2 tháng 4, 2012

TRUNG QUỐC TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ CHÍNH TRỊ NHẠY CẢM

                                                                       Frangois Bougon 

Báo Le Monde ngày 18/3 đã tổ chức thảo luận chuyên đề “Trung Quốc thời kỳ chuyển giao chính trị” do Frangois Bougon, phóng viên chuyên trách khu vực Đông Á chủ trì, nội dung chính như sau:
+ Phải lý giải thế nào về việc loại bỏ Bạc Hy Lai?
 - Có hai khía cạnh cần quan tâm: Thứ nhất, thuần túy vấn đề địa phương gắn với Trùng Khánh; Thứ hai, gắn với tình hình chính trị và sự chuyển giao quyền lực nhân Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào mùa Thu tới. Trên phương diện địa phương, hành động của Bạc Hy Lai đã gây rất nhiều chỉ trích, đặc biệt trong vấn đề quản lý cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức. Một số luật sư đã đứng ra tố giác những vụ việc lùm xùm, những trường hợp tra tấn các doanh nghiệp địa phương. Theo các luật sư, Bạc Hy Lai đã tiến hành cuộc chiến này để củng cố các tham vọng quyền lực ở cấp độ quốc gia, đồng thời cũng vì mục đích cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp địa phương.
+ Điều gì sẽ xảy ra với Bạc Hy Lai?
 - Có hai kịch bản khả dĩ nhất. Hoặc chính quyền trung ương chỉ quyết định phế truất cương vị số một của nhân vật này ở Trùng Khánh. Trong trường hợp này, ông có thể vẫn xuất hiện và giữ được vị trí nhất thời tại Bộ chính trị, nhưng sự nghiệp phía trước của ông sẽ chấm dứt. Kịch bản khác đáng ngại hơn nhiều. Nếu các cuộc điều tra liên quan đến ý đồ đào tẩu của Vương Lập Quân, người từng là cánh tay đắc lực của Bạc Hy Lai, cho thấy ông dính líu đến các vụ việc, chẳng hạn tham nhũng, thì Bạc Hy Lai có thể có vấn đề với pháp luật. Năm 2006, điều này đã xảy ra với Bí thư thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ, một nhân vật đã mất sự nghiệp vì tham nhũng, bị khai trừ khỏi Đảng và chấp nhận án tù 18 năm.
+ Vậy đầu đuôi vụ đào tẩu của Vương Lập Quân là như thế nào?
- Hiện tại, chúng ta chỉ có một vài dữ liệu cho vụ này. Điều thiên hạ được biết chỉ là những thông tin đăng trên các mạng xã hội từ các nguồn không hẳn đáng tin cậy, chẳng hạn của báo chí Hồng Công và tất nhiên của các phương tiện truyền thông chính thức. Điều có vẻ chắc chắn hiện nay là Vương Lập Quân đã chống lại Bạc Hy Lai và đã có lời đe dọa vạch trần một số vấn đề rắc rối. cần phải đợi kết quả điều tra chính thức với mức độ công bố rất chừng mực và cả những phiên bản công bố của các quan chức lãnh sự Mỹ tại Thành Đô để suy luận vấn đề. Nói tóm lại, câu hỏi đặt ra rất nhiều nhưng chắc chắn sẽ có rất ít câu trả lời thỏa đáng.
+ Việc hạ bệ một lãnh đạo địa phương liệu có trở thành yếu tố có lợi cho quá trình chuyển giao dân chủ tại Trung Quốc?
- Không. Đó chỉ là sự cố trong một khung cảnh chính trị rất bí hiểm, Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn nhạy cảm của thời kỳ quá độ chính trị, trong đó cuộc chiến quyền lực và các tham vọng thực tế không thể xác định được. Điều thú vị xét ở góc độ dân chủ thuần túy chính là đợi xem các mạng xã hội sẽ đóng một vai trò như thế nào, đặc biệt trong việc phát tán thông tin và yêu sách minh bạch. Tiếp đến, chúng ta cũng thấy rằng bộ phận “cởi mở” nhất trong ĐCSTQ đã có thể áp đặt quan điểm, bởi không ai ngờ rằng Bạc Hy Lai lại bị hạ bệ.
+ Có đúng là chế độ hiện nay tại Bắc Kinh đang cho thấy những dấu hiệu khích lệ quá trình chuyển giao dân chủ?
- Bản thân chế độ thì không, Tuy nhiên, xã hội dân sự đã cho thấy một khát vọng tự do và khát vọng bày tỏ đối với các chủ đề đáng quan tâm, chẳng hạn về môi trường, quyền bày tỏ chính kiến trong các tranh luận vì lợi ích chung.
+ Liệu có tồn tại một hoặc nhiều phong trào cải cách trong bộ máy chính trị?
- Rất khó để trả lời câu hỏi này. ĐCSTQ là một chính đảng rất bí hiểm. Nhưng chúng ta cũng có thể giả thiết là trong ĐCSTQ có tồn tại một phong trào của các chính khách đang sẵn sàng mở cửa hơn một chút đối với sân khấu chính trị hướng tới xã hội và chấp nhận một mức độ dân chủ nào đó.
+ Vào Bộ chính trị Đại hội tới sẽ là những ứng cử viên nào?
- Không có ứng cử viên. Điều được biết hiện nay là có hai người sẽ được đưa vào ủy ban thường vụ Bộ chính trị: Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Bình thường, người thứ nhất sẽ trở thành Tổng bí thư ĐCSTQ và sau đó sẽ trở thành Chủ tịch nước; người thứ hai, đứng thứ hai Ban thường vụ và trở thành Thủ tướng. Còn những cái tên khác cũng đã xuất hiện trong danh sách hiện nay, nhưng chúng ta chỉ có thể chính thức được biết thành phần Ủy ban thường vụ vào dịp diễn ra Đại hội đảng ĐCSTQ. Nói chung, trong những tháng chuẩn bị diễn ra Đại hội sẽ có rất nhiều đồn đoán, rất nhiều tên tuổi được nhắc đến, nhưng những người được bầu không nhất thiết nằm trong danh sách này.
+ Để gia nhập nhóm quyền lực cấp cao cần phải hội đủ những phẩm chất nào?
- Cần dẻo dai. Chúng ta không còn ở vào thời kỳ Trung Quốc chịu sự lãnh đạo của một nhân vật duy nhất. Sau thời kỳ chuyên quyền kiểu chủ nghĩa Mao và khi kỷ nguyên Đặng Tiểu Bình chấm dứt, chế độ Bắc Kinh đã vận hành theo kiểu tập đoàn và cơ chế đồng thuận, ủy ban thường vụ Bộ chính trị chính là cơ quan lãnh đạo đất nước. Mọi quyết định đều trở thành chủ đề thương lượng giữa các phái khác nhau hoặc giữa các nhân vật khác nhau. Chính vì vậy, những nhân vật vươn tới mức độ quyền lực này đều phải có khả năng quản lý phái đối lập, sao cho không có quá nhiều kình địch. Đồng thời cũng phải xây dựng được những mạng lưới vững chắc, không chỉ trong Đảng mà cả trong quân đội chẳng hạn.
+ Có phải thông thường, các ủy viên thường vụ Bộ chính trị là những người được bầu chọn?
- Về chính thức, họ được bầu chọn bởi các ủy viên Bộ chính trị, một cơ quan tựa như nghị viện của ĐCSTQ. Tuy nhiên trên thực tế, sự việc còn phức tạp hơn nhiều.
+ Có người nói rằng Tập Cận Bình ít bảo thủ hơn Hồ cẩm Đào, đúng thế không?
- Rất khó nói. Chỉ có một điều chắc chắn, đó là ở châu Âu, chúng ta thường có xu hướng cho rằng mỗi nhà lãnh đạo mới lên nắm quyền ở Trung Quốc đều có tư tưởng cải cách hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Khi Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo lên nắm quyền, chúng ta vẫn thấy cùng một kiểu diễn văn giới thiệu họ như những Gorbachov tiềm ẩn của Trung Quốc. Lịch sử bảo chúng ta rằng đó không phải là trường hợp ở Bắc Kinh và các lãnh đạo mới của Trung Quốc trước hết đều vì mục đích bảo đảm sự liên tục của chế độ Cộng sản.
+ Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều đã nằm trong Ủy ban thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ?
- Đúng, họ có mặt trong cơ quan tối cao này từ Đại hội 17, năm 2007. Đó là cách chuẩn bị cho một sự chuyển giao dần dần.
+ Phải đánh giá như thế nào về cặp Hồ cẩm Đào và Ôn Gia Bảo?
- Để ví von, có thể coi hai nhân vật này như một “cảnh sát ác” và một “cảnh sát thiện”. Người này bảo thủ hơn nhiều trong khi người kia cởi mở hơn. Một điều hiển nhiên, cả hai đều đã thành công trong các nỗ lực nắm quyền liên tục trong suốt 10 năm, tổ chức Thế vận hội và xử lý khủng hoảng kinh tế. Đó là những gì có thể ghi nhận như một bảng tống kết của hai nhà lãnh đạo này.
+ Có thể nói gì về hai phái chính trong ĐCSTQ và sự tiếp sức của họ đối với thế hệ lãnh đạo mới sẽ xuất hiện vào mùa Thu năm nay?
- Rất khó trả lời câu hỏi này. Rõ ràng là trong ĐCSTQ đang tồn tại một thế hệ lãnh đạo có tư tưởng ủng hộ cải tổ hệ thống và muốn một xã hội cởi mở hơn. số người này hiện hữu ở mọi cấp độ. Tuy nhiên, thật khó để đưa ra những cái tên cụ thể ở thời điểm hiện nay, bởi chế độ và thời kỳ chưa cho phép họ được thực sự bày tỏ chính kiến. Trong thời kỳ quá độ chính trị, nguyên tắc tiên quyết đối với bất cứ lãnh đạo chính trị nào ở Trung Quốc là không được có những hành động mơ hồ. Bạc Hy Lai là người vừa phải trả giá đắt cho bài học của mình.
+ Giải thích thế nào để một người không am tường chính trị hiểu tại sao có một cuộc đấu đá quyền lực giữa các lãnh đạo Trung Quốc?
Rất đơn giản. Bởi vì như ở bất cứ nước nào khác, dù là độc tài hay dân chủ, chúng ta đều giáp mặt với những nhân vật muốn đấu đá để có quyền lực. Nhưng ở một hệ thống bí hiểm như chế độ của ĐCSTQ, sự đấu đá này đôi khi tạo ra những cuộc thanh trừng hoặc hạ bệ nhau như trường hợp đối với Bạc Hy Lai. Thông thường, những cuộc thanh trừng này được giới thiệu như các vụ tham nhũng, nhưng bản chất chính trị của chúng là rất rõ ràng dưới con mắt của nhiều nhà quan sát.
+ Vậy thì việc loại bỏ Bạc Hy Lai là thắng lợi của phái cải cách hay phái bảo thủ?
- Thoạt nhìn, nó giống với thắng lợi của phái cải cách hơn. Bạc Hy Lai có đặc điểm là không tôn trọng các quy định pháp luật hiện hành ở Trung Quốc trong cuộc chiến chống băng đảng tội phạm.
+ Dư luận nói Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một nhà cải cách, đúng hay sai?
- Ôn Gia Bảo từng là cận sự của các lãnh đạo mang đầu óc cải cách thời kỳ những năm 1980, những người cùng là nạn nhân của các cuộc thanh trừng: Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Diễn văn của các nhân vật này thường gắn với việc bảo vệ dân chủ trong Đảng và bởi vậy, chúng ta có thể đánh giá Ôn Gia Bảo là nhà cải cách.
+ Liệu ở Trung Quốc sẽ diễn ra một cuộc cách mạng kiểu Gorbachov không? Và kịch bản khả dĩ cho một tiến trình dân chủ tại nước này sẽ như thế nào?
Trước mắt thì quá khó, bởi so sánh Liên Xô thời Gorbachov với Trung Quốc thời Hồ cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là một điều ngớ ngẩn. Liên Xô trước đây ở vào một hoàn cảnh kinh tế suy sụp trước một thế giới phương Tây thịnh vượng. Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước một phương Tây chao đảo tự nghi ngờ về mô hình của mình. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến một diễn biến dân chủ không nhất thiết dẫn tới một hệ thống đa đảng như vẫn thấy tại châu Âu chẳng hạn. Trường hợp của Đài Loan cho chúng ta thấy rằng có thể có một hệ thống dân chủ tại một nước chịu sự chi phối của đạo Khổng.
+ Phải mất bao lâu để được chứng kiến một cơ chế quản lý dân chủ được áp dụng tại Trung Quốc?
- Không thể đưa ra các nấc thang thời gian để trả lời câu hỏi này. Các hiện tượng nảy sinh tại Trung Quốc cho phép chúng ta nghĩ rằng sẽ có một ngày, tại nước này sẽ hình thành một hệ thống chế độ cởi mở hơn nhiều, thậm chí là dân chủ.
+ Mùa Xuân Arập liệu có tạo vết dầu loang ở Trung Quốc?
- Năm 2011, các ý đồ tái diễn kêu gọi biểu tình theo mô hình “Mùa xuân Arập” đều đã thất bại. Ở Trung Quốc thực sự tồn tại tâm lý bất mãn trong dân chúng, và chúng ta thường xuyên được chứng kiến “những vụ rắc rối đám đông”, những cuộc biểu tình ở nông thôn chống lại hiện tượng tham nhũng, nhưng rõ ràng các cuộc biểu tình này vẫn rất địa phương. Và ĐCSTQ đang tìm mọi cách để ngăn chặn mọi ý đồ quy tụ các bất mãn này thành một mặt trận chống đối có tổ chức.
+ Với trường hợp của Tây Tạng và Tân Cương, liệu có nguy cơ bùng nổ tại các đường biên giới của Trung Quốc?
- Hiện tại, không thể nói về sự tồn tại các nguy cơ bùng nổ như vậy. Tình hình ở Tây Tạng và Tân Cương rất khác nhau. Nếu ở Tân Cương có một vài phong trào cực đoan và vũ trang thì ở Tây Tạng lại không phải như vậy. Hai khu vực biên giới này có một giá trị chiến lược hàng đầu đối với Trung Quốc và vì vậy, tại các nơi này luôn có một sự hiện diện quân sự rõ rệt để đề phòng mọi nguy cơ bùng nổ xung đột. Hơn nữa, các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế nhìn chung đều không ủng hộ các phong trào ly khai tại hai khu vực này.
                  ***

TTXVN (Angie 21/3)
Năm nay, phiên họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc kết thúc bằng một cú sét. Ngày 15/3, một thông cáo ngắn gọn của Tân Hoa Xã thông báo Bạc Hy Lai bị cách chức Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Theo đánh giá của tạp chí “Tin Trung Hoa”, đây là sự kiện chính trị bi đát nhất kể từ khi Trần Lương Vũ, Bí thư thành ủy Thượng Hải, bị phế truất vào năm 2006. Cũng như Bạc Hy Lai, Trần Lương Vũ lúc đó cũng là ủy viên Bộ Chính trị. Cũng như lần này, vụ bê bối Thượng Hải nổ ra trước thềm Đại hội lần thứ 17 Đáng Cộng sản Trung Quốc.
Bị cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm quyền, Bí thư thành ủy Thượng Hải bị kết án 18 năm tù vào tháng 4/2008. Nhưng ai cũng biết rằng ngoài những khoản thu nhập trái phép có được từ buôn bán đất đai mà ông để cho người nhà và bạn bè làm, nhân vật thuộc phái Giang Trạch Dân này còn phản đối trực diện tư tưởng của êkíp Hồ cẩm Đào-Ôn Gia Bảo cầm quyền từ năm 2002.
Kết quả công tác đầy tranh cãi
Từ khi nổ ra vụ Trùng Khánh vào ngày 8/2 – trong đó Vương Lập Quân, một trong những cộng sự gần gũi nhất của Bạc Hy Lai, người cùng với ông tiến hành chiến dịch chống tội phạm có tổ chức trong hai năm 2009 và 2010 và là Phó thị trưởng Trùng Khánh – định xin tỵ nạn tại lãnh sự quán Mỹ, tương lai chính trị của Bạc Hy Lai đột nhiên lu mờ trông thấy.
Tin đồn tham nhũng được đăng tải đầy trên các trang mạng ở Trung Quốc, cộng với những câu chuyện đầy tranh cãi về sự nghiệp của một con người từng 20 năm ở Liêu Ninh và Đại Liên, nơi thành tích của Bạc Hy Lai với tư cách là thị trưởng, tỉnh trưởng rồi bí thư thành ủy, được đánh giá theo nhiều cách khác nhau. Người này, do thích phong cách của ông cho rằng ông làm việc có hiệu quả, là người dễ chịu và có tài diễn thuyết Người không thích ông, trái lại, coi ông là một chính trị gia thấp hèn, tính cách hời hợt, có năng khiếu để tỏ ra như vậy hơn là để làm việc một cách thực chất hơn. Cũng có người đánh giá ông là kẻ cơ hội và thích tự khuếch trương mình.
Thêm vào đó là những lời cáo buộc hiểm độc vô liêm sỉ trong cuộc chiến chống giáo phái Pháp luân công, cho đến nay vẫn còn rất nặng nề với những lời đồn đại về các vụ ám sát để lấy nội tạng người.
Năm 2004, trong khi bị cáo buộc tại Canada vì tội chống lại loài người, Bạc Hy Lai, lúc đó là Bộ trưởng Thương mại, thậm chí bị rút khỏi thành phần đoàn của Phó Thủ tướng Ngô Nghi thăm chính thức Ốttaoa.
Tại Trùng Khánh, nơi ông làm Bí thư thành ủy từ năm 2007 sau khi làm Bộ trưởng Thương mại trong 3 năm, chiến dịch chống tham nhũng được tuyên truyền rầm rộ, với những biện pháp vội vàng chống tội phạm có tổ chức được dư luận quan tâm, song cũng gây ra nghi ngại và ghen tức. Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn không thích những gì quá lộ liễu, nói chung vẫn tỏ ra bình thản và dè dặt trước bầu không khí sôi sục do cách làm không hề mặc cảm của Bạc Hy Lai gây ra, trong khi ông trở thành ngôi sao trên báo chí quốc tế.
Tuy co hiệu quả không thể phủ nhận – với 3.000 vụ bắt người, trong đó có 87 viên chức tòa thị chính thành phố, cộng vói 9 vụ kết án tử hình song phương thức đôi khi tàn bạo và thẳng thừng cộng với có lúc mớm cung và gây sức ép với luật sư, luôn tìm kiếm sự ủng hộ của dân chúng bằng hồi tưởng cách mạng, khiến ban lãnh đạo tối cao phật ý và phản ứng trước việc sử dụng hồi tưởng Maoít mang tính mỵ dân.
Bất đồng về chính trị
Sẽ là chưa đủ nếu nói rằng êkíp cầm quyền, với phong cách kín đáo, khiêm nhường và có phần kiềm chế gò bó, không đánh giá cao cách thức tuyên truyền của Bạc Hy Lai, người dường như sử đụng truyền thông để khuếch trương hình ảnh của mình và thúc ép Đảng để được vào Thường vụ Bộ chính trị tại Đại hội lần thứ 18. Đặc biệt, “cuộc thử nghiệm Trùng
Khánh”, vốn mang dấu ấn nặng nề của nhãn quan xã hội cực đoan, được nhiều người đánh giá là “bước lùi” đến mức nguy hiểm, hơn nữa lại được hỗ trợ bằng chuẩn mực hướng về Mao Trạch Đông, người mà Đảng cộng sản không muốn nhắc lại nhiều, gây ra phản ứng tiêu cực mạnh mẽ trong giới lãnh đạo.
Ôn Gia Bảo, người năm 2007 từng phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng, cách đây vài tháng lên tiếng phê phán phong trào Maoít mới có nguy cơ gây ra cuộc “Cách mạng văn hóa mới”. Cuối tháng 8/2011, tại một cuộc hội thảo, một số trí thức quá mệt mỏi trước tiến độ cải cách gần như ngưng trệ, phê phán kịch liệt “bước lùi” trong các chuẩn mực Maoít. Sự kiện này được coi là dấu hiệu báo trước những chấn động sẽ xảy ra.
Biểu tượng bi đát nhất của những cuộc tranh cãi phê phán phong cách của Bí thư thành ủy Trùng Khánh, người nhắc lại cuộc Cách mạng văn hóa, là cuộc gặp gỡ ngày 5/3 vừa qua tại Quốc hội giữa một Bạc Hy Lai đã thu mình lại và Đặng Phác Phương, người con trai bị liệt hai chân của Đặng Tiểu Bình phải ngồi xe lăn, sau khi bị đẩy từ cửa sổ tầng ba một ngôi nhà trong Trường đại học Bắc Kinh xuống vào năm 1968.
Đúng là Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn trân trọng những kỷ niệm về Mao, người cứu vớt nước Trung Quốc khỏi tủi nhục, song phần lớn đảng viên hiện nay cương quyết chống lại những bước đi sai lệch cực đoan của chủ nghĩa Maoít. Đồng thời, các trí thức theo trường phái tự do tỏ ý lo ngại trước quy mô của phong trào hồi tưởng chủ nghĩa Maoít được ủng hộ bởi một đám đông những người bất mãn bị kích động trước những suy đồi đạo đức trong thời hiện đại hóa, trong khi ở đây đó, một số người thậm chí còn thận trọng chủ trương đặt lại vấn đề đối với tư tưởng Đặng Tiểu Bình.
Một “phân tử tự do” tham vọng và nguy hiểm
Là nhân vật sinh ra từ cuộc tranh cãi truyền thống giữa phái cải cách và phái bảo thủ, là người chơi một bản nhạc vừa được lòng dân chúng vừa độc đáo, nhưng không ăn nhập với dòng nhạc truyền thống, Bạc Hy Lai tạo cảm giác ông là một “phân tử tự do” với phong thái, phong cách và phương pháp hoàn toàn đối lập với đòi hỏi phải kín đáo và thỏa hiệp. Tệ hơn nữa, tham vọng mạnh mẽ của ông khiến người khác nghi ngờ lòng trung thành của ông trong trường hợp xảy ra khủng hoảng nội bộ, đến mức một số người nghĩ rằng cơn khát quyền lực cá nhân của Bạc Hy Lai khiến ông không thể không chơi trò của riêng mình.
Tại cuộc họp báo thường kỳ theo truyền thống từ 10 năm nay sau kỳ họp Quốc hội, Ôn Gia Bảo ký bản án đột ngột chấm dứt sự nghiệp của Bạc Hy Lai, người mà ông chưa bao giờ đánh giá cao cả về tư tưởng lẫn phong cách, và nói rằng “chính quyền Trùng Khánh phải rút ra bài học từ vụ Vương Lập Quân”.
Tân Hoa Xã, vẫn không bình luận và bình thản như thường lệ, cho biết người kế nhiệm Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh là Phó Thủ tướng Trương Đức Giang (65 tuổi), ủy viên Bộ chính trị, người có kinh nghiệm qua ba lần làm Bí thư ở Cát Lâm, Chiết Giang và Quảng Đông. Được đào tạo ở Bắc Triều Tiên, tại Trường đại học Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng vào cuối những năm 1970, nơi ông nhận bằng về kinh tế, và là người rất xa vời các luận thuyết về thị trường, các sáng kiến của Trương Đức Giang ít có khả năng xa rời khuôn khổ chính trị do Đảng vạch ra.
Năm 2007, theo một bức điện của Lãnh sự quán Mỹ tại Thượng Hải được Wikileaks tiết lộ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo phản đối việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai vào chức Phó Thủ tướng với lý do ông này nhiều lần bị cáo buộc tại Mỹ, Canada, Anh, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Rumani và Ba Lan vì ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công. Những lời cáo buộc trên nói. Đến chuyện hiếp dâm tập thể, tra tấn và lấy nội tạng của một số thành viên giáo phái này lúc họ còn sống. Các vụ ngược đãi thành viên giáo phái Pháp luân công được Bạc Hy Lai bảo lãnh được đăng tải trong một bài báo của tờ “Epoch Times”.
Thăng tiến chính trị không rõ ràng
Bức điện trên, đồng thời được đăng tải trên “China Uncensored”, cũng nói đến một tiết lộ ngày 9/11/2007 của La Nghị, đại diện Trung Quốc tại nhóm Carlyle, khẳng định việc điều động Bạc Hy Lai đến Trùng Khánh có thể là lần chuyển công tác cuối cùng và đánh dấu đoạn kết sự nghiệp chính trị của ông. Đối với Ôn Gia Bảo, đúng là nguy hiểm nếu bổ nhiệm một nhân vật bị quốc tế xoi xét nhiều như vậy.
“China Uncensored” cũng nói đến một bài báo đăng trên mạng Aboluo của Trung Quốc – hiện nay không còn – tiết lộ mối liên hệ giữa Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, và Giang Trạch Dân cũng như cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa Kiều Thạch và Giang Trạch Dân, xung quanh việc bổ nhiệm Bạc Hy Lai.
Sau năm 1989, trong khi phái bảo thủ nắm quyền ở Bắc Kinh, Kiều Thạch, thuộc phái cải cách và thuộc gia đình có mối quan hệ xa với Tưởng Giới Thạch, ủy viên thường vụ Bộ chính trị và Chủ tịch Quốc hội, bị Bạc Nhất Ba loại khỏi quyền lực vì quá tuổi để đưa Giang Trạch Dân lên và ông này hứa hẹn, đổi lại, sẽ ủng hộ Bạc Hy Lai.
Sự câu kết giữa Giang Trạch Dân và Bạc Nhất Ba vì Bạc Hy Lai càng chặt chẽ hơn khi vào năm 1995, Bạc Nhất Ba giúp Giang Trạch Dân, lúc đó là Tổng bí thư, loại bỏ Thị trưởng Bắc Kinh là Trần Hi Đồng. Trong một bức thư gửi Đặng Tiểu Bình, Trần Hi Đồng tiết lộ cha của Giang Trạch Dân trước đây từng cộng tác với quân Nhật trong chiến tranh.
Như vậy, có thể giải thích được thái độ khoan dung của Đảng đối với cách hành xử không đúng của các con trai khác của Bạc Nhất Ba, chắc chắn là buôn bán ma túy và tham nhũng. Còn Bạc Hy Lai được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Liêu Ninh năm 1998 khi mới 49 tuổi, ít ngày sau khi được bố nhiệm lần thứ hai làm Thị trưởng Đại Liên. Một năm sau, ông không vào được Ban chấp hành trung ương và chỉ đạt được mục đích này vào năm 2004, khi đang làm Bộ trưởng Thương mại.
Ai muốn tiêu diệt Bạc Hy Lai?
Một bài phân tích trên Đài châu Á tự do xác định Bạc Hy Lai có tới 7 kẻ thù, trong đó có 4 là ủy viên thường vụ Bộ chính trị và một là ủy viên Bộ chính trị, cộng với Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng.
Các đối thủ hàng đầu của Bạc Hy Lai có thể là hai người tiền nhiệm của ông ở thành phố Trùng Khánh là Hạ Quốc Cường và Uông Dương, những người có thành tích dường như quá lu mờ so với chiến dịch đàn áp và tuyên truyền ồn ào chống tội phạm có tổ chức do Bạc Hy Lai phát động vào năm 2008. Uông Dương, hiện là Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông và ủy viên Bộ chính trị, không có lý do gì để tấn công Bạc Hy Lai, song trái lại, Hạ Quốc Cường, ủy viên thường vụ Bộ chính trị, người đứng đầu ủy ban kỷ luật đầy quyền lực của Đảng, lại là người có vị trí lý tưởng để làm việc này.
Hai ủy viên thường vụ Bộ chính trị khác là Chủ tịch tương lai Tập Cận Bình và Thủ tướng tương lai Lý Khắc Cường có thể cho rằng những hành động mỵ dân của một bí thư thành ủy, được giới truyền thông nhắc đến nhiều và có sức thuyết phục, lại đang ứng cử vào một ghế thường vụ Bộ chính trị, có thể sẽ đe dọa quyền lực của họ và thậm chí có nguy cơ quấy nhiễu trên con đường họ tiến lên đỉnh cao quyền lực.
Còn Ôn Gia Bảo, hiện là ủy viên thường vụ Bộ chính trị, là đối thủ công khai của Bạc Hy Lai. Ôn Gia Bảo khẳng định hiện nay có hai khuynh hướng phong tỏa việc thể hiện chân lý ở Trung Quốc: đó là di sản của chế độ phong kiến và liều thuốc độc của cuộc Cách mạng văn hóa. Dự án chính trị của Bạc Hy Lai quả thực hoàn toàn đi ngược lại dự án của phong trào cải cách mà Ôn Gia Bảo không ngớt ca ngợi.
Ngoài số kẻ thù trực tiếp này, Đài phát thanh châu Á tự do còn liệt kê thêm Tăng Khánh Hồng, người từng là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất việc bổ nhiệm Tập Cận Bình vào năm 2007, và Giang Trạch Dân, người có thể muốn trả thù vì sức ép mà Bạc Nhất Ba, cha của Bạc Hy Lai, buộc ông phải chịu từ năm 1995 và gần như đến lúc Bạc Nhất Ba chết vào năm 2007.
Trong bối cảnh đó, các đồng minh của Bạc Hy Lai là Giả Khánh Lâm, Lý Trường Xuân, Châu Vĩnh Khang và Ngô Bang Quốc, những người đứng ra bảo vệ cuộc thử nghiệm chính trị của Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh, đành chịu bó tay. Chỉ có Châu Vĩnh Khang, với tư cách là người phụ trách các vấn đề chính trị và pháp lý của Đảng và cũng là người đã biến Bạc Hy Lai thành người kế nhiệm tiềm tàng của mình, dường như có can thiệp. Một nguồn tin của Lãnh sự quán Mỹ tại Trùng Khánh cho biết sau vụ Vương Lập Quân định đào tẩu ngày 8/2, Châu Vĩnh Khang dường như đã trực tiếp nắm quyền kiểm soát bộ máy an ninh ở Trùng Khánh để tránh đẩy các cuộc điều tra đi quá xa.
về số phận của Bạc Hy Lai, cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng. Ông sẽ bị ủy ban kỷ luật điều tra, song giả thiết có nhiều khả năng nhất là ông sẽ được điều sang một vị trí không quan trọng, trừ phi cuộc tranh cãi xung quanh “hình mẫu Trùng Khánh”, vốn được một số người ủng hộ, nhưng không rõ là bao nhiêu người, lan rộng, Nhưng trong trường hợp này, Bạc Hy Lai sẽ bị kẹt giữa hai làn đạn trong cuộc chiến kế nhiệm và sẽ phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng. Dầu sao, vụ này cũng làm tổn hại nghiêm trọng tới hình ảnh lý tưởng mà Đảng cộng sản Trung Quốc muốn để cho thế giới thấy về một cuộc chuyển giao êm thấm, có trật tự và không có gì bất ngờ.
          ***

TTXVN (Hồng Công 23/3)
Theo mạng “Đa Chiều” ngày 21/3, từ việc Vương Lập Quân ra đi, cho đến Bạc Hy Lai bị cách chức, vở kịch chính trị bí hiểm đầy kịch tính ở Trùng Khánh hết lần này đến lần khác được đẩy lên cao trào. Những suy đoán, đồn đoán, tiết lộ, dự báo… bên ngoài hoàn toàn khác với sự im lặng kín bưng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dư luận bên ngoài dùng mọi cách để “thêm mắm thêm muối” cho vụ việc, thậm chí tung tin thất thiệt. Từ sau sự kiện 4/6/1989, ĐCSTQ luôn giữ hình ảnh đoàn kết trước bên ngoài, từ việc thay đổi đội ngũ lãnh đạo, sắp xếp nhân sự quan trọng, cho đến ý thức hệ, ĐCSTQ luôn thể hiện cục diện bình ổn và đoàn kết, Có nhà quan sát chính trị ĐCSTQ cho biết cùng với diễn biến của đợt phong ba ở Trùng Khánh và việc Bạc Hy Lai mất chức, sự đoàn kết mà ĐCSTQ luôn cố thể hiện dường như bắt đầu xuất hiện vết nứt, thậm chí khả năng dẫn tới một trận “động đất” sẽ ngày càng cao.
Mọi người tự hỏi “hôm qua còn là một Bí thư tốt được nhân dân ca ngợi, kính trọng, hôm nay (sao) lại bị cách chức?” Cách nói không rõ ràng của Bắc Kinh càng khiến mọi người nghi hoặc về bản chất cũng như hướng đi của vụ việc. Vậy vì sao ĐCSTQ phải dùng đến “dao mổ trâu để giết gà”? Đối với đội ngũ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ hiện nay, Bạc Hy Lai là một “con gà” đơn giản hay là một nguy cơ lớn? Đối với những câu hỏi như thế này, bên ngoài chỉ có sự phỏng đoán và phân tích bởi sự thật không được cung cấp đầy đủ, thậm chí có một số sự thật vĩnh viễn không được tiết lộ.
Chính trị hiện nay của Trung Quốc đang trong cơn phong ba?
Bạc Hy Lai bị cách chức, báo chí Trùng Khánh đột nhiên đăng tải tuyên bố của Đảng ủy, chính quyền và các cơ quan quan trọng của Trùng Khánh nhất trí kiên trì ủng hộ quyết định của Trung ương, “trung thành” cao độ với Trung ương Đảng về mặt tư tưởng, chính trị và hành động… Thị trưởng Trùng Khánh Hoàng Kỳ Phàm còn triệu tập hội nghị yêu cầu coi trọng cao độ và làm tốt công tác an ninh, “đề phòng nghiêm ngặt phát sinh các sự kiện chính trị – xã hội”. Việc nhiều lần nhấn mạnh cần đề phòng sự bất ổn xã hội đã cho thấy Trung ương ĐCSTQ đang hết sức cảnh giác đối với các động thái bất thường, đồng thời cho thấy những ảnh hưởng và xung đột tiềm tàng từ việc Bạc Hy Lai bị miễn chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh.
Tờ “Thời báo Tài chính” của Anh dẫn lời chuyên gia am hiểu tình hình chính trị Trung Quốc cho biết việc Bạc Hy Lai bị miễn chức có thể tác động đến chính trường tương đương với đợt “phong ba” cách đây 23 năm. Nói như vậy có vẻ đánh giá hơi quá cao vị trí và sức ảnh hưởng của Bạc Hy Lai, song nếu lấy khoảng thời gian gần 20 năm trở lại đây, lần thay đổi lãnh đạo Trùng Khánh hết sức bất ngờ này rõ ràng cho thấy đội ngũ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc lần đầu tiên thể hiện rõ sự bất đồng xung quanh đường lối phát triển đất nước.
Mặc dù trước khi xảy ra chuyện, Bạc Hy Lai cũng công khai bày tỏ ủng hộ đường lối của Trung ương, song rõ ràng Bạc Hy Lai (với việc lấy “hát nhạc đỏ và trấn áp tệ nạn” làm tiêu chí) có chỗ khá cực tả với con đường cải cách mở cửa của Trung ương. Nếu như nói rằng trạng thái này trước đây chỉ lờ mờ, không bị chỉ đích danh, thì trong cuộc họp báo sau kỳ họp Lưỡng hội vừa qua, khi trả lời về sự kiện Vương Lập Quân, Thủ tướng Ôn Gia Bảo hai lần đề cập tới “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của Đảng từ khi thành lập nước” – một văn kiện quan trọng tổng kết bài học của Cách mạng Văn hóa, “vấn đề đường lối” (của Trùng Khánh) gần như đã được Ôn Gia Bảo chỉ rõ.
Nên thừa nhận rằng không phải tất cả cách làm của Trùng Khánh đều hình thành sự xung đột với chính sách mở cửa, nhưng cách tuyên truyền của nó trong vài năm qua thực sự đã phát đi tín hiệu chính trị không hoàn toàn đồng điệu với chính sách hiện nay. Trên thực tế, cuối năm ngoái, Trùng Khánh đã bắt đầu “chuyển đổi mô hình chính trị”, nhưng có lẽ do trước đó đã làm quá mạnh mẽ nên sau khó thu tay lại. Cuối cùng, sự kiện Vương Lập Quân đã khiến tiền đồ chính trị của Bạc Hy Lại đổ bể. Cho tới nay, giới bên ngoài vẫn chưa thể xác định được quyết định “không kiêm nhiệm thêm” mà ĐCSTQ đưa ra đã phải là kết cục xấu nhất chưa, hay vẫn còn sự trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa đang chờ ở phía trước.
Sau sự kiện Vương Lập Quân, Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải đã gọi đó là “sự kiện đơn lẻ”, cách nói này được tiếp tục cho tới khi “Lưỡng hội” khai mạc vào tháng 3, nhưng cuối cùng Bạc Hy Lai bị mất chức trong thời gian ngắn ngủi, nhiều người đoán sự xoay chuyển đột ngột này là do lãnh đạo thành phố Trùng Khánh tự ý làm lộ thông tin ra ngoài, hơn nữa có lời nói gián tiếp uy hiếp lãnh đạo Trung ương đi thị sát Trùng Khánh, lộ ra khuynh hướng không phục tùng Trung ương.
Một khi đã vượt qua giới hạn này sẽ là điều không thể chấp nhận được nữa.
Đợt sóng gió chính trị này một lần nữa đã khẳng định con đường cải cách mở cửa của Trung Quốc, loại bỏ những nhân tố khó lường trên con đường phát triển đất nước, có thể nói là một việc tốt cho sự phát triển lâu dài của Trung Quốc và Đại hội 18 diễn ra thuận lợi.
Gần đây trên Internet có tin đồn rằng khi bị điều tra, Vương Lập Quân đã phanh phui ra nhiều việc được giấu kín. Có tờ báo cho biết Vương Lập Quân đang nắm giữ không ít chứng cứ bất lợi cho Bạc Hy Lai, trước khi tới Tổng lãnh sự quán Mỹ, Vương Lập Quân đã viết một bức thư gửi Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương, tiết lộ một số hành vi phạm pháp của Bạc Hy Lai – những tin đồn này cho đến nay vẫn chưa được chứng thực nhưng có thể thấy sự việc này vẫn đang trong quá trình “lên men”, cuối cùng giới cầm quyền có thể sẽ dùng “con đường đúng đắn” để nói rõ nguyên nhân của biến cố Bạc Hy Lai cho bên ngoài được biết.
Nhằm thể hiện phương hướng cải cách? .
“Mô hình Trùng Khánh” và “mô hình Quảng Đông” là hai mô hình phát triển khác nhau thường được đưa ra để so sánh đường hướng. Cho đến nay, cùng với việc Bạc Hy Lai bị cách chức, có người cho rằng đó cũng là sự cáo chung của “mô hình Trùng Khánh”, Trùng Khánh sẽ đi theo một con đường cải cách hiện đại hóa hơn, chứ không phải là quá độ tả khuynh. Nhưng cũng có người phân tích rằng, mô hình Trùng Khánh không đơn thuần là “hát nhạc đỏ và trấn áp tệ nạn”, việc Bạc Hy Lai bị cách chức chỉ là sự kết thúc của “mô hình Bạc Hy Lai” chứ “mô hình Trùng Khánh” không phải bị phủ định hoàn toàn, đặc biệt về các biện pháp cụ thể như cải cách hộ khẩu, xây dựng nhà ở an sinh xã hội thì Trùng Khánh thực sự vẫn có những điểm đáng được khen ngợi. Phủ định “mô hình Trùng Khánh” một cách đơn giản cũng giống như khẳng định nó một cách đơn giản đều là thiếu sự suy nghĩ sâu sắc”.
Học giả Tiêu Tân của trường Đại học Trung Sơn đã từng có những phân tích về đặc trưng của hai mô hình này: sự khác biệt giữa mô hình Trùng Khánh và mô hình Quảng Đông nằm ở chính sự điều phối khác nhau của hai cơ chế quản lý điều hành, hướng đi của người đứng đầu. Cả hai đều nhằm phá bỏ tình trạng rối ren hiện nay, nhưng mô hình Trùng Khánh đang tăng cường cơ chế quản lý của “đại chính phủ”, Mấy năm qua, các chính sách mà Trùng Khánh thực hiện như “hát nhạc đỏ và trấn áp tệ nạn”, chính quyền nỗ lực thúc đẩy nông dân đi ra thành phố, xây dựng nhả ở an sinh xã hội… đều đi theo phương hướng này.
Ngược lại, mô hình Quảng Đông lại hướng tới thị trường và xã hội tự quản lý. Mấy năm qua, các địa phương ở Quảng Đông đều tiến hành cải cách rộng rãi ở các mức độ khác nhau, bao gồm công khai hóa ngân sách của Chính quyền Quảng Đông, hỏi đáp trực tuyến chính quyền ở các huyện Hà Nguyên và Huệ Đức, thí điểm dân chủ trong đảng ở Thâm Quyến và vấn đề “đa nguyên cùng trị” trong quản lý xã hội mà Quảng Đông mới đưa ra gần đây nhất. Những điều này đã tạo nên “mô hình Quảng Đông.”
Cũng có thể nói rằng mô hình Trùng Khánh và mô hình Quảng Đông đều có ý đưa ra câu trả lời đối với sự căng thẳng bên trong cơ chế hỗn hợp hiện nay. Điều khác biệt ở chỗ, mô hình Trùng Khánh chuẩn bị thông qua việc quay lại phần nào cơ chế trước đây để tháo gỡ xung đột xã hội hiện nay; trong khi mô hình Quàng Đông lại thúc đẩy việc thay đổi chế độ nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường và sự phát triển của xã hội thành thị.
Hai mô hình này, cái nào tốt, cái nào xấu? Mỗi người có cách nhìn nhận khác nhau. Đối với mô hình Trùng Khánh, mô hình Quảng Đông, thậm chí có thể có mô hình khác chưa được tổng kết lại, không thể phủ nhận toàn bộ sau một biến động nhỏ. Cho dù thế nào thì cuộc cạnh tranh này bản thân nó là việc làm tốt, nó giúp tìm ra các phương án tốt để giải quyết những vấn đề hiện nay của Trung Quốc.
Trùng Khánh không nên bị chôn vùi
Ai cũng biết, Trùng Khánh là thành phố trực thuộc Trung ương, mấy năm gần đây phát triển khá nhanh, tuy ĐCSTQ nhấn mạnh đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương, song rõ ràng những thành quả trên không thể tách rời nhà lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Trước đây, Bạc Hy Lai đưa ra “5 cái Trùng Khánh” (rừng rậm, thông suốt, bình an, sức khỏe, ở rẻ) để đặt mục tiêu cho năm 2020, song nay Trùng Khánh “đổi chủ”, theo tư duy nói chung của Trung Quốc “đổi người tức đổi phương thức phát triển”, liệu phương thức xây dựng Trùng Khánh mà Bạc Hy Lai đã định ra, ví như “5 cái Trùng Khánh”, liệu có bị dừng lại hay không? Đây là vấn đề đáng được quan tâm.
Trong mấy năm làm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã mang lại cho Trùng Khánh những cải cách khác các nơi: xây dựng văn minh tinh thần và chỉnh đốn trị an xã hội mà trong đó “hát nhạc đỏ và trấn áp tệ nạn” làm chủ thể; phát triển quy hoạch chung thành thị và nông thôn mà tiêu chí là “giao dịch trái phiếu địa phương”, “cải cách chế độ hộ tịch”, “xây dựng nhà ở xã hội”; triển khai các công trình dân sinh như “5 cái Trùng Khánh”, “cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh khó khăn”, “20 điều cùng giàu”, “quan chức cơ sở ăn ở cùng dân”…; tìm tòi chiến lược phát triển; tổ chức lại cỗ xe tam mã “quốc doanh, dân doanh, đầu tư nước ngoài” và nâng cao cơ cấu kinh tế…
Người dân Trùng Khánh đa số cho rằng nhờ Bạc Hy Lai chuyên tâm trấn áp tệ nạn nên đã xử lý được rất nhiều vụ tội phạm có tổ chức; về kinh tế, Trùng Khánh có nhiều sự phát triển cũng được cho là do công lao của Bạc Hy Lai.
Trong cuộc họp cán bộ lãnh đạo Trùng Khánh để thông báo việc miễn chức Bạc Hy Lai, tân Bí thư Trương Đức Giang bày tỏ bám sát trung ương “không dao động”, “không buông lỏng”, “không dằn vặt”, kiên trì cải cách mở cửa. Ông đồng thời đưa ra 5 kiên trì, tức kiên trì sự lãnh đạo của Đảng, kiên định sáng suốt; kiên trì phát triển khoa học, cải thiện dân sinh; kiên trì cai cách sâu sắc, mở rộng mở cửa; kiên trì tôn trọng thực tiễn, dựa vào quần chúng; kiên trì chống tham nhũng, làm việc liêm khiết.
Đánh giá về người kế nhiệm này, tạp chí “Nhà kinh tế” cho rằng: tin tốt là Trương Đức Giang có học vị cử nhân kinh tế; tin xấu là học vị này được Đại học Kim Nhật Thành cấp cho. Tuy nhiên, điều không nên coi nhẹ là Phó Thủ tướng Trương Đức Giang từng lãnh đạo Cát Lâm, Chiết Giang, Quảng Đông và có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo.
  *** 
(Đài RFA 21/3)
 Tuần qua tin tức dồn dập từ Trung Quốc về vụ ông Bạc Hy Lai mất chức Bí thư Trùng Khánh khiến dư luận chú ý đến một phạm trù được gọi là “Mô hình Trùng Khánh”. Vũ Hoàng đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về ưu nhược điểm của chính sách kinh tế áp dụng tại thành phố đông dân nhất thế giới này vì có khi đấy cũng là một trong nhiều lý do giải thích tại sao ông Bạc Hy Lai lại bị thay thế trước Đại hội Đảng khóa 18 tại Bắc Kinh.
 Mô hình hấp dẫn
 + Xin chào ông Nghĩa. Theo dõi tin tức trong truyền thông Việt ngữ, chúng tôi thấy hình như ông đã sớm nói về sự thất bại của “Mô hình Trùng Khánh” giữa hai biến cố cũng gay go về kinh tế chính trị tại Trung Quốc là khủng hoảng ở Ôn Châu và biến động ở Ô Khảm. Sau khi người được coi là tác giả của “Mô hình Trùng Khánh” là Bí thư Bạc Hy Lai vừa mất chức tuần qua, đề nghị ông trình bày về một số đặc điểm của mô hình này. Trước tiên, xin ông nói về bối cảnh của vấn đề?
 về bối cảnh, có lẽ ta cần nhắc lại vài đặc tính của Trung Quốc. Thứ nhất, do vị trí địa lý, lãnh thổ rộng lớn của nước này có ba vùng khác biệt từ đại dương tới nội địa. Miền Đông trù phú, miền Tây nghèo khổ và khu vực biên giới hoang vu vây quanh ba phía từ Tây Nam qua hướng Tây lên tới hướng Bắc và Đông Bắc. Đó là khái niệm tôi cứ gọi là “nhất quốc tam kinh”, tức là một quốc gia có ba nền kinh tế với bài toán nan giải là bất công xã hội giữa các địa phương, an ninh quốc gia tại vùng phiên trấn và chính sách phát triển ở cấp trung ương. Thứ hai, do chế độ độc đảng và chưa có thể chế dân chủ liên bang, các cuộc tranh luận về chính sách phát triển thích hợp không được công khai hóa trong khi chiến lược kinh tế theo đuôi từ hơn 30 năm nay chẳng những không giải quyết nổi mâu thuẫn bên trong, mà còn đào sâu khoảng cách địa lý và xã hội và nhất là tạo ra vấn đề giữa chủ trương của trung ương với đường hướng riêng của các đảng bộ địa phương. Trong hoàn cảnh đó, sáng kiến của ông Bạc Hy Lai về mô hình áp dụng cho Trùng Khánh có một số ưu điểm nhất định đến độ nhiều người cho là mầu mực khả dĩ để áp dụng ở nơi khác. Thực tế lại không đơn giản như vậy, mà cá tính cùng phương pháp của ông ta lại gây vấn đề cho nhiều địa phương hay lãnh đạo khác. Khi họ chuẩn bị việc chuyển giao quyền lực tại Đại hội 18 vào mùa Thu này, mâu thuẫn đó trở thành công khai. Tôi còn nghĩ rằng vụ Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân bị quản thúc tháng trước chỉ là mặt nổi của các mâu thuẫn căn bản và gay gắt hơn về tương lai của Trung Quốc.
 + Cám ơn ông đã tóm lược nhiều vấn đề nan giải của quốc gia phức tạp này. Bây giờ, ta bắt đầu với mô hình Trùng Khánh mà ông cho là có một số ưu điểm nhất định nên đã được nhiều người cho là mẫu mực, Vậy mô hình đó có đặc tính gì?
 - Trùng Khánh là một trong bốn thành phố do Trung ương quản lý, đông dân nhất với hơn 30 triệu người. Đây là thành phố nằm trong mà biệt lập với Tứ Xuyên, một tỉnh bị khóa trong đất liền, chứ không tiếp cận biển như ba thành phố kia. Thời mở cửa 30 năm trước, chế độ bao cấp phá sản, doanh nghiệp nhà nước bị cải tổ, thành phố tụt hậu so với các tỉnh thành duyên hải. Bên trong còn bị thất nghiệp cao và nạn tham ô, cùng cường hào ác bá cấu kết với các băng đảng khiến xã hội bất ổn, cư dân lũ lượt tiến về miền Đông kiếm việc. Khi được đưa từ Bộ Thương mại về làm Bí thư cuối năm 2007, Bạc Hy Lai đưa ra sáng kiến giải quyểt vấn đề kinh tế xã hội của Trùng Khánh. Ông ta tách khỏi xu hướng đẩy mạnh xuất khẩu của các tỉnh thành duyên hải mà phát triển đầu tư và tiêu thụ trong nội địa, đa dạng hóa kinh tế, tập trung xây dựng các dự án hạ tầng và tái phân phối lợi tức cho dân nghèo, Trong tiến trình đô thị hóa khá mạnh, ông không đế xảy ra nạn cướp đất của dân và có chú trọng đến công bằng xã hội. Trùng Khánh trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, xây dựng được hệ thống công nghiệp nhẹ và hướng về tiêu dùng. Khi thế giới bị suy thoái năm 2008- 2009 và kinh tế Trung Quốc nói chung giảm đà tăng trưởng dưới tốc độ 10% của các năm trước, Trùng Khánh vẫn tiến mạnh với tốc độ trên 16% vào năm 2011. Đó là thành tích kinh tế không nhỏ nên người ta mới nói đến một mô hình hấp dẫn.
 Công bằng xã hội
 + Còn về mặt xã hội và chính trị thì mô hình này có gì là đặc biệt?
 - về xã hội, Bạc Hy Lai được coi là có công phá vỡ hệ thống cấu kết chính trị và trấn áp các băng đảng mà ta vẫn gọi là các hội kín hay “Tam Hợp”, xưa nay tung hoành rất mạnh, Ông cũng mở rộng các dịch vụ xã hội và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Năm 2011, lợi tức của các hộ gia đình ở thành thị, là những đơn vị hành chính có hơn 20.000 dân, tăng được hơn 15%, tại các làng xã thi tăng đến 22%. Cùng với việc đô thị hóa, hơn ba triệu người đã vào thành thị mà Trùng Khánh không bị động loạn hay khiếu kiện về đất đai. Cho nên, so với nhiều nơi khác thì công bằng xã hội là ưu điểm của Trùng Khánh.
 -Về chính trị, Bạc Hy Lai đề cao yếu tố công bằng trong Tư tưởng Mao Trạch Đông. Với khẩu hiệu “thanh hồng, đả hắc”, hát nhạc đỏ và diệt trừ xã hội đen, ông khôi phục thủ thuật vận động quần chúng kiểu Mao, như “chiến dịch đỏ” và hát các ca khúc yêu nước. Ông lôi kéo phái “Tân Tả”, các phần tử cực tả đang lo sợ là vì kinh tế thị trường mà xứ sở mất bản sắc cộng sán và chạy theo, phương Tây. Nhưng nghịch lý là bản thân ông Bạc Hy Lai lại hành xử như một chính khách phương Tây với áo khăn dịu dàng và cách ăn nói lôi cuốn đầy chất mị dân của người đi tranh cử.
 + Thế rồi trung ương có thấy được những ưu điểm của mô hình Trung Khánh?
 - Khi kinh tế sa sút, khu vực duyên hải sống nhờ xuất khẩu gặp trở lực từ quốc tế, nhiều nơi bị động loạn, và doanh nghiệp tư nhân loại vừa hay nhỏ bị phá sản hàng loạt thì Trùng Khánh vẫn tự cung cấp và đạt mức sung túc cao hơn. Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh chú ý đến Trùng Khánh như giải pháp áp dụng được cho nơi khác, Nhưng sự thật không hoàn hảo như vậy, chưa kể các mâu thuẫn nội tại trong cơ chế chính trị của nước này.
 + Ông muốn nói đến mặt trái của mô hình Trùng Khánh. Thưa ông, đâu là những giới hạn hay phần tiêu cực của phương thức phát triển theo kiểu Bạc Hy Lai?
Thật ra, chuyện Trùng Khánh chỉ là mô hình tập trung nhuốm màu hồng của cách mạng kiểu Mao, đã chẳng áp dụng được ở mọi nơi mà cũng không thể bền vững để được là mẫu mực cho toàn quốc. Trước hết Trùng Khánh có nâng tiêu thụ nội địa là nhờ chính quyền tập trung mọi quyết định về ngân sách, đầu tư và phân phối tài nguyên từ trên xuống, giống biện pháp tăng chi để kích thích kinh tế của trung ương, chính sách ấy dẫn đến thiếu hụt ngân sách nên thành phố phải đi vay hơn trăm tỷ USD! Hệ quả chìm là vì tập quyền về đầu tư của thành phố hay trung ương, chính trường dễ cấu kết với thương trường và gây ra tệ tham nhũng, nạn tư bản thân tộc và còn khiến doanh nghiệp tư nhân thấp cổ bé họng ở dưới bị triệt tiêu, là chuyện cũng đã xảy ra tại Trùng Khánh.
 Thứ nữa, khác với các tỉnh duyên hải là nơi chính quyền địa phương và doanh nghiệp còn tự do xoay trở trong quyết định kinh tế, mô hình của Trùng Khánh chỉ là chủ nghĩa tư bản nhà nước ở cấp địa phương. Nó dễ dẫn tới việc lạm dụng tài nguyên mà không ai có quyền sửa hoặc ít ra lên tiếng phê bình. Về kinh tế, nếu áp dụng trên quy mô cả nước thì phải bảo đảm sự yểm trợ của trung ương về tài chính lẫn kỹ thuật phối hợp, là điều chưa thể có tại Trung Quốc. Nếu tỉnh thành nào cũng lấy Trùng Khánh làm mẫu mực thì ngân sách quốc gia sẽ bị thiếu hụt nặng.
 + Nếu có thể suy ra từ đấy thì mô thức Trùng Khánh không thể áp dụng trên toàn quốc được vì thứ nhất là rất tốn kém cho công quỹ và thứ hai là nó cần một hệ thống công quyền liêm chính và hữu hiệu cho một quốc gia có đến 2.000 quận, huyện. Thưa ông, bây giờ ta bước qua khía cạnh chính trị của vụ việc này vì yếu tố đặc biệt của cá nhân ông Bạc Hy Lai.
 - Tôi nghĩ rằng nếu cứ để nguyên thì với một số thành tích đạt được từ 2009 đến nay, mô hình Trùng Khánh có thể là giải pháp trắc nghiệm áp dụng thí điểm cho một quốc gia có quá nhiều khác biệt địa phương. Nhưng hai chuyện đã xảy ra. Thứ nhất là tiến trình chuyển giao quyền lực vào cuối năm cho thế hệ thứ năm. Theo thông lệ thì bảy trong chín ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ ra về và 7 trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay đang hướng tới vị trí đó, với ảnh hưởng chìm và nổi của các lãnh đạo khác để tạo vây cánh cho mình, kể cả người đã hoặc sắp ra đi như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Nhưng vì Trung Quốc không có dân chủ và mọi quyết định đều là kết quả đồng thuận ngấm ngầm nên mỗi phe lại tác động một cách. Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ ổn định và êm thấm hơn là lối tranh cử ồn ào của các nước dân chủ trước sự chứng kiến và chọn lựa có khi bất ngờ của người dân. Thực tế lại có nhiều thủ đoạn chính trị khá hiểm độc, với ánh hưởng rất nặng của tiền tài và thế lực,
 Thứ hai là cá tính Bạc Hy Lai. Trong môi trường kín. đáo của đồng thuận, với các lãnh đạo đều ra dáng mẫn cán mà tẻ nhạt thì ông ta là người trình diễn ồn ào như tận dụng phương pháp tranh cử tại các nước dân chủ vậy! Đây là nghịch lý vì nếu ai cũng công khai nói ra chủ trương của mình như Bạc Hy Lai thì sự thể có khi đơn giản và hấp dẫn hơn. Huống hồ bản thân ông lại có nhiều khuyết điểm và kết tụ nhiều mâu thuẫn của hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc.
 Thực tế Trung Quốc
 + Hình như là qua hiện tượng cá biệt của Bạc Hy Lai ông lại nhìn ra những vấn đề thuộc về bản chất của chế độ Trung Quốc. Thưa ông, những vấn đề ấy là gì?
 - Trung Quốc đang ở vào một khúc quanh vì phải tìm ra một mô hình phát triển mới sau khi mô hình cũ đã đi hết sự vận hành tương đối tốt đẹp của 30 năm qua. Nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng như chính các lãnh đạo của thế hệ thứ tư sắp ra đi đã báo động. Khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói đến nguy cơ tái diễn thảm kịch Cách mạng văn hóa, là vụ Mao Trạch Đông vận động quần chúng đánh ngược vào đảng để tranh giành quyên bính, thì ta biết rằng có cái gì đó rất nghiêm trọng đã xảy ra bên trong. Đi tìm mô hình mới là tranh luận về tư tưởng và sự hữu hiệu của các giải pháp lẫn nhân sự sẽ thực hiện. Xin tạm nói gọn theo hai hướng, thủ cựu mà cứ gọi là “tả” là cái hướng bảo vệ chế độ, đổi mới mà cứ gọi là “hữu” là cái hướng phát triển đất nước. Sau thời đại loạn với cao điểm của 10 năm Cách mạng Văn hóa thì từ năm 1981, các lãnh đạo đều thống nhất ý chí là dù theo hướng nào thì tập thể vẫn lãnh đạo chứ không trở lại tệ nạn sùng bái cá nhân hoặc độc diễn kiểu Mao.
 Trong bối cảnh đó, Bạc Hy Lai khoác áo cải cách với thành tích Trùng Khánh nhưng đề cao Tư tưởng Mao Trạch Đông để nhấn mạnh tới yêu cầu bảo vệ chế độ. Mục đích là tìm sự hậu thuẫn của nhiều phe phái khác nhau, chưa nói đến bản thân ông là thuộc “Thái tử đảng”, là con cháu các nguyên lão, một tập thể có nhiều ảnh hưởng mà lại thiếu thống nhất về chủ trương.
 Ông Bạc Hy Lai đánh bạc ở hai cửa, nhưng đánh bạc giả. Vì thực chất thì đã phá vỡ hệ thống cường hào ác bá cũ để xây dựng một thế câu kết mới, cũng với các tổ chức tội ác mà ông khoe là đã tiêu diệt. Người thi hành kế hoạch “tấn công đen” (tiễu trừ xã hội đen) chính là Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, nhưng ông này có thể thấy ra mặt trái của thượng cấp và gia đình nên sợ bị thanh trừng rồi tìm cách tỵ nạn trong toà Tổng lãnh sự Mỹ tại thủ phủ Thành Đô của Tứ Xuyên. Chưa kể là thủ thuật của Bạc Hy Lai cũng làm nhiều lãnh đạo khác phật ý khi mà mọi người đều tích cực và âm thầm vận động ở bên trong.
 + Thưa ông, có phải là từ đó vụ việc mới nổ ra ngoài khi dư luận lại có phương tiện truyền thông mới, như các mạng lưới xã hội, hậu quả là một chuỗi chấn động dội lên trung ương khiến ông Bạc Hy Lai bị mất chức Bí thư Trùng Khánh chăng?
 - Có lẽ như vậy và việc ông Bạc Hy Lai bị mất chức chỉ là phần nổi của một thực tế chính trị và xã hội khác tại Trung Quốc. Đó là một hệ thống đen khoác áo đỏ! Dưới cái vẻ ổn định của sự đồng thuận trên thượng tầng là âm mưu quỷ kế đế tranh giành đặc quyền đặc lợi bên dưới, y như trong các xã hội đen, các tổ chức tội ác. Những phe phái nào trong các đại gia ấy cũng khoác áo đỏ của cách mạng để duy trì chế độ độc đảng. Ngày nay, khi lãnh đạo phải chuyển hướng, thật ra phải nhìn vào vấn đề thật là cải cách cả hệ thống chính trị thì mới phát triển bền vững, thì chuyện tranh giành ảnh hưởng và thế lực rất dễ bung ra ngoài.
 Vụ Bạc Hy Lai cũng khiến ta chú ý đến chuyện khác là việc bầu lại chức Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Công. Nhân vật được Bắc Kinh đưa ra thay thế Donald Tsang (Tăng Âm Quyền) là Henry Tang (Đường Anh Niên). Ông tỷ phú họ Đường này là người thân tín của Phó Chủ tịch Tập Cận Bình, nhân vật đầy hy vọng lên thay ông Hồ cẩm Đào. Những tai tiếng đầy dẫy của cả hai ông Đường và Tàng, cũng dội ngược lên uy tín của Tập Cận Bình trong việc chuyên quyền hiện nay. Quả là chuyện đỏ đen lẫn lộn!…/
Nguồn: Tài liệu tham khảo đặc biệt. Thứ năm, ngày 29/3/2012. TTXVN (Pari 20/3)/BS