12 tháng 11, 2011

TRIỂU NGUYỄN CÓ LỆ "TỨ BẤT" HAY KHÔNG?

                                                                           Dương Phước Thu

Những rảnh rỗi tôi thường cùng nhóm bạn bàn luận chuyện ngày xưa: “Triều Nguyễn có lệ Tứ bất không?”. Đôi khi lại nghe “Triều Nguyễn ban luật Tứ bất”. Thi thoảng tôi lại gặp trên một vài trang báo hay ở một vài cuốn sách biên khảo về Huế xưa, nhiều tác giả cũng đã khẳng định chắc chắn như vậy. Và xem ra lệ ấy là có thật.
Lệ Tứ bất như lâu nay người ta vẫn thường giải thích, là bốn điều không, có người nâng lên thành bốn điều cấm không được làm.
Dưới thời Nguyễn (1802-1945), chiếu theo lệ ấy thì “Vua không lập Hoàng hậu khi vua đương tại vị, không phong chức Tể tướng, không ban tước Vương cho người trong hoàng tộc đang còn sống và thi cử không lấy đỗ Trạng nguyên”. Điển chế một triều đại đã quy định như thế.
Thi thoảng lục tìm tư liệu, tôi lại bắt gặp ở một số cuốn sách khác viết về cái lệ này và lấy làm ngờ ngợ. Tại sao Vua Gia Long mở đầu vương triều và Vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn đều tấn phong vợ mình lên ngôi Hoàng hậu? Nhiều người giải thích rằng, lệ này kể từ triều Minh Mạng (1820-1840) trở về sau mới có. Đến đời Bảo Đại, ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn theo Tây học, nước mất chủ quyền, vua chỉ là hư vị nên đã phá bỏ cái lệ ấy.
Những ngày cuối năm giáp tết, trời Huế mưa nhiều, tôi đóng cửa nằm nhà đọc lại mấy bộ chính sử, cố tìm xem lệ (hay luật) Tứ bất nằm ở sách nào để được thấu suốt vấn đề bấy lâu còn ngờ ngợ, nhưng đành chịu.
Một lần, khi đọc bộ Đại Nam thực lục chính biên, bộ sử chính thống của nhà Nguyễn và Nguyễn Phúc tộc thế phả cuốn tộc phả chép khá đầy đủ về họ Nguyễn Phúc, tôi gặp một đoạn sử ghi khá kỹ về việc phong tước Vương và thi cử, liên quan đến cái lệ Tứ bất này.
Về tước Vương không phong cho người trong Hoàng tộc đương còn sống. Tôi phải nói ngay rằng đó là suy diễn sai.
Theo Nguyễn Phúc tộc thế phả thì có ít nhất 7 Hoàng tử được phong tước Vương khi còn tại thế.
Về thi cử. Khoa thi Kỷ Sửu, 1829, năm Minh Mạng thứ 10. Nhà vua sai định lại phép thi Điện, Bộ Lễ tâu rằng: “Khoa trước (tức khoa 1822 và 1826) duyệt quyển, chia làm (các hạng) ưu, bình, thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số, duy văn đình đối sự lý quan trọng hơn, nên cho phân số nghiệt hơn một bực (như văn lý thi Hội được hai phân (điểm) thì Điện thí cho một phân).
 Nên quy định lại: phàm văn lý được mười phân thì xin cho đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ Nhất danh (Trạng nguyên); chín phân thi đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ Đệ Nhị danh (Bảng nhãn); tám phân thì đỗ Đệ Nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ Tam Danh (Thám hoa); bản phân, sáu phân thì lấy đỗ Đệ Nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp); năm phân trở xuống thì Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (Tiến sĩ). Trường hợp lâm thời mà nhà vua đặc cách cho đỗ thì không kể theo lệ ấy. Lại như khoa trước bảng vàng đóng ấn “Hoàng đế chi bảo”, nay xin đổi đóng ấn “Khâm văn chi tỷ”.
Lúc trước các quan sung vào làm việc ở trường thi từ đầu là do Bộ Lại sao chép lời chỉ, nay xin được cấp “Chiếu văn” để thi hành. Vua Minh Mạng y lời tâu ấy, cho thực hiện.
Khoa thi Điện năm Kỷ Sửu 1829, vua Minh Mạng sai Tả Thống chế quân thị trung là Nguyễn Văn Trọng sung chức Giám thị đại thần, Thượng thư Bộ Lại là Lê Đăng Doanh, Hữu Tham tri Bộ Lễ là Phạm Huy Thực, Hữu Tham tri Bộ Binh là Lê Văn Đức, Hữu Thi lang Bộ Công là Hà Quyền sung đọc quyển; Lang trung Bộ Hộ là Ngụy Khắc Tuần, Lang trung Bộ Binh là Vũ Phan sung chức nhận quyển và duyệt quyển.
Sau hôm thi, vua Minh Mạng ngự chầu, bảo với đám Phạm Huy Thực rằng: “Nước nhà mới trung hưng, đặt trường học, trọng đạo nho, mở khoa thi, tuyển học trò. Trẫm theo chỉ của tiên đế, lấy việc cầu nhân tài làm gấp ngoài việc khoa mục lại có cử tri. Tại sao gần đây người học sâu rộng, im lặng không nghe thấy ai? Có phải là ở dưới hang núi người hiền đi không trở lại, hay là nhân tài sụt đi mà thế chăng? Không phải trẫm dám nói vu đâu”.
Qua đoạn chính sử trên, ta có thể thấy rằng, ngay từ buổi đầu tổ chức thi đại khoa để chọn người hiền đức, đã không có chuyện nhà Nguyễn “cấm” lấy người tài thi đỗ ở bậc cao nhất là Trạng nguyên.
Có lẽ do khâu đọc quyển, nhận quyển và duyệt quyển của các quan trường thời ấy quá khắt khe chăng, hay người tài bấy giờ chưa ra với nhà Nguyễn, hoặc người hiền “dưới hang núi đi không trở lại”.
Bởi vậy, cũng tại khoa thi Kỷ Sửu, năm 1829, người đỗ Tam khôi không lấy được ai, nhưng người đạt phân điểm suýt soát với bậc Tiến sĩ thì khá nhiều, nên vua Minh Mạng mới chủ trương: “Từ đây, quy định mỗi khoa thi lấy thêm những người có phân điểm gần sát với Đệ Tam giáp, nhưng tính riêng thành một bảng phụ, gọi là Phó bảng”. Như vậy Phó bảng (còn gọi là Ất tiến sĩ, Chánh bảng hay Giáp bảng là tiến sĩ trở lên) cũng được chọn luôn trong kỳ thi đại khoa, nhưng về mặt quyền lợi đãi ngộ thì không bằng những người đỗ Chánh bảng.
Trong thực tế, dưới thời nhà Nguyễn, nhiều người đỗ học vị Phó bảng ra làm quan, đem đức hạnh và trí lực thi thố với đời rất nhiều người tài năng lưu danh sử sách, chẳng hạn các vị Phó bảng như cụ Nguyễn Văn Siêu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Nguyễn Sinh Sắc… Cũng có nhiều người chỉ đỗ Cử nhân nhưng công nghiệp ích nước lợi dân của họ lưu danh muôn thuở, ví như các cụ Nguyễn Công Trứ, Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu…
Như vậy, có thể thấy, qua 39 khoa thi Hội (kể cả Ân khoa), dưới vương triều nhà Nguyễn, về văn lý chưa có bậc túc nho nào đạt đủ thật mười phân điểm như yêu cầu để lấy đỗ Trạng nguyên. Nghĩa là đại khoa vẫn chấm lấy Trạng nguyên nhưng do kẻ sĩ không đạt đủ chuẩn điểm mà thôi, nên không cố lấy cho bằng được. Còn Đệ Nhị danh và Đệ Tam danh cũng có một số người dành được bảng vàng, như Bảng nhãn Phạm Thanh người huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Thám hoa Nguyễn Văn Giao người huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An… Vì thế, có thể đây là cái cớ ngẫu nhiên mà sau này nhiều người cho rằng nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên chăng?
Một khi ta chưa tìm thấy “hồ sơ của lệ Tứ bất”, thì cũng không nên suy diễn lịch sử, nhất là khi mới chỉ thấy một vài hiện tượng mà không thấu suốt bản chất của vấn đề.

http://www.baomoi.com/Home/GiaoDuc/www.anninhthudo.vn/Trieu-Nguyen-co-le-Tu-bat-hay-khong/6107351.epi