6 tháng 11, 2011

CHỮ QUỐC NGỮ

                                                                             Dương Văn Triêm
  
1. Khái quát về chữ quốc ngữ
Vào khoảng thế kỉ XVI – XVII, nhiều giáo sĩ châu Âu đến Việt Nam truyền đạo Thiên Chúa. Họ cố gắng học tiếng Việt và sử dụng kí tự La - tinh ghi lại âm Việt. Sau đó, dùng nó để làm công cụ giao tiếp giữa họ với người Việt. Mục đích của họ là nhằm phục vụ tốt cho công việc truyền đạo. Chữ quốc ngữ ra đời từ đó…
Theo “Hành trình chữ viết” của Lê Minh Quốc: “…Trong chữ quốc ngữ qu, gu là mượn của chữ Italia; ch là mượn của chữ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha; gi là của Bồ Đào Nha, Pháp; ph, th, kh và các dấu thanh điệu là mượn của chữ Hi Lạp cổ…”. Như vậy, chữ quốc ngữ là kết quả tổng hợp trong một số âm tiết của các nước thuộc hệ ngữ Latinh.
Khi mới ra đời chữ quốc ngữ không được gọi là quốc ngữ mà chỉ gọi là chữ viết theo mẫu tự Latinh. Vì khi đó, chữ Nôm mới được gọi là quốc ngữ.
Trong bối cảnh của giai đoạn hiện đại, khi mà cuộc đồng hành của các loại văn tự dân tộc không còn tiếp diễn nữa thì nó hiển nhiên trở thành quốc ngữ.
2. Chữ quốc ngữ qua các thời kì
Người đặt nền móng cho sự ra đời của chữ quốc ngữ, đó là Gaspar de AmiralAntonio Barbosa với 2 công trình: Annamiticum – Lusitanum (Bảng tra từ vựng Việt Latinh); Lusitanum – Annamiticum (Bảng tra từ vựng Latinh – Việt).
Ở giai đoạn này, chữ quốc ngữ chưa có kí hiệu ghi thanh điệu và cũng chưa có kí hiệu phân biệt giữa phụ âm với nguyên âm. Còn nặng phong cách của tiếng nước ngoài, cách viết lại chưa thống nhất.
Ví dụ:
Từ “nước mặn” có nơi viết thế này “neuocman” có nơi lại viết khác “nuoecman”.
Câu “Con nhỏ muốn vào đạo Cơ đốc chăng” lại được viết: “Con gno muon bau dau chriantian chiam”.
Vào năm 1651, dựa vào 2 công trình trên cùng với sự giúp sức của một số người Việt,  (những người mộ đạo) về cách phát âm các từ; phân biệt các thanh điệu, Alexandre de Rhodes đã hoàn thành xong cuốn Từ điển Annam – Latinh – Bồ Đào Nha và cuốn Giáo lý cương yếu bằng tiếng Latinh – tiếng Annam. Đưa chữ quốc ngữ sang một bước ngoặc mới.
Trong công trình của Alexandre de Rhodes, quốc ngữ có kí hiệu ghi thanh điệu, kí hiệu phân biệt giữa phụ âm với nguyên âm nhưng cách viết vẫn còn khác với hiện nay: chữ có 2 dấu trên một nguyên âm hoặc 2 dấu cho hai nguyên âm nằm liền nhau, ngoài các lỗi đó thì khoảng 9000 mục từ khi ấy nay có một số không còn phù hợp nữa.
Ví dụ:
Từ “ách trâu” lại được viết “ách tlâu”
Từ “Chúa Trời” lại được viết “Chúa blời”
Từ “tỏ tường” lại được viết “tó tưãng”
Nguyên âm “ô” lại được viết “ôô”
Nguyên âm “i“ lại được viết  “ ï “ v.v…
Tiếp đến năm 1832, dựa trên cơ sở của các công trình trước, và căn cứ vào Từ điển Annam – Latinh của giám mục Pigneau de Béhaine, giám mục Tabert cùng với một số người Việt Nam tiếp tục hoàn thiện chữ quốc ngữ. Năm 1989 hai cuốn Từ điển Annam – Latinh Latinh – Annam được ra đời. Trong hai công trình này, chữ quốc ngữ được cải tiến đáng kể, loại bỏ các âm thừa… và hình thức được hoàn thiện gần như ngày nay.
Ví dụ:
Từ “aong” được viết thành “a”
Từ “chue; chuen” được viết thành “ch”
Từ “ym;yn” được viết thành “y”
Từ “khuia; khuiếc…” được viết thành “k”
Bước sang thế kỉ XIX chữ quốc ngữ bắt đầu được sử dụng và phổ biến, tuy cách xây dựng từ đã được hoàn thiện hơn trước nhiều nhưng cách hành văn thì rất lủng củng, dài dòng, chấm, phẩy chưa rõ ràng... cách diễn đạt khó hiểu.
Trong bài viết“Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi” của Trương Vĩnh Ký, chủ bút “Gia Định báo”, tờ báo sử dụng chữ quốc ngữ sớm nhất Việt Nam, cách hành văn như sau: “…Trong sử nói đời Thục vua  An Dương bị tinh gà ác và phục quỷ núi Thất-Diệu, mà nhờ có thần hiện trên núi Xuân Lôi thuộc về tỉnh Bắc Ninh trừ ma phá quỉ hết đi, thì vua dậy lập miễu phía bên bắc thành vua mà thờ là thần, đặt hiệu là Trấn thiên chấn võ đế quân…”([1]*)
Tạm viết đoạn văn trên theo cách viết hiện nay: “…Theo sử , đời vua Thục An Dương bị tinh gà ác và phục quỷ núi Thất-Diệu quấy phá. Nhờ có thần trên núi Xuân Lôi thuộc tỉnh Bắc Ninh trừ mới hết. Vua lập miễu thần, thờ, phía bên bắc thành, đặt hiệu là Trấn thiên chấn võ đế quân…”
* Giải thích:
Từ in đậm là từ mới được thêm vào.
Từ in nghiên là từ cũ được xắp xếp lại và có lược bỏ một số từ thừa.
Từ in nghiên gạch dưới là nguyên văn.
3. Những hạn chế của chữ quốc ngữ
Trong mẫu tự La tinh có 26 chữ cái:
A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z
Trên cơ sở đó ta bỏ 4 chữ: F, J, W, Z; nhưng tạo thêm 7 chữ: Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư để tạo thành bảng chữ có 29 chữ cái của Việt Nam:
A Ă Â B C D Đ E Ê G H I K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V X Y
Nguyên tắc xây dựng cơ bản của chữ quốc ngữ là một âm được ghi bởi một kí hiệu duy nhất (nguyên tắc tương ứng một - một). Và ngược lại, mỗi kí hiệu chỉ biểu thị cho một âm duy nhất, dù ở bất cứ vị trí nào trong một từ (tính đơn trị của kí hiệu). Đây chính là yếu tố làm cho chữ quốc ngữ vừa đơn giản vừa tiện lợi, dễ học hơn tất cả các loại chữ viết từng tồn tại trước đó, ở Việt Nam.
Tuy nhiên có một số trường hợp, chữ quốc ngữ chưa hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc trên:
* Có những trường hợp dùng nhiều kí hiệu để ghi một âm
Ví dụ:
Một âm đọc là “ngờ” được ghi bởi kí hiệu “ng”, “ngh”
Một âm đọc là “gờ“ được ghi bởi kí hiệu “g“, “gh”
Một âm đọc là “ông“ được ghi bởi kí hiệu “ong“, “ông”v.v…
* Một số trường hợp khác thì vị trí của kí hiệu có thể làm thay đổi giá trị của kí hiệu đó
Ví dụ:
“g” khi đứng trước các chữ không phải là “i“ thì phát âm là “gờ”: con gà, gay go… Nhưng khi đứng trước nguyên âm “i“> gi  thì phát âm là “di”: gió mùa, giăng giăng…;
“t” khi đứng trước các chữ không phải là “h“ thì phát âm là “tờ”: chính tả, tâm niệm… Nhưng khi đứng trước “h“ > th thì phát âm là “thờ”: thanh thanh, thao tác…
Những hạn chế trên do:
- Người tạo ra chữ quốc ngữ là người nước ngoài, khác với ta về ngôn ngữ, nên họ nghe và ghi lại âm Việt theo cách xử lí trong hệ thống chữ viết tiếng mẹ đẻ của họ.
- Chữ quốc ngữ chưa tuân theo một phương pháp khoa học chặt chẽ. Vì vào thời điểm đó, ngành âm vị học chưa phát triển, nên chưa biết phân biệt âm vị và biến thể của âm vị.
- Phản ánh nét đặc trưng của thời kì đầu, trong quá trình phát triển của nó.
4. Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ
          Trước những hạn chế trên của chữ quốc ngữ, đã có nhiều ý kiến đề cập đến vấn đề cải cách, nhân đây tôi xin liệt kê một vài trường hợp điển hình:
          Trên báo Hà Nội mới, số ra ngày 23 tháng 9 năm 1995, Nguyễn Kim Hoạt đề nghị sử dụng J thay cho GI: jó mùa, bao jờ… Bỏ phụ âm kép, thống nhất âm đọc là “gờ” (g, gh) thay thành G: cái gế (cái ghế), ge tàu (ghe tàu)
Ngày 26 tháng 4 năm 1996, trên báo Sài gòn giải phóng, Bùi Ngọc Sánh thì lại đề nghị thay C cho K, K thay KH, Q thay QU, Z thay D, D thay Đ, F thay PH…: qả cam (quả cam), cây da (cây đa)…
Ý kiến khác lại chủ trương thay các vần có Y thành I: yêu à iêu; uyên à
uiên và bỏ tất các dấu sắc trên các từ không thể đọc khác đi: thứ nhất à thứ nhât,
các bạn à cac bạn…
Nhìn chung, việc cải cách chữ quốc ngữ có vô số vấn đề. Nên theo tôi, chúng ta hãy bắt đầu lại từ nơi xuất phát, nghĩa là khắc phục những hạn chế trước mắt đã là đọc và viết chữ quốc ngữ theo đúng qui định hiện hành. Rồi hãy nghĩ đến vấn đề có nên cải cách hay không. Nhưng nếu muốn cải cách, chúng ta phải giải quyết được những vấn đề sau:
Cải cách để làm gì? Cho đơn giản, dễ sử dụng.
* Chữ quốc ngữ đã có lịch sử mấy trăm năm, nó đã thắm sâu vào trong máu của mỗi người dân Việt. Cho nên, không khéo từ mục đích muốn cho nó đơn giản hơn, dễ sử dụng hơn thành ra phức tạp hơn và khó sử dụng hơn.
Cách thức tiến hành cải cách ra sao? Lấy nguyên tắc âm vị học làm cơ sở.
* Chữ quốc ngữ là một loại hình văn hóa của dân tộc, còn âm vị học là một hình thức khoa học. Nên không ai dùng khoa học để thay đổi văn hóa cả. Chỉ tự thân văn hóa trong quá trình tồn tại và phát triển bị chi phối bởi khoa học thì đó là qui luật rồi, nên không bàn luận.
Ai – cơ quan nào sẽ đứng ra thực hiện và chịu hậu quả cho cuộc cải cách? Để cho công cuộc cải cách có hiệu quả thì các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội phải tham gia vào cuộc.
* Vì một lý do không đâu mà tất cả các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội phải vào cuộc để thay đổi một vấn đề đã có tính đại chúng, vậy có nên không? Thử ngẫm lại mà xem thì trên thế giới này không có một hệ thống chữ viết nào hoàn hảo cả. Vì thế, việc có cải cách hay không, vẫn phải suy nghĩ lại một cách thật nghiêm túc.

 
1. Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương Lịch sử văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục.
2. Bùi Minh Toán (chủ biên)(2008), Tiếng việt thực hành, NXB Giáo dục.
3. Lê Minh Quốc (2002), Hành trình chữ viết, Nhà xuất bản Trẻ.
4. Hoàng Tiến (2003), Chữ quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ XX, NXB Thanh Niên.
5. Thư quán cảo thơm (2003), Hồn chữ việt quan thư pháp, NXB Thuận Hóa.



[1]* Dẫn theo chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 20 – Hoàng Tiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước – Ký hiệu KX 06-17.