19 tháng 3, 2012

LÀNG MINH HƯƠNG – TỔ CHỨC XÃ HỘI ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI HOA Ở KHU VỰC CHỢ LỚN (THẾ KỶ XVII – XIX)

Trịnh Thị Lệ Hà*

1. Mở đầu
Những người Hoa di cư đến Việt Nam từ khá sớm. Riêng đối với vùng đất Nam Bộ, đợt di cư lớn nhất của người Hoa vào vùng đất này có thể xem như được bắt đầu từ thế kỉ XVII. Đợt di cư này gắn với sự kiện nhà Minh ở Trung Quốc sụp đổ, đồng thời là sự xác lập nhà Thanh. Không chịu khuất phục triều đình Mãn Thanh, nhiều thần dân của nhà Minh đã chạy nạn sang vùng đất Nam Bộ của nước ta và sinh sống ở đây
Năm 1698, khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lí đất Nam Bộ, ông đã thành lập nên hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn để quản lí cư dân sinh sống ở đây từ trước. Đối với người Hoa sinh sống trên mảnh đất này các chúa Nguyễn cũng có chính sách cai quản riêng. Đối với những người Hoa ở dinh Phiên Trấn, các chúa Nguyễn cho phép họ thành lập xã Minh Hương (hay làng Minh Hương). Còn đối với những người Hoa ở dinh Trấn Biên thì ông cho phép họ thành lập xã Thanh Hà.
Cư dân Trung Hoa trong làng Minh Hương mặc dù vẫn giữ nguyên phong tục tập quán riêng của mình nhưng họ vẫn được xem là những công dân Việt Nam. Với những thế mạnh riêng của mình về thương mại, cư dân làng Minh Hương thực sự đã có những đóng góp hết sức to lớn đối với sự phát triển vùng Sài Gòn nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.
Ngày nay, tuy tên gọi Minh Hương không còn nữa nhưng khi nhắc đến Sài Gòn trong các thế kỷ XVII – XIX chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của người Minh Hương. Việc tìm hiểu về làng Minh Hương ở khu vực Chợ Lớn (thế kỉ XVII – XIX) là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc hiểu thêm về sự hội nhập của người Hoa vào xã hội Việt Nam hiện nay.
Bài viết tập trung vào các vấn đề:
Vài nét về quá trình di dân và định cư của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn.
Sự thành lập làng Minh Hương ở khu vực Chợ Lớn.
Cơ chế quản lí của làng Minh Hương ở Chợ Lớn.
Đời sống kinh tế - văn hoá của làng Minh Hương Chợ Lớn.
2. Vài nét về quá trình di dân và định cư của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn
Người Hoa đến Việt Nam vào nhiều thời điểm với những đợt di cư lớn nhỏ khác nhau. Đợt di cư lớn có liên quan đến vùng đất Nam Bộ là đợt di cư diễn ra vào giữa thế kỉ XVII – có liên quan mật thiết với những biến cố chính trị lớn ở Trung Quốc, đó là việc Mãn Thanh vào xâm chiếm Trung Quốc và lật đổ triều đại nhà Minh.
Năm 1644, lợi dụng sự sụp đổ của vương triều nhà Minh sự nổi dậy của phong trào nông dân Lý Tự Thành, quân Thanh ào ạt kéo vào đánh chiếm Trung Quốc và thiết lập nên triều đại nhà Thanh. Từ đó, triều đình nhà Minh phải lưu vong khắp nơi. Vì không chịu khuất phục nhà Thanh, trong một khoảng thời gian dài, rất nhiều người dân Trung Hoa đã bỏ chạy sang nước ta, cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài. Trong số này có những người vì tránh loạn mà chạy sang, nhưng cũng có những người vốn là di thần của nhà Minh, vì thất bại trong phong trào “Phản Thanh phục Minh” nên đã chạy sang nước ta lánh nạn; bên cạnh đó cũng có không ít người chạy ra hải ngoại chỉ vì không chịu khuất phục theo chính sách cai trị của nhà Thanh, trong đó nổi bật là chính sách bắt buộc phải thay đổi y phục và cạo đầu dóc tóc.
Di cư vào vùng đất Nam Bộ của nước ta trong thời kì này chúng ta có thể kể đến hai nhóm của hai nhân vật nổi tiếng ở Trung Hoa thời bấy giờ.
Nhóm thứ nhất là nhóm của các tướng Trung Hoa là Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch đổ bộ xuống Đà Nẵng. Sách Gia Định thành thông chí chép: “Kỉ Mùi năm thứ 32 (1679) mùa hạ tháng 5, bọn Trấn thủ Long Môn thuỷ lục các xứ địa phương Tổng binh quan Dương Ngạn Địch, Phó tướng Hoàng Tiến và Trấn thủ Cao Lôi Liêm các xứ địa phương Tổng binh quan Trần Thắng Tài, Phó tướng Trần An Bình, ở tỉnh Quảng Đông, nước Đại Minh, đem quân lính và người nhà hơn 3000 người, chiến thuyền bơi 50 chiếc, đến hai cửa biển Tư Dung, Đà Nẵng (tức cửa Hàn Hải thuộc dinh Quảng Nam ngày nay) ở đất kinh đô, tâu lên nói là bề tôi xiêu dạt ở nhà Minh, vì nước tỏ lòng trung, sức hết thế cùng, phúc nhà Minh đã hết, không chịu làm tôi thờ nhà Đại Thanh, đến phương Nam thực lòng hàng phục, xin làm tôi tớ”[1].
Chúa Nguyễn nhận thấy vùng đất phương Nam còn rất phì nhiêu nhưng do không có nhân lực nên chưa khai khẩn được cho nên đã cho phép họ vào khai phá vùng đất phương Nam: đoàn của Trần Thượng Xuyên vào định cư ở vùng Biên Hoà – Cù Lao Phố (tỉnh Đồng Nai ngày nay). Đoàn của Dương Ngạn Địch vào định cư ở vùng Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay).
Nhóm thứ hai là nhóm của Mạc Cửu. Mạc Cửu quê ở phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1671 ông bị thất bại khi tham gia phong trào “Phản Thanh phục Minh” ở Trung Quốc nên đã đến nương náu ở đất Chân Lạp. Theo Phan Khoang thì Mạc Cửu nguyên là một chủ thuyền buôn, thường sang buôn bán ở Phi Luật Tân, có lẽ đã công tác mật thiết với họ Trịnh ở Đài Loan trong việc khuếch trương mậu dịch Đài Loan ở hải ngoại. Sau khi thấy nhà Minh không thể phục hưng được, ông không chịu cạo tóc, thắt bím theo nhà Thanh nên đã chạy sang cư ngụ ở đất Chân Lạp và làm quan với Chân Lạp[2].
Đây là hai nhóm di cư lớn và đáng kể nhất vào vùng đất Nam Bộ vào thời điểm đó. Từ những lớp di dân đầu tiên ấy, cùng với một số thương nhân người Hoa thường xuyên lui tới buôn bán ở Việt Nam bằng đường hàng hải đã hình thành nên một cộng đồng cư dân người Hoa trên vùng đất hoàn toàn mới của đất nước ta. Kể từ đây, vùng Sài Gòn – Bến Nghé trở thành nơi tụ họp đông đảo nhất người Hoa di cư.
Đất phương Nam vốn là vùng đất trù phú, mưa thuận gió hòa, có điều kiện thuận lợi cho công việc làm ăn sinh sống cho nên ngày càng thu hút đông đảo người nhập cư nhiều hơn. Chính vì thế, trong suốt thế kỉ XVIII, những lớp cư dân người Hoa vẫn tiếp tục di cư vào nước ta, tuy không ồ ạt như trước.
Đầu thế kỉ XVIII, hầu hết người Hoa ở thành phố Sài Gòn tập trung ở khu vực Chợ Lớn. Khu vực Chợ Lớn bao gồm rất nhiều thôn, xã trước đây thuộc tổng Tân Long, sau đổi thành huyện Tân Long, thuộc thành phố Chợ Lớn và tỉnh Chợ Lớn.
Năm 1771, khi quân Xiêm đánh Hà Tiên, một bộ phận người Hoa ở Hà Tiên đã chuyển cư về Chợ Lớn. Tiếp đó, năm 1772, khi Nguyễn Cửu Đàm đào kênh Ruột Ngựa thì khu vực Chợ Lớn càng trở nên đông đúc, phồn thịnh hơn. Theo Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thì vì kênh thẳng như ruột ngựa nên mới đặt tên là kênh Ruột Ngựa. Kênh này có tác dụng lớn trong việc giúp cho việc đi lại giữa Sài Gòn và miền Tây thêm thuận lợi hơn. Đây chính là những lí do khiến cho người Hoa ngày càng tập trung đông đúc hơn ở khu vực Chợ Lớn.
Năm 1778, khi bị quân Tây Sơn truy quét, người Hoa ở Biên Hoà tản cư và đã đến tập trung trên bến sông Tân Bình và Bến Nghé. Điều này khiến cho nơi đây càng trở nên tấp nập hơn và về sau phát triển thành một thương cảng quan trọng mang tên là Chợ Lớn từ năm 1813.
Năm 1782, người Hoa chuyển cư về vùng kênh Tàu Hủ ở khu vực Chợ Lớn. Tại đây,  người Hoa đã thành lập nên những trung tâm buôn bán sầm uất, tấp nập – hiện nay là khu vực thuộc quận 5, 6, 8, 10, 11.
Theo Cheng Chinh Ho, cho đến năm 1889, tổng số người Hoa ở miền Nam lên đến 56000 người, trong đó có 16000 người ở Chợ Lớn và 7000 người ở Sài Gòn[3]. Phần lớn người Hoa ở miền Nam vốn có gốc ở các vùng duyên hải Nam Trung Hoa như Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và đảo Hải Nam.
Như vậy có thể thấy rằng Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng trở thành vùng đất thu hút sự tập trung đông đảo người Hoa từ khá sớm. Với thế mạnh về buôn bán, ngay từ những ngày đầu có mặt trên mảnh đất Nam Bộ, người Hoa đã nhanh chóng nhận ra Chợ Lớn là khu vực có vị trí giao thông hết sức thuận lợi và đã sớm tụ cư ở khu vực này.
3. Sự thành lập làng Minh Hương ở khu vực Chợ Lớn
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lí đất Nam Bộ, lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, đặt xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Sau đó, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục “chiêu mộ dân lưu tán ở Châu Bố Chính trở vào để ở cho đầy, đặt các xã thôn phường ấp, chia cắt địa phận, trưng chiếm ruộng đất, chuẩn bị thuế điền thuế đinh, làm ra sổ đinh điền”[4].
Đối với những người Hoa cư trú ở đây từ trước, các chúa Nguyễn cho phép họ được thành lập làng riêng của mình ở Trấn Biên và Phiên Trấn. Người Hoa ở Phiên Trấn được phép thành lập làng Minh Hương, còn người Hoa ở Trấn Biên được phép thành lập làng Thanh Hà. Gia Định thành thông chí chép: “từ đấy con cháu người Trung Quốc ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà; ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương, đều biên vào sổ hộ khẩu”[5].
Như vậy có thể nói các chúa Nguyễn ngay từ khi vào kinh lí vùng đất Nam Bộ đã rất chú ý đến vai trò của những người Hoa cư trú từ lâu trong khu vực Chợ Lớn. Việc các chúa Nguyễn cho phép người Hoa được thành lập làng riêng đã thể hiện chính sách đối nội hết sức khôn ngoan.
Khu vực Chợ Lớn có rất nhiều thôn xã khác nhau, bao gồm những thôn xã của người Hoa và thôn xã của người Việt, Minh Hương xã chỉ là một trong số những làng của khu vực này. Theo Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh thì Chợ Lớn nằm trong địa hạt tổng Tân Long, sau là huyện Tân Long. Cư dân chính của làng Minh Hương ở Chợ Lớn chính là những người gốc Hoa đã cư trú ở nước ta từ lâu và được nhập quốc tịch Việt Nam.
Về niên đại thành lập làng Minh Hương ở Chợ Lớn thì cho đến nay hầu như chưa có sự thống nhất giữa các nhà nghiên cứu cũng như các nguồn tư liệu.
Theo “Khoán ước và tiểu sử các vị tiền bối” của Hội Minh Hương Gia Thạnh, xuất bản năm 1951 thì niên đại thành lập làng Minh Hương Chợ Lớn là năm 1789[6]. Tuy nhiên, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh Gia Định thành thông chí thì cho rằng xã Minh Hương được thành lập ngay từ khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lí đất Nam Bộ, tức là năm 1698.
Tuy “Khoán ước và tiểu sử các vị tiền bối” là tư liệu được lưu giữ ngay chính tại Hội Minh Hương Gia Thạnh, nhưng có lẽ niên đại 1789 mới thành lập làng Minh Hương mà Khoán ước này ghi thì có lẽ là quá trễ. Khi chúa Nguyễn vào đặt bộ máy thống trị ở đất Nam Bộ thì người Hoa đã cư trú ở đây từ khá sớm và đã sống tập trung thành làng; do đó, niên đại 1698 chúa Nguyễn cho phép thành lập làng Minh Hương là có vẻ hợp lý hơn, và đây cũng chỉ là một sự hợp thức hóa những nhóm cư dân người Hoa đã cư trú ở đây từ trước. Tuy nhiên, có một điều đáng chú ý là tuy Gia Định thành thông chí (soạn xong cuối đời Gia Long) ghi rõ ngay sau khi Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam Bộ năm 1698 thì “từ đấy con cháu người Trung Quốc ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà; ở Phiên Trấn lập làm xã Minh Hương, đều biên vào sổ hộ khẩu”[7], nhưng ngay trong bộ sách này cũng không hề tồn tại tên gọi Minh Hương và Thanh Hà trong danh mục các làng xã, phố phường của Trấn Biên và Phiên Trấn.
Ranh giới của làng Minh Hương xưa cũng được ghi lại khá rõ theo lời kể của Trương Vĩnh Ký trong sách Souvenir Historiques sur Saigon et ses environs, năm 1885: “Địa phận nằm giữa đường Marins (đường Đồng Khánh rồi Trần Hưng Đạo ngày nay) với mé rạch Chợ Lớn, là nơi cư ngụ của người Minh Hương, họ là người Tàu lai, ăn mặc theo lối ta và họp thành một xã có đặc ân”[8]. Có thể nói đây là một vị trí địa lý khá thuận lợi cho hoạt động thương mại. Kênh Tàu Hủ - nơi tập trung đông đúc người Hoa lúc bấy giờ vẫn là một khu vực hết sức rộng rãi, thuyền buôn trong và ngoài nước còn đi lại hết sức dễ dàng, do đó đã là một thương cảng lớn nhất của đất Sài Gòn – Gia Định vào cuối thế kỉ XVII – đầu thế kỉ XVIII.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan An thì địa phận làng Minh Hương mà Trương Vĩnh Ký nêu ra trên đây có lẽ cũng chỉ là một phần của khu vực cư trú của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn vào đầu thế kỷ XVIII. Ông cho rằng khu vực cư trú của người Hoa ở Chợ Lớn rộng lớn hơn, như Trịnh Hoài Đức đã mô tả trong Gia Định thành thông chí: “Ở phía Nam trấn thự, cách 12 dặm ở vào tả hữu đường cái quan, ấy là đường phố lớn, thẳng suốt ba phố  đến tận bến sông, ngang ở giữa có một đường dưới ven sông, một đường đều cùng xâu suốt nhau như hình chữ điền mái nhà liền nhau, góc nhà cụng nhau, người Kinh, người Trung Quốc ở lẫn với nhau…”[9].
Như vậy, ta có thể thấy rằng cư dân làng Minh Hương ở Chợ Lớn sống tụ cư theo hình thức phố - chợ - bến sông; khu vực tập trung nhiều nhất là ven kênh Tàu Hủ. Điều đặc biệt mà ta thấy được qua Gia Định thành thông chí là trong những làng Minh Hương này không chỉ có riêng người Hoa mà còn có cả những người Việt sống xen kẽ nữa, nhưng tất nhiên số lượng người Việt rất ít mà chủ yếu là người Hoa.
Về tên gọi Minh Hương:
Đầu tiên, hai chữ Minh Hương có nghĩa là “những người gìn giữ hương hỏa nhà Minh” (“Minh” là nhà Minh, còn “hương” có bộ “hương” nghĩa là hương thơm). Ý nghĩa này dường như phù hợp với cách giải thích của Gustave Huê trong tác phẩm Guistave Huê Dictionaire Annamite – Chinois: Minh Hương là những người Trung Quốc trung thành với nhà Minh, đến Việt Nam ngay từ khi nhà Thanh chiếm quyền[10].
Định nghĩa này cho thấy ngưởi Minh Hương là người Hoa còn trung thành với nhà Minh, đến Việt Nam nhằm mục đích lánh nạn, không muốn làm thần dân của nhà Thanh. Họ tuân phục triều đình Việt Nam và xem Việt Nam như là quê hương thứ hai của mình. Hay nói cách khác, họ chính là những người tị nạn về mặt chính trị. Mặc dù vẫn giữ phong tục tập quán Trung Hoa nhưng người Minh Hương từ lâu đã được coi là người Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội nước ta.
Với ý nghĩa đầu tiên này, Minh Hương thường được dùng như tên gọi của một cộng đồng, một đơn vị hành chính, thường đi kèm với từ xã (là đơn vị hành chính lớn hơn thôn, lân… và khác về nghĩa với phố). Ý nghĩa ban đầu của Minh Hương xã là đơn vị hành chính cấp xã, chỉ cộng đồng những di dân Trung Hoa trung thành với nhà Minh ở Đàng Trong và vùng Nam Bộ.
Tên gọi Minh Hương với ý nghĩa đầu tiên như vậy chỉ có thể hình thành trong khoảng thời gian từ sau năm 1645  đến năm 1683 – là khoảng thời gian các trung thần nhà Minh vẫn còn nuôi hy vọng khôi phục lại nhà  Minh. Nhưng từ sau năm 1683, khi lực lượng kháng chiến của Trịnh Thành Công đầu hàng Mãn Thanh, mọi hy vọng khôi phục nhà Minh hoàn toàn bị dập tắt thì không còn lí do để tồn tại tên gọi Minh Hương theo ý nghĩa này nữa.
Từ cuối thế kỉ XVII, khi phong trào di cư từ lục địa Trung Hoa vào Việt Nam trở nên ồ ạt, vấn đề xác định rõ quốc tịch người Hoa được chính quyền nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm. Đến lúc này, để dễ phân biệt, nhà Nguyễn đã chia những người Hoa ở Việt Nam thành hai nhóm: Minh Hương và Hoa kiều. Sự phân chia này chỉ nhằm mục đích đánh thuế chứ hoàn toàn không có ý phân biệt đối xử. Vào thời điểm này, tên gọi Minh Hương có thêm ý nghĩa phái sinh mới: Minh Hương là chỉ những thế hệ người lai giữa Hoa và Việt, thường là cha Hoa mẹ Việt như ý kiến của A. Schreiner: Minh Hương là sự thông hôn giữa đàn bà Việt và di dân nhà Minh chạy sang Giao Chỉ vào cuối thế kỉ XVII[11]. Từ Minh Hương lúc này vừa chỉ đơn vị hành chính (Minh Hương xã), vừa được dùng như tên gọi một nhóm người của xã hội: người Minh Hương (phân biệt với người Khách, người nước Thanh, người Cao Miên, người Chà Và, người Tây Dương…).
Từ đầu thế kỉ XIX, để giữ quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh, trong các văn bản ngoại giao chính thức, nhà Nguyễn đã thay chữ Hương (bộ “hương”) nghĩa là “hương hỏa” thành chữ “hương” (bộ ấp) có nghĩa là “quê hương”. Đến thời điểm này, khi nhắc đến người Minh Hương thì không còn có ý nghĩa là “những người giữ gìn hương hỏa nhà Minh”, “những người trung thành với nhà Minh” mà đã trở thành “những làng xóm cũ của người Hoa đến Việt Nam từ thời Minh”[12].
Mặc dù vẫn giữ phong tục tập quán Trung Hoa nhưng những người này từ lâu đã được xem là người Việt Nam và đã có nhiều đóng góp trong nền kinh tế xã hội đất nước ta nói chung và ở vùng Nam Bộ nói riêng. Đến thời Tự Đức (1847 – 1883), người Minh Hương được xem là những người Việt Nam toàn diện. Danh từ Minh Hương sau đó bao gồm tất cả con cái người Hoa đến Việt Nam lập nghiệp: những người mang hai dòng máu Việt – Hoa hay những trẻ em Hoa kiều sinh ra tại Việt Nam không kể ý muốn của cha mẹ[13]. Người Minh Hương bị cấm sinh hoạt theo phong tục của nhà Thanh và sống tách biệt với những khu vực có đông đảo người Hoa lục địa cư ngụ.
Để phân biệt với người Minh Hương, triều Nguyễn đã quy định thêm về chế độ Hoa kiều. Khái niệm Hoa kiều lúc này có nội hàm khác so với người Minh Hương. Hoa kiều là những người trong thời nhà Thanh đến Việt Nam và các quốc gia trong vùng Đông Nam Á lập nghiệp từ thế kỷ XVIII đến giữa thế kỉ XX. Những cư dân Trung Hoa này đứng về một khía cạnh nào đó có thể được xem như những di dân kinh tế và họ vẫn còn giữ mối liên hệ mật thiết với quê hương của mình. Đối với nhà Nguyễn, việc quản lí đối với những người Hoa kiều này cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến sinh hoạt chính trị, xã hội và kinh tế với chính quyền Việt Nam.
4. Cơ chế quản lý của làng Minh Hương ở Chợ Lớn
Cơ chế quản lí của làng Minh Hương ở Chợ Lớn có một số điểm đặc biệt so với các làng xã khác ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Việc quản lí các hoạt động của làng và dân làng dựa vào hai cơ sở: thứ nhất là những qui định của nhà nước phong kiến Việt Nam và thứ hai là dựa vào hương ước của làng. Cho đến nay làng Minh Hương Chợ Lớn là làng duy nhất ở khu vực Nam Bộ còn để lại hương ước. Bản hương ước của làng Minh Hương còn được gọi là “Khoán ước và tiểu sử của các vị tiến bối”.
Bản hương ước của làng quy định rõ về trách nhiệm của các hương chức trong làng; về các thứ bậc, tôn ti trật tự của các thành viên; việc xử lý những hương chức sai phạm; các nghi thức cưới hỏi, tang ma…. Hương ước cũng rất chú trọng đến mối quan hệ giữa các thành viên trong làng. Ngay từ lời mở đầu, bản hương ước đã nhấn mạnh về mối quan hệ giữa các thành viên: “Muốn qui tụ cho đông đảo, thì phải xử sự cho vuông tròn, người đời phải biết cư xử cho hòa nhã thì mới quý. Đông là nhờ biết phải quấy mà khuyên lẫn nhau. Hoà là biết lỗi, phải sửa mình ngay, ấy là nhờ biết (điều) vậy”[14]
Theo Khoán ước của Hội Minh Hương Gia Thạnh thì đảm nhận việc quản lý trong làng là một Ban Quản trị, với các vị hương chức do dân làng bầu chọn nên. Đứng đầu Ban Quản trị là ông Hương trưởng, kế đến là Hương lão và các ông Trùm. Tiêu chuẩn để được đứng vào trong Ban Quản trị phải là những người đứng tuổi hoặc có trình độ học vấn cao. “Hương lão và Hương trưởng là người tuổi cao tác lớn, công cán nhiều năm, chuyên lo việc quan, phân xử việc làng, phải nên gắng chí đồng lòng lo lắng cùng nhau, trông nhau như ruột thịt, chung lo giềng lợi và trừ mối hại”[15]. Khoán ước cũng có qui định rất chặt chẽ đối với cả những hương chức hạng thấp hơn: “chức Biện (cựu?) cũng như tán lá của làng, lựa chọn đủ tài năng đã lâu ngày công khó phải sánh đồng tâm hiệp lực mà làm cho tròn nhiệm vụ của mình, phải luân phiên nhau mà làm việc làng…. Nếu làng có việc cần dụng, thì hễ mời một lần là đến ngay, không đặng trì hưỡn hay lánh mặt…”[16]
Trong đội ngũ Ban Quản trị của làng Minh Hương cũng có một số người trước đây đã từng là quan chức trong triều đình trở về làng. Về sau chức vụ của các hương chức này có sự thay đổi về tên gọi, đổi thành Xã trưởng, Chức biện, Thủ giáp.
Nhiệm vụ của Ban Quản trị là quản lí tất cả các công việc chung của làng: trật tự an ninh; thu các loại thuế để nộp cho nhà nước Trung ương và chính quyền địa phương các cấp; giải quyết các vụ tranh chấp trong làng; tham dự và đảm nhận việc cúng lễ Kỳ yên; lo các việc tang ma, cưới hỏi của các thành viên trong làng Minh Hương. Trong Ban Quản trị làng Minh Hương thường có một người thông ngôn đảm trách việc phiên dịch khi các hương chức cần trao đổi, gặp gỡ với chính quyền địa phương.
Việc bầu chọn hương chức là một sự kiện thực sự quan trọng đối với làng Minh Hương ở Chợ Lớn và diễn ra hết sức sôi nổi như một ngày hội lớn của làng. Cho đến năm 1865, khi làng Minh Hương Chợ Lớn giải thể thì Ban Quản trị của làng chuyển thành Ban trị sự của đình Minh Hương Gia Thạnh.
Theo qui định của Nhà nước, hàng năm đinh tráng trưởng thành của làng Minh Hương Chợ Lớn phải đóng thuế thân. Theo sách “Khoán ước và tiểu sử của các vị tiền bối” thì ban đầu mỗi người đóng thuế hai nén bạc, về sau giảm xuống còn một nén. Người đứng đầu làng là Hương trưởng hoặc xã trưởng có khi phải ứng tiền riêng ra nộp thuế cho làng rồi sau đó thu lại. Vì dân làng Minh Hương đa số làm nghề buôn bán chứ không có ruộng nương cày cấy cho nên được nhà nước cho phép đóng thuế theo quy chế “biệt nạp”. Ngoài thuế đinh, làng Minh Hương Chợ Lớn còn phải nộp cho Nhà nước một số tiền thuế thu từ hoạt động buôn bán của làng[17]. Dân làng Minh Hương được miễn các nghĩa vụ như đi lính, đi xâu hay tạp vụ….
Làng Minh Hương Chợ Lớn qui định rất rõ về tôn ti trật tự giữa các thành viên trong làng. Theo Khoán ước thì “như trong làng có việc, thì đều lưu hợp lại, đặng bàn nghị. Các vị Hương lão, Hương trưởng, Trùm cựu, Trùm tân cũng như chức sự đều có mặt… Phải biết thượng hạ, tôn ti, khi vào tiệc, dưới trên cho có thứ lớp… Làng xóm lớn nhỏ đều hòa mục, trong ấm ngoài êm, sắc phục chỉnh tề, ăn nói ôn hòa”[18]. Khi trong gia đình hay giữa các gia đình trong làng có việc tranh chấp thì “phải đem việc ấy đến nhà ông Trùm mà kêu nài, hầu đem ra làng mà phân xử cho minh bạch, thưởng phạt cho rành”[19].
Bởi nếp sống có tôn trị trật tự trên dưới như vậy cho nên năm 1863, làng Minh Hương Chợ Lớn được vu Tự Đức ban tặng một bức hoành phi sơn son thiếp vàng với bốn chữ “Thiện tục khả phong” (phong tục tốt đẹp đáng khen). Tấm biển này hiện nay vẫn còn được lưu giữa tại đình Minh Hương Gia Thạnh.
5. Đời sống kinh tế - văn hóa của làng Minh Hương Chợ Lớn
Căn cứ vào những tư liệu ghi chép về đời sống kinh tế của người Hoa thời bấy giờ ta có thể thấy được rằng hoạt động kinh tế chủ yếu của người Hoa ở làng Minh Hương Chợ Lớn là thương mại và dịch vụ. Sống tụ cự hai bên con kênh lớn là kênh Tàu Hủ - nơi các thuyền buôn nước ngoài thường qua lại tấp nập cho nên làng Minh Hương Chợ Lớn rất phát triển ngành thương mại. Sách Gia Định thành thông chí chép: “các nước Tây Dương, Xiêm La, Tàu (tục gọi thuyền to đi biển là tàu), thuyền biển buôn bán đi về, cột buồm sát nhau, trăm thứ hàng họp lại, khiến chốn ấy là nơi đô hội lớn của đất Gia Định, cả nước không nơi nào bằng”[20].
Ở khu vực làng Minh Hương Chợ Lớn, hàng hóa từ các thuyền buôn nước ngoài đem đến thường là vải, tơ lụa, gấm, đồ sứ, đồ trang sức, giấy viết, trà, thuốc bắc… Các sản phẩm xuất khẩu của làng chủ yếu là đường, mía, hồ tiêu, cau, hương liệu, lúa gạo… Đặc biệt, lúc bấy giờ lúa gạo ở Chợ Lớn không chỉ xuất khẩu ra nước ngoài mà còn là nguồn cung cấp cho các tỉnh ở phía Bắc nước ta như Phú Xuân, Hội An…. Làng Minh Hương Chợ Lớn từ đó sớm trở thành một trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm lớn của khu vực Nam Bộ.
Qua tìm hiểu khu vực Chợ Lớn ngày nay (các quận 5, 6, 8), nhà nghiên cứu Phan An cho rằng ngoài hoạt động thương mại và dịch vụ, người Hoa ở làng Minh Hương Chợ Lớn lúc bấy giờ có lẽ còn phát triển các nghề thủ công như làm gốm, làm kim hoàn, chế tạo các đồ dùng bằng thiếc, nghề rèn…. Những nghề thủ công này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong vùng mà còn được bán sang các địa phương khác nữa.
Có thể nói rằng chính những hoạt động kinh tế hết sức tấp nập của người Hoa ở làng Minh Hương Chợ Lớn đã biến Chợ Lớn và khu vực hai bên kênh Tàu Hủ trở thành một đô thị sầm uất, một thương cảng lớn của đất Gia Định trong các thế kỉ XVIII – XIX.
Cùng với những hoạt động kinh tế năng động, người Hoa ở làng Minh Hương Chợ Lớn còn có đời sống văn hóa tinh thần hết sức phong phú. Đoạn văn trong Gia Định thành thông chí miêu tả khu vực cư trú của người Hoa ở dọc kênh Tàu Hủ (thực ra là làng Minh Hương ở Chợ Lớn) đã cho thấy điều đó: “Những buổi sáng đẹp đêm tốt, tam nguyên, sóc vọng, thi treo bày đua khéo khoe đẹp, như cây lửa cầu sao, thành gấm hội ngọc, trống kèn huyên náo, trai gái thành đàn, là một phố chợ đông đúc náo nhiệt…”[21].
Điểm đặc biệt của làng Minh Hương Chợ Lớn so với các làng khác ở Nam Bộ lúc bấy giờ là đây là một làng có hoạt động kinh tế thiên về buôn bán, kinh doanh và dịch vụ, do đó, nếp sống văn hóa của làng mang tính chất của một vùng đô thị, đô hội náo nhiệt với rất nhiều trò vui chơi giải trí. Điều này khiến cho làng Minh Hương Chợ Lớn có một nét đặc sắc riêng – vừa là làng, vừa là phố. Là nơi hội tụ nhiều loại người, nhiều phong cách, nếp sống khác nhau như vậy nhưng làng Minh Hương vẫn giữ được một nếp sống thuần phác, vừa vui tươi nhưng cũng vừa lịch lãm, đó thực sự là một điều đáng quý.
Mọi sinh hoạt văn hóa của làng Minh Hương Chợ Lớn chủ yếu diễn ra ở đình làng – đó là đình Minh Hương Gia Thạnh. Đình Minh Hương Gia Thạnh không chỉ là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa ở khu vực Chợ Lớn mà đây còn là một nét độc đáo trong tín ngưỡng của người Hoa ở Nam Bộ. Hàng năm, tại đình Minh Hương Gia Thạnh diễn ra rất nhiều lễ hội, nhưng lớn nhất là lễ hội Kỳ yên – lễ hội cầu cho quốc thái dân an của cả làng.
6. Kết luận
Làng Minh Hương Chợ Lớn được thành lập từ rất sớm ở Nam Bộ. Tuy cho đến nay, niên đại thành lập làng Minh Hương Chợ Lớn vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn trong giới nghiên cứu về người Hoa nhưng có thể khẳng định rằng sau khi Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý đất Nam Bộ thì ở khu vực Chợ Lớn đã hình thành nên làng xã của người Hoa – đó chính là làng Minh Hương.
Những người Hoa sinh sống trong làng Minh Hương hồi thế kỷ XVII – XIX được xem như là những người công dân Việt Nam. Làng Minh Hương cũng có tổ chức quản lí riêng của mình, đặt dưới sự quản lí của một Ban Quản trị của làng. Làng Minh Hương lúc bấy giờ vừa nằm dưới sự quản lý của các chúa và vua triều Nguyễn, nhưng đồng thời họ cũng có qui chế quản lý riêng của mình theo quy định của “Khoán ước”. Đây cũng là làng duy nhất ở Nam Bộ cho đến nay phát hiện được có tồn tại bản hương ước, đây là một điểm đặc biệt của làng Minh Hương so với các làng xã khác ở Nam Bộ, kể cả với những làng của người Việt.
Đời sống kinh tế - sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân làng Minh Hương thật sự phong phú. Hoạt động kinh tế chính của người Hoa trong khu vực Chợ Lớn là thương mại, dịch vụ. Chính sự phát triển sớm của thương mại như vậy cho nên ngay từ rất sớm, Chợ Lớn đã trở thành một trung tâm mua bán hết sức sầm uất ở Nam Bộ, thu hút không chỉ thương nhân các vùng khác mà còn cả thương nhân nước ngoài đến mua bán, trao đổi.
Cũng xuất phát từ hoạt động kinh tế đa dạng đó, sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Hoa cũng hết sức phong phú và mang đậm màu sắc của một vùng đô thị phát triển.
Ngày nay, tên gọi Minh Hương không còn tồn tại. Những người Minh Hương ở khu vực Chợ Lớn trước kia dường như đã hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng người Việt và trở thành những công dân đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung. Điều này cho thấy mức độ hòa nhập của người Hoa vào xã hội Việt Nam hết sức mạnh mẽ. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Châu Hải, 1992, Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2.      Fujiwara Riichiro, 1974, “Chính sách đối với dân Trung Hoa di cư của các triều đại phong kiến Việt Nam”, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 8.
3.      Huỳnh Lứa, 2000, Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4.      Li Tana, 1999, Xứ Đàng Trong, Nxb. Trẻ, TP.HCM.
5.      Nguyễn Cẩm Thúy (chủ biên), 2000, Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6.      Phan An (chủ biên), 1990, Người Hoa quận 6 TP.HCM, Mặt trận tổ quốc Việt Nam quận 6, TP.HCM.
7.      Phan An (chủ biên), 1990, Chùa Hoa TP.HCM, Nxb. TP.HCM.
8.      Tân Việt Điểu, 1961, “Lịch sử người Hoa kiều tại Việt Nam”, Văn hóa nguyệt san, Số 61 + 62 + 65.
9.      Tô Nam, 1958, “Minh Hương lược khảo”, Văn hóa Á Châu, Số 5 + 6 + 7.
10.  Trần Hồng Liên, 2007, Nvgười Hoa ở TP.HCM, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
11.  Trần Kinh Hòa, 1961, “Làng Minh Hương và phố Thanh Hà thuộc tỉnh Thừa Thiên”, Đại học, Số 3.
12.  Trần Văn Đĩnh, 1961, “Vấn đề Hoa kiều tại Đông Nam Á”, Quê hương, Số 21 + 22.



* HVCH chuyên ngành Lịch sử, khoá 2007 - 2010
[1] Trịnh Hoài Đức, 1998, Gia Định thành thông chí (Bản dịch của Viện Sử học), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, Tr. 76.
[2] Phan Khoang, 2001, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb. Văn học, Hà Nội, Tr. 327.
[3] Cheng Chinh Ho, 1960, Mấy điều nhận xét về Minh Hương xã và các cổ tích tại Hội An, Việt Nam khảo cổ tập san, Số 1, Tr. 1 – 30).
[4] Gia Định thành thông chí, Sđd, Tr. 77.
[5] Gia Định thành thông chí, Sđd, Tr. 77.
[6] Phan An, 2006, Góp phần tìm hiểu văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, Tr. 36.
[7] Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), 1987, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. TP.HCM, Tr. 164.
[8] Nguyễn Đình Đầu (chủ biên), Sđd, Tr. 164.
[9] Gia Định thành thông chí, Sđd, Tr. 187.
[10] Guistave Huê Dictionaire Annamite – Chinois, Francais, 2000, q.570, dẫn theo Nguyễn Cẩm Thúy (chủ biên), Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, Tr. 13.
[11] A. Schneiner, Les Institutions Annamites en Basse Cochinchine avant conquête Francaise, t.II, q.66, Dẫn theo Nguyễn Cẩm Thúy, Sđd, Tr. 13.
[12] Huỳnh Ngọc Đáng, 2002, “Về hai tên gọi Minh Hương và Thanh Hà”, Tập san Khoa học xã hội và nhân văn, Số 22, Tr. 93.
[13] Nguyễn Văn Huy, 1993, Người Hoa tại Việt Nam, Paris, Tr. 9.
[14] Phan An, Sđd, Tr. 41 – 42.
[15] Dẫn theo Phan An, Sđd, Tr. 42.
[16] Dẫn theo Phan An, Sđd, Tr. 42.
[17] Phan An (chủ biên), Sđd, Tr. 40.
[18] Dẫn theo Phan An, Sđd, Tr. 42.
[19] Phan An, Sđd, Tr. 42.
[20] Gia Định thành thông chí, Sđd, Tr. 150.
[21] Gia Định thành thông chí, Sđd, Tr. 187.