Từ băn
khoăn đến kinh ngạc
Với tư cách là một nhà sử học, Giáo sư nhìn
nhận như thế nào những vấn đề mà Báo Thanh niên đưa ra trong thời gian qua?
Loạt bài 7 kỳ của Báo Thanh niên với đầu đề “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động” rất gây sự chú ý của người đọc. Về một mặt nào đó, loạt bài đã gây chấn động trong dư luận xã hội. Tôi đã nhận được rất nhiều thư và điện thoại của bạn đọc, bạn đồng nghiệp và nhiều người yêu lịch sử dân tộc, hỏi về những vấn đề liên quan, ngay khi loạt bài khởi đăng.
Đọc kỹ
những bài báo đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là rất băn khoăn. Không rõ nhà
báo Hoàng Hải Vân có phản ánh đúng thực sự thái độ của Thiền sư Lê Mạnh Thát
về những vấn đề đã đặt ra đó hay không?
Thiền sư Lê
Mạnh Thát thì tôi đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc trong cuộc hội thảo khoa học về
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tổ chức tại Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh và sau đó
cùng đi thăm các chùa tháp tại Yên Tử. Đó là cuộc tiếp xúc rất cởi mở và để
lại trong tôi ấn tượng tốt đẹp về Thiền sư với tư cách là một thiền sư và là
một học giả nghiên cứu chuyên sâu về Phật giáo Việt Nam. Chính vì vậy, tôi
rất kinh ngạc về thái độ của Thiền sư thể hiện trên Báo Thanh niên.
Ví dụ như
khi nói về Lê Quý Đôn, nói là “ông Lê Quý Đôn mà cũng lôi thôi quá”. Mà điều
đó chỉ dựa trên một đoạn ngắn trong “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn viết
về Thiền sư Hương Hải, mà trong đó Lê Quý Đôn đã dẫn rất rõ là theo cuốn sách
“Hương Hải thiền sư ngự lục” do các học trò của Thiền sư Hương Hải sưu tầm và
biên soạn.
Dĩ nhiên
theo kết quả thẩm định công phu của Thiền sư Lê Mạnh Thát thì những người sưu
tầm đã nhầm lẫn, đưa vào tác phẩm một số bài thơ không phải của Thiền sư
Hương Hải. Nhưng không ai có thể phủ nhận Lê Quý Đôn là một nhà bác học lớn
của dân tộc, có nhiều tác phẩm biên khảo có giá trị, để lại một di sản đồ sộ
với nhiều cống hiến cực kỳ có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu lịch sử và văn
hóa dân tộc.
Cũng như
bất kỳ nhà khoa học nào, nhất là về khoa học xã hội, suốt cả cuộc đời làm
việc, trong toàn bộ những tác phẩm để lại, tránh sao được một số sơ suất. Hay
thái độ đối với Ngô Sỹ Liên, một nhà sử học lớn, người đã biên soạn bộ “Đại
Việt sử ký toàn thư” thời Lê sơ.
Thực ra, bộ
“Đại Việt sử ký toàn thư” cũng có một số sơ suất mà chúng tôi đã phát hiện và
đính chính. Và chính Lê Quý Đôn cũng đã bổ chính một số nhầm lẫn cho bộ sách
này. Tuy nhiên chỉ với lời bình luận về nhân vật Sỹ Nhiếp viết trên tinh thần
Nho giáo mà Thiền sư lại đưa ra những lời bình luận là “nhắm mắt nói càn” và
“thật khốn nạn hết chỗ nói”… Tôi hết sức kinh ngạc những điều lời lẽ đó.
Tôi không
tin rằng đây là lời và thái độ của Thiền sư Lê Mạnh Thát. Nhưng dù sao, qua
ngòi bút của tác giả Hoàng Hải Vân, thì tất cả người đọc đều cho rằng đó là
phát biểu của Thiền sư. Ông là một nhà tu hành và là một học giả, nên tôi vẫn
băn khoăn và trong lòng vẫn nghĩ rằng, dù bực bội đến đâu, cũng không thể
thốt ra những lời “bất kính” như vậy đối với các bậc học giả tiền bối của dân
tộc.
Từ băn
khoăn đó, Giáo sư đã tìm hiểu vấn đề này như thế nào?
Cái tôi
quan tâm là những nội dung vấn đề được đề cập đến. Tôi không muốn nghiên cứu
qua những bài báo nói trên, mà muốn xem xét từ trong các công trình mà Thiền
sư đã công bố. Tôi đã đọc những công trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh
Thát và trong tay tôi trước đó có 2 công trình liên quan đến những vấn đề nói
trên từ khi mới phát hành.
Đó là “Lịch
sử Phật giáo Việt Nam ” – tập 1 (từ khởi thủy đến thời Lý Nam Đế); “Tổng tập
Văn học Phật giáo Việt Nam ” - tập 1. Riêng cuốn “Lục độ Tập kinh và lịch sử
khởi nguyên của dân tộc ta” (cuốn được xem là cơ sở trích dẫn nhiều nhất trên
Báo Thanh niên), vì không có trong tay, mà theo tôi biết thì chỉ in với số
lượng nhỏ, phát hành ở TPHCM, nên tôi đã cấp tốc nhờ bạn bè tìm hộ.
Hiện tôi có
đủ 2 bản: bản xuất bản năm 1972 ở Sài Gòn của Tu thư Đại học Vạn Hạnh và bản
thứ hai mới tái bản năm 2005 của NXB Tổng hợp TPHCM. Nội dung 2 bản này hoàn
toàn giống nhau.
Không có An
Dương Vương thì giải thích như thế nào về thành Cổ Loa?
Khi đã có
những cuốn sách này trong tay và nghiên cứu những vấn đề liên quan, Giáo sư
có ý kiến như thế nào về những cái gọi là “phát hiện lịch sự chấn động” ở
trên Báo Thanh niên?
Tôi thấy
loạt bài của nhà báo Hoàng Hải Vân chỉ mới đưa ra một phần nhỏ trong các công
trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát. Nói chung thì báo đã phản ánh
đúng nội dung sách, nhưng các tư liệu và lập luận đưa ra chưa đầy đủ. Điều đó
dễ hiểu, vì đây là một tờ báo ra hàng ngày, chứ không phải là một tạp chí
chuyên ngành.
Thiền sư Lê
Mạnh Thát là người mà đã gần như dành toàn bộ thời gian và công sức để đi sâu
vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam và theo tôi đó là một việc làm
rất có ý nghĩa. Với những công trình nghiên cứu về các bộ kinh Phật, về lịch
sử và văn học Phật giáo Việt Nam, Thiền sư là một người chuyên sâu nhất về
lĩnh vực này và rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên
từ nghiên cứu Phật giáo chuyển sang nghiên cứu lịch sử dân tộc, thì có nhiều
vấn đề cần phải bàn thêm. Đây là hai đối tượng nghiên cứu quan hệ rất mật
thiết với nhau, nhưng không phải là một. Phật giáo đã sớm gắn bó với dân tộc
và đồng hành cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử gần hai ngàn năm, và Phật
giáo đã có những cống hiến rất lớn cho lịch sử dân tộc.
Tuy nhiên
văn hóa Phật giáo là một dòng, một bộ phận của văn hóa dân tộc, chứ không thể
coi là toàn bộ văn hóa dân tộc. Từ lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo chuyển sang
lĩnh vực nghiên cứu lịch sử dân tộc, Thiền sư Lê Mạnh Thát đã đặt ra những
vấn đề rất lớn về lịch sử cổ đại Việt Nam , mà điều quan trọng là về mặt khoa
học đã giải quyết như thế nào?
Tôi xin nói
về mấy vấn đề lớn mà Báo Thanh niên đã nêu ra: khẳng định thời kỳ An Dương
Vương là không có, không có cuộc xâm lược của Triệu Đà cũng như không có thời
kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất kể từ cuộc xâm lược của Triệu Đà cho đến cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng và vì thế cuộc khởi nghĩa này được coi là một cuộc
kháng chiến… Như thế nước Văn Lang của các vua Hùng kéo dài cho đến năm 43
sau Công nguyên!?
Theo nghiên
cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát, thời An Dương Vương và nước Âu Lạc hoàn toàn
là “một phiên bản”, “một hư cấu” dựa theo sử thi Mahabharata của Ấn Độ, và
các sử gia Việt Nam đã sai lầm trong quá trình chép sử, từ “Đại Việt sử lược”
cho đến các công trình sau này.
Khẳng định
không có Thục Phán, không có thời kỳ An Dương Vương, thì Thiền sư giải thích
như thế nào về sự ghi chép tương đối thống nhất về sự tồn tại của An Dương
Vương trong thư tịch Trung Quốc và Việt Nam? Tất nhiên, xung quanh vấn đề An
Dương Vương và nước Âu Lạc có những vấn đề cần nghiên cứu và xác minh thêm như
nguồn gốc của Thục Phán, niên đại của nước Âu Lạc...
Thiền sư
phủ nhận tất cả những tư liệu trên mà không chứng minh được những bộ sử đó
chép sai như thế nào. Đặc biệt luận điểm đó khó đứng vững trước một nguồn tư
liệu mà theo tôi giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nghiên cứu cổ sử, đó
là khảo cổ học. Tôi có cảm giác, Thiền sư đã bỏ qua, không khai thác và không
cập nhật nguồn tư liệu khảo cổ học, nhất là những kết quả khai quật và nghiên
cứu gần đây.
Xin Giáo sư
nói rõ hơn về những vấn đề khảo cổ học liên quan đến triều đại An Dương
Vương?
Trong mấy
chục năm vừa qua, khảo cổ học Việt Nam đã có những kết quả rất quý giá, nhất
là những di tích trong lòng đất, góp phần làm sáng rõ thêm tiến trình lịch sử
dân tộc, nhất là thời tiền sử, sơ sử và cổ đại. Những di tích, những hiện vật
khảo cổ học được xem là những bộ phận, là những mảnh của lịch sử còn lưu giữ
được cho đến ngày hôm nay. Nó rất khách quan và rất trung thực.
Bằng những
phương pháp khoa học, từ kết quả khai quật, các nhà khảo cổ học có thể xác
định được niên đại tương đối và tuyệt đối của các di tích với những sai số
chấp nhận được, có thể góp phần phục dựng trên một số phương diện nào đó diện
mạo của nền văn hóa, cuộc sống của cư dân và một số công trình xây dựng đã
sụp đổ...
Phủ nhận
nước Âu Lạc và An Dương Vương thì tác giả giải thích như thế nào về thành Cổ
Loa? Thiền sư cho rằng đó chỉ là tòa “Kiển thành” do Mã Viện xây mà trước đây
đã từng có người đề xuất, nhưng những kết quả khảo cổ học gần đây đã cho phép
xác định tòa thành này được xây dựng trước hết từ thời An Dương Vương rồi sau
đó, được tiếp tục sử dụng và có thể có những bồi trúc nhất định.
Hơn nữa
chúng ta còn tìm ra được ở Cổ Loa hàng vạn mũi tên đồng ba ngạnh được coi là
“mũi tên đồng Cổ Loa”, rồi tìm thấy trống đồng, gần 100 lưỡi cày đồng cùng
hàng loạt di vật của nền văn hóa Đông Sơn.
Các nhà
khảo cổ học còn cắt một đoạn thành để nghiên cứu và khai quật một số hố trong
khu Thành Nội gần đền thờ An Dương Vương. Tại đây đã phát hiện một hệ thống
những lò nung và khuôn đúc mũi tên đồng gồm ba mang bằng đá rất khớp với “mũi
tên đồng Cổ Loa”, khuôn đúc mũi giáo...
Đáng lưu ý
nhất là An Dương Vương đã dùng một phần Thành Nội để sản xuất vũ khí, chứng
tỏ đây là loại vũ khí cực kỳ quan trọng cần được bảo vệ chặt chẽ. Phát hiện
khảo cổ học này hoàn toàn phù hợp với truyền thuyết dân gian coi là “nỏ thần”
mà thư tịch cổ Trung Quốc cũng ghi chép là loại vũ khí lợi hại, một lần bắn
diệt được hàng trăm, hàng vạn người mà chính Thiền sư cũng đã dẫn trong công
trình nghiên cứu của mình.
Thiền sư
giải thích như thế nào về một thành lũy đang tồn tại trên mặt đất và cả những
di tích, di vật như vậy trong lòng đất. Rồi giải thích như thế nào về những
đền thờ An Dương Vương ở Cổ Loa, ở Nghệ An... gắn liền với những truyền
thuyết, những lễ hội dân gian nhằm tôn vinh người có công với dân, với nước.
Dĩ nhiên
những kiến trúc đó xây dựng về sau nhưng không thể chỉ là sự bịa đặt, hư cấu
mà phải xuất phát từ một cốt lõi lịch sử có thật của cuộc sống, của lịch sử
dân tộc, có thể từ rất xa xưa!
Quá vội
vàng khi đòi viết lại lịch sử dân tộc
Một vấn đề
được rất nhiều người quan tâm là có cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không? Với
quan điểm của mình thì Thiền sư Lê Mạnh Thát không cho rằng đó là một cuộc
khởi nghĩa. Cần phải giải thích như thế nào về vấn đề này, thưa Giáo sư?
Về cuộc
khởi nghĩa Hai Bà Trưng, theo Thiền sư là cuộc kháng chiến chống ngoại xâm
của một nước độc lập, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa của một nước bị đô
hộ. Trong khi đó, cả sử nước ta và sử Trung Quốc đều chép đó là cuộc “nổi dậy”,
là cuộc “làm phản” chống chính quyền cai trị của nhà Hán. Chính Thiền sư Lê
Mạnh Thát đã dẫn ra khá đủ những tư liệu này nhưng rồi phủ nhận tất cả và đi
đến kết luận như trên.
Đứng về
phương diện khoa học, các nhà khoa học có quyền đưa ra những giả thuyết trong
nghiên cứu khoa học. Những giả thuyết đó có những cấp độ khác nhau: có thể
chỉ là mới các ý tưởng đặt ra để nghiên cứu và cũng có thể là những giả
thuyết đã có một số cứ liệu nhất định, nhưng chưa đủ cơ sở để kết luận. Tuy
nhiên, những vấn đề mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra, không còn là giả thuyết
nữa mà những kết luận đã khẳng định.
Từ đó đưa
ra những yêu cầu phải loại bỏ thời kỳ này ra khỏi lịch sử dân tộc, thậm chí
là phải viết lại lịch sử dân tộc thì thật quá vội vàng. Trong khoa học, mọi
phát hiện có cơ sở khoa học đều phải được chấp nhận nếu những phát hiện đó là
đúng, được chứng minh một cách vững chắc và bảo vệ được quan điểm đó trước
các chất vấn, phản biện khoa học.
Trên tinh
thần khoa học, dù phát hiện đó có đảo lộn quá trình lịch sử dân tộc như thế
nào đi nữa, thì về mặt khách quan, chúng ta vẫn phải chấp nhận. Tuy nhiên,
rất tiếc cái gọi là “những phát hiện lịch sử chấn động” mà Báo Thanh niên nêu
ra, trên thực tế chỉ mới dừng lại ở mức giả thuyết và đề xuất mà thôi. Không
có đủ cơ sở khoa học để chứng minh được những vấn đề đó.
Từ vài dẫn
chứng trên, tôi nghĩ rằng, một số kết luận của Thiền sư Lê Mạnh Thát là chưa
đủ chứng cứ khoa học, chưa đủ sức thuyết phục. Ở đây, có vấn đề khai thác và
sử dụng tư liệu, có vấn đề phương pháp luận sử học chưa được sử dụng một cách
nghiêm túc.
Trong loạt
bài trên Báo Thanh niên, Thiền sư Lê Mạnh Thát đã nói nhiều về nền văn minh
Hùng Vương với tư cách là một thể chế nhà nước đầy đủ có chữ viết, một bộ
luật… Đó là một sự đề cao tinh thần dân tộc rất lớn, thưa Giáo sư.
Đọc các
công trình nghiên cứu của Thiền sư Lê Mạnh Thát và qua những bài báo đó,
chúng ta thấy Thiền sư có một tinh thần dân tộc rất cao. Thiền sư muốn đề cao
tính dân tộc và văn hóa Việt Nam , nhất là thời kỳ Hùng Vương. Đó là thiện
chí của Thiền sư mà chúng ta cần trân trọng. Nhưng đối với khoa học không thể
dừng lại ở thiện chí, mà mọi kết luận cần phải chứng minh một cách khách quan
trên cơ sở những nguồn sử liệu được khai thác toàn diện và so sánh, đối chiếu
nghiêm túc.
Thiền sư
khẳng định là từ thời Hùng Vương ta đã có chữ viết phát triển đến trình độ
cao, khá hoàn chỉnh, có thể biên soạn luật thành văn, có thể viết bộ “Lục độ
Tập kinh”... Rất tiếc là những khẳng định đó lại dựa trên những căn cứ chưa
đủ sức thuyết phục.
Ví dụ lời
tâu của Mã Viện nói luật Việt có 10 điều khác luật Hán, nhưng chưa có gì chắc
chắn để coi đó là luật thành văn hay chỉ là luật tục. Bản chữ Hán “Lục độ tập
kinh” do Khương Tăng Hội dịch trong thời gian ở Kiến Nghiệp còn đó và một số
từ mang cấu trúc ngữ pháp Việt, không phải Hán là một phát hiện lý thú của
Thiền sư nhưng từ đó khẳng định là phải dịch trên một văn bản chữ Việt thì
còn quá vội.
Vấn đề chữ
viết của người Việt thời Hùng Vương là một đề tài đã được nhiều nhà khoa học
quan tâm và có người đã dành nhiều công sức tìm kiếm nhưng cho đến hôm nay
vẫn còn là vấn đề chưa có đủ cơ sở để kết luận. Có người dựa theo một gợi ý
của tác giả sách “Thanh Hóa quan phong” chép rằng chữ Việt cổ gần như chữ
Thái ở miền núi xứ Thanh, đi tìm những hình khắc tương tự trên một số đồ đồng
Đông Sơn.
Có người
sưu tầm những hình khắc trên đồ đồng Đông Sơn ở nước ta và cả vùng Nam Trung
Quốc trên địa bàn Bách Việt xưa, đã phát hiện một số hình khắc có thể là ký
hiệu chữ viết...Nhưng chỉ mới là những tìm tòi ban đầu, chưa tập hợp đủ những
chứng cứ để đưa ra hệ thống ký tự của chữ viết, chưa nói đến việc giải mã hệ
thống đó.
Những phát
hiện của Thiền sư có thể đóng góp phần nào vào quá trình nghiên cứu chữ viết
của người Việt cổ, chưa thể coi là kết luận khoa học, tuy rằng trong thâm tâm
ai cũng mong đợi điều đó sớm trở thành hiện thực.
Xin cảm ơn
Giáo sư.
(Theo SGGP)
|
|
30 tháng 11, 2011
GS PHAN HUY LÊ PHẢN ĐỀ "NHỮNG PHÁT HIỆN CHẤN ĐỘNG LỊCH SỬ"
19 tháng 11, 2011
MỘT SỐ TÀI LIỆU CỔ DO NGƯỜI VIỆT NAM VIẾT VỀ NHẬT BẢN, CUỐN "NHẬT BẢN KIẾN VĂN LỤC"
Ngô Thế Long
Từ xưa, đọc trong sách sử điển tịch
do các học giả Trung Hoa viết, người Việt Nam đã biết rằng ở phía đông Trung
Quốc, ngoài biển khơi, có nước Nhật Bản… Nhưng do điều kiện lịch sử, nhất là sự
giao tiếp dân sự giữa hai nước phát triển khá muộn, nên các ký tái bằng chữ Hán
do người Việt Nam ghi chép trực tiếp về Nhật Bản quả là hiếm hoi (chỉ đến cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX này, quan hệ giữa hai nước có nhiều vấn đề, tư liệu
ghi chép mới phong phú. Nhưng lúc này đa số tài liệu lại nằm trong kho sách chữ
La tinh rồi).
Mới đây, tìm lại trong kho sách cổ, chúng tôi
thấy có hai tài liệu liên quan đến Nhật Bản.
Một cuốn là Nhật Bản Duy Tân liệt gia khảng
khái thi (Thơ khảng khái của các nhà chí sỹ Duy Tân Nhật Bản) đó là một
sưu tập thơ của người Nhật Bản sáng tác (thơ khá hay, chúng tôi đang tìm hiểu,
và nếu có điều kiện, sẽ dịch ra công bố để bạn đọc rộng rãi có thể thưởng
thức).
Hai là cuốn Nhật Bản kiến văn lục do Trương
Đăng Quế viết vào đầu thế kỷ 19… như vậy nó là một cuốn sách do người Việt Nam viết về
Nhật thuộc loại sớm.
Vào năm Gia Long 14 (1815) do một sự rủi ro, 5
người lính Việt Nam
từ thành Gia Định chở bè gỗ về kinh đô Huế bị gió lốc cuốn trôi sang đất Nhật.
Tới đó, họ được quan và dân địa phương ở Nhật cứu vít. Sau đó, họ tìm đường trở
về được và kể lại những điều tai nghe mắt thấy về các mặt cuộc sống của người
Nhật cho vị đại thần là Trương Đăng Quế nghe. Với văn tài của mình, Trương Đăng
Quế đã ghi lại sự việc đó và mô tả khá súc tích về phong tục tập quán sinh hoạt
của người Nhật đương thời, theo lời kể của những người lính đó.
Xét thấy đây là một tài liệu hiếm, có giá trị
để nghiên cứu dân tộc học Nhật Bản đầu thế kỷ XIX, có thể dùng để so sánh khi
nghiên cứu văn hóa cùng khu vực, nên chúng tôi phiên dịch, công bố để các nhà
nghiên cứu cùng tham khảo.
Bản gốc hiện lưu trữ tại kho sách Viện Nghiên
cứu Hán Nôm dưới ký hiệu A.1464.
Sau đây là bản dịch của chúng tôi.
GHI CHÉP VỀ NHỮNG ĐIỀU TAI NGHE MẮT THẤY Ở NHẬT
BẢN
Trương Đăng Quế viết năm 1828
Ngày… tháng 4 năm Gia Long thứ 14 (1815) 5
người lính ở thành Gia Định là bọn Đặng Hữu Bôi theo sự chỉ huy của Cai độ Lai
đưa một bè gỗ đi đường biển về kinh đô [Huế]. Đi được 2 ngày đêm, gặp gió lốc
nổi lên, bè bị trôi ra biển.
Đến ngày 7 tháng 5, giạt vào một bãi cát. Trên
bãi cát có giếng nước ngọt có thể uống được. Xung quanh giếng có cây cỏ xanh
tươi. Nhân đó họ trú lại ở đấy. Ngày mồng 8, có người nước Thanh (Trung Quốc)
cùng 6 người tới. Họ đi bằng 2 thuyền tam bản, theo đường biển mà đến. Hỏi họ
thì tiếng líu lo khác lạ, không thể hiểu được. Rồi họ trở lên thuyền ngay mà
đi.
Ngày mồng 9 họ lại trở lại, đem gạo tới cho,
rồi họ ra đi không quay lại nữa. Bọn Hữu Bôi ăn hết gạo, phải bắt chim, nhặt ốc
ăn cho khỏi đói. Nhìn bốn phía mênh mông, suy tính không có kế gì để sống lâu
được. Ngày 15 tháng 6 bọn Hữu Bôi bèn chặt lấy những cây tre trúc có thể nổi
được, làm thành chiếc bè nhỏ, theo gió [tờ 1b] mà đi.
Lúc đói thì bắt những con cá nhỏ dựa vào bè,
nướng lên mà ăn. Khát thì uống sương móc ban đêm, ốm đau khổ sở cơ hồ không thể
chịu nổi.
Ngày 15 tháng 8 mới tới một hòn đảo. Người trên
đảo đưa họ lên bờ, dìu họ vào trong ngôi chùa cho họ ăn cháo, nên họ tỉnh lại.
Nguyễn Duy Bảo hơi có biết chữ, nhân đó viết
chữ hỏi đây thuộc địa phương nào? Người trên đảo trả lời: Đây thuộc đất Nhật
Bản.
ở đó được 3 ngày, thì người trên đảo chèo
thuyền đưa họ đi. Qua một ngày đêm tới một hòn đảo gọi là Trung Quân Điếm. ở đã
một ngày họ lại được đưa tới một hòn đảo gọi là Thất Ma Trấn. Dừng lại ở đó hơn
20 ngày, lại từ Thất Ma Trấn đi đường bộ, rồi lại đi thuyền qua 11 ngày đêm,
đến một nơi có thành quách to cao, nhân dân đông đúc. Hỏi thăm thì biết đã là
Đại Quan Thành.
Từ Trung Quân Điếm đến Đại Quan Thành, phàm các
đường đi qua phải vượt qua hồ, xuyên qua đảo, quanh co khuất khúc, những chỗ
cảng khẩu bến đò [tờ 2a] bên dưới nhiều đá sỏi, bên trên đều là đá khối dùng
đứng, thấy rất khó đi. Ai tìm được đường thủy này mà đi thuyền thì đều đi được.
Tới khi đến bãi cát mới có chỗ đỗ thuyền.
Người nước ấy đại khái đều khôi ngô đẹp đẽ,
khỏe mạnh. Đàn ông đầu không để tóc. Tóc trước trán đều cắt đi, chỉ lưu lại một
món. Từ đỉnh đầu đến sau gáy, họ bôi sáp làm cho tóc trỏ ra phía trán giống như
cái mỏ chim.
Đàn bà để tóc búi cao lên đến đỉnh đầu. Quần áo
mặc thì đàn ông đàn bà như nhau: thân áo rất dài. Hai ống tay áo rộng mà ngắn,
đều dùng vải hoa khâu quấn lại, không thấy đường cắt may ở đâu. Khi nào giặt
thì gì ra, giặt xong lại khâu vào như cũ. Thắt lưng làm bằng lụa. Bên dưới đóng
khố, không có quần. Chân xỏ bít tất đi guốc chứ không đi hài. Bít tất bằng vải,
đầu bít tất, chỗ ngón chân cái và ngón thứ hai họ khâu thành cái [Tờ 2b] khe để
tiện đi guốc dép. Tất ngắn đến cẳng chân và được buộc bằng dây. Dép phần nhiều
dùng da bò hoặc bện rơm. Hoa văn trên quần áo mặc của quan và dân đều cùng một
dạng như nhau. Riêng thắt lưng của quan dùng màu hoa cà, hoặc màu xanh chàm và
đều thêu hoa. Còn binh lính và dân thường thì dùng màu thuần xanh lam hoặc màu
đen tuyền để phân biệt.
Tên quan của họ: Quan ở Trung Quân Điếm gọi là
Tiểu dạ câu diên; ở Trấn Thất Ma gọi là Tả thế yên; ở Đại Quan Thành gọi là Đại
nhã câu diên. Lính thì gọi là Dạ câu diên. Bếp gọi là Hiệt. Các quan chức quản
thành, quản điếm, đều mỗi năm lại thay đổi. Khi đi ra ngoài không được đem theo
vợ con.
Công sảnh và nhà riêng đều lợp bằng tre nứa.
Riêng trị sở của đại quan, có một tòa thành hình tròn, cũng dựa theo thế đất gò
cao mà dựng lên, cao hơn một trượng. Trên dùng rào gỗ. Cổng thành không có chòi
gác. Địa thế cũng không dài rộng lắm. Chỉ ngang với đồn ở phủ bên nước ta mà
thôi.
[Tờ 3a] Khi hành quân, hoàn toàn không có cờ
quạt chiêng trống ầm ỹ. Vũ khí thì có gươm và đoản kiếm, không thấy sang kích,
côn gậy. Chỉ ở trong công sảnh thì đặt một giá sáng điểu thương có độ hơn 20
khẩu. Bên cạnh dựng một cây đinh ba. Trên tường treo vài cái cung, mỗi cái dài
độ 5 thước. Nghi trượng tùy hành của quan Tả thế yên có 2 thứ hình thù giống
như buồng chuối, sơn đen, có cán dài 2 thước, có lẽ là thứ khí giới gì đó.
Thép của họ rất cứng, đúc rèn làm dao kiếm thì
sắc bén vô cùng. Tục họ bất cứ sang hèn đều thích đeo kiếm. Trẻ em 8, 9 tuổi
cũng đeo thanh kiếm nhỏ ở lưng.
Phàm yết kiến bậc tôn trưởng thì ngậm thanh
kiếm đứng bên cạnh, khi bậc tôn trưởng ra lệnh, thì kêu lên một tiếng. Xin thôi
thì kêu liền 4, 5 tiếng. (?)
Gặp cảnh nguy cấp, họ rất bình tĩnh chứ không
hoảng hốt.
Ngựa cưỡi thường cứ để bờm, không trang sức [tờ
3b]. Dùng bàn chải tre mà chải bờm. Cưỡi ngựa không dùng yên và bàn đạp. Mõm
ngựa có một cái móc sắt, đầu móc nối liền với dây cương. Trên lưng ngựa đặt một
tấm nệm dầy. Quan lớn cưỡi ngựa, tự cầm dù che, y như người cưỡi trâu. Hoàn
toàn không thấy họ phi ngựa.
Quy cách đóng thuyền: đuôi cao mà rộng, bánh
lái dùng cao. Mũi thuyền cao dài nhọn mà hẹp. Thuyền lớn không quá 7, 8 mái
chèo (?), nhỏ không quá 3, 4 mái chèo. Thuyền thường neo trong cảng, nhưng khi
đi trên mặt biển cũng rất nhanh.
Thuyền công khi đi thì úp hai cái thống (?) nhỏ
ở đầu thuyền, trên đặt thanh gỗ ngang. Một người cầm mộc bài gõ làm nhịp. Mọi
người theo nhịp mà đẩy chèo. Cùng hò “dô ta” (xa lạ).
Thuyền buôn và thuyền đánh cá chỉ rõ 2, 3 người
đẩy chèo, gọi là “đóa y” mà thôi.
Về binh chế, họ chia quân lính làm 2 nửa, một
nửa thường trực tại quan thự, ứng chực công việc, một nửa về trong dân, ở tản
mác trong thôn xóm, cuối năm thay phiên đổi chỗ [Tờ 4a]. Số lính ở tản trong
dân có trách nhiệm giữ trật tự, đàn áp trộm cướp phát ra ở làng xóm, và dẹp các
vụ đánh cãi nhau.
Nhà họ ở thường lợp bằng gỗ ván. Thỉnh thoảng
cũng có lợp tranh lợp lá. Cột nhà hình vuông. ở phố xá cũng có nhà làm hai
tầng, nhưng kiểu cách rất thô lậu, không chạm khắc tinh xảo.
Từ Trung Quân Điếm đến Thất Mạt Trấn dân cư
không trù mật lắm. Riêng một sở Đại quan thì có phố chợ liên tiếp, khách buôn
tụ hội rất đông, đáng gọi là nơi đô hội. Trong thành có một tòa nhà lợp ngói,
để các nhà buôn Trung Quốc [ nước Thanh] ở. Bên ngoài có lính gác. Bọn con hát
bản quốc tụ tập ở đó, ăn mặc rất đẹp, mỗi người cầm một cái dù trắng, lưng đeo túi
vải, trong chứa đủ áo quần, chăn chiếu. Mỗi khi bọn họ, ra vào thì lính canh
cửa lục soát kỹ, không cho chúng lấy trộm hóa vật cho riêng người nước Thanh.
Lính canh cũng không cho người Thanh được lấy riêng hàng hóa. Những thứ của
tặng thưởng được bao nhiều đều được cai [tờ 4b] binh ghi hết vào giấy.
Trong nhà chia làm 3 vòng. Có chấn song sắt,
cửa chấn song bên trong, trên dưới đều đặt [khung] bằng gỗ dầy. Chỗ cửa khép
lại, được khóa bằng sắt. Khóa to bằng cái cột. Phàm những kẻ trộm cắp, bất luận
nặng nhẹ, đều bị bỏ tù không cho ra vào. Đến bữa ăn, thì buộc thức ăn vào đầu
gậy, đưa qua lỗ cửa chấn song mà tiếp tế. Vì vậy dân đều sợ phạm pháp, không ai
dám đánh nhau. Trong ngục cũng ít người bị giam. Các nhà chữa bệnh [nhà
thương?] có chia ra các chuyên ngành như châm cứu, xem mạch, cho thuốc nhưng họ
luôn ở sát nhau, không chia lìa. Chôn cất người chết, không dùng quan tài và
quách, chỉ làm một cái ống tròn bằng gỗ, cho người chết ngồi vào trong đó, rồi
chèn đầy bông, để thi thể khỏi bị thằng đờ. [Bên trên] dùng ván phẳng đậy lại,
cho 2 người khiêng đi, chứ không thấy mặc áo sô để tang. Để chống rét, họ chế
bếp lò bằng đồng, giống như cái chậu đựng nước, mặt rộng hơn một thước, dưới có
3 chân, đặt trên một tấm gỗ [ tờ 5a] bát giác, đóng đinh vào đó để tiện di
chuyển. Giữa lòng cái chậu gắn một giá sắt để đốt than, trên lại đặt ấm trà. Ba
bốn người ngồi vây quanh hút thuốc, uống trà, trò chuyện làm vui.
Để tắm thì họ có cái thùng gỗ, cao khoảng hơn 3
thước, đường kính 3 thước, đặt ống sắt trong thùng, ống sắt cao ngang thùng,
bốn phía là nước, đốt than trong ống sắt, khiến nước thường xuyên nóng, người
vào trong đã tha hồ ngâm tắm. Vào giữa tiết mùa đông, mỗi ngày tắm 3, 4 lần.
Khí mãnh (đồ sành sứ) phần nhiều dùng đất nung.
Mỗi người ăn dọn riêng một mâm. Người nào ăn tự lấy đũa từ trong túi đeo bên
mình ra ăn. Ăn xong dùng giấy trắng lau đềa rồi lại bỏ vào bọc.
Bậc tôn trưởng có cho vật gì, thì giơ hai tay
đỡ lấy đó là tỏ ra kính trọng. Sáng ra họ thường ăn chay, đến trưa và chiều mới
ăn thịt cá.
Các ngày chạp và Đoan Ngọ không có tế cúng và
hội nhau ăn uống làm vui.
Để buôn bán trao đổi, họ có dùng tiền, không
phải bằng bạc lạng. Trên đồng tiền có (Tờ 5b) in 4 chữ Văn hóa thông bảo hoa
mỹ.
Chữ viết của họ giống chữ Cao Miên (Campuchia).
Họ cũng có giấy bút. Giấy cứng và dầy, màu
trắng. Bút giống bút do Trung Quốc chế.
Phàm các thuyền đến buôn bán trước hết mang
hàng hóa lên bờ ghi đủ giá cả từng thứ, và những hàng hóa cần mua vào giấy
(thiếp), giao cho người bản quốc thu giữ và lo liệu. Đến ngày nhổ neo ra đi, cứ
chiểu theo tờ giấy ghi hàng hóa cần bán và cần mua, họ sẽ cấp trả đầy đủ. Lại
kiểm tra trong thuyền, không cho đem tiền đồng, tiền sắt của nước ấy ra. Rồi họ
hộ tống cho xuất cảnh. Số người nước Thanh đến buôn bán thường có tới 8, 9
thuyền, đỗ ở bên Đại Quan Thành.
Khi hậu xứ ấy lạnh nhiều nóng ít. Khoảng tháng
9 tháng 10 thường có mưa tuyết. Tháng 5 tháng 6 là lúc nóng mà cũng không nóng
lắm.
Họ nuôi ngựa phần nhiều bằng lá sắn dây.
Chân ngựa đều được quấn rơm (?)
(Tờ 6a) Đất ấy nhiều cát sái. Ruộng đồng tốt
xấu không đều nhau. Về cấy hái thì họ cứ gieo mạ trên đất, rồi đợi lúa chín.
Thường vào tháng chạp thì gieo thúc, tháng 11 thu hoạch. Mỗi năm có 2 vụ thời
tiết.
Xứ này sản xuất nhiều bò. Phàm những việc vận
tải chuyên chở đều dùng bò. Còn ngựa để cưỡi. Cách đóng bò cày là: dùng dây
buộc đầu bò, nối với hai bên lưng bụng; buộc cày vào sau, một người dắt bò một
ngưỡi đỡ (cày) đưa đi.
Các loại chó mèo gà lợn, đều giống như ở đảo Lữ
Tống (Luzon). Chỉ có một loại chuột hương (Cầy
hương?) hình dáng bé nhỏ không bằng nắm tay, lông mịn màu đen như tro tính rất
thuần, người nước ấy thường bế, trong lòng, mùi thơm bay ra suốt ngày không
hết.
Về thực phẩm họ có nhiều rau biển, mọc đầy
ngoài biển, lá dài như lá mía, nhưng hơi dầy. Dân họ lặn xuống biển hái rau,
phơi khô để nấu canh ăn hoặc làm dưa, vị chua ngọt, rất ngon. Các thuyền buôn
nước Thanh phần nhiều mua thứ rau ấy (tờ 6b) chở về.
Nương vườn của họ một nửa trồng khoai và cải
củ. Cải củ của họ có loại củ rất to, dài tới 6 tấc, đem phơi khô dầm dấm ăn sống,
hoặc nấu canh rất ngon.
Các loại hoa quả cũng ít thấy. Chỉ có một loại
hoa chụm rất lạ, dài độ 4 tấc, phải cắm dàn tre cho leo. Lá giống lá cúc,
khoảng tháng 3 tháng 4 hoa nở, to như cái chén. Cánh hoa rất dầy, có bông màu
vàng sẫm, có bông màu đỏ sẫm, có khi một cuống mà lại có hai bông khác màu
nhau. Chỗ trồng hoa thì đắp đất 5 tầng (?) chia ra mà cắm, màu vàng màu đỏ xen
nhau, trông đẹp như gấm thêu. ở vườn, rừng và ven dọc đường đi phần nhiều trồng
cây thông. Giữa đường có lát đá.
Phong tục nước họ hâm mộ đạo Phật. Khắp nơi đều
có chùa chiền. Khi bọn Đặng Hữu Bôi mới đến cũng được ở trong chùa. Bôi có đem
theo 4 đạo văn bằng (giấy tờ tùy thân). Người nước ấy lúc đầu chưa biết, đến
khi cùng khách buôn Trung Quốc qua lại (tờ 7a) họ hỏi ra, mới tin đồ là nước
nước ta; họ càng thêm kính trọng.
Họ từng lấy nghĩa, lý, thuyết phục người nước
Thanh để đưa bọn Bôi trở về nước.
Riêng có một điều lạ rằng: Khi bọn Hữu Bôi vào
yết kiến quan cai quản thành, thì thấy dưới sân của công đường có một vật bằng
đồng, hình vuông, trên lưng có khắc hình người. Người nước ấy dặn Hữu Bôi rằng:
Phàm người các nước mới tới đây đều phải đi qua dẫm lên khối đồng này, như thế
mới là người ngay thẳng, vô tội. Và mới được bái kiến quan lớn ở đây. (Bôi)
không hiểu ý thế nào.
Đến khi được hầu cạnh Bề trên thì nhà vua bảo
các thị thần rằng: Nước Nhật trước kia có người Tây Dương tới truyền đạo, đã
xui dục, dụ dỗ dân chúng làm loạn. Nước ấy dò biết được âm mưu của bọn kia, bèn
làm ám hiệu với dân chúng, hẹn rằng hễ là người trung thành với quốc gia thì
dùng khăn vải hoa trắng quên trên đầu. Kẻ nào không quấn là bọn phản nghịch sẽ
bị giết. Chỉ trong một đêm họ diệt sạch đảng gian. Vì thế người Nhật rất ghét
người Tây Dương (tờ 7b). Thường ở những nơi cầu quán đường sá họ khắc hình dáng
các giáo chủ Tây Dương, để cho người trong nước dẫm lên. Từ đấy, người Tây
Dương biến mất, không dám trở lại. Bấy giờ, mới biết rằng chuyện bọn Hữu Bôi
chứng kiến tức là di tích (của sự việc Tây Dương kể trên).
Ngày tháng năm Minh Mệnh thứ 9 (1828).
Thần là Trương Đăng Quế (1) kính chép, và phụ
lục phần dịch âm của nước ấy dưới đây(2).
CHÚ THÍCH
(1) Trương Đăng Quế: biệt
hiệu Quảng Khe, sống vào thế kỷ XIX. Năm 1819 đỗ Cử nhân sau có dạy vua Thiệu
Trị học. Đời Minh Mạng ông nhiều lần làm chủ khảo thi Hội. Là nhà sử học nổi
tiếng, từng tham gia biên soạn các bộ sách như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục tiền biên v.v...
(2) Vì điều kiện ấn loát, chúng tôi
không đưa được phần chữ Hán vào đây.
Nguồn: Tạp
chí Hán Nôm số 1 năm 1990
TRIỀU NGUYỄN SAI GÌ TRONG XU HƯỚNG ĐỔI MỚI CUỐI THẾ KỈ XIX?
GS. Đinh Xuân
Lâm
Tư bản Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam
vào lúc chế độ phong kiến Việt Nam đang lún sâu vào con đường khủng hoảng suy
vong trầm trọng. Chính sách khắc nghiệt và sai lầm của triều Nguyễn về kinh tế
- tài chính đã làm cho nông nghiệp trong nước ngày càng tiêu điều, xơ xác.
Nông nghiệp sa sút, kéo theo luôn sự
suy thoái rõ rệt của các ngành nghề thủ công truyền thống trong nhân dân. Còn
công nghiệp cũng ngày càng lụi tàn vì các quy định ngặt nghèo như các chế độ
công tượng mang tính chất cưỡng bức lao động, đánh thuế sản vật rất nặng mang
tính chất nô dịch…
Thương nghiệp trong nước và với nước
ngoài sút kém rõ rệt, riêng thuế cửa quan trước có 60 sở thu thì đến năm 1851
chỉ còn 21 sở. Một số cửa cảng trước kia buôn bán phồn thịnh, nay trở nên vắng
vẻ. Trên cơ sở một nền kinh tế sa sút về các mặt như vậy, tài chính quốc gia
ngày càng thêm kiệt quệ.
Trong hoàn cảnh đó, mâu thuẫn giữa
tập đoàn thống trị với nhân dân cả nước - chủ yếu là nông dân - đã trở nên vô
cùng gay gắt và đã được bộc lộ rõ một cách kịch liệt bằng hàng loạt các cuộc
khởi nghĩa nông dân xuyên suốt các đời vua nhà Nguyễn, kể từ đời vua đầu tiên
Gia Long đến vua Tự Đức là ông vua được chứng kiến sự xâm lược của tư bản Pháp.
Để bảo vệ đặc quyền đặc lợi, phong
kiến nhà Nguyễn đã dồn mọi lực lượng quân sự trong tay vào việc bóp chết các
cuộc khởi nghĩa nông dân.
Chính trong quá trình tiến hành “tiễu
phỉ” quyết liệt đó, mà lực lượng quân sự của triều đình suy yếu dần, đồng thời
cũng hủy hoại mất khả năng kháng chiến to lớn trong nhân dân, và như vậy đã tạo
điều kiện cho tư bản Pháp để thôn tính nước ta. Đó là chưa nói tới chính sách
sai lầm của triều Nguyễn về đối ngoại.
Một mặt ra sức đẩy mạnh thủ đoạn xâm
lược đối với các nước láng giềng đang cùng chung số phận bị chủ nghĩa tư bản
Pháp uy hiếp, làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân
dân ngày thêm khánh kiệt; mặt khác đối với tư bản phương Tây đang gõ cửa đòi
vào thì một mực bế quan tỏa cảng, tưởng rằng đó là phương sách hay nhất để tự
cứu. Bên ngoài kẻ thù ráo riết dòm ngó trong khi bên trong lại rối loạn và suy
yếu, hoàn cảnh đó chỉ có lợi cho kẻ thù.
Nguy cơ mất nước vào tay bè lũ thực
dân Pháp ngày càng rõ, tình hình đó làm cho những người yêu nước và thức thời
không thể có thái độ bàng quan, lạnh nhạt.
Ngay cả một số quan lại triều đình -
nhất là một số người có dịp đi ra nước ngoài công cán nên thấy rõ sức mạnh của
văn minh thế giới - cũng phải lên tiếng, đề đạt với triều đình một số công việc
cáp bách cần làm để nước giầu, dân mạnh thì mới có khả năng bảo vệ độc lập dân
tộc.
Phạm Phú Thứ trong phái đoàn ngoại
giao của triều đình sang Pháp hồi đầu năm 1863 (II) đã ghi chép những điều mắt
thấy tai nghe trên đường đi và tại xứ người, khi về nước đã cho khắc in năm bộ
sách giới thiệu nền văn minh của thế giới phương Tây.
Những bộ sách đó là:
• Bác vật tân biên (nói về khoa
học);
• Khai môi yếu pháp (nói về khai
mỏ);
• Hàng hải kim châm (nói về cách đi
biển);
• Tùng chánh di qui (kinh nghiệm đi làm
quan);
• Vạn quốc công pháp (giao thiệp quốc
tế)
Tháng 5 năm 1863, Biện lý bộ Hình
Trần Đình Túc tâu xin mộ dân khai khẩn ruộng đất hoang ở hai tỉnh Thừa Thiên và
Quảng Trị; đến tháng 3 năm sau (1864), ông lại xin cho mộ dân, lập xã, lập ấp
để rồi nhận phần khai khẩn ruộng hoang tại xã Lương Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh
Thừa Thiên. Ngành khai mỏ cũng được đặc biệt chú ý.
Tháng 3/1867, cũng Trần Đình Túc xin
khai mỏ sắt ở xã Lưu Biểu, thuộc huyện Hương Trà (Thừa Thiên). Sau đó, hoạt
động khai mỏ được đẩy mạnh ở nhiều địa phương, có lúc do chính triều đình
chủ động quyết định.
Như tháng 3 năm 1868, ra lệnh cho các
tỉnh khai thác than đá ở hai xã Sa Lung và Phú Xuân thuộc huyện Phú Lương tỉnh
Thái Nguyên; tháng 4 năm đó, đào lấy than đá ở núi Tân Sơn, tỉnh Quảng
Yên.Tháng 6/1868, vua Tự Đức chỉ thị cho tỉnh Khánh Hoà đào lấy than đá ở núi
Điện Cơ; tháng 7 năm đó khai mỏ sắt Phổ Lý ở tỉnh Thái Nguyên, mỏ than ở núi
Hoàn Ngọc tỉnh Quảng Yên v.v…).
Chỉ có thế thấy được ý nghĩa quan
trọng của các hoạt động dồn dập trên khi liên hệ tới tình hình bi đát của ngành
khai thác mỏ lúc đó, đến đầu đời Tự Đức, nhiều mỏ đã đình lại không khai
thác.
Thương nghiệp cũng có những đổi mới
đáng kể... Biện lý bộ Hộ là Đặng Huy Trứ năm 1865 được phái sang Hương Cảng
công tác lúc về đã xin đặt ty Bình chuẩn sứ để thu mua hàng hoá cất vào kho,
chờ khi giá cả lên cao thì đưa ra bán rẻ cho dân để giữ giá cả thăng bằng, ngăn
ngừa con buôn đầu cơ trục lợi (5/1866).
Căn cứ vào lời tâu của Đặng Huy Trứ
tuy vẫn cho rằng “việc buôn bán là nghề mạt, nhưng lại khẳng định là ích nước
lợi dân, là việc lớn của triều đình”, cũng thấy sự thay đổi về tư duy trong
hoạt động kinh tế lúc bấy giờ của vua quan triều Nguyễn. Đặc biệt là có hàng
loạt đề nghị mở rộng quan hệ buôn bán với nước ngoài, một việc làm hoàn toàn
đối lập với chính sách “bế quan toả cảng” truyền thống của chế độ phong kiến
tập quyền.
Tháng 9/1868, Trần Đình Túc và Nguyễn
Huy Tế đi giao hiếu với nước Anh từ Hương Cảng về đã tâu xin vua Tự Đức mở cửa
biển Trà Lý (Nam Định), nhấn mạnh tới yêu cầu “mở thương điểm thông thương với
bên ngoài, chiêu tập nhân dân trong thiên hạ, tụ hội hàng ngoài thiên hạ để
tính cách lợi ích lâu dài sau này”.
Đến tháng 1/1873, lúc này toàn Nam Kỳ
đã bị tư bản Pháp nuốt gọn từ 6 năm về trước - các quan ở Nha Thương Bạc cũng
xin mở 3 cửa biển để thông thương (như tụ dân ở bở biển thì tăng cường lực
lượng phòng thủ đất nước; tập trung các nơi buôn bán gần biển thì liên lạc và
tiếp ứng với nhau dễ, có khả năng ngăn ngừa giặc biển, đội thuỷ quân chiến
thuyền của vùng biển có thể bảo vệ đội thuyền vận tải khi có giặc biển; tích tụ
của cải trong dân, bố trí binh lính ngay trong những người làm nghề buôn bán để
sẵn sàng đối phó khi có giặc; đẩy mạnh buôn bán với nhau sẽ làm cho tin tưởng
lẫn nhau, qua đó thông hiểu được tình hình nước ngoài.
Về khoa học giáo dục, cũng đã có
những nhận thức mới. Vua Tự Đức ra lệnh chọn 8 người có sức khoẻ, thông minh,
siêng năng đi học nghề chế tạo đầu máy chạy biển.
Tháng 7/1867, nhà vua chỉ thị cho
Viện Cơ Mật dịch các sách khoa học kỹ thuật phương Tây ra chữ Hán để tiện phổ
biến trong nhân dân.
Tháng 5/1868, triều đình lại cử một
đoàn 8 người vào Gia Định học chữ Pháp. Như vậy là tới những năm của nửa sau
thế XIX, yêu cầu đổi mới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đã được
đặt ra với Việt Nam nhằm giải quyết những khó khăn to lớn của đất nước, yêu cầu
đó cấp thiết và mạnh mẽ đến nỗi ngay cả vua quan triều Nguyễn vốn bảo thủ và
trì trệ cũng không thể không nhận thấy, và trong một phạm vi nhấn định đã có
những việc làm nhằm giải quyết các khó khăn to lớn đó để đưa đất nước thoát cơn
nghuy khốn.
Nhưng kiểm điểm lại, tất cả các việc
đó còn rụt rè, có tính chất thăm dò, và thường là để đối phó với thời
cuộc nên thiếu kiên trì và thiếu triệt để, thường khi bị bỏ dở, nhất là
khi các đề xuất đổi mới lại cho các giáo sĩ hay các giáo dân - những người mà
triều đình dè bỉu gọi là “dĩu dân” - đưa ra thì vua Tự Đức và các quan lại
trong triều ngoài địa phương thường đem lòng nghi ngờ, lo ngại vì đã nhập cục
một cách sai lầm họ với bè lũ thực dân tay sai.
Vì vậy có khi do tình thế bức bách
phải dùng họ thì cũng dùng nửa vời và sẵn sàng bỏ rơi họ nửa chừng. Cuối tháng
9/1866, Tự Đức phái Nguyễn Trường Tộ và Nguyễn Điền (cả hai người đều là giáo
dân) cùng đi với giám mục Gauthier (Ngô Gia Hiệu) sang Pháp mua tầu, máy móc,
sách khoa học kỹ thuật… Chuyến đi đó có mua được một số hàng hoá, nhưng căn cứ
vào bức thư viết tháng 12 năm đó của
Thượng thư bộ Lễ triều đình Huế gửi
vào Sài Gòn cho phó đô đốc De La Grandière, thống soái và tổng chỉ huy quân đội
viễn chinh Pháp, thì thấy rõ việc mua bán rất tuỳ tiện, không có kế hoạch cụ
thể, thích gì mua nấy nên lợi ích mang lại rất hạn chế, như đã mua một số
máy móc thiên văn, máy điện thoại, các dụng cụ cho nghề in, các loại axit
sun fu rich, ni tơ rích v.v… và một số sách nói về thuật hàng hải, về
điện khí, v.v…
Đó là không nói rằng trong rất
nhiều trường hợp đã tìm mọi cớ khó khăn để cự tuyệt các đề nghị đưa lên,
và phổ biến nhất là bỏ rơi trong im lặng.
Từ năm 1863 đến năm 1871, trong vòng
8 năm rưỡi, Nguyễn Trường Tộ đã kiên trì gửi lên triều đình tới 30 điều trần,
đề cập một cách có hệ thống tới hàng loạt vấn đề cấp thiết nhất của Tổ quốc
đứng trước nguy cơ mất còn ngày một ngày hai sẽ tới.
Thế mà trước sau tất cả các đề nghị
đó - những bản đề nghị có thể nói được viết bằng máu và nước mắt, bản đề nghị
cuối cùng được Nguyễn Trường Tộ viết ngay trên giường bệnh, khi tử thần đang
chờ ngoài cửa - đều vấp phải sự thờ ơ, lãnh đạm từ vua Tự Đức xuống tới các
quan lại trong triều ngoài nội.Thậm chí trước thái độ kiên trì của Nguyễn
Trường Tộ, vua Tự Đức có lần nổi nóng, đã có lời quở trách vừa chủ quan, vừa
thiển cận: “Nguyễn Trường Tộ qua tin ở các điều y đề nghị… Tại sao lại thúc
giục nhiều đến thế, khi mà các phương pháp cũ của Trẫm đã rất đủ để điều khiển
quốc gia rồi”.
Đến Nguyễn Trường Tộ là một
người nổi tiếng học giỏi, từng có cơ hội đi ra nước ngoài tham gia học hỏi, lại
được giới chính trị và giáo hội Thiên chúa muốn dùng, thế mà còn bị Tự Đức và
triều đình coi thường, xem khinh như vậy, thì việc cự tuyệt những đề nghị của
một giáo dân bình thường là Đinh Văn Điền ở huyện Yên Mô (Ninh Bình) như đặt
nha Dinh điền để khai khẩn ruộng hoang, khai các mỏ, đóng hỏa thuyền, đưa vào
người phương Tây để lập các kho Bình chuẩn ở các nước để lưu thông hàng hóa,
của cải cho nhân dân, tự do dạy và học binh thư, thưởng phạt nghiêm minh, có
chính sách thích hợp với thương binh và gia đình tử sĩ v.v…cũng là điều tất
nhiên mà thôi!
Lúc còn có thời gian để đổi mới mà
không biết chớp lấy thời cơ cũng là thất bại, huống chi đến lúc đã quá muộn, kẻ
thù đã buộc chân, trói tay rồi thì còn hy vọng gì nữa!
Cho nên đến hai bản “Thời vụ
sách” của Nguyễn Lộ Trạch ra đời vào các năm 1877 và 1882 - lúc này hiệp ước
Giáp Tuất (1874) đã được ký kết xác nhận quyền chiếm đóng lâu dài và vĩnh viễn
của thực dân Pháp trên toàn bộ 6 tỉnh Nam kỳ - thì chỉ có ý nghĩa nói lên tấm
lòng yêu nước nhiệt thành của người trí thức khao khát muốn đem những điều sở
đắc của mình ra giúp nước, nhưng đã thấy trước sự thất bại.
Chính Nguyễn Lộ Trạch đã đau đớn nhận
rõ: “Đại thế ngày nay không còn là đại thế như ngày trước. Ngày trước còn có
thể làm mà không làm, ngày nay muốn làm mà không còn thì giờ và làm không
kịp...”.
Thế mà Tự Đức vẫn thường trách là
“ngôn hà quá cao” (nói sao quá cao), rồi đình việc cử ông sang Hương Cảng học
cơ sảo. Sẽ là thiếu sót khi đề cập tới các đề nghị cải cách đổi mới dưới
triều Nguyễn mà không nhắc tới Bùi Viện, một con người kết hợp khá chặt chẽ tư
duy đổi mới với hành động, và đã được Tự Đức dùng vào một số công việc cụ thể
như thành lập độ Tuần dương quân bảo vệ mặt bờ biển, mở cửa cảng Hải Phòng, hai
lần đi sứ sang Hương Cảng và nước Mỹ vào các năm 1873 và 1875, nhưng công việc
đã bị dang dở với cái chết đột ngột năm 1878.
Như vậy là đến nửa cuối thế kỷ XIX
thì tất cả những đề nghị đổ mới lớn nhỏ, hoàn chỉnh hay không hoàn chỉnh ở Việt
Nam
đều nối tiếp nhau thất bại. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thất bại
của các đề nghị đối mới đó.
Một phần là do các đề nghị đó, kể cả
các đề nghị của Nguyễn Trường Tộ - nói chung đều nặng về ảnh hưởng bên ngoài mà
thiếu cơ sở vật chất để tiếp nhận từ bên trong.
Mặt khác nội dung của các điều trần
trên không hề đả động gì đến yêu cầu cơ bản của lịch sử Việt Nam hồi đó là giải
quyết hai mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam: giữa toàn thể dân tộc Việt Nam
với tư bản Pháp xâm lược và giữa nhân dân lao động - chủ yếu là nông dân
- với giai cấp phong kiến hủ bại đang trượt dài trên con đường khuất phục đầu
hàng thực dân Pháp.
Vì vậy đã không được chính ngay nhân
dân đang sục sôi bầu nhiệt huyết đánh giặc cứu nước nhiệt tình hưởng ứng và
hăng hái đứng ra làm hậu thuẫn, khả dĩ tạo thành một sức ép đáng kể đối với
giới cầm quyền, buộc họ phải nghiêm chỉnh thực hiện.
Nhưng nguyên nhân quan trọng quan
trọng nhất - có thể nói là chủ yếu - làm cho các đề nghị đổi mới thời đó thất
bại là do thái độ bảo thủ, phản động của vua quan triều đình, tuy có lúc do
tình thế thúc bách nên có chủ trương một vài đổi mới về các mặt kinh tế, văn
hoá, giáo dục..., nhưng về cơ bản thì trong tư tưởng, cũng như trong cơ
cấu chính trị vẫn không hề thay đổi, nên không bảo đảm cho việc đổi mới
được thực hiện triệt để, trót lọt, thường là nửa chừng bị bỏ dở.
Công cuộc đổi mới nửa cuối thế kỷ XIX
ở Việt Nam vì các hạn chế ngặt nghèo trên nhất là thiếu sự tham gia của
đông đảo quần chúng - nên cũng chỉ giới hạn trong một số người, một bộ phận nhỏ
bên trên mà thôi, chỉ là một xu hướng mới trong phong trào yêu nước nói chung
của nhân dân ta hồi đó.Cứ tiếp nối đà phát triển đó, bước sang những năm đầu
thế kỷ XX, trong những điều kiện lịch sử khác trước, yêu cầu đổi mới của xã hội
Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết hơn và được thể hiện qua hai xu hướng bạo
động và cải cách song song tồn tại và phát triển.
Nhưng cũng phải đợi tới cuộc vận động
duy tân tiến tới những cuộc đấu tranh chống thuế năm 1908 với sự tham gia đông
đảo của quần chúng nông dân miền Trung - hay ở mức độ thấp hơn là Đông Kinh
nghĩa thục ngoài Bắc - thì mới thật sự trở thành một phong trào đổi mới
có vị trí xứng đáng và ảnh hưởng to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng lâu
dài và anh hùng của dân tộc.
GS. NGND Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch
Hội Khoa học Lịch sử VN
(Theo Hội Sử học Việt Nam)
15 tháng 11, 2011
VÙNG ĐẤT TẦM PHONG LONG
Năm
1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, quy
hoạch phần đất lưu dân ngừơi Việt khai phá từ trước, lập hai dinh Trấn Biên và
Phiên Trấn. Đến năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng Hà Tiên để xin nội thuộc. Như vậy,
đến đầu thế kỷ XVII, vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu, mặc dù người Việt
đã khai phá từ lâu, nhưng chánh quyền chúa
Nguyễn vẫn chưa có điều kiện thiết lập cơ sở hành chánh để bảo vệ họ. Tình hình
này đặt chánh quyền Đàng Trong trong tình thế chẳng đặng đừng trên bước đường Nam tiến.
Năm
Đinh sửu (1757), Nặc-nguyên, quốc vương Chân Lạp mất, chú họ là Nặc-nhuận đang
làm giám quốc, xin hiến đất Srok Kleang
và Préah Trapeang (tức đất Trà Vang-Ba Thắc), cầu xin chúa Nguyễn phong làm
vua Chân Lạp, chúa Võ vương Nguyễn Phước Khóat chấp thuận.
Nhưng liền sau đó
Nặc-nhuận bị con rể là Nặc-hinh giết và cướp ngôi. Cháu Nặc-nhuận là Nặc Tôn,
chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, tâu với chúa Nguyễn xin được phong làm vua
Chân Lạp. Chúa Võ vương thuận cho, và sai tướng Thống suất ngũ dinh tại Gia
Định Trương Phước Du hợp cùng Mạc Thiên Tứ mang quân đánh dẹp Nặc-hinh và đưa Nặc-tôn
về nước. Nặc-tôn được phong làm phiên vương. Để tạ ơn, Nặc-tôn cắt đất
Tầm Phong Long (vùng đất giữa sông
Tiền và sông Hậu), phía bắc của vùng Srok
Kleang và Préah Trapeang, dâng
cho chúa Nguyễn.
Tiếp thu vùng đất Tầm Phong Long là một trong những sự kiện đặc biệt
trong lịch sử dân tộc, nó vừa góp phần mở rộng cương vực của Tổ Quốc ta về
phương Nam, vừa đánh dấu kết thúc diễn trình Nam tiến của dân tộc ta trong 775
năm (982-1757).
Vùng đất Tầm Phong Long, được Nguyễn Cư
Trinh lập thành ba đạo:
- Đông Khẩu
đạo bao gồm các huyện Châu Thành, thị xã Sa Đéc, huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò
của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Trị sở đồn trú tại Sa Đéc (thôn Vĩnh Phước).
- Tân
Châu đạo bao gồm phần đất phía bắc sông Tiền, của các huyện Chợ Mới, Phú Tân,
Phú Châu và Tân Châu của tỉnh An Giang ngày nay, trị sở lúc đầu đóng trên cù
lao Gieng, sau dời về thôn Long Sơn, trên cù lao Cái Vừng.
- Châu Đốc đạo bao gồm phần đất phía tây bắc
sông Hậu, giáp với vùng Hà Tiên.
Dưới
thời các chúa Nguyễn, đạo là phân hạt hành chánh dưới trấn và dinh, dành cho
những vùng đất mới tiếp quản, mới khai hoang, dĩ nhiên là ở đây chưa có bộ máy
hành chánh cơ sở hoàn chỉnh, nên phải giao cho các đơn vị quân đội quản lý
(hình thức quân quản), cho đến khi thiết lập xong bộ máy quản lý hành chánh dân
sự mới trở thành đơn vị hành chánh cấp huyện.
Ngay sau khi thành lập, cả ba đạo đặt
dưới sự quản lý của dinh Long Hồ, đứng đầu là Nguyễn Cư Trinh. Dinh Long Hồ lập
năm 1732 (còn gọi là Cái Bè dinh, vì đóng tại Cái Bè), năm 1800 đổi thành Vĩnh
Trấn, năm 1808 đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Để có phản ứng nhanh và hiệu quả
trong việc bảo vệ biên cương, Nghi biểu hầu Nguyễn Cử Trinh cho dời trị sở của
dinh Long Hồ từ An Bình Đông (Cái Bè) về xứ Tầm Bào ( thuộc thôn Long Hồ, thành
phố Vĩnh Long ngày nay), sát bờ sông Tiền, dòng sông rộng, chiến thuyền dễ dàng
tiến thóai hơn ở sông Cái Bè.
Từ
đây dinh Long Hồ có Đông Khẩu đạo án ngữ làm tiền đồn thứ hai sau Tân Châu đạo
và đồn Châu Đốc bảo vệ. Để khai thác vùng tân cương, đồng thời để xác định biên
giới rõ rệt giữa hai nước, măc dù có sự can ngăn của quan lớn Sen Nguyễn Văn
Nhơn, năm 1817, vua Gia Long vẫn lịnh cho Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại đào
kinh núi Sập (sau gọi là Thoại Hà). Hai năm sau (1819) lại cho đào kinh Vĩnh
tế, kéo dài 5 năm mới xong.
Đào hai con kinh này quả có tác dụng vô cùng quan
trọng trong công cuộc mở mang kinh tế và giữ yên bời cõi. Ngay khi kinh Vĩnh Tế
đào chưa hoàn tất đã thu hút lưu dân đến dâng đơn xin khai khẩn sinh sống. Lúc
bấy giờ Nguyễn Văn Thoại là Khâm sai Thống chế, án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn
Bảo hộ Cao Miên quốc, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, chỉ cần ông phê duyệt và
đóng dấu Bảo hộ Cao Miên quốc chi
chương vào đơn là coi như lưu dân có bằng
khoáng đất (sổ đỏ). Nên chỉ hơn mươi năm, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vùng
đất mới này thành được hai phủ:
-
Tuy Biên gồm hai huyện Tây Xuyên,
Phong Phú.
-
Tân Thành có hai huyện là Vĩnh An và
Đông Xuyên.
Đây
là cương vực ban đầu của tỉnh An Giang sau này. Đến năm 1835, lấy đất Ba Thắc
lập thêm phủ Ba Xuyên, cai quản ba huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định.
Đến năm 1836, chia ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang.
Lúc này Tân Châu đạo thuộc huyện Đông Xuyên và Đông Khẩu đạo thuộc huyện
Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.
Tiếp theo năm 1839, lập thêm huyện An Xuyên ở phủ
Tân Thành, năm 1842 lấy phủ Tịnh Biên v à huyện Hà Dương của Hà Tiên xáp nhập
vào. Đến năm 1844, lập thêm huyện Hà Âm. Năm 1850, giải thể phủ Tịnh Biên cùng
huyện Hà Âm, lấy đất này nhập vào huyện Hà Dương[1][1].
Như vậy đến khi Tự Đức lên ngôi, tức là gần tròn
100 năm sau khi thuộc chủ quyền người Việt, vùng Tầm Phong Long được khai mở
với tiến độ khá nhanh, thành lập 274 xã thôn, phường, bang, được quy vào ba phủ
với 10 huyện, nằm trong địa phận tỉnh An Giang, tỉnh thành đặt tại Châu Đốc:
- Phủ Tuy Biên, có bốn huyện:
+ Tây Xuyên gồm ba tổng
với 38 xã, thôn, phố bang,
+ Phong Phú gồm ba tổng
với 31 thôn,
+ Hà Dương (tức Lình
Quỳnh) có 4 tổng với 40 thôn, phố phường.
+ Hà Âm (tức Giang Thành) gồm 2 tổng, 40 xã thôn
- Phủ Tân Thành có ba huyện:
+ Vĩnh An gồm 4 tổng với
36 xã thôn, phố, bang, huyện lỵ đóng tại thôn Vĩnh Phước (Sa Đéc)
+ An Xuyên gồm 3 tổng
với 25 xã thôn, huyện lỵ đặt tại thôn Tân Hựu.
+ Đông Xuyên gồm 4 tổng
với 33 xã thôn, huyện lỵ đóng ở thôn Long Sơn.
- Phủ Ba Xuyên có hai huyện:
+ Phong Nhiêu gồm 3 tổng với 17 xã
thôn, huyện lỵ tại thôn An Khánh
+
Vĩnh Định gồm 4 tổng với 19 xã thôn, huyện lỵ tại thôn Đại Hữu.
Năm
1867 Pháp chiếm An Giang, chia vùng này ra 5 hạt (rồi đổi hạt thành tỉnh): Châu
Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Sa Đéc...
Ngày nay thuộc địa phận các tỉnh An Giang, Tp.Cần
Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và các huyện nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.
1.- Vùng đất
Đông Khẩu đạo được lưu dân người Việt, người Hoa khai thác từ lâu, nay chánh
thức nội thuộc chủ quyền người Việt của chúa Nguyễn (Đàng Trong). Sự kiện này
là điều kiện vô cùng thuận lợi cho công cuộc khai mở cương vực của Tổ quốc về
phương nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam bộ. Đây là
vùng đất mầu mở “sông sâu nước chảy”, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu,
chiếm vị trí trung tâm của Nam bộ, là đầu cầu nối liền miền Đông và miền Tây
Nam bộ.
Từ
đây người Việt, người Hoa chánh thức khai thác, làm ăn, mua bán…Chẳng bảo lâu
trên địa bàn của đất Đông Khẩu đạo thành lập được trên 60 thôn làng, trong đó
có nhiều thôn đạt diện tích khai thác thuộc loại lớn ở Nam Bộ, như Tân Hựu, Tân
Long, Long Hậu, Tân Lộc, Vĩnh Phước…Dân cư tập trung ngày một đông, nhiều tụ
điểm cư dân hình thành về phía sông Tiền; ngoài Sa Đéc, : Nha Mân [2][2],
Cái Tàu Hạ [3][3],
Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng; về phía sông Hậu có Cường Oai (Lai Vung), Cường Thành
(Lấp Vò)…
Người
Hoa đến đây đa phần là người Phước Kiến giõi buôn bán hơn làm ruộng, nên chỉ có
thiểu số làm nghề nông chung với người Việt hai bên bờ rạch Nha Mân. Điều này
được Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam
Vịêt chép: “ Sông Nha Mân ở phía bắc
huyện An Xuyên ở bờ nam sông Tiền, chảy qua hướng nam rồi chuyển lên hướng tây,
chẻ ra các ngã: Tam Sao/Ba Miếu, Chàng Trà/ Trà Kiệt, Cổ Đồ Bà/ Cha Và, Cam Phù
Ly, rồi đến Bồn Giang/Cái Vồn chảy ra sông Hậu. Dọc theo hai bờ sông có nhiều
ruộng vườn của người Tàu mới khai phá” [4][4] .
Người
Hoa thu mua các sản phẩm khai thác từ
nguồn lợi tự nhiên (cá, tôm, mật ong, gổ, mây tre, dầu rái, lông chim, lúa gạo,
cau…) bàn cho các chợ lớn như Sa Đéc, Long Hồ, Mỹ Tho… rồi mua hàng vải tơ lụa,
cao đơn huờn tán, kim chỉ đá lửa…về bán lại cho dân địa phương, từng bước góp
phần hình thành một số chợ trong khu vực. Chợ Nha Mân hay rộng hơn là vùng Tân
Hựu là trung tâm của vùng tập trung dân cư khá đông (Việt, Hoa, Khmer) , vì vị
trí nằm giữa Long Hồ và Sa Đéc, lại thêm thổ nhưỡng rất đặc biệt, nhứt là nước
sông Nha Mân rất ít độ phèn so với toàn vùng, rất thuận lợi cho phát triển nghề
nông, làm vườn. Câu: “Gà nào hay bằng gà
Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”nhằm ngợi ca sắc đẹp người con gái
Nha Mân nhứt là nước da trắng ngần. Có thể nói yếu tố quan trọng góp phần làm
nên cái đẹp này là do nguồn nước ở đây, hai là do yếu tố lai trong hôn nhân
(Hoa+Khmer hoặc Việt+ Hoa). Thôn Tân Hựu
có diện tích rụông đất canh tác lớn nhứt toàn Nam kỳ, với diện tích thực canh
4848 mẩu. . Nếu lấy thôn Tân Hựu làm tiêu biểu cho cả vùng tổng An Mỹ (huyện
Châu Thành, Đồng Tháp hiện nay) thì có
thể nói rằng đời sống nhân dân trong vùng tương đối khá giả, nhứt là thôn Tân
Hựu. Qua câu:“Ngồi chình ình như cột đình
Tân Hựu” ta hình dung được tình trạng kinh tế ở đây. Nhân dân có sức đóng
góp để xây dựng đình làng to lớn với mấy chục bộ lư đồng, nổi tiếng cả Nam kỳ.
Năm
Minh Mạng thứ 20 (1839), huyện Vĩnh An tách ra làm hai thành lâp huyện mới mang
tên An Xuyên, gồm ba tổng (An Hội, An Trường và An Mỹ) với 25 thôn. Trị sở của huyện đóng tại thôn
Tân Hựu, châu vi trụ sở rộng 50 dặm, có hào thành rào bằng tre[5][5].
Chung quanh dinh thự tại huyện lỵ tập trung nhiều dân cư buôn bán ngày một sung
túc, được dân gian quen gọi là chợ Dinh. Câu :
“Đố anh con
rít mấy chưn,
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người;
Chợ Dinh bán
áo con trai,
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim…”
ca
ngợi sự sung túc của chợ Dinh, nhưng không biết ám chỉ chợ Dinh nào, vì có một
số chợ ở nơi khác cũng mang tên chợ Dinh.
Riêng
Sa Đéc hình thành từ lâu, trước khi Đông Khẩu đạo ra đời, nay lại có điều kiện
phát triển hơn với phố thị buôn bán tấp nập, trở thành một trong trung tâm
thương mại lớn ở đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Bên cạnh đình, chùa, miếu
mạo… của ngừơi Việt là chùa ông (Kiến an cung, Thạnh đức cung, Nghê thánh
cung), chùa bà (Thiên hậu) và các miếu vạn, miếu tổ nghề, của người Hoa. Mức
phát triển thạnh mậu của Sa Đéc là bước ngoặc quan trọng trong tiến trình kinh
tế-xã hội của Đông Khẩu đạo và cả đồng bằng sông Cửu Long. Nó đánh dấu thành
công bước đầu của công cuộc khai, kích thích vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tây sông
Hậu phát triển, nó còn là chợ đầu mối tập trung hàng hoá chuyển đi Mỹ Tho, Sài
Gòn, Nam Vang …góp phần hình thành nền kinh tế hàng hoá ở khu vực.
Trong cuộc nội
chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777-1802), sau bao nhiêu lần thảm bại trước lực
lượng bách chiến bách thắng của Tây Sơn, năm 1788, Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở
Tân Long (Long Hưng), kề cận Sa Đéc. Lợi dụng chánh quyền cơ sở của Đông định
vương Nguyễn Lữ (Tây Sơn) trên địa bàn này còn quá non yếu vì mới thành lập,
chưa thực hiện được công trình kinh tế-xã hội nào nhằm cải thiện, phục vụ đời
sống cho nhân dân địa phương. Nguyễn Ánh triệt để khai thác lợi thế về vị trí
và vai trò của con người và vùng đất Đông Khẩu đạo. Biến nơi này thành trung
tâm thu hút nhiều quan văn, võ tướng, đại điền chủ trung thành với quan niệm
tôn phò “chính thống”. Thế lực này đã góp phần giúp Nguyễn Ánh đánh bật
Tây Sơn ra khỏi Nam bộ, làm đà cho công cuộc phục thù giai cấp của họ
Nguyễn. Cuộc nội chiến vô hình trung biến vùng Đông Khẩu đạo thành
nơi tập trung một số môn đồ Nho học, ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi Nho học vốn
chưa phổ biến sâu rộng. Điều này tác động không
nhỏ đối với đến quá trình hình bản sắc văn hoá địa phương.
2.-
Ngay sau khi thành lập, đạo Tân Châu đặt dưới sự quản lý của dinh Long Hồ, năm 1800 đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1808 đổi
thành trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1836, chia ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang.
Lúc này Tân Châu thuộc phủ Tân Thành huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang.
Đất Tân Châu như những chiếc chiến hạm khổng lồ, nằm án ngữ trên dòng sông Cửu
Long, ngăn chận sự xâm nhập từ hướng Chân Lạp (Campuchia ngày nay).
Để có phản ứng
nhanh và hiệu quả trong việc bảo vệ biên cương, Nguyễn Cử Trinh lấy Dinh châu
làm trị sở của Tân châu đạo [6][6].
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rõ: “Dinh châu, tục gọi là cù lao
Gieng ở thượng lưu sông Tiền, cách trấn về phía Tây 117 dặm. Trước kia là đất
thuôc đạo Tân Châu. Ở đây có dân cư của bốn thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức
Đông, Phú Hưng. Phía Tây có cù lao nhỏ cư dân của các thôn: Tân Phước, Phú An
và Tân Tịch (tức cù lao Trâu, còn gọi là Ngưu châu). Phía Nam có cù lao
nhỏ cư dân của thôn Tân Thới”.
Tại đây có xây
dựng một đồn lớn giữa hai sông làm trung tâm kiêm quản luôn cả hai thủ Chiến
Sai và thủ Hùng Ngự. Do đồn Tân Châu vừa
trú đóng nơi địa đầu hiểm yếu vừa cai quản hai
thủ khác, nên Tân Châu không thuộc quyền cai quản của trấn địa phương là
Long Hồ, rồi sau đó là Vĩnh Thanh mà trực tiếp thuộc quyền điều động của Gia
Định phủ rồi Gia Định thành tức là chánh quyền trung ương của Nguyễn Ánh. Điều
đó cho thấy vai trò, vị thế của Tân Châu đạo trong việc bảo vệ tuyến biên giới
Tây nam. Trên tuyến này từ Tây Ninh đến Hà Tiên, dưới thời chúa Nguyễn và đầu
nhà Nguyễn, có bố trí các đồn thủ biên phòng, như Quang Hoá (Tây Ninh), Tuyên
Oai, Thông Bình, Hùng Ngự (Định Tường), Tân Châu, Chiến Sai, Châu Đốc (An
Giang)…Trong đó, đồn Tân Châu nằm ở vị trí đặc biệt nhứt.
Trong thời
gian cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777-1802), năm 1790, nhằm tập trung thu
hút hàng hoá bán cho thương nhân phương Tây để mua vũ khí theo đuổi chiến
tranh, chánh quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định cấm thuyền buôn, không được đi qua các
đạo Quang Hoá (Tây Ninh), Tuyên Oai, Thông Bình để sang buôn bán với Chân Lạp
và năm 1791 lại ra lịnh cho đạo Tân Châu phải cách hạn chế, ngăn chận việc các
sứ bộ Chân Lạp “lợi dụng hộ chiếu ngoại
giao” mà sang buôn bán dọc sông Tiền [7][7].
Năm 1795, để
lấy lòng người Chân Lạp với mục đích giữ yên vùng biên giới Tây nam, để tập
trung vào việc chuẩn bị binh lực tiến công Tây Sơn ở miền Trung, chánh quyền
Gia Định trao trả 68 sở thuỷ lợi ở vùng biên giới (trên sông Sở Thượng và Sở
Hạ) cho chánh quyền Chân Lạp. Điều này càng làm cho trách nhiệm giữ yên biên
giới của Tan Châu đạo nặng nề hơn, vì trước đây có các sở cá này làm vùng đệm,
nay đồn Tân Châu phải tiếp cận sát sườn với Chân Lạp.
Đến năm Gia
Long thứ 2 (1803), sau khi hoàn thành việc thống nhứt đất nước do yêu cầu bảo
vệ biên giới ngày càng cao, đồn Tân Châu được củng cố nhiều mặt, ngoài việc
tăng cường quân số còn đặt thêm chức đạo thủ.
Năm 1813, quân
Xiêm xâm lược Chân Lạp, quốc vương Châp Lạp là Nặc-chân chạy sang An Giang. Đô
thống Trần Văn Năng, một mặt tăng cường quân lực phòng bị Tân Châu, mặt khác
dâng tấu sớ đề nghị đánh lấy Nam Vang để dằn mặt quân Xiêm, nhưng vua Gia Long
cho rằng quân Xiêm tuy nhiều, nhưng không đáng lo, không cần ra tay trước [8][8].
Đến năm Gia
Long thứ 17 (1818), tình hình trong nước biên giới ổn định, triều đình ra lịnh
dời đạo thủ Tân Châu đến cù lao Long Sơn, dời đạo thủ Chiến Sai đến cửa trên
sông Hiệp Ân (sông Hồng Ngự nay nay),
dời đạo thủ Hùng Ngự đến cửa dưới sông Hiệp Ân. Tháng 12, Khâm mạng Tả
quân phó tướng, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân huy động dân, binh
đắp đồn Tân Châu. Đồn hình vuông, mỗi
cạnh dài 15 trượng, cao 6 thước 5 tấc ta, chân dày 15 thước ta, đầu hẹp 4
thước, có hai cấp; chỗ ngay ở giữa của 4 mặt đồn đều đắp nhô ra thành hình bát
giác, phía trái và phải gần trước góc nhọn ấy đều có cửa làm chỗ cho biền binh
phòng trú. Quy cách đồn Chiến Sai cũng phỏng theo đồn này, chỉ có đồn Hùng Ngự
hơi kém hơn, chỉ để làm nơi tuần tra, chưa xây đắp thành [9][9].
Về cù lao Long
Sơn, Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định Thành thông chi như sau: Cù lao Long
Sơn hay Long Sơn châu có tục gọi cù lao Cái Vừng, ở thượng lưu sông Tiền, dài
47 dặm, lồi lõm, góc cạnh giống như đầu rồng, phía đông cách thủ đạo mới Tân
Châu 5 dặm rưởi, cách trấn về phía tây 174 dặm rưởi, xóm Tân Phú Lâm ở đấy.
Phía đông có cù lao Tản Dù, cù lao Đồ Bà (Chà và). Tất cả giăng thành hình chữ
nhất mà có lớn nhỏ thứ tự khác nhau. Nơi đây tre um tùm, đường sông thông nhau.
Bờ Tây có đồn mới Tân Châu, bờ phía đông là đồn mới Chiến Sai, phía bắc là đồn
mới Hùng Ngự (Hồng Ngự), có địa thế là một ải quan hùng mạnh chặn giữ chỗ hiểm
yếu [10][10].
Theo nhận định
của Trịnh Hoài Đức, ta thấy khi dời đạo thủ Tân Châu lên cù lao Long Sơn, có
nhiều lợi thế hơn khi đóng ở cù lao Gieng. Vừa gần biên giới hơn, thay vì trước
đây ở sâu trong nội địa. Đặc biệt là thủ Hùng Ngự ở phía bắc, trước đây đồn ở
vàm Đốc Vàng, rất sâu trong nội địa, nay dời lên sông Hiệp Ân, phối hợp với thủ
Chiến Sai mới đóng vai trò tiền tiêu cho đồn Tân Châu. Cả ba đồn kết hợp với
đồn Châu Đốc ở Hậu Giang và đồn Châu Giang trên cù lao Châu Giang thành thế
liên hoàn ứng cứu lẫn nhau khi có biến.
Năm 1830, để cho nhân dân địa phương
tham gia việc bảo về quê hương, chánh quyền chủ trương mộ dân cả ngoại tịch (là
dân ngụ cư) thành lập ba đội An Châu thay thế quân chánh quy ở Gia Định, chia
nhau giữ các đạo, thủ Hồng Ngự, Tân Châu [11][11].
Trong các năm 1833-1834, một sai lầm
của Lê Văn Khôi trong cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An (Gia Định), sau đó bị
triều đình phản công, Khôi bị bao vây trong thành. Khôi cho người cầu cứu quân
Xiêm, biến địa bàn Tân Châu thành địa đầu chiến đấu giữ nước vang danh với
chiến thắng Vàm Nao-sông Tiền (1834).
Nước Xiêm dưới triều đại Rama III
(1824-1851), rất mạnh về quân sự, luôn có tham vọng “đông tiến”. Năm 1828, họ
chiếm Vạn Tượng (Lào). Khi được Lê Văn Khôi cầu cứu, không một lời tuyên chiến,
Rama III tập trung 30.000 quân, tràn sang toàn tuyến biên giới phía tây nước ta
với 5 cánh quân. Ba cánh đấu đánh vào Cam Lộ, Cam Cát, Cam Môn (Quản Trị) và
Trấn Ninh (Nghệ An), chỉ nhằm mục đích phân tán binh lực của ta. Hai cánh chủ
yếu là một đánh vào Hà Tiên với 100 chiến chiến thuyền, làm thế ỷ giốc cho cánh
chính diện đánh chiếm Nam Vang rồi tiến xuống hạ thành Châu Đốc (An Giang), với
hơn một vạn binh thủy bộ hòng chiếm cho được toàn Gia Định.
Người Xiêm lúc nào cũng bị ám ảnh bởi
cuộc thảm bại tại Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), nên trong quyển “Annam Xayảm Ýưt” (Chiến cục An
nam-Xiêm), mô tả trong bối cảnh chuẩn bị mang quân sang can thiệp vào Việt Nam
48 năm sau, khi Lê Văn Khôi sang cầu cứu (1833-1834), có đoạn viết : “ ...Ở
cù lao Teng này, trước đây trong thời vua thứ nhứt (Rama I), cháu vua là
Chauphá Krômmaluổng Thêp-hạrịrắc (tức Chiêu Tăng) làm tổng chỉ huy quân
đội đánh nhau với Yuồn ở trên cù lao Teng một lần rồi, quân đội ta bị đánh tan,
chạy trốn Yuồn, làm cho Ngài bị bắt giam khá lâu. Cù lao Teng này (tức cù
lao Thới Sơn) là trận địa chiến thắng của bọn Yuồn, chúng từng đại thắng ở
đây nhiều lần. Bọn chúng sẽ lập mưu lừa
chúng ta ở đây một lần nữa. Ngài hảy quan tâm đề phòng để bảo toàn tính mạng và
danh dự ở cù lao này để được tiếng tăm lâu dài về sau” [12][12].
Dù lo lắng đề phòng như vậy, nhưng
cuối cùng quân Xiêm cũng thảm bại trên sông Vàm Nao, rút chạy khỏi thành Châu
Đốc.
3.- Đạo Châu Đốc với đất đai trải dài dọc theo biên
giới Chân Lạp, bên cạnh công lao khai hoang mở cõi, các thế hệ trước còn đỗ
nhiều xương máu để giữ yên cương vực trong suốt một thời gian dài đương đầu
chống lại âm mưu đông tiến của người Xiêm, thường tận dụng mọi cơ hội để ra
tay.
Năm 1840, ngừơi Chân Lạp ở Tịnh Biên nổi loạn, quan
phủ hoảng sợ. Loạn quân kéo về Hà Tiên đánh phá đồn Châu Nham (Đá Dựng). Trong
khi đó, 2000 loạn quân khác từ Thất Sơn xuống đánh phá Rạch Giá, rồi đóng đồn
trụ lại. Vùng biên giới Thất Sơn-Vĩnh Tế (huỵên Hà Dương, Hà Dương) chìm trong
khói lữa chiến tranh. Sở dĩ loạn quân dám ngạo mạng như vậy là vì lúc bấy giờ
tướng Bodin (Phi Nhã Chất Tri) cuả Xiêm đóng đồn dọc theo kinh Vĩnh Tế (trên
đất Chân Lạp) hỗ trợ xúi dục. Triều đình phái Nguyễn Tri Phương mang quân đánh
dẹp suốt cả năm mới yên.
Đến tháng 9 năm Tân sửu (1841), lợi dụng khi quân
ta do Trương Minh Giảng thống lĩnh, rời Chân Lạp về nước, người Xiêm dựng lên
một hoàng tôn (cho là con hoàng tử Cảnh, cháu nội đích tôn của vua Gia Long,
người chánh thức được lên ngôi sau khi Gia Long băng hà, chớ không phải hoàng
tử là Đảm, tức Minh Mạng), tập hợp một số người Lào, Chân Lạp, Việt...về nước
giành lại ngôi báo, dưới sự bảo trợ của họ. Ở đây người Xiêm tiếp tục khai thác
mâu thuẩn giữa Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng để can thiệp vào nội tình nước ta.
Nguyên khi Hoàng thái tử Cảnh qua đời vào năm 1801, Gia Long không lập con cháu
dòng chánh làm thái tử kế vị (tức con của hoàng thái tử Cảnh lả Nguyễn Phước Mỹ
Đường), mà chọn con dòng thứ là hoàng tử Phúc Kiểu, huý là Đảm, làm thái tử tức
vua Minh Mạng sau này. Sở dĩ Gia Long bỏ trưởng lập thứ, vì Mỹ Đường theo đạo
Thiên chúa, nhưng Lê Văn Duyệt không hiểu ngầm ý của Gia Long hết lời can ngăn.
Để thực hịên âm mưu này, tháng giêng năm Nhâm dần
(1842) Phi Nhả Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thuỷ quân tấn công Phú Quốc
thăm dò, trên bộ, cho khoảng 5000 quân hộ tống hoàng tôn đến Sách Sô (thuộc hạt
Nam Ninh, trấn Tây Thành) và 10 thuyền
đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên,
Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế
kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự,
Thông Bình…cướp bóc, bắn giết…gây thảm cảnh tang tốc thê lương khắp tuyến biên
giới, nhứt là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn (viên đạn 3 tấc rơi xuống tan như
mưa[13][13])
bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường (trong dân gian gọi là
giặc Hà Tiên). Quân triều huy động quân binh cả sáu tỉnh Nam kỳ do tổng đốc
Định-Biên Lê Văn Đức làm tổng thống quân vụ, thự tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri
Phương, tổng đốc An Hà Phạm Văn Điển cùng đề đốc An Giang chia đường cùng nhân
dân địa phương ra sức đương cự với giặc trên một tuyến dài từ Tiền Giang qua
Hậu Giang, Thất Sơn đến tận Hà Tiên. Bước đầu ngăn chận được sức tiến của giặc,
nhưng chúng chưa chịu rút lui. Mà xây thành đấp luỹ trụ lại ở núi Cô Tô, một vị
trí hiểm ở Thất Sơn, với âm mưu lâu dài.
Đến tháng năm, ta tăng cường quân số, chia làm năm
mũi tiến đánh, phá tan chiến luỹ ở núi Cô Tô của quân giặc, có đến cả ngàn ra
hàng trong đó phần lớn là người Hoa và Chân Lạp. Thừa thắng ta truy đuổi giặc
đến tận Phnom Pênh và Kompong Luông. Về thành Châu Đốc, tháng giêng năm Quý Tỵ
(1833) vua Minh Mạng thấy đồn Châu Đốc chật hẹp, chưa được tiện lợi, nên khiến
cho quan Giám thành theo Trấn thủ Ngô Bá Nhơn, nhắm lựa chỗ nào sảng khái và
đón được hai ngã sông Tiền, sông Hậu, mà đường đất vừa cân để làm thành tỉnh.
Rồi lựa xứ Long Sơn ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là
chỗ hình thế hiểm trở, bèn đem việc ấy tâu lên. Vua khiến Bộ Công vẽ đồ thức
đắp thành. Nhưng do tình hình biên giới lúc bấy giờ rất phức tạp, hễ dẹp yên
nơi này thì nơi khác lại ứng lên, thành thử việc dời thành tỉnh bị bỏ trôi,
cuối cùng vẫn giữ y ở Châu Đốc.
Nếu
trong buổi đầu Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là người quy hoạch đất đai, thiết
chế hành chánh, xây dựng đồn bảo, điều động binh lính bảo đảm an ninh vùng đất
mới, thì Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại là người đã từng trực tiếp đốc suất
việc đào kinh Vĩnh Tế, mở ruộng lập vườn, đắp nhiều đường, bắc cầu để phục vụ
yêu cầu giao thông trong xứ và với nước láng giềng Chân Lạp, sau đó Doãn Uẩn,
tổng đốc An Hà, ngoài đại công dẹp loạn, ông còn đặc biệt quan tâm ổn định đời
sống nhân dân, chăm lo cả về sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng, tạo niềm tin, chỗ
dựa tinh thần với ước vọng an lành cho cuộc vùng biên giới tây nam Tổ quốc.
Chùa Tây An được Doãn Uẩn chủ trương xây dựng trong niềm ước vọng đó.
Nhưng
có một người không phải là quan chức nhà nước, không hưởng bổng lộc của triều
đình, bị giam lỏng trong chùa Tây An,
lại góp phần không nhỏ trong công cuộc “an tây”, từ quy dân khai hoang lập ấp đến khai sáng ra một mối
đạo, mà hàng trăm năm sau có tới hàng triệu tín đồ khắp đồng bằng sông Cửu
Long. Vị đó là Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ
Hương...
[14]1] Quốc sử quán (1972) Đại nam nhất thống chí
lục tỉnh Nam
Việt, Phủ quốc Vụ khanh đặc trách văn hoá (Sài Gón), tr,9.
[15][2] Nha Mân: Theo di
cảo của Trương Vĩnh Ký là do tiếng Oknà Mẳn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng
là do Oknà Muôl vì nó gần với âm /nha mân/ hơn. Oknà hay Oknha là một quan chức
của người Khmer/Chân Lạp có quyền cai quản một trấn, một hạt.
[16][3] Theo nhà Nam bộ học Sơn Nam, Cái Tàu là địa danh chỉ nơi có
nhiều người Tàu cư ngụ. Cái Tàu Hạ để phân biệt với Cái Tàu Thượng ở Hội An
(nơi giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ở Nam bộ, ngoài hai địa
danh này còn có địa danh Cái Tàu và Ngã Ba Tàu ở Cà Mau. Nơi đây cũng là nơi có
nhiều người Tàu cư ngụ, nhưng cũng là nơi bọn cướp biển Tàu Ô thường lẫn trốn
và tại ngã ba này có một doi đất hình mũi tàu nhô ra. (Xem thêm sách “Tìm hiểu địa danh Nam Bộ của
Nguyễn Hữu Hiếu, Nxb. KHXH, 2005). Trong Bản dịch Đại nam nhất thống chí, tập
5 của Viện sử học, Nxb Thuận Hoá, 2006,
ở trang 201 và 204, dịch tên hai con rạch Cái Tàu Hạ là kênh Hạ Thuyền và rạch
Cái Tàu Thượng là kênh Thượng Thuyền
nghe rất xa lạ, không biết hai con rạch này trên thực địa nằm ở đâu!
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)