10 tháng 11, 2011

NGUYỄN TÚ (?-?)

             Dương Văn Triêm

1. Tiểu sử
Nguyễn Tú, ông người thôn Bả Canh, xã Đập Đá, phủ Hoài Nhơn, trấn Bình Định, nguyên là tùy tướng của nghĩa quân Tây Sơn trước đây. Khi nhà Tây Sơn sụp đỗ để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn, ông đã cùng vợ trốn vào nam lập nghiệp và đã trở thành nhân vật khai hoang tiền phong ở Đồng Tháp.
Nơi dừng chân của ông là vùng Mỹ Trà, An Bình – Cao Lãnh, thuở ấy, Mỹ Trà, An Bình còn nhiều nơi rừng rậm, đầy thú dữ. Ông hô hào những người đi khẩn hoang cùng nhau phá rừng, cất nhà, làm ruộng. Năm nọ, thú loạn rừng tràn ra bờ Cái Sao phá hoại mùa màng, gia súc, thậm chí còn bắt người ăn thịt… Những việc đó làm cho mọi người hoang mang lo sợ, công việc ruộng rẫy ngưng trệ, cứ trời về chiều là mọi nhà đóng chặt cửa không dám ra ngoài.
Thấy vậy, Nguyễn Tú tập hợp trai tráng truyền dạy võ nghệ, tổ chức làm rào cho thôn xóm, canh phong thú dữ. Hễ có báo động, mọi nhà đều đánh mõ, đánh trống… ầm lên để xua đuổi chúng đi.
Nhiều lần đi tuần phòng, gặp cọp, ông đều hạ được. Nhờ vậy, lần hồi thú dữ đẩy lùi vào rừng sâu, mọi người làm ăn bình thường trở lại. Công cuộc khai hoang ngày một mở rộng, nhiều bà con cùng quê quán vào lập nghiệp được ông giúp đỡ mọi mặt, thôn xóm ngày một đông vui, làm ăn sung túc…
Lúc bấy giời, ở Nam Kỳ tổ chức hành chánh còn lỏng lẻo, chưa phân chia thành phủ huyện rạnh ròi. Toàn vùng chỉ chia làm 9 khố trường, đặt ra từ năm 1741 dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát: -  Quy An, -  Quy Hóa, -  Cảnh Dương, -  Thiên Mụ, -  Gian Thảo, -  Hoàng Lạp, -  Tam Lịch, -  Bả Canh, -  Tân Thạnh.
Ở Mỹ Trà được gọi là Bả Canh và Nguyễn Tú được mọi người cử làm người đứng đầu khố trường, thay mặt nhân dân giao tiếp với quan trên. Với địa vì này, ông đứng về phía dân chúng chống lại sự áp bức của bọn cường hào, ác bá, giúp người nghèo thoát khỏi cảnh sưu thuế nặng.
Đến khi vợ chông ông già yếu chết đi, mặc dầu không còn con thờ tự, nhưng hai ông bà vẫn được dân làng mai táng chu đáo trong niềm thương tiếc và biết ơn. Để tưởng nhớ công đức của ông, dân làng đã dựng bia ghi công, gọi là bia tiền Hiền làng Mỹ Trà, nằm dưới dốc cầu Đình Trung, phường 2, thành phố Cao Lãnh.
2. Bia ghi công đức
Bia bằng đá hoa cương cao 1,70 m, ngan 1 m, độ dày 0,6 m, trên có mái che, mang kiến trúc thế kỉ XIX, nội dung gồm 343 chữ Hán. Đây là một dạng bia tổng hợp, vừa là mộ bia, vừa là bia ghi công đức và là bia sự kiện.
Nội dung bia có thể chia làm 5 phần:
§  Phần một, nêu đạo lý “ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.
§  Phần hai, lai lịch của người chủ trương dựng bia
§  Phần ba, nói trường hợp phát hiện hai ngôi mộ ông bà Nguyễn Tú
§  Phần bốn, nêu cao công lao khai mở làng Mỹ Trà của Nguyễn Tú
§  Phần năm, bổn phận của người đương thời với công lao của người xưa.
Cuối bia là bảng liệt kê chức danh và danh tánh của 23 vị có công trong việc lập bia, mà phần lớn là đương kim và cựu hương chức trong làng.
Nội dung bia (dịch nghĩa):
Người khai mở trước, hằng lo thành tựu để đời sau, kẻ nối tiếp sau, há nở quên công noi gốc trước.
Tệ chức nguyên là Ban biện suất đội, Đội Một, cơ đồn điền thứ tám, Tường Võ. Sau được bổn thôn cử làm Chủ trưởng.
Nhân thấy trong thôn, ấp Bắc, ấp Nam, đường xá gò nổng bùn lầy. Đến lệ kỳ an tiến hành lễ lạp theo nếp cũ, đi lại khó khăn; bèn nhóm họp nhân viên không đành để như cũ, liền cho vẽ họa đồ, phóng mục tiêu chung sức nhau đắp một con đường lớn. Thấy có 2 ngôi mộ, sai người hỏi chủ là ai, phải chọn đất di táng… Lúc ấy có vài kỳ lão thuật lại rằng: “Đó là hai ngôi mộ của vợ chồng ông Nguyễn Tú, là vị Tiền Hiền của làng đến ở đây từ thuở trước”.
Hỏi đến con cháu thì không còn hậu tự nữa.
Nghe đâu vào khoảng thời Gia Long, ông Nguyễn Tú là người đất Qui Nhơn vào cư ngụ ở xứ này; nơi đây, xưa vốn thuộc Khố trường Bả Canh. Ông là người có tánh quyết đoán, mưu trí, qui tựu dân lưu tán đến nơi đất hoang chưa người ở, khai phá lập nên một thôn, đặt tên là Thôn Mỹ Trà, trải qua niên hiệu Minh Mạng thứ 21 (1840), năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), năm Tự Đức thứ 29 (1876), công lớn dài lâu, đến nay đã rõ rệt.
Trước sau, tệ chức nghe đầy đủ, liền cho đắp cao hai ngội mộ, uốn công đường tránh qua một bên. Đến khi rãnh việc, tĩnh tâm nghĩ đến. Người nay ăn trái nhớ kẻ trồng cây; chim Hồng in móng chổ tuyết lầy, e lâu năm mai một. Nên cho nhóm hương chức bàn việc dựng bia ghi công đức.
Ôi! Tưởng đến việc đề tạo khó nhọc, dầu không có y để được đời sau thờ kính; hưng phong nối giữ phải soi gương đời trước danh thơm. Người ưu làm phải, đồng nói ra một lề. Chọn ngày 15 tháng 10, các hương chức sắm đủ lễ vật tế mộ lập bia.
* Cẩn lập:
Chủ trưởng: Phạm Văn Khanh
Hương quản: Tú tài Trần Chánh
Hương chủ: Nguyễn Công Mỹ
Hương thân: Nguyễn Văn Hùng
Hương sư: Lê Văn Tam
Hương hào: Lê Hữu Bình
Thôn trưởng: Lưu Văn Sở
Hương giáo: Phạm Đôn Thành
Viên tử: Nguyễn Văn Cường
Hương chánh: Huỳnh Duy Ninh
Tham trưởng: Lê Ngọc Tảng
Hương trưởng: Nguyễn Tấn Thiện
Cai thôn: Đinh Khắc Minh
Cai đình: Nguyễn Văn Huề
Phó hương hào: Trần Tính
Xã trưởng: Ngô Văn Khánh
Hương văn: Nguyễn Văn Bút
Cựu xã trưởng: Đoàn Văn Lực
Cựu thôn trưởng: Nguyễn Văn Sơn
Hương lễ: Lê Văn Luận
Nguyên giáo thọ: Nguyễn Bỉnh Khuê, cẩn soạn
Nguyên cử nhơn: Nguyễn Giảng Tiên, cẩn luận. (*[1])
3. Tài liệu tham khảo
1)    Đồng Tháp xưa và nay, số 8, tháng 5 năm 2003, Hội khoa học lịch sử tỉnh.
2)    Đồng Tháp nhân vật chí, Hội khoa học lịch sử tỉnh.
3)    Đồng Tháp 300 năm, Hội khoa học lịch sử tỉnh.
4)    Đồng Tháp đất và người, Hội khoa học lịch sử tỉnh.
5)    Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức.
6)    Đại Nam nhất thống chí – tập 5, Quốc triều sử quán.
7)    Tiểu giáo trình địa lý Nam kỳ, Trương Vĩnh Ký.
8)    Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam.
9)    Mạc thị gia phả, Dinh đức hầu Vũ Thế Dinh.



(*[1])  Một tỉnh chia ra nhiều phủ, mỗi phủ có một Tri phủ điều khiển việc hành chính .và một Giáo thọ lo việc học hành.
Một phủ lại chia ra nhiều huyện đứng đầu là Tri huyện lo việc hành chính và một Huấn đạo trong coi việc học hành và trường học.
Mỗi huyện gồm nhiều tổng, đứng đầu mỗi tổng là một Cai tổng, thường có một Phó tổng hay Thừa biện giúp việc.
Mỗi tổng lại gồm nhiều làng, lo việc hành chánh làng thì có Xã trưởng hay Thôn trưởng với sự hổ trợ của một Hội đồng kỳ mục gồm có: Hương thân, Hương hào, Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương văn, Hương lễ, Hương nhứt, Hương nhì, Phó xã, Thủ bộ, Thủ khoán, Cai tuần, Biện lại, Trùm và Trưởng.