22 tháng 3, 2012

MẤY NHẬN ĐỊNH LỚN VỀ QUAN HỆ TRUNG - XÔ, TRUNG – NGA TỪ NGÀY THÀNH LẬP NƯỚC CHNDTH TỚI NĂM 2011

                                                                         Dương Danh Dy

Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) ra đời ngày 1/10/1949, nhưng ĐCS Trung Quốc đã thành lập trước đó khá lâu (ngày 1/7/1921) và từ đó đến khi thành lập nước CHNDTH, ĐCSTQ đã có quan hệ khá chặt chẽ với ĐCS Liên Xô, vì vậy khi hai bên thiết lập quan hệ nhà nước họ đã có sự “hiểu biết về nhau” khá sâu sắc và vận dụng khá sắc sảo những hiểu biết đó vào đường lối chính sách đối với nhau. Chính vì vậy nói tới quan hệ Trung Xô không thể không đề cập tới quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Xô từ năm 1921 đến năm 1949.
Quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô từ tháng 7 năm 1921 đến tháng 10 năm 1949
- Từ năm 1921 đến tháng năm 1941
 Từ năm 1921 đến tháng 8 năm 1927 là thời kỳ Ban lãnh đạo mấy khóa của ĐCSTQ (qua Quốc tế cộng sản và mấy người trong ban lãnh đạo vốn hoạt động ở Liên Xô về nước như Lý Lập Tam, Trương Quốc Đào… hoặc ở trong nước như Trần Độc Tú…) chịu ảnh hưởng của ĐCSLX về mặt tổ chức và đường lối. Họ không thấy Trung Quốc là một nước nông nghiệp, nông dân rất đông bị áp bức bóc lột nặng nề mà chỉ lo tập trung xây dựng và phát triển lực lượng ở những nơi tập trung công nhân, mọi hoạt động hầu như chỉ diễn ra tại các thành phố và vùng mỏ… có nhiều công nhân. Những cuộc bãi công, tuần hành lớn của công nhân dưới sự lãnh đạo và tổ chức của ĐCSTQ trong sáu, bẩy năm đầu sau khi thành lập đều xẩy ra tại các thành phố lớn có nhiều công nhân thời đó như Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu… và đều bị chính quyền Quốc dân đảng đàn áp, thất bại (điển hình là cuộc bãi công tháng 2 năm 1922 và cuộc nội chiến cách mạng lần thứ nhất (1927).
Từ những thực tế trên, Mao Trạch Đông qua “khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam” (tháng 1/1927) bước đầu thấy được vai trò và sức mạnh của nông dân nhất là bần nông, đã chủ trương vứt bỏ kế hoạch hoạt động, tấn công vào thành thị là chủ yếu, chuyển mọi đấu tranh với chính quyền Quốc Dân đảng về vùng nông thôn rộng lớn, tiến hành cách mạng ruộng đất, thành lập căn cứ địa ở nông thôn, lấy nông thôn bao vây thành thị (việc xây dựng căn cứ Tỉnh Cương Sơn và thành lập quân đội Trung Quốc (1/8/1927) là sự kiện nổi bật).
Từ năm 1927 đến năm 1941 Do sai lầm về nhiều mặt (đường lối, tổ chức, phe phái…) Hồng quân Trung Quốc sau 5 lần chống phá vây quét của Quốc Dân đảng buộc phải tiến hành trường chinh, đến hội nghị Tuân Nghĩa (1935) mới xác lập được vai trò lãnh đạo của Mao Trạch Đông, rồi thành lập khu giải phóng Thiểm Cam Ninh (10/1935), tư tưởng Mao Trạch Đông được ĐCSTQ xác định là “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin áp dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Trung Quốc”(năm 1941).Những người trong ban lãnh đạo thân Liên Xô lần lượt bị gạt khỏi ban lãnh đạo cao nhất hoặc không còn thực quyền.
Đến đây có thể nói ĐCSTQ về cơ bản đã thoát khỏi ảnh hưởng của ĐCSLX về nhiều mặt, trở thành một chính đảng độc lập tự chủ.
Sau khi có chỗ đứng tại Diên An, ĐCSTQ đã tìm cách liên lạc với Mỹ. Ngay từ tháng 6 năm 1936 nhà báo Mỹ Etga Snow đã được mời tới thăm Diên An. Tiếp đó trong năm 1942 phái đoàn Mỹ tại Trung Quốc mà người đứng đầu là trung tướng Joseph Stiwell đã 3 lần cử đại biểu đến tiếp xúc vớí Chu Ân Lai khi ông này tham gia đàm phán Quốc Cộng tại Trùng Khánh. Rồi tháng 7 và tháng 8 phái đoàn Mỹ tại Trung Quốc đã cử hai tổ quan sát đến Diên An, được Trung Quốc đón tiếp rất trọng thị. ĐCSTQ muốn được sự giúp đỡ về kinh tế của Mỹ nhưng phía Mỹ đã không đáp ứng vì cho rằng ĐCSTQ là “tay sai của ĐCSLX” hay “cũng là một duộc” như ĐCSLX.
Mỹ không giúp TQ xây dựng kinh tế là một nguyên nhân quan trọng buộc Trung Quốc sau này phải “nhất biên đảo” với Liên Xô.
- Từ năm 1941 đến 1949. ĐCS TQ đã xây dựng và phát triển mạnh mẽ lực lượng tại vùng căn cứ biên khu Thiểm Cam Ninh và vùng thống trị của Quốc Dân đảng, có vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Nhật xâm lược (ĐCSTQ chủ động trong hợp tác Quốc Cộng chống Nhật cho đến năm 1945). Sau đó nội chiến bùng nổ năm 1946, cuối cùng ĐCSTQ giành thắng lợi, nước CHNDTH ra đời vào ngày 1/10/2011.
Mấy nhận xét:
- Trong gần 30 năm quan hệ, ĐCSTQ đã từng bước nhận thức được bộ mặt thật “Đảng cha của ĐCSLX” họ đã cương quyết đấu tranh, để cuối cùng thoát khỏi sự “khống chế” đó.               
- Qua việc thấy Liên Xô xử lý quan hệ với Quốc Dân đảng (không thực hiện ý kiến của Lê nin xóa bỏ các hiệp định bất bình đẳng mà Nga hoàng đã ký với một số nước (trong đó có vùng lãnh thổ và lãnh hải mà Nga hoàng đã chiếm của Trung Quốc), buộc chính quyền Tưởng Giới Thạch phải từ bỏ Ngoại Mông..) cho nên trước khi “nhất biên đảo” không phải là Ban lãnh đạo ĐCSTQ không thấy được ý đồ “xô vanh nước lớn XHCN” của ban lãnh đạo Liên Xô.
- Với việc Liên Xô tháo dỡ một số nhà máy hiện đại của Nhật Bản tại Đông Bắc mang về Liên Xô sau khi Hồng Quân Liên Xô giải phóng vùng này (dù Liên Xô có để lại một số lớn vũ khí cho quân đội của ĐCSTQ) cũng như việc sau khi Quân Giải phóng Trung Quốc vượt sông Trường Giang giải phóng Nam Kinh thì đại sứ Liên Xô đã theo chính quyền Quốc Dân đảng di tản về Quảng Châu (trong khi đại sứ Mỹ ở lại với chính quyền CS) Ban lãnh đạo ĐCSTQ càng hiểu rõ hơn ĐCSLX và nhà nước Xô Viết Nga là như thế nào. Chính vì vậy ngay từ khi mới thành lập, nhà nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ đã có những chủ trương, sách lược “rất khôn ngoan, rất thực chất” với ĐCSLX và nhà nước Liên Xô chứ không phải là “thắm tình đoàn kết vô sản quốc tế” như các cơ quan truyền thông của họ đã rasức cổ vũ trong thời kỳ này. Và phía Liên Xô cũng vậy, họ không hề “viện trợ, giúp đỡ vô tư” cho Trung Quốc, “Con gấu bắc cực” (xin mạn phép nói lại “câu nói” ám chỉ Liên Xô thời đó) cũng không phải tay vừa…. Ngay từ đầu, hai bên đều tỏ ra khá hiểu biết lẫn nhau. (một ví dụ trong bài “vì sao năm 1949, TQ tạm thời chưa động đến Hồng Kông”- tờ “Hoàn Cầu thời báo” ngày 21/10/2008 cho biết: “...quyết sách chiến lược tạm thời duy trì hiện trạng không đổi” dùng việc giữ Hồng Kông làm chiếc cầu nối giữa TQ với cộng đồng quốc tế nhất là với thế giới tư bản phương Tây còn là “một biện pháp cảnh giác và đề phòng cần thiết đối với Liên Xô, người luôn giữ thái độ “nước lớn" “đảng lớn” “chủ nghĩa bá quyền” mà ban lãnh đạo TQ đã thấy từ sớm” (Vào đầu những năm 60 khi LX “xé hợp đồng rút chuyên gia” Hồng Kông đã trở thành con đường thông thương, làm ăn quan sát móc nối vô cùng quan trọng của TQ với các nước phương Tây cho thấy nhận định trên khá đúng)
Quan hệ Trung Xô từ ngày 1/10/1949 đến nay. Có thể chia ra làm 4 giai đoạn chính.
Từ ngày thành lập nước CHNDTH đến cuối những năm 50. Mấy năm đầu của thời kỳ này được coi là “tuần trăng mật” trong quan hệ TrungXô và mặc dù "không cam chịu” nhưng vì “lợi ích để có được sự giúp đỡ về xây dựng kinh tế” nên ban lãnh đạo Bắc Kinh đã tạm thời “nhún nhường” Liên Xô về mặt chính trị. Tuy vậy chỉ sau khi Trung Quốc đã xuất quân “kháng Mỹ viện Triều” (tháng 6/1950) đẩy lùi quân đội Mỹ và Nam Hàn về vĩ tuyến 38, mãi đến năm 1953 Liên Xô mới đồng ý viện trợ cho Trung Quốc 156 công trình lớn trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1953 - 1958.(Mao Trạch Đông nói đại ý: cho đến khi thành lập nước CHNDTH, Stalin vẫn không tin chúng ta, nói chúng ta là củ cải đường-vỏ đỏ ruột trắng, chỉ sau khi viện Triều đánh Mỹ (6/1950) mới thực lòng viện trợ cho chúng ta). Ngoài ra, cần thấy thêm, lúc này Stalin người luôn nghi ngờ, cảnh giác với Trung Quốc vừa chết, ban lãnh đạo mới của Liên Xô (Khrơrutxov) cần tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc để giữ vai trò lãnh đạo phe XHCN. Có hai điểm xin lưu ý:
- Có giả thuyết nói rằng cuộc chiến tranh Triều Tiên là do LX xúi giục Bắc TT gây ra, nhằm đẩy Trung Mỹ đối kháng lâu dài, không thể hòa hoãn liên minh với nhau, buộc TQ ngả hẳn về phía LX (một ví dụ minh họa: vì sao khi Hội đồng bảo an bỏ phiếu về việc cử quân đội LHQ sang tham chiến tại Triều Tiên, đại biểu LX lại không tham dự để phủ quyết v.v...).
- Tác dụng 156 công trình LX viện trợ cho TQ là rất to lớn, ngày nay TQ ít nói tới và nhiều nhà nghiên cứu cũng chưa chú ý đầy đủ. Phải nói đây là những công trình giúp TQ trở thành một nước có nền kinh tế hoàn chỉnh, có công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế tạo cơ khí lớn và chính xác, công nghiệp điện tử v.v... khiến TQ lần đầu tiên sản xuất được ô tô, máy kéo, máy bay, máy phát điện cỡ lớn... và là cơ sở cho chế tạo bom A, bom H và các ngành sản xuất tinh vi, hiện đại sau này. Tuy vậy Trung Quốc phải trả toàn bộ giá trị các công trình trên (khoảng 5,9 tỷ NDT) bằng hàng hóa trong nhiều năm.
Do những mâu thuẫn tiềm ẩn về lợi ích giữa hai nước Trung Xô tạm thời được kìm nén trong “tuần trăng mật” đã dần dần bộc lộ theo sự lớn mạnh của TQ về các mặt, “xung đột” Trung Xô đến đầu những năm 60 đã công khai bùng nổ.
Thập kỷ 60. Bất đồng Trung Xô đầu tiên được công khai thể hiện trên mặt lý luận (bài “Chủ nghĩa Lênin muôn năm” của Trung Quốc viết nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Lênin tháng 1/1960). Cuộc “tranh luận “ngày càng gay gắt và theo thời gian, hai bên đã chuyển bất đồng này thành những vấn đề kinh tế, chính trị, xung đột biên giới… như “xé hợp đồng rút chuyên gia”, biểu tình phản đối lẫn nhau, có nơi có lúc đã xẩy ra đổ máu. Tháng 2/1969 xẩy ra xung đột lớn tại vùng biên giới có tranh chấp (TQ gọi là vùng đảo Trân Bảo, LX gọi là Damaski) bất đồng Trung Xô lên tới cao điểm. Tháng 4/1969, ĐH9 ĐCSTQ ghi chống bá quyền LX vào điều lệ Đảng.
Hai bên vẫn duy trì quan hệ ngoại giao và thương mại tuy nhiên ở mức rất thấp.
(Trong cuốn “Mấy vấn đề lớn trong quan hệ Trung Xô” xuất bản gần đây có dẫn ý Đặng Tiểu Bình cho rằng những cuộc tranh luận Trung Xô trong thời gian này là vô bổ. Một vài học giả TQ cho người viết biết: đảng toàn dân của Khơrutxov chẳng khác gì thuyết “ba đại diện” của TQ và bây giờ nhìn lại thấy thuyết “cạnh tranh hòa bình”, “thi đua hòa bình”… chẳng có gì sai. Xin nêu để tham khảo)
Trung Quốc lúc này giương ngọn cờ chống xét lại Liên Xô và chống đế quốc Mỹ (phản đế tất phản tu) để tập hợp lực lượng.
Thập kỷ 70. Trung Quốc bình thường hóa với Mỹ, vẫn chống Xô đặc biệt trong vấn đề ủng hộ Cuba đưa quân vào Ăngola và giúp Việt Nam “xâm chiếm” Cămpuchia.
Thập kỷ 80. Trung Quốc giữ thái độ “trung lập” trước những diễn biến tại Liên Xô (Goocbachov lên cầm quyền, Yelsin thắng cử tại Nga và lập chính quyền mới…) nhưng trong nội bộ họ nghiên cứu tình hình Liên Xô khá kỹ, đã tranh thủ bình thường hóa quan hệ với Liên Xô (tháng 5/1989).
Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay (2011) Sau khi Liên Xô tan rã, ĐCSLX mất quyền lãnh đạo, TQ chủ trương “giấu mình chờ thời”, “quyết không đi đầu” không muốn và không “dại gì” làm người “thay thế” vai trò của Liên Xô trong quan hệ với các nước XHCN còn lại cũng như với các ĐCS và CN khác cũng như “đứng ra” làm người “đối đầu về mọi mặt” với Mỹ như Liên Xô trước đây.
Có ba hiện tượng đáng chú ý trong quan hệ Trung Nga thời gian này:
- Theo sáng kiến của Bắc Kinh, tháng 5 năm 1996, “Nhóm Thượng Hải 5” gồm 5 nước: Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan ra đời, đến năm 2001 kết nạp thêm Uzbekistan và lấy tên là “Tổ chức hợp tác Thượng Hải” lúc đầu nhằm giải quyết vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với Nga và mấy nước thuộc Liên Xô cũ (sau này mới mở rộng sang các lĩnh vực khác như chống ma túy, khủng bố, hợp tác kinh tế và kết nạp thêm mấy nước như Ấn Độ, Pakistan, Tran và Mông cổ.. làm quan sát viên). Tháng 7 năm 2001 hai nước Trung Nga ký “Hiệp ước hữu nghị láng giềng thân thiện” năm 2004 ký hiệp định bổ sung, đến đó đã hoạch định xong toàn bộ hơn 4300 km đường biên giới trên bộ của hai nước một cách bình đẳng (trong cuộc xung đột biên giới năm 1965 và những cuộc đàm phán biên giới kéo dài giữa hai nước nhiều năm sau đó, phía Liên Xô đã đưa ra những đòi hỏi vô cùng “ngang ngược về lãnh thổ” ví dụ như đòi biên giới Liên Xô ở tận bên bờ phía Trung Quốc, nay phía Nga phải từ bỏ “yêu sách” đó). Có thể nói tới nay hơn 5000 km biên giới bộ phía bắc của Trung Quốc với Nga và mấy nước thuộc SNG nói trên đã hoạch định xong và về cơ bản tình hình ở đây là ổn định.
- Trung Quốc từng bước tiến vào khai thác thị trường năng lượng tại mấy nước SNG và Nga (năm 2008 mỗi năm có 5 triệu tấn dầu mỏ Nga quá cảnh Kazakhstan vận chuyển tới Trung Quốc và sẽ còn tăng thêm).
- Nhìn chung trong giai đoạn này Trung Quốc đã lợi dụng tương đối tốt thời cơ nước Nga còn “yếu tương đối” để thu phần có lợi trong quan hệ song phương về cho mình.
Đã đề cập tới quan hệ Trung Nga không thể không nói vài lời về quan hệ Trung- Mỹ, và Nga- Mỹ( hoặc mối quan hệ giữa 3 nước Mỹ Nga Trung)
Từ những năm 60 của thế kỷ trước tới nay, mối quan hệ giữa 3 nước lớn này luôn giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ quốc tế, nhưng tùy theo sức mạnh (khó khăn) của mỗi nước mà có lúc cặp quan hệ này nổi lên, đối tượng kia có vai trò quan trọng hơn, được 2 đối tượng khác coi trọng hoặc “liên hiệp tạm thời với nhau” để đối phó, như Nga Trung với Mỹ trong thập kỷ 50, hoặc Mỹ Trung với Liên Xô trong thập kỷ 70.
Hiện nay Trung Nga gặp nhau trên vấn đề lớn “đối phó” với siêu cường duy nhất Mỹ nhưng họ không phải là “liên minh”, càng không phải là “đồng chí”. 
Kết luận bước đầu
1. Quan hệ Trung Xô, Trung Nga là quan hệ giữa hai nước láng giềng lớn “hiểu biết lẫn nhau” khá sâu, nói một cách bất lịch sự nhưng đúng bản chất thì đó là mối quan hệ “kẻ cắp bà già gặp nhau”. Họ chơi với nhau nhưng không bao giờ từ bỏ ý định vượt lên nhau, loại trừ nhau. Không loại bỏ khả năng Trung Nga sẽ xuất hiện mâu thuẫn mới, đối kháng mới khi họ khác biệt và không thể dung hòa lợi ích.
Trong tình hình hiện nay vẫn cần tranh thủ Nga, nhưng không nên đặt hy vọng quá nhiều khi không có “lợi ích” lớn hơn lợi ích Trung Quốc cho họ.
2. Trừ thời kỳ đầu thành lập nước, Trung Quốc ở thế tương đối yếu và bị động ra, càng về sau, Trung Quốc đã từng bước giành thế chủ động (như chủ động đưa bất đồng ra công khai, gây chuyện ở biên giới, bình thường hóa quan hệ, thành lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, giải quyết biên giới,…)
3. Trong quan hệ với Liên Xô, Nga có khi Trung Quốc phải nhượng bộ một số vấn đề, nhưng từ ngày thành lập nước CHNDTH đến nay, Trung Quốc không chịu và không hề mất thêm một tấc đất nào nữa cho Liên Xô và Nga, trong khi vẫn không cam chịu từ bỏ ý đồ đòi lại vùng lãnh thổ, lãnh hải họ đã mất cho Nga từ thời Nga hoàng.
4. Qua việc xem xét mối quan hệ Trung Xô, Trung Nga có thể thấy một điều: cần hiểu người “sâu sắc, toàn diện” đừng bao giờ cả tin... Nếu ngay từ lúc đầu, và cho đến hôm nay, chúng ta, thấy rõ được người láng giềng “4 tốt”. “16 chữ” như người Trung Quốc, ban lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rõ Liên Xô và Nga thì dân tộc mình đâu phải trả giá lớn đến thế.