6 tháng 11, 2011

ĐỊA DANH ĐỒNG THÁP MƯỜI

                                                                           Nguyễn Hữu Hiếu  
                                             (Phó chủ tịch Hội sử học Đồng Tháp)

        Đồng Tháp Mười không phải là địa danh hành chánh, mà là địa danh chỉ vùng, chỗ một khu vực rộng lớn không có ranh giới rõ ràng, ở đồng bằng sông Cửu Long, do nhân dân tự phát đặt ra vào khoảng đầu thế kỷ XIX.
      Nó được hình thành không dựa trên cơ sở những phát hiện của sử học và khảo cổ học về Chân Lạp và Phù Nam cổ; song, để tìm hiểu nguồn gốc, nội dung, ý nghĩa của địa danh nầy, không thể không vận dụng đến thành tựu của hai ngành học nói trên về các tộc người đã cư trú trên vùng đất Đồng Tháp Mười trước đây và cả phương ngữ học Nam bộ cũng như nhiều ngành học khác có liên quan. Thành tựu của sử học và khảo cổ học giúp cho chúng ta biết ngày càng rõ hơn nguồn gốc, ý nghĩa; còn phương ngữ học thì giúp chúng ta biết được quá trình hình thành và chuyển hóa của địa danh nổi tiếng nầy.
        Để góp phần tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của tên gọi Đồng Tháp Mười; trước hết, chúng tôi xin trình bày một số tư liệu liên quan đến nội dung, ý nghĩa của địa danh Tháp Mười, kể cả các giả thuyết:
          Trong dân gian trước đây có nhiều giả thuyết về tên gọi Tháp Mười, xin được tóm lược như sau:
 -          Giả thuyết I: Ngày xưa, cánh đồng nầy thuộc một vương quốc giàu có. Trong nước có mười quốc vương, mỗi ông có xây cho mình một ngôi tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng; ngôi tháp của ông vua thứ 10 là ngôi tháp mà chúng ta đang nói. Khi an táng nhà vua, người ta chôn theo cung phi mỹ nữ và vàng bạc châu báu. Có lẽ từ giả thuyết nầy, nên từ xưa đã có lời đồn là trong Tháp Mười có vàng.
 - Giả thuyết II: Cho rằng đây là cái chùa-tháp thứ mười, tính từ Lục Chân Lạp xuống, nối liền các chùa-tháp nầy là các con đường lót đá.
 - Giả thuyết III: Đây là cái tháp mười tầng của Chân Lạp; có lẽ, theo thuyết nầy nên chánh quyền Ngô Đình Diệm, vào năm 1958, cho xây lại một cái tháp mười tầng cao 42m, theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ (Huế), một loại hình kiến trúc Trung Quốc.
-  Giả thuyết IV: Đây là tháp canh thứ 10 (tính từ vàm Ba Sao vào Gò Tháp), hoặc 10 tầng (còn gọi là thang trong) của nghĩa quân Thiên hộ Dương để canh chừng giặc Pháp.
      Còn tư liệu thành văn cho thấy vùng đồng Tháp Mười (chữ đồng không viết hoa) lần lượt có tên gọi:
- Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức (hoàn thành khoảng 1820): ở tập Thượng, vùng đồng Tháp Mười được goị là Vô-tà-ôn (tr.14), chằm lớn, với tư cách là một danh từ chung (tr. 63) và Lâm Tẫu (tr. 69).
-    Sách Đại Nam nhất thống chí - Lục tỉnh Nam Việt (hoàn thành sau Gia Định thành thông chí vài chục năm): ở tập Trung, vùng nầy, được gọi là chằm Mãng Trạch (tr. 9) và là hồ Pha Trạch (tr. 20).
- Bản đồ của Pháp vẽ năm 1862 (để thi hành hoà ước Nhâm Tuất), vùng nầy được  ghi là Plaine inondée couverte d’herbe tức Cánh đồng ngập nước đầy cỏ), sau đó họ ghi gọn lại là Plaine des Joncs ( tức Đồng Cỏ Lát hay Đồng Cỏ Bàng).
- Châu bản triều Nguyễn (CB số 287, tờ 1 đến tờ 3) ngày 1 tháng 3 năm Tự Đức thứ XVIII (tức ngày 27-3-1865), trong đó có đọan :”...Lại việc nữa: quan Tây có đến Vĩnh Long nói: tháng chạp qua, đảng của Thiên hộ Dương, tên quản Là đã đánh giết bốn người Tây, bắt sống một. Nói lên rằng đã giãi đến Vãng Tháp (   ) nộp cho Thiên hộ Dương...” Cũng trong châu bản CB số 287 nầy, từ tờ 143 đến tờ 145, ngày 7 tháng 6 năm Tự Đức thứ XIX (tức ngày 18-7-1866), lại có đoạn viết: ” ...Tên phạm đó (tức Võ Duy Dương) tự nó cách nuôi dưỡng riêng của nó, nhưng điều ác trong thiên hạ chỉ là một vậy. Luật là phép nước, há lại dung tha một ai? Trước đây tên phạm đó ẩn náo ở Thập Tháp  ), nơi tiếp cận với ranh giới tỉnh Vĩnh Long, chỉ có nơi đó mới được nghiêm ngặt phòng triệt...”
 - Công báo Nam kỳ thuộc Pháp: đưa tin : “Ngày 17-4-1866 đã chiếm được Tháp Mười”.
- Hai báo cáo của Thiên hộ Võ Duy Dương gởi cho vua Tự Đức trong năm 1865, 1866; bị quân Pháp tịch thu  vào tháng 4-1866, được Gustave Janneau dịch và công bố trên Revue Indochinoise, số 2, năm 1914, dưới nhan đề “ Deux  rapports militaires du Général VO DI DUONG”, tên Tháp Mười, viết bằng quốc ngữ, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
- Trong Dossier SL.4522 (1869-1881),Lưu trữ tại TT.LT.Tư II ( hồ sơ ghi chép về cái chết và người vợ thứ của Võ duy Dương);  trong đó có báo cáo mật thám, có đọan viết: “ Tôi có vinh hạnh cung cấp  ông những tin tức về Thiên hộ. Người nầy tên là Dương bỏ trốn sau khi Tháp Mười  bị chiếm, đã lên một chiếc ghe cửa đi Bình Thuận, trước khi đến xứ nầy, ông ấy đã bị tên Lý Sen, cầm đầu một đám cướp biển tấn công...” ( chữ Tháp Mười được viết bằng quốc ngữ). 
        Những phát hiện của khoa học lịch sử và khảo cổ học cho biết:
- Lê Hương, trong bài “ Địa danh, di tích, thắng cảnh trong vùng người Việt gốc Miên” đăng trong tạp san Sử Địa, số 14&15, Sài Gòn, 1969, cho rằng: Tháp Mười là một trong những ngôi tháp bằng đá, do vua Jayavarman VII (1181-1218) xây cất trên khắp lãnh thổ để thờ vị thần Bà la môn Lockecvara là vị thần có chức năng trị bịnh cho nhân loại. Bên cạnh tháp có những căn nhà sàn gỗ lợp bằng đá mỏng, hoặc bằng ngói hay lá thốt nốt,  để cho ngưòi ốm nằm dưỡng bịnh do các nhân viên y tế của hoàng triều phụ trách. Những ngôi tháp nầy được xây dọc theo những con đường lớn trong nước mà ngôi tháp trong đồng Tháp Mười, tính từ điểm xuất phát, đứng vào hàng thứ mười. Thời gian đã tàn phá công trình kiến trúc nầy, dãy nhà gỗ tiêu tan, chỉ còn lại một tượng sư tử và một linh phù (linga) bằng đá, dưới bệ có khắc chữ Bắc phạn (Sanskrit) ghi tên tháp thứ mười. Năm 1932, nhà khảo cổ người Pháp, Parmentier, vào Tháp Mười phát hiện ra ngôi tháp đổ nát và đã đọc những dòng chữ phạn ghi tên ngôi tháp thứ mười.
- Trong hai quyển “ Lịch sử thế giới  trung đại” (của Lương Ninh và Đặng Đức An) và “Lịch sử Cam pu chia” (của Phạm Trung Việt, Nguyễn Xuân Kỳ và Đỗ Văn Nhung) đều có nêu: vua Jayavarman VII (Chân Lạp) lập 102 bệnh viện phân bổ trong toàn vương quốc mà cả bốn đẳng cấp đều có thể được chăm sóc tại đây. Mỗi bệnh viện đều có xây một ngôi chùa nhỏ và ngôi tháp thờ thần trị bịnh Lokecvara. Người ta đã tìm thấy trên 30 bệnh viện trong đó có 15 nơi đã tìm thấy cả bia đá với nội dung giống nhau, nói về ý định, việc cung ứng, tổ chức và chữa bệnh.
-  Các nhà khảo cổ học thuộc trường Viễn Đông Bác  cỗ (H. Parmentier, L. Malleret, J.Y Chalys): Cho rằng từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, gò Tháp Mười mang tên Prasat Pream Lovennăm ngôi tháp hay năm ngôi đền thờ chớ không phải có năm ngăn (compartiménts) hay năm phòng (chamgbré) và đã từng là một trung tâm tôn giáo khá quan trọng, có liên quan đến sự kiện “ Vị thái tử Gunavarman, mặc dù còn trẻ tuổi đã được phong cho trị vì một lãnh thổ sùng đạo được chinh phục từ đầm lầy, vì ông là người vừa có đạo đức, vừa có phẩm hạnh...” Riêng L. Malleret, căn cứ trên những gạch đổ nát của một số nền móng củ cho rằng, trên gò còn có khả năng phát hiện thêm ba ngôi tháp hay ba ngôi đền thờ nữa [1][1]. Theo Vương Hồng Sển thì: “...chính ông Sylvestre, thanh tra bổn quốc sự vụ (Inspecteur des affaires  Ingènes) viếng chổ nầy trước năm 1881, và nhờ ông tả rõ “tour à cinq faces” (préam loveng) mới biết tháp có năm mặt tiền, xưa nay dịch theo Thổ là “Tháp Năm Căn” (loveng travée) là sai, và nên gọi là “Tháp Ngũ Giác”  (Ngũ giác tháp) còn ta gọi là Tháp Mười, có lẽ tháp có mười từng hay chăng? Thổ đếm “diện” nên thấy “ngũ giác” , ta đếm “từng” nên thấy “mười từng” ( dầu sao nay tháp đã đổ nát, không phương giảo nghiệm được)” [2][2].
Qua ba nguồn tư liệu trên, chúng tôi xin có mấy nhận xét:
Về mặt cấu tạo, địa danh Tháp Mười có hai âm tiết :
/Tháp/ + / Mười/, được hình thành theo dạng thức: danh từ + số từ.
      Về âm tiết / Tháp /, cả ba nguồn tư liệu trên đều có liên quan, đều có hình ảnh ngôi tháp. Ở đây chữ tháp, một danh từ chung chỉ một công trình xây dựng: ngôi tháp, cái tháp; đã trở thành một yếu tố của địa danh Tháp Mười và chữ  Tháp được viết hoa.
      Về âm tiết /Mười/, nó vốn là danh từ chỉ số lượng (mười tầng, cũng có thể là mười ngôi tháp) hoặc số thứ tự (thứ mười), một đặc điểm của ngôi tháp. Đặc điểm nầy được dùng làm tên của ngôi tháp: tháp /Mười/ . Mười đã trở thành một thành tố của địa danh Tháp Mười. Qua đó, ta thấy địa danh Tháp Mười đã trải qua một bước chuyển hóa: tiên khởi /tháp/  là danh từ chung, /mười/ là tên của tháp đó và tên gọi tháp /Mười/ (chữ tháp không viết hoa) là tên gọi chỉ ngôi tháp; bước tiếp theo là trong vùng trũng chằm Mãng Trạch (chúng tôi xin tạm dùng địa danh nầy, một địa danh xuất hiện trước tên đồng Tháp Mười) có nhiều gò, giồng; cái gò mà trên đó có ngôi tháp Mười, được gọi là gò  / Tháp Mười/.
        Hiện nay, trong dư luận chưa có sự thống nhứt về nội dung, ý nghĩa của âm tiết /Mười/. Địa danh Tháp Mười đều có thể mang nôiỹ dung tháp “thứ mười”, tháp “mười tầng”  hay mười cái tháp và trong thực tế, qua quá trình sử dụng, các địa danh đều có khuynh hướng giản lược sao cho dễ gọi, dễ nhớ; nên tháp thứ mười, tháp mười tầng hay mười cái tháp đều có thể trở thành Tháp Mười.
2.- Về tiến trình hình thành, chuyển hóa và thời điểm xuất hiện lần đầu tiên trên văn bản của địa danh Tháp Mười:
       Phần lớn các địa danh ở Nam bộ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay, đều được hình thành trễ lắm là đến đầu thế kỷ XIX và đã được Trịnh Hoài Đức tập hợp, trình bày trong Gia Định thành thông chí, vào khoảng năm 1820; sau đó được thể hiện chi tiết, cụ thể hơn trong địa bạ Nam Kỳ (1836). Tuy nhiên, có một đặc điểm cần lưu ý là có sự khác biệt giữa địa danh ghi trong văn bản chính thức của nhà nước phong kiến với địa danh mà nhân dân sử dụng thường ngày. Những địa danh hành chánh, nhiều nhứt là tên thôn, tên xã do nhà nước chủ động đặt bằng các mỹ từ Hán Việt; phần nhiều địa danh còn lại như tên xóm (một vùng lãnh thổ nho ớ (xóm, ấp...), trong địa bạ thường chép là xứ) , tên sông,  rạch, giồng, gò nổng, bưng trấp...được hình thành qua quá trình lao động, giao tiếp của nhân dân mà đại bộ phận là nông dân ít chữ nghĩa, nên các địa danh nầy đều có âm nôm. Họ thường căn cứ vào các đặc điểm gắn liền với đối tượng (như hình dạng, kích cở, dài ngắn, hoặc đối tượng có nhiều cây gì, con gì  hay công trình xây dựng gì trên đó...) để đặt tên cho nó. Nhưng khi ghi chép vào văn tự thì các địa danh nầy được thay thế bằng ngữ âm Hán Việt (viết chữ Hán, đọc âm Việt). Sông Ngã Bảy trở thành Thất Kỳ giang, rạch Gầm trở thành Sầm giang, sông Sở Thượng trở thành Diện Hầu Thượng, giồng Sa Rày trở thành giồng Cốt Sa, vân vân...và cũng như vậy Tháp Mười  trở thành Thập Tháp.
         Nguồn tư liệu thành văn trình bày trên cho thấy, trước khi địa danh Tháp Mười ra đời, vùng nầy đã từng mang những tên: Vô-tà-ôn (đây có lẽ là ghi âm Hán Việt của tiếng Khmer, trong dân gian còn gọi là Vu-tà-ân, chưa rõ nghĩa là gì), chằm lớn (từ chung), chằm Mãng Trạch, hồ Pha Trạch, Lâm Tẫu và đến năm 1865 mang tên Vãng Tháp. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, điạ danh có mang chữ Tháp của Tháp Mười xuất hiện trong văn bản chính thức, thuộc cấp cao của nhà nước (do Phan Thanh Giản, Thành Tiển Thành và Phạm Phú Thứ trong Viện Cơ Mật phụng soaỹn). Và liền đó, năm sau, trong một văn bản khác cũng thuộc loại cao cấp, địa danh Thập Tháp tức Tháp Mười xuất hiện và thay cho địa danh Vãng Tháp. Điều nầy cho thấy địa danh Tháp Mười ra đời trước năm 1865, với tư cách là tên gọi của một gò, một giồng trong vùng trũng mênh mông cuả hồ Pha Trạch  hay rừng Lâm Tẫu và đã được sử dụng rất hạn chế, vì đây còn là rừng hoang, ít người lui tới. Điều nầy giải thích được lý do tại sao địa danh Tháp Mười chưa thấy xuất hiện trong địa bạ Nam Kỳ (1836). Địa bạ của phần lớn các thôn trong hai tổng Phong Phú và Phong Thạnh, thuộc huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay thuộc các huyện phía bắc sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp)  đều có địa giới phiá bắc giáp với rừng hoang tức là vùng Lâm Tẫu trong “Định Tường tòan đồ”. Như vậy,  là cho tới năm 1836, gò Tháp Mười chưa nằm trong địa giới hành chánh của thôn xã nào hết.
          Tên gọi Vãng Tháp gợi cho chúng ta ít nhiều suy nghĩ. Có khả năng trong quá trình lao động, giao tiếp nông dân điạ phương đã tận mắt nhìn thấy một ngôi tháp hoang tàn đổ nát, tức là ngôi tháp không còn nữa, chỉ còn lại phế tích (vãng có nghĩa chung là đã qua, không còn nữa, phải chăng ở đây có nghĩa như vậy). Điều nầy đối chiếu với lịch sử có thể trùng khớp: vào thế kỷ XVII, XVIII những lưu dân tiền phong người Việt vào Đồng Tháp Mười ít có khả năng thấy được ngôi tháp nguyên vẹn, đã xây dựng ở vùng sình lầy ẩm thấp nầy từ thế kỷ XIII (nếu là của cổ Chân Lạp), tức cách đó bốn, năm trăm năm. Có lẽ, vì thế nên có tên Vãng Tháp, chớ không có tên Cổ Tháp. Và cũng trong quá trình lao động và giao tiếp, lưu dân người Việt tiếp xúc với người Khmer tại chỗ, biết thêm một vài đặc điểm của ngôi tháp nầy, nên từ đó tên gọi Tháp Mười ra đời trong dân gian và vào đi văn tự là Thập Tháp, tồn tại đến ngày nay.
      Khi thực dân Pháp chánh thức chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (bằng hoà ước 1862), chúng chủ quan áp đặt cho vùng nầy một cái tên bằng tiếng Pháp dài xọc “Plaine inondée couverte d’herbe”, sau rút gọn lại là “Plaine des Joncs” dịch sang tiếng Việt là “Đồng Cỏ Lát”,”Đồng Cỏ Bàng”... Có thể nói, nếu Võ Duy Dương không chọn gò Tháp Mười làm căn cứ, thì liệu cánh đồng rộng lớn nầy ngày nay có mang tên Đồng Tháp Mười không? Sau khi về lập căn cứ ở đây, đến năm 1865, nghĩa quân Võ Duy Dương bắt đầu chủ động tấn công giặc Pháp, buộc chúng và cả triều đình Huế phải chú ý đến vùng sình lầy nầy. Vì vậy, bắt đầu từ thời điểm nầy và nhứt là khi chúng tấn công triệt hạ căn cứ Tháp Mười vào tháng 4 năm 1866; Tháp Mười trở thành địa danh nổi tiếng, thường xuyên xuất hiện trên các văn bản hành chánh, ngoại giao của triều đình và thực dân Pháp và báo chí của Pháp. Nên không lấy gì làm lạ khi thấy tên đất “Tháp Mười” luôn gắn liền với tên người “Thiên hộ Dương”, trong lịch sử cũng như trong thâm tâm của người Nam bộ, mà nhứt là Đồng Tháp. Qua thời gian, Tháp Mười trở thành tên gọi cho cả một vùng rộng lớn: Đồng Tháp Mười, thay thế Đồng Cỏ Lát (Plaine des Joncs) do thực dân Pháp áp đặt. Đến đây chữ đồng, danh từ chung, trở thành một thành tố của địa danh Đồng Tháp Mười, nên chữ Đồng viết hoa. Như vậy, địa danh Tháp Mười đã hình thành và chuyển hóa như sau:
                                                                              Gò Tháp 
                                                             (giản lược)
tháp Mười (chữ tháp không viết hoa)        gò Tháp Mười            vùng Tháp Mười                                         
                                                                    vùng Đồng Tháp Mười.      
Tháp Mười (điạ danh hành chánh, tên huyện)                  Đồng Tháp (địa danh hành chánh, tên tỉnh)
        Về nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh:
        Điạ danh Tháp Mười xuất phát từ phế tích trên vùng đất có người Khmer bản địa cư trú, nên đây là ngôi tháp thuộc văn hóa Angkor hoặc thuộc nền văn hóa xưa hơn nữa là Óc Eo, chớ không thể là ngôi tháp theo kiểu tháp chùa Thiên Mụ, một dạng tháp Trung Quốc vì người Trung Quốc chưa hề đến Nam Kỳ trước năm 1679. Nên giả thuyết tên goị Tháp  Mười xuất phát từ ngôi tháp mười tầng (kiểu Trung Quốc) là khó chấp nhận được. Tuy nhiên, theo Vương Hồng Sển thì trong khi người Khmer gọi là Tháp Năm Mặt (Préam Loveng) mà người Việt gọi là Tháp Mười Tầng tức nhiên là phải căn cứ vào cơ sở nào đó. Phải chăng từ cái tháp đổ nát (Vãng Tháp), qua người Khmer tại chổ, người Việt biết được nó có mười tầng, nên địa danh Thập Tháp mới xuất hiện lần đầu tiên trong văn bản chính thức của nhà nước lúc ấy (1866).
        Còn thuyết tháp thứ mười thì:
       - Phương ngữ Nam bộ trong giao tiếp hàng ngày có khuynh hướng tỉnh lược các âm tiết không cần thiết (không nói tới, nhưng người đối thoại vẫn biết). Hạng thứ nhứt, hạng thứ nhì...thì thường được nói hạng nhứt, hạng nhì...Thằng con thứ hai, thằng con thứ ba...thì nói là thằng hai, thằng ba...cho nên tên gọi /tháp mười / phải chăng là cách gọi rút gọn của tên /tháp thứ mười /.
        - Lịch sử Chân Lạp ghi lại nhiều công lao của vua Jayavarman VII, trong đó có công xây một hệ thống bệnh viện với chùa và tháp thờ thần trị bịnh Lokecvara. Song, tiếc là thuyết nầy còn có hạn chế là bia đá khắc chữ Phạn nói đây là tháp thứ mười mà Parmentier đã đọc, hiện nay không tìm thấy và nội dung bia cũng chưa được xác minh . Trong âm tiết /Mười/ của địa danh Tháp Mười, ngoài ý nghĩa là thứ mười và mười tầng, còn có một ý nữa là “mười ngôi tháp”. Gò có mười ngôi tháp, được gọi là gò /Mười Tháp/, lâu ngày đọc trại đi thành gò Tháp Mười. Trong phương ngữ Nam bộ, hiện tượng đọc trại, đảo vị cũng khá phổ biến; như tên rạch Nàng Hai (thị xã Sa Đéc) lúc mới hình thành là Hai Nàng; về sau trở thành Nàng Hai. Lý giải nầy phù hợp với thực tế vì trong hệ thồng địa danh Nam bộ ít có dạng cấu trúc: số từ + danh từ. Cấu trúc cuả địa danh Tháp Mười lúc đầu không giống với cấu trúc của một số địa danh như: điền Hai Hiển, chợ Thầy Hai Trinh (chợ Mỹ An ngày nay) vì hai âm tiết /Hai Hiển/, /Hai Trinh/ là tổ hợp chỉ tên người, một danh từ riêng; còn âm tiết /Tháp / trong địa danh Tháp Mười là danh từ chung. Có thể là lưu dân người Việt đã tiếp cận trực tiếp hoặc thông qua người Khmer tại chỗ, hệ thống phế tích của mười (hay nhiều) ngôi tháp, ngôi thờ hay đền thờ ở trung tâm tôn giáo gò Tháp Mười. Những phát hiện của các nhà khảo c? học thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ cho thấy số lượng tháp hay ngôi thờ, đền thờ trên gò Tháp Mười  có khả năng vượt trên con số năm; và âm tiết /Mười/ trong địa danh Tháp Mười chắc không hẳn là chỉ con số mười, mà có lẽ chỉ số nhiều. Theo thiển ý chúng tôi, kiến giải nầy có phần dễ chấp nhận hơn; song, cần được nghiên cứu, làm rõ thêm.
           Tóm lại, địa danh Tháp Mười được hình thành vào khỏang đầu của thế kỷ XIX và đã nhanh chóng trở thành một trong những địa danh nổi tiếng trong phạm vi cả nứơc, mang nhiều ý nghĩ quan trọng về địa lý và lịch sử. Trên một giồng đất nhỏ mà địa danh Tháp Mười ra đời để gọi nó, là nơi tập trung nhiều tầng văn hóa từ cổ, trung đến cận và hiện đại. Tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa của một địa danh có một “quá trình” như vậy, thật không dễ dàng, có lẽ không thể vội vã được. Hiện nay trong khai quật, nghiên cứu tìm hiểu, phục hồi và  tôn tạo di tích lịch sử-văn hóa trên mảnh đất nầy, không ngoài mục đích muốn hiểu biết thêm về vùng đất Đồng Tháp Mười, nơi vừa có nhiều tiềm năng kinh tế, vừa đã góp phần hình thành những đặc trưng văn hóa truyền thống cho vùng sông nước Nam bộ; để bảo tồn và giáo dục truyền thồng góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thiết tưởng không thể không lưu ý đến tính lịch sử của địa danh, vì “ địa danh là một phạm trù lịch sử”.
(1) Lê Trung Khá: Đồng Tháp Mười-Một vùng đất văn hóa lâu đời, trong Địa chí Đồng Tháp Mười, Nxb Chánh Trị Quốc Gia, 1996, tr. 57.
(2) Vương Hồng Sển: Tự vị Tiếng Việt Miền Nam, Nxb Văn Hóa, 1993, tr.360-362.