24 tháng 8, 2012

THUẾ BIỆT NẠP Ở ĐỊNH TƯỜNG

            Nguyễn Hữu Hiếu
Trong Đại nam thực lục tiền biên (tr.203) viết buổi quốc sơ, tuỳ theo đất mà đặt kho ( kho ở xã, thôn nào  thi lấy xã thôn đó làm tên) thu chứa tiền, thóc và sản vật để tiện cho dân nộp. Thuận Hoá gồm 7 kho, Từ Quảng Nam vào Nam gồm có 12 kho. Còn đất Gia Định rất rộng thì lập ra  9 khố trường biệt nạp, nạp riêng chở riêng (Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạnh) cho dân tuỳ tiện lập ấp vở ruộng cày cấy nộp thuế và đặt quan lại để trưng thu…
Sách Gia Định thành thông chí, mục Cương vực chí trấn Định Tường chép: “Đất Gia Định từ khi mới khai thác, dân số ở đó bị phân ra nhiều mối bởi vì đất Nông Nại quá rộng nên cần mộ dân đến ở. Trước hết là lập ra hai huyện Phước Long và Tân Bình (1698) nhưng dân ở cũng chưa hết đất”. Đất ấy lại cách Biên Hòa và Phiên An cũng hơi xa mà lại hiểm trở. Tình thế ấy chưa có thể vội vàng dùng pháp luật để ràng buộc được, cho nên phải tính toán bằng nhiều cách, bèn lập ra 9 khố trường biệt nạp là: Quy An, Quy Hóa, Cảnh Dương, Thiên Mụ, Giản Thảo, Hoàng Lạp, Tam Lạch, Bả Canh và Tân Thạnh để cho dân tùy nghi khai hoang lập ấp cho rộng ra…
Theo Phủ Biên tạp lục, chúa Nguyễn đã cho lập 9 khố trường biệt nạp: “Xứ Gia Định cho có một kho là kho Tân Định (nay còn địa danh ở Quận I – TPHCM). Chúa cho rằng đất Gia Định là vùng đất rộng nên cho lập 9 kho và đặt quan lại trưng thu. Chúa biết bọn thừa hành thường gian lận nên sai quan chia nhau đi kiểm tra và ra lịnh cho  các địa phương mỗi năm phải làm các loại sổ sách kê khai số tiền thóc và sản vật đã thu được cùng tên người biên thu để dâng lên Chúa”.
Qua cách ghi nhận của ba quyển sách cổ nói trên về khố trường biệt nạp, giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình hình khai hoang vào cuối thế kỷ xvii, sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam thành lập phủ Gia Định, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất mới. Lúc ấy không kể các cuộc di dân cơ chế, đại bộ phận lưu dân từ Thuận Quảng vào Nam muốn khẩn hoang ở chỗ nào tuỳ nghi lựa chọn không theo một quy định nào cả. Nên kết quả vùng đất khai khẩn mới được rơi vào hai trường hợp:
- Một là liền ranh, giáp giới với vùng đất khai khẩn trước, được chánh quyền chúa Nguyễn  cho phép lập thôn làng và được trực thuộc vào tổng liền kề để quản lý mọi mặt.
- Hai là vùng này ở trong tình trạng da beo, không liền ranh với vùng được khai khẩn trước, có chỗ cũng được phép  thành lập làng, nhưng phần lớn ở nới hoang vắng lẽ tẻ, chưa người quản lý, nên phải tạm thời lập thành trang, traị, man, nậu, thuộc… chưa được xếp vào tổng nào để quản lý, vì đường đi lại đến thôn khác hoặc tổng…còn nhiều trở ngại do rừng hoang, lùm bụi gai gốc, sình trấp…Vì vậy đến năm Tân dậu (1741), chúa Nguyễn Phước Khoát cho lập 9 khố trường biệt nạp ở Gia Định để quản lý việc thu thuế riêng  các vùng đất nằm trong tình trạng này.
Đồng thời ba mệnh đề này cũng đưa đến cho chúng một số vấn đề cần phải lý giải: Khố trường biệt nạp là gì; các khố trường này tọa lạc ở đâu và nó có tác dụng gì trong phát triển kinh tế-xã hội ở vào giai đoạn của thời ấy?
Trong khuôn khổ tư liệu hịên nay, chúng ta có thể hiểu:
Khố trường biệt nạp (hay trường biệt nạp) là kho thu thuế dành riêng cho những vùng mà các thôn xã mới lập chưa liền ranh, còn trong tình trạng da beo, lẻ tẻ  từng chòm, từng lõm…chưa thể họp thành đơn vị hành chánh cấp xã thôn, tổng để quản lý. Dân ở vùng đó sản xuất thứ gì (trừ lúa), thì nạp bằng hiện vật, không bắt buộc phải nạp bằng tiền. Do đó, phải có nhà kho lớn để chứa trước khi chở về huyện, trấn. Lập ra khố trường biệt nạp nhằm đáp ứng một số mục tiêu:
- Tạo điều kiện cho nông dân thuận tiện trong việc nạp thuế: không phải chuyên chở hiện vật đi xa, không phải bán để lấy tiền nạp thuế;
-  Để tránh thất thu tiền thuế và sản vật,  chúa Nguyễn cho đặt quan trưng thu ở các khố trường, để thu thuế biệt nạp ở các nơi chưa hình thành thôn xã hoàn chỉnh, còn trong tình trạng hành chánh tạm thời, gọi là trang, traị, man, nậu, thuộc…Sách Đại Nam thực lục tiền biên ghi rõ:’Bọn lại theo lối quen đã lâu, hoặc có kẻ dựa thế làm gian. Chúa biết tệ ấy, sai quan lại chia nhau đi kiểm tra, lại ra lịnh cho các địa phương hàng năm phải chiếu số mục tiền thóc và sản vật thu được và tên những người biên thu làm sổ dâng lên, phép ấy mới rõ ràng đầy đủ.”
- Qua đó tạo điều dễ dàng, khuyến khích lưu dân từ các nơi đến phá rừng vỡ hoang bất cứ nơi nào mà người dân thấy thuận tiện, phù hợp với họ…không bị ràng buộc theo một qui hoạch nào, nhằm đẩy mạnh tiến độ khai hoang.
Chín khố trường biệt nạp ở rải rác nhiều nơi trong ba trấn, Trấn Biên, Phiên Trấn và Trấn Định Tường, ngày rất khó xác minh vị trí, vì theo quy định của chúa Nguyễn lúc bấy giờ là khố trường nằm ở thôn xóm nào thì lấy tên của thôn xóm đó làm tên. Đáng lưu ý hơn nữa là tên thôn xóm thời này đều là tên tự phát do dân gian dựa vào đặc điểm của địa phương đặt ra để thoả mãn nhu cầu giao tiếp và thường là nôm na; nhưng lại bị Hán Việt hoá khi vào văn bảng. Dó đó, ngày nay rất khó đối chiếu với thực địa.
Đến năm Tân Dậu (1741), toàn phủ Gia Định chúa Nguyễn cho lập 9 khố trường biệt nạp ở rải rác nhiều nơi:
- Khố trường Hoàng Lạp: ở vùng cù lao Phố - Biên Hòa, ngày nay tại đây còn địa danh “Bến Đò Kho”.
- Khố trường Giản Thảo: còn gọi là kho Bốn Trấn, phụ trách thu thuế vùng Gia Định tức vùng Cầu Kho (thuộc TP.HCM ngày nay).
- Khố trường Thiên Mụ, Cảnh Dương và Tân Thạnh: thu thuế ở khu vực Nhà Bè, vùng Cần Giuộc.
 - Khố trường Tam Lạch: phụ trách thu thuế vùng Ba Giồng – Mỹ Tho ngày nay.
- Ba khố trường Bả Canh, Quy An, Quy Hóa: phụ trách thuế vùng chung quanh Đồng Tháp Mười. Cha của Trịnh Hoài Đức (tác gi quyển Gia Định thành thông chí) là Trịnh Khánh làm Cai Thâu ba kho.
Trong đó có ba khố trường thuộc trấn Định Tường.
- Khố trường Tam Lạch:
Theo lời linh mục Jean de Jésu thì “Tam Lạch là nơi quân Đông Sơn khởi sự xưng danh tánh”; theo đó, thì khố trường Tam Lạch phụ trách thu thuế biệt nạp ở vùng Ba Giồng tức là một phần của các huyện Châu Thành, Cai Lậy tỉnh Tiền Giang ngày nay.
- Khố trường Bả Canh:
Trên địa bàn trấn Định Tường có hai nơi mang tên Bả Canh: một ở thôn Mỹ Trà, nay thuộc thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp; hai ở thôn Vĩnh Hựu, nay huyện Gò Công Tây, Tiền Giang. Sở dĩ có tên Bả Canh ở hai nơi, là vì trong thời khai hoang (thế kỷ XVII-XVIII) lưu dân ở thôn Bả Canh, xã Đập Đá, huyện Phù Cát, trấn Bình Định vào hai nơi này sinh sống và được dân ở các khu vực lân cận gọi theo tên quê cũ, lâu ngày thành quen.
Địa bạ năm 1836 của tỉnh Định Tường cho biết: thôn Vĩnh An, huyện Kiến Hòa nguyên là xóm (xứ) Cái/Cá Chốt (tại đây còn có con rạch mang tên Cá Chốt), nằm trong thuộc Bả Canh của trại An Hòa, trấn Phiên An. Ngày nay vùng đất này thuộc địa phận xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây.
Trong bia Tiền hiền Nguyễn Tú (khắc năm 1878) hiện toạ lạc tại phường II thành phố Cao Lãnh có đoạn viết: “…Vô linh Gia Long niên gian hệ Quy Nhơn  đầu cứ thữ thổ cổ hiệu Bả Canh trường” có nghĩa là:“…nghe đâu vào đời Gia Long một số người ở Quy Nhơn vào cư ngụ ở đất này, có tên cũ  là trường Bả Canh” nhằm nhắc đến sự việc Nguyễn Tú đến lập thôn Mỹ Trà tại Cao Lãnh vào cuối thế kỷ XVIII. Theo đó, Bả Canh ở Vĩnh Hựu (Gò Công) là Thuộc, còn Bả Canh ở Mỹ Trà (Cao Lãnh) là Trường. Như vậy là khố trường Bả Canh đặt tại xóm Bả Canh, thôn Mỹ Trà (Cao Lãnh) quản lý việc trưng thuế biệt nạp ở vùng Đồng Tháp Mười
 - Hai khố trường Quy An, Quy Hóa:
Chưa có tài liệu liên quan để xác định hai khố trường này là ở đâu. Tuy nhiên, căn cứ vào tiểu sử của Trịnh Hoài Đức được ghi ở phần đầu sách Gia Định thành thông chí theo bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo do Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá, xuất bản ở Sàigòn năm 1972, thì cha của Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh được chúa Nguyễn Phước Khoát cho nộp một số tiền để được giữ chức Cai thâu  ở cửa biển An Trường sau đổi làm Cai thâu ba kho Quy An, Quy Hóa và Bả Canh. Từ đó, chúng ta có thể phỏng đoán ba kho này có thể cách nhau không xa lắm và cùng ở trên một trục giao thông đường thủy mới có do một người quản lý.
Sử chép đến năm Kỷ hợi (1779), Nguyễn Ánh cho lập địa đồ vạch ra địa giới của Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ và Hà Tiên, bải bỏ 9 khố trường biệt nạp, trừ các hạt trước đây tùy thuộc vào các nha sở thì lấy số dân và số ruộng ấy lập thành huyện Kiến Khang, lập ra dinh Trường Đồn (tiền thân của trấn Định Tường), đặt ra các chức Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục để cai quản, lỵ sở đặt tại giồng Kiến Định, lãnh một huyện và ba tổng.
Điều đó cho thấy, đến năm 1779 công cuộc khai hoang  trên địa bàn Định Tường cơ bản hoàn thành, các trang trại, man, nậu, thuộc…giải tán để thành lập xã thôn, góp phần hình thành ba tổng, thống nhứt  với hệ thống hành chánh toàn phủ Gia Định. Vai trò của khố trương biệt nạp chấm dứt sau gần 40 năm tồn tại. Trong thời gian này bốn khố trường biệt nạp nói trên đóng vai trò gì trong sự phát triển của Định Tường nói chung và Mỹ Tho đại phố nói riêng.
Mặc dù không có số liệu ghi chép cụ thể, nhưng qua tiến độ khai hoang trong thời gian này, chúng ta có thể suy đóan, khố trường biệt nạp đóng vai trò tích cực trong việc thu thuế biệt nạp theo quy định, nhưng quan trọng hơn là góp phần gia tăng sản xuất kể cả việc khai thác lâm thủy sản và đẩy nhanh tiến độ khai hoang.
Qua trường hợp của Trịnh Khánh, để được làm Cai thâu ở ba khố trường Quy An, Quy Hoá và Bả Canh, ông ta phải nộp cho chúa Nguyễn một số tiền. Điều này cho thấy cách thuế ở các khố trường là theo kiểu trưng thu tức khoán thuế. Việc thu thuế được kiểm tra chặt chẽ tránh thất thu, vừa làm giàu ngân sách nhà nước vừa đóng vai trò tái phân phối lợi tức.
Sự nhập cư của nhóm bô thần nhà Minh (1679) vào vùng Định Tường do Dương Ngạn Địch chỉ huy là tiền đề hình thành Mỹ Tho đại phố. Đô thị Mỹ Tho nằm tại ngã ba sông, thuộc thôn Mỹ Chánh, nơi kinh Bảo Định, được đào vào năm 1705, đổ nước vào sông Tiền. Khi ấy tiếp tục có hai dòng lưu dân: Một từ vùng Trấn Biên lấn dần xuống Gia Định, lập rất nhiều làng xã để hình thành hai huyện Phước Long và Tân Bình; một đi vào cửa Đại, cửa Tiểu đến Mỹ Tho rồi lấn dần lên. Diệ tích khai hoang ngày một rộng dần, đến năm 1732 thành lập dinh Long Hồ, lỵ sở dặt tại chợ Cái Bè. Đến năm 1757 thì dời dinh Long Hồ, về xứ Tầm Bào ( thuộc thành phố Vĩnh Long ngày nay) và lập thêm ba đạo bảo vệ là Đông Khẩu (ở xứ Sa Đéc), Tân Châu (ở đàu nguồn sông Tiền ) và Châu Đốc (ở đầu nguồn sông Hậu).
Từ năm 1741 tức năm thành lập khố trường đến năm 1772, chúa Nguyễn đã cho lập thêm các thuộc ở Ba Lai (ba Rài), Bà Kiến (rạch Bà Kiến) và Tân An (châu Định Viễn, nay là vùng Bến Tre). Sau đó đưa lực lượng đồn điền và lưu dân tự do tiếp tục khai khẩn lập thêm nhiều lân, ấp.
Theo báo cáo của Cai bạ Long Hồ, Nguyễn Khoa Thuyên, năm 1772 thì hai thuộc Quy Nhân (Quy An) và Quy Hóa mỗi nơi có 3.000 dân đinh, ruộng đất mỗi nơi 3.000 sở. Thuộc Tam Lạch có dân số ngoài 3.000 đinh và có ruộng đất ngoài 5.000 sở. Ba trại Bả Canh, Bà Lài (có lẽ là Ba Rài ở Cai Lậy) và Bà Kiến (có lẽ là rạch Bà Kiến ở Cần Đước ?) có 4.000 đinh, ruộng đất ngoài 4.000 sở.
Báo cáo của Nguyễn Khoa Thuyên còn nhấn mạnh: có những khoảnh ruộng tại các xứ thuộc huyện Tân Bình và Phước Long và thuộc Quy An, người ta phải cày rồi mới trồng lúa. Gieo một hộc lúa giống thì thu hoạch được 100 hộc lúa mùa; còn những khoảnh ruộng ở trường Bả Canh, thuộc Tam Lạch và châu Định Viễn có những khoảnh ruộng không cần phải cày mà chỉ cần phát cỏ rồi trồng lúa. Gieo một hộc lúa giống thì người ta thu được 300 hộc lúa mùa, không nơi nào được hơn.
Cho nên, đến năm 1772, vùng Quy An, Quy Hóa và Tam Lạch trở thành một thuộc; Bả Canh lập một thuộc (của trại An Hòa). Điều đó cho thấy bốn khố trường Chúa Nguyễn trên vùng Định Tường không chỉ có tác dụng thuận tiện việc nạp thuế và thu thuế, mà còn tạo tiền đề để lực lượng đồn điền của nhà nước và cả lưu dân tự do đến tuỳ nghi tiếp tục khai thác.
Đến năm 1781, dinh Trường Đồn đổi thành Trấn Định và dời lỵ sở từ gò Kiến Định về đô thị Mỹ Tho ở thôn Mỹ Chánh là một móc niên đại quan trọng đánh dấu của sự phát triển tột đỉnh của Mỹ Tho đại phố trước khi bị chiến tranh tàn phá vào năm 1785. Sự phát triển này có sự góp phần của chánh sách thuế biệt nạp qua các khố trường.

Tài liệu tham khảo
1. Quốc Sử quán (1960) Đại nam thực lục tiền biên, Ban dịch Viện sử học.
2. Trịnh Hoài Đức (1972), Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
3. Quốc Sử quán (1972) Đại nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
4. Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục, Phủ QVKĐTVH, Sài Gòn.
5. Nguyễn Đình Đầu (1994), Nghiên cứu địa bạ Nam k, tỉnh Định Tường, NXB TP. HCM.