Nguyễn Đăng Trúc
LTS Tập
San Định Hướng : Nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ngày
18/1/1996 tường trình về chuyến viếng thăm chính thức của phái đoàn hàng giáo
phẩm Công Giáo Pháp đến Việt Nam.
Phái đoàn do Tổng Giám Mục Joseph Duval, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Pháp hướng
dẫn. Ký giả Frédéric Mounier viết rằng: “Cho
đến ngày 28-1, các Giám Mục Pháp sẽ gặp các Giám Mục Việt Nam. Chuyến đi
sẽ dẫn họ từ Hà Nội đến Huế. Đẫu có lời yêu cầu của họ, chính quyền không cho phép
họ đi đến miền Nam.
Đức Cha Duval nhấn mạnh đến “bổn phận” của Giáo Hội Pháp đối với Giáo Hội huynh
đệ Việt Nam.
“Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà
truyền giáo Pháp”. Như thế trong tinh thần của những người đã khai sáng nên
Giáo Hội này, đây đúng là một cuộc hành hương”. Mười Linh Mục của Hội Thừa Sai Balê
đã chết tử đạo tại đây, và đã được phong thánh...”.
Lối
tường trình sự kiện và nội dung câu trích dẫn lời phát biểu (nhấn mạnh) của
Giám Mục Joseph Duval đã dấy lên một câu hỏi cho Roland Jacques, một nhà nghiên
cứu về lịch sử Giáo Hội Việt Nam: trên bình diện khách quan của lịch sử, có
những vấn đề nào cần lưu ý về lời phát biểu này?. Tháng 2-96, Roland Jacques đã
viết thư cho Đức Tổng Giám Mục Joseph Duval để trình bày về quan điểm của mình
liên quan đến lời phát biểu đó.
Một bản
văn tóm lược bức thư này đã được đăng trên nhật báo La Croix vào tháng 6-1997.
Nguyên bản bức thư được Nguyễn-Đăng-Trúc, dịch ra Việt ngữ và đăng
trên Tập San Định Hướng số 14 / Winter 1997 Pp 120-124- *
Tập San Đinh Hướng, Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ
Giáo
Hội Công Giáo Việt Nam
có phải phát xuất từ Pháp không?
Ts
Roland Jacques
Gs khoa
trưởng Phân khoa Giáo Luật,
Đại học
Công Giáo St Paul, Ottawa, Canada
Thư gởi
Đức Cha Joseph Duval,
Chủ Tịch
Hội Đồng Các Giám Mục Pháp.
Kính
Đức Cha,
Nhật
báo Công Giáo La Croix ngày
18-1-1996 đã cho phổ biến một bài báo ký tên Frédéric Mounier với tựa đề: “Giáo
Hội Pháp quay lại với Giáo Hội của Việt Nam”. Cơ hội để có bài báo này, một
bài báo vốn rất đáng lưu ý, là cuộc khởi hành của một phái đoàn Giám Mục Pháp
đi Việt Nam.
Ký giả trích dẫn trong ngoặc kép những lời phát biểu mà Đức Cha đã nói để giải
thích lý do chuyến viếng thăm này: “Giáo Hội này có gốc từ Pháp, nó đã được
thành lập nhờ những nỗ lực của các nhà truyền giáo Pháp”. Có lẽ người ta đã méo
mó những lời nói của Đức Cha, nhưng dẫu sao một sự xác quyết như thế là một sự
sai lầm lịch sử, và là một phương cách rất đáng tranh cãi để chuẩn bị khung
cảnh (thuận lợi) cho cuộc gặp gỡ.
Ai đã
thành lập nên Giáo Hội Việt Nam?
Trả lời
cho câu hỏi có tính cách lịch sử này, phải khẳng định (sans ambiguité) rằng các vị thành lập,
kể từ năm 1615, là những giáo sĩ dòng Tên của tỉnh dòng Nhật Bản, tỉnh dòng có
tính cách quốc tế trong việc tuyển chọn (nhân sự) và thuần túy Bồ Đào Nha trong
các mối lệ thuộc về mặt pháp lý. Từ thế kỷ 16, các vị thừa sai Bồ Đào Nha và
Tây Ban Nha thuộc nhiều Hội dòng tu khác nhau đôi lúc đã cố thử mở đường rao
giảng Phúc Âm, nhưng phải đợi đến phương pháp và sự kiên trì quyết tâm của các
tu sĩ dòng tên để thấy được những hy vọng đó được cụ thể hóa. Khi những vị người
Pháp đầu tiên – các tu sĩ Joseph Francis Tissanier và Pierre Jacques Albier –
đi tàu biển đến xứ này vào năm 1658, thì có gần 70 vị truyền giáo gồm tám quốc
tịch đã tiếp tục nhau đến trước, trong số đó có 35 vị người Bồ Đào Nha, 19 vị
người Ý và 7 vị người Nhật. Vào chính thời gian này, theo những ước tính lạc
quan nhất, thì số người Kitô hữu Việt Nam đã có trên 100.000 rải rác trong vài
trăm cộng đoàn địa phương. Những người giáo dân được đào tạo kỹ lưỡng hướng dẫn
họ; (những giáo dân này) có đủ khả năng để đương đầu với những hoàn cảnh khó
khăn nhất; ngay từ các năm 1644 đến 1645, họ đã có những vị tử đạo của họ, đó
là những vị tử đạo đầu tiên với một danh sách rất dài.
Thật sự có sự kiện là lịch sử được viết theo lối người Pháp cố nêu lên sự nghiệp to lớn này cho một mình cha Alexandre de Rhodes. Tuy nhiên cần thiết phải đặt lại con người truyền giáo nổi danh này trong khung cảnh thực (của lịch sử). Ngài sinh tại Avignon, lãnh địa của Giáo Hoàng, cha Rhodes cũng không phải người Pháp như trường hợp của thánh François de Sales, dẫu ngài thuộc nền văn hóa Pháp như vị kia. Ngài vào Hội Dòng Chúa Giêsu tại Roma, và chính lý lịch Roma này đã cho phép ngài được đi đến Đông Phương vào một thời kỳ mà người Pháp không có quyền. Khi cha Rhodes đến Việt Nam vào năm 1624, các nền tảng xây dựng Giáo Hội Kitô giáo đã được thành lập vững chắc tại vùng miền Trung; công trạng lớn lao của ngài là đã đưa cuộc truyền bá Phúc Âm đến miền Bắc xứ này; ở đây ngài chỉ lưu lại một thời gian duy nhất từ năm 1627 đến năm 1630 và đó là một thành quả lớn lao cho việc truyền giáo. Ngoài ra, tên tuổi ngài được gắn liền với các công trình ngữ học về tiếng Việt nhờ những tác phẩm ngài đã xuất bản tại Âu Châu vào năm 1651. Trong lãnh vực này cũng như trong công việc truyền giáo nói riêng, sự thành công của ngài lệ thuộc vào công trình của các vị tiên phong đi trước ngài. Đây là một công trình tập thể rõ rệt, không thể gán cho công lao một xứ nào riêng, dẫu người Bồ Đào Nha gián tiếp đã là những bậc thầy thi công, cũng như họ là những người thợ đông nhất.
Hội
Dòng Truyền Giáo Ngoại Quốc Paris (MEP) và các vị tử đạo
Khởi từ
năm 1664 (miền Trung Việt Nam) và 1666 (miền Bắc), Hội Dòng Truyền Giáo Ngoại
Quốc Paris đã cống hiến một thế hệ thứ ba các người thợ Phúc Âm, và đặc biệt
những vị Giám Mục đầu tiên mà Roma muốn ban cho Giáo Hội còn trẻ này. Tiếp đó,
các Cha đường du Bac đã đóng một
vai trò có tầm vóc quan trọng to lớn không thể chối cãi được trong Giáo Hội của
Việt Nam.
Nhưng không vào một thời kỳ nào bất kỳ, kể cả dưới thời thực dân Pháp trong các
năm của thập niên 1860, các vị truyền giáo Pháp không phải đã là những vị
truyền giáo duy nhất tại Việt Nam. Tác giả bài báo đã nhắc lại rất đúng rằng
mười trong các vị truyền giáo Pháp đã bị giết chết vì đức tin trong thế kỷ 19;
cách đây vài năm, họ được tôn vinh vào bậc thánh tử đạo cùng một lúc với 96 vị
tử đạo tại Việt Nam. Nhưng khi nói đến các vị truyền giáo ngoại quốc chịu tử
đạo, có lẽ đúng hơn đừng cho người ta hiểu rằng người Pháp là những vị tử đạo đầu
tiên, và chỉ có người Pháp mà thôi. Trong nhóm các vị thánh đã được Giáo Hội
tôn vinh, thực ra có 11 vị dòng Đaminh gốc Tây Ban Nha, mà những vị lâu đời
nhất trong họ đã từng chịu án tử ngay từ năm 1745, nghĩa là 88 năm trước thánh
François Isidore Galelin. Còn những vị tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Nhật bản,
họ lại đã đi trước tất cả các vị này, với hai vị tử đạo người Ý vào năm 1723,
ba vị người Bồ Đào Nha và một vị người Đức vào năm 1737; sự việc Roma đã chưa
chuẩn y sự tử đạo của hai nhóm này lệ thuộc vào những hoàn cảnh lịch sử, trong
đó các nạn nhân này không can dự gì.
Những
người Công Giáo Việt Nam và nước Pháp
Trong
các lời nói của Đức Cha, không phải chỉ có sự sai lầm lịch sử là đáng tiếc.
Thật vậy, hẳn nhiên là vô tình, nhưng Đức Cha đã mang lại một thế dựa cho một
luận cứ từng gây nên nhiều tai hại cho người Công Giáo Việt Nam, và luận cứ đó
từ mấy năm nay lại dấy lên lại một cách mạnh mẽ. Lời mỉa mai của dân chúng hoặc
cả đến các giáo sư đại học tên tuổi đã từng kịch liệt chứng minh về sự thông
đồng giữa Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp và sự lan tràn của đạo Công Giáo vào Việt Nam. Nhiều đợt,
người Công Giáo xứ này đã phải đương đầu với lời luận tội như là “đảng” của
người ngoại quốc, đóng vai kẻ thù của xứ sở. Hôm nay cũng như hôm qua, ở Việt Nam
và ở hải ngoại, nhiều người thuộc nhiều chủ trương ý hệ khác nhau dường như
muốn thấy tôn giáo nhập cảng từ trong các gói hành lý của người Pháp (theo lối
nói của họ) tan biến đi. Nếu ngày nay các mối liên hệ của Giáo Hội Việt Nam với
các Giáo Hội anh em trên toàn thế giới còn gặp nhiều khó khăn, một phần lớn
cũng do sự nghi ngờ luôn hiện hành này, do chính sự bất công lịch sử trong đó
chúng ta, những người Pháp, không phải là bàn tay hoàn toàn sạch.
Vào lúc
lên đường đến Việt Nam,
Đức Cha thấy phải khẩn trương để nhắc lại cho Giáo Hội xứ này một nguồn gốc
người Pháp nặng tính cách giả thiết này hay không? Làm như thế, các lời nói của
Đức Cha dường như lại đặt Giáo Hội ấy trong một vị thế mãi lệ thuộc và mang nợ
với Giáo Hội Pháp, hoặc nước Pháp nói gọn như thế; các lời ấy củng cố cho những
lập trường của những người gièm pha Giáo Hội Việt Nam, và làm giảm uy thế những
luận chứng của tất cả những ai đang nỗ lực thiết định lại chân lý lịch sử hầu
trả lại danh dự cho Giáo Hội Việt Nam.
Kính
thưa Đức Cha, không phải như thế, Giáo
Hội Việt Nam
không phải phát sinh do người Pháp. Giáo Hội đó là con của Giáo Hội hoàn vũ đúng
theo mẫu mực điển hình của nó; trong thời còn non trẻ, Giáo Hội này đã hưởng
được sự cung ứng của nhiều nền văn hóa và truyền thống dị biệt, cho phép nó dần
hồi bước đến tuổi trưởng thành theo con đường đặc thù của mình. Ngày
nay, khi phải đương đầu với nhiều vấn đề, Giáo Hội này ưu tiên phải (tự củng
cố), xác định vị thế đặc thù của mình, tìm lại chỗ đứng trọn vẹn trong lòng của
xã hội Việt Nam và trong nền văn hóa có từ ngàn năm của Việt Nam, với những giá
trị mà Giáo Hội đó đang ôm sẵn và chúng cũng là những giá trị của Công Giáo
tính phổ quát. Trong viễn tượng này, Giáo Hội Việt Nam không cần đến một quyền lực
đỡ đầu, nó không chờ đợi để được “bú mớm” bởi bất cứ ai. Người Công Giáo Việt
Nam chỉ cần tìm lại những mối liên hệ hiệp thông, chia sẻ và liên đới cụ thể
hơn và thiết thực hơn với những người Kitô hữu anh em trên thế giới, như bao
nhiêu người Công Giáo trong tất cả các xứ khác. Chúng ta hết lòng mong mỏi rằng
cuộc viếng thăm của phái đoàn Giám Mục Pháp sẽ cống hiến điều đó.