Trần Kỳ Phương
Vùng cực bắc Chiêm Thành / Champa bao gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế hiện nay, nằm giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân. Đây là vùng đất thường xảy ra giao tranh, xung đột giữa nhà Hán và Lâm Ấp trong thời kỳ Bắc thuộc từ thế kỷ thứ 2 đến thứ 9; và sau này, giữa các triều đại Việt Nam và Chiêm Thành/ Champa từ thế kỷ 10-14. Ranh giới cực bắc của Chiêm Thành/ Champa là Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình, khoảng vĩ tuyến 18.
Vào thời Tiền Lê, cuộc xung đột đầu tiên giữa Đại Cồ Việt và Chiêm Thành/ Champa đã xảy ra vào năm 982 khi Lê Hoàn đem quân tấn công vào châu Amaravati ở Quảng Nam hiện nay.
Đến triều Lý, năm 1044, Lý Phật Mã tấn công Chiêm Thành, đánh phá thành Phật Thệ, đã có nhiều ý kiến cho rằng thành Phật Thệ tức là Vijaya hay là thành Chà Bàn ở Bình Định ngày nay (Hoàng Xuân Hãn 1966: 62-66; Đào Duy Anh 1964: 174- 76).
Sau đó là cuộc tấn công của Lý Thường Kiệt năm 1069 vào thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm là Chế Củ; và đây là lần đầu tiên vùng đất miền cực bắc Champa được đề cập đến trong Việt sử với các tên gọi là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh. Vùng đất này được sử sách Đại Việt nhắc đến như là sự hiến dâng của Chế Củ cho nhà Lý để đổi lấy tự do. Đó là giai đoạn miền bắc Chiêm Thành/ Champa rơi vào những cuộc tranh chấp triền miên trong nhiều thập niên (Nguyễn Xuân Hoa 2002: 36-37).
Cho tới khoảng năm 1078, một văn bia của Harivarman, tìm thấy tại Mỹ Sơn, đề cập đến sự ổn định và xây dựng lại vương quốc Chiêm Thành / Champa của vị vua này, như sau: “Kẻ thù đã vào vương quốc Champa, tự xưng là những kẻ cầm quyền; đã cướp đi tài sản của hoàng gia và của cải của chư thần; đã phá hủy đền thờ, tu viện, nơi an cư, làng mạc và các tự viện khác cùng với ngựa, voi, trâu bò và mùa màng; đã hủy diệt mọi thứ trong các tỉnh thành của vương quốc Champa; đã cướp đoạt những ngôi đền thờ thần Srisanabhadresvara và tất cả những phẩm vật mà các vị vua trước kia đã phụng hiến cho thần Srisanabhadresvara; đã vơ vét tất cả của cải của thần và cướp đi những nhân sự tùy thuộc ngôi đền, các vũ nữ, nhạc công... những người phục dịch cùng với tài sản trù phú của Srisanabhadresvara; ngôi đền bị cướp sạch và bỏ phế... Rồi đức vua Vijaya Harivarmadeva yan Devatamurti lên ngôi. Ngài đã tiêu diệt hết quân thù, phục hưng lại Nagara Champa, và trùng tu ngôi đền của Srisanabhadresvara... Vương quốc Champa lại trở nên hưng thịnh như xưa...” (Majumdar 1989: III, 160).
Những thông tin trên về triều đại của Harivarman phù hợp với những biến cố được ghi chép trong thư tịch cổ của Việt Nam về Chiêm Thành/ Champa vào giai đoạn này.
Các địa danh của miền cực bắc Chiêm Thành/ Champa nêu trên như Địa Lý, Ma Linh và Bố Chánh xuất hiện trong thời Lý, đã được nhiều sử liệu và sử gia xác định đó là vùng đất ở phía nam Đèo Ngang thuộc tỉnh Quảng Bình cho đến phía bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay, như sau:
1. Địa Lý, đời Lý đổi ra Lâm Bình, đời Trần đổi ra Tân Bình, đời Lê Trung hưng đổi ra Tiên Bình, thuộc tỉnh Quảng Bình, gồm các huyện Lệ Thủy, Phong Phú, Phong Lộc, nay thuộc huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh;
2. Ma Linh, đời Lý đổi ra Minh Linh, đời Minh đổi ra Nam Linh, đời Lê lập lại Minh Linh, thuộc tỉnh Quảng Trị, gồm hai huyện Minh Linh và Gio Linh, nay là huyện Vĩnh Linh và Gio Linh;
3. Bố Chánh, nhà Minh đổi ra Trấn Bình, nhà Lê đổi lại Bố Chánh, thuộc tỉnh Quảng Bình, gồm các huyện Bình Chánh và Tuyên Chánh, nay thuộc các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Tuyên Hóa (Hoàng Xuân Hãn 1966: 80-81; Đào Duy Anh 1964: 177).
Đời nhà Trần, khoảng năm 1306, theo Việt sử, vua Chiêm là Chế Mân đã đổi hai châu Ô, Lý hay Ô, Rí để cầu hôn với Huyền Trân Công Chúa (?!), đó là vùng đất được xác định từ phía nam Quảng Trị cho đến phía bắc đèo Hải Vân. Nhà Trần đã gọi khu vực từ cửa Việt vào đến cửa Tư Dung/Tư Hiền là châu Ô và châu Lý; vào năm 1307 thì đổi thành châu Thuận và châu Hóa (Đào Duy Anh 1964: 177).
Về tư liệu Champa, để tìm hiểu các địa danh/danh hiệu của vùng đất này, có một minh văn quan trọng được tìm thấy tại nhóm tháp D của thánh địa Mỹ Sơn, có niên đại khoảng năm 1192, đã ghi chép các địa danh từ Bình Định và Quảng Nam ra đến Quảng Bình bằng tiếng Chăm, như sau: “Jaya Indravarmadeva đã trốn thoát từ người Campuchia và chạy tới Amaravati. Ông đã nổi dậy và khởi binh trong nhiều huyện thành khác nhau (anekapramana) tại Amaravati, Ulik, Vvyar, Jriy và Traik. Ông đánh chiếm Vijaya. Hoàng tử [Vidyanandana] dẫn đại binh tham chiến, đánh bại [Jaya Indravarmadeva], và buộc ông phải chạy về lại Traik; [Hoàng tử] đã truy nã và giết ông tại Traik. Vì vậy, từ đó Hoàng tử không còn người đối nghịch”. (Majumdar 1985: III, 204; Southworth 2000: 237-38).
Những địa danh như Vijaya, Amaravati, Ulik, Vvyar, Jriy và Traik đã xuất hiện trong văn bia Champa trên đây, mà ta có thể đối sánh chúng với các địa danh đã xuất hiện trong các thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Hoa như sau (tính từ Nam ra Bắc).
1. Vijaya, đã xuất hiện trong một bia ký của Jaya Harivarmadeva tìm thấy tại Po Nagar Nha Trang khoảng năm 1160 và thường được đề cập đến trong thư tịch cổ Việt Nam với danh hiệu là Trà Bàn/Chà Bàn hay Đồ Bàn hoặc Phật Thệ (Hoàng Xuân Hãn 1966: 62-66; Đào Duy Anh 1964: 174-76) là địa vực nằm trong tỉnh Bình Định ngày nay. Đương thời, tiểu quốc này được thư tịch Trung Hoa gọi là Tân Châu để phân biệt với Cựu Châu hay Amaravati ở vùng Quảng Nam ngày nay(1). Tiểu quốc Vijaya đã phát triển liên tục từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15, được minh chứng bởi các di tích kiến trúc to lớn hiện vẫn tồn tại như Tháp Bạc (Tk 11), Bình Lâm (Tk 11), Dương Long (Tk 12-13), Hưng Thạnh (Tk 12-13), Cánh Tiên (Tk 13-14), Thốc Lốc (Tk 14-15), Thủ Thiện (Tk 14-15), tọa lạc dọc theo sông Côn; còn đầm Thị Nại [Sri Boney] chính là cảng-thị của tiểu vương quốc này.
2. Amaravati, xuất hiện trong văn bia của Java Harivarmadeva tại Mỹ Sơn khoảng năm 1157 và tại Po Nagar Nha Trang năm 1160 (Southworth 2000: 237-38), là khu vực hạ lưu sông Thu Bồn bao gồm Mỹ Sơn là thánh địa, Trà Kiệu là hoàng thành và Đại Chiêm Hải Khẩu là cảng-thị. Danh hiệu này được phiên âm là A-mu-la-bu [A-mộc-lạt-bổ] trong Minh sử khoảng năm 1481-1482 (Wade 2003: 14)(2).
3. Ulik, đã được nhắc đến trong sử sách Việt Nam dưới tên gọi châu Ô và châu Lý hoặc Rí từ đời Trần, năm 1307 [Ulik > Ô-Lý/Ô-Rí]. Vùng đất này được xem là lễ vật của Chế Mân dâng cho vua nhà Trần để cầu hôn với công chúa Huyền Trân, nằm ở phía bắc đèo Hải Vân(3), nay thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế và phía nam tỉnh Quảng Trị, đặc biệt khu vực xung quanh Huế với di tích quan trọng là thành Lồi tọa lạc bên dòng sông Hương cùng với các dòng sông khác như Ô Lâu, sông Bồ chảy vào đầm phá Tam Giang, có cửa Tư Hiền/Tư Dung làm cảng-thị với tháp Linh Thái - nơi thờ nữ thần Pô Nagar/Po Yang Inu Nagar tương tự thánh địa Pô Nagar Nha Trang của tiểu quốc Kauthara (Trần Kỳ Phương 2003: 113-14).
4. Vvyar, đã được đề cập đến trong thư tịch Việt Nam như trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư, có tên là Việt Môn (Hồng Đức bản đồ 1964: 48), chính là cửa Việt, nay thuộc huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị [Vvyar > Việt]. Dọc theo sông Thạch Hãn có nhiều di tích nghệ thuật quan trọng đã được phát hiện ở Hà Trung, Trà Liên, Thạch Hãn, với niên đại từ thế kỷ 9 đến 11/12; và nhiều địa danh có âm cổ của từ Việt như Gio Việt, Việt An, v.v... Cửa Việt là cửa biển lớn nhất của Quảng Trị và nó cũng là cửa biển quan trọng nhất thời bấy giờ của khu vực giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân, và có địa thế tương tự cửa Đại Chiêm ở vùng Hội An và hạ lưu sông Thu Bồn của châu Amaravati trong tỉnh Quảng Nam.
5. Jriy, đã được nhắc đến với tên là Di Luân Môn trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư khoảng năm 1630-53; còn trong Bình Nam đồ [Hồng Đức bản đồ] khoảng năm 1653-90 thì gọi là Nhật Lệ Hải Môn Thâm (Hồng Đức bản đồ 1964: 48, 141), chính là cửa Nhật Lệ thuộc thị xã Đồng Hới hiện nay. Tên gọi Jriy có thể đã được chuyển âm thành Địa Lý (?) vào thời Lý (năm 1064). Giữa thế kỷ 16, khoảng năm 1553-55, trong sách Ô Châu cận lục có nhắc đến nhiều địa danh có âm tương tự đã tồn tại ở vùng này, chẳng hạn, sông Thổ Rí chảy vào cửa Nhật Lệ (Dương Văn An 2001: 28). Sự biến âm của địa danh này có thể đã được diễn ra như sau: Jriy > Rí/Di > Lý > Lệ(4). Về vùng phía tây cửa Nhật Lệ có những di tích Phật giáo Champa đáng lưu ý ở Đại Hữu, Mỹ Đức, Thu Thư thuộc thế kỷ 9-10; còn về vùng thượng lưu của sông Lý Hòa thì có hang động Phong Nha với một số dấu tích Champa đã được phát hiện.
6. Traik, địa danh này được nhắc đến dưới thời Lý là Bố Chánh bao gồm các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch tọa lạc ở vùng cửa sông Gianh, có thể từ Gianh là một biến âm của từ Trạch [Traik > Trạch > Gianh](5). Đây là vùng đất cực bắc của Champa giáp giới với Đại Việt, nằm ở phía nam Đèo Ngang, cho nên theo minh văn Chăm nêu trên, Jaya Indravarmadeva mới bị Hoàng tử Vidyanandana giết tại đây. Vùng này cũng có các di tích nghệ thuật Champa quan trọng như Lâm Ấp Phế Lũy, Hoàn Vương Phế Lũy, và một minh văn Phật giáo Champa tìm thấy ở Ròn thuộc thế kỷ 9-10(6).
Dựa theo quan niệm Hindu giáo về sự hình thành các tiểu quốc trong mandala Champa, mỗi tiểu quốc được hình thành dựa vào một ngọn núi thiêng, tượng trưng cho thần Siva; và một dòng sông thiêng tượng trưng cho nữ thần Ganga, vợ thần Siva. Dọc theo dòng sông thiêng này mỗi tiểu quốc thiết lập ba trung tâm trọng yếu, đó là: (1) một trung tâm thương mại hay cảng-thị tọa lạc ở một cửa sông; (2) một trung tâm quyền lực của hoàng gia hay là hoàng thành; (3) một trung tâm tôn giáo của hoàng gia hay là thánh đô.
Vào khoảng thế kỷ thứ 7, căn cứ vào những yếu tố địa dư và những di tích lịch sử liên quan đến châu Amaravati của Champa ở địa bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay, ta có thể tìm thấy mô hình về sự hình thành của một tiểu quốc được bộc lộ như sau.
- Ngọn núi thiêng là núi Mahaparvata/Đại Sơn Thần hay núi Răng Mèo;
- Dòng sông thiêng Mahanadi/ Ganga hay sông Thu Bồn(7);
- Cửa sông hay cảng-thị là Đại Chiêm Hải Khẩu hoặc Cửa Đại, tọa lạc ở vùng Hội An;
- Hoàng thành là Simhapura/Thành phố Sư tử ở vùng Trà Kiệu;
- Thánh đô hoàng gia là Srisanabhadresvara hay Mỹ Sơn.
Những tỉnh thành (tiểu quốc?) có danh hiệu tiếng Chăm nêu trên của miền bắc Champa đều gắn liền với một cửa biển, nó bộc lộ rằng mỗi tiểu vương quốc thuộc mandala Champa(8) được thiết lập dựa vào một cảng-thị là trung tâm hải thương quốc tế; điều đó phù hợp với mô hình “riverine exchange network” (mạng lưới trao đổi ven sông) của Bennet Bronson nêu ra về sự trao đổi nội và ngoại thương dựa vào những dòng sông chính trong khu vực cùng với sự trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi cũng như giữa những tiểu quốc với nhau, mà địa lý của vương quốc Chiêm Thành/ Champa đã đặc biệt thích ứng(9).
Áp dụng mô hình này để tìm hiểu địa-lịch sử của vùng Quảng Nam ngày nay, hay là Amaravati của Champa xưa kia, ta thấy rằng sông Thu Bồn và những chi lưu của nó đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi(10). Dọc theo dòng sông lớn này có nhiều khu chợ sầm uất ở miền trung du như Trung Phước, Ái Nghĩa, Túy Loan, v.v... giữ vai trò trung chuyển hàng hóa giữa miền ngược, nơi có những nhóm sắc tộc nói tiếng Môn-Khmer(11) sinh sống và cung cấp các loại lâm sản quý, với miền xuôi(12); nguồn lâm sản này được tập trung vào một cảng-thị quan trọng ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn nơi giữ vai trò của một trung tâm ngoại thương mà diện mạo của nó có thể hình dung được qua sự phồn thịnh của cảng-thị Hội An nổi tiếng của Đàng Trong vào những thế kỷ 17-18. Sự phồn vinh của cảng-thị Hội An đương thời chính là sự tái hiện của một cảng-thị Champa trước kia (Trần Kỳ Phương 2010: 207-15)(13).
CHÚ THÍCH
1. Tiểu quốc Vijaya của Champa vào đầu thế kỷ 15 (1436) đã được mô tả bởi một học giả Trung Hoa tên là Fei Hsin/Phí Tín, người đã tháp tùng đoàn hải hành của Trịnh Hòa tại Đông Nam Á, như sau: “... xứ này ở dọc theo duyên hải, và có một hải cảng gọi là Tân Châu [Quy Nhơn]. Về phía tây là Giao Chỉ, và Trung Hoa nối liền về phía bắc. Khi các chuyến tàu chở hàng của ngoại quốc cập đến xứ này, để đón các sứ thần, vị thủ lĩnh đội một cái mão có ba tầng bằng vàng, mặc y phục thêu thùa, đeo vòng vàng trên ngực và cánh tay, đi giày bằng vỏ đồi mồi và đeo một sợi đai có nạm tám viên ngọc vuông. Ngài trông như một vị thần hộ pháp lộng lẫy. Ngài cỡi một con voi, được hơn năm trăm thổ binh hộ tống trước sau, có người mang gươm bén và giáo ngắn, có người mang khiên giáp sáng ngời, họ đánh trống và thổi tù và bằng vỏ dừa, ngài cùng những cận thần khác đi ra ngoại thành để đón nhận phẩm vật của vua ban. Vị thủ lĩnh xuống voi chắp tay và cúi đầu cảm tạ ơn vua đã ban phẩm vật và xin dâng những cống phẩm của địa phương. Xứ này có nhiều voi và tê ngưu to lớn, vì vậy ngà voi và sừng tê được bán tới những xứ khác với sản lượng lớn” (Su Chung-Jen/Tô Tông Nhân 1967: 198-211). Qua mô tả trên chúng ta có thể phân tích rằng, người cai quản cảng-thị Tân Châu/Vijaya là một thủ lĩnh/lãnh chúa; còn hoàng thành của nhà vua phải là một nơi khác cho nên vị thủ lĩnh của cảng-thị mới phải đi ra ngoại thành để dâng và nhận phẩm vật của vua ban. Cảng-thị của Tân Châu/Vijaya đương thời tọa lạc tại đầm Thị Nại về phía đông-bắc thành phố Quy Nhơn ngày nay. Quanh đầm Thị Nại có thành Thị Nại (thuộc huyện Tuy Phước), có thể đó là nơi đồn trú của vị thủ lĩnh/lãnh chúa của cảng-thị; về phía tây có thành Cha (thuộc huyện An Nhơn), có thể là thành Chà Bàn sau này (?), đó là nơi đóng đô của nhà vua (thành Thị Nại và thành Cha chỉ cách nhau chừng 7-8km theo đường chim bay). Các kiến trúc tôn giáo của hoàng gia là các nhóm tháp Bình Lâm, Bánh Ít (thế kỷ 11-12), Dương Long, Hưng Thạnh (thế kỷ 12-13) và các tháp Cánh Tiên, Thủ Thiện, Thốc Lốc (thế kỷ 14-15). Trong một cấu trúc tương tự về các cảng-thị của Champa, chúng ta có thể so sánh với một phức hệ khác dựa theo sông Trà Khúc của tỉnh Quảng Ngãi nơi có cửa Sa Kỳ /Cửa Đại với thành Cổ Lũy (nơi đồn trú của thủ lĩnh cảng thị) và thành Châu Sa (nơi đóng đô của vua và hoàng tộc) được thiết lập ở hai bên bờ sông. Chúng tôi mong sẽ có dịp trở lại chủ đề này trong một chuyên khảo khác.
(2) Sau khi Lê Thánh Tông đánh chiếm thành Chà Bàn năm 1471, hoàng tộc Champa của Vijaya phải sống lưu vong ở Malacca; năm 1481/82 một sứ thần được vua Cổ Lai, một vị vua Champa lưu vong, cử đến triều đình nhà Minh dâng sớ nhờ giúp đỡ để lấy lại lãnh thổ đã mất vào tay Đại Việt, trong sớ kể rằng lãnh thổ Champa bao gồm vùng đất như sau: “Đất nước của chúng tôi bao gồm 27 xứ, 4 phủ, 1 châu, và 22 huyện. Lãnh thổ này trải dài về phía đông giáp biển, phía nam giáp Chân Lạp, tây giáp núi rừng của người Lê [Lê Nhân sơn], và bắc giáp A-mu-la-bu”. (Wade 2003: 14).
(3) Hiện nay, có một làng ở phía nam chân đèo Hải Vân tên là Nam Ô thuộc thành phố Đà Nẵng, địa danh này góp thêm chứng cứ cho việc xác định châu Ô là ở phía bắc đèo Hải Vân.
(4) Cứ theo Hồng Đức bản đồ, 1653-90, (sđd, trang 48) thì thứ tự các cửa biển nay thuộc tỉnh Quảng Bình, tính từ bắc vào nam, như sau: Thuận Cô Môn nay là cửa Ròn; Cương Giản Môn nay là cửa Gianh; Di Luân Môn nay là cửa Lý Hòa (?); An Niên Môn nay là cửa Doanh; Nhật Lệ Môn nay là cửa Nhật Lệ (Tập bản đồ hành chính Việt Nam, Nxb Bản đồ, 2003, tr. 38). Như vậy, cũng có khả năng Jriy là Di Luân Môn hay là cửa Lý Hòa [Jriy>Di>Lý] (?). Nhưng theo Đồng Khánh địa dư chí, 1886-87, thì Di Luân Môn chính là cửa Ròn (Đồng Khánh địa dư chí 2003: 1355); còn sách Đại Việt địa dư toàn biên, thời Minh Mạng, của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu thì gọi cửa Ròn là đồn biển Tấn và cho biết trước đó cửa này gọi là cửa biển Di Luân (Phương Đình Nguyễn Văn Siêu 1997: 246). Theo nhà địa lý học Lê Bá Thảo đương thời cửa Nhật Lệ là một cửa biển lớn (Lê Bá Thảo 2003: 211-15). Trong các cửa biển tại Quảng Bình, cửa Nhật Lệ là cửa quan trọng nhất từ thời Lê, nhưng ngoài ra, cửa Lý Hòa cũng là một thương cảng lớn (Lương Duy Tâm 1998). Tóm lại, hiện thời, chúng tôi chưa thể xác định chính xác địa danh của Di Luân Môn, nhưng đại thể, địa danh Jriy của Champa nằm trong địa vực huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Quảng Ninh hiện nay, nó có thể đã được phiên âm thành Di hoặc Lý hoặc Lệ (?).
(5) Vùng đất giữa Đèo Ngang và đèo Hải Vân đã được các tác giả người Pháp định danh là Indrapura, về danh hiệu này đã được Southworth phân tích và phủ nhận trong một chuyên khảo về địa-chính trị Champa (Quach-Langlet 1988: 28-29; Southworth 2000: 237-40; Trần Kỳ Phương 2002: 63-74, chú 10).
(6) Ngoài ra, có thể còn nhiều cửa biển của những dòng sông chính ở miền Trung có khả năng tồn tại những tiểu quốc độc lập khác mà chúng ta chưa thể xác định được danh hiệu của chúng, mặc dầu những tiểu quốc này đã được đề cập đến trong các thư tịch cổ của Trung Hoa khi liên hệ đến Champa với danh xưng là “quốc”, chẳng hạn: Môn Độc Quốc, Cổ Đan Quốc, v.v... Những tiểu quốc này được thiết lập trên những cửa biển sau: Cửa Hàn trên sông Hàn thuộc thành phố Đà Nẵng; Cửa Kỳ Hà trên sông Tam Kỳ thuộc tỉnh Quảng Nam; Cửa Dung Quất trên sông Trà Bồng và Cửa Sa Kỳ/Cửa Đại trên sông Trà Khúc thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Cửa Tuy Hòa trên sông Ba hay sông Đà Rằng thuộc tỉnh Phú Yên; Cửa Phan Rí trên sông Lũy và cửa Phan Thiết trên sông Cà Ty/Cái thuộc tỉnh Bình Thuận (Southworth 2000: 237-244; Trần Kỳ Phương 2002: 64-65). Dọc theo những dòng sông này đều có những nhóm đền-tháp quan trọng như Khương Mỹ, Phú Hưng (Tam Kỳ, Quảng Nam), Chánh Lộ, thành Châu Sa, thành Cổ Lũy (Quảng Ngãi), tháp Nhạn, thành Hồ (Phú Yên), Pô Đam, Phú Hài (Bình Thuận), v.v.. là chứng cứ về sự tồn tại của những di tích hoàng gia Champa tại những tiểu quốc đương thời.
(7) Tên của ngọn núi thiêng và dòng sông thiêng này đã xuất hiện trong những minh văn Champa được phát hiện tại Mỹ Sơn từ cuối thế kỷ thứ 4 cho đến thứ 7 (Majumdar 1985: III, 4-8; 21-26).
(8) Thuật ngữ mandala (circles of kings) được các nhà nghiên cứu dùng để diễn tả một hệ thống chính trị-kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Mandala là mô hình của một vương quốc bao gồm nhiều tiểu vương quốc hoặc lãnh chúa. Trong mỗi tiểu quốc của mandala có một vị tiểu vương thường được thần linh hóa và tự xưng là lãnh đạo của các thủ lĩnh khác, mà trên lý thuyết, đó là những thuộc hạ và chư hầu của họ. Mỗi tiểu vương trong mandala là người duy nhất có đặc quyền được nhận cống phẩm mang đến bởi các sứ thần và là người có uy quyền tối cao lãnh đạo quân đội. Cũng thường xảy ra tình trạng là một vài vị thủ lĩnh trong mandala có quyền từ chối vai trò chư hầu của họ và cố xây dựng cho riêng họ một hệ thống chư hầu mỗi khi họ có cơ hội nổi dậy. Để ngăn ngừa tình trạng này, tiểu vương trong mandala ứng xử với các chư hầu bằng cách không can thiệp vào nội bộ của những thủ lĩnh địa phương để giữ một khoảng cách tương đối với thủ phủ, và tạo những mối quan hệ hôn nhân hoặc mời họ tham gia vào ứng thí đại biểu của hoàng gia, v.v... (Wolters 1999: 27-40; Nakamura 1999: 60).
(9) Nhiều nhà nghiên cứu đã giải thích hệ thống chính trị-kinh tế của vương quốc Champa theo một mô hình được gọi là “hệ thống trao đổi ven sông/riverine exchange network”. Theo mô hình này, “hệ thống trao đổi ven sông” có một vùng duyên hải để làm cơ sở cho một trung tâm thương mại thường tọa lạc ở một cửa sông. Đây cũng là trung tâm giao dịch quốc tế. Ngoài ra, cũng có những trung tâm ở thượng nguồn, đó là những điểm tập trung ban đầu của các nguồn hàng có gốc từ những vùng xa sông nước. Những nguồn hàng này được sản xuất ở các vùng không họp chợ bởi các cư dân sống trong các bản làng ở miền thượng du hoặc thượng nguồn. Nguồn hàng này, chủ yếu là lâm sản, được tập trung trao đổi ở các chợ phiên vùng trung du, rồi vận chuyển về các khu chợ sầm uất hơn ở vùng hạ lưu gần cảng-thi, sau đó lại được tập trung về cho các thương nhân cư trú ở cảng-thị để xuất khẩu. Mỗi tiểu quốc trong mandala có riêng một “hệ thống trao đổi ven sông” như vậy (Bronson 1977: 39-52; Hall: 1985: 1-25; Nakamura 1999: 60). Dựa vào nguồn hàng hoá biết được tại cảng-thị Hội An, chúng ta thấy rằng hoàng hoá miền ngược bao gồm tất cả các mặt hàng lâm sản quý hiếm như: trầm hương, sừng tê ngưu, ngà voi, quế, gỗ quý, v.v…; và các mặt hàng ở vùng hạ lưu thương bao gồm các mặt hàng nhập cảng như: gốm sứ, đồ đồng, vải vóc …của Trung Hoa, hoặc mã nảo, đá quý của Ấn Độ, v.v… (Trần Kỳ Phương 2002; 2004).
(10) Về việc áp dụng mô hình “hệ thống trao đổi ven sông” để tìm hiểu lịch sử và văn hóa miền Trung, chúng tôi đã bước đầu công bố trong một tham luận tại hội thảo khoa học về “Văn hóa làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam” do Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật miền Trung Tây Nguyên tại thành phố Huế tổ chức tại Huế ngày 28 tháng 5 năm 2004 (Trần Kỳ Phương 2004).
(11) Trong các tộc người nói tiếng Môn-Khmer ở miền tây Quảng Nam, người Katu là sắc tộc đông nhất, sống phân bố dọc theo các dòng sông lớn của Quảng Nam như sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Côn, sông Túy Loan, v.v... Người Katu hiện nay có khoảng 50.000 người, sống tập trung tại 2 huyện miền núi Tây Giang và Đông Giang (trước đây là huyện Hiên và Giằng) tỉnh Quảng Nam, ngoài ra còn có một bộ phận sống ở huyện Nam Đông phía bắc đèo Hải Vân thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Về sinh hoạt kinh tế-văn hóa-xã hội của người Katu, trong đó có mối quan hệ với thương nhân miền xuôi mà người Katu gọi là “các-lái” hay “thương-lái”, đã được tường thuật bởi Le Pichon vào năm 1938 trong một chuyên khảo về người Katu ở Quảng Nam, và của cụ Quách Xân, một chiến sĩ cách mạng lão thành đã sống với người Katu nhiều năm tại các vùng rừng núi phía tây tỉnh Quảng Nam (Quách Xân 2000; Le Pichon 1938).
(12) Trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi ở vùng Quảng Nam đã được phản ảnh qua câu ca dao: “Ai về nhắn với nậu/bạn nguồn, Măng le/Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên” (Trần Quốc Vượng 1998: 24).
(13) Trong một chuyên khảo dựa vào luận án tiến sĩ của mình, Wheeler cũng đã phân tích và chứng minh rằng cảng-thị Hội An trong các thế kỷ 17-18 đã kế thừa những thành quả về sự thiết lập các mối quan hệ nội và ngoại thương của Champa trong các thế kỷ trước đó (Wheeler 2003a; 2003b). Mô hình trên cũng có thể được áp dụng để tìm hiểu vai trò kinh tế của các cảng -thị khác của Chiêm Thành dựa vào các cửa sông ở miền bắc vương quốc như sông Thạch Hãn, sông Gianh, v.v…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bronson Bennet, 1977. “Exchange at the Upstream and Downstream Ends: Notes Toward a Functional Model of the Coastal State in Southeast Asia”, Economic Exchange and Social Interaction in Southeast Asia: Perspectives from Prehistory, History and Ethnography [Hutterer, Karl L. ed.]: 39-52. Ann Arbor: Center for South and Southeast Asia Studies, The University of Michigan.
2. Dương Văn An, 2000. Ô Châu cận lục [Tân dịch hiệu chú] (Hiệu đính -dịch chú: Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc). Huế: Nxb Thuận Hóa.
3. Đào Duy Anh, 1964. Đất nước Việt Nam qua các đời. Hà Nội: Nxb Khoa học.
4. Đồng Khánh địa dư chí (CD-ROM), 2002. Viện Nghiên cứu Hán Nôm - École pratique des Hautes Etudes - École Francaise d’Extrême-Orient.
5. Hagesteijn Renée, 1989. Circles of kings: political dynamics in early Continental Southeast Asia. Dordrecht-Holland/Providence-USA: Foris Publications.
6. Hall Kenneth R., 1985. Maritime Trade and Early State Development in Southeast Asia. Honolulu: University of Hawaii Press.
7. Hoàng Xuân Hãn, 1965. Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao triều Lý (tái bản). Sài Gòn, Ban Tu thư Viện Đại học Vạn Hạnh.
8. Hồng Đức bản đồ, 1962. Tủ sách Viện Khảo cổ, số III, Sài Gòn: Bộ Quốc gia Giáo dục.
9. Le Pichon J., 1938. “Les Chasseurs de Sang”, Bulletin des Amis du Vieux Hué”, 1938, No. 4: 357-409. Huế: Association des Amis du Vieux Hué [CD-ROM, Ecole Francaise d’Extrême Orient - Université de Hue, Vietnam, Festival Huế 2000].
10. Lê Bá Thảo, 2003. Thiên nhiên Việt Nam (tái bản). Hà Nội: Nxb Giáo dục.
11. Lương Duy Tâm, 1998. Địa lý-Lịch sử Quảng Bình. Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình.
12. Majumdar R. C., 1985. Champa: history and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East 2th -16th centuries AD (Reprinted). Dehli: Gian Publ. House.
13. Maspéro George, 1988. Le Royaume de Champà. Paris: Ecole Francaise d’Extrême-Orient. [Réimpression de l’École Francaise d’Extrême-Orient (EFEO)]
14. Nakamura Rie, 1999. Cham in Vietnam: Dynamics of Ethnicity [Ph.D. dissertation]. University Washington: Department of Anthropology.
15. Nhà xuất bản Bản đồ, 2003. Tập bản đồ hành chính Việt Nam.
16. Nguyễn Xuân Hoa, 2001. “Thừa Thiên Huế dưới thời Lâm Ấp-Chămpa”, Nghiên cứu Huế, tập 3: 28-38. Huế: Trung tâm Nghiên Cứu Huế.
17. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, 1997. Đại Việt địa dư toàn biên. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Sử học. Hà Nội: Viện Sử học và Nxb Văn hóa.
18. Quach-Langlet T., 1988. “Le cadre géographique de l’ancien Campa”, Actes du seminaire sur le Campa, organisé à l’Université de Copenhague, le 23 Mai 1987: 28-48. Paris: Travaux du Centre d’Histoire et Civilisations de la Peninsule Indochinoise.
19. Quách Xân, 2000. “Giặc mùa”, Ngok Linh [Chuyên đề nghiên cứu, sáng tác về miền núi và Tây Nguyên], số 1: 71-106. Đà Nẵng: Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Đà Nẵng.
20. Southworth, William, 2002. “Notes on the political geography of Campa in central Vietnam during the late 8th and early 9th centuries A.D.” [Proceedings of the 7th International Conference of the European Association of Southeast Asian Archaeologists, Berlin, 31 August-4 September 1998], Southeast Asian Archaeology 1998: 237-244. Hull: Center for Southeast Asian Studies, University of Hull, Great Britain.
21. Trần Kỳ Phương
- 2002. “Góp phần tìm hiểu về nền văn minh của vương quốc cổ Champa tại miền Trung Việt Nam”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (37): 63-74; số 4 (38): 71-78. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế.
- 2003a. “Di tích mỹ thuật Champa ở Thừa Thiên Huế”, tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4-5 (42-43): 110-20. Huế: Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.
- 2003b. “The geography of the ancient Champa kingdom in Central Vietnam”. Paper given at Pacific Neighborhood Consortium Annual Conference 2003, held on November 7-9, 2003 at Princess Maha Chakri Sirindhorn Anthropology Center, Bangkok, Thailand.
- 2004. “Bước đầu tìm hiểu về địa-lịch sử của vương quốc Chiêm Thành (Champa) ở miền Trung Việt Nam: Với sự tham chiếu đặc biệt vào “hệ thống trao đổi ven sông” của lưu vực sông Thu Bồn ở Quảng Nam”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Văn hóa làng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam”. Huế: Phân viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Miền Trung tại thành phố Huế, 5-2004.
- 2010. ‘Interactions between uplands and lowlands through the ‘riverine exchange network’ of central Vietnam- A case study in the Thu Bon river valley’, In 50 years of archaeology in Southeast Asia: Essays in honour of Ian Glover. Bérénice Bellina, Elisabeth A. Bacus, Thomas Oliver Pryce & Jan Wisseman Christie (eds.). Bangkok: River Books, pp.207-15.
22. Trần Quốc Vượng, 1998. “Để tìm hiểu thêm về xứ Quảng”, Di tích Quảng Nam: 24. Quảng Nam: Sở Văn hóa -Thông tin Quảng Nam.
23. Wade G., 2003. “The Ming shi Account of Champa”. Singapore: Asia Research Institute, Working Paper Series, No. 3: 14, <www.ari.nus.edu.sg/pub/wps.htm>.
24. Wheeler Charles,
- 2003a. “One Region, Two Histories: Cham Precedents in the History of the Hoi An Region” (forthcoming), For Viet Nam: Borderless Histories, ed. Nhung Tran & Anthony Reid (Madison: University of Wisconsin Press).
- 2003b. “Environment, Economies, And Social Organization in the Development of a Trade Regime: Hoi An’s Trading World, c. 1550-1830”. Paper given at Pacific Neighborhood Consortium Annual Conference 2003, held on November 7-9, 2003 at Princess Maha Chakri Sirindhorn Anthropology Center, Bangkok, Thailand.
25. Wolters O. W., 2000. History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives (Revised Edition). Singapore: Institute of Southeast Asia Studies.