10 tháng 11, 2011

MỸ VỚI HIỆP ƯỚC HÒA BÌNH VỀ VIỆT NAM TẠI PARI NĂM 1973


             Dương Văn Triêm

Từ khi trực tiếp can thiệp quân sự vào Việt Nam, tình hình của Mỹ ngày một rối ren. Ngoài khoảng chi phí cho chiến tranh leo thang, tiếp tục tăng dần, và các khoảng chi lớn cho “phúc lợi” xã hội: Medicare (chương trình chăm sóc người già trên 65 tuổi); Medicaid (Chương trình trợ giúp y tế cho những người không đủ khả năng tài chính); Job Crop (Chương trình day nghề); Head Start (Chương trình hỗ trợ giáo dục cho những trẻ em nghèo trong giai đoạn trước khi di mẫu giáo)… Cộng thêm những phong trào đấu tranh lên án chiến tranh tại Việt Nam, và sự sai lầm chung của Mỹ trong vai trò là một “sen đầm” của thế giới. Tất cả đã đưa nước Mỹ vào tình thế khó khăn cho ước vọng bá chủ.
Thực tế, buộc Mỹ phải có những toan tính hợp lý, đặc biệt là trong vấn đề chiến tranh ở Việt Nam, sao cho vẹn vẻ đôi bề.
1. Năm 1965 đến 2 năm 1968 – một giải pháp rút lui trong danh dự của Giôn xơn
          Bắt đầu từ tháng 3 năm 1965 Giôn xơn [1] đã thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ồ ạt đưa lính Mỹ vào miền Nam Việt Nam và ném bom phá hoại miền Bắc.
          Song song với hoạt động quân sự, Giôn xơn còn thực hiện cả biện pháp mền dẽo – biện pháp mua chuộc bằng kinh tế. Nếu Hà Nội đồng ý không giúp cho lực lượng quân giải phóng miền Nam Việt Nam “lật đổ” Việt Nam Cộng hòa thì Giôn xơn sẽ chi 1 tỷ đô la đóng góp vào một kế hoạch phát triển kinh tế miền bắc Việt Nam.
          Đáp lại, ngày 8 tháng 4 năm 1965, đại diện cho Hà Nội, Phạm Văn Đồng, giữ vững lập trường, độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, với tuyên bố 4 điểm:
          a. Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam toàn bộ quân đội, phải dỡ bỏ các căn cứ quân sự của Mỹ tại đó, phải đình chỉ mọi hoạt động chiến tranh chống lại miền bắc Việt Nam.
          b. Trong khi chờ đợi việc thống nhất lại Việt Nam, hai miền không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào với nước ngoài.
          c. Các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam phải do nhân dân Nam Việt Nam tự giải quyết phù hợp với cương lĩnh của mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, không có bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài.
          d. Việc hòa bình thống nhất Việt Nam sẽ do nhân dân Việt Nam ở cả hai miền giải quyết, không có bất kỳ sự can thiệp nào của bên ngoài.
          Tuy nhiên, lúc này Mỹ lại lạnh nhạt với đề nghị này, vì Giôn xơn hy vọng chiến lược gây sức ép của mình sẽ thành công.
Nhưng sau một thời gian, chiến lược quân sự hai gọng kiềm của Mỹ: tăng cường ném bom và ồ ạt đưa lục quân vào Việt Nam, thất bại.
          Thêm vào đó, cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân tháng 2 năm 1968 đã tạo ra bước ngoặt then chốt trong cuộc chiến, cho dù có thiệt hại đối với quân ta nhưng nó cũng làm cho Giôn xơn hiểu rằng âm mưu ban đầu của ông ta khó thực hiện. Cho nên lựa chọn của Giôn xơn bây giờ là một giải pháp hòa bình, rút lui trong danh dự, đến đây trở thành một biện pháp cần thiết để thoát khỏi chiến tranh. Điều mà bị che đậy trong suốt thời gian đầu của cuộc chiến.
2. Tháng 2 năm 1968 đến 1 năm 1969 – Giôn xơn liên tiếp nhượng bộ
          Ngày 31 tháng 3 năm 1968, Giôn xơn ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 đến 16, tới bàn hội nghị thương lượng với ta.
          Lúc đầu, Giôn xơn mong đạt được một giải pháp thương lượng có đi có lại với Hà Nội. Nên lần đầu tiên trong thư gửi chủ tịch Hồ Chí Minh Mỹ, Giôn xơn đồng ý ngừng ném bom nếu Hà Nội ngừng thâm nhập vào miền Nam và Mỹ sẽ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam nếu như Hà Nội cũng rút hết quân đội về miền Bắc.
          Trong khi đó, ta gạt bỏ bất cứ hành động có đi có lại nào đó với đề xuất xuống thang của Mỹ, chúng ta muốn nhắm đến một thắng lợi hoàn toàn. Nên trong thư trả lời với Giôn xơn chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ:
Việt Nam cách xa nước Mỹ hàng vạn dặm. Nhân dân Việt Nam chưa hề làm gì có hại cho nước Mỹ… Chính phủ Mỹ đã xâm lược Việt Nam, chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc xâm lược đó. Đó là cách duy nhất lập lại hòa bình… Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giời chịu lùi bước trước cường bạo, không bao giời đồng ý dưới sự dọa nạt của bom đạn.[2]
          Theo thời gian, do thái độ cứng rắn của ta và mong muốn nhanh chống rút quân trong danh dự, Giôn xơn đã làm mền dần lập trường thương lượng của mình:
Mỹ sẵn sàng ngừng tất cả các cuộc đánh phá bằng không quân và hải quân vào miền Bắc Việt Nam khi việc ngưng đó ngay lập tức đưa đến các cuộc thảo luận có kết quả. Tất nhiên chúng tôi giả định rằng trong khi đang thảo luận, miền bắc sẽ không lợi dụng việc ngừng bắn hay hạn chế ném bom. [3]
          Dưới ngôn từ hoa mỹ “không lợi dụng”, nghĩa là Giôn xơn sẽ đồng ý xuống thang nhân nhượng. Nhưng miền bắc không được lợi dụng vào thời gian bình yên đó mà có hành động khác. Hàm ý của Giôn xơn là vẫn chấp nhận sự có mặt của quân đội miền bắc tại miền nam, chỉ yêu cầu ngừng gửi người và hàng hóa qua giới tuyến miền nam.
Giôn xơn đã có bước xuống thang quan trọng trong lập trường đàm phán so với trước.  
          Trong khi đó, phía ta vẫn từ chối thẳng thừng bất cứ một cuộc thảo luận nào với Mỹ nếu không hoàn toàn ngừng các cuộc ném bom vô điều kiện. Vì ta nhận thấy rằng Mỹ hết sức cần có các cuộc nói chuyện và sẽ trả giá cao nhất có thể, cho cuộc nói chuyện đó.
          Theo International Herald Tribune, ngày 7 tháng 8 năm 1970 Giôn xơn cũng thừa nhận rằng song song với hai lời công bố trên là mong muốn Hà Nội tin là mình có thiện chí hòa bình, nhưng sau đó phía vẫn không có phản ứng gì.
Thực tế thì việc Giôn xơn xuống thang chiến tranh là một dấu hiệu chỉ rõ sự thất bại. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn cuộc chiến tranh đến thắng lợi hoàn toàn nên những diễn biến trên, chỉ làm cho chúng ta thêm hăng hái.
          Để tỏ thêm thiện chí muốn đàm phán hòa bình, chính quyền Giôn xơn đã tạo sức ép với chính phủ Việt Nam cộng hòa để cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia vào bàn đàm phán.
          Sự có Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đối với Mỹ là quá trình mở đường cho Chính phủ liên hiệp giữa “Việt Nam cộng hòa và Cộng sản”. Chính phủ đó sẽ biện minh cho việc Mỹ rút quân khỏi miền nam, trên tư cách là người bảo trợ, sẽ không hề hấn gì nếu như miền Nam Việt Nam rơi vào tay “chủ nghĩa cộng sản” do kết quả của một “tiến trình chính trị”. Nghĩa là, Giôn xơn đã thấy trước khả năng sụp đỗ của Việt Nam Cộng hòa, nên vội liệu trước vừa tránh được dư luận, vừa giữ được vị trí bất bại của mình mà trong lịch sử Mỹ chưa từng có và sự không bỏ rơi đồng minh.
3. Tháng 1 năm 1969 đến 11 năm 1972 – Nixơn với phương án chiến lược mới
          Trước những hành động của Giôn xơn, Nixơn người vừa thay Giôn xơn nắm quyền tổng thống (20/1/1969). Cho rằng, Giôn xơn đã quyết định bỏ cuộc, sau khi chiến lược tiêu hao của ông ta bị thất bại. Vì trước mắt không còn chiến lược nào thay thế cả. Tuy vậy, có chiến lược khác để thay thế nhưng chiến lược này bị những rào cản tinh thần không thể vượt qua được trong nội bộ chính quyền của ông ta lúc bây giờ.
          Chỗ bế tắc trong chiến tranh tiêu hao của Giôn xơn chỉ có thể khai thông bằng cách xử lý thật mạnh các địa bàn xuất quân của miền bắc Việt Nam trong vùng đất kháng chiến ở Lào, Campuchia hoặc bằng các chiến dịch đánh vào miền Bắc Việt Nam, ít nhất là đánh tới vĩ tuyến 20. Nhưng Giôn xơn và các cố vấn của ông không hề suy tính đến vì sợ hành động đó sẽ khiêu khích Trung Quốc.
          Chiến lược thay thế còn ở chổ khẩn trương “Việt Nam hóa chiến tranh”, nhằm rút quân Mỹ đi, trong khi đó vẫn tiếp tục viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa về vật chất để họ tự bảo vệ.
          Hai yếu tố căn bản trên được Nixơn tiếp thu một cách trọn vẹn và sáng tạo. Yếu tố thứ hai về “Việt Nam hóa chiến tranh” không cần bàn thêm. Còn yếu tố thứ nhất muốn thực hiện được, Nixơn phải lôi kéo các nước XHCN lớn Liên Xô, Trung Quốc. Nếu không được, ít nhất cũng buộc họ phải trung lập về vấn đề Việt Nam.
Trong lúc này, ngoài việc trở lại ném bom phá hoại miền bắc lần hai (4 – 1972) Nixơn đã thực hiện việc cấu kết với các nước lớn.
3.1. Quan hệ với các nước lớn của Nixơn
          3.1.1. Về vấn đề lôi kéo Trung Quốc
          Trong một chuyến thăm Trung Quốc, Nixơn yêu cầu Trung Quốc phải tác động đến lập trường của Việt Nam ở bàn đàm phán Pari. Đổi lại Hoa Kì sẽ rời bỏ quan hệ nhà nước với Đài Loan để chính thức công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Và Hoa Kỳ rút lại việc chống đối Trung Quốc gia nhập Liên Hợp Quốc.
Không phải phải chỉ riêng Mỹ muốn thiết đặt quan hệ với Trung Quốc mà bản thân Trung Quốc cũng mong muốn thế. Nên nhân cơ hội này Bắc Kinh đã phản ứng có lợi cho Nixơn.
          Mao Trạch Đông khi trả lời một cuộc phỏng vấn, ngày 9 tháng 1 năm 1965 đã đưa ra thông điệp rằng Trung Quốc không có ý định đánh nhau với Mỹ tại Đông Dương trừ khi Mỹ xâm lược chính lãnh thổ Trung Quốc. Chủ tịch Mao lại nhấn mạnh: “…Nói vậy đã rõ chưa? Người Trung Quốc đang bận bịu với các vấn đề trong nước. Đi đánh nhau ngoài biên giới của mình là tội lỗi. Cớ gì mà người Trung Quốc lại đi làm việc đó? Người Nam Việt Nam có thể đối phó được với tình hình của họ”.[4]
          Hai tháng sau, Trung Quốc lại từ chối lời đề nghị của Liên Xô lập cầu hàng không đi qua lãnh thổ Trung Quốc và xây dựng các sân bay trên lãnh thổ Trung Quốc để vận chuyển đồ tiếp tế và quân sự của Liên Xô cho miền Bắc Việt Nam.
          Cụ thể hơn, Bắc Kinh có lời khuyên rõ ràng với Hà Nội là nên giữ nguyên trạng về hai miền Nam Bắc cùng tồn tại.
          3.1.2. Về vấn đề lôi kéo Liên Xô
          Đầu năm 1972 cơ quan tình báo Mỹ phát hiện một số lượng lớn vũ khí của Liên Xô được bốc xuống tàu chở sang Việt Nam. Ngày 25 tháng 1 năm 1972 Nixơn viết thư cho nhà lãnh đạo Liên Xô: “Liên Xô cần hiểu rằng Hoa kỳ sẽ không có sự lựa chọn nào khác là kịch liệt chống lại những hành động của miền Bắc Việt Nam định làm nhục chúng tôi. Những sự phát triển như trên sẽ không có lợi cho ai cả và làm tình hình thế giới phức tạp thêm” [5]. 
          Mỹ gây sức ép với Liên Xô, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động viện trợ cho Việt Nam. Đổi lại Mỹ sẽ ký “Hiệp ước hạn chế hệ thống phòng chống tên lửa (ABM)”. Điều mà các nhà lãnh đạo Mátxcơva luôn luôn mong đợi. Vì thế sau những chiến đi của Nixơn, Liên Xô đã đến Hà Nội tác động đến lập trường của với Việt Nam.
Và từ đây Liên Xô đối với Việt Nam đã khác trước, như việc Nixơn quyết định phong tỏa cảng Hải Phòng, cảng chính của miền bắc nhận hàng viện trợ của Liên Xô. Liên Xô chỉ phản ứng rất ôn hòa, mặc dù trong đợt đánh bom của Mỹ tại cảng Hải Phòng có làm thủy thủ Liên Xô chết.
3.2. Nội dung của bản dự thảo
Song song với việc lôi kéo các nước lớn, cô lập cách mạng Việt Nam, ngày 8 tháng 10 năm 1972, phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn  đề ra nội dung để tiến tới một thỏa thuận:
a. Hà Nội sẽ rút hoàn toàn quân đội khỏi miền nam, giữ nguyên trạng chính quyền Sài Gòn; Quân đổi Mỹ cũng sẽ rút hết cùng các lực lượng tai sai.
b. Chính quyền Sài Gòn đồng ý lập một Chính phủ liên hiệp có Cộng sản tham gia thông qua bầu cử có sự kiểm soát của quốc tế.
Hà Nội phản ứng mạnh mẽ, đưa ra bản dự thảo của mình:
Đòi quyền tự quyết của cho dân miền nam, không thống nhất sự có mặt của quốc tế trong các cuộc tổng tuyển cử. Đòi Hoa Kỳ tôn trọng độc lập thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt mọi hoạt động chiến tranh, rút hết quân Mỹ, góp phần vào hàn gắn vết thương chiến tranh. Tạm gác việc đòi xóa bỏ chính quyền Sài Gòn và gạt Tổng thống Thiệu.
Do bất đồng về nội dung dự thảo nên hội nghị không đạt được một thỏa hiệp nào rõ ràng, dứt khoát.
4. Tháng 11 năm 1972 đến 12 năm 1972 – những toan tính của Nixơn
4.1. Thỏa thuận và bội ước tháng Mười   
Từ năm 1965, phong trào sinh viên Mỹ phản chiến đã bùng lên các giảng đường đại học cũng như ngoài xã hội. Đến năm 1968, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, phản chiến đã lan ra toàn quốc, đặc biệt là phong trào do tổ chức Sinh viên vì một xã hội dân chủ và tổ chức cựu binh Việt Nam chống chiến tranh tiến hành. Mục sư Luthur King – người được giải Nôbel về hòa bình, John Kerry (sau trở thành thượng nghị sĩ) và nhiều nhân vật nổi tiếng khác tham gia phong trào.
          Những cái chết tự thiêu của Alixo Hec, Norman Morison và Roert La Pooc đã thật sự trở
thành một cú sốc đối với cả nước càng thúc đẩy các quá trình đấu tranh đồi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam…
          Trong khi đó, tại diễn đàn Quốc hội, các thượng nghị sĩ cũng bày tỏ thái độ về một dự luật đòi rút hết quân Mỹ…
          Trước sức ép từ chiến trường Việt Nam và chính trường Hoa Kỳ, Nixơn muốn lấy việc chấm dứt chiến tranh để đảm bảo phần thắng trong cuộc chạy đua vào nhà Trắng (11 – 1972) nên chủ động cho người nối lại đàm phán với ta. Nhưng trong lúc này việc kí kết hiệp định Pari khiến Nixơn phân vân.
          Nếu kí trước ngày bầu cử thì việc Nixơn vào nhà Trắng sẽ dễ dàng, đây là điều chắc chắn, tuy nhiên nếu chấp nhận nhiều nhượng bộ sẽ không dễ với Mỹ vì bị Sài Gòn kịch liệt phản đối. Nhưng nếu để lại sau ngày đó thì có tranh thủ được cử tri hay không. Nên cuối cùng Nixơn đã chọn giải pháp kéo dài, chần chừ.
          Sự chần chừ đó bộc lộ qua nhiều công hàm của tổng thống Mỹ gửi Thủ tướng Việt Nam đưa ra hết vấn đề này đến vấn đề khác để lần hồi việc kí kết. Với âm mưu, khi cuộc bầu cử đã qua rồi thì Nixơn tiếp tục thực hiện công kích Việt Nam.
4.2. Chiến dịch ném bom B.52
Đầu tháng 11, cuộc gặp chính thức giữa hai bên lại tiếp nối tại Pari, phía Mỹ đòi sửa lại 69 điều trong bản dự thảo, thực chất là trở lại những vấn đề đặt ra từ đầu, cuộc đàm phán… Do vậy các phiên họp đã diễn ra trong bầu không khí hết sức căng thẳng.
          Lấy lý do phía Việt Nam giữ lập trường, không chịu nhân nhượng nên Mỹ chuyển sang dùng sức mạnh quân sự, bằng cuộc không kích 12 ngày đêm tại Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác bằng B.52.
Thực tế cho thấy, dù cuộc đàm phán Pari có diễn ra như thế nào thì Nixơn vẫn sử dụng con bài B.52 để chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh.
          Hậu quả cuộc ném bom là một sự thất bại thảm hại, Mỹ phải trả giá đắt với 34 máy bay B.52, cùng với 47 chiếc khác và 44 phi công bị bắt, con số quá lớn.
Ngày 30 tháng 12, Nixơn hạ lệnh chấm dứt các cuộc không kích và đến bàn đàm phán Pari. Ngày 27 -1 – 1973, hiệp đinh Pari được kí kết.
Việc Nixơn chịu đến bàn hội nghị có những lý do:
Một là, người đứng đầu nhà Trắng đà leo đến nấc thang cuối cùng của cuộc chiến tranh: dùng B.52 đánh vào Hà Nội tuy gây nhiều tổn thất cho ta nhưng lại không giành được thắng lợi quyết định. Hai là, Tổng thống đứng trước cuộc bỏ phiếu của hai viện Quốc hội vào ngày 3 tháng 1 nắm 1973 về chấm dứt ngân sách cho chiến tranh Việt Nam nên phải ngừng tấn công, trở lại bàn đàm phán trước thời điểm đó tránh rơi vào thế bị động. Ba là, dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ cả Liên Xô, Trung Quốc và đồng minh của Mỹ. Bốn là, vị Tổng thống tái nhiệm cũng cần có những điều gì đó sáng sủa để tuyên bố trong ngày nhậm chức.
5. Kết luận
          Hiệp định Paris là hiệp định được Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hoa Kỳ soạn thảo để đảm bảo cho việc Hoa Kỳ ra khỏi chiến tranh.
Đối với Hoa Kỳ đây là cách họ ra khỏi cuộc chiến mệt mỏi này một cách chính đáng.   
Đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì hiệp định này là bước thứ nhất trong hai bước để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đối với Việt Nam Cộng hoà thì hiệp định này là một tai ương lớn cho chính thể của họ và đặt sự tồn tại của Việt Nam Cộng hoà trước một nguy hiểm trong một tương lai gần.


* TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đai học Quốc gia Hà Nội – trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn(2005), Điện Biên Phủ từ góc nhìn của các nhà khoa học Việt - Pháp, NXB Chính trị Quốc gia.
2. Nguyễn Phú Đức(2010), Những cuộc đàm phán về hòa bình Việt Nam, NXB Công an Nhân dân.
3. Nhiều tác giả(2008), Nhà lao An Nam ở Guyane, NXB Trẻ.
4. Nhiều tác giả(2010), Phong trào Đồng khởi 50 năm nhìn lại, NXB Chính trị Quốc gia.
5. Mai Văn Bộ(2002), Từ Genève đến Paris, Nhà xuất bản Trẻ.
6. Thomas J. McCormick(2004), Nước Mỹ nửa thế kỷ - Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong và sau chiến tranh lạnh, NXB Chính trị Quốc gia.
7. Trần Thị Vinh, chủ biên(2008), Lịch sử thế giới hiện đại, quyển 2, NXB Đại học Sư Phạm, Hà Nội.
8. Trần Bá Đệ, chủ biên(2007), Giáo trình Lịch sử Việt Nam (1945 – 1975), NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
9. Vũ Dương Ninh, chủ biên(2008), Một số chuyên đề lịch sử thế giới, Tập II,  NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
10. Trần Nam Tiến, (2010), Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ thực trạng và triển vọng,  NXB Thông tin và Truyền thông.



[1]  Giôn xơn đảm nhiệm cương vị tổng thống từ ngày 22 tháng 11 năm 1963 đến ngày 20 tháng 1 năm 1969.
[2] Những cuộc đàm phám về hòa bình Việt Nam, Nguyễn Phú Đức, Sđd trang 34
[3] Những cuộc đàm phám về hòa bình Việt Nam, Nguyễn Phú Đức, Sđd trang 36
[4] The Long Revolution – Edgar Snow, Dẫn theo Nguyễn Phú Đức, Sđd trang 44
[5] Hồi kí – Nixơn, Dẫn theo Nguyễn Phú Đức, Sđd trang 402