13 tháng 11, 2011

HỒ QUÝ LY - ĐẠO ĐỨC HAY CHÍNH TRỊ THỰC HÀNH - Bàn về tư tưởng Nho giáo Hồ Quý Ly


                                                        PGS. Nguyễn Kim Sơn[1]
Hồ Quý Ly1336- 1407là nhân vật lịch sử đặc biệt và khá phức tạp. Việc đánh giá về Hồ Quý Ly xưa và nay rất khác nhau. Đã có khá nhiều các cuộc hội thảo, các chuyên luận, tiểu thuyết, tiểu luận, luận văn viết về Hồ Quý Ly, nhưng có vẻ như còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, vấn đề còn cần tranh luận, tái tranh luận, nhận thức lại, và đương nhiên cần cả những cách đặt vấn đề khác, hướng tư duy khác về một vấn đề tưởng như đã cũ.
Các đánh giá về Hồ Quý Ly phức tạp vì tầm vóc lịch sử của ông lớn, trong sự nghiệp đó có cả hay cả dở, cả thành cả bại. Điều đó khiến cho người ở những thời đại khác nhau, góc nhìn khác nhau, mục tiêu khác nhau đã đánh giá ông theo những gì mà họ cảm nhận và tâm đắc. Đánh giá về hiện tượng Hồ Quý Ly là phức tạp, các ý kiến đánh giá trên phương diện tư tưởng của ông, đặc biệt là tư tưởng Nho giáo của ông lại càng phức tạp. Trong cái đa dạng và phức tạp đó có thể nhận ra sự lúng túng do thiếu tư liệu cùng những cảm xúc trái chiều và dĩ nhiên thiếu cả một cái nhìn khách quan.
 Bài viết này điểm qua vài nét nổi bật của lịch sử nghiên cứu đánh giá tư tưởng của Hồ Quý Ly, cố gắng phân tích những nguyên nhân và động cơ của các cách đánh giá, nhìn tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly như một thực thể sống động với những gì mà con người ấy phải đối mặt, cách hành động và lựa chọn hành động, đồng thời cũng đặt tư tưởng Nho giáo của ông trong tổng thể tư tưởng Nho giáo trong lịch sử để định vị và nhìn nhận.
      1.        Những ghi chép còn để lại
Hồ Quý Ly là một trong những nhà Nho Việt Nam có những ý kiến thảo luận sớm nhất về Nho giáo kể từ sau độc lập. Tuy nhiên những gì mà chúng ta còn được chứng kiến ngày nay chỉ là mấy dòng ngắn ngủi trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT)[2]. Những tóm lược cực ngắn đó được thực hiện bởi các nhà Nho- sử gia thế kỷ XV trở về sau. Thật khó có thể chắc chắn rằng, những tóm lược đó đã từng là những điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly thể hiện trong Minh Đạo cũng như các tác phẩm khác, bởi lẽ nó được thực hiện bởi những người hoàn toàn không có thiện cảm với ông và việc trích dẫn nhằm phục vụ cho mục tiêu rất rõ ràng mà chúng tôi sẽ đề cập tới ở sau. Chúng ta chỉ có thể tin rằng, những điều được dẫn ra trong ĐVSKTT là có thực trong các văn bản Hồ Quý Ly đã viết, nhưng sự thực đó chỉ là một phần, một bộ phận của  những gì đã được Hồ Quý Ly viết ra. Điều trớ trêu là những câu chữ ngắn gọn ấy lại là những điều rất độc đáo, rất có sức nặng thông tin, và còn rất quan trọng nữa… Sự đa dạng trong các ý kiến đánh giá về tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly hầu hết đều liên quan tới cách đọc những dòng chữ ngắn ngủi trong ĐVSKTT.
Bài viết ngắn này không hy vọng giải quyết mọi vấn đề trong tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly, mà chỉ đặt ra mục tiêu phân tích các cách đọc khác nhau đối với các thông tin về tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly, đặt các thông tin đó trong khung cảnh vận động tư tưởng của chính Nho học, của thời đại và người viết sơ bộ đưa ra cách đọc của riêng mình.
Công việc của chúng tôi cũng lại bắt đầu bằng việc dẫn lại các đoạn ghi chép trong  ĐVSKTT có liên quan tới tư tưởng Nho học của Hồ Quý Ly.
Có thể nói, các ghi chép trong bộ chính sử quan trọng nói trên bắt đầu nhắc tới Hồ Quý Ly từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XIV và còn kéo dài tới nhiều năm tháng sau khi nhà Hồ bị diệt. Đọc những trang sử đó, chúng ta thấy ông được nhắc tới rất nhiều, xuất hiện liên tục, càng gần tới thời điểm giành ngai vàng các ghi chép càng dày đặc. Tuy nhiên, đó chủ yếu là ghi chép về các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại giao…nói chung. Những dòng chép trực tiếp về tư tưởng và hoạt động học thuật của Hồ Quý Ly chủ yếu chỉ có mấy dòng sau đây, vì tính quan trọng của tư liệu, khiến chúng tôi thấy cần phải dẫn toàn văn hơn là tóm lược và dẫn ý:
Tháng 12 năm Quang Thái 5 [1392] Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên dâng lên. Đại lược cho Chu Công[3] là tiên thánh, Khổng Tử[4] là tiên sư. Văn Miếu đặt tượng Chu Công [22b] ở chính giữa, nhìn về phương nam[5], Khổng Tử ở phía bên, nhìn về phương tây. Cho sách Luận ngữ[6] có bốn chỗ đáng ngờ, như Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử[7], Khổng Tử bị hết lương ở nước Trần[8], Công Sơn, Phật Hất[9] cho gọi, mà Khổng Tử đều muốn tới giúp... cho Hàn Dũ là "đạo nho"[10]; cho bọn Chu Mậu Thúc[11], Trình Di[12], Dương Thì[13], La Trọng Tố[14], Lý Diên Bình[15], Chu Tử[16], tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt [văn chương người xưa]. Thượng hoàng ban chiếu dụ khen. Quốc tử trợ giáo Đoàn Xuân Lôi dâng thư nói bàn thế là không phải, bị đày đi châu gần. (Xuân Lôi người xã Ba Lỗ, huyện Tân Phúc là người thông minh, nhanh trí, hiểu biết, có kinh nghiệm, sau làm quan đến Trung thư hoàng môn thị lang kiêm tri Ái Châu thông phán, chết tại chức). [Xuân Lôi] khai là Đào Sư Tích có xem thư ấy, nên Sư Tích bị giáng làm Trung thị lang đồng tri thẩm hình viện sự.” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 22a-b)
Năm Quang Thái 7 [1394]  “ Mùa xuân, Tháng 2, Thượng hoàng sai thợ vẽ tranh Chu Công[17] giúp Thành Vương, Hoắc Quang[18] giúp Chiêu Đế, Gia Cát[19] giúp Thục Hậu chúa, Tô Hiến Thành[20] giúp Lý Cao Tông, gọi là tranh “Tứ phụ”, ban cho Quý Ly để giúp quan gia cũng nên như thế.” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 23b)
Năm Quang Thái 8 [1395] Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Quý Ly được ở nhà bên hữu sảnh, đài gọi là “Họa lư”[21]. Quý Ly nhân biên chép thiên Vô dật, dịch ra quốc ngữ để dạy Quan gia, mệnh lệnh ban ra thì xưng là Phụ Chính Cai Giáo Hoàng Đế.” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 25a-b)
Năm Quang Thái 9: [1396] “Tháng 11, Quý Ly làm sách Quốc ngữ Thi nghĩa và bài tựa, sai nữ sư dạy hậu phi và cung nhân học tập. Bài tựa phần nhiều theo ý mình, không theo Tập truyện của Chu Tử.”[22] (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 27b)
Theo những thông tin của chính sử, có thể khẳng định Hồ Quý Ly đã thể hiện tư tưởng của mình về Nho giáo bằng việc viết sách Minh Đạo 14 thiên; soạn Quốc ngữ Thi nghĩa và dịch thiên Vô dật trong Thượng thư ra quốc ngữ. Ngày nay tất cả các tài liệu nói trên đều đã thất truyền[23]. Ngoài ra, Hồ Quý Ly còn có một số hoạt động thực tế thể hiện quan điểm và thái độ của ông đối với Nho giáo. ĐVSKTT có ghi chép một số sự kiện:
- Năm 1397, Hồ Quý Ly ra lệnh cho đặt các học quan, cấp học điền ở các phủ lộ để cho học quan và đốc học dạy bảo học trò cho thành tài, rồi cứ tới cuối năm tiến cử người ưu tú lên triu đình. Nhưng theo lời của Ngô Sĩ Liên thì lệnh này tuy ban ra nhưng chưa được thi hành. (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 30a)
- Mùa thu năm 1400, Hồ Quý Ly cho mở khoa thi Thái học sinh, lấy đỗ 20 người, trong đó có những người như: Nguyễn Trãi, Lưu Thúc Kiệm, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành…  (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 37b-38a)
Có thể thấy Hồ Quý Ly cũng có những động thái thể hiện việc đề cao Nho giáo và Nho học, trọng dụng các Nho thần trong thực tế.
       2.        Các nhà Nho đánh giá Hồ Quý Ly
Xung quanh những sự kiện nêu ở trên, các ý kiến đánh giá (các cách đọc) chủ yếu chia thành hai hệ thống, phê phán đặc biệt gay gắtkhen ngợi hết lời. Các ý kiến phê phán hầu hết đều là của các nhà Nho. Có thể dẫn một số ý kiến tiêu biểu sau đây:
Ngô Sĩ Liên viết ngay trong ĐVSKTT, với tư cách Sử thần bàn rằng:
 “Đạo của tiên thánh nếu không có Khổng Tử thì không ai phát huy được; hậu [23a] thánh sinh ra, nếu không có Khổng Tử thì không còn ai làm khuôn phép nữa. Từ khi có sinh dân đến nay, chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử, thế mà Quý Ly lại dám khinh suất bàn về ngài thì thực là không biết lượng sức mình.” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8,  tờ 23a.)
 Ngô Sĩ Liên cũng khẳng định rằng, các đại Nho đời Tống mà Hồ Quý Ly phê phán là những người xuất sắc, có đóng góp to lớn cho Nho học và đương nhiên không thể chê bai theo cách của Hồ Quý Ly:
“Chu Tử sinh vào cuối đời Tống, kế tiếp công việc chú giải Lục kinh[24] của các nhà nho Hán, Đường, ngược dòng tìm nguồn, hiểu được ý của thánh nhân ở các bộ kinh để lại, rõ được đạo thánh nhân ở những lời huấn giải, vắt óc nghiền ngẫm, lý và tâm dung họp. Ông giải thích thì tường tận, chỉ dẫn thì xa rộng, thực là tập đại thành của các tiên nho và cũng là khuôn mẫu cho những kẻ hậu học. Huống chi lại có Trình Tử xướng ở trước, và Chu Tử bổ sung chỗ chưa hoàn hảo ở sau, thì nghĩa đã tinh lắm rồi. Người sau mà có trước tác, thì cũng chỉ là mở mang cho rộng thêm, tô chuốc cho bóng thêm, có thế mà thôi, sao lại được chê bai bàn cãi?” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8,  tờ 28a)
Ngô Thì Sĩ đánh giá trong “Việt sử tiêu án”: “Nhan Uyên nói: đạo của Phu tử lớn lắm, thiên hạ không chỗ dung nạp nổi, cho nên ở Lỗ bị trục, ở Tề bị cùng khốn, ở Vệ bị thiệt hại, ở Thái bị vây, bị Yến Anh dèm pha, bị Võ Thúc chê trách, là lời người đồng thời, lại có kẻ truất xuống làm trung hiến, giáng làm tiên sư, thật là người mù chê mặt trời, mặt trăng không ánh sáng, có làm tổn hại gì được các vì sáng đó. Còn đến bảo Xương Lê là đạo Nho, Liêm, Lạc là trộm cắp. Đạo học các vị này khi ở Bắc, đã bị khuất trong thời bấy giờ, sang đến Nam, lại cũng bị đời sau bài bác, các ông thật là gặp ách vận, đáng than.”[25]
            Dòng phê phán này ta còn có thể đọc được tới tận cuốn  Việt Nam sử lược của nhà sử học Trần Trọng Kim đầu thế kỷ XX.[26]
 Các nhà Nho đã không thể bình tĩnh, điềm đạm phê phán Hồ Quý Ly theo kiểu  ẩn ngôn, hay vi ngôn mà đã “nhảy dựng lên” không tiếc dùng vô số đại ngôn, trực ngôn để phê phán, nhiếc móc.
Khi chép những trang về Hồ Quý Ly trong ĐVSKTT, các sử gia nhà Nho đã đưa vào rất nhiều chi tiết, ngôn hành nhắm tới một mục đích là dựng lại một chân dung phản diện, một kẻ tặc thần soán đoạt. Họ muốn miêu tả thật kỹ một Hồ Quý Ly từ lúc mới vào triều đã nhiều tham vọng, không từ một thủ đoạn nào để thâu tóm quyền lực và giằng giật lấy ngai vàng, ngay cả khi ngai vàng đó là của con rể và cháu ngoại của mình. Trong các truyện, ký, thực lục, và thậm chí cả biên niên lịch sử thời kỳ trung đại, các nhân vật đức độ, tài năng (tức chính diện) thường chỉ nhận được mấy dòng mô tả tán dương công đức chung chung ước lệ với vô số mỹ tự giống nhau. Nhưng tình hình thường rất khác khi  các tác giả cần khắc họa về cái xấu của nhân vật phản diện. Ở những chỗ đó, ngòi bút của họ thường trở nên sắc sảo, chi tiết, và các nhân vật phản diện thường hiện lên sống động, cụ thể và hiện thực hơn. Họ thường nắm lấy các chi tiết, ngôn hạnh cụ thể có sức biểu cảm cao. Hồ Quý Ly đã được ĐVSKTT mô tả theo bút pháp như vậy suốt từ khi ông xuất hiện cho tới khi bị bắt ở núi Thiên Cầm. Các chi tiết về việc viết sách, diễn Nôm kinh điển, nội dung các sách được nói tới, đem mấy nhà Nho phản đối đi đày… ngoài ý nghĩa là các sự kiện lịch sử khách quan cần chép, còn cần được xem là một bộ phận, là công cụ để nhà sử học Nho gia khắc họa nhân cách, tính cách, nhân phẩm, tư tưởng của nhân vật lịch sử này. Mà tính khuynh hướng của việc chép về Hồ Quý Ly như  tôi đã phân tích ở trên là theo hướng “biếm trừng” chứ không phải “bao khuyến”. Và như vậy cũng có nghĩa là các chi tiết đó để minh chứng thêm cho một Hồ Quý Ly, xảo quyệt trong chính trị, tàn nhẫn trong ứng xử, và vô đạo xét về phương diện một nhà Nho. Thậm chí, việc diễn Nôm một cuốn kinh điển và thiên Vô Dật được nói tới cũng có thể nằm trong hệ thống chê bai phê phán chứ chưa chắc đã là khen.
Sau khi đã công phu dựng lên một Hồ Quý Ly phản diện, nhà Nho thấy vẫn chưa yên tâm, những đoạn “sử thần bàn rằng” với những lời mắng chửi không tiếc lời được xem là hoàn tất và khép lại công việc cái quan định luận với một nhân vật lịch sử.
Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ và các nhà Nho khác đã đứng từ góc độ người bảo vệ cho quan điểm đạo đức chính thống của Nho gia để phát ngôn. Họ đều là những môn đồ của các học giả Liêm, Lạc, Quan, Mân[27] phát ngôn bảo vệ cho chính những tín điều của họ. Lớp những nhà Nho từ Ngô Sĩ Liên về sau đều là những người thấm nhuần Tính lý học của Tống Nho. Họ là những nhà đạo đức, và có thể xem họ là những người cùng một phía với những người đã bị Hồ Quý Ly phê phán.
Đọc kỹ lại các phê phán của nhà Nho, ta thấy hầu như họ không tranh luận từng vấn đề, không đưa dẫn chứng để bác bỏ, mà là bày tỏ thái độ không đồng ý, chứ không phải phản đối bằng cách tranh luận và đương nhiên càng không phải sự phê phán triết học, dẫu rằng chúng đều trong phạm vi của triết lý nhân sinh. Họ cũng không dừng lại từng điểm và đối thoại từng điểm. Họ phát tiết bất bình và mắng mỏ hơn là tranh luận học thuật. Với thái độ đánh giá như vậy, đương nhiên khó có được một sự đánh giá khách quan, chân thực về học thuật của Hồ Quý Ly.
       3.        Các học giả hiện đại đề cao Hồ Quý Ly
Nếu như xu hướng chung của các nhà Nho phê phán gay gắt Hồ Quý Ly thì ngược lại, các học giả hiện đại thế kỷ XX lại không tiếc lời ca ngợi ông. Có thể dẫn một số ví dụ tiêu biểu:
Nguyễn Đổng Chi viết: “Tư tưởng và hành vi của nhà độc tài ấy có thể sánh với Vương An Thạch (1021-1086) đời Tống bên Tàu. Vương cũng có một độ bài xích những lối học huấn hỗ và chú sở của tiên nho cùng là chủ trương những vấn đề cải lương Trung Quốc. Họ Hồ đã chịu mạnh cái tinh thần đó nên quyết tâm mở một lối thực học đi đôi với nền tảng quốc gia xã hội mong làm cường thịnh nước nhà. Người sau này còn hơn người trước về chỗ chiếm lấy chiếc ngai vàng cho tiện bề hành động. Nhưng đáng tiếc cho chiếc ngai vàng ấy không bao lâu bị sụp đổ và lôi cuốn mọi thứ đi mất. Bàn tay phá hoại ấy chính là người Minh, nhưng một số đông người Việt Nam lấy cớ phục hồi nhà Trần mở đường đón giặc, họ phải chịu một phần trách nhiệm.” [28]
Nguyễn Đức Sự nhận xét: “ Ở cuối đời Trần còn xuất hiện xu hướng muốn sửa chữa và uốn nắn chính ngay những nguyên lý và tín điều của Nho học. Đại biểu cho khuynh hướng này là Hồ Quý Ly, một người có đầu óc cải cách táo bạo… Hồ Quý Ly đã tiếp thu và sử dụng Nho giáo một cách có phê phán, chứ không phải dập khuôn như các nhà Nho đương thời… Xu hướng sửa lại những tín điều của của Nho giáo do Hồ Quý Ly làm đại biểu cũng như xu hướng chống chủ nghĩa giáo điều nói trên đã thể hiện được cái học phong tự do phóng khoáng của những bộ óc độc lập tự cường thời Trần”[29]
Phạm Văn Sơn viết:“Nho Giáo và tư tưởng của các hiền giả Trung Quốc từ Lý qua Trần được dân ta hết sức suy tôn. Chữ Nho giữ một ưu thế đặc biệt trong văn học và các giấy tờ hành chánh. Chữ Nôm dưới đời Trần mới chỉ được dùng trong các thi ca mà thôi. Cờ đến tay, Quý Ly vốn có tinh thần cải cách và óc độc lập, tự tin liền đề cao vai trò của văn chương quốc âm và dám lật nhào cả những lý thuyết bất khả xâm phạm qua bao nhiêu thế kỷ của các thánh hiền Trung Quốc.”[30]
Muốn sao, ta cũng phục họ Hồ có một tinh thần độc lập, chịu suy xét, dám tự tin, dám hoài nghi, không a dua hót bậy, nịnh sằng như đám nho sĩ trước và sau đấy chẳng riêng gì ở Việt Nam. Nếu trong tư tưởng giới của ta hay của Trung Quốc có nhiều nhân vật lỗi lạc như họ Hồ, có lẽ văn minh, học thuật Á Đông còn rạng rỡ hơn nữa.”[31]
Một cách chừng mực và cân nhắc hơn, Tạ Chí Đại Trường viết:
 “Từ sự chọn lựa vị thế chính trị đó dẫn đến sự bài bác Luận ngữ và các Tống nho nổi danh như hai họ Chu, hai anh em họ Trình, thật là dễ hiểu. Đã nói chúng ta không có chi tiết lí luận của ông để có thể bàn sâu thêm, nhưng cái ý chính nổi bật của ông rõ ràng là không muốn theo khuôn thức thời đại, dù là khuôn thức của Thiên triều, của trung tâm xuất phát luồng tư tưởng chủ đạo đang lưu hành ở đất nước phiên thuộc. Từ tình thế riêng biệt của đất nước có ông ra tay đảm trách, ông muốn lập ra một môn phái mới (mà chúng ta không biết là gì) để cạnh tranh với các môn phái đương thời. Với vài câu còn lại trong sử, ta thấy ông chê trách các danh gia Tống nho đi vào lí thuyết mông lung nhiều mà không chú trọng đến thực hành. Vì thế dưới mắt Hồ Quý Li, Hàn Dũ mà danh tiếng nổi bật không phải vào lúc sinh thời (tuy với bài biểu đòi đốt xương Phật) nhưng được bốc cao nhờ các Tống nho về sau, con người của văn từ rổn rảng đó bị ông đặt vào hàng ngũ “đạo nho” (nho ăn trộm, nho vặt vãnh), cũng không phải là quá quắt. Nói một cách khác, Quý Li là nhà chính trị, là con người của hành động, không ưa lí thuyết, nên chê Tống nho “học rộng nhưng ít tài”, chê Khổng Tử thiếu ứng biến, chao đảo không quyết đoán.”[32]
 Trần Ngọc Vương trong “Phác thảo Nho giáo ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XV-XVII” cũng nhận định: “ Bước đầu nêu yêu cầu thẩm xét lại kinh điển Nho giáo, tuyển lựa lấy cái gì phù hợp cho Việt Nam- Bốn điểm ngờ vực đối với Luận ngữ phản ánh một tinh thần tự chủ trong học thuật- cả việc đưa Chu Công lên trên Khổng tử, cả việc tổ chức dịch kinh điển Nho giáo ra quốc âm cũng là trên tinh thần đó.”[33]
Cao Tự Thanh thì coi việc Hồ Quý Ly phê phán Tống Nho như là một biểu hiện của quá trình tìm kiếm học thuyết chính trị hoàn toàn độc lập với Trung Quốc:
“… Song mặc dù đã có một Trần Nghệ Tông phê phán lối rập khuôn thể chế Trung Hoa của “bọn học trò mặt trắng”, một Hồ Quý Ly chê bai những cây đại thụ của Tống nho Trung Quốc là “học rộng nhưng ít tài”, chính quyền cũng như giới trí thức Việt Nam thời Lý - Trần và cả Hồ sau đó vẫn không đưa ra được một học thuyết chính trị nào hoàn toàn độc lập với mô hình phương Bắc.”[34]
Ý kiến đánh giá của các nhà nghiên cứu hiện đại được trích trên đây chỉ là một phần những ý kiến, công trình đã được xuất bản, công bố có liên quan tới Hồ Quý Ly. Nhìn tổng thể, ý kiến của các nhà nghiên cứu hiện đại là khẳng định, đề cao, ca ngợi. So với sự đánh giá của các nhà Nho thời kỳ trung đại là hoàn toàn trái ngược. Chúng ta cũng nhận thấy các ý kiến đề cao, ca ngợi, khẳng định đối với tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly hầu hết đều đứng từ quan điểm dân tộc để đánh giá. Cũng có khi nó là một cái cớ để bày tỏ tình cảm dân tộc nồng hậu của chính tác giả bài viết hơn là sự phân tích khoa học.
Trong những thời kỳ ngọn cờ phản phong kiến được dương cao, Tống Nho bị đồng nhất với phong kiến cổ hủ, phản động, thì các ý kiến phê Tống Nho của Hồ Quý Ly càng được đề cao tán thưởng. Thái độ với Nho giáo của Hồ Quý Ly được coi là một thành tố của các hoạt động cải cách, tư tưởng cải cách, của sự đề cao tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc, đề cao văn hóa dân tộc. Việc Hồ Quý Ly chê bai các đại Nho Trung Quốc được xem như một bản lĩnh của nhà cải cách, một chủ động sáng tạo trong tiếp nhận và bản lĩnh dân tộc xét trong quan điểm đối xử với Nho giáo Trung Quốc.
Nhưng chúng ta cũng thấy các ý kiến khen ngợi của các học giả đã dẫn ở trên chủ yếu là khen, là tán dương mà chưa phải là những phân tích và nghiên cứu thấu đáo theo chiều sâu của từng vấn đề, từng câu chữ và cũng chưa ai đặt nó trong khung cảnh chuyên biệt của các vận động Nho học, cũng như đặt trong khung cảnh rộng hơn của sự vận động chính lịch sử Nho học để nhìn nhận, đánh giá. Và từ góc độ này, tuy khác các nhà Nho thời trước về thái độ và chiều hướng nhưng lại giống các nhà Nho về phương pháp thể hiện và cách nhìn nhận và đều chỉ là sự khen hay chê, tán thưởng hay bài bác.
Trong thực tế, những việc mà Hồ Quý Ly làm có thực sự là sự lật nhào đối với các nhà tư tưởng và chính trị đời Tống? Có phải là Hồ Quý Ly muốn đề ra một lý thuyết mới? Có phải ông ghét lý thuyết, có phải đó là khuynh hướng chống giáo điều? Có phải là chủ động tiếp thu và sáng tạo thì phải cho những lãnh tụ đề xướng và phát triển của Nho gia là trộm cắp?... đây chính là những chuyện còn cần phải làm rõ thêm.
       4.        Phân tích từ góc độ động cơ và mục đích
Các ghi chép  liên quan tới Hồ Quý Ly  là những sự kiện thuộc giai đoạn từ những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ XIV , cho tới khi người Minh bắt cha con Hồ Quý Ly đưa về Trung Quốc. Các sự kiện có liên quan tới thời kỳ làm quan và thời kỳ làm vua của Hồ Quý Ly kéo dài trên 30 năm lịch sử. Nhưng đọc kỹ các nội dung ghi chép trong cuốn sử ký này chúng ta thấy người ghi từ chỗ đứng là một nhà Nho chính thống (cái chính thống xét trên cơ sở các nhà Nho thấm nhuần tinh thần Nho học Tống Minh), đã chỉ chọn lọc những chi tiết, sự kiện nhằm chứng minh cho những sai lầm liên tiếp của vua Trần trong việc dùng Hồ Quý Ly, cũng như con đường  của họ Hồ đi từng bước tới cướp ngôi. Giống như việc xây dựng các nhân vật lịch sử khác, nhà Nho mang một thiên kiến có sẵn về một nhân vật lịch sử nào đó. Các chi tiết chọn lọc chỉ nhằm làm rõ một vài nhận định về nhân vật đã được định ra từ trước. Các ghi chép chỉ để dẫn dắt người đọc tới việc hiểu về một quá trình, vận động một cách ổn định của một nhân cách. Vì thế người chép sử chỉ chọn và chép các chi tiết phục vụ việc làm rõ nhân cách Hồ Quý Ly mà theo họ là kẻ gian thần, phản thần, bội đức, và một ông vua tiếm vị nhiều tội lỗi. Những chi tiết chỉ cho chúng ta thấy một phương diện về nhân vật lịch sử Hồ Quý Ly mà thôi. Tuy nhiên, điều này cũng có cái thú vị của nó. Vì chứng minh một nhân cách phản diện tiêu biểu, nên nhà Nho đã chú ý ghi chép cho hậu thế nhiều tình tiết sinh động ít thấy trong các ghi chép của nhà Nho về những ông vua nhân từ, kẻ sĩ đạo đức. Những người này thường chỉ được ghi chép rất chung chung mờ nhạt và ước lệ. Những tình tiết khá sống động này chủ yếu tập thành một hệ thống, hệ thống trái ngược với nguyên tắc đạo đức chính thống theo kiểu Tống Minh Nho. Việc chê bai Tống Nho cũng được ghi chép trong không khí chung như vậy. Theo tôi, người chép sử chép các sự kiện phê Tống Nho bao hàm cả chê sự khen của Nghệ Tông đối với 14 thiên Minh Đạo, và đồng thời chê “thiển kiến” của Hồ Quý Ly. Điều này chúng ta thấy rõ hơn trong ngay chính lời sử thần bàn rằng sau các đoạn ghi chép. Ghi để biếm trừng cả Nghệ Tông, các vua cuối triều Trần và Hồ Quý Ly, dĩ nhiên đối tượng chính vẫn là nhằm vào Hồ Quý Ly.
 Có thể thấy các sự kiện thể hiện thái độ của Hồ Quý Ly đối với Nho giáo đã dẫn ở trên diễn ra gần như liền nhau, liên tục trong các năm: 13921394;1395;1396. Nó cũng diễn ra vào thời điểm Hồ Quý Ly đang leo lên những nấc thang quyền lực cao nhất, trước khi giành ngai vàng. Những người chép các sự kiện thể hiện thái độ của ông với Nho giáo hầu như không chép tách bạch mà chép cùng, chép lẫn vào các sự kiện thâu tóm quyền lực. Điều này có thể là một ẩn ý. Chẳng hạn sự kiện năm Ất Hợi, niên hiệu Quang Thái 5 [1395]: “Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu cho Quý Ly được ở nhà bên hữu sảnh, đài gọi là “Hoa lư”. Quý Ly nhân biên chép thiên Vô dật, dịch  ra quốc ngữ để dạy Quan gia, mệnh lệnh ban ra thì xưng là Phụ Chính Cai Giáo Hoàng Đế.” (ĐVSKTT, Bản kỉ, q.8, tờ 25a-b) Chúng ta cũng cần phân tích, có mối liên hệ trực tiếp nào hay không giữa các nấc thâu tóm quyền lực và các chi tiết thể hiện thái độ của ông với Nho giáo. Sự kiện dâng sách Minh Đạo, dịch thiên Vô dật dạy vua trẻ, đề cao Chu Công…cho tới sự kiện Đoàn Xuân Lôi và Đào Sư Tích bị biếm trích vì phản đối Hồ Quý Ly cho ta thấy động cơ của Hồ Quý Ly khi thảo luận về Nho giáo mang sắc thái chính trị trực tiếp và đậm nét. Ông ta muốn đem sức mạnh của chính trị, của quyền lực ra áp đặt và điều khiển tư tưởng cùng học thuật của sĩ phu, quan lại. Hồ Quý Ly muốn nêu ra những ý kiến của riêng mình nhằm khẳng định phương diện tư tưởng và học thuật của mình trong con mắt của sĩ phu, bắt họ phải thừa nhận thậm chí là vì sợ hãi chứ không phải vì chân lý của học thuật. Cái mà Hồ Quý Ly muốn là sự thần phục của sĩ phu, bằng mọi cách, cả khoe kiến văn, tư tưởng, học vấn ( không cần biết đúng sai), lẫn thanh trừng, chém giết.
            Chúng ta sẽ phân tích kỹ từng sự kiện.
Hồ Quý Ly viết sách Minh Đạo 14 thiên. Hiện nay chúng ta không biết gì thêm về cuốn sách này ngoài mấy dòng ghi vắn tắt đã dẫn ở trên. Tuy nhiên, cái nhan đề của cuốn sách gợi cho chúng ta nhiều điều. Đặt tên sách như vậy, ông đã hết sức tự tín với học vấn của mình. Ông đã tự cho mình hiểu thấu được đạo lý thánh hiền và cảm thấy không hài lòng với những gì hiện có, những gì sĩ đại phu đang theo. Ông làm công việc nhắc lại, nhấn mạnh, làm sáng rõ về đạo. Đối với nhà Nho đó là việc của các bậc thánh hiền. Hậu Nho ai làm được việc đó thì cũng xứng đáng là thánh hiền. Ta có thể đọc thấy ý vị muốn khẳng định vị thế của mình như thánh hiền ở Việt Nam vậy. Ông muốn tạo một hậu thuẫn về tư tưởng cho các hoạt động chính trị và hoạt động cải cách của mình chăng? Những nội dung mà ông phê phán không nhằm vào toàn bộ Nho gia, mặc dù phê phán rất nhiều. Lại một vấn đề nữa đặt ra là Đạo mà Hồ Quý Ly muốn làm minh là đạo gì? Nó đương nhiên là Đạo Nho, nhưng thứ Nho nào? Chúng ta buộc phải đoán định việc này với những thông tin ít ỏi.
Củng cố vị thế trước sĩ phu về mặt tư tưởng, tạo hậu thuẫn tư tưởng cho cải cách và cho cả việc cướp ngôi… Theo tôi, việc thảo luận về Nho giáo của Hồ Quý Ly phải xét từ góc độ chính trị trước và là động  cơ trực tiếp. Việc coi đó là một sự lựa chọn chủ động cái mà Việt Nam cần, là óc phê phán độc lập e rằng có phần khiên cưỡng, và hơi xa thực tế tư tưởng ở con người này. Việc đề cao Chu Công, diễn nghĩa thiên Vô Dật[35] trước hết Hồ Quý Ly muốn ngầm ví mình đang làm một sự nghiệp vĩ đại tương tự như Chu Công đối với Thành Vương nói riêng và nhà Chu nói chung. Ông nhấn mạnh sự nghiệp của mình là đang phò tá cơ nghiệp nhà Trần, là đang có công lao cực lớn với nhà Trần. Điều này được vua Nghệ Tông làm rõ thêm bằng chính việc tặng ông bức Tứ phụ đồ, mà trong đó Chu Công có vị thế đặc biệt. Thứ hai, Chu Công là người chế lễ tác nhạc, người đặt ra mọi phép tắc cho nhà Chu và cũng là cho Trung Quốc cổ đại. Khổng tử về sau chỉ có “thuật nhi bất tác”[36], suốt đời mộng thấy Chu Công. Do đó, đề cao Chu Công là Hồ Quý Ly ngầm cho rằng các công việc cải cách, sắp đặt lại điển chương chế độ của mình đang làm là noi theo việc chế lễ tác nhạc của Chu Công. Do đó việc thảo luận về Nho giáo, đề cao Chu Công của ông là việc tìm kiếm chỗ dựa tư tưởng cho các hoạt động cải cách, là việc đề cao cách hoạt động canh cải đang diễn ra của ông. Thứ ba, chuẩn bị tư tưởng cho việc giành ngai vàng. Tư tưởng của Chu Công đương nhiên không phục vụ cho việc tiếm ngôi, nhưng chúng ta có thể phân tích điều này từ một góc độ khác.
 Câu chuyện đề cao Chu Công hay Khổng tử không phải là chuyện mới mẻ. Nó đã từng diễn ra từ đời Hán ở Trung Quốc, gắn với cuộc đấu tranh kim – cổ văn và sự kiện tiếm ngôi của Vương Mãng đời Hán. Chúng ta đều biết rằng, sau khi Hán Vũ Đế “bãi truất Bách gia, độc tôn Nho thuật”, phái kinh học Kim văn do Đổng Trọng Thư làm lãnh tụ đã đề cao loại kinh điển viết bằng văn tự thông dụng thời Tần Hán. Học phái này đề cao Khổng tử, cho rằng ông là tác giả chân chính của Lục Kinh. Học phái này cũng là tác giả của thuyết Tam Cương nổi tiếng và có ảnh hưởng lâu dài, trong đó quan hệ quân thần tôn nghiêm được đặc biệt nhấn mạnh. Phái Kim văn chiếm ưu thế trong một thời gian dài và các vị trí chính trị, các bác sĩ kinh trong nhà Thái học đều do các đệ tử kim văn học phái nắm giữ. Từ cuối đời Tây Hán, một số tác phẩm Cổ văn, viết bằng loại văn tự trước thời Tần được phát hiện và công bố. Việc đó dần làm hình thành một số nhà Nho đề cao và chỉ tin loại kinh điển viết bằng cổ văn. Khi Vương Mãng tiếm ngôi, thực hành cải chế ông ta đã thu dụng kiến nghị của Lưu Hâm, lập chức bác sĩ cổ văn, bài xích kinh học kim văn. Vương Mãng và các nhà Cổ văn kinh học cho rằng, tác giả chân chính của kinh điển là Chu Công chứ không phải Khổng tử. Người chế lễ tác nhạc chân chính là Chu Công. Khổng tử chỉ là Tiên sư, Chu Công mới thực sự là tiên thánh. Việc chuyển từ đề cao Kim văn sang Cổ văn, từ đề cao Khổng tử sang Chu Công thời kỳ đó là hoạt động học thuật nhưng thực sự đó là vấn đề chính trị. Vương Mãng thay đổi dòng tư tưởng chính thống được kiến lập từ đầu đời Hán để có được một tư tưởng khác làm hậu thuẫn cho Tân triều.
Học giả Trung Quốc Hà Thành Hiên cho rằng Hồ Quý Ly ngầm tuyên bố sẽ cướp ngôi như Vương Mãng: “Có một điều bí mật lớn nhất mà ông không công khai nói ra, chính là ông muốn bắt chước việc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, chiếm lấy chính quyền họ Trần rồi thay thế nó. Quả nhiên, ông đã làm đúng như vậy.”[37]
Theo tôi điều này không thỏa đáng. Việc Vương Mãng cướp ngôi diễn ra đã hơn 1000 năm trước thời Hồ Quý Ly. Sử gia, nhà Nho đã từng phê phán Vương Mãng rất gay gắt. Chỉ cần sự khôn ngoan tối thiểu, Hồ Quý Ly cũng không dại gì ví mình với Vương Mãng, sự ngầm ví đó chỉ bất lợi cho ông ta. Việc làm của Hồ Quý Ly là muốn lái chuyển tư tưởng sĩ phu đi lệch khỏi quỹ đạo chính đang diễn ra, sự đi lệch cái không khí chính thống đang diễn ra, hoặc chí ít cũng là làm rối nhiễu tư tưởng kẻ sĩ có lợi cho việc thoán đoạt. Vương Mãng đã từng làm như vậy. Hồ Quý Ly cũng đã làm một việc tương tự xét về mặt phương pháp, chứ không phải ông ngầm thổ lộ sẽ cướp ngôi. Thời kỳ Lý, Trần, tuy Tống Nho chưa được giới thiệu nhiều, nhưng kể từ khi lập Văn miếu thờ Khổng tử và nhà Thái học, Khổng tử luôn có vị thế tôn quý nhất. Từ khi Chu Văn An được tòng tự, các học trò của Chu Văn An ngày càng có ảnh hưởng, không khí tôn trọng đạo đức, danh giáo, trật tự cương kỷ chắc chắn dần đi vào nền nếp và thành dòng chính của thời đại. Việc Đào Sư Tích và Đoàn Xuân Lôi bị biếm trích càng chứng tỏ dụng ý chính trị và dùng quyền lực chính trị để lái chuyển tư tưởng của Hồ Quý Ly. Và đương nhiên, công việc này của ông ta đương thời đã gặp phải sự chống đối từ phía các sĩ phu.
Như vậy phương diện thứ nhất mà chúng tôi nhấn mạnh trong việc phân tích lại các sự kiện liên quan tới tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly chính là sự khẳng định bản chất chính trị, tính mục đích chính trị của Hồ Quý Ly trong các hoạt động này. Nó xuất phát từ dụng ý cá nhân khá sâu xa, phục vụ cho việc đề cao bản thân, tìm chỗ dựa tư tưởng cho hoạt động cải cách, và thậm chí cho cả hành động giành lấy ngai vàng. Điều này không nên coi là một sự hạ thấp đối với ông, mà muốn hướng tới phân tích và làm rõ thực chất của vận động tư tưởng.
       5.        Nhìn từ truyền thống lớn của Nho học
Chúng ta lại cần thiết phải đọc và phân tích các sự kiện từ một góc độ khác nữa để thấy thêm diện mạo tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly.
Hồ Quý Ly phê rất nhiều người: Khổng tử, Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Di, Chu Hy và nhiều nhà Đạo học đời Tống khác. Ông phê phán với những lời lẽ hết sức nặng nề. Có thể nhận thấy một hệ thống trong việc phê phán của Hồ Quý Ly. Khổng tử bắt đầu được khẳng định và đề cao từ đời Hán. Cùng với việc lập miếu thờ tự, các điển lễ thờ tự ở quê hương ông, người ta bắt đầu tôn ông lên thành Tố Vương (vua không ngôi). Tuy nhiên, đời Hán, Khổng tử không phải có uy quyền tuyệt đối trong tư tưởng sĩ phu.  Đến đời Đường, Hàn Dũ là người đề cao đạo thống Nho gia, là khúc tiên khởi cho các hoạt động phục hưng Nho học đời Tống. Các nhà Đạo học đời Tống từ Chu Đôn Di, Nhị Trình, Chu Hy, đều đặc biệt đề cao Khổng tử, đẩy Khổng tử lên địa vị thống trị tinh thần cao nhất, tuyệt đối. Họ cũng đề cao Hàn Dũ ở công lao phù trì chính đạo, họ kế tục và phát huy tư tưởng Đạo thống của Hàn Dũ, dẫu không đặt ông vào dòng truyền thừa chính thức của Nho gia bởi sự thiếu vắng các công trình tư tưởng được xem là có đóng góp của ông. Chu Hy đã xác lập sự đặt ra Tứ thư và tôn Khổng- Tăng- Tư- Mạnh là dòng truyền thừa chính thống của Nho gia. Các nhà Đạo học Chu Đôn Di, Nhị Trình và Chu Hy được các học giả đầu đời Minh đặt vào cùng một hệ thống và ghi nhận công lao của họ trong việc chấn hưng Nho học Khổng Mạnh, nối được dòng đã tuyệt.
Như vậy việc phê phán của Hồ Quý Ly chính nhằm vào dòng chính thống của Nho gia, mà trực tiếp nhất là các đại biểu của phái Lý học trong Tống Nho (nhưng không phải là tất cả Tống Nho, vì không thấy ông nhắc đến các đại biểu như Trương Tái, Thiệu Ung, Trình Hạo, Lục Cửu Uyên và các thành viên thuộc các dòng phái này).
Vấn đề quan trọng nhất theo tôi nằm ở chỗ, Hồ Quý Ly chê điều gì ở Tống Nho và Khổng, Hàn? Ông ta chê một vài điểm thuộc về hành trạng, quan hệ và việc xuất xử của Khổng tử, chê Hàn Dũ ( 768-824 ); Chê các nhà Đạo học đời Tống là “tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt”. Việc chê Khổng tử ở bốn điều, những cái đó hầu như không có gì mới, các nhà Nho Trung Quốc cổ kim cũng đã rất nhiều lần bàn cãi về những điều này, việc khen hay chê, bao hay biếm với các sự kiện đó lệ thuộc vào thái độ của họ đối với Khổng tử. Hồ Quý Ly không nhằm gì vào những điểm cốt yếu trong tư tưởng và học thuyết của Khổng tử như Nhân học và thuyết tu dưỡng của ông. Khó có thể coi việc chê Khổng tử mấy điểm về hành vi là việc xem xét lại hệ thống kinh điển. Việc chê Đạo học gia đời Tống cũng vậy, Hồ Quý Ly không hề nhằm vào vũ trụ luận, tâm tính học của họ. Điều này có phần giống với Trương Hán Siêu, Lê Quát từng phê phán Phật giáo vậy. Tuy nhiên việc chê các học giả Tống Nho là “tuy học rộng nhưng ít tài, không sát với sự việc, chỉ thạo cóp nhặt” là có nội hàm tư tưởng, đáng chú ý và cần thiết có thêm một sự phân tích tỷ mỷ nữa.
Nhìn lướt lại lịch trình vận động của Nho gia, ta thấy Chu Công là người đặt những nền móng quan trọng cho lễ nhạc, điển chương chế độ cho văn hóa Trung Quốc nói chung và Nho gia nói riêng. Bản thân Khổng tử cũng là người tự nhận mình có sứ mệnh truyền nối cái Đạo của Chu Công. Chu Công là người mà ông tôn sùng suốt đời. Tuy nhiên, Nho gia chỉ thực sự là Nho gia với những bản sắc riêng qua sự đào luyện, tổng kết và các sáng tạo của bản thân Khổng tử. Khổng tử là người đặt ra các yêu cầu cơ bản của cả hai phương diện Nội thánh - tu dưỡng đạo đức nội tại theo chuẩn mực thánh hiền và Ngoại vương - chính trị thực hành. Nội thánh là hướng nội công phu tu dưỡng và Ngoại vương là hành động trị quốc bình thiên hạ, giáo dân, tế dân theo chuẩn mực của chính trị khoan dân huệ dân. Trong tư tưởng của Khổng tử, nội thánh là cơ sở, là nền tảng, là xuất phát điểm, còn ngoại vương là mục đích hướng tới. Nội thánh là cơ sở và ngoại vương là mục đích. Hai phương diện này thực chất cũng là một thể thống nhất không thể tách rời. Thời Khổng tử, hai phương diện này đều được coi trọng, thậm chí ngoại vương còn có phần được đánh giá đặc biệt cao. Trong cách nhìn của Khổng tử, nếu ai đó dù có khiếm khuyết chút nào đó về đạo đức, nhưng có công lao đặc biệt to lớn với dân chúng thì vẫn có thể coi đó là bậc Nhân. Những đánh giá về nhân vật Quản Trọng là một ví dụ. Nho gia Khổng tử là Nho gia còn khá cân bằng ở hai phương diện: Đạo đức tu dưỡng, nội tỉnh công phu, rèn luyện nhân cách và thực hành đạo ra thiên hạ, nắm lấy chính trị và hành động vì dân chúng. Đến thời Mạnh tử, do những biến động của thời đại, trước sự thắng thế của xu hướng cai trị và định hướng xã hội mà theo cách nhìn của Nho gia là bá đạo, là những hành động bất chấp đạo lý, công lý, lẽ phải, lấy hiệu quả làm trên hết, trái với truyền thống nhân văn cổ đại Trung Quốc, Mạnh tử ra sức nhấn mạnh phương diện đạo đức tu dưỡng của Nho gia. Tâm tính học của Nho gia tới Mạnh tử trở nên mạch lạc và có hệ thống hơn hẳn. Trong học thuyết của Mạnh tử, phương diện ngoại vương, nền nhân chính chỉ là hệ quả, là phụ thuộc theo nội thánh. Các đạo học gia đời Tống coi Tăng- Tư- Mạnh là đích phái của Nho gia chính là ghi nhận phương diện truyền thừa và phát huy tâm tính học, phát huy phương diện nội thánh. Nhưng cũng bắt đầu từ Mạnh tử, sự phát triển của Nho gia bắt đầu dần thiên lệch về đạo đức tu dưỡng mà nhẹ dần phần chính trị thực hành.
Đến các học giả đời Tống, phương diện tu dưỡng đạo đức, công phu nội tỉnh bị đẩy tới cực đoan. Họ thảo luận nhiều tới các vấn đề vũ trụ luận, nhân tính luận, nhưng cái đích cuối cùng vẫn là nói tới sự tu tâm dưỡng tính. Nội thánh lấn át tất cả. Lý Trạch Hậu đã phân tích rất thuyết phục về đặc điểm này của nho học Tống Minh :
chỉ cần mở Chu tử ngữ lục, Cận tư lục, Truyền tập lục là có thể nhìn rõ cái học mà họ giảng, nghiệp mà họ trao, chủ yếu thậm chí toàn bộ đều là tu thân nội tỉnh, rất ít nghiên cứu tham thảo đến vấn đề kinh thế trí dụng…
Gần đây khi nghiên cứu chính trị quan liêu của Trung Quốc, người ta cũng chỉ ra rằng từ thời Tống trở đi, nhu cầu đạo đức áp đảo tất cả, ít hỏi thậm chí không hỏi đến tài năng chính trị và chính tích như thế nào, mà phần nhiều chỉ xét từ phương diện đạo đức tiết tháo có trung hiếu hay không, có liêm khiết phụng công hay không để làm tiêu chuẩn phong bổ quan lại. Cũng vì lý do này đã khiến cho thể chế quan liêu phong kiến vốn có ngày càng bế tắc, nội hướng, hủ mục, ngày càng mất đi hiệu năng hành chính vốn đã không cao, và đây cũng chính là một trong những hậu quả của việc Lý học trở thành hình thái ý thức thống trị.”[38]
            Có thể thấy, Hồ Quý Ly chê Trình Chu “học rộng, nhưng ít tài, không sát với sự việc” chính là phê phán góc độ kinh thế, phương diện chính trị thực hành, phê họ quá thiên lệch về phương diện đạo đức tu dưỡng mà xem nhẹ quyền thuật chính trị, hiệu quả thực tiễn của hành động. Điều này cũng không hẳn là khuynh hướng chống giáo điều như một vài người nhận định. Nếu các học giả đời Tống đề ra các lý thuyết chính trị là lý luận cai trị mới, nhưng đẩy các lý thuyết đó thành vạn năng, và chỉ biết có lý thuyết thì việc Hồ Quý Ly chống lại các lý thuyết đó mới được gọi là chống giáo điều.
 Hợp cả việc khen và chê của Hồ Quý Ly, ta thấy, ông chủ trương và đề cao hành động chính trị thực tiễn, đề cao hành động, lấy hiệu quả thực tiễn làm tiêu chuẩn chứ không phải đạo đức nhân nghĩa. Về nhận định này, đã từng có một số người nói tới.
 Vấn đề ở Hồ Quý Ly không phải ở chỗ giữa lý thuyết và hành động. Việc chê Tống Nho của ông không phải là chê lý thuyết. Đạo đức và tâm tính học ở họ xét trong quan hệ với chính trị thực hành không phải là quan hệ giữa lý thuyết với thực tiễn, mà là việc nhấn mạnh phương diện này hay phương diện khác của chính học thuyết Nho gia. Đạo đức tâm tính cũng là một loại thực tiễn, nó là thực tiễn đạo đức, nó là nội tại công phu tu dưỡng và điều tiết. Nó khác và phân biệt với hướng ngoại, thực hành đạo trị- thực tiễn chính trị, điều mà Nhà Nho gọi là kinh thế học. Những người đi trước đánh giá về Hồ Quý Ly không coi trọng lý thuyết là không sai nhưng có vẻ như chưa chỉ ra đúng thực chất và gọi đúng tên của nó.
Trong truyền thống của Nho gia, không phải chỉ có các nhà đạo đức như Mạnh tử, Trình Chu, Lục Vương, người ta còn thấy cả một loạt các nhân vật nhà Nho hành động, coi trọng thực tiễn kinh thế, họ cũng thường hướng tới cải cách. Những nhân vật loại này chẳng hạn như Vương An Thạch trước Hồ Quý Ly và Trương Cư Chính sau ông không xa. Trong con mắt các nhà đạo đức (đồng thời được xem là chính thống), những người như Vương An Thạch và Trương Cư Chính thường không được đề cao. Họ thường bị chê trách và gán cho đủ thứ tội. (Điều này chúng ta sẽ thấy các sử gia từ Ngô Sĩ Liên đến Ngô Thì Sĩ, những người thấm nhuần đạo học Trình Chu, chê bai Hồ Quý Ly và cũng đồng thời thể hiện quan điểm đạo đức chính thống của họ như thế nào.)
Người viết bài này nhấn mạnh, việc chê Tống Nho của Hồ Quý Ly trước hết xuất phát từ nhu cầu đem tư tưởng hậu thuẫn cho hoạt động chính trị và cải cách. Nó khẳng định tinh thần trọng thực tiễn, trọng hoạt động kinh thế hơn công phu tu dưỡng đạo đức. Đạo đức chính thống theo Tống Nho chống lại chính các hành động tiếm quyền và vượt phận của Hồ Quý Ly. Điều này khiến ông không đề cao là dễ hiểu. Tống Nho đề cao tu dưỡng đạo đức một cách công phu, một phần đẩy các quan hệ cương thường, vua tôi cha con lên thành nguyên lý tối cao bất khả xâm phạm: Thiên Lý. Thiên lý ấy có lợi cho chính trị chính thống và chống lại các hành động tiếm việt. Đương nhiên điều đó chẳng có lợi gì cho Hồ Quý Ly. Đề cao kinh thế, tức lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo, điều này dễ biện minh cho các hành động của ông hơn. Nó cũng phù hợp với con người thích hành động và con người cải cách, chủ trương cải cách của Hồ Quý Ly. Đó không phải là sản phẩm của sự cọ sát tư tưởng ở chiếu sâu, là sự đối thoại của các dòng ý kiến, những khác biệt trong tư duy triết học mà là sự lựa chọn những gì phù hợp và phục vụ được cho mục đích thực dụng của Hồ Quý Ly.
Nếu xét từ góc độ phân tích các tệ hại do việc đề cao một cách cực đoan đạo đức, tu dưỡng của Tống Nho đối với đời sau thì ta thấy hành động của Hồ Quý Ly có ý nghĩa tích cực nhất định.  Nó cũng cho thấy ở thời điểm cuối thế kỷ XIV, ảnh hưởng của Tống Nho còn chưa thực mạnh ở Việt Nam. Ở một chiều khác, việc khen chê của Hồ Quý Ly lại cũng cho ta thêm một minh chứng về sự thắng thế của khuynh hướng thực tiễn, trọng chính trị thực hành hơn công phu tu dưỡng đạo đức của Nho học Việt Nam. Tu dưỡng đạo đức trì kính, thận tư quá phức tạp theo kiểu của Trình Chu rõ ràng không hấp dẫn và không hoàn toàn phù hợp với Nhà Nho Việt Nam ở bất kỳ thời điểm lịch sử nào, ngay cả khi đạo đức được đề cao nhất như triều Nguyễn giữa thế kỷ XIX.
 Có một nhà Nho cùng thời với Hồ Quý Ly đã có một đánh giá về ông đáng chú ý, đó là Nguyễn Trãi. Trong bài thơ Quan hải[39], Nguyễn Trãi đã dùng một từ rất đắt và theo tôi là rất chính xác để nói về Hồ Quý Ly – Nguyễn Trãi gọi ông ta là anh hùng, “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (người anh hùng để hận đến muôn đời). Đúng ông là nhân vật người anh hùng. Ông không phải là nhà đạo đức, không câu nệ ở đạo đức. Và đương nhiên, khi người anh hùng đó thảo luận về tư tưởng thì cũng sẽ có chất “anh hùng” trong thảo luận về tư tưởng hơn là dáng dấp học giả, chất Nho lâm, tức là cũng có chút ít chất võ biền trong chữ nghĩa. Chất “anh hùng” ấy giúp Hồ Quý Ly không cảm thấy e ngại khi giải thích kinh điển không theo Trình Chu, chê Khổng Phu tử, thích đề cao ai mặc theo sở đắc và dụng ý của mình. Người anh hùng ấy lại đang nắm quyền lực chính trị trong tay, thì sự phát biểu lại càng không cần phải ngại ngùng gì nữa. Chất anh hùng ấy giúp ông thoát được những cái bóng, những nỗi ám ảnh,những sợi dây ràng buộc mà những nhà nho khác không vượt qua được.
Lời kết
Tư tưởng của Hồ Quý Ly không phải là tiêu biểu cho tư tưởng của Việt Nam nói chung, bằng chứng là trước và sau ông người ta đang giới thiệu Tống Nho. Đó là một thái độ cá nhân, một cá nhân quan trọng, nó xuất phát từ một hoàn cảnh đặc định và mục đích cũng rất cá nhân… Không nên quá nhấn mạnh và đề cao việc phê bình Tống Nho của Hồ Quý Ly, không nên coi đó như biểu tượng của tinh thần dân tộc, là biểu tượng của sự chủ động và sáng tạo, là tiêu biểu cho tinh thần tiếp thu có chọn lọc và phê phán đối với Nho giáo. Sự đề cao thái quá và thiếu cơ sở đó cũng đồng nhất với việc trình ra cho thế giới một bức tranh về sự nông cạn và quá thiên về thực dụng của các nhà Nho Việt Nam trong lịch sử.
Hồ Quý Ly trước sau vẫn là một nhà Nho. Không những thế ông còn là người đóng vai trò mở đường cho Nho giáo và tầng lớp sĩ phát triển mạnh vào giai đoạn tiếp theo. Ông chỉ tiêu biểu cho một cách lựa chọn, một lại thái độ, một xu hướng của nho gia. Thái độ ấy có đầy những lý do và toan tính cá nhân, chịu sự quy định của hoàn cảnh lịch sử đặc định.
Hà Nội tháng 4 năm 2009
N.K.S.




Thư mục tài liệu tham khảo chính

1.      Quốc Ấn:  Hồ Quý Ly, nhân vật lỗi lạc nhất thời đại từ Đông sang Tây- Nam Cường, Sài Gòn 1974.
2.      Đại Việt sử ký toàn thư: NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1998.
3.      Phan Đại Doãn ( chủ biên): Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia , Hà Nội -1998.
4.      Lý Trạch Hậu: Trung Quốc tư tưởng sử luận,An Huy Văn nghệ xuất bản xã, An Huy 1999.
5.      Trần Đình Hượu: Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hóa, HN 1995.
6.      Hà Thành Hiên: Nho học Nam truyền sử, Bắc kinh đại học xuất bản xã, Bắc kinh 2000.
7.      Phùng Hữu Lan: Lịch sử triết học Trung Quốc( Lê Anh Minh dịch),  NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 2006.
8.      Nguyễn Danh Phiệt: Hồ Quý Ly- Viện Sử học & NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội 1997.
9.      Tạ Chí Đại Trường:  Sử Việt đọc vài quyển, Văn mới, California  2004.
10.  Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa:  Cải cách Hồ Quý Ly- NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1996
11.  Nguyễn Tài Thư ( Chủ biên):Lịch sử tư tưởng Việt Nam,T1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội  1993.
12.  Phạm Văn Sơn: Việt sử toàn thư, Khai trí, Sài Gòn 1960.
13.  Whitmore, John K -Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421)- Yale University Press -1985
14.  Nhiều tác giả; Dòng họ Hồ và Hồ Quý Ly trong lịch sử ; NXB Văn hóa Sài gòn, TPHCM 2008
15.  Lý Quốc Tường (chủ biên): Minh Thực lục loại toản, thiệp cập hải ngoại, Việt Nam quyển, Vũ Hán xuất bản xã, Hồ Bắc 1991.






[1] PGS.TS, công tác tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Văn bản Đại Việt sử ký toàn thư mà chúng tôi sử dụng trong bài viết là bản  dịch của  Hoàng Văn Lâu, theo bản in năm 1697, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998.
3 Chu Công: Tức Chu Công Đán, là quan chủng tề của nhà Chu. Chu Vũ Vương Phát chết, con là Thành Vương Tung lên ngôi lúc 13 tuổi. Chu Công phải trông coi mọi việc, giúp Thành Vương đến lúc trưởng thành.
[4] Khổng tử (-551- 479 TCN), tên là Khâu, tự Trọng Ni, người sáng lập học phái Nho gia Trung Quốc
[5]
[6] Luận ngữ: một kinh điển quan trọng của Nho gia, sách ghi lại lời giảng của Khổng tử cho các học trò cùng những đàm luận đối thoại của thầy trò ông. Đây là cuốn sách thể hiện đầy đủ và tập trung nhất tư tưởng của Khổng tử cũng như tư tưởng của học phái Nho gia.
[7] Sự kiện Khổng tử yến kiến Nam tử: Xem thiên “Ung dã” sách Luận ngữ.
[8] Khổng tử tuyệt lương ở đất Trần: Xem thiên “Vệ Linh công” sách Luận ngữ, Khổng tử và các học trò từ Vệ sang Trần, dọc đường bị vây hãm, hết lương, người đi theo đói đến nỗi không đứng dậy được.
[9] Công Sơn Phật Hất: thiên “Dương Hóa” sách Luận ngữ kể việc Công Sơn tức Công Sơn Phất Nhiễu, làm quan tễ cho họ Quý, giữ đất Phí làm loạn. Phật Hất làm quan tễ ấp Trung Mâu, gia thần của quan đại phu Triệu Giản Tử nước Tần.
[10] Đạo nho: có nghĩa “Nho trộm cắp”
[11] Chu Mậu Thúc: Tức Chu Đôn Di (1017-1073), hiệu là Liêm Khê, soạn Thái cực đồ thuyếtThông Thư, được coi là người khai sơn của Lý học đời Tống.
[12] Trình Di (1032-1085), còn gọi là Trình Y Xuyên,  cùng em là Trình Hạo, đều là các bậc học giả nổi tiếng đời Tống, được người đời xưng là Nhị Trình tiên sinh.
[13] Dương Thì (1044-1130): tự là Trung Lập, hiệu là Quy Sơn tiên sinh, học trò của Trình Di.
[14] La Trọng Tố: Tức La Tùng Ngạn, hiệu là Dự Chương tiên sinh, học trò của Dương T.
[15] Lý Diên Bình: Tức Lý Đồng, là học trò của La Tùng Ngạn và là thầy học của Chu Hy.
[16] Chu Tử: tức Chu Hy (1130-1200), học giả nổi tiếng thời Nam Tống, người được coi là tập đại thành của Tống Nho, lãnh tụ của phái Lý học.
[17] Chu Công: Tức Chu Công Đán, một đại quý tộc nhà Chu đã có công giúp đỡ, phụ chính cho vua Thành Vương nhà Chu khi ông này còn nhỏ một cách chính trực và tài ba, đồng thời là người có công chế định điển chương chế độ lễ nhạc cho nhà Chu.
[18] Hoắc Quang: Người đời Hán, đại thần chính trực phụ chính giúp Hán Chiêu Đế
[19] Gia Cát: Tức Khổng Minh Gia Cát Lượng thừa tướng của Lưu Bị, Lưu Bị chết Gia Cát Lượng lại tiếp tục phù giúp cho Hậu chúa tức Lưu Thiệu.
[20] Tô Hiến Thành: Một bậc trung thần đời Lý, từng làm thái úy đời Lý Cao Tông, nhận di mệnh của Lý Cao Tông phù vua nhỏ là Long Cán lên nối ngôi khi vừa tròn 3 tuổi.
[21] Họa Lư: chỉ nhà ở của đại thần thân cận vua.
[22] Các ghi chép về Hồ Quý Ly, Việt sử thông giám cương mục, về cơ bản không có gì khác với Đại Việt sử ký toàn thư. Thiên Nhân vật chí trong  Lịch triều hiến chương loại chí, chỉ có vài dòng vắn tắt về Hồ Quý Ly. Phần có nhiều lời bàn và quan điểm đánh giá Hồ Quý Ly sau Sử ký toàn thư phải kể tới  Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, tuy nhiên Ngô Thì Sĩ chỉ nói tỷ mỷ hơn mà không có gì khác đáng kể về phương diện tư tưởng, quan điểm so với các tác giả của Đại Việt sử ký toàn thư.
Sách  Minh thực lục ghi chép rất nhiều sự kiện liên quan tới giai đoạn cuối Trần, triều Hồ và thời kỳ thuộc Minh. Tuy nhiên các ghi chép này chủ yếu thể hiện quan hệ bang giao Việt - Trung, những hoạt động chuẩn bị cho cuộc chinh phạt Việt Nam mà không cho biết gì thêm về tư tưởng và học thuật của Hồ Quý Ly. Xem: “Minh thực lục loại toản – thiệp cập hải ngoại- Việt Nam quyển.
[23] Các trước tác của Hồ Quý Ly hiện nay đều thất truyền, nó cũng là tình hình chung của nhiều thư tịch thời Lý Trần khác, nhưng đối với Hồ Quý Ly, tài liệu của ông nếu chính xác là có tư tưởng bài bác Khổng tử và các vị đại Nho đời Tống như các mô tả còn lại thì người Minh chắc chắn không để cho chúng còn được lưu hành tại Việt Nam. Mặt khác, chúng ta cũng không hoàn toàn loại trừ khả năng, những tài liệu  về thái độ của Hồ Quý Ly đối với Nho giáo mà thế hệ các nhà Nho  sử gia sau 1427 được tiếp xúc đã có dấu ấn và tác động của người Minh.  Những người mang danh phù Trần diệt Hồ, bắt cha con Hồ Quý Ly mang về Trung Quốc xử tội cũng có thể đã làm việc dựng lên và tuyên truyền về  một chân dung Hồ Quý Ly ly kinh bội đạo để hợp pháp thêm cho công cuộc tiêu diệt nhà Hồ và chiếm đóng Đại Việt.
[24] Lục kinh: chỉ sáu tác phẩm kinh điển của Nho gia gồm: Thi, Thư, Lê,Nhạc, Dịch, Xuân thu.
[25] Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án, bản dịch của Hội Việt Nam Nghiên Cứu Liên Lạc Văn Hóa Á Châu,Sài Gòn 1960.
[26] Xem Trần Trọng Kim-  Việt Nam sử lược- NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2004, Tr184.
[27] Liêm, Lạc, Quan, Mân: là một cách gọi theo địa bàn cư trú và giảng học các đại Nho đời Tống, lần lượt chỉ Chu Liêm Khê, Trương Tái, nhị Trình và Chu Hy.
[28] Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam cổ văn học sử- Hàn Thuyên Hà Nội xuất bản năm 1942….
[29] Lịch sử tư tưởng Việt Nam, T1, NXB Khoa học Xã hội 1993- Tr226-227
[30] Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, phần “Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly”,
[31] Việt sử toàn thư – Cuộc cách mạng của Hồ Quý Ly
[32] Tạ Chí Đại Trường: Sử Việt đọc vài quyển, Văn mới;Califonia 2004. Tr66.
[33] Trần Ngọc Vương: “Phác thảo Nho giáo ở Việt Nam giai đoạn thế kỷ XV-XVII”, in trong: Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 16-17.
[34] Cao Tự Thanh:  Nho giáo với lịch sử Việt Nam- Tạp chí Hán Nôm, số 1, 2005.
[35] Vô Dật là thiên trong sách Thượng thư, ghi lại lời của Chu Công  cáo giới vua Thành vương về sự chuyên cần trong chính sự và phương pháp trị thiên hạ, cũng là lời của Chu Công huấn thị các quan về ý nghĩa của sự chuyên cần và những tâm gương mẫn cán với chính sự trong lịch sử. Thiên này đồng thời cũng thể hiện tư tưởng chính trị của Chu Công.
[36] Chữ dùng của Khổng tử ghi trong thiên “Thuật nhi” sách Luận ngữ.
[37] Hà Thành Hiên: Nho học Nam truyền sử, Bắc Kinh đại học xuất bản xã. Bắc Kinh 2000. Tr 346.
[38] Lý Trạch Hậu:Trung Quốc cổ đại tư tưởng sử luận, An Huy văn nghệ xuất bản xã, An Huy 1999, trang 272-274.
[39] Bài Quan Hải của Nguyễn Trãi không nói trực tiếp tới  Hồ Quý Ly, nhưng việc đóng cọc gỗ và lấy xích sắt chăng ở cửa sông,  là việc có thực vào các năm 1404, 1405 được ĐVSK ghi lại; việc Hồ Nguyên Trừng nói: Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo; sự kiện người anh hùng chí lớn thất bại… tất cả những điều đó hợp lại khiến chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng đây là những dòng thơ bi khái về lịch sử, con người, sự kiện có liên quan tới Hồ Quý Ly và người anh hùng được Nguyễn Trãi nói tới không phải ai khac, chính là Hồ Quý Ly.