Ngô Thế Long
Từ xưa, đọc trong sách sử điển tịch
do các học giả Trung Hoa viết, người Việt Nam đã biết rằng ở phía đông Trung
Quốc, ngoài biển khơi, có nước Nhật Bản… Nhưng do điều kiện lịch sử, nhất là sự
giao tiếp dân sự giữa hai nước phát triển khá muộn, nên các ký tái bằng chữ Hán
do người Việt Nam ghi chép trực tiếp về Nhật Bản quả là hiếm hoi (chỉ đến cuối
thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX này, quan hệ giữa hai nước có nhiều vấn đề, tư liệu
ghi chép mới phong phú. Nhưng lúc này đa số tài liệu lại nằm trong kho sách chữ
La tinh rồi).
Mới đây, tìm lại trong kho sách cổ, chúng tôi
thấy có hai tài liệu liên quan đến Nhật Bản.
Một cuốn là Nhật Bản Duy Tân liệt gia khảng
khái thi (Thơ khảng khái của các nhà chí sỹ Duy Tân Nhật Bản) đó là một
sưu tập thơ của người Nhật Bản sáng tác (thơ khá hay, chúng tôi đang tìm hiểu,
và nếu có điều kiện, sẽ dịch ra công bố để bạn đọc rộng rãi có thể thưởng
thức).
Hai là cuốn Nhật Bản kiến văn lục do Trương
Đăng Quế viết vào đầu thế kỷ 19… như vậy nó là một cuốn sách do người Việt Nam viết về
Nhật thuộc loại sớm.
Vào năm Gia Long 14 (1815) do một sự rủi ro, 5
người lính Việt Nam
từ thành Gia Định chở bè gỗ về kinh đô Huế bị gió lốc cuốn trôi sang đất Nhật.
Tới đó, họ được quan và dân địa phương ở Nhật cứu vít. Sau đó, họ tìm đường trở
về được và kể lại những điều tai nghe mắt thấy về các mặt cuộc sống của người
Nhật cho vị đại thần là Trương Đăng Quế nghe. Với văn tài của mình, Trương Đăng
Quế đã ghi lại sự việc đó và mô tả khá súc tích về phong tục tập quán sinh hoạt
của người Nhật đương thời, theo lời kể của những người lính đó.
Xét thấy đây là một tài liệu hiếm, có giá trị
để nghiên cứu dân tộc học Nhật Bản đầu thế kỷ XIX, có thể dùng để so sánh khi
nghiên cứu văn hóa cùng khu vực, nên chúng tôi phiên dịch, công bố để các nhà
nghiên cứu cùng tham khảo.
Bản gốc hiện lưu trữ tại kho sách Viện Nghiên
cứu Hán Nôm dưới ký hiệu A.1464.
Sau đây là bản dịch của chúng tôi.
GHI CHÉP VỀ NHỮNG ĐIỀU TAI NGHE MẮT THẤY Ở NHẬT
BẢN
Trương Đăng Quế viết năm 1828
Ngày… tháng 4 năm Gia Long thứ 14 (1815) 5
người lính ở thành Gia Định là bọn Đặng Hữu Bôi theo sự chỉ huy của Cai độ Lai
đưa một bè gỗ đi đường biển về kinh đô [Huế]. Đi được 2 ngày đêm, gặp gió lốc
nổi lên, bè bị trôi ra biển.
Đến ngày 7 tháng 5, giạt vào một bãi cát. Trên
bãi cát có giếng nước ngọt có thể uống được. Xung quanh giếng có cây cỏ xanh
tươi. Nhân đó họ trú lại ở đấy. Ngày mồng 8, có người nước Thanh (Trung Quốc)
cùng 6 người tới. Họ đi bằng 2 thuyền tam bản, theo đường biển mà đến. Hỏi họ
thì tiếng líu lo khác lạ, không thể hiểu được. Rồi họ trở lên thuyền ngay mà
đi.
Ngày mồng 9 họ lại trở lại, đem gạo tới cho,
rồi họ ra đi không quay lại nữa. Bọn Hữu Bôi ăn hết gạo, phải bắt chim, nhặt ốc
ăn cho khỏi đói. Nhìn bốn phía mênh mông, suy tính không có kế gì để sống lâu
được. Ngày 15 tháng 6 bọn Hữu Bôi bèn chặt lấy những cây tre trúc có thể nổi
được, làm thành chiếc bè nhỏ, theo gió [tờ 1b] mà đi.
Lúc đói thì bắt những con cá nhỏ dựa vào bè,
nướng lên mà ăn. Khát thì uống sương móc ban đêm, ốm đau khổ sở cơ hồ không thể
chịu nổi.
Ngày 15 tháng 8 mới tới một hòn đảo. Người trên
đảo đưa họ lên bờ, dìu họ vào trong ngôi chùa cho họ ăn cháo, nên họ tỉnh lại.
Nguyễn Duy Bảo hơi có biết chữ, nhân đó viết
chữ hỏi đây thuộc địa phương nào? Người trên đảo trả lời: Đây thuộc đất Nhật
Bản.
ở đó được 3 ngày, thì người trên đảo chèo
thuyền đưa họ đi. Qua một ngày đêm tới một hòn đảo gọi là Trung Quân Điếm. ở đã
một ngày họ lại được đưa tới một hòn đảo gọi là Thất Ma Trấn. Dừng lại ở đó hơn
20 ngày, lại từ Thất Ma Trấn đi đường bộ, rồi lại đi thuyền qua 11 ngày đêm,
đến một nơi có thành quách to cao, nhân dân đông đúc. Hỏi thăm thì biết đã là
Đại Quan Thành.
Từ Trung Quân Điếm đến Đại Quan Thành, phàm các
đường đi qua phải vượt qua hồ, xuyên qua đảo, quanh co khuất khúc, những chỗ
cảng khẩu bến đò [tờ 2a] bên dưới nhiều đá sỏi, bên trên đều là đá khối dùng
đứng, thấy rất khó đi. Ai tìm được đường thủy này mà đi thuyền thì đều đi được.
Tới khi đến bãi cát mới có chỗ đỗ thuyền.
Người nước ấy đại khái đều khôi ngô đẹp đẽ,
khỏe mạnh. Đàn ông đầu không để tóc. Tóc trước trán đều cắt đi, chỉ lưu lại một
món. Từ đỉnh đầu đến sau gáy, họ bôi sáp làm cho tóc trỏ ra phía trán giống như
cái mỏ chim.
Đàn bà để tóc búi cao lên đến đỉnh đầu. Quần áo
mặc thì đàn ông đàn bà như nhau: thân áo rất dài. Hai ống tay áo rộng mà ngắn,
đều dùng vải hoa khâu quấn lại, không thấy đường cắt may ở đâu. Khi nào giặt
thì gì ra, giặt xong lại khâu vào như cũ. Thắt lưng làm bằng lụa. Bên dưới đóng
khố, không có quần. Chân xỏ bít tất đi guốc chứ không đi hài. Bít tất bằng vải,
đầu bít tất, chỗ ngón chân cái và ngón thứ hai họ khâu thành cái [Tờ 2b] khe để
tiện đi guốc dép. Tất ngắn đến cẳng chân và được buộc bằng dây. Dép phần nhiều
dùng da bò hoặc bện rơm. Hoa văn trên quần áo mặc của quan và dân đều cùng một
dạng như nhau. Riêng thắt lưng của quan dùng màu hoa cà, hoặc màu xanh chàm và
đều thêu hoa. Còn binh lính và dân thường thì dùng màu thuần xanh lam hoặc màu
đen tuyền để phân biệt.
Tên quan của họ: Quan ở Trung Quân Điếm gọi là
Tiểu dạ câu diên; ở Trấn Thất Ma gọi là Tả thế yên; ở Đại Quan Thành gọi là Đại
nhã câu diên. Lính thì gọi là Dạ câu diên. Bếp gọi là Hiệt. Các quan chức quản
thành, quản điếm, đều mỗi năm lại thay đổi. Khi đi ra ngoài không được đem theo
vợ con.
Công sảnh và nhà riêng đều lợp bằng tre nứa.
Riêng trị sở của đại quan, có một tòa thành hình tròn, cũng dựa theo thế đất gò
cao mà dựng lên, cao hơn một trượng. Trên dùng rào gỗ. Cổng thành không có chòi
gác. Địa thế cũng không dài rộng lắm. Chỉ ngang với đồn ở phủ bên nước ta mà
thôi.
[Tờ 3a] Khi hành quân, hoàn toàn không có cờ
quạt chiêng trống ầm ỹ. Vũ khí thì có gươm và đoản kiếm, không thấy sang kích,
côn gậy. Chỉ ở trong công sảnh thì đặt một giá sáng điểu thương có độ hơn 20
khẩu. Bên cạnh dựng một cây đinh ba. Trên tường treo vài cái cung, mỗi cái dài
độ 5 thước. Nghi trượng tùy hành của quan Tả thế yên có 2 thứ hình thù giống
như buồng chuối, sơn đen, có cán dài 2 thước, có lẽ là thứ khí giới gì đó.
Thép của họ rất cứng, đúc rèn làm dao kiếm thì
sắc bén vô cùng. Tục họ bất cứ sang hèn đều thích đeo kiếm. Trẻ em 8, 9 tuổi
cũng đeo thanh kiếm nhỏ ở lưng.
Phàm yết kiến bậc tôn trưởng thì ngậm thanh
kiếm đứng bên cạnh, khi bậc tôn trưởng ra lệnh, thì kêu lên một tiếng. Xin thôi
thì kêu liền 4, 5 tiếng. (?)
Gặp cảnh nguy cấp, họ rất bình tĩnh chứ không
hoảng hốt.
Ngựa cưỡi thường cứ để bờm, không trang sức [tờ
3b]. Dùng bàn chải tre mà chải bờm. Cưỡi ngựa không dùng yên và bàn đạp. Mõm
ngựa có một cái móc sắt, đầu móc nối liền với dây cương. Trên lưng ngựa đặt một
tấm nệm dầy. Quan lớn cưỡi ngựa, tự cầm dù che, y như người cưỡi trâu. Hoàn
toàn không thấy họ phi ngựa.
Quy cách đóng thuyền: đuôi cao mà rộng, bánh
lái dùng cao. Mũi thuyền cao dài nhọn mà hẹp. Thuyền lớn không quá 7, 8 mái
chèo (?), nhỏ không quá 3, 4 mái chèo. Thuyền thường neo trong cảng, nhưng khi
đi trên mặt biển cũng rất nhanh.
Thuyền công khi đi thì úp hai cái thống (?) nhỏ
ở đầu thuyền, trên đặt thanh gỗ ngang. Một người cầm mộc bài gõ làm nhịp. Mọi
người theo nhịp mà đẩy chèo. Cùng hò “dô ta” (xa lạ).
Thuyền buôn và thuyền đánh cá chỉ rõ 2, 3 người
đẩy chèo, gọi là “đóa y” mà thôi.
Về binh chế, họ chia quân lính làm 2 nửa, một
nửa thường trực tại quan thự, ứng chực công việc, một nửa về trong dân, ở tản
mác trong thôn xóm, cuối năm thay phiên đổi chỗ [Tờ 4a]. Số lính ở tản trong
dân có trách nhiệm giữ trật tự, đàn áp trộm cướp phát ra ở làng xóm, và dẹp các
vụ đánh cãi nhau.
Nhà họ ở thường lợp bằng gỗ ván. Thỉnh thoảng
cũng có lợp tranh lợp lá. Cột nhà hình vuông. ở phố xá cũng có nhà làm hai
tầng, nhưng kiểu cách rất thô lậu, không chạm khắc tinh xảo.
Từ Trung Quân Điếm đến Thất Mạt Trấn dân cư
không trù mật lắm. Riêng một sở Đại quan thì có phố chợ liên tiếp, khách buôn
tụ hội rất đông, đáng gọi là nơi đô hội. Trong thành có một tòa nhà lợp ngói,
để các nhà buôn Trung Quốc [ nước Thanh] ở. Bên ngoài có lính gác. Bọn con hát
bản quốc tụ tập ở đó, ăn mặc rất đẹp, mỗi người cầm một cái dù trắng, lưng đeo túi
vải, trong chứa đủ áo quần, chăn chiếu. Mỗi khi bọn họ, ra vào thì lính canh
cửa lục soát kỹ, không cho chúng lấy trộm hóa vật cho riêng người nước Thanh.
Lính canh cũng không cho người Thanh được lấy riêng hàng hóa. Những thứ của
tặng thưởng được bao nhiều đều được cai [tờ 4b] binh ghi hết vào giấy.
Trong nhà chia làm 3 vòng. Có chấn song sắt,
cửa chấn song bên trong, trên dưới đều đặt [khung] bằng gỗ dầy. Chỗ cửa khép
lại, được khóa bằng sắt. Khóa to bằng cái cột. Phàm những kẻ trộm cắp, bất luận
nặng nhẹ, đều bị bỏ tù không cho ra vào. Đến bữa ăn, thì buộc thức ăn vào đầu
gậy, đưa qua lỗ cửa chấn song mà tiếp tế. Vì vậy dân đều sợ phạm pháp, không ai
dám đánh nhau. Trong ngục cũng ít người bị giam. Các nhà chữa bệnh [nhà
thương?] có chia ra các chuyên ngành như châm cứu, xem mạch, cho thuốc nhưng họ
luôn ở sát nhau, không chia lìa. Chôn cất người chết, không dùng quan tài và
quách, chỉ làm một cái ống tròn bằng gỗ, cho người chết ngồi vào trong đó, rồi
chèn đầy bông, để thi thể khỏi bị thằng đờ. [Bên trên] dùng ván phẳng đậy lại,
cho 2 người khiêng đi, chứ không thấy mặc áo sô để tang. Để chống rét, họ chế
bếp lò bằng đồng, giống như cái chậu đựng nước, mặt rộng hơn một thước, dưới có
3 chân, đặt trên một tấm gỗ [ tờ 5a] bát giác, đóng đinh vào đó để tiện di
chuyển. Giữa lòng cái chậu gắn một giá sắt để đốt than, trên lại đặt ấm trà. Ba
bốn người ngồi vây quanh hút thuốc, uống trà, trò chuyện làm vui.
Để tắm thì họ có cái thùng gỗ, cao khoảng hơn 3
thước, đường kính 3 thước, đặt ống sắt trong thùng, ống sắt cao ngang thùng,
bốn phía là nước, đốt than trong ống sắt, khiến nước thường xuyên nóng, người
vào trong đã tha hồ ngâm tắm. Vào giữa tiết mùa đông, mỗi ngày tắm 3, 4 lần.
Khí mãnh (đồ sành sứ) phần nhiều dùng đất nung.
Mỗi người ăn dọn riêng một mâm. Người nào ăn tự lấy đũa từ trong túi đeo bên
mình ra ăn. Ăn xong dùng giấy trắng lau đềa rồi lại bỏ vào bọc.
Bậc tôn trưởng có cho vật gì, thì giơ hai tay
đỡ lấy đó là tỏ ra kính trọng. Sáng ra họ thường ăn chay, đến trưa và chiều mới
ăn thịt cá.
Các ngày chạp và Đoan Ngọ không có tế cúng và
hội nhau ăn uống làm vui.
Để buôn bán trao đổi, họ có dùng tiền, không
phải bằng bạc lạng. Trên đồng tiền có (Tờ 5b) in 4 chữ Văn hóa thông bảo hoa
mỹ.
Chữ viết của họ giống chữ Cao Miên (Campuchia).
Họ cũng có giấy bút. Giấy cứng và dầy, màu
trắng. Bút giống bút do Trung Quốc chế.
Phàm các thuyền đến buôn bán trước hết mang
hàng hóa lên bờ ghi đủ giá cả từng thứ, và những hàng hóa cần mua vào giấy
(thiếp), giao cho người bản quốc thu giữ và lo liệu. Đến ngày nhổ neo ra đi, cứ
chiểu theo tờ giấy ghi hàng hóa cần bán và cần mua, họ sẽ cấp trả đầy đủ. Lại
kiểm tra trong thuyền, không cho đem tiền đồng, tiền sắt của nước ấy ra. Rồi họ
hộ tống cho xuất cảnh. Số người nước Thanh đến buôn bán thường có tới 8, 9
thuyền, đỗ ở bên Đại Quan Thành.
Khi hậu xứ ấy lạnh nhiều nóng ít. Khoảng tháng
9 tháng 10 thường có mưa tuyết. Tháng 5 tháng 6 là lúc nóng mà cũng không nóng
lắm.
Họ nuôi ngựa phần nhiều bằng lá sắn dây.
Chân ngựa đều được quấn rơm (?)
(Tờ 6a) Đất ấy nhiều cát sái. Ruộng đồng tốt
xấu không đều nhau. Về cấy hái thì họ cứ gieo mạ trên đất, rồi đợi lúa chín.
Thường vào tháng chạp thì gieo thúc, tháng 11 thu hoạch. Mỗi năm có 2 vụ thời
tiết.
Xứ này sản xuất nhiều bò. Phàm những việc vận
tải chuyên chở đều dùng bò. Còn ngựa để cưỡi. Cách đóng bò cày là: dùng dây
buộc đầu bò, nối với hai bên lưng bụng; buộc cày vào sau, một người dắt bò một
ngưỡi đỡ (cày) đưa đi.
Các loại chó mèo gà lợn, đều giống như ở đảo Lữ
Tống (Luzon). Chỉ có một loại chuột hương (Cầy
hương?) hình dáng bé nhỏ không bằng nắm tay, lông mịn màu đen như tro tính rất
thuần, người nước ấy thường bế, trong lòng, mùi thơm bay ra suốt ngày không
hết.
Về thực phẩm họ có nhiều rau biển, mọc đầy
ngoài biển, lá dài như lá mía, nhưng hơi dầy. Dân họ lặn xuống biển hái rau,
phơi khô để nấu canh ăn hoặc làm dưa, vị chua ngọt, rất ngon. Các thuyền buôn
nước Thanh phần nhiều mua thứ rau ấy (tờ 6b) chở về.
Nương vườn của họ một nửa trồng khoai và cải
củ. Cải củ của họ có loại củ rất to, dài tới 6 tấc, đem phơi khô dầm dấm ăn sống,
hoặc nấu canh rất ngon.
Các loại hoa quả cũng ít thấy. Chỉ có một loại
hoa chụm rất lạ, dài độ 4 tấc, phải cắm dàn tre cho leo. Lá giống lá cúc,
khoảng tháng 3 tháng 4 hoa nở, to như cái chén. Cánh hoa rất dầy, có bông màu
vàng sẫm, có bông màu đỏ sẫm, có khi một cuống mà lại có hai bông khác màu
nhau. Chỗ trồng hoa thì đắp đất 5 tầng (?) chia ra mà cắm, màu vàng màu đỏ xen
nhau, trông đẹp như gấm thêu. ở vườn, rừng và ven dọc đường đi phần nhiều trồng
cây thông. Giữa đường có lát đá.
Phong tục nước họ hâm mộ đạo Phật. Khắp nơi đều
có chùa chiền. Khi bọn Đặng Hữu Bôi mới đến cũng được ở trong chùa. Bôi có đem
theo 4 đạo văn bằng (giấy tờ tùy thân). Người nước ấy lúc đầu chưa biết, đến
khi cùng khách buôn Trung Quốc qua lại (tờ 7a) họ hỏi ra, mới tin đồ là nước
nước ta; họ càng thêm kính trọng.
Họ từng lấy nghĩa, lý, thuyết phục người nước
Thanh để đưa bọn Bôi trở về nước.
Riêng có một điều lạ rằng: Khi bọn Hữu Bôi vào
yết kiến quan cai quản thành, thì thấy dưới sân của công đường có một vật bằng
đồng, hình vuông, trên lưng có khắc hình người. Người nước ấy dặn Hữu Bôi rằng:
Phàm người các nước mới tới đây đều phải đi qua dẫm lên khối đồng này, như thế
mới là người ngay thẳng, vô tội. Và mới được bái kiến quan lớn ở đây. (Bôi)
không hiểu ý thế nào.
Đến khi được hầu cạnh Bề trên thì nhà vua bảo
các thị thần rằng: Nước Nhật trước kia có người Tây Dương tới truyền đạo, đã
xui dục, dụ dỗ dân chúng làm loạn. Nước ấy dò biết được âm mưu của bọn kia, bèn
làm ám hiệu với dân chúng, hẹn rằng hễ là người trung thành với quốc gia thì
dùng khăn vải hoa trắng quên trên đầu. Kẻ nào không quấn là bọn phản nghịch sẽ
bị giết. Chỉ trong một đêm họ diệt sạch đảng gian. Vì thế người Nhật rất ghét
người Tây Dương (tờ 7b). Thường ở những nơi cầu quán đường sá họ khắc hình dáng
các giáo chủ Tây Dương, để cho người trong nước dẫm lên. Từ đấy, người Tây
Dương biến mất, không dám trở lại. Bấy giờ, mới biết rằng chuyện bọn Hữu Bôi
chứng kiến tức là di tích (của sự việc Tây Dương kể trên).
Ngày tháng năm Minh Mệnh thứ 9 (1828).
Thần là Trương Đăng Quế (1) kính chép, và phụ
lục phần dịch âm của nước ấy dưới đây(2).
CHÚ THÍCH
(1) Trương Đăng Quế: biệt
hiệu Quảng Khe, sống vào thế kỷ XIX. Năm 1819 đỗ Cử nhân sau có dạy vua Thiệu
Trị học. Đời Minh Mạng ông nhiều lần làm chủ khảo thi Hội. Là nhà sử học nổi
tiếng, từng tham gia biên soạn các bộ sách như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam thực lục tiền biên v.v...
(2) Vì điều kiện ấn loát, chúng tôi
không đưa được phần chữ Hán vào đây.
Nguồn: Tạp
chí Hán Nôm số 1 năm 1990