15 tháng 11, 2011

VÙNG ĐẤT TẦM PHONG LONG

* Nguyễn Hữu Hiếu Phó chủ tịch Hội lịch sử Đồng Tháp
                                                                                                                                 
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lịnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược, quy hoạch phần đất lưu dân ngừơi Việt khai phá từ trước, lập hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Đến năm 1708, Mạc Cửu dâng vùng Hà Tiên để xin nội thuộc. Như vậy, đến đầu thế kỷ XVII, vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu, mặc dù người Việt đã  khai phá từ lâu, nhưng chánh quyền chúa Nguyễn vẫn chưa có điều kiện thiết lập cơ sở hành chánh để bảo vệ họ. Tình hình này đặt chánh quyền Đàng Trong trong tình thế chẳng đặng đừng trên bước đường Nam tiến.
          Năm Đinh sửu (1757), Nặc-nguyên, quốc vương Chân Lạp mất, chú họ là Nặc-nhuận đang làm giám quốc, xin hiến đất Srok Kleang và Préah Trapeang (tức đất Trà Vang-Ba Thắc), cầu xin chúa Nguyễn phong làm vua Chân Lạp, chúa Võ vương Nguyễn Phước Khóat chấp thuận.
          Nhưng liền sau đó Nặc-nhuận bị con rể là Nặc-hinh giết và cướp ngôi. Cháu Nặc-nhuận là Nặc Tôn, chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ, tâu với chúa Nguyễn xin được phong làm vua Chân Lạp. Chúa Võ vương thuận cho, và sai tướng Thống suất ngũ dinh tại Gia Định Trương Phước Du hợp cùng Mạc Thiên Tứ mang quân đánh dẹp Nặc-hinh và đưa Nặc-tôn về nước. Nặc-tôn được phong làm phiên vương. Để tạ ơn, Nặc-tôn cắt đất Tầm Phong Long (vùng đất giữa sông Tiền và sông Hậu), phía bắc của vùng Srok Kleang và Préah Trapeang, dâng cho chúa Nguyễn.
          Tiếp thu vùng đất Tầm Phong Long là một trong những sự kiện đặc biệt trong lịch sử dân tộc, nó vừa góp phần mở rộng cương vực của Tổ Quốc ta về phương Nam, vừa đánh dấu kết thúc diễn trình Nam tiến của dân tộc ta trong 775 năm (982-1757).
          Vùng đất Tầm Phong Long, được Nguyễn Cư Trinh lập thành ba đạo:

- Đông Khẩu đạo bao gồm các huyện Châu Thành, thị xã Sa Đéc, huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Trị sở đồn trú tại Sa Đéc (thôn Vĩnh Phước).
 - Tân Châu đạo bao gồm phần đất phía bắc sông Tiền, của các huyện Chợ Mới, Phú Tân, Phú Châu và Tân Châu của tỉnh An Giang ngày nay, trị sở lúc đầu đóng trên cù lao Gieng, sau dời về thôn Long Sơn, trên cù lao Cái Vừng.
 -  Châu Đốc đạo bao gồm phần đất phía tây bắc sông Hậu, giáp với vùng Hà Tiên.
 Dưới thời các chúa Nguyễn, đạo là phân hạt hành chánh dưới trấn và dinh, dành cho những vùng đất mới tiếp quản, mới khai hoang, dĩ nhiên là ở đây chưa có bộ máy hành chánh cơ sở hoàn chỉnh, nên phải giao cho các đơn vị quân đội quản lý (hình thức quân quản), cho đến khi thiết lập xong bộ máy quản lý hành chánh dân sự mới trở thành đơn vị hành chánh cấp huyện.
          Ngay sau khi thành lập, cả ba đạo đặt dưới sự quản lý của dinh Long Hồ, đứng đầu là Nguyễn Cư Trinh. Dinh Long Hồ lập năm 1732 (còn gọi là Cái Bè dinh, vì đóng tại Cái Bè), năm 1800 đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1808 đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Để có phản ứng nhanh và hiệu quả trong việc bảo vệ biên cương, Nghi biểu hầu Nguyễn Cử Trinh cho dời trị sở của dinh Long Hồ từ An Bình Đông (Cái Bè) về xứ Tầm Bào ( thuộc thôn Long Hồ, thành phố Vĩnh Long ngày nay), sát bờ sông Tiền, dòng sông rộng, chiến thuyền dễ dàng tiến thóai hơn ở sông Cái Bè.
          Từ đây dinh Long Hồ có Đông Khẩu đạo án ngữ làm tiền đồn thứ hai sau Tân Châu đạo và đồn Châu Đốc bảo vệ. Để khai thác vùng tân cương, đồng thời để xác định biên giới rõ rệt giữa hai nước, măc dù có sự can ngăn của quan lớn Sen Nguyễn Văn Nhơn, năm 1817, vua Gia Long vẫn lịnh cho Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại đào kinh núi Sập (sau gọi là Thoại Hà). Hai năm sau (1819) lại cho đào kinh Vĩnh tế, kéo dài 5 năm mới xong.  
Đào hai con kinh này quả có tác dụng vô cùng quan trọng trong công cuộc mở mang kinh tế và giữ yên bời cõi. Ngay khi kinh Vĩnh Tế đào chưa hoàn tất đã thu hút lưu dân đến dâng đơn xin khai khẩn sinh sống. Lúc bấy giờ Nguyễn Văn Thoại là Khâm sai Thống chế, án thủ đồn Châu Đốc, lãnh ấn Bảo hộ Cao Miên quốc, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, chỉ cần ông phê duyệt và đóng dấu Bảo hộ Cao Miên quốc chi chương vào đơn là coi như lưu dân có bằng khoáng đất (sổ đỏ). Nên chỉ hơn mươi năm, đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), vùng đất mới này thành được hai phủ:  
-         Tuy Biên gồm hai huyện Tây Xuyên, Phong Phú.  
-         Tân Thành có hai huyện là Vĩnh An và Đông Xuyên.  
Đây là cương vực ban đầu của tỉnh An Giang sau này. Đến năm 1835, lấy đất Ba Thắc lập thêm phủ Ba Xuyên, cai quản ba huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Đến năm 1836, chia ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và  An Giang.  Lúc này Tân Châu đạo thuộc huyện Đông Xuyên và Đông Khẩu đạo thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.  
Tiếp theo năm 1839, lập thêm huyện An Xuyên ở phủ Tân Thành, năm 1842 lấy phủ Tịnh Biên v à huyện Hà Dương của Hà Tiên xáp nhập vào. Đến năm 1844, lập thêm huyện Hà Âm. Năm 1850, giải thể phủ Tịnh Biên cùng huyện Hà Âm, lấy đất này nhập vào huyện Hà Dương[1][1].  
Như vậy đến khi Tự Đức lên ngôi, tức là gần tròn 100 năm sau khi thuộc chủ quyền người Việt, vùng Tầm Phong Long được khai mở với tiến độ khá nhanh, thành lập 274 xã thôn, phường, bang, được quy vào ba phủ với 10 huyện, nằm trong địa phận tỉnh An Giang, tỉnh thành đặt tại Châu Đốc:  
- Phủ Tuy Biên, có bốn huyện:  
          + Tây Xuyên gồm ba tổng với 38 xã, thôn, phố bang,  
          + Phong Phú gồm ba tổng với 31 thôn,  
          + Hà Dương (tức Lình Quỳnh) có 4 tổng với 40 thôn, phố phường.  
          + Hà Âm  (tức Giang Thành) gồm 2 tổng, 40 xã thôn  
- Phủ Tân Thành có ba huyện:

          + Vĩnh An gồm 4 tổng với 36 xã thôn, phố, bang, huyện lỵ đóng tại thôn Vĩnh Phước (Sa Đéc)  
          + An Xuyên gồm 3 tổng với 25 xã thôn, huyện lỵ đặt tại thôn Tân Hựu.  
          + Đông Xuyên gồm 4 tổng với 33 xã thôn, huyện lỵ đóng ở thôn Long Sơn.  
- Phủ Ba Xuyên có hai huyện:  
          + Phong Nhiêu gồm 3 tổng với 17 xã thôn, huyện lỵ tại thôn An Khánh  
+ Vĩnh Định gồm 4 tổng với 19 xã thôn, huyện lỵ tại thôn Đại Hữu.  
Năm 1867 Pháp chiếm An Giang, chia vùng này ra 5 hạt (rồi đổi hạt thành tỉnh): Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và Sa Đéc...  
Ngày nay thuộc địa phận các tỉnh An Giang, Tp.Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và các huyện nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp.  
1.- Vùng đất Đông Khẩu đạo được lưu dân người Việt, người Hoa khai thác từ lâu, nay chánh thức nội thuộc chủ quyền người Việt của chúa Nguyễn (Đàng Trong). Sự kiện này là điều kiện vô cùng thuận lợi cho công cuộc khai mở cương vực của Tổ quốc về phương nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long và cả Nam bộ. Đây là vùng đất mầu mở “sông sâu nước chảy”, nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, chiếm vị trí trung tâm của Nam bộ, là đầu cầu nối liền miền Đông và miền Tây Nam bộ.  
Từ đây người Việt, người Hoa chánh thức khai thác, làm ăn, mua bán…Chẳng bảo lâu trên địa bàn của đất Đông Khẩu đạo thành lập được trên 60 thôn làng, trong đó có nhiều thôn đạt diện tích khai thác thuộc loại lớn ở Nam Bộ, như Tân Hựu, Tân Long, Long Hậu, Tân Lộc, Vĩnh Phước…Dân cư tập trung ngày một đông, nhiều tụ điểm cư dân hình thành về phía sông Tiền; ngoài Sa Đéc, : Nha Mân [2][2], Cái Tàu Hạ [3][3], Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng; về phía sông Hậu có Cường Oai (Lai Vung), Cường Thành (Lấp Vò)…

Người Hoa đến đây đa phần là người Phước Kiến giõi buôn bán hơn làm ruộng, nên chỉ có thiểu số làm nghề nông chung với người Việt hai bên bờ rạch Nha Mân. Điều này được Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Vịêt chép: “ Sông Nha Mân ở phía bắc huyện An Xuyên ở bờ nam sông Tiền, chảy qua hướng nam rồi chuyển lên hướng tây, chẻ ra các ngã: Tam Sao/Ba Miếu, Chàng Trà/ Trà Kiệt, Cổ Đồ Bà/ Cha Và, Cam Phù Ly, rồi đến Bồn Giang/Cái Vồn chảy ra sông Hậu. Dọc theo hai bờ sông có nhiều ruộng vườn của người Tàu mới khai phá” [4][4] .  
Người Hoa thu  mua các sản phẩm khai thác từ nguồn lợi tự nhiên (cá, tôm, mật ong, gổ, mây tre, dầu rái, lông chim, lúa gạo, cau…) bàn cho các chợ lớn như Sa Đéc, Long Hồ, Mỹ Tho… rồi mua hàng vải tơ lụa, cao đơn huờn tán, kim chỉ đá lửa…về bán lại cho dân địa phương, từng bước góp phần hình thành một số chợ trong khu vực. Chợ Nha Mân hay rộng hơn là vùng Tân Hựu là trung tâm của vùng tập trung dân cư khá đông (Việt, Hoa, Khmer) , vì vị trí nằm giữa Long Hồ và Sa Đéc, lại thêm thổ nhưỡng rất đặc biệt, nhứt là nước sông Nha Mân rất ít độ phèn so với toàn vùng, rất thuận lợi cho phát triển nghề nông, làm vườn. Câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh, gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”nhằm ngợi ca sắc đẹp người con gái Nha Mân nhứt là nước da trắng ngần. Có thể nói yếu tố quan trọng góp phần làm nên cái đẹp này là do nguồn nước ở đây, hai là do yếu tố lai trong hôn nhân (Hoa+Khmer hoặc Việt+ Hoa). Thôn Tân  Hựu có diện tích rụông đất canh tác lớn nhứt toàn Nam kỳ, với diện tích thực canh 4848 mẩu. . Nếu lấy thôn Tân Hựu làm tiêu biểu cho cả vùng tổng An Mỹ (huyện Châu Thành, Đồng Tháp hiện nay)  thì có thể nói rằng đời sống nhân dân trong vùng tương đối khá giả, nhứt là thôn Tân Hựu. Qua câu:“Ngồi chình ình như cột đình Tân Hựu” ta hình dung được tình trạng kinh tế ở đây. Nhân dân có sức đóng góp để xây dựng đình làng to lớn với mấy chục bộ lư đồng, nổi tiếng cả Nam kỳ.  
Năm Minh Mạng thứ 20 (1839), huyện Vĩnh An tách ra làm hai thành lâp huyện mới mang tên An Xuyên, gồm ba tổng (An Hội, An Trường và An Mỹ)  với 25 thôn. Trị sở của huyện đóng tại thôn Tân Hựu, châu vi trụ sở rộng 50 dặm, có hào thành rào bằng tre[5][5]. Chung quanh dinh thự tại huyện lỵ tập trung nhiều dân cư buôn bán ngày một sung túc, được dân gian quen gọi là chợ Dinh. Câu :  
“Đố anh con rít mấy chưn,  
Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người;  
Chợ Dinh bán áo con trai,  
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim…”  
ca ngợi sự sung túc của chợ Dinh, nhưng không biết ám chỉ chợ Dinh nào, vì có một số chợ ở nơi khác cũng mang tên chợ Dinh.  
Riêng Sa Đéc hình thành từ lâu, trước khi Đông Khẩu đạo ra đời, nay lại có điều kiện phát triển hơn với phố thị buôn bán tấp nập, trở thành một trong trung tâm thương mại lớn ở đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Bên cạnh đình, chùa, miếu mạo… của ngừơi Việt là chùa ông (Kiến an cung, Thạnh đức cung, Nghê thánh cung), chùa bà (Thiên hậu) và các miếu vạn, miếu tổ nghề, của người Hoa. Mức phát triển thạnh mậu của Sa Đéc là bước ngoặc quan trọng trong tiến trình kinh tế-xã hội của Đông Khẩu đạo và cả đồng bằng sông Cửu Long. Nó đánh dấu thành công bước đầu của công cuộc khai, kích thích vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tây sông Hậu phát triển, nó còn là chợ đầu mối tập trung hàng hoá chuyển đi Mỹ Tho, Sài Gòn, Nam Vang …góp phần hình thành nền kinh tế hàng hoá ở khu vực.  
Trong cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777-1802), sau bao nhiêu lần thảm bại trước lực lượng bách chiến bách thắng của Tây Sơn, năm 1788, Nguyễn Ánh về lập căn cứ ở Tân Long (Long Hưng), kề cận Sa Đéc. Lợi dụng chánh quyền cơ sở của Đông định vương Nguyễn Lữ (Tây Sơn) trên địa bàn này còn quá non yếu vì mới thành lập, chưa thực hiện được công trình kinh tế-xã hội nào nhằm cải thiện, phục vụ đời sống cho nhân dân địa phương. Nguyễn Ánh triệt để khai thác lợi thế về vị trí và vai trò của con người và vùng đất Đông Khẩu đạo. Biến nơi này thành trung tâm thu hút nhiều quan văn, võ tướng, đại điền chủ trung thành với quan niệm tôn phò “chính thống”. Thế lực này đã góp phần giúp Nguyễn Ánh đánh bật Tây Sơn ra khỏi Nam bộ, làm đà cho công cuộc phục thù giai cấp của họ Nguyễn.  Cuộc nội chiến  vô hình trung biến vùng Đông Khẩu đạo thành nơi tập trung một số môn đồ Nho học, ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi Nho học vốn chưa phổ biến sâu rộng. Điều này tác động không  nhỏ đối với đến quá trình hình bản sắc văn hoá địa phương.  
2.- Ngay sau khi thành lập, đạo Tân Châu đặt dưới sự quản lý của dinh Long Hồ,  năm 1800 đổi thành Vĩnh Trấn, năm 1808 đổi thành trấn Vĩnh Thanh. Đến năm 1836, chia ra thành hai tỉnh Vĩnh Long và  An Giang.  Lúc này Tân Châu thuộc phủ Tân Thành huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang. Đất Tân Châu như những chiếc chiến hạm khổng lồ, nằm án ngữ trên dòng sông Cửu Long, ngăn chận sự xâm nhập từ hướng Chân Lạp (Campuchia ngày nay).
Để có phản ứng nhanh và hiệu quả trong việc bảo vệ biên cương, Nguyễn Cử Trinh lấy Dinh châu làm trị sở của Tân châu đạo [6][6]. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép rõ: “Dinh châu,  tục gọi là cù lao Gieng ở thượng lưu sông Tiền, cách trấn về phía Tây 117 dặm. Trước kia là đất thuôc đạo Tân Châu. Ở đây có dân cư của bốn thôn: Toàn Đức, Mỹ Hưng, Toàn Đức Đông, Phú Hưng. Phía Tây có cù lao nhỏ cư dân của các thôn: Tân Phước, Phú An và Tân Tịch (tức cù lao Trâu, còn gọi là Ngưu châu). Phía Nam có cù lao nhỏ cư dân của  thôn Tân Thới”.  
Tại đây có xây dựng một đồn lớn giữa hai sông làm trung tâm kiêm quản luôn cả hai thủ Chiến Sai và  thủ Hùng Ngự. Do đồn Tân Châu vừa trú đóng nơi địa đầu hiểm yếu vừa cai quản hai  thủ khác, nên Tân Châu không thuộc quyền cai quản của trấn địa phương là Long Hồ, rồi sau đó là Vĩnh Thanh mà trực tiếp thuộc quyền điều động của Gia Định phủ rồi Gia Định thành tức là chánh quyền trung ương của Nguyễn Ánh. Điều đó cho thấy vai trò, vị thế của Tân Châu đạo trong việc bảo vệ tuyến biên giới Tây nam. Trên tuyến này từ Tây Ninh đến Hà Tiên, dưới thời chúa Nguyễn và đầu nhà Nguyễn, có bố trí các đồn thủ biên phòng, như Quang Hoá (Tây Ninh), Tuyên Oai, Thông Bình, Hùng Ngự (Định Tường), Tân Châu, Chiến Sai, Châu Đốc (An Giang)…Trong đó, đồn Tân Châu nằm ở vị trí đặc biệt nhứt.

Trong thời gian cuộc nội chiến Tây Sơn-Nguyễn Ánh (1777-1802), năm 1790, nhằm tập trung thu hút hàng hoá bán cho thương nhân phương Tây để mua vũ khí theo đuổi chiến tranh, chánh quyền Nguyễn Ánh ở Gia Định cấm thuyền buôn, không được đi qua các đạo Quang Hoá (Tây Ninh), Tuyên Oai, Thông Bình để sang buôn bán với Chân Lạp và năm 1791 lại ra lịnh cho đạo Tân Châu phải cách hạn chế, ngăn chận việc các sứ bộ Chân Lạp “lợi dụng hộ chiếu ngoại giao” mà sang buôn bán dọc sông Tiền [7][7].  
Năm 1795, để lấy lòng người Chân Lạp với mục đích giữ yên vùng biên giới Tây nam, để tập trung vào việc chuẩn bị binh lực tiến công Tây Sơn ở miền Trung, chánh quyền Gia Định trao trả 68 sở thuỷ lợi ở vùng biên giới (trên sông Sở Thượng và Sở Hạ) cho chánh quyền Chân Lạp. Điều này càng làm cho trách nhiệm giữ yên biên giới của Tan Châu đạo nặng nề hơn, vì trước đây có các sở cá này làm vùng đệm, nay đồn Tân Châu phải tiếp cận sát sườn với Chân Lạp.  
Đến năm Gia Long thứ 2 (1803), sau khi hoàn thành việc thống nhứt đất nước do yêu cầu bảo vệ biên giới ngày càng cao, đồn Tân Châu được củng cố nhiều mặt, ngoài việc tăng cường quân số còn đặt thêm chức đạo thủ. 
Năm 1813, quân Xiêm xâm lược Chân Lạp, quốc vương Châp Lạp là Nặc-chân chạy sang An Giang. Đô thống Trần Văn Năng, một mặt tăng cường quân lực phòng bị Tân Châu, mặt khác dâng tấu sớ đề nghị đánh lấy Nam Vang để dằn mặt quân Xiêm, nhưng vua Gia Long cho rằng quân Xiêm tuy nhiều, nhưng không đáng lo, không cần ra tay trước [8][8].  
Đến năm Gia Long thứ 17 (1818), tình hình trong nước biên giới ổn định, triều đình ra lịnh dời đạo thủ Tân Châu đến cù lao Long Sơn, dời đạo thủ Chiến Sai đến cửa trên sông Hiệp Ân (sông Hồng Ngự nay nay),  dời đạo thủ Hùng Ngự đến cửa dưới sông Hiệp Ân. Tháng 12, Khâm mạng Tả quân phó tướng, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Xuân huy động dân, binh đắp đồn  Tân Châu. Đồn hình vuông, mỗi cạnh dài 15 trượng, cao 6 thước 5 tấc ta, chân dày 15 thước ta, đầu hẹp 4 thước, có hai cấp; chỗ ngay ở giữa của 4 mặt đồn đều đắp nhô ra thành hình bát giác, phía trái và phải gần trước góc nhọn ấy đều có cửa làm chỗ cho biền binh phòng trú. Quy cách đồn Chiến Sai cũng phỏng theo đồn này, chỉ có đồn Hùng Ngự hơi kém hơn, chỉ để làm nơi tuần tra, chưa xây đắp thành [9][9].  
Về cù lao Long Sơn, Trịnh Hoài Đức chép trong Gia Định Thành thông chi như sau: Cù lao Long Sơn hay Long Sơn châu có tục gọi cù lao Cái Vừng, ở thượng lưu sông Tiền, dài 47 dặm, lồi lõm, góc cạnh giống như đầu rồng, phía đông cách thủ đạo mới Tân Châu 5 dặm rưởi, cách trấn về phía tây 174 dặm rưởi, xóm Tân Phú Lâm ở đấy. Phía đông có cù lao Tản Dù, cù lao Đồ Bà (Chà và). Tất cả giăng thành hình chữ nhất mà có lớn nhỏ thứ tự khác nhau. Nơi đây tre um tùm, đường sông thông nhau. Bờ Tây có đồn mới Tân Châu, bờ phía đông là đồn mới Chiến Sai, phía bắc là đồn mới Hùng Ngự (Hồng Ngự), có địa thế là một ải quan hùng mạnh chặn giữ chỗ hiểm yếu [10][10].  
Theo nhận định của Trịnh Hoài Đức, ta thấy khi dời đạo thủ Tân Châu lên cù lao Long Sơn, có nhiều lợi thế hơn khi đóng ở cù lao Gieng. Vừa gần biên giới hơn, thay vì trước đây ở sâu trong nội địa. Đặc biệt là thủ Hùng Ngự ở phía bắc, trước đây đồn ở vàm Đốc Vàng, rất sâu trong nội địa, nay dời lên sông Hiệp Ân, phối hợp với thủ Chiến Sai mới đóng vai trò tiền tiêu cho đồn Tân Châu. Cả ba đồn kết hợp với đồn Châu Đốc ở Hậu Giang và đồn Châu Giang trên cù lao Châu Giang thành thế liên hoàn ứng cứu lẫn nhau khi có biến.  
          Năm 1830, để cho nhân dân địa phương tham gia việc bảo về quê hương, chánh quyền chủ trương mộ dân cả ngoại tịch (là dân ngụ cư) thành lập ba đội An Châu thay thế quân chánh quy ở Gia Định, chia nhau giữ các đạo, thủ Hồng Ngự, Tân Châu [11][11].  
          Trong các năm 1833-1834, một sai lầm của Lê Văn Khôi trong cuộc nổi dậy chiếm thành Phiên An (Gia Định), sau đó bị triều đình phản công, Khôi bị bao vây trong thành. Khôi cho người cầu cứu quân Xiêm, biến địa bàn Tân Châu thành địa đầu chiến đấu giữ nước vang danh với chiến thắng Vàm Nao-sông Tiền (1834).  
          Nước Xiêm dưới triều đại Rama III (1824-1851), rất mạnh về quân sự, luôn có tham vọng “đông tiến”. Năm 1828, họ chiếm Vạn Tượng (Lào). Khi được Lê Văn Khôi cầu cứu, không một lời tuyên chiến, Rama III tập trung 30.000 quân, tràn sang toàn tuyến biên giới phía tây nước ta với 5 cánh quân. Ba cánh đấu đánh vào Cam Lộ, Cam Cát, Cam Môn (Quản Trị) và Trấn Ninh (Nghệ An), chỉ nhằm mục đích phân tán binh lực của ta. Hai cánh chủ yếu là một đánh vào Hà Tiên với 100 chiến chiến thuyền, làm thế ỷ giốc cho cánh chính diện đánh chiếm Nam Vang rồi tiến xuống hạ thành Châu Đốc (An Giang), với hơn một vạn binh thủy bộ hòng chiếm cho được toàn Gia Định.  
          Người Xiêm lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cuộc thảm bại tại Rạch Gầm-Xoài Mút (1785), nên trong  quyển “Annam Xayảm Ýưt” (Chiến cục An nam-Xiêm), mô tả trong bối cảnh chuẩn bị mang quân sang can thiệp vào Việt Nam 48 năm sau, khi Lê Văn Khôi sang cầu cứu (1833-1834), có đoạn viết : “ ...Ở cù lao Teng này, trước đây trong thời vua thứ nhứt (Rama I), cháu vua là Chauphá Krômmaluổng Thêp-hạrịrắc (tức Chiêu Tăng) làm tổng chỉ huy quân đội đánh nhau với Yuồn ở trên cù lao Teng một lần rồi, quân đội ta bị đánh tan, chạy trốn Yuồn, làm cho Ngài bị bắt giam khá lâu. Cù lao Teng này (tức cù lao Thới Sơn) là trận địa chiến thắng của bọn Yuồn, chúng từng đại thắng ở đây nhiều lần. Bọn  chúng sẽ lập mưu lừa chúng ta ở đây một lần nữa. Ngài hảy quan tâm đề phòng để bảo toàn tính mạng và danh dự ở cù lao này để được tiếng tăm lâu dài về sau” [12][12].

          Dù lo lắng đề phòng như vậy, nhưng cuối cùng quân Xiêm cũng thảm bại trên sông Vàm Nao, rút chạy khỏi thành Châu Đốc.  
3.- Đạo Châu Đốc với đất đai trải dài dọc theo biên giới Chân Lạp, bên cạnh công lao khai hoang mở cõi, các thế hệ trước còn đỗ nhiều xương máu để giữ yên cương vực trong suốt một thời gian dài đương đầu chống lại âm mưu đông tiến của người Xiêm, thường tận dụng mọi cơ hội để ra tay.  
Năm 1840, ngừơi Chân Lạp ở Tịnh Biên nổi loạn, quan phủ hoảng sợ. Loạn quân kéo về Hà Tiên đánh phá đồn Châu Nham (Đá Dựng). Trong khi đó, 2000 loạn quân khác từ Thất Sơn xuống đánh phá Rạch Giá, rồi đóng đồn trụ lại. Vùng biên giới Thất Sơn-Vĩnh Tế (huỵên Hà Dương, Hà Dương) chìm trong khói lữa chiến tranh. Sở dĩ loạn quân dám ngạo mạng như vậy là vì lúc bấy giờ tướng Bodin (Phi Nhã Chất Tri) cuả Xiêm đóng đồn dọc theo kinh Vĩnh Tế (trên đất Chân Lạp) hỗ trợ xúi dục. Triều đình phái Nguyễn Tri Phương mang quân đánh dẹp suốt cả năm mới yên.  
Đến tháng 9 năm Tân sửu (1841), lợi dụng khi quân ta do Trương Minh Giảng thống lĩnh, rời Chân Lạp về nước, người Xiêm dựng lên một hoàng tôn (cho là con hoàng tử Cảnh, cháu nội đích tôn của vua Gia Long, người chánh thức được lên ngôi sau khi Gia Long băng hà, chớ không phải hoàng tử là Đảm, tức Minh Mạng), tập hợp một số người Lào, Chân Lạp, Việt...về nước giành lại ngôi báo, dưới sự bảo trợ của họ. Ở đây người Xiêm tiếp tục khai thác mâu thuẩn giữa Lê Văn Duyệt và vua Minh Mạng để can thiệp vào nội tình nước ta. Nguyên khi Hoàng thái tử Cảnh qua đời vào năm 1801, Gia Long không lập con cháu dòng chánh làm thái tử kế vị (tức con của hoàng thái tử Cảnh lả Nguyễn Phước Mỹ Đường), mà chọn con dòng thứ là hoàng tử Phúc Kiểu, huý là Đảm, làm thái tử tức vua Minh Mạng sau này. Sở dĩ Gia Long bỏ trưởng lập thứ, vì Mỹ Đường theo đạo Thiên chúa, nhưng Lê Văn Duyệt không hiểu ngầm ý của Gia Long hết lời can ngăn.

Để thực hịên âm mưu này, tháng giêng năm Nhâm dần (1842) Phi Nhả Chất Tri sai tướng Ô Thiệt Vương cho thuỷ quân tấn công Phú Quốc thăm dò, trên bộ, cho khoảng 5000 quân hộ tống hoàng tôn đến Sách Sô (thuộc hạt Nam Ninh, trấn Tây  Thành) và 10 thuyền đến đồn Cần Thăng thám sát, kích động người Chân Lập nổi dậy ở phủ Ba Xuyên, Sóc Trăng, Thất Sơn... Qua tháng hai, chúng xua đại quân tràn qua kinh Vĩnh Tế kết hợp với quân nổi dậy đánh phá các đồn Thất Sơn, Tân Châu, An Lạc, Hồng Ngự, Thông Bình…cướp bóc, bắn giết…gây thảm cảnh tang tốc thê lương khắp tuyến biên giới, nhứt là ở Hà Tiên, chúng dùng súng lớn (viên đạn 3 tấc rơi xuống tan như mưa[13][13]) bắn suốt ngày đêm, gây nhiều thiệt hại cho dân thường (trong dân gian gọi là giặc Hà Tiên). Quân triều huy động quân binh cả sáu tỉnh Nam kỳ do tổng đốc Định-Biên Lê Văn Đức làm tổng thống quân vụ, thự tổng đốc Long Tường Nguyễn Tri Phương, tổng đốc An Hà Phạm Văn Điển cùng đề đốc An Giang chia đường cùng nhân dân địa phương ra sức đương cự với giặc trên một tuyến dài từ Tiền Giang qua Hậu Giang, Thất Sơn đến tận Hà Tiên. Bước đầu ngăn chận được sức tiến của giặc, nhưng chúng chưa chịu rút lui. Mà xây thành đấp luỹ trụ lại ở núi Cô Tô, một vị trí hiểm ở Thất Sơn, với âm mưu lâu dài.  
Đến tháng năm, ta tăng cường quân số, chia làm năm mũi tiến đánh, phá tan chiến luỹ ở núi Cô Tô của quân giặc, có đến cả ngàn ra hàng trong đó phần lớn là người Hoa và Chân Lạp. Thừa thắng ta truy đuổi giặc đến tận Phnom Pênh và Kompong  Luông. Về thành Châu Đốc, tháng giêng năm Quý Tỵ (1833) vua Minh Mạng thấy đồn Châu Đốc chật hẹp, chưa được tiện lợi, nên khiến cho quan Giám thành theo Trấn thủ Ngô Bá Nhơn, nhắm lựa chỗ nào sảng khái và đón được hai ngã sông Tiền, sông Hậu, mà đường đất vừa cân để làm thành tỉnh. Rồi lựa xứ Long Sơn ở về thượng du, địa thế cao ráo, qua lại tiếp ứng, thiệt là chỗ hình thế hiểm trở, bèn đem việc ấy tâu lên. Vua khiến Bộ Công vẽ đồ thức đắp thành. Nhưng do tình hình biên giới lúc bấy giờ rất phức tạp, hễ dẹp yên nơi này thì nơi khác lại ứng lên, thành thử việc dời thành tỉnh bị bỏ trôi, cuối cùng vẫn giữ y ở Châu Đốc.

Nếu trong buổi đầu Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh là người quy hoạch đất đai, thiết chế hành chánh, xây dựng đồn bảo, điều động binh lính bảo đảm an ninh vùng đất mới, thì Thoại ngọc hầu Nguyễn Văn Thoại là người đã từng trực tiếp đốc suất việc đào kinh Vĩnh Tế, mở ruộng lập vườn, đắp nhiều đường, bắc cầu để phục vụ yêu cầu giao thông trong xứ và với nước láng giềng Chân Lạp, sau đó Doãn Uẩn, tổng đốc An Hà, ngoài đại công dẹp loạn, ông còn đặc biệt quan tâm ổn định đời sống nhân dân, chăm lo cả về sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng, tạo niềm tin, chỗ dựa tinh thần với ước vọng an lành cho cuộc vùng biên giới tây nam Tổ quốc. Chùa Tây An được Doãn Uẩn chủ trương xây dựng trong niềm ước vọng đó.  
Nhưng có một người không phải là quan chức nhà nước, không hưởng bổng lộc của triều đình, bị giam lỏng trong chùa Tây An,  lại góp phần không nhỏ trong công cuộc “an tây”, từ quy dân khai hoang lập ấp đến khai sáng ra một mối đạo, mà hàng trăm năm sau có tới hàng triệu tín đồ khắp đồng bằng sông Cửu Long. Vị đó là Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương...

 [14]1] Quốc sử quán (1972) Đại nam nhất thống chí lục tỉnh Nam Việt, Phủ quốc Vụ khanh đặc trách văn hoá (Sài Gón), tr,9.
 [15][2] Nha Mân: Theo di cảo của Trương Vĩnh Ký là do tiếng Oknà Mẳn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng là do Oknà Muôl vì nó gần với âm /nha mân/ hơn. Oknà hay Oknha là một quan chức của người Khmer/Chân Lạp có quyền cai quản một trấn, một hạt.
 [16][3] Theo nhà Nam bộ học Sơn Nam, Cái Tàu là địa danh chỉ nơi có nhiều người Tàu cư ngụ. Cái Tàu Hạ để phân biệt với Cái Tàu Thượng ở Hội An (nơi giáp ranh giữa hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ở Nam bộ, ngoài hai địa danh này còn có địa danh Cái Tàu và Ngã Ba Tàu ở Cà Mau. Nơi đây cũng là nơi có nhiều người Tàu cư ngụ, nhưng cũng là nơi bọn cướp biển Tàu Ô thường lẫn trốn và tại ngã ba này có một doi đất hình mũi tàu nhô ra. (Xem thêm  sách “Tìm hiểu địa danh Nam Bộ của Nguyễn Hữu Hiếu, Nxb. KHXH, 2005). Trong Bản dịch Đại nam nhất thống chí, tập 5  của Viện sử học, Nxb Thuận Hoá, 2006, ở trang 201 và 204, dịch tên hai con rạch Cái Tàu Hạ là kênh Hạ Thuyền và rạch Cái Tàu Thượng là  kênh Thượng Thuyền nghe rất xa lạ, không biết hai con rạch này trên thực địa nằm ở đâu!