19 tháng 2, 2012

TRỊNH CĂN – BẬC CHÚA VĂN VÕ SONG TOÀN

                                                                      Nguyễn Thị Ngân

Trịnh Căn (1633-1709) là vị chúa Trịnh thứ năm thời Lê Trung hưng. Ông là con trưởng của chúa Trịnh Tạc (1606-1682), quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Trịnh Căn sinh ra và lớn lên vào thời chiến tranh ác liệt giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn. Trong gần nửa thế kỷ, từ năm 1627 đến 1672, đã diễn ra 7 lần đánh nhau giữa quân họ Trịnh và quân họ Nguyễn, trong đó họ Trịnh chủ động tấn công 6 lần vào các năm 1627, 1633, 1643, 1648, 1661-1662 và 1672; họ Nguyễn đem quân đánh trước một lần duy nhất và là lần đánh nhau lâu nhất, suốt trong 6 năm, từ 1655 đến 1660. Trịnh Căn trực tiếp tham chiến kể từ trận đánh Trịnh - Nguyễn lần thứ năm. Bấy giờ bảy huyện ở phía nam sông Lam là các huyện Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương đều thuộc về họ Nguyễn. Tháng 9 năm Ất Mùi (1655), Thanh Đô vương sai con là Trịnh Tạc vào Nghệ An làm thống lĩnh để chống giữ với quân họ Nguyễn, nhưng vì bấy giờ tàn dư họ Mạc quấy rối ở Cao Bằng nên Trịnh Tạc được lệnh phải rút về Bắc để lo đánh dẹp, em là Trịnh Toàn được điều vào làm thống lĩnh trấn thủ đất Nghệ An. Trịnh Tạc vì nghi ngờ Trịnh Toàn có ý tranh ngôi liền sai con cả là Thái bảo Tín quốc công Trịnh Căn đem quân vào Nghệ An, vừa để tăng viện chống quân Nguyễn, vừa để phòng ngừa biến loạn. 

Tháng 4 năm Đinh Dậu (1657), chúa Trịnh Tráng mất, Trịnh Tạc lên ngôi liền triệu Trịnh Toàn về kinh, lấy cớ không chịu tang cha, giam vào ngục rồi giết đi, binh quyền ở Nghệ An giao cho Trịnh Căn. Tháng 6 năm ấy, Trịnh Căn chia quân làm 3 đạo tiến đánh tướng nhà Nguyễn là Tống Hữu Đại ở làng Nam Hoa thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An). Quân Nguyễn có người báo nên phòng bị trước, quân Trịnh bị thua phải rút về bờ bắc sông Lam. Trước thế địch mạnh, Trịnh Căn chủ trương đánh nhỏ, củng cố lực lượng để chờ thời cơ... Đến tháng 9 năm Canh Tý (1660), Trịnh Căn chia quân đánh cứ điểm Lận Sơn, Nguyễn Hữu Dật thua chạy rút về Khu Độc. Còn đạo quân Trịnh đánh nhau với quân Nguyễn ở làng Tả Ao, tuy tướng Mẫn Văn Liên tử trận nhưng Nguyễn Hữu Tiến phải lui về đóng ở Nghi Xuân. Tháng 11 năm ấy, lợi dụng sự bất hòa của các tướng Nguyễn, Trịnh Căn chia quân đánh ở huyện Nghi Xuân và huyện Thiên Lộc. Quân Nguyễn thua chạy, quân Trịnh từ đó lấy lại 7 huyện ở Nghệ An. Nguyễn Hữu Tiến buộc phải rút quân về Nam Bố Chính nhưng không báo cho Nguyễn Hữu Dật biết. Trịnh Căn thừa thắng điều quân sang sông đánh đồn Khu Độc, Nguyễn Hữu Dật phải dùng kế nghi binh để đem quân chạy, quân Trịnh lấy lại được Bắc Bố Chính. Thế là toàn bộ đất đai bị mất năm Ất Mùi (1655) được thu về. Sau chiến thắng vang dội này, Trịnh Căn được phong làm Khâm sai tiết chế thủy bộ chư quân, Thái úy, Tuyên Quốc công. Tháng 2 năm Tân Sửu (1661), Trịnh Căn trở về Thăng Long, để Đào Quang Nhiêu ở lại trấn thủ đất Nghệ An kiêm coi châu Bắc Bố Chính. Tháng 10 năm ấy, chúa Trịnh Tạc lại cử đại binh đem vua Lê Thần Tông vào đánh chúa Nguyễn, sai Trịnh Căn làm thống lĩnh cùng các tướng vượt sông Gianh. Nguyễn Hữu Dật trấn thủ Nam Bố Chính chia quân đắp lũy giữ vững mọi nơi, quân Trịnh đánh mãi mấy tháng không được, đến tháng 3 năm Nhâm Dần (1662), Trịnh Tạc phải thu quân rước vua Lê về Bắc. Tháng 9 năm Đinh Mùi (1667), chúa Trịnh Tạc lại đem quân đi đánh Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng, sai Tiết chế Trịnh Căn thống đốc các quân. Mạc Kính Vũ nghe tin đại quân đến liền bỏ chạy sang nhà Thanh. Tháng 5 năm Nhâm Tý (1672), chúa Trịnh Tạc lại cử binh nam tiến, lấy Trịnh Căn làm Nguyên soái thủy quân. Quân Trịnh đánh thành Trấn Ninh mãi không được phải rút về Bắc Bố Chính. Tháng 12, Trịnh Căn bị ốm không thể cầm quân, chúa Trịnh Tạc bèn sai Lê Thì Hiến ở lại trấn thủ Nghệ An rồi rút quân về Thăng Long. Từ đây hai bên hưu chiến, lấy sông Gianh làm phân giới Bắc Nam. 

Trịnh Căn ở ngôi chúa trong 27 năm, từ 1682 đến 1709. Tháng 7 năm Giáp Dần (1674), Trịnh Căn được tiến phong làm Nguyên soái Điển Quốc chính Định Nam vương. Tháng 8 năm Nhâm Tuất niên hiệu Chính Hòa thứ 3 đời vua Lê Hy Tông (1682), Tây vương Trịnh Tạc mất, Trịnh Căn lên thay.Tháng tư năm Giáp Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 4 (1684), Trịnh Căn được tiến phong làm Đại nguyên soái tổng quốc chính, thượng thánh phụ sư thịnh công nhân minh uy đức Định vương. Đây là thời kỳ đất nước tương đối ổn định sau nửa thế kỷ chiến tranh binh lửa với họ Nguyễn ở phương nam và dẹp yên dư đảng họ Mạc ở phương bắc, chúa Trịnh Căn chú tâm củng cố bộ máy cai trị Đàng Ngoài nhằm ổn định xã hội trên cơ sở lấy dân làm gốc. Về chế độ quan lại, tiến hành cải cách việc thuyên bổ, khảo hạch quan chức và quy định lề lối làm việc của hàng ngũ quan lại. Tháng 12 năm Giáp Tý (1684), Trịnh Căn ra lệnh khảo sát trong các quan xem ai biết thương yêu dân mới được dân bầu cử lên và được xét thăng chức. Tháng 8 năm Ất Sửu (1685) định lại phép khảo xét công trạng quan lại, thăng thưởng, truất giáng tùy theo từng loại. Tháng 7 năm Tân Mùi (1691) khảo xét các quan trong ngoài... 

Bên cạnh việc chỉnh đốn bộ máy quan lại, chúa Trịnh Căn đề cao pháp luật, giữ nghiêm phép nước để thực hiện công bằng xã hội và chăm lo ổn định đời sống nhân dân. Tháng 4 năm Giáp Tý (1684) định thành luật lệnh cho Hiến ty các xứ hàng năm rà soát tình hình đói khổ bệnh tật của dân, cuối năm tập hợp tâu lên. Tháng 10 năm Đinh Mão (1687), chúa sai quan kinh sư đi các nơi xem thế đất, làm guồng nước để tưới ruộng, xét việc khoan giảm và xá thuế. Tháng 7 năm Giáp Tuất (1694), ra lệnh cho quan châu, huyện làm sổ ghi chép về địa giới, núi sông, khe suối, ruộng đất, chùa miếu, chợ búa, bến đò, đường xá... của từng địa phương để quản lý hành chính. Tháng Giêng năm Ất Hợi (1695), xứ Thanh Hoa nước lớn, dân đói kém, phát 1 vạn quan tiền kho chẩn cấp, lại sai giảm tô thuế, hoãn việc xây cất. Tháng Giêng năm Quý Mùi (1703), hạn hán đói kém, xá thuế thân cho xứ Thanh Hoa, lại xuất tiền bạc cấp cho dân nghèo đói trong kinh thành...
Về quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, chúa Trịnh Căn bằng nhiều nỗ lực đã buộc nhà Thanh phải trả lại một số thôn ấp của ta bị thổ ty nhà Thanh xâm chiếm khi họ Trịnh còn mải vào cuộc chiến tranh với họ Nguyễn, nhưng chưa được bao nhiêu. Như tháng 5 năm Mậu Thìn (1688), triều đình gửi thư cho nhà Thanh, tranh biện về việc đất biên giới ba châu Vị Xuyên, Bảo Lạc và Thủy Vĩ bị thổ ty châu Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm. Tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1689), sai quan đi hội khám địa giới châu Lục Bình, Lạng Sơn mà sau đó lại bị thổ ty châu Tư Lãng nhà Thanh lấy mất. Sứ bộ năm Canh Ngọ (1690) sang tuế cống nhà Thanh, đồng thời tâu việc các thôn, động của các châu Bảo Lộc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ, Quỳnh Nhai của Đại Việt bị thổ ty Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm. Sứ bộ năm Đinh Sửu (1697) sang tuế cống nhà Thanh lại tâu việc biên giới Hưng Hóa, Tuyên Quang nước ta bị thổ ty Vân Nam nhà Thanh xâm chiếm. Tháng 4 năm Kỷ Mão (1699), sai quan đi kinh lý vùng đất biên giới Tuyên Quang... 

Trong việc lập người kế nghiệp, chúa Trịnh Căn gặp khá nhiều trắc trở. Năm Giáp Tý (1684), lấy con thứ là Bách làm Tiết chế thủy bộ chư quân thay cho con trưởng là Vịnh chết sớm. Trịnh Bách được phong làm Thái úy Khiêm Quốc công, mở phủ riêng coi chính sự. Tháng 2 năm Mậu Thìn (1688), lấy cháu trưởng là Bính (con của Vịnh) làm Tiết chế thủy bộ chư quân thay cho Trịnh Bách đã chết. Trịnh Bính được phong làm Thái úy Tấn Quốc công, mở phủ Dực Quốc. Tháng Giêng năm Quý Mùi (1703), lấy chắt là Cương (con trưởng của Bính) khi vừa 18 tuổi làm Tiết chế thủy bộ chư quân thay cho Trịnh Bính đã chết. Trịnh Cương mở phủ Lý Quốc. Việc truyền ngôi cho dòng đích được các quan đại thần như Nguyễn Quý Đức và Đặng Đình Tướng ủng hộ, nhưng con trai của Tiết chế Trịnh Bách đã mất là Trịnh Luân và Trịnh Phất làm phản mưu giết Trịnh Cương vì cho rằng mình có quyền nối ngôi, bởi vậy chúa Trịnh Căn ra lệnh cho quan lại xét xử và giết đi.
Về văn hóa - giáo dục, chúa Trịnh Căn là người coi trọng học vấn. Ông cho chấn chỉnh và thiết lập lại việc học hành thi cử từ cấp huyện, châu đến Quốc Tử Giám. Bắt đầu sai quan trọng thần kiêm lĩnh Quốc Tử Giám; cho các thầy giáo được ở trong nhà Giám để có thời gian giảng dạy giám sinh. Định ra quy chế thi cử nghiêm ngặt, đồng thời khôi phục thể văn thời Hồng Đức chuộng sự hồn hậu, tao nhã, sát thực, thay cho sự khuôn sáo, trùng lặp từ Trung hưng về sau. Tổ chức khảo thi các bậc kỳ cựu có tài ở nhà Quốc học; lại sai phúc khảo học trò các khoa thi hương; cho giáng chức, biếm chức, bãi chức và thậm chí xử tội chết những quan lại vi phạm quy chế thi cử... Trong 27 năm chấp chính, chúa Trịnh Căn mở được 9 khoa thi Hội và thi Đình; lấy đỗ được 94 Tiến sĩ, trong đó có nhiều bậc hiền tài như Nguyễn Đăng Đạo, Vũ Thạnh, Nguyễn Danh Dự, Hà Tông Mục, Nguyễn Mậu Áng, Lê Anh Tuấn... Dưới thời Trịnh Căn có nhiều bậc danh thần nghĩa sĩ được trọng dụng như Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Tông Quai, Nguyễn Quý Đức, Đặng Đình Tướng... Chúa Trịnh Căn cũng là người kế tục xứng đáng các triều đại trước trong việc làm quốc sử. Ông sai Lê Hy và Nguyễn Quý Đức biên soạn sách Bản kỷ tục biên từ vua Lê Huyền Tông (1633-1671) đến vua Lê Gia Tông (1672-1675), tiếp theo phần do Phạm Công Trứ biên soạn từ vua Lê Trang Tông (1533-1548) đến vua Lê Thần Tông (1649-1662) trong bộ sách gọi là Quốc sử thực lục; đồng thời hoàn thành việc khắc in bộ Quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư vào năm Chính Hòa thứ 18 đời vua Lê Hy Tông (1697) do sử gia các triều đại quân chủ Việt Nam kế tiếp soạn thuật, từ Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, đến Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Hồ Sĩ Dương, Lê Hy, Nguyễn Quý Đức...

Bên cạnh vị thế nhà quân sự, nhà chính trị, nhà văn hóa toàn tài, chúa Trịnh Căn còn là một nhà thơ Nôm hàng đầu thế kỷ XVII với tập Ngự đề Thiên Hòa doanh bách vịnh,còn gọi là Khâm định thăng bình bách vịnh. “Trăm bài thơ vịnh ở điện Thiên Hòa” của chúa Trịnh Căn làm theo thể Đường luật và Đường luật thất ngôn xen lục ngôn là lời ngợi ca xã hội thái bình, triều đại thịnh trị, công đức tổ tông mở nền cơ nghiệp, thể hiện niềm tự hào của tác giả về văn vật, cảnh quan đất nước và cuộc sống người dân nước Đại Việt. Tập thơ gồm những bài đề vịnh về thiên nhiên, khí hậu, danh lam thắng tích, người và cảnh vật nơi cung vua phủ chúa như Tam diệu đại thống (Ba mối huyền diệu lớn: Thiên, Địa, Nhân), Vịnh Nam Giao thi (Thơ vịnh đàn Nam Giao), Vịnh cung miếu thi (Thơ vịnh cung miếu), Vịnh Văn Miếu thi (Thơ vịnh Văn Miếu), Khán Sơn tự thi (Thơ vịnh chùa Khán Sơn), Chân Vũ quán thi (Thơ vịnh quán Chân Vũ), Phật Tích sơn tự thi (Thơ vịnh chùa núi Phật Tích), Vịnh Thủy Tạ thi (Thơ vịnh nhà Thủy Tạ), Vịnh Thị Kiều phong cảnh thi (Thơ vịnh phong cảnh Thị Kiều), Vịnh tân lâu Diệu Hải thi (Thơ vịnh lầu mới Diệu Hải), Vịnh long kiểu thi (Thơ vịnh kiệu rồng), Vịnh loan xa thi (Thơ vịnh xe loan), Vịnh thị kiều thi (Thơ vịnh võng chầu), Vịnh tượng thi (Thơ vịnh voi), Vịnh mã thi (Thơ vịnh ngựa), Vịnh thuyền thi (Thơ vịnh thuyền), Vịnh súng thi (Thơ vịnh súng), Vịnh cung thi (Thơ vịnh cung), Vịnh nỗ thi (Thơ vịnh nỏ), Vịnh kiếm thi (Thơ vịnh kiếm), Vịnh bút thi (Thơ vịnh bút), Vịnh nghiên thi (Thơ vịnh nghiên), Vịnh phiến thi (Thơ vịnh quạt), Quản giáp (Người kép hát), Vịnh tam hữu Thông, Trúc, Mai (Vịnh ba người bạn Thông, Trúc, Mai), Đào nương, Đàn trạch... Dưới một số bài thơ có kèm lời dẫn bằng Hán văn. Lý tưởng “Nội Thánh ngoại Vương” của nhà Nho - Đế vương Trịnh Căn thể hiện rõ nét qua lời dẫn cụm 4 bài thơ vịnh Văn Miếu Quốc Từ Giám: “Ta vâng nối nền vương, tự cầm vương chính. Tôn phò hoàng đế giữ vững dư đồ. Dùng văn giáo để tô vẻ thái bình, chọn nhân tài mà lo nền trị đạo. Nghĩ rằng: Nhân, nghĩa, lễ, nhạc, vốn đã có bậc tôn sư. Xem xét trong điển tịch, đến thăm nhà Thái học, làm lễ bái yết, hết mực tôn kính. Ngửa trông ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, mênh mang như nguồn suối chảy khắp. Lòng đạo bừng dậy, tứ thơ nảy sinh. Dường thấy mưa ngọt tuôn ra ở ao vàng, mây trôi lênh láng trên tầng thượng phẩm. Bèn làm ra hai bài thơ Đường luật, hai bài thơ quốc âm, đại để là hình dung đạo đức công nghiệp của thánh nhân. Tuy chưa dễ thấy bến bờ của biển cả, song cũng đủ thấy ý rất mực sùng Nho trọng đạo, vậy nên lưu lại trên bia đá”...

Bài thơ Vịnh chùa Khán Sơn của Trịnh Căn có lời dẫn: “Chùa Khán Sơn nằm ở phía tây nội thành Thăng Long. Nơi đây không thấy suối rừng mà giầu thú ẩn dật...”, tiếp sau đó, ý thơ nhuốm màu thiền định giữa chốn nhân gian:
Một khuôn nhuần được khí thanh huyền,
Cảnh tự nhiên này khó uyển nhiên.
Tịnh xá làu làu vầng nguyệt dãi,
Phương đình thớn thớn bóng thông in.
Khăng khăng nẻo nhiệm thiền quan tĩnh,
Lộng lộng đường thông phép giáo truyền.
Nhắn nhủ bàng nhân du thưởng ấy,
Giữ lòng kính cẩn chớ trần duyên.
Thơ vịnh sự vật nơi cung vua phủ chúa tuy không chải chuốt, bóng bẩy như thơ vịnh cảnh nhưng đầy hào khí. Xin xem bài Thơ vịnh thuyền:
Càng dào thế nước ắt càng cao,
Trang triệu nhìn xem cảnh lạ bao.
Buồm gấm dong lèo bày dợn dợn,
Chèo lên nắm mái thét xao xao.
Giang sơn chốn chốn đều gồm trải,
Nhân vật đâu đâu vẹn tóm vào.
Vùng vẫy giữa duềnh kình ngạc xuyến,
Dẹp thanh bốn bể bặt ba đào.   
Hay như Thơ vịnh trúc lại đầy vẻ quyền quí, thanh cao:
Tư chất sinh nên chỉn lạ lùng,
Vời nào ai dễ dám phen cùng.
Tính thanh khá ví trung thần tiết,
Lòng chính dường bằng tuấn sĩ phong.
Lác đác vàng rây trăng dãi ánh,
Đỉnh đang ngọc dát gió đưa rung.
Yêu vì sớm ứng điềm hòa thái,
Đấng ấy đồn khen vuỗn chẳng vong.
(Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 6, Nxb.KHXH, HN 2000).

Chúa Trịnh Căn mất năm Kỷ Sửu (1709), hưởng thọ 77 tuổi, được truy tôn là Chiêu Tổ Khang vương. Cuộc đời Trịnh Căn cùng sự nghiệp của ông được xem là gạch nối giữa thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và thời thịnh trị của Đàng Ngoài. Nhà sử học Phan Huy Chú (1782-1840) trong mục Nhân vật chí sách Lịch triều hiến chương loại chí đánh giá về chúa Trịnh Căn rằng: “Về chính trị thưởng phạt rõ ràng, mối giường chỉnh đốn, sửa sang nhiều việc” (Tổ phiên dịch Viện Sử học Việt Nam phiên dịch và chú giải, Nxb. KHXH., HN 1992, tr.213).