Nguyễn Hữu Nghị*
1. Mở đầu
Sợ vợ là một hiện tượng có lẽ xuất
hiện từ rất lâu đời và hầu hết các dân tộc đều có. “Theo các nghiên cứu mới nhất, sợ vợ là một truyền thống, một thói quen,
một khoa học, và trên hết, một đặc trưng văn hoá mang tính phổ quát toàn nhân
loại”[1]. Ở
Việt Nam,
từ xưa chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hiện tượng này qua các truyện cổ tích,
văn thơ, ca dao tục ngữ.
“Xưa kia có thế này đâu
Bởi vì sợ vợ nên râu quặp vào”
Thời nay hiện tượng sợ vợ càng được
bộc lộ rõ ràng hơn trên mọi phương tiện thông tin đại chúng và trong cuộc sống
hàng ngày.
Khi đánh giá về hiện tượng này mỗi
người có một quan niệm riêng, có người cho rằng đây là điều tốt, có người thì
bày bác, bày tỏ quan điểm ngược lại và cũng có người giữ lập trường trung dung.
Tuy nhiên, dù muốn hay không thì hiện
tượng này cho đến nay vẫn tồn tại và phát triển đa dạng. Điều này chứng tỏ rằng
sợ vợ là một hiện tượng được hình thành và phát triển theo quy luật tự nhiên và
mang những giá trị văn hóa xã hội nhất định. Vì thế đề tài hướng tới lý giải và
làm rõ vấn đề này.
Mặc dù sợ vợ là một hiện tượng phổ
biến ở nhiều quốc gia nhưng đề tài chủ yếu tập trung vào không gian Việt Nam và nghiên
cứu hiện tượng này theo suốt quá trình hình thành và phát triển từ xưa đến nay
trong cộng đồng người Việt.
Về chủ thể nghiên cứu cũng chính là
chủ thể của hiện tượng này, tức là các các ông chồng sợ vợ trong cộng đồng
người Việt. Tuy nhiên có nghiên cứu mở rộng thêm các đối tượng liên quan để làm
rõ vấn đề mà đại diện là người phụ nữ, người vợ trong gia đình đặt trong mối
quan hệ với người chồng sợ vợ.
2. Những vấn đề chung
2.1 Khái niệm sợ vợ
Khái niệm “sợ”: Từ điển wikitionary định nghĩa: “sợ
là một trạng thái tâm lý của con người khi lo quá về các mất mát có thể đến cho chủ thể, tổ chức hoặc các cá thể có liên quan về sự toàn vẹn, sự biến đổi, sự giảm sút về lượng hoặc chất về mọi mặt tinh thần, tình cảm, vật chất, quyền lợi”.
Theo từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê
chủ biên xuất bản năm 2006 định nghĩa “sợ” với một số ý nghĩa như sau:
- Ở trạng thái không yên lòng vì cho rằng có cái gì đó trực tiếp gây nguy
hiểm hoặc gây hại cho mình, mà tự thấy không thể chống lại hoặc tránh khỏi. Sợ
như sợ cọp. Sợ xanh mắt. Sợ khó khăn nguy hiểm. Điếc không sợ súng.
- Không yên lòng đo lường trước khả năng không hay nào đó. Sợ con mong,
vội về sớm. Sợ ốm.
- Từ dùng trong đối thoại để biểu thị ý khẳng định có phần dè dặt về điều
ít nhiều không hay. Trời mưa, sợ anh ấy không về kịp. Ít quá, sợ không đủ.
Nói chung có nhiều quan niệm khác
nhau về “sợ”, trong các trường hợp nêu trên hầu như đều quan niệm rằng khi sợ
một điều gì đó là không muốn điều đó xảy ra hoặc gắn kết với mình. Tuy nhiên,
có những trường hợp dù “sợ” nhưng người “sợ” đa số vẫn mong đối tượng sợ gắn
kết với mình như sợ cha mẹ, sợ anh, chị, cô bác, chú dì … và đặc biệt là sợ vợ.
Trong thực tế, mỗi người có mỗi quan
điểm khác nhau về sợ vợ, vì vậy khó có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất.
Tuy nhiên, để tiện cho việc nghiên cứu, dựa vào những lý luận ở trên có thể đưa
ra khái niệm để làm việc như sau: “sợ vợ là trạng thái tâm lý của người chồng
thường được biểu lộ qua ngôn ngữ, cử chỉ hay hành động mà ở đó biểu hiện sự
phục tùng của người chồng đối với vợ về một hay nhiều phương diện trong cuộc
sống”
Cần phân biệt sợ vợ với kính vợ, nể
vợ, yêu vợ và nhường nhịn vợ.
Kính vợ được hiểu là sự coi trọng vợ.
Nể vợ là cảm thấy khó làm trái ý, làm mất lòng vợ vì lòng tôn trọng. Yêu vợ là
có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với vợ, muốn gần gũi và thường vì vợ mà hết lòng.
Nhường nhịn vợ là chịu phần kém, phần thiệt về mình, để cho vợ được hưởng phần
hơn trong quan hệ đối xử.
Còn đối với sợ vợ là biểu hiện sự
phục tùng của người chồng đối với vợ. Tuy nhiên, sự phục tùng này có thể xuất
phát từ việc kính, nể, tôn trọng, yêu thương, chiều chuộng vợ hoặc có thể ngược
lại.
2.2 Từ văn hoá truyền thống đến sợ vợ
Việt Nam thuộc loại văn hóa gốc nông
nghiệp điển hình. Vì vậy, về mặt tổ chức cộng đồng, con người nông nghiệp ưa
sống theo nguyên tắc trọng tình. Lối sống trọng tình tất yếu dẫn đến thái độ
trọng phụ nữ. Điều này được thể hiện như:
Trong xã hội, khi
đóng vai là người con của đất nước, Phụ nữ Việt Nam có vai trò to lớn trong
việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, quản lý đất nước, tiêu biểu như Hai Bà Trưng, Bà
Triệu … .
Trong tôn giáo,
cụ thể là khi Phật giáo từ Ấn Độ du nhập vào Việt Nam thì các phật Ông biến
thành Phật Ông - Phật Bà, con gái nàng Man được xem là Phật tổ, nàng Man trở
thành Phật mẫu. Ngoài ra còn có rất nhiều Phật bà khác nữa như: Quan Âm Thị
Kính, Phật bà chùa Hương, Bà trắng chùa Dâu, các thánh mẫu …
Trong gia đình,
khi đóng vai là người vợ, Phụ nữ Việt Nam là người quản lý kinh tế, tài chính – người nắm tay hòm chìa
khóa. Chính bởi vậy người Việt Nam
coi
Nhất vợ nhì trời
Lệnh ông không bằng cồng bà
Khi đóng vai là người mẹ, Phụ nữ Việt
Nam
cũng chính là người có vai trò quyết định trong việc giáo dục con cái
Phúc đức tại mẫu, Con dại cái mang
Theo kinh nghiệm dân gian thì
Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng
Nói chung, trong truyền thống Việt Nam, tinh thần
coi trọng người phụ nữ, người vợ là hoàn toàn rõ nét. Từ việc coi trọng vợ, dần
dần các ông chồng chuyển sang kính vợ, nể vợ, rồi đến sợ vợ. Tuy nhiên cũng có
những trường hợp không kính không nể vợ nhưng yêu vợ, chiều vợ rồi dẫn đến sợ
vợ.
Về tư tưởng coi thường người phụ nữ (nam tôn nữ ti) là từ Trung Hoa truyền
vào, đặc biệt là khi nhà Lê lấy Nho giáo làm quốc giáo. “Nhiều người chỉ biết tới những quan niệm Nho giáo Trung Hoa “nhập cảng”
sau này (kiểu như Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô, thuyết Tam tòng), tưởng
rằng tình trạng đó vốn có ở Việt Nam từ ngàn xưa là hết sức sai lầm” [Trần
Ngọc Thêm 2004: 43].
2.3 Phân loại sợ vợ
Trong thực tế, có những ông chồng
hoàn toàn không sợ vợ nhưng đề tài không xét trường hợp này mà chỉ xét các qúy
ông sợ vợ. Chúng ta thấy rằng tùy vai trò của từng người mà mức độ “sợ” có thể
khác nhau, có người sợ nhiều, có người sợ ít, có người sợ trong trường hợp,
hoàn cảnh, môi trường này, có người sợ trong trong trường hợp, hoàn cảnh, môi
trường khác …. Chúng ta có thể phân chia:
2.3.1 Sợ vợ từng phần
Rất nhiều quý ông khi phát ngôn đều
cho rằng mình không sợ vợ do sợ mang tiếng, xấu hổ với bạn bè, đồng nghiệp, sợ
đánh mất vai trò trong xã hội, sợ thay đổi cách nhìn của mọi người xung quanh …
và thực tế nhiều người cũng suy nghĩ là mình không sợ thật nhưng điều này cần
phải cẩn trọng xem xét. Một điều không ai có thể phủ nhận là con người không ai
hoàn hảo, vì vậy trong hành động của mỗi người, ở đây muốn nói đến những ông
chồng, có những hành động cảm tính và những hành động lý tính, vì vậy nhất định
có những hành động đúng, được xã hội chấp nhận, khuyến khích và những hành động
sai đi ngược lại với văn hóa truyền thống của dân tộc, bị cộng đồng lên án… .
Khi quý ông phạm phải những sai lầm mà hậu quả của vấn đề gây ảnh hưởng đến gia
đình, vợ con thì dù cho có mang tính gia trưởng đến đâu cũng phải nơm nớp sợ
mỗi khi đối diện với vợ.
Thực tế trường hợp sợ vợ từng phần
rất phong phú như: Sợ vợ trong phương diện tài chính gia đình, trong giáo dục,
chăm sóc con cái, trong quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, trong công việc nội trợ,
trong nghiên cứu khoa học … .
2.3.2 Sợ vợ toàn phần
Trường hợp quý ông sợ vợ toàn diện
không nhiều nhưng không phải là không có. Thực tế nhiều trường hợp người chồng
thay thế vai trò của người vợ và người vợ đảm nhận vai trò của phái mạnh trong
gia đình. Khi có sự thay đổi vị trí xảy ra thì dường như mọi quyết định trong
gia đình đều do người vợ đưa ra và các quý ông chỉ có nhiệm vụ là tuân theo và
thực thi. Trường hợp sợ vợ toàn phần thường xảy ra khi người chồng phụ thuộc
vào vợ quá nhiều về kinh tế, trình độ nhận thức, cá tính … hoặc cũng có những
trường hợp người chồng gây quá nhiều lầm lỗi và được người vợ thứ tha.
2.4 Biểu hiện sợ vợ ở một vài quốc gia trên thế giới
Sợ vợ là một hiện tượng phổ biến trên
toàn thế giói. Tuy nhiên, tùy vào bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc mà
biểu hiện của sợ vợ có sự khác nhau như:
Đàn ông Pháp khi sợ vợ thường chui vào hầm rượu vang, uống cho thật say
và nằm im. Đến khi tỉnh lại, họ đi kiếm một chai sâm-banh mang về tạ lỗi.
Đàn ông Anh khi sợ vợ thường kiếm một đám sương mù thật dày đặc để chui
vào. Trong đám sương đó, họ lén lút viết đơn xin ly dị và để rồi lén lút đốt đi
khi sương tan.
Đàn ông Tây Ban Nha mỗi khi sợ vợ là chán đời đi đánh nhau với bò tót. Sợ
càng nhiều, họ đánh lại càng hăng. Kết quả là các nhà vô địch sợ vợ đều ít khi
trở về nhà sau mỗi trận đấu, hoặc nếu có trở về thì cũng khiến cho vợ thất vọng
tràn trề vì “gia tài còn lại một vòi nước trong”.
Đàn ông Ý khi sợ vợ thường chui vào bếp nấu món mỳ ống. Nấu nướng xong,
họ bưng lên, rắc cà chua và phó-mát vào, rồi ngồi chờ vợ cho phép mới dám ăn.
Đàn ông Đức mỗi khi bị vợ mắng là ra xe hơi nằm. Chính những lúc tâm hồn
u uất, nằm suy nghĩ về những mối tương quan vật chất và tinh thần giữa vợ và xe
vậy mà họ làm ra được những chiếc xe hơi nổi tiếng nhất thế giới.[2]
3. Sợ vợ nhìn theo thời gian và không gian
3.1 Sợ vợ nhìn theo thời gian
3.1.1 Sợ vợ trong xã hội truyền thống
- Sợ vợ trong sinh hoạt gia đình
Hiện tượng sợ vợ có lẽ có từ rất sớm
trong xã hội truyền thống Việt Nam.
Tuy nhiên sự hình thành và phát triển của hiện tượng này không phải lúc nào
cũng rõ ràng mà cũng có lúc mờ nhạt, ta có thể tạm chia ra hai giai đoạn:
- Trước khi Nho giáo trở thành quốc giáo (trước thế kỷ 15)
Xã hội truyền thống Việt Nam xuất phát
từ loại hình văn hóa gốc nông nghiệp nên trong tổ chức cộng đồng thì trọng đức,
trọng văn, đặc biệt là trọng phụ nữ. Người vợ trong gia đình giữ vai trò quan
trọng, là người quản lý tài chính, kinh tế và giáo dục con cái. Bên cạnh đó,
vào giai đoạn này, người dân chủ yếu sống dựa vào kinh tế tự cấp tự túc, trong
không gian đóng đó là làng, “Trống làng
nào làng nấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ”, “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”, “Ta về
ta tắm ao ta, Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, xét cuộc sống sinh hoạt gia
đình trong không gian đó thì người vợ và người chồng không có nhiều điều kiện
tiếp xúc với xã hội bên ngoài (ngoài cộng
đồng trong làng) nên những bàn bạc, tranh luận và va chạm lẫn nhau giữa
chồng và vợ trong gia đình không nhiều dẫn đến người chồng ít có cơ hội bộc lộ
bản chất sợ vợ của mình dù rằng chất sợ vợ của những ông chồng trong thời gian
này có thể là rất lớn . Từ đó có thể nhận định hiện tượng sợ vợ trong thời gian
này giống như là tảng băng trong nước mà ta chỉ có thể nhận diện phần nổi của
nó qua ca dao tục ngữ dân gian.
Trong thời gian này, mặc dù Nho giáo
đã du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa (vào
đầu công nguyên) nhưng chưa được nhiều người biết đến, chủ yếu là được tiếp
nhận qua tầng lớp quan lại triều đình. Vì vậy những tư tưởng, triết lý của nó
vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến đa số tầng lớp nông dân nông thôn.
- Khi Nho giáo làm quốc giáo đến đầu thế kỷ 20
Vào đầu thế kỷ 15, “Trong cuộc kháng chiến mười năm chống quân
Minh (1408 – 1418), các nhà Nho Việt Nam đứng đầu là Nguyễn Trãi tập hợp dưới
ngọn cờ của Lê Lợi đã có những đóng góp to lớn. Sự lớn mạnh của Nho giáo (điều
kiện chủ quan), nhu cầu cải cách quản lý đất nước (yêu cầu khách quan), cùng
với sự đóng góp của giới Nho sĩ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (yêu cầu
tình cảm) đã dẫn đến việc triều Lê chủ động đưa Nho giáo thành quốc giáo”
[Trần Ngọc Thêm 2004:495]. Từ đó Nho
giáo thịnh suy theo bước thăng trầm của triều đình cầm quyền, đến khi phải đối
mặt với sự tấn công của văn hóa phương Tây thì Nho giáo suy yếu dần và tàn lụi
hẳn vào thế kỷ 20.
Tư tưởng của Nho giáo chủ yếu chứa
đựng học thuyết chính trị nhằm tổ chức xã hội. Trong học thuyết Nho giáo chủ
yếu đề cao nam, hạ thấp nữ “Nam tôn nữ ti”.
Tam cương “Bề tôi tuyệt đối phục tùng
vua, con phải tuyệt đối phục tùng cha, vợ phải tuyệt đối phục tùng chồng”. Tam
tòng “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng
phu, phu tử tong tử”.
Do ảnh hưởng của Nho giáo nên vai trò của
người vợ trong gia đình hầu như bị tước đoạt, người ta quan điểm “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” và
cực lực phản đối tư tưởng trước đây như:
“Ba đồng một mớ đàn ông
Đem bỏ vào lòng cho kiến nó tha
Ba trăm một mụ đàn bà
Mang về mà trải chiếu hoa cho ngồi”
Tuy nhiên, vốn dĩ văn hóa Việt Nam có
bề dày, lịch sử lâu đời, khi tiếp nhận văn hóa mới thì nó đã có sự khúc xạ qua
lăng kính văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời tiếp biến nó, làm cho nó
trở thành Nho giáo của Việt Nam chứ không thuần là Nho giáo Trung Hoa nữa.
Nhưng dù sao đi nữa, với những tư tưởng cốt lõi quan niệm về nam nữ như vậy thì
vai trò người phụ nữ, người vợ đã bị đẩy xuống một cấp thấp hơn. Vì vậy trong
giai đoạn này hiện tượng sợ vợ không còn phổ biến như trước đây nữa, nó chỉ còn
trong những vùng xa xôi hẻo lánh mà nơi đó là cái nôi lưu trữ văn hóa truyền
thống dân tộc. Có thể nói đây là thời kỳ cực suy thoái của hiện tượng sợ vợ ở
Việt Nam.
- Sợ vợ trong ca dao tục ngữ
Kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam là nơi còn
lưu trữ rất nhiều những bằng chứng về hiện tượng sợ vợ trong dân gian. Nó phản
ánh biểu hiện sợ vợ của chồng trên nhiều phương diện của cuộc sống.
Trước khi có vợ thì được tự do về mọi
mặt nhưng đến khi đã lập gia đình thì có vợ quản lý chặt chẽ mọi mặt, sợ vợ nên
các quý ông trở nên rất chuẩn mực, chăm lo cuộc sống gia đình một cách tự
nguyện.
“Đói thì ăn cơm lại no
Từ ngày lấy vợ chẳng dò đi đâu”
Người vợ nắm vai trò là chủ gia đình.
“Rương xe chìa khóa em cầm
Giang sơn em gánh, nợ nần em lo”
Thấy được tầm quan trọng của vợ nên
các ông chồng rất sợ và tự hào về vợ.
“Một là vợ, hai là vợ”
Khi
người vợ đã đóng vai chính trong gia đình thì người chồng tất nhiên trở thành
vai phụ xử lý các công việc lặt vặt trong nhà và phải biết nghe lời vợ.
“Làm trai rửa bát quét nhà
Vợ gọi thì dạ bẩm bà tôi đây”
Nếu
những việc lặt vặt mà làm chưa xong hoặc làm trái ý vợ hay gây những lỗi lầm
với vợ thì phải chịu những hậu quả nặng nề.
“Trời ơi ngó xuống mà coi
Vợ tôi nó đánh bằng roi trâm bầu”
Thời kỳ
này có những làng, có những họ mà các bà vợ nổi bật về việc “tề gia” bằng pháp
trị.
“Nước sông đổ lẫn nước ngòi
Con gái Linh Xá cầm roi đánh chồng
Nước sông đổ lẫn nước đồng
Con gái Linh Xá dạy chồng bằng dao”
Một số
anh không bỏ tật trăng hoa thì tự chuốc lấy hậu quả đau thương.
“Một vợ anh nằm giường lèo
Hai vợ anh nằm chèo leo
Ba vợ thời xuống chuồng heo mà nằm”
“Ba vợ với bảy nàng hầu
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi”
Do vai trò của người vợ thể hiện quá
rõ trong gia đình, trong khi người chồng thì quá mờ nhạt nên cũng có trường hợp
người vợ xem thường, chê bai và giễu cợt chồng.
“Thằng chồng em là đứa vô nghì
Tổ tôm xóc đĩa việc gì
cũng ngoan”
3.2 Sợ vợ trong xã hội hiện đại
3.2.1 Sợ vợ trong sinh hoạt gia đình
Xã hội hiện đại, khi mà Nho giáo đã
lụi tàn và văn hóa phương Tây bắt đầu ảnh hưởng mạnh vào nước ta. Với những
nguyên tắc bình đẳng giới, nam nữ bình quyền, vai trò người phụ nữ lúc bấy giờ
được dần dần nâng lên. Theo thời gian, đặc biệt là trong những thập niên gần
đây, người phụ nữ đã chiếm một vai trò rất quan trọng trong xã hội. Trong chiến
tranh giải phóng dân tộc, phụ nữ có những đóng góp rất to lớn cho sự thành công
của cánh mạng Việt Nam mà đại diện như chị Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai,
Chị Út tịch, Chị Sứ … . Trong thời bình, về mặt xã hội, phụ nữ đảm nhận những
chức vụ ngày càng quan trọng trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, giáo
dục, ý tế …Trong gia đình, với vai trò là người vợ, người mẹ, người phụ nữ có
khi đóng vai trò chủ đạo, có khi hỗ trợ tích cực cho chồng lèo lái con thuyền
gia đình đi đến bến bờ hạnh phúc.
Chính vai trò ngày càng rõ nét của
người vợ trong gia đình và trong xã hội, các ông chồng đã thay đổi những tư
tưởng xem thường phụ nữ, chuyển sang yêu vợ, chiều vợ, kính vợ, nể vợ rồi thậm
chí đến sợ vợ.
Sự thay đổi này, dẫn đến việc mọi mặt
trong gia đình người chồng đều hỏi ý vợ, có khi nhường vợ quyết định, định đoạt
và chồng chỉ đóng vai trò phụ.
3.2.2 Sợ vợ qua truyện và thơ ca
Nhiều tác giả quan tâm và thể hiện chủ
đề sợ vợ trong những sáng tác của mình. Chẳng hạn như Nguyễn Nhật Ánh, ông đã sáng
tác truyện ngắn “Sợ vợ” với nội dung phản ánh cuộc sống hiện thực và những trăn
trở về việc sợ vợ lợi hay hại.
Một câu chuyện khác phản ánh hiện
tượng sợ vợ của một ông chồng. Anh ta rất sợ vợ, nhưng lại rất thèm ăn chè đậu
đen, đợi vợ đi vắng, anh ta lén vợ nấu chè, không ngờ vợ về bất ngờ, bí quá anh
ta phải đổ cả nồi chè lên đầu. Thấy mặt chồng lấm lem vì nước đậu, vợ hỏi, anh
trả lời rằng đó là mồ hôi.
Chủ đề sợ vợ cũng xuất hiện rất nhiều
trong truyện cười được giới thiệu qua sách hoặc qua truyền miệng.
- Sợ vợ qua thơ ca
Trong xã hội hiện đại, có rất nhiều
bài thơ, bài hát biểu hiện hiện tượng sợ vợ ở nhiều phương diện của cuộc sống
xã hội như:
Về kinh tế, tài chính gia đình
“Còn tiền thì... vợ hiền hòa,
Hết tiền... vợ dữ như là chằn tinh!”
Trong ứng xử đối với vợ phải ghi nhớ
một số nguyên tắc sau:
“Mỗi khi mà vợ giận hờn
Áp dụng "công thức giản đơn"... làm huề
Khi vợ đã ngỏ lời... chê
Thì nên sửa đổi mình ngay tức thì
Mỗi khi vợ nhờ chuyện gì
"Chương trình" vợ viết nhớ ghi trong lòng”
Người đàn ông khi kết hôn cần ghi nhớ
2 điều cơ bản nhất đó là:
“Điều 1: Vợ luôn luôn đúng
Điều 2: Nếu vợ sai, xin xem lại điều một”
Người chồng muốn gia đình hòa thuận,
hạnh phúc thì phải biết sợ vợ.
“Muốn cho trong
ấm ngoài êm
Vợ ta, ta sợ cả đêm lẫn ngày.
Muốn cho êm ấm cửa nhà
Vợ kêu chồng dạ bẩm bà, con đây!”
3.2.3 Sợ vợ trong nghệ thuật thanh sắc
Chủ đề sợ vợ được các nhà sáng tác
thể hiện rất nhiều trong các loại hình nghệ thuật như ca cải lương, kịch, đờn
ca tài tử, tuồng, chèo, múa rối nước, phim ảnh… Ngoài ra, sợ vợ còn là đề tài
bàn luận hấp dẫn của các phương tiện thông tin đại chúng như sách báo, tạp chí,
truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, internet … và nó còn đi vào mọi ngõ ngách của
đời sống, thậm chí ngay cả trên bàn nhậu, các đấng mày râu khi cao hứng thường
hát rất thoải mái với nhau dựa theo nhịp điệu của bài hát Huyền thoại mẹ:
“Ai trong đời mà không sợ
Không sợ vợ thì sợ ma
Hồi còn nhỏ thì sợ ma
Khi làm cha thì sợ vợ”
Sợ vợ được một phần quý ông chấp nhận
và xem nó là một thành tố không thể thiếu trong văn hóa gia đình.
3.3. Sợ vợ nhìn trong không gian
3.3.1Không gian gia đình và xã hội
Xét trong không gian gia đình, đặc
biệt là khi chỉ có vợ và chồng, là nơi người chồng dễ bộc lộ hết bản chất sợ
vợ. Nếu các ông chồng có mắc phải tội lỗi, sai lầm hoặc làm vợ phật ý điều gì,
trong không gian riêng vợ cứ thoải mái “hát”, chồng cam chịu lắng nghe mà không
hề phản kháng, nếu có đi chăng nữa thì chỉ là những phản kháng yếu ớt, không
đáng kể.
Khác với không gian gia đình, trong
không gian xã hội, nơi có bà con, bạn bè, đồng nghiệp, công chúng … thì xuất
phát lòng tự trọng của con người, đặc biệt là các quý ông, người mà xã hội luôn
cho là trụ cột trong gia đình thì thường cố gắng biểu lộ vai trò của mình,
chứng tỏ chỗ đứng của mình trong gia đình, thậm chí đưa ra những quyết định
mang tính độc lập, nhưng thường là những quyết định tất nhiên, không làm thay
đổi cuộc sống gia đình và không ảnh hưởng đến người khác. Người vợ trong hoàn
cảnh này thường tỏ ra thấu hiểu, thông cảm và chủ động nâng cao vai trò của
chồng để một là chồng sợ lại còn phục hơn vì vợ biết giữ thể diện cho chồng,
hai là bên ngoài nhìn vào khen vợ hiền hòa, phúc hậu. Nhưng nếu người chồng rơi
vào những hành động quá trớn thì rất khó đoán được kết quả ra sao.
So sánh một vài biểu hiện sợ vợ trong gia đình và ngoài xã hội
Tiêu chí so sánh
|
Sợ vợ trong gia đình
|
Sợ vợ ngoài xã hội
|
Hình thức tồn tại
|
Lời nói, cử chỉ, hành động
|
|
Chủ thể sáng tạo
|
Người chồng
|
|
Thời gian hình thành
|
Trước
|
Sau
|
Không gian biểu hiện
|
Hẹp
|
Rộng
|
Mức độ biểu hiện
|
Rõ
|
Mờ
|
Trạng thái
|
Động
|
Tĩnh
|
3.3.2 Không gian Bắc bộ và Nam bộ
Bắc bộ là nơi còn lưu giữ những giá
trị của văn hóa Nho giáo sâu đậm, đặc biệt là ở nông thôn. Tuy nhiên, nơi đây
cũng có tồn tại những trường hợp sợ vợ như hiện tượng chung của toàn nhân loại.
Biểu hiện sợ vợ ở Bắc bộ không bộc lộ rõ nét vì vậy tương đối khó nhận biết.
Người Bắc bộ thường có tư tưởng muốn giấu người khác tính sợ vợ hoặc có người bản
tính rất sợ vợ nhưng khi trước bạn bè thì luôn hô hào là vợ rất sợ mình. Chúng
ta có thể thấy điều này câu truyện “Nước mắn cũng phải hâm”. Từ “sợ vợ” ở Bắc
bộ có nơi còn gọi là “khiếp vợ”, “hãi vợ” … .
Khác với Bắc bộ, Nam bộ là vùng đất được hình thành
sau, xa với triều đình phong kiến xưa, vì thế ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo.
Mặt khác điều kiện thời tiết, khí hậu hai mùa mưa nắng, mạng lưới sông ngòi dày
đặc, đất đai màu mỡ, là nơi “làm chơi ăn
thật” đã góp phần hình thành nên tính cách người Nam bộ cởi mở, bộc trực.
Chính điều này đã dẫn đến những khác biệt tương đối trong những biểu hiện sợ
vợ. Người Nam
bộ thường thể hiện rành mạch (qua lời
nói, cử chỉ, hành động) tính sợ vợ của mình. Một số người còn thẳng thắng
nói với bạn bè về những phương diện mà anh ta sợ vợ hoặc thậm chí còn hô hào “vợ tao tao sợ, có sợ vợ hàng xóm đâu mà lo”
hoặc “vợ tôi cả xóm còn sợ nói chi tôi”.
Một phần người Nam
bộ cho rằng chuyện sợ vợ là chuyện bình thường và dễ dàng chấp nhận, không sợ
vợ mới là chuyện lạ (điều này không có
nghĩa là sợ hoàn toàn). Từ “sợ vợ” ở Nam bộ có nơi còn gọi là “ngán vợ”,
“bựa vợ”, “ớn vợ” … .
So sánh một vài biểu hiện sợ vợ ở Bắc bộ và Nam bộ
Tiêu chí so sánh
|
Sợ vợ ở Bắc bộ
|
Sợ vợ ở Nam bộ
|
Hình thức tồn tại
|
Lời nói, cử
chỉ, hành động
|
|
Chủ thể sáng tạo
|
Người chồng
|
|
Thời gian hình thành
|
Trước
|
Sau
|
Không gian biểu hiện
|
Rộng
|
Hẹp
|
Mức độ biểu hiện
|
Mờ
|
Rõ
|
Trạng thái
|
Tĩnh
|
Động
|
4. Sợ vợ nhìn từ chủ thể
4.1 Sợ vợ xét theo lứa tuổi
- Người lớn tuổi
Người lớn tuổi thường có nhiều vai vế
trong gia đình, là ông các cháu, là cha các con. Trong xã hội thường có địa vị,
vai trò và những mối quan hệ ổn định. Do có một thời gian dài chung sống với vợ
nên rất hiểu tính vợ, vì vậy, người lớn tuổi sợ vợ thường có xu hướng ôn hòa,
tránh mọi tranh luận trên những phương diện mà người chồng hiểu rằng mình yếu
thế. Người lớn tuổi cố gắng che đậy những biểu hiện sợ vợ của mình trước con
cháu, người ngoài nhằm bảo vệ vai trò, vị trí của mình trong gia đình trong mắt
mọi người. Chính điều này làm cho người ngoài khó nhận biết những biểu hiện sợ
vợ của người lớn tuổi. Nếu thông qua các phương tiện biểu hiện sợ vợ thì người
lớn tuổi thường biểu lộ qua hành động, cử chỉ hơn là lời nói (vì nếu đặt trong mối quan hệ âm dương, người
nhỏ tuổi thuộc dương, động, nói nhiều …còn người lớn tuổi thì âm, tĩnh, nói ít…).
- Người nhỏ tuổi
Người nhỏ tuổi, tất nhiên là xét
trong trường hợp người con trai đã có vợ, nhỏ tuổi là nhằm để phân biệt với
người lớn tuổi, người già. Người nhỏ tuổi do mới lập gia đình, có thể chưa có
con hoặc con còn nhỏ. Ngoài xã hội có thể vẫn có những địa vị nhất định nhưng
thiếu những mối quan hệ ổn định, đồng thời xã hội cũng ít chú ý và dễ thông cảm
hơn người lớn tuổi nếu anh ta có những vấn đề rắc rối về nội bộ gia đình. Mặc
khác, chưa có nhiều thời gian chung sống với vợ, ít hiểu vợ bằng người lớn
tuổi, cùng với thuộc tính dương, vì vậy người nhỏ tuổi thường cố gắng hơn trong
việc tranh luận với vợ mặc dù biết rằng mình yếu thế. Sự thất bại cứ tiếp diễn
cho đến khi người nhỏ tuổi không còn muốn tranh luận nữa thì người nhỏ tuổi bấy
giờ đã trở thành người lớn tuổi (trong
trường hợp này không xét những ông chồng bản tính ù lì, ít nói). Nếu so với
người lớn tuổi thì những biểu hiện sợ vợ của người nhỏ tuổi thường dễ nhận ra
hơn thông qua cả lờn nói, hành động và cử chỉ.
Tuy nhiên, cần chú ý trường hợp đặc
biệt là những cặp vợ chồng mới kết hôn thì rất khó nhận ra biểu hiện sợ vợ, vì
vẫn chưa đủ thời gian, điều kiện xác định điều đó. Biểu hiện sợ vợ thường bộc
lộ qua người chồng sau vài năm chung sống.
4.2 Sợ vợ xét theo nghề nghiệp
- Sợ vợ trong giới nghiên cứu, trí thức
Có lẽ giới nghiên cứu, trí thức là có
nhiều ông chồng sợ vợ hơn cả nhưng mức độ sợ vợ không nghiêm trọng như những
thành phần khác. Bởi lẽ giới trí thức, nghiên cứu là nơi bắt nguồn mang về ánh
sáng, sự bình đẳng, tự do và những quyền lợi cho phụ nữ. Hơn ai hết người trí
thức hiểu rõ những giá trị, vai trò, tầm quan trọng của người vợ trong gia
đình, vì vậy thường rất trân trọng phụ nữ, trân trọng vợ. Xuất phát từ lòng yêu
thương, tôn trọng vợ, sợ vợ buồn, vì thế, giới nghiên cứu, trí thức thường
nhường nhịn vợ, giả đò sợ vợ cốt để vợ vui lòng nhưng dần dần chuyển thành thói
quen rồi chuyển qua sợ vợ thật.
- Sợ vợ trong giới kinh doanh
Trong giới kinh doanh, các ông sợ vợ
thường tỏ ra thận trọng trong các mối quan hệ đối tác, đặc biệt là phái nữ vì
sợ vợ lên cơn “tam bành”. Hạn chế các cuộc tiếp khách, cố gắng về nhà không quá
trễ. Trong quyết định làm ăn các ông thường thông qua ý vợ, nếu vợ thuận lòng
thì mọi việc trôi chảy, còn nếu ngược lại thì đành chờ cơ hội khác. Về mặt tài
chính, các bà kiểm tra nghiêm ngặt để tránh việc các ông lập quỹ đen.
- Sợ vợ trong giới quản lý nhà nước
Trong giới quản lý nhà nước, các ông
chồng thường khéo che đậy tính sợ vợ của mình. Do đặc điểm làm việc theo giờ
hành chính nên các ông chồng thường phải tuân thủ nghiêm ngặt về mặt thời gian.
Việc đi sớm về muộn như trong giới kinh doanh khó được các bà vợ chấp nhận.
Trong nhiều trường hợp “đi cửa sau” thành công cũng xuất phát từ tính “sợ vợ”
của quý ông vì “lệnh ông không bằng cồng
bà”.
Tất nhiên, trong xã hội có rất nhiều
nghề, mỗi nghề có đặc điểm riêng, từ đó hình thành lối sống và cách ứng xử với
gia đình, xã hội riêng nhưng trong khuôn khổ của đề tài không thể chỉ ra hết mà
chỉ đưa một vài trường hợp để thấy có sự khác nhau tương đối về hiện tượng sợ
vợ trong phương diện nghề nghiệp
4.3 Một số nguyên nhân sợ vợ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sợ
vợ, có thể đơn cử một số nguyên nhân cơ bản như:
Nguyên nhân về kinh tế, vợ quản lý
kinh tế hoặc người chồng phụ thuộc vợ về mặt kinh tế.
“Làm ruộng phải có trâu, làm giàu phải có vợ”
Nguyên nhân về giáo dục, do chồng
trình độ thấp kém so với vợ
“Dốc một lòng lấy chồng dốt nát
Để ra vào rửa bát nấu cơm”
Do quý ông tập tành thói trăng hoa “Sông bao nhiêu nước cũng vừa, Trai bao nhiêu
vợ cũng chưa thỏa lòng” bị vợ phát giác.
“Chuyện chi mà bắt tôi thề
Cầm dao lá liễu dựa kề tóc mai
Bởi chàng vợ một vợ hai
Luông tuồng chẳng biết tới rày vợ con”
Do quý bà quá ghen tuông. Ngày nay có
những quý bà khi máu hoạn thư nổi lên không kìm được nên có nhiều trường hợp đã
cắt “của quý” của chồng[3].
“Ta rằng ta chẳng có ghen
Chồng ta ta giữ, ta nghiến, ta nghiền ta
chơi”
Do các
ông chồng quá hiền, quá xấu so với vợ
“Củi mục khó đun, chồng lành dễ khiến”
“Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ xài”
Do quá
yêu vợ
“Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o …
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm”
4.4 Ứng phó với vợ
4.4.1 Tính linh hoạt
Xuất
phát từ nguyên nhân sợ vợ nên người chồng ứng xử rất linh hoạt với vợ mỗi khi
làm những việc có nguy cơ gây phật lòng hoặc làm buồn lòng vợ.
Trong
gia đình, khi chồng muốn mua một vật dụng gì cho gia đình hoặc cho bản thân
mình thì đều hỏi ý vợ. Nếu vợ đồng ý thì không phải bàn nhưng nếu vợ có ý phản
đối thì dù cho có muốn đến đâu cũng đành chịu bởi vì “ý vợ là ý trời”. Tuy nhiên, đàn ông ít bộc lộ ra sự không hài lòng
mà thông thường là vẫn vui vẻ, bộc lộ quan điểm mua cũng được không mua cũng
không sao để vợ khỏi phiền lòng.
Khi gặp
phải trường hợp tan sở không về mà la cà cùng bạn bè, đồng nghiệp, quá vui, lỡ
chén về nhà không đúng giờ, không có lý do thì quý ông sợ vợ thường rất lo lắng
khi bước vào nhà. Tuy nhiên gặp những trường hợp đó thì cũng không phải là vấn
đề lớn, khi về nhà các ông đã chuẩn bị một món quà nhỏ cho vợ, quà có thể là
những thức ăn, thức uống vợ thích và sau một vài câu thiện chí giải thích thì
có thể xóa tan cơn giận của vợ.
Khi vợ
bắt gặp những tin nhắn nhạy cảm của nữ đồng nghiệp thì tìm cách chứng minh cho
vợ biết rằng không có mối quan hệ thân thiết với cô ta hoặc đây chỉ tin nhắn
nhắm vào vợ chứ không phải vào chồng.
Ngoài xã
hội, đàn ông thường có rất nhiều mối quan hệ công việc, đặc biệt là giao tiếp
với phái nữ, điều này khó tránh khỏi những nghi ngờ, hiểu lầm hoặc cố ý hiểu
lầm không đáng có của người vợ. Gặp phải điều này thì phái mạnh càng chứng tỏ
khả năng linh hoạt và tài ăn nói của mình để giải thích với vợ, giải thích cách
này không được thì giải thích cách khác chủ yếu là làm cho vợ tin tưởng và yên lòng.
Ra
đường, vợ bắt gặp ngó ngang ngó dọc thì các ông chồng lập tức chứng minh cho vợ
biết là đối tượng đang nhìn không phải như vợ nghĩ mà là một thứ khác, chẳng
hạn như: băng rôn quảng cáo, tên cửa hiệu bên đường …. .
Nói
chung, tính linh hoạt luôn hiện diện trong mỗi con người VIệt Nam và nó dường
như được đẩy lên một bước gần như trở thành nghệ thuật ứng xử của các ông chồng
sợ vợ đối với vợ.
4.4.2 Hiện tượng nói dối
Trong
cách ứng xử linh hoạt của mình, các ông chồng nhiều khi cũng phải nói dối. Nói
dối không phải là một điều xấu, cũng chưa chắc là đã tốt. Tốt hay xấu là do con
người sử dụng nó trong hoàn cảnh không gian, thời gian nào. Có người nói dối
nhưng có lợi cho gia đình, vợ con, còn có người nói dối thì dẫn đến tan nhà nát
cửa.
Những
ông chồng biết sử dụng “công cụ” nói dối theo hướng tích cực có thể dễ dàng hòa
tan những cơn giận dữ của vợ, tránh bớt đi những rạn nứt tình cảm không đáng có
góp phần giữ vững hạnh phúc gia đình.
Những
ông chồng gian dối, suy đồi về mặt đạo đức thì mức độ nói dối xét về lượng và
chất cũng đều nghiêm trọng hơn. Môt khi quá lạm dụng vào “công cụ” này thì
người sử dụng thường phải trả giá, không phải trả giá cho việc nói dối mà chính
cho hành động lừa dối vợ đã gây ra.
Khi vợ
phát hiện ra chồng nói dối ở mức độ cho phép thì quý ông thường lạc quan biện
minh rằng không phải nói dối mà là nói tránh, nói giảm để cho vợ vui lòng.
5. Kết luận
Từ những
nội dung nêu trên cho thấy sợ vợ có khi là lợi cũng có khi là hại, có khi là
tốt cũng có khi là xấu. Tuy nhiên, lợi hay hại, tốt hay xấu không thể nói suông
được mà phải đặt vào góc nhìn văn hóa.
Trong tọa độ văn hóa:
Xét về không gian, cho thấy đây là
hiện tượng phổ biến không chỉ riêng Việt Nam mà nó có mặt hầu như khắp nơi
trên thế giới.
Xét về thời gian, cho thấy đây là
hiện tượng có từ lâu đời được minh chứng qua kho tàng văn hóa ca dao, tục ngữ.
Xét về chủ thể, các ông chồng sợ vợ
đặt trong mối quan hệ với người vợ không chỉ riêng người Việt mà còn hầu hết
các dân tộc trên thế giới.
Mặc khác, đặt trong bốn đặc trưng văn
hóa là tính nhân sinh, tính lịch sử, tính giá trị và tính hệ thống cho thấy
rằng:
Sợ vợ mang đủ bốn đặc trưng trên, cụ
thể là hiện tượng sợ vợ là sản phẩm của con người (tính nhân sinh). Nó hình thành từ rất lâu đời và tồn tại trong thời
gian dài (tính lịch sử). Nó trở nên
có giá trị hoặc thiếu giá trị khi xét trong mối quam hệ không gian, thời gian,
chủ thể cụ thể, ví dụ như đối với những ông chồng dốt, vợ giỏi làm kinh tế,
trong kinh doanh gia đình, khi đưa ra quyết định quan trọng có thể dẫn đến thành
bại thì “sợ vợ” tỏ ra rất giá trị nhưng khi đặt trong không gian, thời gian đó
mà mối quan hệ ngược lại (tức chồng giỏi
vợ dốt) thì “sợ vợ” trở thành phi giá trị (tính giá trị). “Sợ vợ” trải qua từng thời kỳ xã hội, phụ thuộc vào
những thiết chế xã hội mà mức độ đậm nhạt có khác nhau hoặc trong từng phương
diện đời sống, trong từng nghề nghiệp, lứa tuổi … dẫn đến mức độ, biểu hiện sợ
vợ cũng khác nhau hình thành nên bức tranh tổng thể về hiện tượng sợ vợ (tính hệ thống).
Từ những phân tích ở trên cho thấy “sợ vợ” là
một hiện tượng có giá trị văn hóa và những lợi ích của hiện tượng này mang lại
là không thể phủ nhận. Chính “sợ vợ”, các ông chồng sẽ bỏ đi tính gia trưởng
tôn ti, tư hữu ích kỉ và dựa dẫm ỷ lại vào vợ để từ đó có trách nhiệm, yêu
thương với vợ, biết chia sẽ công việc gia đình, chăm sóc con cái, bớt đi những
thói hư tật xấu, hướng đến xây dựng con người chuẩn mực, từ đó góp phần chung
xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững hơn.
Tuy nhiên, quí ông cũng không nên lúc
nào cũng tỏ ra sợ vợ mà phải biết phân biệt, xem xét khi nào vợ đúng thì nên
sợ, còn nếu vợ sai, làm càn thì phải tranh luận để vợ nhận ra sự sai trái mà có
cách ứng xử với nhau cho hòa hợp hơn.
Một câu nói nửa đùa nửa thật “Ở nhà sợ vợ, ra chợ sợ công an, đến cơ quan sợ sếp” như
chấp nhận sự hiện diện của hiện tượng sợ vợ là một điều tự nhiên. Thật ra, nếu
kiên nhẫn phân tích thì người đàn ông dù cho gia trưởng đến đâu thì sâu thẳm
trong tâm hồn cũng sẽ có một góc nhỏ sợ vợ tồn tại trong ấy, giống như một nhà
nghiên cứu phương Tây từng nói: “người
đàn ông nào ngoài xã hội hung hăng nhất lại là kẻ nhút nhát trong gia đình với
vợ” (Jean-Paul Sartre). Nó như hạt giống đã được gieo sẵn chỉ còn chờ điều
kiện thổ nhưỡng, khí hậu là sinh sôi, nảy nở vậy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Phê, 2006, Từ điển Tiếng
Việt – NXB Đà Nẵng, 1221 tr.
2. Ngô Đức Thịnh, 2003, Văn hóa vùng
và phân vùng văn hóa Việt Nam
– NXB trẻ
3. Phan Ngọc, 2004, Bản sắc Văn hoá
Việt Nam
– NXB Văn hoá Thông tin, 523 tr.
4. Phạm Việt Long, 2004, Tục ngữ ca
dao về quan hệ gia đình – NXB CT
quốc gia
5. Trần Ngọc Thêm, Bài giảng Lý luận
văn hóa học – lớp VHH K8
6. Trần Ngọc Thêm, Bài giảng Phương
pháp nghiên cứu trong KHXH&NV – lớp VHH K8
7. Trần Ngọc Thêm, 1999, Cơ sở văn
hoá Việt Nam
– NXB Giáo dục, 334 tr.
8. Trần Ngọc Thêm, 2004, Tìm về Bản
sắc văn hoá Việt Nam
– NXB Tổng hợp TP.HCM, 690 tr.
9. Trần Quốc Vượng, 2003, Văn hoá VN
- tìm tòi & suy ngẫm-NXBVăn học, 974tr
10. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân
văn quốc gia, 2002, Tổng tập văn học dân gian người Việt – tập 15 Ca dao – NXB
Khoa học xã hội
11. Viện ngôn ngữ, 2008, Từ Điển
Tiếng Việt, NXB Thanh Niên
12. Avsnonline.net: Không sợ cọp
nhưng... sợ vợ
http://www.avsnonline.net/index.php?module=news&act=news_detail&id=298
13. Dantri.com.vn: Sợ vợ chân kinh
http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/So-vo-nhat-nhung-van-danh-dut-song/2008/7/240752.vip
14. Dantri.com.vn: Sợ vợ thì đã sao
http://dantri.com.vn/tinhyeu-gioitinh/So-vo-thi-da-sao!/2007/12/211922.vip
15. my.opera.com: Chuyện sợ vợ
http://my.opera.com/dungblack/blog/so-vo-loi-hay-hai
16. Nguyenhuuquy.vnweblogs.com: Sợ vợ
không sợ mình hư
http://nguyenhuuquy.vnweblogs.com/post/2195/27863
* HVCH chuyên
ngành Văn hoá học, khoá 2008 - 2011
[1] Trích từ
Trần Ngọc Thêm: Tính sợ vợ của nhân loại từ góc nhìn văn hoá
http://vanhoahoc.edu.vn/diendan/viewtopic.php?f=55&t=8
[2] Trích từ
Trần Ngọc Thêm: Tính sợ vợ của nhân loại từ góc nhìn văn hoá
http://vanhoahoc.edu.vn/diendan/viewtopic.php?f=55&t=8
[3] Theo nguồn http://vietnamnet.vn/giaitri/khampha/2006/02/542512/.
Bài viết của P.Công - H.Nông về Hội
chứng chồng bị vợ cắt “của quý”. Nội dung bài viết cho thấy hiện nay tình trạng
vợ cắt của quý của chồng đang gia tăng, không những ở Việt Nam mà còn ở Thái
Lan, cư dân Anchorage và một vài nơi khác tren thế giới.