TS. Phạm Phúc
Vĩnh
Cách đây hơn 40 năm, xe
lửa đã từng là một loại phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa quen thuộc
của nhân dân nhiều tỉnh Nam
bộ. Ngày nay, trừ Sài Gòn – Đồng Nai, việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa
Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ khác bằng hệ thống giao thông đường sắt không còn
nữa. Những gì còn sót lại của các tuyến đường sắt này là vài cây cầu sắt trơ
móng và những kí ức phai mờ về những chuyến xe lửa với những hồi còi kéo
dài hối hả đi về của người dân Nam
bộ.
Nam bộ thời Pháp thuộc, nhiều thành tựu
văn minh phương Tây được du nhập vào sớm hơn các nơi khác trong cả nước. Việc
xây dựng, sử dụng và mở rộng hệ thống giao thông đường sắt ở Nam bộ cũng
không ngoại lệ.
Để phục vụ cho công cuộc
khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã xây dựng và đưa vào khai thác 3 tuyến
đường sắt ở Nam
bộ.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ NHẤT:
SÀI GÒN – MỸ THO
Đầu năm 1881, thực dân
Pháp đầu tư 11.652.000 Francs để xây dựng thí điểm 71km đường sắt đầu tiên nối
liền hai thành phố lớn: Sài Gòn – Mỹ Tho. Đây là tuyến đường sắt được
Pháp cho xây dựng đầu tiên ở Việt Nam.
Tháng 7 năm 1882, đoạn
đầu tiên của tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho nối Sài Gòn với Chợ Lớn dài 5km
hoàn thành. Trong khi toàn tuyến chưa thể đưa vào khai thác, thực dân Pháp đã
mở tuyến tàu điện Sài Gòn – Chợ Lớn cùng chạy song song với tuyến đường sắt
này. Đến ngày 20 tháng 7 năm 1885, toàn bộ tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho
hoàn thành và tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho cũng bắt đầu được chính thức đưa
vào khai thác.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ HAI: SÀI GÒN – XUÂN LỘC – GIA RAY
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ HAI: SÀI GÒN – XUÂN LỘC – GIA RAY
Sau một thời gian đưa vào
khai thác, tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kết quả đó đã thúc đẩy chính quyền Pháp tính đến một kế hoạch xây dựng một hệ
thống đường sắt lớn hơn.
Ngày 20 tháng 12 năm
1898, Pháp đã thông qua kế hoạch mở tuyến đường sắt xuyên Việt. Theo kế hoạch
này, toàn tuyến đường sắt sẽ được xây dựng từng phần; mà trước hết là bắt đầu
từ Hà Nội làm dần vào Nam và từ Sài Gòn làm dần ra Bắc, sau đó tiếp tục mở các
tuyến ngắn nối các trung tâm lớn ở các tỉnh miền Trung rồi kéo dài và nối liền
thành một hệ thống xuyên suốt Bắc – Nam.
Năm 1901, thực dân Pháp
bắt đầu khởi công xây dựng đoạn đường sắt đầu tiên của tuyến đường sắt xuyên
Việt từ Sài Gòn ra Bắc. Đoạn này dài 81km nối liền Sài Gòn với Xuân Lộc (nay
thuộc thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Ngày 14 tháng 1 năm 1904, 71km đường
sắt đầu tiên của tuyến Sài Gòn – Xuân Lộc đã hoàn thành và đưa vào khai thác
trước. Đến ngày 30 tháng 10 năm 1904, phần còn lại của tuyến đường này (dài
10km) cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Sau khi tuyến Sài Gòn –
Xuân Lộc đi vào hoạt động, thực dân Pháp cho xây dựng nối dài thêm 18 km nữa
đến Gia Ray (nay thuộc xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Đến ngày
25 tháng 8 năm 1905 thì hoàn thành và đưa vào khai thác.
Như vậy, đến tháng 8 năm
1905, tuyến đường sắt thứ hai ở Nam bộ dài 99km Sài Gòn – Xuân Lộc – Gia Ray đã
hoàn thành và đưa vào khai thác. Sau đó, tuyến này trở thành một phần của tuyến
đường sắt xuyên Việt và cho đến nay nó là một phần của tuyến đường sắt Bắc - Nam.
TUYẾN ĐƯỜNG SẮT THỨ BA: SÀI GÒN – LỘC
NINH
Trong khi đường sắt xuyên
Việt sắp được hoàn thành, thực dân Pháp tiếp tục cho xây dựng thêm ở Nam bộ tuyến đường sắt thứ ba nối liền Sài Gòn
với Lộc Ninh nhằm phát triển các đồn điền cao su ở miền Đông Nam bộ.
Năm 1933, Pháp bắt đầu
khởi công đoạn đầu tiên của tuyến này từ Lộc Ninh đến Bến Đồng Sở và đưa vào
khai thác trước. Sau đó tiếp tục làm đoạn từ Bến Đồng Sở đến Sài Gòn đến năm
1942 (có sách viết là năm 1950) thì hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến.
Đây là tuyến đường sắt thứ 3, cũng là tuyến đường sắt cuối cùng mà thực dân
Pháp xây dựng ở Nam
bộ.
Ngoài ba tuyến đường sắt
trên, thực dân Pháp còn có dự định mở rộng hệ thống đường sắt ở miền Tây Nam bộ
trên cơ sở kéo dài tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho xuống Vĩnh Long rồi chia làm hai
tuyến:
- Vĩnh Long – Long
Xuyên – Châu Đốc – Phnom Penh
(Campuchia).
- Vĩnh Long – Cần Thơ
– Bạc Liêu
Tuy nhiên, do gặp khó
khăn về tài chính, địa hình phức tạp... nên thực dân Pháp không thể triển khai
và đến năm 1954, sau Hiệp định Genève, Pháp phải rút về nước.
Sau 1954, hệ thống đường sắt ở Nam bộ vẫn tiếp tục được chính quyền Sài Gòn khai thác. Tuy nhiên do chiến tranh, hoạt động của các tuyến vận tải đường sắt này bị gián đoạn liên tục, hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ và cuối cùng phải lần lượt ngừng hoạt động:
Sau 1954, hệ thống đường sắt ở Nam bộ vẫn tiếp tục được chính quyền Sài Gòn khai thác. Tuy nhiên do chiến tranh, hoạt động của các tuyến vận tải đường sắt này bị gián đoạn liên tục, hiệu quả khai thác không cao, thua lỗ và cuối cùng phải lần lượt ngừng hoạt động:
- Năm 1959, tuyến Sài Gòn
– Mỹ Tho ngừng hoạt động hoàn toàn.
- Năm 1964, tuyến Sài Gòn
- Lộc Ninh cũng phải ngừng hoạt động.
Như vậy, hệ thống đường
sắt ở Nam bộ chỉ còn lại tuyến Sài Gòn - Xuân Lộc – Gia Ray thuộc tuyến đường
sắt Bắc - Nam là vẫn còn hoạt động, còn lại hai tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, Sài Gòn
– Lộc Ninh thì ngay cả những dấu vết còn lại của chúng giờ đây cũng không còn
nhiều. Cách đây vài năm, ở Tân An (Long An) còn sót lại cây cầu sắt nhưng giờ
cũng đã bị tháo gỡ chỉ còn lại hai móng ở hai đầu cầu, hầu hết hệ thống đường
ray và cầu sắt của hai tuyến này cũng bị dỡ bỏ.