với hình ảnh cổ đầu tiên, Sophia.
Sự đồng nhất này trong thiên nhiên vật chất là không thể loại bỏ. Con người không bao giờ có thể nhìn người đàn bà một cách khác, bởi vì không bao giờ thoát khỏi người đàn bà đầu tiên – Sophia- Trinh Nữ cổ, nhưng cũng không bao giờ thoát khỏi thực thể đàn bà tồn tại trong thế gian giác quan.
Giữa những kỷ niệm cổ lưu giữ trong con người, sau hình ảnh cổ về Thượng đế ngay lập tức tiếp đến hình ảnh người đàn bà cổ: thực thể Cổ, mà con người đã đánh mất, và mong muốn tìm thấy lại, thực thể chân chính từ bản chất của họ, mà Eva chỉ là bản sao trần thế thô thiển.
Con người không bao giờ tin tưởng một cách hoàn toàn và đầy đủ vào Eva, không trở thành một với Eva được. Trong bản chất sâu thẳm nhất con người luôn luôn tiếp đón người đàn bà trần thế bằng sự bảo trì. Và cái sinh linh sâu thẳm nhất này biết Eva không có nghĩa là cái đẹp, mà cái đẹp là Cô gái Trời.
Trong chừng mực người ta thấy người đàn bà trần thế đẹp, khi họ nói hoặc cho rằng như vậy, đấy là lúc con người đã đồng nhất một cách sai lầm người đàn bà trần thế với người đàn bà trời, và lẫn lộn cả hai( adhjása). Nhưng sự nhầm lẫn này không chỉ hợp luật, không thể tránh khỏi, không thể chống đỡ nổi mà còn không giảm bớt cả sự mê muội của họ.
Eva không đẹp. Eva quyến rũ. Eva là thực thể đã để lại sắc đẹp trong thế giới tinh thần và đổi lấy sự quyến rũ. Người đàn bà trần thế không đẹp mà quyến rũ. Và con người, khi nói đàn bà đẹp, là họ nhầm lẫn Người Con Gái của Sắc đẹp – thực thể thật sự của bản chất con người với sự quyến rũ và sắc quyến rũ.
Toàn bộ sự sống của người đàn bà trần thế nằm trong sự quyến rũ. Sự quyến rũ là sự vật chất hóa của đàn bà. Trên họ là dấu ấn của các Quyền lực, bên trong họ: tính cách, hình ảnh. Đàn bà trang điểm, ăn diện, tìm cảm hứng trong việc, chưa nói đến bản chất bên trong, mới chỉ ở hiện thực thân xác họ đã xoay khác với nguồn gốc thiên nhiên, mới chỉ ở hình dáng vật chất, họ đã thay đổi và che đậy.
Mục đích duy nhất của họ: quyến rũ. Trở nên quyến rũ.
Sự quyến rũ vô sinh và trống rỗng, vô đích và vô nghĩa. Tại sao? Tại sao phải quyến rũ? Để thống trị? để nắm quyền lực? Tìm giới tính cho khả năng sinh sản?
Không. Người hiểu được sự quyến rũ là người nhận ra sự kiêu ngạo trống rỗng bên trong đàn bà, tội lỗi bắt nguồn từ cái TÔI đàn bà- sự ngạo mạn đàn bà.
Từ sự quyến rũ không nảy sinh tình yêu, hôn nhân, sự thống trị, quyền lực, chiến thắng, vinh quang, hạnh phúc, sự yên ổn, sự thức tỉnh, sự cao thượng.
Từ sự quyến rũ không nảy sinh bất cứ cái gì: toàn bộ chỉ là một trò chơi phép thuật nhân tạo sặc sỡ, ngây ngất và mù quáng, một thứ bỏ bùa và làm mê mẩn, nhưng nếu trò chơi tan ra, cả kẻ đi quyến rũ lẫn người bị quyến rũ đều thất vọng, tội nghiệp, đều còn lại một mình một cách cay đắng và trống rỗng.
Sự quyến rũ và sắc quyến rũ là sự bù đắp và giả danh sắc đẹp cùng sự thông thái: đây là sắc đẹp và sự thông thái bị rơi vào tội lỗi. Bởi vì sắc đẹp và sự thông thái của Sophia là tình yêu thương và đánh thức tình yêu thương; Sự quyến rũ của Eva đánh thức ảo ảnh.
Sắc đẹp của Sophia ràng buộc vĩnh cửu: nhập làm một với nhau trong tình yêu thương để quay trở lại MỘT trong thời gian vô tận. Sự quyến rũ của Eva khiến người ta ngất ngây, nhưng khi tỉnh giấc sau sự ngây ngất mới té ra không hề có sự hội nhập làm một; toàn bộ chỉ là ảo ảnh và phép thuật.
Và đây là hoàn cảnh khiến tất cả mọi người đều hiểu sai, khi cho rằng bản thân Eva, kẻ đi quyến rũ không thất bại, không bị lừa dối bị phù phép như Adam, kẻ bị Eva lừa dối và phù phép. Thực ra, người đàn bà trong sự quyến rũ cũng chính là nạn nhân như người đàn ông.
Bởi vì sự quyến rũ của Eva có nghĩa là: thông qua bản thân mình, Eva  mang sự quyến rũ đến thế gian. Vì Eva, thế gian đầy rẫy ảo ảnh, sự quyến rũ, phép màu: những vẻ bên ngoài lôi cuốn, các hình ảnh, các mặt nạ, mà sau chúng chẳng hề có cái gì, bởi con người rơi vào phép màu mà nó tự biết nó bị lừa.
 Người đàn bà trần thế có một mục đích duy nhất là quyến rũ, một cách vô thức, không cố ý,  và sâu sắc hơn nữa: theo bản chất. Và đấy cũng là định mệnh của họ. Đàn bà sợ nhất: già đi và xấu đi. Bởi nếu đàn bà là đẹp, sẽ không bao giờ xấu đi và già đi.
Sắc đẹp không phải là một tính chất để có thể đánh mất, sắc đẹp không phải một đặc tính, mà là một sự tương đồng với Thượng đế. Thứ có thể bị mất, và thứ đàn bà có thể mất, đấy là sự quyến rũ. Bởi vậy họ sẽ xấu xí và sẽ già nua. Sắc đẹp không phải là cái gì bên ngoài đích thực.
Từ đâu chúng ta biết điều này? từ một thứ đúng là cái đẹp: từ nghệ thuật. Ở đó có cái đẹp, và còn lại vĩnh viễn. Trong nghệ thuật cái đẹp đã hiện thực hóa. Cái đẹp là lửa và ánh sáng rạng rỡ ngự trị trên toàn bộ thực thể.
Vẻ ngoài ngây ngất, đấy là sắc quyến rũ; là quần áo, mỹ phẩm,vai trò, nụ cười cử chỉ và phong cách đã học được. Và cái mà đàn bà đánh mất: các công cụ quyến rũ. Và cái mà kẻ đi quyến rũ buộc phải trải qua như một định mệnh: thừa nhận thứ đã lựa chọn là chiếc mặt nạ chứ không phải một khuôn mặt.
4. Sự sống người căng thẳng giữa sự tỉnh táo của ý nghĩa thượng đế và sự mê muội tối tăm. Giữa sự sống đàn bà là Sophia, Cô gái Trời và mụ phù thủy già đáng ghét, kẻ quyến rũ thất bại.
Truyền thống biết đến các tên gọi khác nhau của Sophia, cũng như biết đến tên gọi của các phù thủy – Hekate của Hy lạp, Dakini của Tây tạng, Kinapipiltin của Mexico- và truyền thống biết rằng, đây là con đường sự sống của đàn bà: sự tỉnh táo của người đàn bà là Sophia, là Cô gái Trời, là Cái Đẹp, sự Thông Thái, Tình Yêu Thương. Còn nỗi mê muội của đàn bà: sự quyến rũ, lôi kéo, phép màu phù thủy thể xác, những thứ mà người đàn bà là nạn nhân đầu tiên của nó.
Sự nhốn nháo hỗn loạn của sự sống trần thế, mà Veda gọi là luân hồi (szamszara), là bản chất quyến rũ và lôi kéo của sự sống vật chất, là maja. Đây là tính chất Prakriti, tính chất âm, là ảo vọng, sự mờ mịt, là mặt nạ, tấm màn che, là ảo ảnh, là vô tận của sự phản chiếu.
Bởi vậy truyền thống cổ gọi đất, thiên nhiên vật chất, sự sống thân xác con người là đàn bà, đấy là nguồn gốc và mang tính chất đàn bà. Đấy là luân hồi: các hình dạng, các thực thể, các ảo tưởng, sự phun ra và tuôn trào vô tận của các hình ảnh – một quá trình liên tục không thể dừng lại từ thế giới đàn bà. Đây là”nước” như Thales đã nói: là bắt đầu của mọi sự vật.
Thời kỳ lịch sử tưởng rằng người đàn bà đã cá nhân hóa tính chất ảo của thiên nhiên vật chất. Với niềm tin này tất nhiên con người luôn luôn sống trong viparjaja. Viparjaja có nghĩa là sự đảo ngược ý nghĩa gốc của sự vật.
Cái đầu tiên không phải là thiên nhiên vật chất mà là người đàn bà. Bởi vì khi con người-đàn ông và đàn bà- bị vật chất hóa, thực chất thế giới tinh thần đã bị vật chất hóa. Con người đã mang theo cả thiên nhiên lao xuống bóng tối. Và từ đó trở đi từ thực thể đàn bà tràn ngập ảo ảnh này, phép màu này để sự đông đảo nhốn nháo một cách hỗn loạn, để tràn lan một sự sinh sôi không thể dừng lại, nhưng trong toàn bộ sự đông đảo trống rỗng và không có gì hết;
Đây là sự quyến rũ mãnh liệt, vọng tưởng, như người Hy lạp nói: pszeudosz, apaté :  không cái gì mang khuôn mặt riêng, không gì và không ai là riêng mình,  chỉ là chiếc mặt nạ, mặt nạ lừa gạt, trong đó sự sống” đến ý nghĩa cũng không được thể hiện”, bởi vì toàn bộ sự thoái hóa  thuần túy chỉ là tiểu xảo, lừa lọc, một hội hóa trang đánh lừa.
„ Nơi không có cái gì ở đúng vị trí riêng của nó, ở đó tất cả chỉ muốn biến vị trí của người khác thành sự tranh cãi…Và không có gì ở đúng vị trí riêng của nó, chỉ bắt buộc phải có bởi người khác.”
Ảo ảnh, maja, không-hiện thực, như Platon nói, không phải là trạng thái bên ngoài. Đây là vị trí bị cưỡng bức phải tỉnh táo trong đờ đẫn. Đây là sự cưỡng bức trong ảo ảnh, là trạng thái ý thức mà Veda gọi là luân hồi (szamszara) và truyền thống Hy lạp gọi là ananke.
Linh hồn quanh quẩn giữa những hình ảnh tự phù phép riêng trong một nhu cầu. Đây là sự tê liệt của ý thức mà szamszara và ananke đã thắt nút  những sợi dây của số phận, dệt, đánh dạt, cắt rời: đây là những Moira, là những người đàn bà Định Mệnh, những kẻ phủ trên mặt mạng khăn choàng nặng dày, ngồi dệt và xe chỉ, vĩnh viễn và vô nghĩa, vô lý tháo tung những sợi dây sự sống của con người theo sự thất thường của họ.
5. Sự thất bại của đàn bà mang đến trạng thái bất tỉnh của linh hồn trên thế gian, nghĩa là linh hồn vật vờ lầm lạc trong sự phù phép. Trong trạng thái bất tỉnh này, như người Ai cập nói:”linh hồn thay đổi một cách bất lực theo điều nó muốn”. Bởi vậy thực thể thay đổi, biến thành sự đông đảo, sự sặc sỡ, sự hóa trang, thuần túy là nhầm lẫn (pszeudosz) thuần túy là mặt nạ.
Linh hồn đánh mất hình ảnh cổ, ánh sáng của Sophia, sự Thông Thái và Tình Yêu Thương. Và vì đánh mất ánh sáng cổ, nên cái gì nó cũng muốn, với khả năng thay đổi vô hạn, nó luân hồi trong các mức độ và góc cạnh không thể tính toán được mọi biến thái. Đây là ý nghĩa tượng trưng của một trong những tư tưởng luân hồi thời cổ.
Linh hồn ở trong trạng thái bị cưỡng bức, sống dưới sự phù phép và quyến rũ  của những hình ảnh mộng tự thân: linh hồn không bao giờ là cái TÔI cá nhân, mà là CON NGƯỜI, là NHÂN LOẠI, là LINH HỒN NGƯỜI, tồn tại không mục đích, phục vụ cho chuẩn mực riêng của mình với khát vọng thay đổi, mơ ước tất cả các hình ảnh mộng, rơi vào tất cả mọi ảo ảnh, một cách tò mò, mê muội; liên tục nhầm lẫn bản thân với các hình ảnh mộng, và đồn nhất mình với các kiểu mặt nạ.
Đây là maja mà linh hồn nếu tự đánh mất mình có thể hút vào. Tính chất linh hồn của nó từ từ, sau hàng triệu năm ngót dần, tan loãng. Nó có thể rơi vào hòa với lũ ma quỷ, quái vật, ma cà rồng, rơi vào các bông hoa, các loài chim, các loại đá, các vì sao, thiên thể. Chính bởi vì sự sống-maja là như vậy, không xác định hình dạng, thực thể, hình thức sự sống.
Linh hồn trong trí tưởng tượng, trải qua những ảo ảnh ngày càng mới hơn trong giấc mộng: các thực thể, các hiện tượng, các thế giới, các hình thức được tạo dựng rồi tan ra và nhường chỗ cho những ảo ảnh mới. Những hình thức, hình dạng, thực thể, các sự kiện này trống rỗng và không nội dung. Phi bản thể. Maja là phép thuật và phi hiện thực. Là ảo ảnh của linh hồn bất lực, ảo ảnh bốc hơi bay đi không đọng lại bất cứ một cái gì.
Ở đây linh hồn sống trong sự phù phép, trong thế giới vật chất, trong trạng thái buồn ngủ: một hình ảnh duy nhất của quá khứ nó cũng không muốn từ bỏ. Nó chìm nghỉm một cách lười biếng vào những ảo giác tự thân, lặp đi lặp lại, không thức tỉnh, vô hướng, tối tăm, ngất lịm trong những khả năng vô tận riêng và sự giàu có riêng của nó.
Nó muốn nếm thử tất cả, muốn kinh nghiệm tất cả những gì nó nghĩa rằng chính là nó. Nhưng đó không phải là nó, đó là maja, là phép thuật. Sự thèm khát này, cảm giác đói khát sống này không bao giờ thỏa mãn và thật đáng xấu hổ, là sự nhồm nhoàm, nuốt chửng đời sống vô giới hạn, là đặc tính của sự sống-maja.
Trong thế giới vật chất, trong thời kỳ muộn mằn sau này, dưới thời khải huyền sự tỉnh táo gần như ngủ yên, và bản chất đàn bà này của sự sống trở thành kẻ thống trị.
Sự tham muốn trơ trẽn, thực thể đàn bà, chủ yếu là đặc tính xác thịt đàn bà, bị lộ tẩy. Lộ tẩy hay nói đúng hơn bị lên án, bởi vì đây chính là khải huyền (apokalipsis), là bản án, là giai đoạn cuối cùng của tạo hóa.
Eva là thực thể đồng hóa mình hoàn toàn với thân xác, và sự độc lập của linh hồn trong Eva không hề hiện ra cũng chẳng hề nhen nhóm. Eva càng nhầm lẫn mình với thể xác mình bao nhiêu, người đàn bà càng tham lam, đói khát và ham muốn bấy nhiêu: càng đắp lên mình một cách đói khát những ảo ảnh ham muốn của thế gian bao nhiêu, Eva càng quyến rũ  nhiều thêm những thực thể và đồ vật ham muốn bấy nhiêu.
 „ Mang tất cả đến đây cho ta”- thân xác đàn bà lên tiếng. Bởi vậy cái khoảnh khắc truyền thống cổ, khi con người đặt cái TÔI bản thân mình vào giữa trung tâm sự sống một cách trái phép, là bắt nguồn từ sự sống đàn bà.
Truyền thống gọi người đàn bà thân xác tuyệt đối là phù thủy. Đây là Hekate, Kinapipiltin, Dakini, những kẻ không là gì khác ngoài xác thịt thuần túy.
Đây là hình ảnh của sắc hấp dẫn cổ  Sophia-Tình Yêu Thương- sự Thông Thái đã bị chìm đắm và tăm tối hóa, khi người đàn bà đồng hóa bản thân mình với xác thịt của mình, mong muốn thực hiện tính chất phổ quát của các thực thể và các sự vật bằng cách sử dụng thân xác.
Đây là sự tham lam đói khát, là hình ảnh hư hỏng của phép màu thượng đế của Sophia: là sự phù phép của quyến rũ. Tại đây người đàn bà đạt đến mức độ mà truyền thống đặt tên là sự tăm tối bên ngoài. Trong khoảnh khắc này Szét biến thành con mồi- khi thực thể cổ, Cô gái Trời bị quên biến, giữ lại mỗi thân xác là một hiện thực duy nhất.
Người đàn bà quay lưng lại với Aton, ánh sáng bên trong, và phục vụ thân xác bên ngoài. Kẻ nào quay ra ngoài, kẻ đó bị bóng tối nuốt chửng.
6. Tất cả mọi căng thẳng- Baader nói – Tất cả mọi nhị nguyên thực ra đều là xung đột – sự rối loạn hoàn cảnh xảy ra trong thế giới cực, điện từ, đều là kết quả di căn của nó. Tính chất nhị nguyên và xung đột sau rốt xuất xứ từ sự căng thẳng và rối loạn của hoàn cảnh chủ yếu nhất: giới tính, hai giới tính, tính chất nhị nguyên của đàn ông và đàn bà.”
Sự sống đàn bà cũng liên quan đến những bến đỗ như sự sống người: nhận thức ra trạng thái cổ, ra quá trình vật chất hóa, ra sự thức tỉnh, sự lặp lại, sự tăm tối bên ngoài và sự giải thoát. Nhưng những bến đỗ mang đặc tính đàn bà đặc thù, không thể nhầm lẫn với những bến đỗ của đàn ông.
Chính vì vậy, khi nói về sự giải thoát của thực thể đàn bà, không được phép tin rằng ở đây mục đích là quay trở lại ý nghĩa thượng đế. Đàn bà không giải thoát bằng việc quay trở lại với tri thức thượng đế, mà quay trở về trong hình ảnh người đàn bà cổ, Trinh Nữ Trời.
Những hình ảnh tượng trưng của giải thoát đàn bà: Izis trên tay là Horus bé bỏng, là Magna Mater (Đức Mẹ Đồng Trinh) trên tay bồng con trẻ tượng trưng cho nhân loại. Trong thực thể đàn bà thức tỉnh tình yêu thương thượng đế. Bởi tình yêu thương là mức độ cao nhất của sự tỉnh táo. Trong hình hài này người đàn bà quay trở về với MỘT, với TẠO HÓA.
Truyền thống Ấn độ cho rằng, cùng với sự biến mất những chu kỳ thế giới lớn,  tất cả sức mạnh và khả năng của tạo hóa tích tụ và tinh khiết lại trong một dạng hình. Dạng hình đó là: Sakti. Là bản chất của sự sống.
Và Sakti, Người Đàn Bà, ngủ qua đêm thế gian cùng Brahman. Nhưng khi năm mới của thế gian lại bắt đầu, sự tạo dựng mới bắt đầu, từ bản thân mình người đàn bà một lần nữa phóng tỏa ra thế gian các sức mạnh của mình.
( Budapest. 2012-04-17)

9 tháng 6, 2012

CHỨNG TÍCH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CHỮ QUỐC NGỮ TÙ NĂM 1632 ĐẾN NAY: TIẾN TRÌNH CỦA KINH LẠY CHA

              Tác giả:   Roland Jacques
       Người dịch:   Nguyễn Đăng Trúc
 Lời người dịch: Chúng tôi trích hai bản Phụ Đính trong tác phẩm song ngữ (Pháp Việt) “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam” (Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam) của Roland JACQUES (Nxb:  Định Hướng Tùng Thư , năm  2004) để cống hiến một chứng tích hình thành và phát triển chũ quốc ngữ từ năm 1932 dến nay, qua . tiến trình  của Kinh Lạy Cha.
Phụ Trương VII
Tiến trình của Kinh Lạy Cha
Để lượng giá tiến trình của chính tả và ngữ nghĩa từ năm 1632, chúng tôi chép lại dưới đây vài bản văn  kinh Lạy Cha  tiếng Việt được viết bằng chữ cái.
 Lưu ý : Đối với bản văn La Tinh của tài liệu và những chỉ dẫn phát âm, đề nghị xem bảng nhất lãm.
Bản văn gốc tiếng Việt trong tài liệu (1632) 
i ciúm toi nguyẽn daim Cia cã sám. Coác Cia tlen blœ Cia ciúm toi œ i bẽi. Ciúm toi tlom cia trĩ ðen. Bum í cia lam cium ðét bàm cium blœ  ciúm toi bàm ciúm toi ít rài cio ciúm toi hàm ngäì dum ðũ. Mà tha nœ  ðẽ ciúm toi sa cium cám dõ. Bèn cẽa ciúm toi bẽi. Lãi cœ tha kẽ ciũ nœ toi cium tai dũ.
Bản văn 1632 ghi lại theo chính tả được chuẩn hóa trong từ điển Alexandre de Rhodes (1651):
Cha chúng tôi ở tlên blời, chúng tôi nguiẹn danh Cha cả sáng. Cuốc Cha trị đến. βâng í Cha làm chưng đất [đết] bàng chưng blời βậy. Chúng tôi  đủ, mà tha nợ chúng tôi bàng tloū Cha rày cho chúng tôi hàng ngày dū chúng tôi ít tha kẻ chủ nợ tôi βậy. Lại chớ để chúng tôi sa chưng cám dĕỗ, bèn chữa chúng tôi chưng tai dữ.
Bản văn 1632 ghi lại theo qui tắc chính tả hiện nay: 
Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Quốc Cha trị đến. Vâng ý Cha làm trưng [chưng] đất bằng trưng [chưng] trời vậy. Chúng tôi trông Cha rày cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi ít tha kẻ chủ nợ tôi vậy. Lại chớ để  chúng  tôi sa trưng [chưng] cám dỗ, bèn chữa chúng tôi trưng [chưng] tai dữ.
Bản văn kinh Lạy cha 1700-1750 [1] 
Chúng tôi lậy thiên địa chân chúa ở trên blời là cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh [cha] cả sáng. Cuốc cha trị đến. Vâng ý Cha [làm] dưới đất bằng trên blời vậy. Chúng tôi xin cha rày [cho] chúng tôi hằng ngày  tha kẻ có nợ chúng tôi dùng đủ. Mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cū vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ. Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ.

Bản văn kinh Lạy Cha nhận vào năm 1905

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Vưng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời vậy. Chúng tôi xin Cha  cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ.
Bản văn kinh Lạy Cha được đề xuất năm 1992 
Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời, xin làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày; xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con; xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
Phụ Trương V – Bản văn tiếng Việt 
A – Le Pater Noster 
* Lưu ý : Trong bản viết tay năm 1632, các cột chữ hầu như đều tương ứng với nhau, ngữ nghĩa lại khác nhau tùy mỗi thứ chữ. Ở đây chúng tôi theo nguyên tắc ấy. Bản 1992 đặc biệt đã thay đổi cú pháp truyền thống của Kinh Lạy Cha. Xin đừng xem cột cuối là bản dịch các cột song song đằng trước.
 
  B – Từ vựng
  C – Số

Chú thích thống kê về từ vựng trong văn kiện 1632 

Nếu ta thử xếp loại các từ theo chữ Nôm (N), Hán-Việt (HV) và hỗn hợp (HVN), theo những qui ước trong từ điển Huình-Tịnh Paulus Của [Dictionnaire annamite. Đại Nam quấc âm tự vị, 2 tập, Saigon, Rey-Curiol, 1895-1896], ta sẽ có kết quả sau:
Đối với kinh Lạy Cha:
Tất cả mọi chữ: HV 19; HVN 5; N 41, nghĩa là giữa 23.2% và 27,1% Hán Việt
Từ vựng: HV 13; HVN 3; N 27, nghĩa là giữa 33,1 và 37,2% từ Hán Việt
 Đối với toàn bộ tài liệu.
 Tất cả mọi chữ: HV 30; HVN 7; N 116, nghĩa là giữa 19,6% và 27,1% Hán Việt
Từ vựng: HV 23; HVN 5; N 93, nghĩa là giữa 19,0% và 27,1% từ Hán Việt 

[1] Những chữ trong móc đơn dường như là vô tình bị bỏ sót trong bản chép tay.

6 tháng 6, 2012

100 NĂM NHÌN LẠI DUY TÂN HỘI VÀ PHONG TRÀO ĐÔNG DU CỦA PHAN BỘI CHÂU

                                                                         Đinh Kim Phúc

Khi nhắc đến cuộc đời và hành trang của cụ Phan người ta thường dẫn ra 2 ý sau đây: một là “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”(1) và hai là dựa vào bản hồi ký cuối đời của cụ Phan, cụ viết “Than ôi! Cuộc đời của tôi là một trăm thất bại mà không một thành công”(2). 
Trong bài viết này, tác giả không có tham vọng và cũng tự thấy rằng mình không có khả năng và trình độ để đánh giá lại toàn bộ sự nghiệp của Phan Bội Châu. Chính vì vậy, nhân kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du, chúng tôi mong đóng góp thêm vào lịch sử nghiên cứu phong trào này với 2 nội dung sau đây :
        ●  Phong trào Đông Du và cuộc vận động duy tân ở miền Hậu giang.
          ●  Vài nhận xét về con đường cứu nước của Phan Bội Châu.
 1. Phong trào Đông Du và cuộc vận động duy tân ở miền Hậu Giang
Kể từ khi thực dân Pháp nổ súng chính thức xâm lược Việt Nam (1858) đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, mặc dù với chính sách đầu hàng và thỏa hiệp từng bước của triều đình Nguyễn nhưng nhân dân Việt Nam vẫn kiên quyết đứng lên kháng chiến. Nhưng những cuộc kháng chiến đó, từ hình thức “tị địa” cho đến phong trào Cần Vương, phong trào tự động đều đấu tranh trong phạm trù phong kiến với ý thức hệ Nho giáo, một ý thức hệ đã lạc hậu và lỗi thời và cuối cùng đều thất bại. Triều đình bỏ rơi cuộc kháng chiến của nhân dân, ý thức hệ Nho giáo ngày càng mất vai trò lịch sử, thì những người yêu nước phải tự nhiên đi tìm những tiếng nói mới, những tư tưởng khác, để tiếp tục phát động nhân dân tiếp tục đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc. 
Đầu thế kỷ XX, trào lưu dân chủ tư sản qua sách báo của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu (Trung Quốc), gương Duy Tân của Nhật Bản, cuộc vận động hiến pháp của Trung Quốc (1898), cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc (1911) đã lôi cuốn nhiều sĩ phu yêu nước ở Việt Nam mà tiêu biểu là Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Là ngọn cờ của phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX, Phan Bội Châu (1867-1940), hiệu là Sào Nam, một nhà nho danh tiếng của xứ Nghệ, thuộc thế hệ cuối cùng của các sĩ phu Cần Vương, được giác ngộ tư tưởng mới đã đi đầu trong phong trào dân tộc suốt 20 năm đầu thế kỷ XX.
Con đường cứu nước của Phan Bội Châu chủ yếu lấy phương thức bạo động vũ trang để giành độc lập. Tuy nhiên, cùng với việc bạo động vũ trang, Phan Bội Châu cũng coi trọng việc vận động duy tân đất nước, cải cách chính trị, kinh tế, văn hóa để tự cường dân tộc. Chính vì vậy, vào cuối tháng 4 năm 1904 Hội Duy Tân được thành lập với mục đích “Cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ nghĩa gì khác cả”(3). 
Nhiệm vụ trước mắt của Hội được đề ra trong ngày thành lập là : phát triển thế lực của Hội về người và về tài chính; chuẩn bị bạo động và phương án hành động sau khi bạo động được tiến hành; xuất dương sang Nhật cầu vận. Chính cương lĩnh đó mà phong trào Đông Du ra đời vào cuối tháng 7/1905.
Mở đầu cho phong trào Đông Du, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã đưa 3 thanh niên đầu tiên xuất dương sang Nhật du học. Trong thời gian ở Nhật lần này, Phan Bội Châu viết bài Khuyến quốc dân du học văn và bài Khuyến quốc dân tư trợ du học văn để kêu gọi đồng bào toàn quốc xuất dương du học và ủng hộ, giúp đỡ việc du học. Cho đến đầu tháng 6 năm 1908 đã có khoảng 200 du học sinh (trong đó có khoảng 100 người Nam kỳ, hơn 50 người Trung kỳ và hơn 40 người Bắc kỳ). Đa số du học sinh là con cháu các sĩ phu. Có 3 thiếu nhi dưới 10 tuổi người Nam kỳ tên là Trần Văn An, Trần Văn Thư và Trần Vỹ Hùng. Cuộc vận động Duy Tân, phong trào Đông Du lan rộng khắp nước và để đáp lời kêu gọi của phong trào, ở vùng Bình Thủy – Cần Thơ có một ngôi chùa được dựng lên: Minh Sư thảo phật đường mà người dân thường gọi nôm na là chùa Nam Nhã. Người sáng lập ngôi chùa nổi danh này là nhà sư Nguyễn Giác Nguyên, học trò của cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Sư Nguyễn Giác Nguyên đã tích cực hoạt động ủng hộ Phan Bội Châu và minh chủ Cường Để.
Lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Cần Thơ là sư Nguyễn Giác Nguyên, Nguyễn Doãn Cung và về sau có thêm Bùi Hữu Sanh (con trai cụ Bùi Hữu Nghĩa).
Về bí mật, hoạt động chủ yếu của phong trào là truyền bá những sách báo vận động công cuộc duy tân nước nhà theo khuynh hướng dân chủ tư sản, đưa du học sinh sang Trung Quốc và Nhật Bản như trường hợp của hai ông Phan Văn Của (Cần Thơ) và Trần Công Huân (Cái Bè) sang Nhật được vào yết kiến Cường Để, nhưng một tên mật thám do Pháp bố trí đã theo sát bên cạnh như người bạn đồng chí từ lúc ra đi, cùng rời Sài Gòn ngày 11/08/1908; cùng trở về nước rồi hẹn nhau tại Mỹ Tho, bị bắt ngày 27/08/1908(4).
Về hoạt động công khai, các chiến sĩ duy tân Cần Thơ bỏ tiền đầu tư, thành lập những nhà máy xay lúa, mở khách sạn, tiệm ăn, cửa hàng buôn bán và thậm chí tổ chức làm ruộng. Một số những thu nhập của các hoạt động này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động cách mạng, đặc biệt là phong trào Đông Du. Những cố gắng của phong trào mà thực dân Pháp gọi là chủ nghĩa kinh tế quốc gia (nationalisme économique) đã lên đến cao điểm trong chiến dịch tẩy chay các cơ sở của người Hoa vào năm 1919. Bên cạnh đó, họ viết những lời kêu gọi trên tờ báo gần như là cơ quan chính thức của phong trào lúc bấy giờ là tờ Nông Cổ Mín Đàm hoặc Lục Tỉnh Tân Văn để ngấm ngầm truyền bá những tư tưởng cách mạng.
Trên báo Lục Tỉnh Tân Văn, các chiến sĩ duy tân kêu gọi mọi người chấn hưng kinh tế, mở mang trường học, chống lối học từ chương… Sau khi đả phá một số người không lo việc sửa đổi trong nước mà chỉ lo tố cáo hại nhau, cụ thể là có người tố cáo với Pháp một số hoạt động của chùa Nam Nhã, một chiến sĩ duy tân của Cần Thơ kêu gọi “… nay tôi thấy việc rõ ràng như vậy nên lật đật tạm ít hàng xin ông ấn hành vào nhựt báo cho khách quan nhàn lãm, vả chăng việc văn minh gần trỗ, chỗ này lo dựng ngôi hàng này, chỗ kia lo lập công ty là hùn hiệp buôn bán đặng có lo mà tranh quyền lợi, kẻo trầm trề, thì ngoại quốc choán hết nghề nghiệp làm ăn, chừng đó ăn năn thì ô hô chi tai!... Vậy cúi lạy trong lục châu chư quân tử hãy ráng kêu nhau lo hùn hiệp buôn bán, để Chệc với Chà dành hết thì con cháu ắt ngày sau không có phương thế gì mà làm ăn cho nông nổi”(5).
Các nhân sĩ yêu nước lúc bấy giờ lập Hội khuyến học Cần Thơ (Société d’Enseignement Mutuel des Annamites de Cần Thơ) vào ngày 23/03/1906. Trên điều lệ mục đích của hội là giúp hội viên học hỏi trau dồi kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa của nước Pháp bằng mọi phương tiện. Hội trưởng là ông Võ Văn Thơm, hai phó hội trưởng là Hồ Hưng Nhường và Nguyễn Háo Văn. Vì không tán thành cách hoạt động của Hội khuyến học Sài Gòn cho nên Hội khuyến học Cần Thơ không tán thành việc gia nhập Hội khuyến học Sài Gòn. Ông Nguyễn Háo Văn là chiến sĩ đắc lực của phong trào Duy Tân. Về sau, khi vụ án G. Chiếu xảy ra(6), ông bị cách chức vào ngày 19/04/1909.
Trong bài diễn văn đọc tại kỳ đại hội của Hội khuyến học Cần Thơ ngày 10/01/1908, ông hội trưởng Võ Văn Thơm công khai đề cao tinh thần dân tộc, cổ xúy người Việt Nam nên hăng hái, bớt lười biếng, đứng lên tranh thương với Hoa Kiều và Ấn Kiều. Điều này đã cho thấy lời lẽ trong bài diễn văn này chẳng dính líu gì với mục đích của hội là “phổ biến văn hóa Pháp” cả.
Trong báo cáo năm 1908-1909 của L. de Natra, chủ tỉnh Cần Thơ đã nhận định: “vụ án G. Chiếu và đồng bọn không gây phản ứng gì rõ rệt đối với nhân tâm trong tỉnh. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận rằng một số đông kẻ liên can trong vụ án đều quê quán ở Cần Thơ…”(7).
Báo cáo năm 1910-1911 : “Không có cuộc biến loạn, không có sự bộc lộ cụ thể nào xảy ra. Tuy nhiên, dưới bề ngoài yên ổn này, ta nhận ra một cách dễ dàng là còn một phần của dân chúng – may thay số người này không đông đảo cho lắm – họ có thái độ đối lập và thái độ chỉ trích không nhân nhượng, tận gốc, đối với tất cả những gì của chính quyền, những gì xuất phát từ phía người Pháp”(8).
Cụ Phan Bội Châu và Cường Để đã có lần ghé qua chùa Nam Nhã, sư Giác Nguyên là người tích cực ủng hộ hai ông nên được phong phẩm tước. Kỳ ngoại hầu Cường Để đã phong phẩm tước “tùy theo khả năng tài chính và thị hiếu của mỗi người”(9).
1.      Lưu Đình Ngoạn, ở Vĩnh Long chức Thủ hiến.
2.      Trương Minh Tánh, chức tỉnh trưởng Biên Hòa.
3.      Huỳnh Thanh Trước, chức tỉnh trưởng Gia Định.
4.      Nguyễn Niên Kiều, chức tỉnh trưởng Trà Vinh.
5.      Nguyễn Tử Cang, chức tỉnh trưởng Mỹ Tho.
6.      Nguyễn Ba Đạc, chức tỉnh trưởng Rạch Giá.
7.      Xã Trinh [Nguyễn Nguơn Hanh – TG chú thích], chức tỉnh trưởng Vĩnh Long.
8.      Sư cụ Nguyễn Giác Nguyên, chức tỉnh trưởng Cần Thơ.
Các hoạt động duy tân của chùa Nam Nhã không qua mắt được thực dân Pháp. Báo Lục Tỉnh Tân Văn có đưa tin : lúc 7 giờ sáng ngày 12 tháng 9 âm lịch (ngày 6/10/1908), tên chủ tỉnh Cần Thơ sai Đốc phủ sứ và cảnh sát đến khám chùa và bắt sư Giác Nguyên về Cần Thơ, nhưng sau đó không có tang chứng nên chúng thả sư Giác Nguyên ra về(10).
Ngày 10/06/1907, tại Paris, hai chính phủ Pháp – Nhật đã ký Điều ước và tuyên bố chung (Arrangement et Déclaration) về vấn đề kiều dân Nhật sống ở Đông Dương và những người Đông Dương “thần dân Pháp và được Pháp bảo hộ” (Sujets et protégés) sống trên đất Nhật.
Tháng 9 năm 1908, do sự cấu kết Nhật – Pháp, Nhật ra lệnh trục xuất du học sinh và tháng 2 năm 1909, cụ Phan Bội Châu và Cường Để bị trục xuất về nước. Phong trào Đông Du tan rã và Duy Tân hội chỉ còn là cái tên.
Năm 1913, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa chùa Nam Nhã, phong trào Duy Tân tại Cần Thơ xem như chấm dứt.
Phong trào Đông Du tan rã do sự cấu kết của chính phủ Nhật và chính quyền thực dân Đông Dương. Xu hướng thân Nhật ở Việt Nam bị giáng một đòn nặng nề. Thất bại của phong trào Đông Du đem lại cho người dân yêu nước Việt Nam một bài học quý báu : đã là đế quốc thì dù cho da vàng hay da trắng, đồng văn đồng chủng hay không, cũng là phường cướp nước như nhau mà thôi(11).
Về mặt hạn chế của phong trào, như tác giả Trần Văn Giàu đã đánh giá: điều kiện giai cấp của các người lãnh đạo đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự lớn mạnh của phong trào. Nó đã ngăn không cho Phan Bội Châu và các đồng chí của ông thấy rõ động lực chính của cách mạng là quần chúng nông dân lao động, mà chỉ đóng khung trong phạm vi chật hẹp một số tầng lớp bên trên. Phong trào vì vậy thiếu cơ sở sâu rộng trong nhân dân, và tan rã nhanh chóng trước sự khủng bố của quân thù(12).
 2. Vài nhận xét về con đường cứu nước của Phan Bội Châu
100 năm nhìn lại sự thất bại của Duy Tân hội và phong trào Đông Du, chúng ta thấy rằng mặc dù nó không mở ra triển vọng cứu nước cứu dân thoát khỏi cơn bế tắc lãnh đạo lúc bấy giờ nhưng Phan Bội Châu không chỉ là linh hồn của phong trào cách mạng đầu thế kỷ XX mà còn là nhà văn hóa lớn. Ít ai có thể viết nhiều sách đủ thể loại và nhiều giá trị như ông ở thời điểm đó: Việt Nam vong quốc sử, Tự phán (tức Phan Bội Châu niên biểu), Xã hội chủ nghĩa, Khổng học đăng, Phạm Hồng Thái truyện… và nhiều tác phẩm về văn, thơ đủ thể loại, viết chủ yếu bằng chữ Hán.
Nhưng quan trọng hơn, trong con đường cứu nước của mình, chúng ta thấy ở Phan Bội Châu để lại cho thời sau 2 nội dung quan trọng :
Một là, việc thành lập Hội Duy Tân, nếu như ban đầu (cuối tháng 5 năm 1904) chỉ là “cốt sao khôi phục được Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có chủ trương gì khác cả”(13) tức chỉ là một nhóm có tính chất cá nhân, thì đến đầu năm 1906 khi Duy Tân hội có cương lĩnh hẳn hoi “Khôi phục nước Việt Nam, lập thành nước quân chủ lập chiến”(14) và cho đến tháng 2 năm 1912 với việc ra đời của Việt Nam Quang phục hội : “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”(15) đã cho chúng ta thấy rằng tổ chức của cụ Phan đã tiến tới gần một chính đảng thực sự. Đó là lý luận và thực tế của việc lập ra một đảng cách mạng hiện đại, cương lĩnh về một nước Việt Nam độc lập, ban đầu theo chế độ quân chủ, sau chuyển sang thành dân chủ dân tộc. Đây là một nội dung mới so với phong trào Cần Vương, so với hoạt động của Hoàng Hoa Thám hay các tổ chức hội kín ở Nam kỳ lúc bấy giờ.
Hai là, với phong trào Đông Du, đây là một mốc quan trọng trong quá trình cứu nước của cụ Phan. Có thể nói rằng Phan Bội Châu là người đầu tiên biết nhìn ra biển tức là không bị bó hẹp như các thế hệ trước đó mà đã phóng tầm nhìn ra ngoài và trước cả người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng tháng 6 năm 1911.
Sự thất bại của cụ Phan và sự thất bại của các phong trào do Cụ khởi xướng do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn hết là có nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Nhưng sự nghiệp mà ông để lại như hàng lớp con người yêu nước, các cơ sở cách mạng ở Hàng Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Thái Lan… là những nền tảng cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng nó lên tầm cao mới vào những năm 20 của thế kỷ XX.
Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin trích lại đoạn đánh giá của Nguyễn Ái Quốc đối với cụ Phan trong bài viết : “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” như sau : “Giữa kẻ phản bội nhục nhã [Varen – Toàn quyền Đông dương – TG chú thích] và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng…(16).

Chú thích:
 (1)     Trần Dân Tiên, Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, dẫn theo Giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, trang 23.
(2)     Giáo trình lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam, Sđd, trang 23.
(3)     Phan Bội Châu niên biểu. Dẫn theo Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918). NXB Giáo dục, 1999, trang 285.
(4)     Bao la Cư sĩ, Văn hóa nguyệt san, số 52, trang 598.
(5)     La Văn Đó, Lục Tỉnh Tân Văn, số 49, trang 6-7.
(6)     Xem Sơn Nam, Thiên địa hội và cuộc Minh Tân, NXB Phù Sa, Sài gòn 1971.
(7) (8)         Xem Sơn Nam, lịch sử Khẩu hoang miền Nam, NXB Trẻ, TP.HCM,  năm 1997.
(9)     Bao la Cư sĩ, Văn hóa nguyệt san, số 52, trang 700.
(10)   La Văn Đó, Lục Tỉnh Tân Văn, số 49, trang 6-7.
(11)   Xem Shiraishi Masaya, Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và Châu Á, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2000.
(12)   Xem Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, NXB KHXH, Hà Nội, 1973.
(13)   Phan Bội Châu niên biểu, Sđd.
(14)(15)      Dương Kinh Quốc, Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), Sđd, trang 334.
(16)   Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 2 (1924-1930), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

TÓM TẮT
Sự thất bại của cụ Phan và sự thất bại của các phong trào do Cụ khởi xướng do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng hơn hết là có nhiều yếu tố lịch sử và thời đại đã vượt qua tầm nhìn của ông. Nhưng sự nghiệp mà ông để lại như hàng lớp con người yêu nước, các cơ sở cách mạng ở Hàng Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Thái Lan… là những nền tảng cơ bản để Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và nâng nó lên tầm cao mới vào những năm 20 của thế kỷ XX.

SUMMARY
The failure of Mr. Phan and of the movements which he initiated was due to many reasons, the most important being the history and era element that went beyond his perspective. However, he has left behind a legacy of numerous patriots and revolutionary bases at Hangzhou, Guangtung, GuangXi, Thailand,… which served the basic foundation for Mr. Nguyen Ai Quoc to acquire and raise to a higher level during 1920s of the 20th century.
  
([1][1][*]) Phòng Công tác Chính trị & Sinh viên, Đại học Mở Bán công TP.HCM