24 tháng 6, 2012

TỪ SỰ HỦY DIỆT CỦA VĂN MINH ÓC EO NHÌN VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

                                                                                     Hà Văn Thùy
Bước sang thế kỷ XXI, loài người đối mặt với nhiều hiểm họa sinh thái, trong đó đáng lo ngại nhất là sự nóng lên của Trái đất sẽ gây ra nạn đại hồng thuỷ nhấn chìm nhiều khu vực trên hành tinh. Theo dự báo ít bi quan nhất vào năm 1990 của Uy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thì đến năm 2100, ít nhất mực nước biển tăng 15cm, trung bình lớn hơn 50 cm và cao nhất là 95 cm. Tuy nhiên, con số đưa ra của Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ (NAS) và Cục bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) thì đến cuối thế kỷ này, mực nước biển tăng thấp nhất là 56 cm và cao nhất sẽ là 245 cm. Nếu chỉ căn cứ vào dự báo có phần lạc quan của IPCC, đến cuối thế kỷ sẽ có từ 2 đến 2,5 triệu hecta đất của đồng bằng sông Cửu Long và từ 1 đến 1,5 triệu hecta đất của đồng bằng sông Hồng ngập chìm trong nước biển!
Nỗi lo này có cơ sơ nếu ta nhìn lại những trận hồng thuỷ đã diễn ra trong quá khứ.
Nhà địa chất học người Pháp H. Fontaine cho thấy bức tranh khái quát của việc biến đổi mực nước biển như sau:
          Cuối Đại Pleixtoxen đầu Holoxen có một đợt hải thoái, mực nước biển hạ thấp khoảng 100 - 120 m so với ngày nay, khiến cho Biển Đông chỉ còn là một vũng nhỏ. Tiếp đó là thời kỳ băng hà Wum cách nay 60.000 đến 11.000 năm. Sau giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 750 năm (từ 11.000 đến 10.250 năm trước) là thời kỳ băng tan và nước biển bắt đầu dâng. Sau đó vào năm 4850 trước Công nguyên, nước biển dâng lên bằng mực nước ngày nay. Sau thời kỳ này là 4 đợt hải xâm và 3 đợt hải thoái xen kẽ nhau:
  - Hải xâm Holoxen I  từ 4850 đến 1650 trước công nguyên, kéo dài 3.200 năm với 3 giai đoạn đỉnh cao 4 m (năm 3900), 3 m (năm 2.950), 2 m (năm 2.350).
  - Hải thoái Holoxen 1  từ 1.650 năm đến 1.150 năm trước Công nguyên, thời gian 500 năm với mức hạ thấp nhất - 0,8 m xảy ra vào năm 1400 trước Công nguyên.
  - Hải xâm Holoxen II  từ 1.150 đến 850 trước Công nguyên, thời gian 300 năm, đỉnh cao nhất xảy ra vào năm 950 trước Công nguyên.
  - Hải thoái Holoxen 2 từ năm 850 đến năm 200 trước Công nguyên, thời gian 650 năm, với cực tiểu 1 m xảy ra vào năm 550.
  -   Hải xâm Holoxen III từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên, kéo dài  150 năm, mức cao nhất khoảng 0,4 m vào năm 50.
  -  Hải thoái Holoxen 3 từ năm 50 trước đến năm 550 sau Công nguyên, kéo dài  500 năm với mực nước thấp nhất - 0,5 m vào năm 200.
  -  Hải xâm Holoxen IV từ năm 350 đến năm 1.150, kéo dài 800 năm với mức cao trung bình 0,8 m vào năm 650.
  -  Từ năm 1.150 đến 1950 nước biển dao động 1 m, xem như ổn định hơn các thời kỳ trước.
          Điều đáng chú ý là khi so sánh những vết tích hải xâm hải thoái ở Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy sự tương đồng với những dấu tích hải xâm hải thoái ở bờ bên kia của Thái Bình Dương, trên đất Mỹ: Hải thoái Oc Eo cách nay 1750 năm tương đương Hải thoái Florida - 3 m cách nay 2000 năm; Hải thoái Rạch Giá cách nay 3350 năm tương đương Hải thoái Crane Key - 2 m cách nay 3300 năm.
          Trong những đợt hải xâm hải thoái trên, đáng chú ý là Hải xâm Holoxen IV. Sau khi hiệu chỉnh niên hạn theo phương pháp C14, các đặc tính của lần hải xâm này như sau:
  - Thời hạn 800 năm, từ năm 350 đến năm 1.150, đỉnh cao vào năm 650.
  -   Mực nước cao nhất từ 0,5 đến 1 m trong 30 năm, từ năm 635 đến năm 665.
Giai đoạn lên từ năm 350 đến 650. Giai đoạn xuống từ năm 650 đến năm 1.150.
          Ngoài việc chứng minh Hải thoái giữa Đại Trung sinh và Tân sinh, Biển Đông khô cạn tạo điều kiện cho động vật từ châu Á tràn sang châu Đại Dương khiến cho hệ động vật gần nhau giữa hai châu lục, chúng ta chưa biết nhiều về ảnh hưởng của các đợt hải xâm hải thoái trong lịch sử. Tuy vậy, ở nước ta có một vùng đất chịu tác động trực tiếp của Hải xâm Holoxen IV, đó là đồng bằng sông Cửu Long.
          Hải xâm Holoxen III diễn ra từ năm 200 đến năm 50 trước Công nguyên với mức nước 0,4 m đã ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa sông Đồng Nai ra đồng bằng nên phần lớn miền Tây Nam Bộ không có người sinh sống. Chỉ đến đầu Công nguyên, khi nước rút xuống thì những người Malayopolynesia mới từ các đảo ngoài biển tràn vào, tạo dựng văn minh Oc Eo. Nhưng từ năm 350 nước bắt đầu dâng lên từ từ. Thời gian đó, người Oc Eo sống chung với lũ bằng cách dựng nhà sàn và phát triển giao thông đường thủy. Nhưng đến năm 650, nước lũ lên quá cao, đến 1 m khiến người Oc Eo không thể bám trụ lại được nữa, một phần lên thuyền dông ra biển trở lại những hòn đảo tổ tiên họ đã ra đi, một bộ phận tiếp giáp Đông Nam Bộ thì lên vùng đất cao, thành một số tộc người Nam Trường Sơn hiện nay. Người Oc Eo không phải người bản địa mà là người di tản từ nơi khác đến, mang theo nền văn minh vốn có của họ. Chỉ trong vòng 600 năm tồn tại, người Oc Eo đã kiến tạo đồng bằng sông Cửu Long thành một địa bàn văn hóa phát triển rực rỡ. Nhưng sau đó một cách đột ngột, nền văn hoá này bị tiêu diệt.
          Có nhiều cách giải thích sự biến mất của cư dân Oc Eo vào thế kỷ VI. Một cách lý giải được nhiều học giả trước đây thừa nhận: đó là một cuộc chiến của người Chân Lạp từ phía tây tràn xuống cướp bóc và tiêu diệt cư dân Oc Eo. Nhưng cách lý giải này chưa đủ thuyết phục bởi lẽ những bằng chứng khảo cổ cho thấy không có vết tích của những đổ vỡ do cướp phá, tại thủ phủ Oc Eo những vật quý hầu như còn nguyên vẹn cho đến khi L. Malerete phát hiện. Một cuộc xâm lăng trên quy mô lớn nếu không chiếm đất cướp của thì với mục đích gì? Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất cho thấy cuộc xâm lăng chưa từng xảy ra là: vào thời điểm giữa thế kỷ VII, nước biển đã dâng cao trên phần lớn đồng bằng thời gian dài 30 năm khiến không ai sống nổi.
          Sau năm 665 nước biển bắt đầu rút. Nhưng phải 500 năm sau, cho đến năm 1.150 nước biển mới trở lại ổn định ở mức bình thường. Như vậy có thể suy ra: cho tới giữa thế kỷ XII, đồng bằng Nam Bộ chưa có người sinh sống. Điều này phù hợp với thư tịch cổ. Trong Chân Lạp phong thổ ký , ông Châu Đạt Quan sứ thần nhà Nguyên đến Chân Lạp qua đường sông Tiền năm 1296 mô tả: "Hầu hết cả vùng đều là rừng sác rậm rạp, những vàm rộng của con sông lớn chạy dài hàng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chỗ trú ẩn sum suê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi... Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy rẫy. Hàng trăm hàng ngàn trâu rừng họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường dốc đầy tre gai chạy dài hàng trăm lý..." Như vậy, nhìn vào lịch sử, đồng bằng sông Cửu Long do đất mới bồi và thấp đã bị nạn hồng thủy xóa đi sự sống của con người trong vòng sáu, bảy trăm năm. Từ năm 1150 nước rút trở lại mức độ bình thường cho đến năm 1950. Nhưng từ 1950 hình như đã bắt đầu một chu trình hải xâm mới! Mực nước đo được ở Hòn Dáu Hải Phòng trong 30 năm qua đã tăng lên hơn 30 cm.
          Cả bằng chứng lịch sử cả bằng chứng địa chất cho thấy: hải xâm Hôlôxen IV đã dìm đồng bằng sông Cửu Long hàng trâm năm trong nước biển và xoá đi nền văn minh Oc Eo.
          Một câu hỏi tất yếu phải được đặt ra: điều gì đang chờ đồng bằng sông Cửu Long trong thế kỷ này? Hay nói cách khác: người đồng bằng sông Cửu Long học được gì từ sự huỷ diệt của người Oc Eo ?
          Từ kinh nghiệm lịch sử và từ những công trình nghiên cứu khoa học, chúng ta khẳng định một điều là: trận hồng thủy mới đang tới gần. Trong khoảng 50 đến 100 năm nữa, phần lớn đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng bị nước nhấn chìm. Điều gì sẽ xảy ra lúc đó? Phải nói rằng chưa ai trong chúng ta hình dung ra một kịch bản như vậy và trong chúng ta cũng không mấy ai nghĩ đến một điều khủng khiếp như thế sẽ xảy ra! Dù chúng ta có nhắm mắt lại thì thảm họa sinh thái đó vẫn đến. Dù vô tình dù chẳng vô tình, thiên nhiên vẫn vận hành theo quy luật của nó!
Có một điều mà chúng ta Homo Sapiens - loài người thông minh - phải nghĩ sao và hành động sao trước tai hoạ này?
          Có một điều không khỏi bức xúc là dù hơn chục năm trước, các nhà khoa học thế giới cảnh báo nguy cơ này và trong thời gian đó, nhiều nhà khoa học trong nước cũng dóng chuông báo động nhưng đáng ngạc nhiên là trên phương diện quản lý vĩ mô, chưa hề thấy Nhà nước phản ứng gì trước những tiếng chuông báo động đó!
          Có thể nói rằng những việc chúng ta đang làm cho đồng bằng sông Cửu Long như kênh tưới kênh tiêu, xây dựng những điểm dân cư thoát lũ... chỉ là những giải pháp tình thế mà chưa căn cơ chưa mang tính chiến lược lâu dài. Chương trình Ngọt hoá bán đảo Cà Mau được triển khai rầm rộ nhưng không hiệu quả, 1500 tỷ đồng hoá thành nước lã trôi ra biển! Chương trình ngăn mặn cửa sông Ba Lai bộc lộ những mặt tiêu cực: thông nước cho nơi này nhưng lại gây ngập úng tù đọng ở nơi khác và môi sinh của vùng nước lợ bị hủy hoại gây hậu quả không lường! Mặc dù tốn rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng chúng ta chưa nghĩ tới một điều là: tất cả những công trình đó sẽ vô nghĩa một khi nước biển dâng lên, chỉ cần 50 cm!
          Một nghìn năm trăm năm trước, đối mặt với đại hồng thuỷ, khoảng một triệu người Oc Eo làm một cuộc di tản lớn ra các đảo ngoài khơi! Điều này buộc ta phải nghĩ : tới giữa thế kỷ này, khoảng 10 triệu dân đồng bằng sông Cửu Long sẽ đi đâu để tránh nước dâng ? Một câu hỏi không dể trả lời nhưng cũng không thể không trả lời. Càng không thể nói quên đi !
          Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta nghiêm túc ngồi lại bàn chuyện này như một chương trình cấp quốc gia. Tương lai học là môn học cực khó nhưng những bài học từ nó giúp chúng ta ít ra là một cái hướng để đi tới. Cái định hướng ấy trước hết khẳng định một điều đau đớn là: một bộ phận đồng bằng sẽ bị chìm trong nước. Nhưng không chỉ thế mà phải chỉ ra trên một bản đồ dự báo: vùng nào ngập trước vùng nào ngập sau, diện tích bao nhiêu, số dân bao nhiêu?… Một khi biết những vùng nào chẳng bao lâu sẽ trả về cho nước, chúng ta sẽ biết cách đầu tư sao cho hiệu quả, tránh xây dựng những công trình kiên cố vững bền quá mức cần thiết và cũng lo cả phương án chủ động di tản hàng triệu người.
          Mối lo khác:  khi 4 triệu hecta đất nông nghiệp ở hai vùng châu thổ mất đi, có nghĩa là hai bồ lúa hai đầu đòn gánh xẹp đi, lấy gì để nuôi hơn một trăm triệu người lúc đó? Những câu hỏi như vậy quả không dễ trả lời. Nhưng nó cho ta gợi ý. Tôi nhìn về cứu cánh là miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Người Oc Eo ra biển nhưng người của đồng bằng sông Cửu Long sẽ lên miền Đông, lên Tây Nguyên. Nới đấy trong tương lai không chỉ là chốn dung thân của hàng triệu người mà còn là nơi làm ra luơng thực nuôi sống phần lớn dân cư. Từ cách nhìn đó, ta càng thấy vai trò vô cùng to lớn của miền Đông và tây Nguyên trong tương lai. Và để tạo chỗ dung thân của hàng triệu người Nam Bộ, chúng ta phải có phương cách đối xử  trân trọng, thông minh với Tây Nguyên mà công việc thiết yếu đầu tiên là phải trồng lại rừng đảm bảo độ phì nhiêu của đất, nguồn nước cho sinh hoạt cùng kinh tế. Khi phần lớn đất làm lúa nước không còn, những giống cây chịu hạn sẽ là nguồn cung cấp lương thực quan trọng. Lúc đó giống cây trồng rồi tập quán canh tác cũng khác. Khoa học nông nghiệp sẽ đáp ứng thế nào cho một tương lai như vậy?
          Nói những điều trên vào lúc này không khỏi có người cho là lo bò trắng răng. Nhưng nhân vô viễn lự họa đáo cận thân! Họa sẽ đến gần nếu không biết lo xa.

 Tân Bình 4/2003