2 tháng 3, 2012

TÌM HIỂU VỀ LIÊN TẬP ĐOÀN 7 TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP Ở CAO LÃNH TRƯỚC ĐỔI MỚI

                                                                             Dương Văn Triêm

1. Bối cảnh ra đời
Trước khi bước vào làm ăn tập thể, nông dân Cao Lãnh sản xuất nông nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ - kinh tế hộ gia đình. Về vật tư và nông cụ sản xuất, nhìn chung còn rất hạn chế và nguyên nhân của vấn đề này là do:
Thiếu nguồn cung cấp ổn định, nguồn “chợ đen” là chính, nhưng cũng không nhiều. Và giá cao, so với thu nhập của nông dân.
Sau ngày miền Nam giải phóng cùng với Chỉ thị 52 của trung ương, đã tạo điều kiện cho nông dân từng bước đi vào làm ăn tập thể, xây dựng các hình thức sản xuất từ thấp tới cao.
Chỉ thị nêu rõ, thời kì đầu chọn một số địa phương tiêu biểu thực nghiệm mô hình hợp tác sản xuất trong nông nghiệp, sau đó mới nhân rộng.
Khi vào làm ăn tập thể, nông dân giải quyết được hai khó khăn lớn, đó là về vật tư và nông cụ.
2. Cơ cấu tổ chức
Bước đầu cho nông dân làm quen với mô hình lao động tập thể giản đơn đó là Tổ Đoàn kết sản xuất. Khi vào tổ toàn kết nông dân, ngoài việc cấp phát vật tư, nông cụ được tập thể và kế hoạch hóa thì các hoạt động sản xuất, sở hữu ruộng đất vẫn như trước. Địa điểm thành lập tổ đầu tiên của tổ, đó là xã Mĩ Trà bắt đầu từ rạch Bà Mụ vào đến sông Nhị Mỹ.
Trong tổ, nông dân  được cấp phát vật tư, nông cụ theo yêu cầu thông qua ban quản lý tổ. Gần đến mùa vụ, ban quản lý trình bản kế hoạch cho công ty nông nghiệp để nhận vật tư, công ty cho nợ, sẽ trả vào cuối vụ.   
Lưu ý một điều, tuy hình thức là yêu cầu vật tư và đáp ứng vật tư nhưng số lượng vật tư yêu cầu không quá cao so với mức qui định chung của nhà nước. Số
lượng vật tư được cung cấp tính theo vật tư/công (1 công = 1000m2).
Tổ Đoàn kết sản xuất, được gọi tên theo số thứ tự: tổ 1; tổ 2…, trong tổ có Ban quản lý gồm 1 tổ trưởng và 1 tổ phó. Tổ trưởng là người đại diện cho cả tổ trong việc mua vật tư, nông cụ. Tổ phó làm nhiệm vụ thay tổ trưởng khi tổ trưởng công tác. Họ là những người có uy tín được các tổ viên bầu chọn. Họ không ăn lương nhà nước chỉ nhận được một khoảng phí hoạt động từ nông dân trong tổ (không nhiều lắm).
Sau một thời gian hoạt động sản xuất, một số tổ đoàn kết được nâng lên thành tập đoàn. Trong lúc này, nông dân có đất hay không có, muốn vào tập đoàn phải có đơn xin. Trường hợp nông dân có đất mà không vào, thì phần đất của hộ đó, nếu nằm trong phạm vi của tập đoàn cũng bị trưng thu. Và hộ đó sẽ được cấp phát một số lượng đất tương ứng với số lượng bị trưng thu nhưng ở nơi khác. Đất mới, được cấp, có thể chỉ tiêu về chất lượng kém hơn đất trước.
Trong tập đoàn, có 2 loại tài sản tập thể hóa: ruộng đất, nông cụ. Về nông cụ được tập thể hóa dưới hình thức hóa giá chứ không tập trung như ruộng đất. Hóa giá là tính giá trị của nông cụ  như giá ban đầu nhưng có khấu trừ phần thời gian đã sử dụng của nông cụ đó. Nghĩa là tính giá trị còn lại của nông cụ.
Tập đoàn được chia theo diện tích, có 3 loại:
Loại lớn, diện tích khoảng 70 ha.
Loại trung bình, 50 ha.
Loại nhỏ, khoảng 40 – 45 ha.
Trung bình, cứ 6 – 8 tập đoàn lập thành 1 liên tập đoàn và 4 liên tập đoàn lập thành 1 hợp tác xã.
Theo qui định chung đó, Liên tập đoàn 7 ra đời, trên cơ sở thống nhất của 8 tập đoàn: tập đoàn 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, và tập đoàn 8.
Cơ cấu tổ chức của liên tập đoàn có, Ban quan quản lý và các hộ nông dân, gọi là tập đoàn viên. Trong Ban quản lý gồm:
a. 1 Liên tập đoàn trưởng: Dương Ngọc Bé, có khoảng thời gian là Lê Văn Đang. Chọn Liên tập đoàn trưởng thường là những người có nhiều ruộng, để làm đầu tàu trong công tác tập thể hóa ruộng đất. Nhiệm vụ của Liên tập đoàn trưởng là quan sát, chỉ đạo chung mọi hoạt động cho cấp dưới.
b. 2 Liên tập đoàn phó: 1 phó vật tư; 1 phó kế hoạch là Trần Văn ĐạtDương Văn Ẩn, công việc của 2 tập đoàn phó này không có sự rạch ròi, phó vật tư có thể làm công việc của phó kế hoạch và ngược lại. Sau một thời gian, 2 chức vụ tập đoàn phó đều do Kế toán Lê Văn Đang đảm nhiệm.
          Cả Liên tập đoàn trưởng và 2 phó đều do dân tập đoàn viên bầu cử, không có nhiệm kì.
          Ngoài 3 chức danh kể trên thuộc Ban quản lý thì trong tổ chức liên tập đoàn còn có 3 chức danh khác: Kế toán, Thủ kho, Thủ quỹ, 3 chức danh này do Ban quản lý chỉ định trực tiếp và bắt buộc phải học một khóa chuyên ngành.
a. 1 Kế toán là Lê Văn Đang, sau đó Dương Văn Giúp thay.
b. 1 Thủ kho kiêm Thủ quỹ, lúc đầu là Hồ Văn Tuyết sau là Lê Minh Chiến.
Nhưng theo thói quen thì 6 chức danh trên vẫn được gọi là Ban quản lý.
          Trụ sở hoạt động Liên tập đoàn và kho được đặt tại nhà của Liên tập đoàn trưởng, nay thuộc vườn Ông Huề, ấp 2 xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh.
3. Hoạt động
Tập đoàn tập trung tất cả ruộng đất trong địa phận quản lý, thực hiện chính sách trang trải ruộng đất cho tất cả tập đoàn viên. Mỗi hộ, gia đình tập đoàn viên đều được chia đất. Sự phân chia tính theo đầu người/công 1000 m2. Cách tính này chỉ áp dụng cho lao động chính. Lao động chính là những người còn sức lao động và  khả năng tự lao động, được qui định dựa trên số tuổi lao động:
 Nam từ 18 tuổi – 60 tuổi, nữ từ 18 tuổi – 55 tuổi.
Ngoài hình thức phân cấp ruộng cho lao động chính, tập đoàn cũng phân cấp cho lao động phụ, lao động phụ chia làm ba nhóm, theo tuổi:
          Nhóm 1 từ dưới 13 tuổi trở xuống, 4 người trong nhóm này tương đương với một lao động chính. 
Nhóm 2 từ 13 tuổi – 18 tuổi, 2 người trong nhóm này tương đương với một lao động chính.
Nhóm 3 số tuổi được tính từ giới hạn tuổi của lao động chính trở về sau. Nhóm này cũng tương tự như nhóm 2, nghĩa là 2 người trong nhóm này tương đương với một lao động chính. Cách tính này được áp dụng đối với từng thành viên trong hộ gia đình.
Khi nhận ruộng mỗi hộ gia đình được cấp một Sổ giao khoán ruộng đất, sổ ghi lại diện tích được phân cấp và loại đất, để làm cơ sở cho nhà nước thu thuế cũng như để lập kế hoạch phân phối vật tư.
          Mỗi hộ gia đình canh tác theo hình thức khoán sản phẩm. Trước khi vào vụ sản xuất Ban quản lí liên tập đoàn, hợp các tập đoàn viên lại, đưa ra chỉ tiêu về năng suất (chỉ tiêu về năng suất phải được sự thống nhất chung của các tập đoàn viên nhưng không quá thấp so với chỉ tiêu sàn), công chăm sóc cụ thể cho từng loại đất và thời gian thu hoạch chung, của một mùa vụ. Sau đó, lập thành bảng kế hoạch, làm cơ sở để nhận vật tư.
Bảng kế hoạch từng bước qua các trung gian kiểm tra: Nông nghiệp xã, Ban cải tạo nông nghiệp huyện thị, Công ty lương thực, Trọng tài kinh tế; sau cùng mới đưa đến Công ty vật tư để cấp vật tư.
 Chỉ tiêu về năng suất, công lao động được qui định cho từng loại đất cụ thể như sau:
          Loại A là đất thuộc, phì nhiêu, giữ nước tốt. Năng suất sàn khoảng 30 giạ/ công 1300 m2; công lao động khoảng 10 ngày. Bao gồm thời gian làm đất, thời gian ngâm ủ giống, thời gian bón phân, phun thuốc trừ sâu.
          Loại B là đất gò, không phì nhiêu, giữ nước không tốt. Chỉ tiêu năng suất cho loại này là 20 giạ/ công 1300 m2, ngày công là 12.
Các loại C, D thì cũng tương tự; ngày công lao động tăng từ 2 – 4 ngày, năng suất giảm xuống từ 10 – 20 giạ/ công 1300 m2.
          Hộ tập đoàn viên không nhận ruộng thì nhận nông cụ. Đây là tài sản chung của liên tập đoàn đã được hóa giá lúc đầu hoặc mua mới từ nguồn quỹ tập thể, để làm thuê cho các hộ khác. Những hộ làm thuê này, không được trả công bằng tiền mà bằng thóc, sau mỗi vụ thu hoạch, dựa trên ngày công lao động chung, của cả vụ.
4. Phân phối sản phẩm
          Ngày 5 tháng 11 năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định 400CP,  phân phối thu nhập theo giá trị ngày công kế hoạch  theo trình tự sau:
a. Chi phí vật tư nông nghiệp
b. Thuế nộp cho nhà nước
c. Công hoạt động của Ban quản lý
d. Trả công lao động cho tập đoàn viên theo giá trị ngày công kế hoạch
e. Số còn lại sẽ phân phối cho các quỹ.
* Lưu ý, ở đây chỉ đề cập đến ngày công lao động thực trên đồng ruộng, chứ không nói đến lao động công ích, vì lao động công ích không được tính vào phân phối thu nhập sản phẩm thu nhập.
Cách phân phối trên có nhiều tiến bộ, nhưng thực tế Ở Cao Lãnh vẫn thực hiện theo cách cũ có từ trước quyết định 400CP phân phối theo số dư:
a. Chi phí vật tư nông nghiệp (trao đổi 2 chiều nhưng vẫn qui ra tiền. Ví dụ cụ thể 1,65 đ/kg lúa; 5đ/kg phân urê và tỉ lệ tao đổi là 3kg lúa = 1kg phân).
b. Thuế nộp cho nhà nước (56 kg lúa/1000 m2)
c. Phân phối cho các quỹ (kg lúa/công 1000 m2)
d. Công hoạt động của Ban quản lý (tính theo phần trăm/ tổng số thu nhập của liên tập đoàn. Tuỳ theo thời gian làm việc của họ mà chỉ số phần trăm thay đổi, tăng hoặc giảm, nhưng mức bình quân là 3%).
e. Số còn lại còn nhiều thi chia nhiều, còn ít thì chia cho tập đoàn viên.
Có 3 loại quỹ chính để phân phối:
Quỹ tích luỹ là quĩ chung của tập đoàn trong việc đầu tư, tái sản xuất, mua trang thiết bị cho sản xuất.
          Quỹ công ích là quĩ dùng vào việc xây dựng các công trình công cộng phụ vụ cho dân trong tập đoàn.
Quỹ khen thưởng là quĩ dùng vào việc khen thưởng cho những tập đoàn viên lao động giỏi, thực hiện tốt nghĩa vụ công ích. Hình thức khen thưởng chủ yếu là bằng hiện vật gần gũi với cuộc sống sinh hoạt của người dân : bộ tách trà, ấm nước…Lễ khen thưởng được tổ chức trước sự chứng kiến đông đủ của các tập đoàn viên khác.
5. Đánh giá kết luận
          Trong liên tập đoàn, nông dân được nhà nước phân chia lại ruộng đất, tự do canh tác. Tuy vẫn còn canh tác trên ruộng của mình nhưng họ không có quyền mua bán, chuyển nhượng cho người khác hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng.
          Kế hoạch dự tính là sau khi thành công mô hình Tập đoàn sản xuất. Thì sẽ được nhân rộng ra. Nhưng do những hạn chế, trong cơ cấu tổ chức và phân phối sản phẩm nên nó đã không tồn tại được lâu dài. Trên toàn tỉnh Đồng Tháp lúc này chỉ xuất hiện được vài hình thức Liên tập đoàn. Chưa có nơi nào có hình thức cao hơn là Hợp tác xã.
Một số hạn chế tiêu biểu:
a. Những hạn chế trong cơ cấu tổ chức: phần đông nông dân có ruộng, không thấy được lợi ích của việc hợp tác trong sản xuất mà chỉ thấy hại, đất canh tác từ bấy lâu, của họ tự dưng đem chia sẽ cho người khác. Nên họ không tự nguyện tham gia mà bị ép buộc núp dưới hình thức một tờ đơn xin. Vì nếu không vào tổ chức, đất của họ sẽ mất trắng và bị thay vào đó là một phần đất xấu, ở những nơi xa hơn. Từ đó, sự hứng thú sản xuất trong một tổ chức mới đã không có ngay từ đầu… Những hình thức đấu tranh đòi đất đã xãy ra.
b. Những hạn chế trong phân phối sản phẩm: quyết định 400 của hội đồng Bộ trưởng là đúng để thay thế cho quyết định phân phối theo số dư, trước. Tuy nhiên, cấp dưới không triển khai thực hiện. Điều này đã gây bất bình trong nội bộ, khi lao động tất yếu trở thành lao động thặng dư và ngược lại.
          Xét về khía cạnh tái sản xuất lao động thì người lao động đi làm trong năm không biết chắc chắn hay tối thiểu có thể sống được về mức trả công cho một ngày là bao nhiêu, giá trị ngày công bị thả nổi tùy theo tình hình thu hoạch cuối vụ, nên họ sẽ không an tâm lao động.
c. Ngoài những hạn chế trên còn có: tài sản chung không ai bảo quản, chống hư. Nên hàng năm tổ chức phải chi phí lớn cho việc sửa chữa, mua mới nông cụ, làm chậm quá trình đầu tư, tái sản xuất mở rộng theo chiều rộng.
* TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
A. Tư liệu thành văn
1. Ban khoa học Xã hội Việt Nam – Viện sử học (1979), Nông dân Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Trần Võ Hùng Sơn, Trần Văn Hùng (1987), Phân phối thu nhập trong hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh.
3. Tố Hữu (1985). Xóa bỏ quan liêu bao cấp giải quyết một số vấn đề cấp bách giá-lương-tiền. Nhà xuất bản Sự thật.
B. Tư liệu phỏng vấn
1. Dương Ngọc Bé, nguyên Liên tập đoàn trưởng, Liên tập đoàn 7,  giai đoạn 1975-1986, Cao Lãnh - Đồng Tháp.
2. Lê Văn Đang, nguyên Kế toán trưởng 1, Liên tập đoàn 7, giai đoạn 1975-1986, Cao Lãnh - Đồng Tháp.
3. Dương Văn Giúp, nguyên Kế toán trưởng 2, Liên tập đoàn 7,  giai đoạn 1975-1986, Cao Lãnh - Đồng Tháp.