2 tháng 1, 2012

ĐIỆN KÍNH THIÊN

                                                         Nguyễn Thị Chân Quỳnh

I: Nhà Lý: Điện Càn Nguyên - Điện Thiên An
1010 - Năm Canh Tuất tháng 7, Lý Thái Tổ đóng đô ở Thăng Long, dựng điện Càn Nguyên trên núi Nùng cũng gọi là núi Long Đỗ (1), làm nơi coi chầu, phía trước là Long Trì (thềm rồng) cao 9 bậc, tả hữu có hai con rồng dài trên một trượng. Bên tả điện Càn Nguyên là điện Tập Hiền, bên hữu là điện Giảng Võ, mở cửa Phi Long thông sang cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phụng thông sang cung Uy Viễn, chính hướng Nam là điện Cao minh, đều gọi là "Thềm rồng". Bên trong Thềm Rồng có mái cong, hang hiên bao quanh bốn mặt.
Sửa điện Càn Nguyên, dựng hai điện Long An, Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi của vua. Bên tả làm điện Phật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh , đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung tần.
Dựng kho tàng, đắp thành, đào hào. Bốn mặt thành mở bốn cửa : phía Đông là cửa Tường Phù, phía Tây là cửa Quảng Phúc, phía Nam là cửa Đại Hưng, phía Bắc là cửa Diệu Đức (2).
Cung Long Đức của Thái tử dựng ở ngòai cửa Đại Hưng.
1020 - Năm Canh Thân, điện bên Đông bị sét đánh, vua coi chầu ở điện bên Tây. Dựng ba điện : điện đằng trước để coi chầu, hai điện đằng sau để nghe chính sự (3).
1027 - Điện Càn Nguyên bị sét đánh phải phá bỏ (4).
1028 - Năm Mậu Thìn, Lý Thái Tổ băng ở điện Long An, bầy tôi đến điện Long Đức xin Thái Tử vâng chiếu mệnh lên ngôi. Nghe tin, Đông Chính Vương đem quân phục sẵn ở Long thành, các Dực Thánh Vương, Vũ Đức Vương đem quân phục ở ngòai cửa Quảng Phúc đợi Thái Tử đến thì đánh úp. Thái tử đi từ cửa Tường Phù vào đến điện Càn Nguyên biết có biến, sai họan quan đóng hết các cửa điện và sai trong cung phòng giữ. Lê Phụng Hiểu đến cửa Quảng Phúc giết Vũ Đức Vương, hai vương kia chạy thóat. Hiểu đến điện Càn Nguyên báo cho Thái tử biết (5).
1029 - Năm Kỷ Tỵ, tháng 6, Rồng hiện ở điện Càn Nguyên. Vua Lý Thái Tông phán : "Trẫm phá điện Càn Nguyên, san phẳng rồi mà rồng thềm còn hiện hay là chỗ ấy là đất tốt, đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?". Sai quan nhắm lại phương hướng, theo quy mô rộng rãi hơn xây lại mà đổi tên là điện Thiên An. Bên tả là điện Tuyên Đức, bên hữu là điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là Long Trì (Thềm rồng). Bên Đông Long trì đật điện Văn Minh, bên Tây là điện Giảng vũ. Hai bên tả hữu Long trì đặt lầu chuông đối nhau để nhân dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông. Bốn chung quanh Long trì đều có hành lang giải vũ để các quan hội họp và 6 quân Túc vệ (Cấm quân). Phía trước làm điện Phụng Thiên, trên điện dựng Lâu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc. Phía sau dựng điện Trường Xuân, trên điện dựng Các Long Đỗ làm nơi nghỉ ngơi nhìn ngắm. Bên ngòai đắp một lần tường thành bao quanh gọi là Long thành (6).
Thế kỷ 12, bốn bề sân rồng có hành lang, nhà Giải vũ, và lầu gác. Sân rồng chính điện là nơi vua thiết triều, đôi khi thiết tiệc trong dịp lễ long trọng, hoặc lễ tuyên thệ cho các quan, tổ chức Hội Phật, đấu hổ, đấu voi, chọi gà, đá cầu.
Cuối thế kỷ 12, sử gia Trung quốc Mã Doãn Luân viết trong Văn Hiến Thông Khảo : "Vua nhà Lý ở trong một tòa cung điện nguy nga, cao bốn từng, sơn đỏ, cột chạm rồng phượng, thần tiên, cực kỳ tráng lệ" (7).
1203 - Năm Qúy Hợi, gác Kính Thiên sắp xong, có chim khách đến làm tổ, sinh con trên gác ấy. Các quan can rằng : "Ngày xưa Ngụy Minh Đế làm gác Lăng Tiêu có chim khách làm tổ. Cao Đường Long can : "Thần từng nghe câu 'Chim khách có tổ, chim cưu đến ở '. Nay chim khách tới làm tổ nơi cung khuyết, theo ngu kiến của thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người khác đến ở". Xin Bệ hạ xét lời Cao Đường Long, trước hết hãy sửa đức, sau sẽ hưng công mới là phải". Vua Cao Tông nghe lời họan quan Phạm Bỉnh Di giục làm càng gấp, nhân dân rất khổ (8). 
 II: Nhà Trần: Điện Thiên An:
 1230 - Năm Canh Dần, tháng ba, trong thành Thăng Long dựng cung điện, lâu các. Phía Đông và Tây làm hành lang giải vũ, bên tả là cung Thánh Từ (chỗ ở của Thượng hòang), bên hữu đặt cung Quan triều (nơi vua ở) (9).
1288 - Năm Mậu Tý Trong 30 năm kháng chiến chống quân Nguyên, cung điện bị tàn phá, sau chiến thắng vua phải ở hành lang Thị vệ.
1256 - Năm Bính Thìn, tháng 5, sét đánh điện Thiên An và cung Thái Thanh.
III: Nhà Lê: Điện Kính thiên
 1428 - Năm Mậu Thân, Lê Lợi cho xây điện Kính Thiên ở chính giữa Hòang thành (Hòang thành đời Lê rộng gấp hai đời Lý, Trần), trên nền cũ chính điện thời Lý, trên đỉnh núi Nùng (theo Cố Lê Dã Lục ), để làm chỗ bàn việc nước.
Tháng tư, ngày rầm, vua Lê Thái Tổ lên ngôi ở điện Kính Thiên.
Tháng 12, sửa điện Kính Thiên, bên phải là điện Chí Kinh, bên trái là điện Vạn Thọ, trước mặt là điện Thị Triều, nơi thiết Đại triều hàng tháng. Ngòai điện Thị Triều có cửa Đoan môn (10).
1465 - Năm Ất Dậu, Lê Thánh Tông sai tu sửa điện.
1467 - Năm Đinh Hợi, làm thêm lan can đá ở thềm điện, những thành bậc hiện nay còn thuộc thềm điện làm thời ấy :bốn thành chạy dài suốt 9 cấp, chia ra 3 lối đi vào điện. Hai dẫy thành giữa chạm hình rồng bò từ trên nền điện xuống, hai thành hai bên chạm rồng, giống cách điệu rồng cuồn cuộn. Mặt ngòai chạm khắc hoa, mây, lửa (11).
1480 - Năm Canh Tý, lớp thành ngòai bao bọc tòan bộ khu Hòang thành và dân cư, lớp thành giữa bao bọc tòan bộ kiến trúc thuộc nhà vua gọi là Hòang thành, lớp trong cùng bao quanh các cung điện lầu các, nơi vua ở, làm việc, nghỉ ngơi, gọi là Cấm thành. Điện Kính Thiên ở giữa Cấm thành.
Các quan vào chầu, đến cửa Đoan môn, nếu gập ngày mưa thì tạm trú ở hai bên hành lang Đông, Tây. Cửa Đoan môn gắn liền với sân Đan Trì ở trước điện Kính Thiên, nơi dàn bầy nghi trượng và các quan đứng hầu (12). 
 IV: Nhà Mạc: Điện Kính thiên
 1527 - Năm Đinh Hợi, tháng 6, Mạc Đăng Dung xưng Đế, tiếm ngôi được ba năm, đến năm 1529 thí truyền ngôi cho con.
Tương truyền Mạc Đăng Dung cướp ngôi, theo từng bậc bước lên bệ điện Kính Thiên bị hai con rồng ở hai bên tả hữu thềm rồng cắn xé áo long cổn. Dung tức giận sai quân lấy búa bổ vào rồng nay vết sứt vẫn còn (13). 
 V: Nhà Lê Trung Hưng: Điện Kính thiên
 1647 - Năm Đinh Hợi, làm thêm lan can bằng đá ở thềm điện Kính Thiên và làm điện nhỏ ở sân Giảng Võ
1666 - Năm Bính Ngọ, Giáo sĩ Marini, người Ý, đến Kẻ Chợ, đã viết : "Mặc dù cung điện chỉ làm bằng gỗ, người ta thấy ở đấy những đồ trang trí bằng vàng, những đồ thêu, những tấm chiếu dệt rất mịn nhiều mầu sắc, cũng như bao tấm thảm đẹp. Cung vua có những cửa vòm bằng đá và những bức tường thành. Cung điện xây trên một rừng cột to lớn và chắc chắn, có cầu thang bắc lên gác. Những rui kèo ở đây đẹp hơn mọi kiến trúc khác. Các phòng ốc rộng rãi, hành lang có mái che với những sân rộng lớn, bao la" (14).
Thế kỷ 18, Lê Qúy Đôn viết trong Kiến Văn Tiểu Lục: " Điện Kính Thiên trước làm nơi vua thị triều. Từ đời Trung Hưng trở đi ở đây đặt bài vị thờ Trời Đất nên thị triều ở cửa điện Kính Thiên. Gập ngày đầu năm hay có việc cầu đảo, Hòang đế ngự ở nội điện để hành lễ. Sau khi Trung Hưng, Hòang đế lên ngôi, làm lễ kính tế Trời Đất, đặt hương án riêng ở phía Đông Đan Trì (thềm cung điện nền đỏ nên gọi là Đan Trì) điện Kính Thiên. Hòang đế đội mũ xung thiên, mặc áo bào mầu huyền, hành lễ trước hương án, trăm quan triều bái như nghi lễ tế Giao.
Lầu Kính Thiên ở phía hữu trong phủ Chúa Trịnh, hàng năm gập ngày đầu năm hay có việc cầu đảo, bái tạ, phụng ngự hành lễ (chữ "ngự" trỏ Chúa Trịnh) dâng hương, đọc chúc đều hai lạy, còn trước và sau khi đọc chúc đều lạy bốn lạy. Tất cả là mười hai lạy. Đến như ba tuần dâng rượu đều làm lễ quỳ và cúi đầu vái (15).
1785 - "Năm Ất Tỵ, niên hiêu Cảnh Hưng, vua Lê hưởng thọ 70 tuổi.Thời ấy lễ thiết triều bỏ đi đã lâu, sân chầu cũ ở núi Nùng đã bỏ. đổi làm điện Kính Thiên để thờ Trời Đất và phụ phối Đức Thái Tổ Hòang đế. Những ngày sóc vọng thiết triều tại điện Cần Chính. Trong điện này, hai nhà Tả Hữu Đãi Lậu ở sau đổ nát, sân thềm cỏ mọc um tùm, cao ngập đầu gối, phân ngựa bừa bãi" (16).
1786 - "Năm Bính Ngọ, tháng 7, Nguyễn Huệ ra Bắc. Hôm sau cùng Nguyễn Hữu Chỉnh tới điện Vạn Thọ yết kiến Lê Hiển Tông, lúc ấy đang ốm. Hòang thượng nằm trong chăn, sai vén màn lên cho Bình (Nguyễn Huệ) vào hầu trước sập ngự.
Sau đó Chỉnh bảo Huệ : "Hôm nọ ông vào ra mắt Hòang thượng ở điện Vạn Thọ chỉ là tư yết. Ông nên chọn ngày lành làm lễ triều kiến Hòang thượng để cho thiên hạ biết. Bình chọn ngày mồng 7 tháng 7 xin vào triều kiến. Đúng ngày, Hòang thượng mở Đại triều ở điện Kính Thiên, các quan theo thứ tự đứng hầu. Bình đem tướng sĩ từ cửa Đoan Môn đi vào. Sau khi làm lễ ngũ bái tam khấu (5 lạy 3 vái) Bình lấy tờ tâu nói về công diệt Trịnh, và các sổ sách dân quân xin Hòang thượng cho quân coi giữ" (17).
 VI: Nhà Nguyễn - Điện Kính thiên - Điện Long Thiên
 1802 - Năm Nhâm Tuất, Gia Long ra Thăng Long , ngự điện Kính Thiên do nhà Lê dựng, bầy tôi chầu mừng.
Nhà Nguyễn dùng điện Kính Thiên làm Hành cung, vẫn gọi theo tên cũ.
Tháng 10, Gia Long cho bang giao là việc quan trọng, hạ lệnh cho quân Bắc thành noi theo việc cũ của triều đình Lê, xây thêm điện Cần Chính ở bên trong 5 cửa trước điện Kính Thiên, ngoài cửa điện Cần Chính xây thêm một cái rạp dài, đằng trước đặt cửa Chu Tước và nhà Tiếp Sứ ở bên sông (18).
1803 - Năm Quý Hợi, tháng giêng, Gia Long thấy quy chế thành Thăng Long chật hẹp, muốn mở rộng ra, sai thành thần vẽ họa đồ dâng lên, sai các dinh quán đắp, những vật liêu cần dung thì do quan trả tiền theo giá (19).
1804 - Năm Giáp Tý, tháng giêng, làm lễ bang giao, Sáng sớm ngày Quý Mão, đặt lỗ bộ đại giá ở sân điện Kính Thiên đến cửa Chu Tước. Ngòai cửa đến bến sông Nhị thì bầy nghi vệ binh tượng. Sai thân thần Tôn Thất Chương đến Công quán Gia Quất, Đô Thống Chế Phan văn Triệu, Hộ bộ Nguyễn văn Khiêm, Tham Tri Nguyễn Đình Đức đến nhà tiếp sứ ở bên sông nghênh tiếp Sứ nhà Thanh (sang phong vương cho Gia Long).
Vua ngự ở cửa Chu Tước, Hòang thân và trăm quan theo hầu. Sứ nhà Thanh Bố Sâm vào điện Kính Thiên làm lễ tuyên phong. Chưởng Tiền quân Nguyễn văn Thành sung việc thu sắc, Chưởng Tiền Vũ quân Phạm văn Nhân sung chức thu ấn. Lễ xong mời Bố Sâm đến điện Cần Chính, thong thả mời trà rồi lui. Bèn đặt yến ở Công quán Gia Quất, tặng biếu phẩm vật. Bố Sâm nhận the, lụa, vải, sừng tê, kỳ nam còn dư đều trả lại. Lại tiến mừng phương vật. Vua sai thu nhận một vài thứ để yên lòng. Bố Sâm từ về. Vua sai Tôn Thất Chương đưa đi một trạm và quan Hậu mệnh hộ tống ra cửa ải (20).
Tháng tư, ở Bắc thành trước dùng điện Kính Thiên của nhà Lê làm Hành cung nay sai làm thêm một tòa ở sau điện để làm nơi trú chân khi vua đi tuần thú (21).
1805 - Năm Ất Sửu, Gia Long thứ tư, tháng 6, phá Hòang thành cũ, xây lại thành Thăng Long nhỏ đi rất nhiều, theo kiểu mẫu Vauban vuông vắn, mỗibề khỏang một cây số (vì không được phép xây to hơn Hòang thành nhà Nguyễn ở Huế). Tường cao một trượng 5 thước, mở 5 cửa :Đông, Tây, Bắc, Đông Nam, Tây Nam, mỗi cửa đều có dựng bia để ghi (22).
Sai quan đốc việc xây đắp trong thành. Khu trung tâm, chính giữa là điện Kính Thiên, xây hơi lệch về hướng Tây (theo phong thủy) trên núi Nùng. Cột gỗ lớn người ôm không xuể, thềm điện có 9 bâc, hai bên có rồng đá, phía sau dựng ba tòa nội điện, Hành cung với hai điện chính Tả Vu và Hữu Vu. Quanh nội điện xây tường gạch. Điện Kính Thiên và Hành cung có tường cao ngăn, có hai cổng nhỏ thông với nhau. Trước mặt điện xây một đường cổng bằng đá thẳng đến Đoan Môn, có biển bằng đá khắc hai chữ "Đoan Môn", đây là di tích từ thời nhà Lý. Có ba cửa, chính giữa dành cho vua đi, hai bên cho các quan. Ngòai cửa dựng nhà Bia ghi công trạng nhà vua, Phía sau điện là Lầu Tĩnh Bắc cũng gọi là Hậu Lâu.
Tháng 8, Gia Long đổi tên thành Thăng Long. Chữ "long" nghĩa là "rồng" đổi thành chữ "long" nghĩa là "thịnh", lấy cớ rồng tượng trưng cho vua, nay vua không ở Thăng Long thì không được dùng chữ ắy, Chữ "Hòang thành" cũng bị cấm, Thăng Long chỉ là lỵ sở của trấn Bắc thành (23).
1820 - Năm Bính Thìn, dựng các điện trong Hành cung Bắc thành. Phía trước điện Kính Thiên dựng điện Thị Triều, điện Cần Chính, đều lợp ngói. Ngòai nămcửa làm liền một dẫy hành lang dài, trước mặt là cửa Chu Tước. Cấp tiền, vật liệu làm Hành cung và nhà tiếp Sứ ở bên sông Nhị là 15 200 quan tiền. Ngòai cửa điện Thị Triều là cửa Đoan Môn,hai bên Đoan Môn có hai cửa Đông và Tây Tràng An thông ra phía Đông và Tây Hòang thành (24).
1836 - Năm Bính Thân, Minh Mệnh thứ 16, Vua cho là thành Thăng Long quá cao (so với Phú Xuân) giảm bớt 1 thước 8 tấc (25).
1841 - 1843 -Thiệu Trị đổi tên điện Kinh Thiên gọi là Long Thiên. Điện xây bệ rồng cao 9 bậc, tả hữu có hai con rồng dài trên một trượng, chế từ đời Lý (26).
1848 - Năm Mậu Thân, Tự Đức phá cung điện, cho dỡ hết cung điện, đồ chạm trổ mỹ thuật bằng gỗ đá đem vào Huế (27). 
VII: Thời thuộc Pháp
 1873 - Đại úy Francis Garnier đánh Hà Nội, chiếm đóng điện Kính Thiên.
1876 - Trương Vĩnh Ký trong Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1876) viết : "Trước hết vô Hòang thành lọt khỏi Ngọ Môn Lâu lên điện Kính Thiên. Đền ấy thềm cao lắm. Có 9 bậc đá Thanh, hai bên có hai con rồng cũng đá, lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh những là gỗ lim cả. Ngó ra đằng trước còn thấy một hai cung điện cũ cho vua Lê ở thuở xưa. Bây giờ hư tệ, còn tích lại đó mà thôi" (28).
1884 - 86 - Trong Une campagne au Tonkin (1884-86) bác sĩ Hocquard tả : " Điện Kính Thiên là một tòa nhà mà chiều ngang lại hơn chiều dài, xây trên một gò đất vuông vắn, bốn mặt có tường bao vây. Một chiếc cầu thang rộng thênh thang dẫn lên, hai bên cầu thang này có tay vịn bằng đá chạm trổ tinh xảo, uốn lượn rất đẹp. Người Nam coi nó là biểu trưng cho những đám mây. Thang này chia ra làm ba khúc ngăn cách nhau bằng hai quái vật dài ít nhất là hai thước đẽo trong một khối đá tảng mầu xám. Cái thềm này là di tích duy nhất của điện Kính Thiên.
Điện xây trên nền điện cũ thời nhà Lý, có tường gạch bao quanh, có cửa đục, cửa phía Tây đến đầu thế kỷ XX vẫn còn. Trên bức tường thấp trước điện trổ raba cửa sát liền nhau, cửa chính giữa dành cho vua đi. Các quan và những người khác đi cửa hai bên, nếu đi lầm vào cửa giữa sẽ mắc tội khi quân, bị tử hình" (29).
1886 - 87 - Điện Kính Thiên bị phá hủy. Người Pháp xây Sở Chỉ huy Pháo binh (Direction de l'Artillerie), một tòa nhà hai từng. Bức tường phía Tây khu quân sự của Pháp có hai cổng :một cổng xây gạch, đắp hoa, nóc mái chồng hai lớp là di tích chiếc cổng bên của điện Kính Thiên ; chiếc cổng thứ hai lớn, đưa đến khu Đoan Môn cũ. Ngòai cổng đặt hai khẩu súng thần công cổ bằng gang vì đây là cổng đi vào của Sở Pháo thủ.
Phía Nam là cửa Đoan môn. Cửa Đoan Môn bị sửa chữa, từng dưới ngăn thành tám phòng nhỏ, từng trên chỉ có một phòng rộng làm chỗ ở cho lính gác, bên ngòai có hai cầu thang ở hai bên.
Phía Bắc là Hành cung và Hậu Lâu, trở thành khu lính thợ của Pháo binh và đội Cơ giới (30). 
VIII: Di tích hiện còn (2010)
- Điện Kính Thiên xưa nằm trong khu Hòang thành, giữa bốn phố Hòang Diệu, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trí Phương và Điện Biên Phủ.
Phố Hòang Diệu có ba cổng vào :cổng giữa đưa tới nền điện Kính Thiên cũ;cổng bên phải có lối đi nhỏ hẹp, cửa Đoan Môn nằm bên trái lối đi ; cổng bên phải dẫn vào khu Hậu Lâu, ngòai cổng còn hai khẩu súng thần công cổ bằng gang do người Pháp đặt.
Mặt tiền Đoan Môn còn hai chữ "Đoan Môn", di tích từ thời Lý. Mặt sau, hai bên có hai cái thang lộ thiên dẫn lên một cái sân thượng khá rộng. Bên dưới là tòa nhà Pháp xây cho lính gác ở.
Từ Đoan môn đi thẳng phải qua một khu đất rộng, tới một tòa nhà lớn có lẽlà chỗ trại lính của Pháp. Lại qua một cái sân nữa mới đến Thềm Rồng có 9 bậc thang, hai bên có hai con rồng đá lớn, di tích từ thế kỷ XV. Lên hết 9 bậc thang là đến cái thềm, giống như một cái sân nhỏ rồi mới đến tòa nhà hai từng của Sở Chỉ huy Pháo thủ Pháp. Đằngsau tòa nhà này còn có mấy bậc thang đi xuống, hai bên có hai con rồng nhỏ, di tích thế kỷ XVII.
Khá xa,phía sau điện Kính Thiên, là Hậu Lâu, cũng bọ phá hủy, chỉ còn một tòa nhà nhỏ hai từng người Pháp xây cho lính thợ. Ngòai cửa có bầy mấy phiến đá xám được khai quật, đặc biệt có một cái chân cột còn rõ nét hoa văn, di tích thòi Lý.
 Chú thích:
1- Núi Nùng là một gò đất đắp từ thời Lý, cao trên 5 thước, tứ bề vuông vức Thuyết phong thủy cho rằng trong ruột núi có cái lỗ gọi là Long Đỗ, thông xuống lòng đất là nơi phát tiết ra linh khí non sông.
Long Đỗ - Theo truyền thuyết, Cao Biền đắp La thành, thấy một người trong đám mây ngũ sắc có ý muốn trấn áp. Đêm nằm mơ thấy người ấy xưng là thần Long Đỗ. Cao Biền đem búa đồng chôn để yểm, đêm sau mưa gió, sáng dậy thấy búa đồng bị đánh tan thành cát bụi. Biền sợ, lập đền thờ thần Long Đỗ.
Đại Nam Nhất Thống Chí, III, 170 -Văn Bia Hà Nội, I, 46 - Tuấn, chàng trai nước Việt, II, 236 - Địa chí Thăng Long, 44.
2- Biên niên lịch sử cổ trung đại, 88 - Sử Ký Tòan Thư, I, 191-97 - ĐN Nhất Thống Chí, III, 170
3- Sử Ký Tòan Thư, I, 191-7
4- ĐN Nhất Thống Chí, III, 170.
5- SKTT, I, 199-207.
6- SKTT, I, 199-207 - Phạm Hân, 76
7- Địa Chí Thăng Long 36-7.
8- Kinh Thi "Thiên Nam", bài "Thước sào" : "Duy thước hữu sào duy cưu cư chi". SKTT, I, 299.
9- Cương Mục, V, 9.
10- Đại Việt Thông Sử, 80 - Cương Mục, I X, 8-13 -Địa Chí Thăng Long, 44,233 -Nguyễn Thừa Hỷ, 33.
11-Địa Chí Thăng Long, 233.
12-Phạm Hân, 72-6.
13- ĐN Nhất Thống Chí, III, 170.
14- Nguyễn Thừa Hỷ, 33.
15- Kiến Văn Tiểu Lục, 59.
16- Tang Thương Ngẫu Lục, 25.
Ngày sóc = ngày đầu tháng ; ngày vọng = ngày rầm.
17- Hòang Lê Nhất Thống Chí, 97.
18- ĐN Thực Lục, III, 91.
19- ĐN Thực Lục, III, 102.
20- ĐN Thực Lục, III, 59.
21- ĐN Thực Lục, III, 180.
22- ĐN Thực Lục, III, 235.
23- Nguyễn văn Uẩn, 18-9 - Địa chí Thăng Long, 50.
24- ĐN Thực Lục, V, 127-8 - Địa chí Thăng Long, 44.
25- ĐN Nhất Thống Chí, III, 170.
26- ĐN Thực Lục, XXIII, 412 ?
27- Địa chí Thăng Long, 51.
28- Bằng Giang, 257.
29- Hocquard, 103-104.
30- Nguyễn văn Uẩn, 18-74, 389 - Địa chí Thăng Long, 58 - Masson, Hanoi pendant la Période Héroique.

Sách tham khảo: - Biên niên lịch sử cổ trung đại. Hà Nội :KHXH, Viện Sử Học, 1987.
- Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Hà Nội :Sử học, KHXH, 1962-78.
- Đại Nam Nhất Thống Chí. Hà Nội :KHXH. 1969-71. Dịch giả Phạm Trọng Điềm.
- Hocquard, Une campagne au Tonkin. Paris :Hachette, 1892 .
- Huard, Pierre & Durand Maurice, Connaissances du Viet Nam. Paris :Ecole Francaise dExtrême-Orient, 1954.
- Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, Hà Nội :Văn Sử Địa. 1957. Tổ
biện dịch :Phạm Trong Điềm, Hoa Bằng, Trần văn Giáp.
- Kiều Thu Họach và nhiều tác giả, Địa chí văn hóa dân gian, Thăng Long, Đôngđô, Hà Nội. Hà Nội :Sở Văn Hóa Thông tin, 1991.
- Lê Quý Đôn, Đại Việt Thông Sử. Dịch giả Ngô Thế Long, 1978.
"""Kiến Văn Tiểu Lục. Dịch giả Mai Ngọc Mai.
- GS Marini, Relation nouvelle et curieuse des Royaume de Tonquin et Lao.
Nguyễn Thừa Hỷ trích trong Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19. Hà Nội :Hội Sử Học Việt Nam, 1993.
- MASSON, A, Hanoi pendant la période héroique (1873-88). Pl. XII, XIV, XV. Paris :Librairie Orientaliste Paul Geuthner, 1929.
- Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Tòan Thư, 4 tập. Hà Nội :KHXH, 1967-73. Dịch giả Cao Huy Giu.
- Ngô Thì Chí, Hòang Lê Nhất Thống Chí. Dịch giả Ngô Tất Tố. Saigon :Phong trào Văn Hóa tái bản 1969 ; tái bản ở Mỹ.
- Nguyễn Quảng Tuân, "Hà Nội xưa và nay", Hồn Việt số 28, tháng 10/2009.
- Nguyễn Thừa Hỷ, Thăng Long - Hà Nội, thế kỷ 17,18,19. Hà Nội :Hội Sử Học Việt Nam, 1993.
- Nguyễn văn Uẩn, Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, tập I. Hà Nội, 1986.
- Nguyễn Vỹ, Tuấn, chàng trai nước Việt (1920-70), 2 tập. Saigon, 1969 ; Đại Nam tái bản ở Mỹ.
- Phạm Đình Hổ, Tang Thương Ngẫu Lục. Hà Nội :Văn Học, 1972. Dịch giả Đạm Nguyên. Saigon :1962 ; Đại Nam tái bản ở Mỹ.
- Phạm Hân (xin cáo lỗi cùng độc giả, bài này tôi bắt đầu tìm tài liệu từ 2003, khi còn ở Pháp, vì thế chỉ ghi vắn tắt chứ không ghi rõ tên sách và tên nhà xuất bản những cuốn sách tham khảo trong bài. Nay tôi viết tiếp thì tủ sách đã phân tán. Để có những chi tiết về tên sách hay nhà xuất bản, tôi đã phải lục lại mục "Sách tham khảo" những quyển đã xuất bản nhưng không sao tìm được tên sách đã dẫn trong bài của Phạm Hân viết về Hà Nội).
- Trương Vĩnh Ký, Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi , được trích lại trong Sương mù trên tác phẩm Trương Vĩnh Ký của Bằng Giang. Văn Học, 1994.