12 tháng 4, 2012

CÁC KHO SÁCH NHÀ NƯỚC CỦA VIỆT NAM TRƯỚC THẾ KỶ XIX

                                                                          Nguyễn Tô Lan

Thư tịch kí tái thành tựu phát triển của mỗi dân tộc và là một trong những nguồn tư liệu quý giá bên cạnh bằng chứng về dân tộc học, khảo cổ học v.v… để phục dựng diện mạo dân tộc đó. Cũng như vậy, thư tịch Hán Nôm - sách vở được biên soạn bằng chữ Hán và chữ Nôm của người Việt Nam là bộ phận quan trọng trong văn hiến của dân tộc Việt Nam.
Hệ thống thư tịch này chuyên chở văn hóa Việt Nam thời phong kiến với hơn 10 thế kỉ có số lượng đồ sộ và nội dung phong phú. Từ khi đất nước bước vào kỉ nguyên độc lập cho đến nay, dân tộc Việt Nam đã đời này qua đời khác nối tiếp nhau tiến hành các hoạt động sưu tầm, thu thập, lưu trữ, nhân bản, phân loại v.v… thư tịch Hán Nôm nhằm bảo vệ và lưu truyền kho di sản này của dân tộc. Vì vậy, ngay từ sớm các kho lưu trữ thư tịch (kho sách) đã được xây dựng. Đáng tiếc thông tin về những kho sách này rất ít ỏi, nhất là những kho sách do các triều đại trước thế kỉ XIX (trước triều Nguyễn) thành lập. Bài viết mong muốn cung cấp một số thông tin dù rất ít ỏi về những kho sách này.
1. Đời Lý (1010 - 1225)
Trong giai đoạn đầu của chế độ phong kiến Việt Nam, nhà Đinh (968 - 980) và nhà Tiền Lê (980 - 1009) ngoài việc củng cố quốc phòng, phát triển kinh tế đã chú trọng giáo hóa và ra sức truyền bá đạo Phật, phát triển Đạo giáo. Có cơ sở từ trong thời kỳ Bắc thuộc với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, tầng lớp tăng lữ Việt Nam lúc bấy giờ phát triển mạnh với số lượng đông đảo. Đây cũng chính là đội ngũ trí thức tham gia vào công việc điều hành đất nước(1), hơn nữa cũng là tầng lớp có tiếng nói quan trọng trong các quyết định của triều đình. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi. Nam Việt Vương Đinh Liễn đã cho xây 100 tòa bảo chàng(2) tại Hoa Lư. Những điều này khiến ta có thể tin rằng giai đoạn này cũng có thể có cơ sở cho sự tồn tại của những cơ sở tàng trữ thư tịch ít nhất là thư tịch Phật giáo trong các tự viện(3). Tiếc là hiện nay không còn dấu tích cũng như tài liệu nào ghi chép về những nơi như thế. Sau khi dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhà Lý đã tập trung xây dựng chính quyền phong kiến, đây chính là thời kỳ mà dấu vết của những thư viện đầu tiên được ghi chép lại.
Kho kinh Trấn Phúc: Theo Việt sử lược năm Tân Hợi (1011) dưới triều vua Lý Thái Tổ: “… ở trong thành xây cung Thái Thanh, chùa Vạn Tuế, nhà chứa kinh Trấn Phúc…”(4) Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư năm 1011: “… ở trong thành bên tả dựng cung Đại Thanh, bên hữu dựng chùa Vạn Tuế, làm kho Trấn Phúc”(5). Nếu theo mạch lạc của câu văn thì kho này thuộc về chùa Vạn Tuế, có khả năng được dùng làm nơi chứa kinh sách Phật giáo như Việt sử lược đã chép. Chưa rõ nhà chứa kinh này chứa kinh gì và trữ lượng bao nhiêu.
Kho Đại Hưng: Sử chép, vào năm 1018 đời vua Lý Thái Tổ: “Mùa hạ, tháng 6, sai Viên ngoại lang là Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc sang nước Tống xin kinh Tam tạng”(5). Sau đó hai năm đến “Mùa thu, tháng 9, Nguyễn Đạo Thanh đi sứ về, xin được kinh Tam tạng; xuống chiếu cho Tăng thống là Phí Trí sang Quảng Châu đón”(6). Đến năm 1023, “Mùa thu, tháng 9, xuống chiếu chép kinh Tam tạng để ở kho Đại Hưng.”(7) Hiện vẫn chưa rõ địa điểm kho này ở đâu, chỉ biết nó lưu trữ bản chép lại bộ kinh Tam tạng xin được từ nhà Tống.
Nhà Bát giác: Năm Tân Dậu (1021) vua Lý Thái Tổ sai “làm nhà Bát giác chứa kinh”(8). Việc này xảy ra sau khi đã đem được bộ kinh Tam tạng về từ Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng đây chính là nơi lưu trữ bộ kinh này. Sau này, bộ kinh Tam tạng được chép lại, bản chép lại được giữ ở kho Đại Hưng.
Kho Trùng Hưng: Năm 1034 dưới triều vua Lý Thái Tổ, “Mùa thu, tháng 8, vua ngự đến chùa Trùng Quang núi Tiên Du, sai dựng kho Trùng Hưng [để chứa kinh]”(9). Núi Tiên Du ở huyện Tiên Du, nay thuộc huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh còn có tên gọi khác là Phật Tích hoặc Lạn Kha. Ở đây, nhà Lý đã cất pho kinh Đại tạng. Pho kinh này có được là do cùng năm này, vua Lý Thái Tổ đã “sai Viên ngoại lang là Hà Thụ, Đỗ Khoan đem biếu nhà Tống hai con voi thuần. Nhà Tống lấy kinh Đại tạng để tạ”(10). Đến năm 1036, “tháng 2, xuống chiếu chép kinh Đại tạng cất ở kho Trùng Hưng”(11). Như vậy, kho Trùng Hưng là một bộ phận của chùa Trùng Quang, chuyên để chứa kinh Đại tạng do triều đình sai người chép từ bộ kinh được nhà Tống tặng.
Kho sách của Quốc tử giám: Năm 1070, vua Lý Thánh Tông sai dựng Văn miếu ở Thăng Long(12), đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám”(13). Như vậy, ít nhất là đến 1076 Quốc tử giám đã đi vào hoạt động với tư cách là trường học do nhà nước thành lập. Cùng với việc bắt đầu thi Minh kinh Bác học và thi Tam trường vào năm 1075, việc thi cử theo lối Nho học dần dần được phổ biến. Chúng ta có cơ sở để tin rằng tại Quốc tử giám ít nhất cũng lưu trữ một số bộ kinh điển Nho học để phục vụ trực tiếp cho việc học hành và thi cử(15).
Bí thư các và Hàn lâm viện: Sử chép, năm 1086 “Mùa thu, tháng 8, thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ”(16). Năm sau 1087, “Mùa xuân, tháng 3, dựng Bí thư các”(17). Đây là hai cơ quan mà các triều đại phong kiến thường tập trung giấy tờ sách vở của triều đình. Nhất là Bí thư các vốn là nơi lưu giữ các bản khắc và in sách đã được vua ngự lãm. cho phép lưu hành. Do vậy, rất có khả năng dưới thời Lý, hai nơi này cũng đã lưu trữ thư tịch.
2. Đời Trần (1225 - 1400)
Quốc tử viện, Quốc học viện, Quốc sử viện, Bí thư các: Tháng 10 mùa đông năm 1236, vua Trần Thái Tông “cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần vào học”(18), đến tháng 9 lại “vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư, lục kinh”(19). Bên cạnh Quốc tử viện là Quốc học viện được thành lập vào tháng 6 năm 1253(20). Hai nơi này được thành lập để cho con em quí tộc triều Trần học tập. Hai cơ quan này đồng thời cũng là nơi có tàng trữ thư tịch, phần lớn là dành cho việc học tập và giảng dạy(21).
Bên cạnh hai viện này, triều Trần còn thiết lập Quốc sử viện để thúc đẩy việc biên soạn sách sử như các bộ sử ký, thực lục v.v…(22) của triều đình và những thư tịch liên quan. Sử quan Lê Văn Hưu, người chấp bút Đại Việt sử ký toàn thư cũng chính là một thuộc quan của cơ quan này(23). Vì vậy, bên cạnh chức năng biên soạn, Quốc sử viện ắt cũng là nơi lưu trữ các tư liệu để viết sử.
Bí thư các dưới đời Trần tiếp tục là nơi lưu trữ các giấy tờ của triều đình. Thư tịch được biên soạn dưới triều Trần cũng đã phong phú hơn, có các trước tác ở nhiều lĩnh vực như y học, quân sự, triết học, sử học v.v… Bí thư các đồng thời cũng là nơi nhà nước cho xuất bản hoặc tái bản những thư tịch được phép lưu hành trong cả nước.
Kho kinh ở phủ Thiên Trường: Sử chép, vào năm Ất Mùi, năm thứ 3 đời vua Trần Anh Tông, “Mùa xuân, tháng 2, ngày mồng 1, sứ Nguyên Tiêu Thái Đăng sang. Vua sai Nội viên ngoại lang Trần Khắc Dụng cùng đi theo, nhận được bộ kinh Đại tạng đem về để ở phủ Thiên Trường, in bản phó để lưu hành.”(24) Như vậy, vào đời Trần lại xuất hiện một cơ sở lưu trữ kinh Đại tạng xin về từ Trung Quốc, hơn nữa lại in thêm bản khác để lưu hành. Có thể thấy hoạt động in ấn ở triều Trần đã có bước tiến rõ rệt. Khác với đời Lý khi đem kinh Đại tạng về, chỉ cho sai chép thêm một bản cất vào kho. Dưới triều Trần, có nhiều bộ sách về tôn giáo đã được in ấn và phát hành trong cả nước như Phật giáo pháp sự, Đạo tràng tân văn, Công văn cách thức(25) v.v… Như thế, có lẽ không chỉ ở Thiên Trường - đất thang mộc của triều Trần mà còn có những nơi lưu trữ và in ấn kinh sách khác trong cả nước.
Thư viện Hoàng gia ở núi Lạn Kha: Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, phần lời chua của sử quan triều Nguyễn có chép: “Cung Bảo Hòa: Ở núi Lạn Kha (nay đổi là Phật Tích), huyện Tiên Du. Theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đời Minh, nhà Trần có dựng ra Lạn Kha thư viện, dùng danh nho Trần Tôn làm viện trưởng, dạy các sinh đồ. Nhà vua thường đến chơi. Vậy cung Bảo Hòa là ở đó”(26). Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì cũng chính tại đây vào mùa xuân tháng 2 năm 1384, Thượng hoàng cho thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc núi Tiên Du, cũng chính là nơi dựng cung Bảo Hòa. Đến mùa hạ, tháng 5 lại chọn số Thái học sinh còn lại cho làm thư sử ở cung Bảo Hòa [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.169-170]. Ta có cơ sở để tin rằng cung Bảo Hòa bấy giờ là một cung của Thái thượng hoàng triều Trần, cung này vừa là nơi Thái thượng hoàng sinh hoạt vừa là một trung tâm văn hóa, nơi tổ chức thi cử lại có các bộ phận biên chép và lưu trữ sách vở. Nhất là sau sự biến năm 1371, Chiêm Thành đem quân vào cướp, tiến thẳng vào thành. “Chúng đốt trụi cung điện, nhà cửa. Thư tịch, sổ sách do vậy mà sạch không.” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.154]. Không rõ cung Bảo Hòa được xây dựng từ khi nào, nhưng có thể nói tại thời điểm đó, đây là nơi còn lưu trữ được thư tịch của dân tộc. Chính ở đây, vào tháng 12 năm Quý Hợi (1383) Thái thượng hoàng nhà Trần đã ở đây, sai Thiêm tri Nội mật viện sự Nguyễn Mậu Tiên, Lang trung Bộ Lễ là Phan Nghĩa và gia thần Vũ Hiến hầu ở Tiên Du thay phiên nhau chầu chực. Ban cho ăn và hỏi các việc cũ, ghi chép từng ngày, biên soạn thành 8 quyển, đầu đề là Bảo Hòa dư bút (sách này còn được biết đến với tên Bảo Hòa điện dư bút) gồm 8 quyển, sách do Đào Sư Tích đề tựa ở đầu sách. Sách được làm ra để dạy bảo Quan gia (tức đương kim hoàng thượng).
3. Lê (1428 - 1778)
Quốc tử giám, Sử quán, Bí thư sảnh, Đông các: Quốc tử giám vốn vẫn là nơi tập trung sách vở dành cho việc giảng tập, đồng thời cũng là nơi lưu giữ ván in sách để cấp phát cho các trường học ở cấp phủ, cấp huyện v.v... Như năm 1467: “Ban cấp bản in sách Ngũ kinh của nhà nước cho Quốc tử giám, theo lời tâu của Bí thư giám học sĩ Vũ Vĩnh Trinh” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.419]. Cùng với sự quan tâm tới học tập và thi cử dưới thời Lê mà quy mô của Quốc tử giám ngày càng được mở rộng, các định lệ về hoạt động ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Cũng theo đó, số lượng sách và ván in ngày càng nhiều lên. Nếu như vào đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo quy mô cũ và còn thiếu thốn nhiều thì vào năm Quý Mão (1483) vua Lê Thánh Tông cho sửa rộng thêm ra và “đặt thêm kho Bí thư để chứa ván gỗ đã khắc thành sách” [Đại Nam thực lục, tập 1, tr.1161]. Hiện chưa rõ số sách được lưu trữ tại đây.
Sử quán là cơ quan đặc biệt phát triển dưới thời Lê. Sử quán tập hợp đội ngũ những bậc đại khoa, nhà bác học của triều đình để thực hiện công việc trước tác quốc sử này. Nơi đây vừa là nơi ghi chép những diễn biến của triều đại đương quyền, nơi biên soạn sách sử, vừa là nơi lưu trữ các tài liệu liên quan dùng để làm căn cứ biên soạn sử. Không ngoại trừ, bên cạnh Quốc tử giám, Sử quán cũng là một cơ sở in ấn sách của triều đình. Các bộ sử được liên tục biên soạn, có thể kể đến: năm 1479, vua “Sai Sử quán Tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư 15 quyển” [16, tập 2, tr.473] và khi bộ sử này làm xong nó đã được lưu trữ ở nơi đây năm 1483 vua ra sắc dụ cho Thân Nhân Trung, Quách Đình Bảo, Đỗ Nhuận, Hiệu thư Đào Cử, Đàm Văn Lễ biên soạn các sách Thiên Nam dư hạ tậpThân chinh ký sự [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.516]; năm 1511, Vũ Quỳnh dâng bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép tường tận theo lối kỷ niên các triều đại gồm 26 quyển [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.58]; năm 1519, vua sai Đặng Minh Khiêm biên soạn Đại Việt lịch đại sử ký [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.93] v.v… Từ đó, có thể hình dung được rằng số lượng sách được lưu trữ ở đây là không nhỏ.
Bí thư sảnh nối tiếp Bí thư các những đời trước. Chức năng đầu tiên của Bí thư sảnh triều Lê là nơi lưu trữ thư tịch của triều đình và do triều đình sưu tầm được. Trong niên hiệu Quang Thuận (1460 - 1489) vua Lê Thánh Tông đã nhiều lần ra những lệnh sưu tầm sách vở như lệnh năm 1467 “Ra lệnh tìm kiếm những di cảo thơ văn của cố Hàn lâm Thừa chỉ Học sĩ Nguyễn Trãi” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.416]; chiếu tìm kiếm dã sử và các truyện ký xưa nay do các nhà tư nhân cất giữ [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.100]. Khoảng trong những năm niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) vua lại hạ chiếu cầu những sách còn sót lại đem chứa cất ở Bí các. Trong dịp này có người đem dâng những sách lạ, sách bí truyền, đều được khen thưởng nhiều. Do đó, các sách của đời trước cũng dần dần được đưa ra(27). Sử cũng đã chép về việc các vua đời Lê thường vào đây để xem sách, như vua Nhân Tông, vào Bí thư các xem sách vở, thấy các bản sách của Ức Trai còn sót lại(28). Chức năng thứ 2 của Bí thư các là nơi lưu trữ sách sử do triều đình biên soạn: Trong khoảng năm 1533 - 1662, bộ Bản kỷ tục biên do Phạm Công Trứ cùng các tể thần tham khảo sử cũ để biên soạn đã được cho khắc in, còn sách thì cất giữ ở nơi đây(29) hoặc là nơi nhân bản thư tịch như khi Vũ Quỳnh dâng Việt giám thông khảo lên, vua Lê Tương Dực đã khen là không việc gì là không chép hết và “lại sai bọn Bí thư giám là bọn Hoàng Khu sao chép ra một bản nữa, để truyền lại lâu dài.”(30)
Đông các cũng là nơi chứa thư tịch của triều đình. Đơn cử như những sách sưu tầm được trong dân gian vào khoảng niên hiệu Hồng Đức đã được đưa vào Đông các cất giữ (theo lời sử gia Ngô Sĩ Liên [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, tr.100]). Đồng thời, các nho thần ở Đông các cũng tham gia tích cực vào việc biên soạn các bộ sách lớn của triều đình, có người còn được vua ban cho sách, như năm 1496, Đào Cử được sung làm Hàn lâm viện Thị giảng Đông các Học sĩ được vua ban cho một bộ Thiên Nam dư hạ tập [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.516].
Thư viện Bồng Lai: Theo Thượng kinh phong vật chí(31) thì tại thành Thăng Long, đời Lê có thư viện gọi là thư viện Bồng Lai. Hiện chưa rõ cách thức tổ chức và chủng loại thư tịch được lưu trữ ở đây.
Dưới triều Lê, số lượng thư tịch của dân tộc tăng lên về số lượng, các bộ sách lớn được biên soạn, khắc in và lưu hành. Nhiều bản in các sách được thực hiện, kể cả sách của Trung Quốc như năm 1435 hoàn thành ván khắc mới sách Tứ thư đại toàn [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.335] v.v… Hàng năm, số lượng sách công ban xuống các phủ không phải là ít, như các sách “Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Cương mục cùng các loại sách thuốc” [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, tr.490]. Đó là chưa kể đến việc triều đình liên tục ban hành các sách do triều đình biên soạn trong cả nước, đặc biệt là các điều luật, quy định mới v.v.. như năm 1511, triều đình ban sách Trị bình bảo phạm cho cả nước, gồm 50 điều [Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, tr.58]. Đây là cơ sở để ta có thể tin rằng dưới triều Lê có không ít các trung tâm lưu trữ hoặc thư viện lớn của nhà nước, ngoài ra còn có các cơ sở in ấn, nhân bản. Đời Mạc cũng có nhiều cố gắng trong việc thu thập sách vở(32) nhưng tiếc là sau nhiều sự biến và loạn lạc mà số sách còn lại ngày nay không được bao nhiêu.
4. Tây Sơn (1778 - 1802)
Theo sách La Sơn phu tử(33), thư viện Sùng Chính được thành lập năm Quang Trung thứ 4 (1791) tại làng Nam Hoa (nay là Nam Kim, Thanh Chương, Nghệ An) do Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng. Đây vừa là nơi để sách, vừa là nơi dịch chú các sách kinh điển chữ Hán do các nhà Nho dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Thiếp đảm nhiệm. Trong một thời gian ngắn, nơi đây đã dịch chú được một số tác phẩm kinh điển của Nho gia sang chữ Nôm. Hiện chưa rõ số lượng sách tàng trữ.

CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.212]: “Tân Mùi, [Thái Bình] năm thứ 2 [971]. Bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, tăng đạo… Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi”.
(2) Theo Phật đỉnh tôn thắng gia cú linh nghiệm Đà la ni, Văn khắc Hán Nôm Việt Nam [tr.54-56].
(3) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.235] “Mùa xuân Minh Xưởng ở Tống về, xin được kinh Đại tạng.”
(4) Việt sử lược [tr.75].
(5) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.242].
(6) (7) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.246].
(8) (9) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.247].
(10) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.256].
(11) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.257].
(12) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.258].
(13) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.275]: “Mùa thu, tháng 8, làm Văn miếu…Hoàng Thái tử đến học ở đây.”
(14) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.280].
(15) Tác giả Phan Văn trong Giáo trình thư viện học đại cương [tr.20] có viết: “Năm 1076, nhà vua mở Quốc tử giám để chăm lo giảng thuật Nho giáo, các sách giáo khoa được phổ biến rộng rãi và nhập vào thư viện càng nhiều. Do đó, ngoài những kho sách tàng kinh đã có, một thư viện đúng với nội dung của nó đã được xây dựng bên cạnh Quốc tử giám (1078)”. Chúng tôi chưa tìm được tài liệu gốc của thông tin này nên đưa vào đây để tiện tham khảo.
(16) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.281].
(17) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.282].
(18)(19)(20) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.15].
(21) Tác giả Phan Văn trong Giáo trình thư viện học đại cương [tr.20] viết: “Năm 1253, Quốc học viện được thành lập, để cho các Nho sinh học tập, có kho chứa sách, phòng đọc sách, có thầy giảng dậy, có nơi để học sinh lưu trú.”
(22) Có thể kể đến các bộ như Trung hưng thực lục, Hoàng triều Đại điển, Hình thư, Đại Việt sử ký v.v… hiện đều đã mất.
(23) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.38] chép “… Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ đế đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển dâng lên...”
(24) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.73].
(25) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 2, tr.78].
(26) Khâm định Việt sử thông giám cương mục [tập 1, tr. 669].
(27) Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, Bài tựa Nghệ văn chí [tr.101].
(28) Theo Dư địa chí thông luận, bài của Lý Tử Tấn chép ở phần đầu sách Dư địa chí, Ức Trai tập. Chuyển dẫn theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.48].
(29) Đại Việt sử ký toàn thư [tập 1, tr.93] “… đặt tên là Bản kỷ tục biên, giao cho khắc in, mười phần mới chừng được năm, sáu. Nhưng công việc chưa xong, sách còn giữ ở Bí các”.
(30) Theo bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, chuyển dẫn theo bản dịch của Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.64].
(31) Chuyển dẫn theo Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm [tập 1, tr.14].
(32) Theo Lê Quý Đôn trong bài tựa sách Nghệ văn chí, Đại Việt thông sử [tr.101]: “Đến đời Ngụy Mạc, dần dần những sách vở ấy cũng được thu thập biên chép lại.” (“Sách vở ấy” ở đây là những thư tịch tài liệu bị rơi vãi trong loạn Trần Cảo năm 1516.)
(33) Chuyển dẫn theo Trần Nghĩa, bài Dẫn luận, sách Đề yếu [tập 1, tr.19]: La Sơn phu tử, Nxb. Minh Tân, 1952, tr.148.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Phan Văn Các, Claudine Salmon (chủ biên), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, tập 1: Từ Bắc thuộc đến thời Lý, École francaise d’Extrême - Orient và Viện Nghiên cứu Hán Nôm xuất bản, Paris - H. 1998, 282 tr.
  2. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan bản. Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Phan Huy Lê hiệu đính, Nxb. KHXH, H. 1998, 4 tập.
  3. Lê Quý Đôn: Đại Việt thông sử, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H.. 1978, 402 tr.
  4. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - nguồn tư liệu văn học, sử học Việt Nam, tập 1: Thư viện Quốc gia xuất bản, H., 1970, 405 tr.; tập 2: Nxb. KHXH, H., 1990, 279 tr.
  5. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng (phiên dịch và chú giải), Đinh Khắc Thuân (đối chiếu, chỉnh lý), Nxb. Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2005, 468 tr.
  6. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu.Trần Nghĩa, François Gros đồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993, tập 1: A - H; tập 2: I - S; tập 3: T - Y.
  7. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, 36 tập.
  8. Quốc sử quán triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb. KHXH, H. 1998, 2 tập.
  9. Phan Văn: Giáo trình Thư viện học đại cương, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xuất bản, H. 1983, 216 tr./. 
  10. Thông báo Hán Nôm học 2008; tr.533-544