6 tháng 2, 2012

THĂNG TRẦM PO NAGAR NHA TRANG

                                                                                Nguyễn Lục Gia

[Tóm tắt: Ngay từ buổi đầu lập quốc của dân tộc Phù Nam, trong vùng thung lũng Nha Trang đã từng tồn tại một trung tâm Phật giáo phát xuất từ xứ sở Ấn Độ bên kia bờ vịnh Bengan, để trên nền tảng tín ngưỡng khoan dung ấy, khi quốc gia Lâm Ấp mở đất tới tận Panduranga vào cuối thế kỷ V, giáo hoá Hindu đã bén rễ tại đây, mọc lên khu thánh đường Po Nagar với chiếc Mukhalinga ròng vàng lộng lẫy. Thời kỳ Hoàn Vương kế tiếp kèm theo một đại nạn đối với ngôi đền thiêng này: năm 774 người Java tấn công thiêu huỷ và đánh cướp Mukhalinga, song tất cả đều chìm sâu dưới đáy đại dương. Khu đền mới khánh thành năm 784 bị người Khmer cướp phá sau đó hơn một thế kỷ rưỡi, vào năm 945 – 946 trong thời đại Champa, tiếp tục được dựng lại năm 960. Chiến tranh liên miên từ đó cho đến ngày người Chàm phải chuyển giao toàn bộ Po Nagar Nha Trang cho chủ nhân mới người Việt sau biến cố năm 1653 gắn liền với rất nhiều lần tôn tạo, cúng dâng đối với ngôi đền của các triều vua Champa sùng kính Civa giáo. Po Nagar Nha Trang, dù trải qua bao thiên biến thăng trầm, dù được tôn xưng là “Bà Đại Phúc” hay “Mệnh Phụ của cả nước”, vẫn mãi mãi là nữ thần thiêng liêng Uma, người vợ thứ nhất của đấng Shiva (Civa) bất diệt trong mỗi tín đồ Hindu Ấn giáo. Chính đức tin của dân tộc Champa đã hun đúc Po Nagar Nha Trang trường tồn cùng với thời gian].
   
Po Nagar Nha Trang là một trong những thánh đường trung tâm của các vương triều Champa trong gần suốt diễn trình lịch sử của vương quốc này (II – XVII). Đó vừa là biểu tượng truyền thống tín ngưỡng Ấn Độ giáo vừa là chứng tích những cuộc xung đột chính trị - quân sự khu vực, nơi mà theo các nhà khảo cứu phương Tây gọi là “các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông” [1]. Trước những biến động dồn dập của thời cuộc, Po Nagar thuộc xứ Kauthara trong thung lũng Nha Trang đã thăng trầm, hưng phế thế nào?
   
Sự khởi đầu.
   
Bia Võ Cạnh có niên đại thế kỷ III xuất hiện lân cận Po Nagar, cho dù không phải bi ký của Champa mà theo sử gia L. Finot xác định là của một thuộc quốc Phù Nam, vẫn cho thấy rằng “vào thời kỳ mà tấm bia được khắc và ở địa phương mà nó được dựng, Phật giáo đã giữ vai trò bảo hộ nhà vua và chữ Phạn là ngôn ngữ chính thức của các pháp quan vương triều” [1]. Như vậy, trước khi tiếp nhận Civa giáo, Po Nagar Nha Trang đã từng là trung tâm đạo Phật với mối quan hệ gần gũi với các vương triều Ấn Độ. Theo sử gia G. Coedès, vương quốc Phù Nam dưới triều vua Phạm Chiên (225 – 250) bắt đầu thiết lập quan hệ với Ấn triều Murundas, “phải chăng ông ta cũng còn là tác giả của tấm bi ký chữ Phạn kể trên, và là người mà văn bia chỉ định như một thành viên của dòng họ Cri Mara? Điều đó không phải là không thể, vì Phạm Chiên là con của chị gái nhà vua Cri Mara, nên có quyền tự xưng mình là họ hàng của các bậc tiền bối của mình” [1].    
   
Trong khi đó, một truyền thuyết mà theo sử gia G. Maspéro dường như thuộc về Thị tộc Cau, cho rằng thời kỳ lập quốc đầu tiên của người Chàm bắt nguồn từ “ông vua tên là Vicitrasagara hay gọi ngắn là Vicitra vào năm 5911 đời vua Dvapara, ông ấy không nhơ nhớp (sonillures) của đời vua Kali, đã dựng lên ở xứ Kauthara cái Mukhalinga của Cri Cambhu” [2]. Chiếc Mukhalinga này hẳn phải nằm trong khu đền tháp nguyên thuỷ Po Nagar Nha Trang, dù rằng truyền thuyết có thể xuất hiện muộn hơn, cũng như niên đại lập quốc của Thị tộc Cau cần phải đẩy lùi về phía sau rất xa.
   
Vương quốc Champa dưới tên gọi Lâm Ấp trong suốt buổi đầu hình thành và phát triển đã không ngừng tiến công lên phía Bắc, tranh chấp quyết liệt với quân đội của các vương triều Trung Hoa đóng trên lãnh thổ An Nam; thậm chí trong thời vua Phạm Dương Mại II, năm 433 nhà vua này còn đứng ra đàm phán với Trung Hoa “trao cho ông chức Thứ sử Châu Giao” mà kết quả là điều không thể [2]. Tiếp đó, thời vua Phạm Đăng Căn Thuần, người mà nhà vua Phù Nam Jayavarman đương thời coi là “một trong những người hầu cận của mình, với tên Kieou-tch’eou-lo (Cựu Thù La)”, là “một kẻ tiếm quyền đã cướp ngôi vua xứ này” và bị tố cáo đã tấn công cướp đoạt hàng hoá của đội thương thuyền triều đình Phù Nam mua từ Quảng Châu trên đường về tại đoạn bờ biển Lâm Ấp. Dù năm 484, vua Jayavarman cử sứ đoàn triều cống hậu hĩ, song triều đình Trung Hoa đã từ chối việc đem quân chinh phạt Lâm Ấp; ngược lại, năm 491 Phạm Đăng Căn Thuần cử sứ thần “cống vua Trung Quốc những bình bằng vàng và những sản phẩm trong xứ, và yêu cầu vua Trung Quốc công nhận ông là vua Chiêm Thành. Lời thỉnh cầu đó được toại nguyện và được phong là Đô đốc lục hải chư quân sự An Nam tướng quân, Lâm Ấp vương” [2]. Cũng có thể ngay trong giai đoạn bức bối về mặt lãnh thổ của một vương quốc tràn trề sinh lực trẻ đang ngoi lên này, khi mặt Bắc bị chặn lại vĩnh viễn bởi các cuộc chinh phạt của quân đội Thiên triều và của người An Nam, nhà nước Lâm Ấp đành phải liều lĩnh vượt qua giới tuyến phía Nam như một nhu cầu tự nhiên về không gian sinh phát.

Như vậy, xứ Kauthara và xứ Pandurangga có lẽ đã được sáp nhập vào cương thổ của Lâm Ấp tại chính thời điểm nói trên. Căn cứ vào thái độ phản ứng gay gắt của nhà vua Jayavarman qua bức thư gửi đến triều đình nhà Tống năm 484 bởi một nhà sư Ấn Độ mang đi, Phạm Đăng Căn Thuần không chỉ bất phục ông ta mà còn công khai xâm nhập đất đai Phù Nam. Thư viết: “Hạ thần có một tên nô lệ tên là Cưu Thuần La [Cựu Thù La – như trên], tên này trốn đi, đến ở một nơi và tự xưng làm vua. Nó không hề tỏ ra có lễ độ; nó quên ơn và vi phạm nguyên tắc của công lý. Tội phản nghịch đối với chủ nó, trời cũng không thể dung (...) Nhưng nay Cưu Thuần La vẫn giữ tư cách đồi truỵ của kẻ nô lệ, phạm tất cả các sự tàn bạo. Hơn nữa Lâm Ấp và Phù Nam là hai nước cùng chung biên giới; chính nó là một tên nô lệ của Thiên tử, thế mà nó đã nổi loạn” [2]. Vua Jayavarman mất năm 514 mà không có cơ hội để thu hồi phần lãnh thổ bị mất. Người kế vị bất hợp pháp Rudravarman thông qua một cuộc ám sát con trai bà hoàng hậu, được xem là nhà vua cuối cùng của Phù Nam bởi một phong trào bạo động diễn ra dồn dập sau đó, mở đầu cho quá trình tan rã của đế chế này trên bán đảo Đông Dương.

Từ đó, trên nền móng cũ tại một trung tâm đạo Phật xa về phía Đông của Phù Nam, ngôi thánh đường Civa giáo của vương quốc Lâm Ấp được dựng lên trên ngọn đồi sát mé biển, với danh xưng xác tín về sau: Po Nagar Nha Trang. Và giống như Phù Nam, sự hoà nhập giữa hai chủ thể tín ngưỡng này được sử gia P. Pelliot giải thích cũng chính bằng bức thư của nhà vua Jayavarman trên kia: “Qua lối văn từ khuôn sáo thường khi tối nghĩa của tờ tấu biểu, chí ít người ta cũng nhận ra hai điều: trước hết là tục thờ cúng thần Civa đã giữ địa vị thống trị ở Phù Nam, nhưng đồng thời người ta cũng theo đạo Phật” [1].

Thăng trầm theo dòng lịch sử.

Vikrantavarman lên ngôi vua năm 653 lập ra một triều đại khá dài và yên ổn với nhiều kiến trúc tôn giáo được tôn tạo và xây mới, chủ yếu ở phía Bắc vương quốc, song quyền lực của ông không ngừng được tăng cường tại các công quốc miền Nam, thông qua một bi ký khắc trên bệ đá nằm về phía Bắc Nha Trang. Điều này cũng chứng tỏ Po Nagar Nha Trang chắc hẳn đã nhận được sự quan tâm lớn lao của Vikrantavarman, khi ông vốn nổi tiếng là vì vua “muốn làm nảy nở những mầm mống về khiếu năng của linh hồn” [2] như chính lời ông khắc vào văn bia năm 657.

Những biến cố và khủng hoảng của các vương triều Lâm Ấp kế tiếp trong khoảng một trăm năm, vắt ngang từ nửa sau thế kỷ VII sang nửa sau thế kỷ VIII, đã biến mất không để lại dấu vết nào, để từ “sau niên hiệu Chí Đức (756 – 758) đổi tên là Hoàn Vương” [3], trung tâm chuyển dịch về phía Nam trong vùng Kauthara và Panduranga mà vị vua Prithividravarman lần đầu tiên sau khi chết đã được tặng thuỵ hiệu là Rudraloca, có nghĩa là cõi của thần Rudra, tức Shiva, như bi ký ghi lại: “Sau một thời gian dài, do lòng tín ngưỡng Cambhu, do vinh quang của mình và tấm lòng tha thiết với luân hồi, vị vua đã tới cõi của Rudra” [2]. Điều đặc biệt của thời kỳ Hoàn Vương kéo dài cũng khoảng một trăm năm này (758 – 877) là “tất cả các văn khắc đều ở phía Nam, trong vùng Panduranga hay xứ Kauthara”, trừ bi ký Đồng Dương (Quảng Nam) có niên đại gần cuối: năm 875. Quan trọng hơn, thân thế của vị vua Prithividravarman khởi đầu vương triều thứ V này là một lãnh chúa, được các lãnh chúa khác chọn trao ngôi vương, hay diễn đạt một cách nghi thức hơn rằng: “ông thuộc về đại gia đình các tiểu vương ở Panduranga, thuộc Thị tộc Cau và tiếp tục ngụ ở phương Nam. Ông hưởng toàn cõi Campa và quyền lực của ông đi từ Hoành Sơn đến tận biên giới Khmer” [2]. Từ đây có thể đoán biết được những việc mà Prithividravarman đã cho tiến hành trên trọng trách quyền vương kết hợp với quyền thần tại vùng đất đóng vai trò trung tâm của đế chế. Po Nagar Nha Trang vượt lên với vị trí thánh địa hàng đầu của vương quốc Hoàn Vương hùng mạnh bên cạnh một Cao Miên đang thời kỳ manh nha phân rã thành hai nhà nước Chân Lạp.

Vua nối ngôi Cri Satyavarman, sau một vài năm trị vì vương quốc thịnh vượng, năm 774 đã phải gánh chịu một cuộc đột nhập và cướp bóc, tàn phá khủng khiếp xứ Kauthara của người Java, những kẻ mà 7 năm trước đó đã bị đánh bại trên bờ biển An Nam. Mặc dù quân cướp biển từ đảo Java bị tiêu diệt tại cửa bể Nha Trang, song khu thánh đường Po Nagar đã bị đốt cháy và linh vật thì bị cướp sạch, mà sau đó chìm xuống đáy sâu biển khơi, kể cả cái linga có mặt bao bằng vàng tượng hình đầu Civa. Đền Po Nagar Nha Trang, nơi “đức vua Sri Vicitrasagara đã tạo lập hình Thần Sri Mukhalinga. Tất cả những vật dụng của Thần, như kho lúa, bạc, vàng, ngọc quý, bình, ấm, lọng trắng có chiếc gậy vàng, phất trần, bình vàng và các đồ vật khác từ từ tăng lên. Thế nhưng... rất đông những bọn ăn thịt người dã man từ những nước khác đến bằng thuyền đã cướp đi những hình tượng thờ, những đồ vật và những đồ trang sức...” [4].

Trên nền cũ của ngôi đền được cất bằng gỗ trong quá khứ vừa bị thiêu trụi, nhà vua Cri Satyavarman với “khát vọng vương quyền chủ tể đã phó mặc cho”, cho tiến hành xây dựng bằng gạch và sắp đặt lại toàn bộ hệ thống điện thờ nơi đây. Quãng thời gian chẵn chục năm dành cho việc xây mới khu thánh đường Po Nagar Nha Trang cho thấy lòng kiêu hãnh cũng như tầm quan trọng của sự kiện trong bối cảnh vương quyền thường xuyên bất ổn của Champa. Năm 784, nhằm “vào ngày thứ bảy của nửa tháng có trăng của tháng Madhava”, vua Satyavarman long trọng đặt chiếc Mukhalinga với cái tên là Cri Satya Mukhalinga [2], tái lập như trước kia chiếc Mukhalinga của vị chúa tể Đức Bà Bhagavati bằng những lời ngợi ca thành kính: “Nữ thần của Kauthara, người có tấm thân rực sáng bởi vẻ đẹp và tấm choàng tuyệt hảo bằng vàng, người có khuôn mặt ngời sáng rạng rỡ và đẹp đẽ như đoá hoa sen và đôi má sáng chói bởi ánh sáng của ngọc ngà châu báu, đã luôn ban phước cho tất cả những ai quỳ xuống cầu nguyện trước mặt mình. Ngài, một nữ thần tôn kính, người có mái tóc vàng đẹp rực rỡ chói loà bởi những viên châu ngọc trên đầu, người ngự tại vùng ven biển xứ Kauthara, người có đôi tài dài được điểm tô bằng những viên ngọc châu sáng ngời và không có tỳ vết, luôn hiển hiện sáng ngời ở cả ba thế giới” [4].

Dưới triều vua thứ tư của thời đại Hoàn Vương, Po Nagar Nha Trang tiếp tục được phục hưng mạnh mẽ nhờ những của cải thu được trong các cuộc chinh phạt cả An Nam lẫn Chân Lạp. Vua Cri Harivarman I thông qua sự trợ giúp của một thủ lĩnh quân sự hiếu chiến mệnh danh “Sư tử” đồng thời là một “Thượng thư rất giỏi” như chính lời nhà vua ca ngợi, Senapati Par của xứ Manidhi, năm 817 đã cho xây dựng nhiều công trình kiến trúc quy mô, trong đó có ngôi đền thờ vị thần Cri Malada Kuthara với cái cổng có gác bằng đá trang trí lộng lẫy. Nhà vua gọi nữ thần này là Bà Đại Phúc với sự sùng tín đặc biệt, cúng cho thần “những của cải bằng vàng, bạc, châu báu, quần áo thêu... Lại cúng ruộng trong cánh đồng Kauthara, cùng với những nô lệ nam nữ, trâu...” [2].

Vua kế vị Cri Vikrantavarman III thể hiện lòng ngưỡng mộ thế giới thần linh bằng cách cúng cho các thần những lễ vật quý giá, mà trong số đó có việc dựng một Cri Mahadavecvara với một ngôi đền chứa nhiều của cải và “trang sức cho tượng tượng Cri Satya Mukhalingadeva một mũ miện, bọc cái bệ một lớp bạc và phủ bọc lên cái rãnh để chảy nước” [2] như bia ký tại Po Nagar Nha Trang ghi nhận, gần với niên điểm năm 854 của văn bia Po Nagar Mông Đức.

Dấu chấm cho thời đại Hoàn Vương còn phải chờ đến 20 năm sau mới đặt xuống, tuy nhiên lịch sử Hoàn Vương qua nguồn tư liệu minh văn đã khép lại tại đây, trong khi thánh đường Po Nagar Nha Trang vẫn là tâm điểm thu hút các sự kiện quanh khu vực đã đang diễn ra sôi động tiến trình Ấn Độ hoá này.

Quốc hiệu Champa xuất hiện trên các văn bản tại triều đình Trung Hoa thay thế tên gọi Hoàn Vương có lẽ khởi đầu cho một vương triều mới ở miền Trung rìa bán đảo Đông Dương mà trung tâm chuyển về phía Bắc. Vua kế vị thứ năm thuộc dòng dõi Indrapura (875 – 991) này là Cri Indravarman III, nổi tiếng là người có tầm học vấn sâu rộng, mải mê nghiên cứu 6 dòng triết học chính thống hiện thời, mà “trong số những nhà hiền triết giỏi, ông là người chuyên chuyện đó nhất”, không lâu sau khi tiếp ngôi, tháng 6 năm 918 nhà vua Indravarman III cho “dựng một pho tượng nữ thần Bhagavati, thân thể bằng vàng, đặt ở trong đền Yan Pu Nagara, xứ Kauthara” [2].

Đương thời, lân quốc Cao Miên phía Nam dưới triều Rajendravarman cũng hào quang không kém, “đã đốt cháy những vương quốc quân thù, bắt đầu bằng Champa” [1]. Đó là cuộc viễn chinh trong năm 945-946 của người Khmer nhằm vào Kauthara mà kết quả là mang được về bức tượng bằng vàng từ thánh đường Po Nagar Nha Trang, nhưng cũng để lại không ít xác chết lẫn chiến binh bị bắt cầm tù.

Cri Indravarman mất năm 959 mà chưa kịp xây dựng lại khu đền Po Nagar Nha Trang bị Cao Miên cướp phá. Phải 5 năm sau nữa từ lúc nối ngôi năm 960, Jaya Indravarman I mới cho trùng tu lại điện thờ xứ Kauthara. Có lẽ những chuyến hàng cống nạp liên tục và đắt giá với số lượng ngày càng tăng cho triều đình nhà Tống vừa mới được xác lập bằng sức mạnh chiến tranh đã làm thu hẹp nguồn tài chính vương quốc, thêm những rắc rối về an ninh bên ngoài lẫn bên trong tại một vị trí khá xa cách thủ phủ Indrapura, nhà vua cho dựng lại tượng nữ thần Bhagavati với chất liệu bằng đá chứ không phải vàng như các triều đại trước.

Khởi đầu vương triều thứ VIII mà kinh đô đã chuyển vào Vijaya gần nửa thế kỷ là một tướng lĩnh quý tộc (Icvara), nhà vua Jaya Paramecvaravarman I, lên ngôi năm 1044. Sau khi khuất phục được sự chống đối dai dẳng của các lãnh chúa vùng Panduranga, năm 1050 Paramecvaravarman cho xây đài chiến thắng tại đây, đồng thời “tái tạo những kho tàng mà kẻ chiến thắng đã cướp đi của các đền” với việc “dựng lại tượng nữ thần Po Nagar; cúng cho thần: ruộng, 55 tên nô lệ người Chàm, Khmer, Trung Quốc, Miến Điện và Xiêm La, 15 sách vàng và 15 sách bạc, cùng 1 bình nạm vàng, 1 dây rất đẹp làm thắt lưng, 1 ấm bạc, cùng những bình vàng xinh đẹp, những bình có quai, những chậu đựng được 8 nửa quả dừa, và những chậu to để dùng vào việc thờ cúng thần” [2]. Thánh đường Po Nagar Nha Trang trở lại ấm cúng và lộng lẫy hẳn lên.

Đế kỷ IX tiếp tục mang lại cho Po Nagar xứ Kauthara hai lần vinh quang mới. Trong lần thứ nhất, hoàng tử Thang mà dòng dõi cha thuộc Thị tộc Dừa và mẹ thuộc Thị tộc Cau, tự xưng làm vua năm 1074 với vương hiệu Harivarman IV, đã uỷ nhiệm cho người em trai là hoàng thân Pan đảm nhiệm công việc nội vụ mà chức năng quan trọng đặc biệt là cho “xây dựng lại những đền đài trong các tỉnh (Paramana) của vương quốc Chàm”; “tất cả những lãnh địa dùng vào việc cúng tế thần thánh, cùng với những người phục vụ trong đền đài: vũ công, nhạc công, như xưa kia vậy”; “đặt lại những sala, cư trại, tĩnh xá”; “cung cấp muối và thực phẩm cho các vị nơi thờ cúng để tồn tại mãi mãi” [2]. Lần thứ hai, nhà vua Paramabodhisatva tiếm ngôi người cháu năm 1081, sau khi dẹp loạn được vùng Paran, nhờ có chiến lợi phẩm thu được ở tại tỉnh này, đã cúng biếu cho nữ thần Yan Pu Nagara là “Mệnh Phụ của cả nước”, còn nữ thần Yan Pu Aneih trong điện Po Nagar Mông Đức là “Tiểu Mệnh Phụ”.

Bước vào Đế kỷ X, trước những cuộc chiến tranh kéo dài hàng trăm năm giữa Champa với Khmer, ngôi thánh đường Po Nagar Nha Trang không những được trụ vững mà còn tăng thêm phần mộ lãm. Vua tiếp ngôi từ vương triều cũ là Jaya Indravarman III với sự chấp nhận của đa số các bậc đại quan đã đảm bảo trật tự yên bình cho xứ sở buổi đầu. Đồng thời với một loạt các hoạt động tôn giáo khác, năm 1142 nhà vua đã “cúng vào đền Po Nagar một Civalinga” [2]. Vua thứ ba Jaya Harivarman I, người để lại tiểu sử về mình rõ ràng hơn bất kỳ một vua Champa nào khác đã lập nên nhiều kỳ tích chói lọi trong công cuộc chống trả các thế lực ngoại quốc. Năm 1151, nhằm thu phục các công quốc miền Nam trong vùng thung lũng Kauthara và Panduranga luôn tỏ thái độ chống đối, Harivarman tiến quân bình định ngót chục năm dài. Như một quy tắc bất định, sau khi chiến thắng vào năm 1160, ông cho xây dựng lại những cảnh điêu tàn vì chiến tranh, tu bổ lại đền đài và cúng vào đó một phần chiến lợi phẩm lấy được của quân thù, mà riêng ở miền Nam, “ông dâng những quý vật cho thần Po Nagar” [2]. Vua Jaya Paramecvaravarman II lên ngôi năm 1220 như một cột mốc chấm dứt cuộc xung đột hàng thế kỷ trên lãnh thổ Champa, đã dành phần lớn thời gian trị vì để phục dựng lại đất nước từ trong cảnh đổ nát: tu bổ các công trình thuỷ lợi, đưa dân về thành phố, xây lại cung điện, sửa sang đền đài và cung cấp tất cả những châu báu bị đối phương cướp đi. “Ông khôi phục lại tất cả những pho Linga tại miền Nam như ở Yan Pu Nagara...” [1].

Từ đây trở đi, vương quốc Champa thoát khỏi áp lực đe doạ ở hướng Nam bởi Cao Miên với những rắc rối do người Thái gây ra. Và cho dù những biến cố liên tục của vương quốc này đổ dồn lên phía Bắc lẫn vùng trung tâm Vijaya, từ cuộc xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông cuối thế kỷ XIII đến một loạt tranh chấp dai dẳng với nhà nước Đại Việt suốt hai thế kỷ XIV – XV cùng những bận rộn mới trong mối quan hệ với Minh triều, xứ Kauthara dường như giữ được sự yên ổn tương đối để chấn hưng truyền thống Hindu giáo và cả Phật giáo có cơ sở lâu đời.

Trước những tình thế mới.

Sau biến cố năm 1471, khi hoàng gia Champa và đại đa số người Chàm di chuyển vào phía Nam núi Thạch Bi, có sự tiếp nhận và khuếch trương một loại hình tôn giáo mới trong đời sống văn hoá nơi đây là đạo Hồi, khu đền Po Nagar Nha Trang vẫn đóng vai trò trọng tâm trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo ở vương quốc này. Đặc biệt, vương triều Po Rome (1627 – 1651) với những nổ lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên các phương diện kinh tế, xã hội và văn hoá, được “coi như là cột mốc của sự chấn hưng Hindu giáo” [5] trong suốt thời kỳ Hậu Champa. Bên cạnh việc dựng lên một biệt điện lấy tên mình gần kinh thành Panduranga, ngôi điện tháp xuất hiện đột ngột trong quãng thời gian dài gần ba thế kỷ (XV – XVII), nhà vua Po Rome chắc hẳn đã có những hoạt động tôn tạo đáng kể tại Po Nagar Nha Trang, nơi trở thành thánh đường số một của Champa lúc này.

Đây cũng là dấu chấm hết những gì mà lịch sử dân tộc Champa dồn sức cho đức tin Hindu giáo của mình tại Po Nagar Nha Trang, bởi hai năm sau khi Po Rome qua đời, xứ Kauthara đã trở thành đất Thái Khang của chúa Nguyễn Đàng Trong. Po Nagar Nha Trang từ đó vĩnh viễn trở thành một khu đền di tích mà “Di tích này là một trong những điện thờ chính của người Chàm, họ đã nhượng lại cho người An Nam, khi họ bị người An Nam đuổi ra khỏi xứ này: việc chuyển giao tiến hành bằng một văn kiện (...) Sau lần chuyển nhượng ấy, người Chàm chuyển việc thờ bà Chúa này [Uma, vợ Shiva – TG] về đền Po Nagar ở Mông Đức trong thung lũng Phan Rang”, nơi thờ cúng các con gái yêu quý của bà như Tiểu tiên nữ Po Anaih, Po Tơh... [6].

Những dòng đặc tả hiếm hoi còn kịp ghi lại về hoạt động tín ngưỡng tại khu di tích thánh đường này từ đầu thế kỷ trước: “Tỉnh Nha Trang có nhiều tháp gọi chung là Po Nagar, trong tháp có thờ một tượng nữ thần Uma, có mười cánh tay. Hiện nay đến ngày cúng lễ thì có cả người Chàm, người An Nam ta và người Ấn Độ cũng đến dự lễ cả. Người Chàm hiện giờ họ có cắt một bọn người coi về tế lễ ở đó rất chu tất (...) Những tượng cổ trong tháp này đẹp lắm” [7].
Xin mượn lời học giả Phạm Quỳnh, đương thời Giáo Dục bộ Thượng Thư, người viết Tựa cho tập sách có những dòng đặc tả bên trên, nói thay phần kết của bài viết này: “Tôi giới thiệu sách của bà [Huỳnh Thị Bảo Hoà - TG] cho độc giả mà tự nhiên có một cái cảm giác ngậm ngùi về cuộc thịnh suy, lẽ hưng vong của các dân tộc. Cái đời một dân một nước kể nó cũng mong manh thay! Thịnh đấy rồi suy đấy, sống đấy rồi chết đấy, cơ Tạo hoá thật khôn lường, mà luật cạnh tranh cũng khó tránh. Muốn tự tồn phải tự cường, ta nên ngắm trước mà nghĩ sau...” [7]. Có lẽ đó cũng là những cảm nhận chung dành cho một tiểu kỳ quan Hindu giáo tại xứ Trầm Hương nổi tiếng giàu có và quyến rũ về sau.       

Tài liệu chú dẫn.

[1] G. Coedès (2008), Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông, NXB Thế Giới, tr.89, 91, 116-117, 216, 325.
[2] G. Maspéro (1928), Vương quốc Chàm, NXB G. Văng Oet, Pari và Bruyxen, Bản đánh máy phô tô của Thư viện Hải Phú (Phú Yên), tr.56, 83, 86, 87, 90, 112-113, 114, 117, 118, 130, 158, 161, 175.
[3] Âu Dương Tu, Tống Kỳ (thế kỷ XI), Tân Đường thư, Q.222 (hạ), Liệt truyện 147 (hạ). Dẫn theo: Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa, NXB ĐHQG, HN, tr.386.
[4] Karl Heinz (2004), Inscriptions of Campa, sharker Verlag, Aachen. Dẫn theo: Ngô Văn Doanh (2011), “Mandala Hoàn Vương”, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (số 3), tr.3-10.
[5] Lương Ninh (2006), Vương quốc Champa, NXB ĐHQG, HN, tr.218.
[6] H. Parmentier (1908), Thống kê khảo tả các di tích Chàm ở Trung Kỳ. Bản đánh máy phô tô của Thư viện Ninh Thuận, tr.88-89, 124.
[7] Huỳnh Thị Bảo Hoà (1936), Chiêm Thành lược khảo, Đông Tây Ấn Quán, HN, tr.5, 30.