PGS.TS Lê Văn Tích
*(Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí
Minh)
Vừa tròn một thế kỷ, kể từ khi Nguyễn Tất Thành
- Nguyễn Ái Quốc và sau này là Hồ Chí Minh rời bến cảng Nhà Rồng,
Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 -
5/6/2011). Đối với Nguyễn Tất Thành, đây không phải là quyết định giản đơn,
tình cờ, mà là kết quả tổng hợp của một quá trình phân tích, lý giải khoa học
những nhân tố thuận -nghịch của bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến
cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, để lựa chọn đúng hướng đi và xác định
con đường cứu nước thành công.
1. Đối với tiến trình giải phóng dân
tộc, đây là sự kiện mang nội dung cách mạng và ý nghĩa lịch sử lớn lao.
Bởi lẽ, sự kiện lịch sử này vừa là mốc kết thúc một quá trình tổng hợp những
yếu tố chủ quan và khách quan của bối cảnh lịch sử, vừa là bước khởi đầu hành
trình cứu nước của Hồ Chí Minh hồi đầu thế kỷ XX. Vì vậy, ý nghĩa và tầm vóc
lớn lao của nó mãi mãi được ghi nhận và phát huy trong suốt hành trình cứu
nước của Người trước đây và trên con đường đổi mới đất nước hiện nay.
Trước hết, cần hiểu rõ khái niệm "tác động của bối cảnh lịch sử" là gì? Theo chúng tôi: Một là, Không phải toàn bộ bối cảnh lịch sử (trong nước và thế giới) đều tác động đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh. Do đó, bài viết này sẽ không nghiên cứu toàn bộ bối cảnh cuộc hành trình, mà chỉ đi sâu nghiên cứu những sự kiện lịch sử được Người biết đến và gây tác động đến quá trình hình thành con đường cứu nước của Người. Hai là, bối cảnh không phải là bức tranh bất động mà nó thường xuyên thay đổi và gây ảnh hưởng đến xu thế phát triển, hoạt động của mỗi tổ chức, con người. Vì vậy, bối cảnh lịch sử tác động đến hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh bao gồm những sự kiện lịch sử mà Người nhận thức, mà trước hết phải kể đến những sự kiện mang ý nghĩa thời đại, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam...
Điểm khởi đầu hành trình cứu nước
của Hồ Chí Minh là sự kiện ngày 5 tháng 6 năm 1911. Tiếp đó là quá
trình vừa lao động, vừa học tập lý luận và hoạt động thực tiễn để tìm
ra con đường giải phóng dân tộc thành công. Đó là những năm tháng bôn ba đầy
khó khăn của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ở nhiều quốc gia, châu lục. Vì vậy,
nghiên cứu tác động của bối cảnh lịch sử đến hành trình cứu nước của Hồ
Chí Minh không chỉ là nghiên cứu những nhân tố hình thành quyết tâm và
hướng đi mà còn nghiên cứu làm rõ hàng loạt yếu tố mới Người "bắt
gặp"- nhận thức trong quá trình hình thành đường lối cứu nước của mình.
Vì vậy, ở đây không cần thiết phải
thống kê đầy đủ tình hình trong nước và thế giới, cũng không phải mô tả kỹ
lưỡng những sự kiện lịch sử đã diễn ra vì đó là bối cảnh chung mà bất kỳ con
người đương thời nào đều sống trong đó, dù họ có nhận thức được "bối
cảnh" ấy hay không.
Vậy bối cảnh lịch sử tác động đến
sự hình thành quyết tâm và hướng xuất dương tìm đường cứu nước của Hồ Chí
Minh là gì ?
2. Cuối thế kỷ XIX, sự kiện lịch sử tác
động mạnh mẽ đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam; làm thay đổi
kết cấu giai cấp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mọi người dân (trong đó
có họ hàng, gia đình và bản thân Hồ Chí Minh) là thực dân Pháp xâm lược Việt
Nam. Sau thời kỳ "bình định", thực dân Pháp thi hành chính sách
"khai thác thuộc địa" - thực chất là tăng cường bóc lột, vơ vét
thuộc địa. Vì vậy, đời sống nhân dân lao động đã khó khăn, càng thêm khốn
đốn. Hậu quả là Việt Nam
từ một nước phong kiến độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến.
Sang đầu thế kỷ XX, đời sống các
tầng lớp nhân dân càng bị bần cùng hoá. Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Việt
Nam
với thực dân Pháp xâm lược và chế độ thuộc địa ngày một gay gắt, trở thành
mâu thuẫn vừa cơ bản, vừa chủ yếu. Bên cạnh đó, mâu thuẫn giữa nông dân và
địa chủ càng gay gắt. Đây là trở lực lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội
Việt Nam.
Vì vậy, chỉ có giải quyết thành
công những mâu thuẫn trên đây - đồng nghĩa với việc tìm ra con đường
cứu nước, giành lại độc lập dân tộc thì xã hội Việt Nam mới tiếp
tục phát triển. Đó là đòi hỏi khách quan, cấp bách của cách mạng Việt Nam từ đầu
thế kỷ XX.
Để giải quyết mâu thuẫn trên, nhiều
phong trào đấu tranh diễn ra sôi nổi với mục tiêu "Phen này quyết
chống cả Triều lẫn Tây". Đó là phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa
thục... do các sỹ phu yêu nước chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản
như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo hay khởi nghĩa Yên Bái của Việt
Nam Quốc Dân đảng dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài...rồi khởi
nghĩa nông dân Yên Thế dưới sự lãnh đạo của Hoàng Hoa Thám kéo dài hơn 30
năm... Đó là trang sử đấu tranh vẻ vang của dân tộc trên con đường đấu tranh
giành độc lập. Mặc dù diễn ra sôi nổi, rộng khắp các vùng miền, nhưng tất cả
các cuộc đấu tranh cuối cùng đều thất bại. Bối cảnh lịch sử này, sau này, Hồ
Chí Minh viết trong bài Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc trong
thời đại ngày nay: "Trong suốt gần một thế kỷ thống trị của
thực dân Pháp, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam không ngừng
phát triển, kẻ trước ngã, người sau đứng dậy. Nhưng tất cả những cuộc khởi
nghĩa yêu nước ấy đã bị dìm trong máu. Những đám mây đen lại bao phủ đất nước
Việt Nam"[1]
Thực tế thất bại của lớp cha ông đã
chỉ ra rằng: sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản
trước nhiệm vụ lịch sử đặt ra là lãnh đạo toàn dân chống Pháp, giành lại độc
lập dân tộc. Cách mạng Việt Nam
khủng hoảng về đường lối, tức là thiếu hệ thống lý luận cách mạng tiên tiến
của giai cấp công nhân có khả năng dẫn dắt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Việt Nam
thành công. Câu hỏi của "bài toán thế kỷ" đặt ra cho dân tộc ta: Ai
là người lãnh đạo thành công nhiệm vụ giải phóng dân tộc ở Việt Nam ? đến
lúc này vẫn chưa có lời giải.
Bối cảnh trên đây, sau này được Hồ
Chí Minh nói rõ khi trả lời nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông: "Nhân
dân Việt Nam
trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người
giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người
khác lại nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ"[2]!?
Xuất thân từ gia đình trí thức
phong kiến có truyền thống yêu nước, trọng nghĩa, Hồ Chí Minh sớm mang trong
mình lòng yêu nước, thương dân. Tuổi học đường của Người gắn bó với những năm
tháng quan trường ngắn ngủi đầy trắc trở của người cha Nguyễn Sinh Huy. Người
đã theo cha đến cả ba miền đất nước, biết được cuộc sống khó khăn của người
dân mất nước dù họ ở xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ "bảo hộ" hay Nam Kỳ
"thuộc địa". Người có thời gian sống ở Huế. Đó là điều kiện để
Người tìm hiểu, làm quen với cuộc sống quan chức, Hoàng triều. Tuy nhiên,
thực tế ấy đã làm cho Người thấy rõ hơn cuộc sống phụ thuộc, thấp hèn
của giới quan chức, tay sai. Từ những trải nghiệm đầu đời của mình và cuộc
sống lận đận, trắc trở của người cha, Hồ Chí Minh càng thấu hiểu ý nghĩa thực
tế của câu chuyện cha mình thường bình giải "Quan trường thị nô lệ,
trung chi nô lệ, hựu nô lệ". Cho nên, đầu năm 1910, sau
khi ông Nguyễn Sinh Huy bị bãi chức thì ông vào Nam Kỳ hành nghề bốc thuốc
trị bệnh cứu người, còn Hồ Chí Minh thì thấy rõ hơn sự thối nát của chế độ quan
trường. Điều này càng thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước.
Trong tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,
Trần Dân Tiên đã viết: "Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất
đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi
thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh tham gia công tác bí mật, nhận công
việc liên lạc"[3].
Tuy nhiên, đi đâu và làm gì để tìm
ra con đường cứu nước thành công luôn là công việc hết sức khó khăn.
Bởi lẽ, bọn thực dân rất bưng bít tư tưởng mới, ngăn trở sách báo tiến bộ với
âm mưu giam hãm dân ta trong vòng nô lệ. Người đã nói với nhà báo Liên Xô
Ôxip Manđenxtam: "Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được
nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng
nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế...Trong những trường học cho
người bản xứ, bọn Pháp dạy người ta như con vẹt.Chúng giấu không cho người
nước tôi xem sách báo. Không phải chỉ sách của các nhà văn mới, mà
cả Rútô và Môngtexkiơ cũng bị cấm. Vậy thì làm thế nào bây giờ? Tôi quyết
định tìm cách đi ra nước ngoài[4]...
Trong quá trình xác định con đường
cứu một dân tộc, lòng căm thù giặc và quyết tâm chưa đủ, mà còn phải lý giải
được nguyên nhân thất bại của các bậc tiền bối, hiểu được điều kiện chủ quan
và khách quan của bối cảnh lịch sử, trên cơ sở đó mà vạch ra hướng đi của con
đường cũng như những yếu tố đảm bảo thắng lợi.
Trước thất bại liên tiếp về con
đường cứu nước của các bậc tiền bối, Người nhận xét:
"Cụ Phan Chu
Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương...Điều đó là sai lầm, chẳng
khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp
đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì "đưa hổ cửa trước,
rước beo cửa sau".
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn,
vì còn trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì Cụ còn mang
nặng cốt cách phong kiến"[5].
Từ những trải nghiệm cuộc sống và
với quyết tâm lớn, Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra mâu thuẫn giữa chế độ đàn
áp bóc lột dã man của bọn thực dân ở Việt Nam với cái lý tưởng cao đẹp của
nước Pháp - quốc gia đã đề xướng ra lý tưởng cao đẹp và hấp dẫn
mọi con người " Tự do - Bình đẳng - Bác ái", muốn biết cái gì bí
mật ẩn náu ở "nước Mẹ" xa xôi ! Người cho rằng "Muốn đánh hổ
thì phải vào hang hổ!". Và chính những nhận thức về bối cảnh đất nước và
những tìm hiểu của Hồ Chí Minh về nước Pháp đã thôi thúc Người sang Pháp và
các nước khác... Đây không phải là hành động ngẫu nhiên, tự phát mà là sự lựa
chọn, trăn trở; một quyết tâm lớn, nhằm đáp ứng đòi hỏi khách quan của cách
mạng Việt Nam.
Quyết định sang phương Tây của Hồ
Chí Minh là sự phủ nhận sự tồn tại nhà nước thực dân nửa phong kiến ở Việt Nam. Đó là
đòn tiến công đầu tiên của Hồ Chí Minh đối với nhà nước đương thời, mở cửa ra
thế giới để đón nhận những nhân tố mới của thời đại, tiếp thu lý luận tiên
tiến, tích hợp tinh hoa văn hoá nhân loại để hình thành con đường cứu nước
Việt Nam thông qua Hành trình cứu nước của một con người - Nguyễn Ái
Quốc - Hồ Chí Minh.
Ngày 3 tháng 6 năm 1911, Người
xuống tàu buôn Pháp Amiran Latusơ Tơrêvin( Amiral Latouche Treville) thuộc
Hãng Năm sao đang cập cảng Nhà Rồng gặp thuyền trưởng Maixen (Maisen) và được
nhận vào làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tàu Amiran Latusơ
Tơrêvin rời bến cảng Nhà Rồng mang theo người thanh niên Việt Nam 21 tuổi với
khát vọng cháy bỏng là tìm ra con đường cứu nước Việt Nam khỏi ách thống trị
thực dân phong kiến.
3. Khi rời Tổ Quốc, Nguyễn Ái Quốc -
Hồ Chí Minh có quyết tâm cao, nhưng sự hiểu biết về thế giới còn hạn chế. Sự
ra đi ấy khẳng định một quyết tâm lớn, nhưng biết bao câu hỏi còn bỏ
ngỏ. Vốn hiểu biết của Người chưa có thể nhận thức được đặc điểm, xu thế của
thời đại. Từng bước một, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập lý luận và hoạt
động xã hội, Hồ Chí Minh dần dần nhìn ra bối cảnh của hành trình tìm đường
cứu nước. Từ hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội, những trải
nghiệm cuộc sống trong nhiều quốc gia thập niên 10, 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh
sớm nhìn ra những yếu tố ảnh hưởng đến cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở
Việt Nam như con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tư tưởng Lênin và đường lối
giải phóng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản (QTCS). Nhiều bài viết, bài nói, báo
cáo của Hồ Chí Minh gửi QTCS đã thể hiện quá trình nhận thức của Người về
thời cuộc và sự tổng hợp, vận dụng sáng tạo những nhân tố tích cực của bối
cảnh lịch sử để hình thành con đường cứu nước của mình.
Điều cần lưu ý ở đây là Hồ Chí Minh
rời Tổ quốc hoà nhập vào thế giới trong thời điểm chủ nghĩa tư bản đã chuyển
sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Hệ thống thuộc địa đã hình thành trên phạm
vi thế giới. Trong Tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ V của QTCS (1924),
Hồ Chí Minh chỉ rõ: Năm 1876: 1/4 tỷ người dân thuộc địa thì năm 1914:
1/2 tỷ dân thuộc địa. Đến đầu những năm 20, diện tích các nước thuộc địa gấp
5 diện tích các nước chính quốc, còn dân số chính quốc chưa bằng 3/5 số
dân các nước thuộc địa. Số dân thuộc địa Anh đông gấp hơn 8,5 số dân nước Anh
còn đất đai rộng gấp 252 lần của nước Anh[6]... Cuộc đấu tranh giải phóng
của các thuộc địa và phụ thuộc tuy đã được đẩy mạnh ở các nước châu Âu như:
Airơlen, Ba Lan nhưng chưa có nước nào giành được độc lập. Còn ở châu Á, tuy
đã trỗi dậy một "Châu Á thức tỉnh" nhưng các quốc gia lớn như: Ấn
Độ, Trung Quốc, Inđônêxia vẫn đang là thuộc địa của bọn đế quốc. Trên phạm vi
toàn thế giới, chưa có một thuộc địa nào được giải phóng. Con đường giải
phóng dân tộc chưa có một hình mẫu, tấm gương soi chung!
Vì vậy, hành trình cứu nước của Hồ
Chí Minh lúc này cũng mới chỉ là quyết tâm và định hướng. Người bắt đầu bằng
nghề phụ bếp rồi sau đó là công nhân trên tàu buôn Pháp. Nhờ đó, Người có dịp
qua nhiều quốc gia như: Xinhgapo, Côlômbô, Aicập, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào
Nha, Angiêri, Tuynidi, Cônggô, Đahômây, Mỹ. Đầu năm 1913, Người từ Mỹ về Lơ
Havơrơ sau đó sang Anh. Tại đây, Người làm nghề đốt lò, quét tuyết, phục vụ
khách sạn. Bất kỳ hoàn cảnh nào, Người thường xuyên chú ý tìm hiểu đời sống
và gần gũi với người lao động. Người rất xúc động trước điều kiện sống cực
khổ và bị đàn áp của người da đen[7]. Sau những tháng năm trải nghiệm
cuộc sống người dân thuộc địa làm thuê, Người dần dần nhận ra một
điều: Ở đâu cũng có người nghèo và sự giàu nghèo không phụ thuộc vào màu
da, chủng tộc. Người lao động ở đâu cũng khổ cực và biết thương yêu nhau.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại
Pháp, vừa tiếp tục lao động kiếm sống, vừa tích cực tham gia hoạt động chính
trị xã hội. Người liên hệ chặt chẽ với công nhân Pháp, những đại biểu thuộc
địa và những người Việt Nam
yêu nước tại Pháp. Đây là thời kỳ hoạt động sôi nổi và có hiệu quả trong hành
trình tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam. Đầu năm 1919, Người vào Đảng
Xã hội Pháp: "Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lý tưởng
cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái" [8]. Giữa năm 1919, Người thay mặt
những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi "Bản yêu sách tám điểm
"của nhân dân An Nam tới Hội nghị các nước đế quốc họp tại Vécxây
(Versailles). Mặc dù Yêu sách chỉ nêu những yêu cầu tối thiểu trong khuôn khổ
cải cách, nhưng các tác giả của bản Yêu sách ấy đã không nhận được một lời
phúc đáp. Từ thực tế ấy, Người kết luận: "Muốn được giải phóng, các dân
tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân
mình"[9]. Thực tế trên đây đã giúp Hồ Chí
Minh hiểu thêm bối cảnh khách quan mà hành trình cứu nước không thể bỏ qua.
Hành trình đi tìm con đường cứu nước của Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục.
Sự kiện cực kỳ quan trọng làm
chuyển biến cơ bản nhận thức con đường cứu nước giải phóng dân tộc của Người
là được đọc bản "Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về
vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa" của Lênin đăng trên báo Nhân
đạo (L’Humanité) tháng 7-1920. Luận cương đã mang lại cho Người ánh sáng về
con đường cách mạng giải phóng dân tộc ở một nước thuộc địa. Khẳng định ý
nghĩa to lớn của Luận cương trong hành trình tìm ra con đường cứu nước, sau
này Người viết: "Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn
khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to
lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau
khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng
ta"[10]. Cho đến cuối đời, Hồ Chí Minh
càng trung thành với con đường độc lập dân tộc bao nhiêu, thì càng trung
thành bấy nhiêu với những lý luận Lênin viết trong Sơ thảo Luận cương
và đường lối của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Điều này
thể hiện rất rõ khi Người trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô:
"Từ ngày Luận cương của Lênin đã hoàn toàn soi sáng cho tôi, tôi
không còn chỉ dự các cuộc họp của Đảng một cách thụ động nữa. Tôi lao
vào cuộc chiến đấu, hăng hái bàn cãi, tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại
Lênin và Quốc tế thứ ba"[11].
Sự kiện được đọc bản Sơ thảo
những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin cùng
với những hoạt động sát cánh với công nhân, trí thức Pháp và các đại
biểu thuộc địa cùng đồng bào mình trên đất Pháp trước đó đã tạo tiền đề quan
trọng để tại Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua
tháng 12 năm 1920, Hồ Chí Minh tích cực thảo luận và sớm quyết định bỏ phiếu
ủng hộ Đảng mình gia nhập Quốc tế thứ ba. Người đã tham gia dự thảo Nghị
quyết về chủ nghĩa Cộng sản và các thuộc địa và Lời kêu gọi
những người bản xứ ở các thuộc địa tại Đại hội lần thứ nhất (1921) và
lần thứ hai (1922) Đảng Cộng sản Pháp. Người đã trở thành người cộng sản Việt
Nam
đầu tiên có nhiều đóng góp tích cực cho vấn đề giải phóng thuộc địa.
Với những sự kiện trên đây, Hồ Chí
Minh đã từ người yêu nước trở thành người cộng sản chân chính. Và đây còn
là mốc quan trọng đánh dấu việc Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu
nước. Người đã hoàn thành sứ mạng Người tìm thấy con đường cứu nước Việt Nam .
Tiếp theo là những hoạt động của Hồ
Chí Minh với sứ mạng Người dẫn đường cứu nước đến thắng lợi.
Tìm thấy đường lối, con đường cứu
nước đã khó, tiến hành tuyên truyền vận động quần chúng và tổ chức thắng lợi
đường lối ấy trên thực tế còn khó hơn nhiều. Vì trong suốt tiến trình thực tế
hoá đường lối ấy, người lãnh đạo có quyết tâm chưa đủ mà còn phải đánh giá
đúng tình hình, lựa chọn đúng thời điểm, địa bàn"đối nội" và phải
tìm được những cộng sự có thực tế và kinh nghiệm vận động tổ chức quần chúng.
Tháng 6-1923, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp Người phác họa công
việc của mình - Người dẫn đường cứu nước khi trở về Tổ quốc là: "Đối
với tôi, câu trả lời đã rõ ràng là trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh
họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do
độc lập"[12]. Tuy nhiên con đường ấy
còn nhiều gian truân. Người đã trải qua nhiều công việc, hoạt động ở
nhiều quốc gia như: Nghiên cứu lý luận tại Đại học Phương Đông, dự nhiều Hội
nghị quốc tế tại Liên Xô, làm cán bộ Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và
nhiều năm làm phiên dịch trong Phái bộ Bôrôđin tại Trung Quốc (1924-1927).
Cũng trong thời gian này, tại Quảng Châu, Người đã thành lập Hội Việt Nam
Cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Giữa năm
1927 Người trở lại Liên Xô, thực hiện nhiệm vụ do Quốc tế Cộng sản giao ở
Pháp, Bỉ, Đức, Thuỵ Sĩ, Italia rồi về Xiêm, Thái Lan, Trung Quốc.
Đầu năm 1930 tại Hồng Kông (Trung
Quốc), Người đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng tại
đây, từ giữa năm 1931 đến năm 1933, Người bị thực dân Anh bắt giam. Đầu năm
1934 sau khi thoát tù, Người trở lại Liên Xô học Trường Quốc tế Lênin và làm
nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa (thuộc
Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản). Thành công nổi bật trong hoạt động cách
mạng của Người là nhận thức và giải quyết thoả đáng mối quan hệ dân tộc và
giai cấp - vấn đề quan trọng và nhạy cảm mà ngay Quốc tế Cộng sản cũng có lúc
mắc sai lầm. Người rất chú ý đặc điểm và truyền thống dân tộc, nhưng không vì
thế mà xa rời lập trường giai cấp. Điều này được thể hiện qua luận điểm:
"Vậy là màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống
người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái
là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản"[13]. Những luận điểm sáng tạo về mối
quan hệ giữa cách mạng vô sản ở chính quốc với cách mạng thuộc địa còn được
thể hiện rõ trong nhiều bài báo , đặc biệt trong tham luận của Người được
trình bày tại Đại hội V của QTCS năm 1924. Trong bối cảnh QTCS chịu ảnh
hưởng sâu sắc của trào lưu "tả" khuynh, biệt phái từ sau khi Lênin
qua đời (1924), đặc biệt sau Đại hội VI của QTCS (1928), Người vẫn kiên trì
học tập lý luận và thường xuyên lập kế hoạch về nước thực thi con đường cứu
nước để bắt liên lạc với Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở trong nước.
Nét đặc sắc nhất cuộc hành trình
cứu nước 30 năm là không bao giờ Người xa rời mục đích về nước cứu đồng bào.
Khi ở Liên Xô dự Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên, Người nói với nhà văn
I. Êrenbua: "Tôi chỉ có một mong ước là sớm trở và Tổ quốc"[14]. Khi đang hoạt động trong Bát lộ
quân Trung Quốc, Người vẫn bí mật liên lạc với Ban lãnh đạo Đảng trong nước
chuẩn bị xây dựng căn cứ địa vùng biên giới Việt Trung. Cuối tháng 6 năm
1940, ngay sau khi Pháp đầu hàng phát xít Đức, Người chỉ thị gấp cho đồng chí
Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi học Trường Quân chính của Đảng Cộng
sản Trung Quốc tại Diên An nữa mà cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh đi
Quế Lâm, Nam Ninh (Quảng Tây) hướng về Cao Bằng đón thời cơ mới. Đầu năm
1941, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh kết thúc Hành
trình cứu nước, về vùng rừng núi Cao Bằng - địa đầu Tổ quốc trực tiếp
lãnh đạo dân tộc thực hành đường lối cứu nước mới, mở ra giai đoạn mới trong
công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam.
4. Ra đi tìm đường cứu một quốc gia
là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Nhưng tìm thấy con đường ấy và điều quan trọng
tiếp theo là bổ sung, hoàn thiện nó cho phù hợp với điều kiện cụ thể rồi đưa
về áp dụng trong nước là việc khó gấp bội phần. Sau nhiều lần thất bại của
các bậc tiền bối, Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên kết hợp thành công
sức mạnh trong nước và quốc tế - dân tộc và thời đại, yếu tố khách quan và
chủ quan để tìm ra lời giải cho "Bài toán thế kỷ" đã đặt ra trước
dân tộc từ đầu thế kỷ XX. Người đã khảo sát thực tế, nghiên cứu lý luận, tổng
kết kinh nghiệm của nhiều thế hệ đã tìm thấy con đường cứu Việt Nam khỏi ách
thống trị thực dân phong kiến. Tuy nhiên cần thấy rõ, đây không phải đơn giản
là việc lựa chọn một mô hình con đường có sẵn để vận dụng vào Việt Nam. Mặc dù
Luận cương của Lênin cũng như những quan điểm của Quốc tế Cộng sản và Đảng
Cộng sản Pháp có vị trí quan trọng trong "con đường cứu nước" mà Hồ
Chí Minh tìm đến; song chỉ ngần ấy thôi, chưa phải là con đường cứu nước Hồ
Chí Minh, bởi lẽ đó chỉ là những nguyên tắc lý luận, định hướng mang tính phổ
biến. Con đường cứu nước Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo những nguyên
tắc, quan điểm ấy vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam. Vì vậy,
thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam không chỉ được tạo ra
bởi tác động mạnh mẽ của bối cảnh lịch sử mà còn bởi những đóng góp đầy
sáng tạo của Hồ Chí Minh. Thắng lợi công cuộc giải phóng ở Việt Nam đã mở đầu
cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi thế giới. Đó tác động trở
lại của cách mạng Việt Nam
với thế giới, dấu ấn của Hồ Chí Minh với thời đại. Do đó, thế giới đã tôn
vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá kiệt xuất
Việt Nam./.
[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb.CTQG,
H.1996,T1,tr.314
[2].Dẫn theo báo Nhân Dân, ngày 18
tháng 5 năm 1965
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu
chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.CTQG-Nxb.TN,H.1994,tr.12
[4] . Hồ Chí Minh Toàn tập,Nxb. CTQG,
H.1995,t.1,tr.477
[5] Trần Dân Tiên: Những mẩu
chuyện..., Sđd,tr.12
[6] Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập,
Nxb.CTQG,H.1995,t1,tr.273-289
[7]. Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 40-50
[8] Trần Dân Tiên: Những mẩu
chuyện...Sđd, tr.41-42
[9] Trần Dân Tiên: Những mẩu
chuyện...Sđd,tr.31
[10] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t. 10
tr.127
[11] Hồ Chí Minh Toàn tập,
Sđd,t12,tr.471
[12] Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd,t.1
tr.192
[13] Hồ Chí Minh toàn tập,
Sđd,t.1,tr.266
[14] Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử,
xuất bản lần thứ 2,Nxb.CTQG, H.2006,t.2,tr.63
|