4 tháng 5, 2012

ĐỊA DANH VƯỜN ÔNG HUỀ

Dương Văn Triêm

Vườn Ông Huề là tên gọi của một khu vực không có ranh giới rõ ràng, trước thuộc ấp Mỹ Quới, thôn Mỹ Trà, nay thuộc ấp 2, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh. Khu vực tính từ nơi giao nhau giữa đường Nghĩa địa nhân dân thành phố Cao Lãnh với đường sông Bà Vại, chạy vào khoảng 2 – 3 cây số dọc theo lộ cái.
Địa danh “Vườn Ông Huề” là tên một vùng đất được kết hợp bởi thành tố: danh vườn (danh từ chung) và Ông Huề (danh từ riêng – chỉ người)
* Ông Huề, viết đầy đủ là Dương Văn Huề (1885 – 1946), còn có thời gian xưng là Phạm Văn Huề. Nhưng Phạm không phải là họ gốc, ông sử dụng họ Phạm vì một lý do chính trị ([1]), quê ở thôn Mỹ Trà - tổng Phong Thạnh -  huyện Kiến Phong -  phủ Kiến Tường - tỉnh Định Tường ([2]), nay thuộc ấp 2 - xã Mỹ Trà - thành phố Cao Lãnh - tỉnh Đồng Tháp, thân sinh của ông là Dương Văn Du (? – 1942) và bà Đồ (? – ?).
          Ông là một nông dân cần cù, chịu khó. Từ người đi bạn (đi làm thuê, mướn), ở đậu trên đất người khác, trở thành chủ vườn cây ăn trái, rồi mua ruộng đất ở khắp Cao Lãnh: Phong Mỹ, Phường 11, Phương Trà, Mỹ Trà, rạch Ông Hổ - Mỹ Tân, số lượng trên 100 công.
* Vườn, ở đây là vườn cây ăn trái của ông Huề, được thành lập vào năm 1940.
Chuyện thành lập khu vườn khởi đầu từ việc ông Huề đi bạn, theo các ghe chài mười ([3]) của bạn hàng buôn, câu chuyện như sau:
Một hôm, trên ghe chài có người mua ổi cúng tổ, để lâu ổi bị nắng làm khô, ông Huề lấy hạt đem về gieo. Sau một thời gian, cây ổi có thu hoạch. Thấy có lợi nhuận, ông Huề xin với chủ đất, nơi ông cất nhà ở đậu là ông Phạm Văn Đá bán chịu một mảnh đất để lập vườn. Thấy ông Huề là người biết tu chí làm ăn nên ông Đá đồng ý.
Phần đất, ông Huề mua, chỉ là vùng đất trũng, muốn trồng cây, phải được đào mương, lên liếp… Ông Huề bắt tay vào việc, ngoài thêm mướn nhân công, thì ông đã một thân, một mình với chiếc xuồng lường ([4]). Hằng ngày, chở từng xuồng đất ngoài ruộng để bồi đắp.
Khi thành hình, vườn có diện tích 1,3 ha và có chiều rộng dọc theo dòng sông 130 m. Ông Huề làm 3 vòng rào, để bảo vệ: vòng ngoài được bao bọc bằng tre gai; vòng thứ hai là hàng rào mây; vòng sau cùng là các mương nước lớn.
Bên trong mương nước lớn là những mương nước nhỏ, được bố trí thành hình bàn cờ. Sau một thời gian, phần thuê nhân công, phần bỏ công nhà, số lượng mương, quanh khu vườn đã chi chít. Trung bình mỗi mương dài từ 50 – 70 m, rộng từ 5 – 7 m, các mương bao lấy khu vườn theo hướng đông, tây, nam, có bán kính từ 500 – 1000m, (tính từ trung tâm của khu vườn).
Trong mỗi ô bàn cờ trồng các loại cây: cam, xoài, quít, dừa, ổi thêm một số ít cây thuốc và cây kiểng.
Xung quanh khu vườn được ông Huề cho đào thêm mương, vừa để làm thêm rào bảo vệ, vừa thu được nguồn lợi từ con cá, khi mùa nước rút.
Trái cây vườn, được ông Huề đem bán ở chợ Cao Lãnh và một số nơi khác quanh vùng…Do đây là khu vườn cây ăn trái được thành lập đầu tiên ở vùng đất trũng thấp của xã Mỹ Trà, trong khung cảnh, xung quanh là hoang sơ và không ai có được khu vườn như thế, với cây trái, ăn quả là đặc sản và hệ thống rào bảo vệ độc đáo. Tiếng đồn về khu vườn của ông Huề ngày một vang xa. Dần dần có nhiều người nghe tiếng, chủ động tìm đến tham quan và mua cây trái. Nên cái tên vườn cây ăn trái của ông Dương Văn Huề gọi tắt “Vườn Ông Huề” được người đời truyền miệng nhau mãi – thành danh.
Vườn phát triển được một thời gian thì đi vào hoang hóa. Vì kể từ năm 1946, khi ông Huề mất (1*), cộng thêm chiến tranh con cháu bỏ đi hết. Cây trái không người trông nôm, phần bị chết do bom đạn, phần bị già chết…
Trong kháng chiến chống Mỹ, thị xã ủy Cao Lãnh và các xã Mỹ Trà, Mỹ Ngãi, Tân An đã lợi dụng hệ thống rào sẵn có ở khu vườn của ông Dương Văn Huề, rồi đấp thêm công sự, làm hầm chông, cài mìn, lựu đạn… để biến nơi đây thành nơi liên lạc, hoạt động, nghỉ ngơi của một số cơ quan đơn vị bộ đội. Từ đó cái tên Vườn Ông Huề trở thành quen thuộc đối với cán bộ, du kích địa phương.
Do đặc điểm và tính chất của khu vườn như thế nên đó đã trở thành tâm điểm, chú ý của ngụy quân ở Cao Lãnh. Chúng tổ chức các cuộc càn quét vào đây, phần lớn đều thảm bại, trước một địa hình phức tạp với nhiều mương nước lớn nhỏ chằng chịt, cây cối sầm uất, lại thêm hầm chông, bãi mìn, lựu đạn…
Tháng 3 năm 1961, ngụy mở trận càn nhằm vào khu căn cứ Vườn Ông Huề,. Đoán được âm mưu đó, không cho địch tiến sâu hơn, ta chủ động chặn đánh chúng tại ngã ba rạch Vong, rạch Bà Mụ. Với lối đán chủ động, linh hoạt, ta đã bẻ gãy được trận càn và bắt sống được chỉ huy giặc là đại úy Nguyễn Lương Tri, phó tỉnh trưởng kiêm tỉnh đoàn trưởng Bảo An.
Suốt trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, dù bị địch đánh phá ác liệt, bằng các cuộc càn quét, bom đạn, đóng đồn lấn chiếm, song căn cứ Vườn Ông Huề vẫn đứng vững, vẫn là nổi ám ảnh, lo sợ của bọn lính ngụy Cao Lãnh cho tới ngày giải phóng.
Như vậy, địa danh Vườn Ông Huề trở thành tên gọi trãi qua hai giai đoạn:
Giai đoạn 1, trong thời Pháp thuộc vườn nổi tiếng với nhiều loại cây trái ngon. Giai đoạn 2, trong kháng chiến chống Mỹ vườn nổi tiếng với căn cứ cách mạng làm cho ngụy quân ăn không ngon, ngủ không yên.
Quá khứ đã trôi qua, nhưng âm vang của Vườn Ông Huề vẫn còn. Ngày nay, cái tên Vườn Ông Huề đã trở thành một địa danh quen thuộc. Nó còn được chính quyền địa phương dùng để đặt tên cho một số công trình: ngã ba Vườn Ông Huề, đường Vườn Ông Huề, cầu Vườn Ông Huề.
Khu vực Vườn Ông Huề ngày nay dân cư khá đông, có điện có đường bộ nối liền từ Mương Khai vào và thông ra đình Cả Môn. Khu vườn xưa nay cây cối còn ít, phần lớn đã trở thành ruộng lúa. Trong tương lai không xa các con đường được trãi nhựa và tại Vườn Ông Huề sẽ dựng bia di tích căn cứ kháng chiến của thị xã ủy Cao Lãnh.


PHỤ LỤC
1. Con của ông Dương Văn Huề
(*) Bà Trần Thị Nhờ hạ sinh cho Huề được 9 người con, con thứ: 3, 5, 6, 9, 10 là trai, còn lại là gái.
Con thứ hai: Dương Thị A (? - ?), là con nuôi.
Con thứ ba: Dương Văn Kỉnh (1926 - 1975)
Con thứ tư: mất lúc nhỏ, chưa rõ họ tên
Con thứ năm: mất lúc nhỏ, chưa rõ họ tên
Con thứ sáu: Dương Ngọc Ẩn (1931 - 2008)
Con thứ bảy: Dương Thị Tranh (? - ?)
Con thứ tám: Dương Thị Lai (1933)
Con thứ chín: Dương Ngọc Châu (1938 - 1963), là liệt sĩ thời kháng chiến chống Mỹ, hi sinh trong một đợt chống càn, tại vườn ông Huề.
Con thứ mười: Dương Ngọc Niệm (1940 - 1972)    

2. Về nguyên nhân cái chết của ông Huề
Vào năm 1946, ông đột ngột qua đời… về nguyên nhân cái chết của ông, bắt nguồn từ người con trai thứ năm – Dương Văn Luận, có bí danh Tấn Bửu. Bửu là một người nghiện cờ bạc, lúc không tiền đánh bạc thường về nhà gây áp lực với gia đình. Có lần về nhà xin tiền mẹ (Trần Thị Nhờ), nhưng bà không cho vì lý do cờ bạc phung phí, Bửu đã dùng súng ([5]) kề cổ mẹ, bà Nhờ sợ nên đưa. Việc đến tai ông Huề, ông Huề đã có phản ứng mạnh về hành động sai trái của con. Ôm hận trong lòng, Bửu mách với chính quyền và vu oan rằng, cha mình là người theo Hòa Hảo, chống phá cách mạng.
Sau đó, ông Huề đã bị bắt và bị xử tử tại vườn nhà, mộ của ông, nằm trong khuôn viên của vườn, trước 1975 là mộ đất, từ sau năm 1975 mộ được con cháu nâng cấp lên thành mộ đá và xây dựng thêm Phủ thờ ([6]) để ghi nhớ công sức của ông đã bỏ ra cho dòng họ và quê hương.

3. Khuôn viên vườn ông Huề hiện nay
Từ sau năm 1975, khuôn viên vườn được phục hồi nhưng chỉ là vườn cây lấy gỗ.
Hiện nay, diện tích của vườn đã thay đổi rất nhiều:
- Một phần, trở thành đất thổ cư của cháu nội, cháu cố ông: Dương Văn Giúp (cháu nội - số nhà 46); Dương Văn Phong (cháu nội - số nhà 45); Dương Thị Giàu (cháu cố).
- Một phần, hai cháu nội trai của ông đã dùng xe cơ giới sang bằng làm đất trồng lúa.
- Phần nhỏ còn lại ở trung tâm vườn là khu vực Phủ, thờ vợ chồng ông Huề, 4 ngôi mộ. Trong đó 2 ngôi mộ là của ông Dương Văn Huề và vợ Trần Thị Nhờ; 2 ngôi mộ còn lại của con trai thứ 3, Dương Văn Kỉnh và vợ Đặng Thị Cảnh.
- Số cây trái còn lại trong vườn, không nhiều lắm: vài cây ăn trái, tre, gáo và cây cỏ.

* Nguồn phỏng vấn con cháu ông Dương Văn Huề:
Lê Văn Đang, Dương Văn Giúp, Dương Ngọc Bé, Bùi Thị Te, Phạm Thị Khuya
* Nguồn khảo sát thực địa vườn ở ấp 2 xã Mỹ Trà.



[1] Có thời gian, những người theo họ Dương bị tình nghi và qui là theo Hòa Hảo chống cách mạng. nên ông Huề đổi thành họ Phạm để tránh những rắc rối. Họ Phạm có từ đời Dương Văn Du.
[2] Đến năm 1869, Pháp đổi lại tên lục tỉnh và đơn vị phủ thành hạt nên lúc đó Mỹ Trà thuộc hạt Cần Lố - tỉnh Vĩnh Long. Năm 1870 Hạt Cần Lố bị giải thể, tổng Phong Thạnh của huyện Kiến Phong sáp nhập vào hạt Châu Đốc -  huyện Tịnh Biên -  tỉnh Châu Đốc.
[3] Ghe chài có trọng tải 10 tấn.
[4] Người ta dùng một thân gỗ lớn tạo dáng như xuồng Cần Thơ và khoét ruột.
[5] Có nguồn nói là dùng dao, ở đây sử dụng nguồn theo ý kiến số đông và tác giả cho là đúng nhất.
[6] Phủ vách gạch, lợp ngói âm dương, nền gạch tàu, rộng 2,52m * 2,52m. Cột trước cao 2,02m, cột sau 2,08m, cột nóc 2,75m.