Hà Văn Thùy
Lịch sử là sự kiện xảy ra trong quá khứ nhưng nhận thức về lịch sử là một
quá trình dựa trên những tư liệu mới khám phá, dựa trên tâm thức xã hội từng
thời kỳ, trên sự trưởng thành văn hóa của cộng đồng… Giải mã chuẩn mực mỗi
hiện tượng lịch sử không chỉ là khát vọng của nhà sử học mà còn là nhu cầu
bức thiết của xã hội. Qua nhiều thăng trầm, lịch sử Việt còn tồn tại nhiều
vấn đề cần minh định, trong đó có vai trò nhà Triệu. Với bài viết này, chúng
tôi muốn đưa ra một kiến giải.
|
Nhận định về nhà Triệu trong lịch sử
Từ khi giành lại quyền tự chủ, các triều đại Việt đều đề cao vai trò lịch
sử của Triệu Ðà. Nhà Trần phong ông là Khai thiên thế đạo thánh vũ thần triết
hoàng đế. Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Họ Triệu nhân lúc nhà Tần suy
loạn, giết trưởng lại nhà Tần, chiếm giữ đất Lĩnh Nam xưng đế, đòi ngang với
nhà Hán, hưởng nước truyền ngôi 100 năm mới mất, cũng là bậc vua anh
hùng". Sử gia Lê Văn Hưu viết: "Thế mới biết, người giỏi trị nước
không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ
đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi
thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước ta, công
ấy có thể nói là to lắm vậy". Trong An Nam chí lược, Lê Tắc ghi:
"Triệu Ðà làm vua Nam Việt, mới lấy thi lễ giáo hóa nhân dân một
ít". Ðiều này chứng tỏ Triệu Ðà là người mang sự học đến nước ta từ
trước chứ không phải Sĩ Nhiếp. Ðến nhà Lê, trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn
Trãi viết: “Trải Triệu, Ðinh, Lý, Trần nối đời dựng nước.” Như vậy, Nguyễn
Trãi thừa nhận Triệu Ðà là ông vua đầu tiên của nước ta từ thời có sử. Cuối
thời Nguyễn, trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim vẫn chép nhà
Triệu là chính thống.
Người đầu tiên đánh giá lại vai trò của nhà Triệu là Ngô Thì Sĩ, cuối đời Hậu Lê. Trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:
“Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân,
Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt
đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy
dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở
cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm
khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư?
Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước
Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa
Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt
với nội thuộc vậy.” Và ông kết luận: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ
đời Hán đến Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa? Huống chi
Triệu Đà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên số thổ địa, thu thuế
má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục Giả thôi. Đến như
việc xướng ra cơ nghiệp đế vương trước tiên, tán tụng Triệu Đà có công to, Lê
Văn Hưu sáng lập ra sử chép như thế, Ngô Sĩ Liên theo cách chép hẹp hòi ấy,
không biết thay đổi, đến như bài Tổng luận sử của Lê Tung, thơ vịnh sử của
Đặng Minh Khiêm thay nhau mà tán tụng, cho Triệu Đà là bậc thánh đế của nước
ta. Qua hàng nghìn năm mà không ai cải chính lại vì thế mà tôi phải biện bạch
kỹ càng.”
Học giả Đào Duy Anh, trong cuốn Lịch sử cổ đại Việt Nam, cũng phê phán sử
cũ và coi nhà Triệu là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc. Đào Duy Anh là học giả lớn,
là một trong những người khai sinh nến sử học macxit ở Việt Nam. Học trò của
ông trở thành những cán bộ rường cột ngành sử học Việt Nam hiện đại nên ảnh
hưởng của ông rất lớn. Ý kiến của ông thành quan điểm chính thống hiện nay.
Quan niệm của chúng tôi
Là lớp người sinh cùng Cách mạng tháng Tám, ngay sau hòa bình 1954 được
học Sử Việt Nam với nhà Triệu giữ vai trò mở đầu lịch sử dân tộc. Sau này
thấy sách giáo khoa thay đổi, coi Triệu Đà là kẻ xâm lược, thậm chí, Nguyễn
Trãi bị sửa chữa: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước” được thay
bằng “Trải Đinh, Lê, Lý, Trần…” chúng tôi không khỏi bức xúc. Chính nỗi bức
xúc này buộc chúng tôi tự tìm câu trả lời cho thắc mắc của mình.
Trong Sử ký, Tư Mã Thiên viết: "Vua Nam Việt họ Triệu tên là Ðà,
người huyện Chân Ðịnh, trước làm quan úy. Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên
hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận
để đưa những người bị đày đến ở lẫn với người Việt. Như thế đã mười ba năm.
Khi nhà Tần bị tiêu diệt, Ðà lập tức đánh chiếm lấy cả Quế Lâm, Tượng Quận,
tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Ðà bèn tự tôn làm "Nam Việt Vũ đế",
đem quân đánh các ấp ở biên giới quận Trường Sa. Ðà nhân đó dùng uy lực uy
hiếp biên giới, đem của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu Lạc để bắt họ
lệ thuộc mình. Ðất đai của Ðà chiều ngang có hơn vạn đặm, Ðà bèn đi xe mui
lụa màu vàng, cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là "chế", chẳng kém gì Trung
Quốc". "Ðến thời Hiếu Cảnh, Ðà vẫn xưng thần, sai người vào chầu.
Nhưng trong nước Nam Việt thì vẫn trộm xưng danh hiệu "đế" như cũ;
còn khi sai sứ sang thiên tử thì xưng "vương", triều kiến thỉnh
mệnh như các chư hầu".
Như vậy, cuốn sử quan trọng nhất của Trung Quốc vẽ lên nhà Triệu lừng
lững một cõi biên thùy, là quốc gia độc lập, ngang ngửa với nhà Hán. Triệu Ðà
làm vua 70 năm (từ 207 đến 137 TCN), tiếp đó cháu chắt ông truyền 4 đời trị
vì 27 năm nữa, đến năm 111 TCN nước Nam Việt vào tay nhà Hán. Nhà Triệu kéo
dài được 97 năm. Nói: “Nước ta bị nội thuộc vào nước Tàu từ đời Hán đến
Đường, truy nguyên thủ họa chả Triệu Đà thì còn ai nữa?” là sự áp đặt, gán
ghép vô căn cứ. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, một nước nhỏ như Âu Lạc khó mà
trụ được trước sức tấn công của nhà Hán mạnh. Nếu không có Nam Việt của Triệu
Đà, Âu Lạc bị xâm lăng sớm hơn là điều chắc chắn.
Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Ðôn ghi: "Ðem số hộ khẩu chép ở sách Hán
chí mà so thì nước ta được ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, hơn 20
huyện, đời Hán số hộ cộng là 143.743 nhà, số khẩu cộng là 981.827 người.
Thông tính cả hai tỉnh ấy (Quảng Ðông, Quảng Tây) ở đời Hán số hộ chỉ là
71.805 nhà, khẩu chỉ là 389.672 người. Như thế nước ta ở đời Hán thì số hộ
gấp đôi mà số khẩu gần gấp ba". Như vậy, tuy xưng vương ở Phiên Ngung
nhưng số dân của Triệu ít. Trong khi đó ở phía Nam, nước Âu Lạc của An Dương
vương khá mạnh, số dân gần gấp 3 số dân của Triệu. Bên cạnh Âu Lạc còn có các
nước Mân Việt, Tây Âu Lạc luôn tranh chấp. Nước Âu Lạc tuy lớn nhất trong khu
vực nhưng cũng quá nhỏ so với nhà nước phương Bắc. Nếu nhà Tần không sụp đổ
đúng thời điểm đó, có nhiều khả năng tằm ăn dâu, sẽ thôn tính đất Nam Việt.
Một khả năng khác: trong cuộc chinh phạt Nam Việt trị tội Triệu Ðà xưng đế,
nếu tướng Lâm Lư Hầu thắng, nhà Hán chiếm Nam Việt ngay lúc đó, có phần chắc
Nam Việt cũng bị đồng hóa như các dòng Bách Việt khác. Khả năng thứ ba: nếu
Triệu Ðà theo nhà Hán, sau khi thôn tính Âu Lạc, sáp nhập Nam Việt vào Hán
thì có phần chắc là Nam Việt bị xóa sổ trên bản đồ!
Ðúng là Triệu Ðà dùng thủ đoạn chiếm nước Âu Lạc nhưng ý nghĩa của sự
kiện lịch sử này cần phải bàn. Thời đó, sự liên kết trong mỗi quốc gia còn
lỏng lẻo và biên giới từng quốc gia chưa ổn định, đang trong xu hướng sáp
nhập tập trung thành những quốc gia đủ mạnh để tồn tại. Việc thôn tính các
nước Yên, Hàn, Tề, Triệu... để thành nước Tần không phải hành động xâm lược
mà là thống nhất các tiểu quốc của nước Chu cũ. Tương tự vậy, việc Triệu Ðà
chiếm Âu Lạc cũng không thể coi là xâm lược mà là hành động thống nhất những
nhóm, những tiểu quốc người Việt lại thành một nước Việt lớn hơn, ngăn chặn
hành động thôn tính của kẻ mạnh ở phương Bắc. Ðiều quan trọng là họ Triệu đã
duy trì được nước Nam Việt thống nhất trong một thế kỷ, vừa xây dựng trong
hòa bình vừa kiên cường chống ngoại xâm. Chính điều này đã tạo nên và củng cố
tinh thần quốc gia của người Việt. Ðây là di sản quý báu nhất họ Triệu để lại
cho người Việt. Chính gần một thế kỷ tồn tại của quốc gia Nam Việt giúp cho
người Âu Lạc không bị người Hán đồng hóa và sau này có dịp lại vùng lên trong
khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Năm 43, khi hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, nhân
dân Nam Việt cũ từ miền Trung, miền Bắc Việt Nam đến vùng Lưỡng Quảng sang
tận Hải Nam đều hưởng ứng... Sau này, khi qua khảo sát ở vùng đất phía Nam
Trung Quốc, bác sĩ Trần Ðại Sĩ thống kê được hơn 200 địa điểm có đền thờ hai
Bà Trưng. Không thể có việc này nếu không có thời kỳ Nam Việt.
Các sử gia như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên... đã nhìn nhận công bằng và
Nguyễn Trãi đánh giá họ Triệu một cách chuẩn mực. Sử gia Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất
cập khi viết: "Triệu Ðà chia nước ta làm quận huyện, duy chỉ biết biên
số thổ địa, thu thuế má, cung cấp ngọc bích cho nhà Hán, đầy túi tham của Lục
Giả”. So với một quốc gia còn trong tình trạng sơ khai với những lạc hầu, lạc
tướng cai quản từng bộ lạc thì một quốc gia có quận huyện, biên số thổ địa là
bước nhảy vọt về tổ chức hành chính, về khoa học quản lý xã hội. Còn nói
"thu thuế má cung cấp ngọc bích cho nhà Hán" cũng không đúng. Suốt
70 năm Triệu Ðà làm vua, quan hệ Việt, Hán khá lỏng lẻo. Biết Triệu xưng đế
mà nhà Hán đành chịu, không những thế còn phải lấy lòng bằng cách giữ gìn mồ
mả tổ tiên của Triệu, cho thân nhân ông làm quan. Trong mối quan hệ như vậy,
cống phẩm của Triệu Ðà chỉ có nghĩa tượng trưng để xác nhận sự thần phục trên
danh nghĩa nên không thể “làm đầy túi tham của Lục Giả”. Lục Giả không bằng
cấp, chức vị nên thường gọi là Lục sinh, là người hiền, có câu nói nổi tiếng:
“Thiên tử dĩ dân vi thiên, dân dĩ thực vi thiên.” (vua coi dân là trời, dân
coi miếng ăn như trời). Một kẻ sĩ như thế không thể là người tham lam! Rõ
ràng, chứng lý đưa ra để kết tội Triệu Ðà là không thuyết phục. Nhưng vì sao
Ngô Thì Sĩ lại có cái nhìn việc thiếu chuẩn mực như vậy? Chỉ có thể là, với
tinh thần dân tộc hẹp hòi, cùng với hiểu biết lịch sử hạn chế, ông không chịu
một người Hán làm vua nước Việt! Trong lịch sử thế giới, một người nước này
làm vua nước khác không hiếm. Ngay bên chúng ta, cuối thế kỷ XVIII, Trịnh
Quốc Anh, con một người nhà Minh tỵ nạn sang nước Xiêm, lãnh đạo người Xiêm
đánh đuổi quân xâm lược Miến Điện, được tôn làm vua. Họ Trịnh (Taksin) sau
thành họ lớn của người Thái. Người Thái không bao giờ nghi ngờ vai trò chính
thống của dòng họ này!
Cho đến nay, khi thảo luận về giai đoạn mở đầu của dân tộc Việt, các sử
gia chỉ có những tài liệu trong cổ thư Trung Hoa, sách của một số học giả
Pháp thời thuộc địa cùng những tư liệu khảo cổ, cố nhân chủng học chưa đầy
đủ. Một nghịch lý mang tính duy tâm chủ quan và không thiếu khôi hài là trong
khi phán xét những “hành động lịch sử” của tộc người hay một nhân vật nào đó
mà người ta chưa hiểu họ là ai, được hình thành như thế nào?! Rất mừng là,
sang thế kỷ này, với công trình di truyền học lập bản đồ gen người, khoa học
nhân loại cho chúng ta những tư liệu để có cái nhìn thấu đáo hơn đối với lịch
sử Đông Á.
Đựa trên truyền thuyết Lạc Long Quân, đựa trên sự phân bố trống đồng ở
Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc, dựa vào xác định gen dân cư Văn Lang, ta có
cơ sở để tin rằng, trước cuộc xâm lăng của Thục Phán, Văn Lang của các Vua
Hùng là quốc gia rộng lớn. Biên giới phía tây giáp Ba Thục, phía bắc tới hồ
Động Đình, phía nam tới miền Trung Việt Nam, với bốn chủng người Việt cổ,
trong đó người Mongoloid phương Nam đa số. Khi Thục Phán chiếm ngôi Vua Hùng,
nước Văn Lang tan rã. Ở phía nam Dương Tử, các bộ lạc trở nên tự trị đưới
quyền các thủ lĩnh khu vực, có một số nơi các thủ lĩnh xưng vương, thành lập
quốc gia riêng.
Tần Thủy Hoàng chiếm vùng Kinh, Dương của Văn Lang và đưa dân tới ở xen với người Việt. Trong đội quân của nhà Tần, có Triệu Đà. Triệu Đà người Chân Định nước Triệu. Nhưng như trình bày trên, nước Triệu nguyên là dân cư Bách Việt, bị nhà Tần chiếm ít năm trước. Là quan chức nhà Tần nhưng Triệu Đà là người Việt chính gốc, nếu nói theo ngôn ngữ hôm nay thì ông là “người Tần gốc Việt”. Vì vậy, khi nhà Tần không còn, mặc nhiên ông trở lại làm dân Việt tự do. Việc ông làm vua của người Nam Việt là hoàn toàn chính thống. Khi viết: “Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam,” “Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương,” Ngô Thì Sĩ tỏ ra bất cập. Ông bỏ qua tính lịch đại của địa danh. Những địa danh trên do nhà Tần đặt. Tuy chưa từng chiếm được Âu Lạc nhưng nhà Tần cũng chia nước ta thành những quận huyện. Ở đây, sử gia cuối triều Lê quá nệ vào tư liệu Trung Hoa nên sai lầm khi phủ nhận Nam Hải, Quế Lâm là đất Việt. Trước khi bị xâm lăng chia thành quận huyện thì đó thuộc Văn Lang của Vua Hùng, hoàn toàn do người Việt cư trú và quản trị. Vì vậy, khi sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt, Triệu Đà khôi phục nước cũ của các Vua Hùng. Sử gia này cũng tỏ ra khập khiễng khi so sánh việc Ngụy chiếm Thục với Triệu Đà sáp nhập Ấu Lạc. Suốt trong lịch sử dài, Thục là quốc gia độc lập với nhà Chu, nhà Tần. Vì vậy việc nhà Ngụy thôn tính Thục là xâm lăng. Trong khi đó Âu Lạc và Nam Việt là những bộ phận của một quốc gia thống nhất. Do hoàn cảnh lịch sử bị chia cắt, nay xóa bỏ cát cứ, khôi phục quốc gia cũ sao lại gọi là xâm lăng?
Một quan niệm về lịch sử muốn khoa học và thuyết phục, trước hết phải đạt
được sự nhất quán. Một câu hỏi đặt ra cho các nhà sử học Việt Nam: Nếu Triệu
Đà là xâm lược thì An Dương vương là ai? Ý kiến cho rằng Thục Phán là thủ
lĩnh bộ lạc Đông Âu ở vùng núi Tây Bắc, chỉ là sản phẩm của sự tưởng tượng vô
sở cứ. Hoàn toàn không có chứng cớ gì về việc này. Trong khi đó, rất nhiều
tài liệu nói tới một vương quốc Thục lớn và văn minh ở vùng Tứ Xuyên(3). Ngày
nay ta biết, Thục nằm trên đường thiên di của người Hòa Bình lên Tây Bắc
Trung Hoa, do vậy sớm nhận được văn hóa Hòa Bình, trở nên một nền văn minh
rực rỡ. Ngay từ rất sớm, khoảng 2500 năm TCN, Thục đã là quốc gia riêng của
người Bách Việt, độc lập với người Hoa Hạ ở Trung Nguyên cũng như Văn Lang ở
phía Đông. Việc khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, dân Quảng Đông, Quảng Tây hưởng
ứng mà không có sự tham gia của dân Vân Nam cho thấy điều này. Việc nhà Tần
diệt Thục là thực và việc di duệ của Thục di cư đến tá túc trên đất Văn Lang
cũng thực. Và chính chàng trai trẻ Tục Pắn đã chiến thắng vua Hùng Duệ Vương.
Với tất cả mọi ý nghĩa, đây hoàn toàn là cuộc xâm lăng: một bộ lạc từ bên
ngoài đến ở nhờ rồi cướp ngôi của chủ nhà! Vấn đề đặt ra là, tại sao nền sử
học Việt Nam không xác nhận sự thật này? Có thể lý giải như sau: rất ít tài
liệu của Trung Quốc viết về sự kiện này. Do vậy, có người như tiến sĩ Lê Mạnh
Thát còn cho rằng không hề có thời đại An Dương vương! Mặt khác, đây chủ yếu
là cuộc thay đổi vương triều. Số dân của Thục Phán quá ít nên không gây tranh
chấp, xáo động lớn, không hằn dấu ấn trong truyền thuyết. Nhưng nếu tìm hiểu
kỹ hơn, ta thấy không phải không có dấu hiệu chống trả của dân Lạc Việt: việc
con gà thần gáy làm thành Cổ Loa vừa xây lại đổ là dấu hiệu việc người dân
nổi lên phá thành. Từ những khảo sát điền dã như ngôi miếu thờ thầy giáo thời
Hùng Vương cùng ngôi đền thờ những vị tướng hy sinh chống lại quân Thục trên
vùng Phú Thọ cho thấy thực tế này. Trong khi đó, suy xét tới cùng về Triệu
Đà, ta thấy ông là người gốc Việt, diệt An Dương vương là triều đại ngoại
bang tiếm đoạt ngôi vị để thống nhất lãnh thổ Việt, xây dựng quốc gia tự chủ
gần 100 năm thì lại bị coi là xâm lăng? Chính sự mâu thuẫn, bất nhất này cho
thấy có chuyện chưa ổn của ngành sử khi đánh giá nhà Triệu.
Kết luận
Lịch sử là những điều xảy ra trong quá khứ nhưng lại luôn sống với hiện
tại. Tuy vô tri nhưng mỗi sự kiện lịch sử có linh hồn riêng của nó, đòi được
người đời nhìn nhận công bằng. “Bất bình tắc minh” câu nói của Hàn Dũ, nhà
thơ thời Đường cũng hoàn toàn đúng trong việc này. Trong những vấn đề lịch sừ
còn chưa được đồng thuận tới hôm nay, “vấn đề chính thống của nhà Triệu” là
“vụ việc” nổi cộm. Nó như cái dằm luôn nhức nhói tâm can hàng triệu người.
Người dân Việt, nhất là dân Đồng Xâm Thái Bình chưa thể yên lòng khi Triệu Vũ
đế bị biến tướng thành ông tổ nghề thợ bạc trong chính ngôi đền của mình.
Chúng tôi nghĩ, chẳng cần tới những điều biện bạch trên thì vấn đề từ lâu
cũng quá rõ. Người xưa đã gửi gắm ý mình trong đoạn kết truyện Mị Châu:
“Những con trai ăn phải máu nàng Mị Châu đã sinh ngọc. Những viên ngọc lấy từ
biển Đông đem rửa trong nước giếng chàng Trọng Thủy trẫm mình sẽ trở nên vô
cùng trong sáng.” Sao ta không tự hỏi: kỳ lạ vậy? Nếu Mị Châu là kẻ “phản
bội” thì loài trai ăn phải dòng máu xấu xa ấy không thể sinh ngọc! Và ngọc
nếu có, khi đem rửa vào nước giếng tên “gián điệp” trầm mình hẳn sẽ tan ra
hay đen lại như cây kim bạc gặp chất độc! Sao từ cái sự xấu xa ấy lại sinh ra
ngọc sáng?! Nếu trầm tĩnh suy ngẫm, ta thấy người xưa vô cùng minh triết,
không chỉ thương cảm cái chết oan khuất của đôi trẻ trong sáng mà còn xác
nhận họ không có tội vì vô tình giúp vào việc xóa bỏ vương triều đến hồi suy
tận để mở ra cho dân tộc vận hội mới!
|
Hà Văn Thùy - – Xưa & Nay, số 349 + 350, 2 – 2010, tr 23
|