2 tháng 12, 2011

HOA KỲ THAY ĐỔI CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO TẠI CHÂU Á THÁI BÌNH DƯƠNG

                                                                             Chu Chi Nam
 Từ sau cuộc cách mạng Pháp 1789, hay xa hơn nữa, từ tư tưởng của những triết gia Anh như John Locke (1632-1704), Pháp như J.J Rousseau ( 1712-1778), Montesquieu ( 1689-1755), nhất là với quyển sách nổi tiếng của ông này, mang tựa đề L’Esprit des Lois ( Tinh thần Luật pháp ), xuất bản năm 1750, theo đó, khi nói đến dân chủ, người ta phải nói và áp dụng tinh thần «  Tam Quyền phân lập «  ( La séparation des Pouvoirs).
Tam quyền đó là quyền Lập pháp, tức là quyền làm ra luật pháp ; quyền Tư Pháp, đó là quyền xử án theo luật pháp đã được làm ra ; quyền Hành pháp, đó là quyền thi hành luật pháp. Theo những nhà triết lý chính trị trên, nếu 3 quyền này mà nằm trong tay một người như ở chế độ quân chủ, một ông vua, vừa làm ra luật, vừa xử án, vừa thi hành pháp luật, thì trở nên độc tài. Điều này chúng ta thấy kinh nghiệm ở những nước quân chủ. Và gần đây trong thế kỷ 20, chúng ta thấy tam quyền nằm trong tay một tổ chức là đảng cộng sản, nên những nước cộng sản không có dân chủ, bị kết án độc tài, cũng là vì vậy. Độc tài quân chủ còn đỡ vì quyền hành chỉ ở trong tay một ông vua. Còn đọc tài cộng sản thì quyền hành ở trong tay của đảng, đi từ trên xuống dưới, từ thủ đô tới làng xã. Độc tài quân chủ, nói một cách tương đối, còn có tư cách, nhân phẩm và danh dự. Còn độc tài cộng sản hoàn toàn vô tư cách, vô nhân phẩm, vô danh dự, vì ở trong tay những kẻ « Đá cá, lăn dưa « , lại theo chủ nghĩa duy vật, theo nghĩa xấu của nó, chính là chỉ trọng vật chất, tiền bạc, không trọng tinh thần, nên xã hội cộng sản, từ xưa tới nay, xã hội nào cũng bị đạo đức băng hoại, kỷ cương suy đồi, làm bất cứ cái gì để có tiền ngay cả chế sữa độc để cho cả trăm ngàn trẻ em bị chết ở Trung cộng ; còn ở Việt Nam thì nạn phá thai cao nhất thế giới. Chỉ cần 2 thí dụ nhỏ này cũng đủ nói lên thực trạng của xã hội cộng sản.
Ngày hôm nay, ở những nước dân chủ tân tiến, người ta còn nói đến quyền Thứ Tư, đó là quyền tự do báo chí, sách vở. Những nhà báo, những nhà tư tưởng, không những có quyền chỉ trích những người làm ra luật, những người xử luật, những người áp dụng luật, mà còn có quyền đưa ra những đề nghị để chỉ trích, hướng dẫn cả 3 quyền, nhất là quyền hành pháp. Chính vì vậy mà những quyển sách, những bài báo, nhiều khi có những ảnh hưởng rất lớn, không những trên chính trị quốc nội, mà cả trên chính trị quốc ngoại.
Người ta còn nhớ vào cuối thập niêm 80, đầu thập niên 90, hai quyển sách có ảnh hưởng rất lớn trên nền ngoại giao Hoa kỳ. Đó là quyển Sự Hình thành và Sụp đổ của những Cường quốc ( The Rise and Fall of the great Powers) của Paul Kennedy và quyển Sự Kết thúc Lịch sử và Con người cuối cùng ( The End of History and the Last Man), của Francis Fukuyama. Quyển sách này là kết tụ lại những bài báo ông đã viết trước đó vào mùa hè năm 1989. Gần hơn nữa là quyển sách Sự xung đột của những nền Văn Minh và  lập lại trật tự  thế  giới mới ( Clash of Civilizations and the Remaking of World Order ), của ông Samuel Huntington, xuất bản năm 1996. Đây cũng chỉ là những ý kiến ông đã viết trên tờ báp Foreign Affairs vào mùa hè năm 1993.
Chính vì vậy, mà nhiều khi chỉ cần đọc một quyển sách quan trọng, đọc một số bài trên những tạp chí quan trọng, người ta cũng có thể tiên đoán đôi phần đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, vì giới trí thức Hoa Kỳ, không những dám chỉ trích chính phủ, mà còn đưa ra những kế hoặch, chương trình mà nhiều chính phủ phải theo ; khác hẳn với phần lớn trí thức tại một số quốc gia, nhất là ở những nước cộng sản trước đây, và những nước cộng sản còn xót lại như Trung cộng, Việt Nam, Bắc Hàn, Cu ba, giới trí thức chỉ là giá áo túi cơm, nhai lại những cái gì Chính quyền, Bộ Chính trị, Trung Ương đảng đã nhả ra. Nên có người nói phần lớn giới trí thức cộng sản là loài nhai lại,  nói « leo, nói theo «,điều này không phải là oan trái.
Gần đây, trên tờ báo National Review, số ra ngày 29/8 /2011, ông Micheal Auslin có viết một bài báo về chiến lược ngoại giao của Hoa kỳ ở vùng Ấn độ Thái bình dương, làm nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược ngoại giao ở vùng này.
Chúng ta cùng nhau xem xét vấn đề trên.
Ông Micheal Auslin cho rằng sau khi giảm qui mô hoạt động quân sự ở A phú Hãn và Irak, Hoa kỳ nên chú trọng vào vùng Ấn độ Thái bình Dương. Ông viết :
«  Sự thịnh vượng, ảnh hưởng, và an ninh tương lai của chúng ta (tức Hoa Kỳ) sẽ được quyết định bởi những gì đang diễn ra trong khu vực Ấn Độ Thái bình Dương. Nếu chúng ta đóng được vai trò quan trọng trong khu vực mênh mông trải dài từ Ấn độ tới Nhật bản này, thì những thập kỷ mới không những chứng kiến sự lớn mạnh của không những siêu cường quốc Hoa Kỳ, mà còn của những đồng minh tự do, dân chủ của Hoa Kỳ. Ngược lại, nếu chúng ta nhượng vị thế cao này cho Trung cộng, chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy thoái của hệ thống quốc tế tự do và sự hình thành một thế giới giáo điều, kém an toàn và bất ổn hơn ở vùng này. »
Ông đưa ra chiến lược ngoại giao của Mỹ ở vùng Ấn độ Thái bình dương là «  Xây – Giữ và Dọn « , thay cho chiến luợc «  Dọn – Giữ và Xây « đã được áp dụng trước đây ở A Phú Hãn và Irak.
Thật vậy, rút tỉa kinh nghiệm từ thời chiến tranh Irak và A phú Hãn, nhất là vao thời nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Georgres Bush con, trường phái Tân Bảo thủ còn mạnh, mà người đứng đầu không ai hơn là Phó Tổng thống Deak Cheney, rồi đến Bộ trưởng Quốc phòng Rumfeld, Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowick, người được coi là lý thuyết gia với chiến lược « Tấn công trước  là ưu điểm « , theo đó ở vào thời kỳ sau Chiến tranh lạnh, nhất là thời kỳ khủng bố, sau biến cố 11/9/2001, Hoa kỳ cần phải dẫn đầu, nếu phải đi đến chiến tranh, thì phải tìm cách tấn công trước mới giữ được ưu thế. Chính vì vậy mà đã có một « chính sách đối ngoại một mình một ngựa «, coi thường các nước đồng minh, và nhất là coi thường những những hạ tầng cơ sở như quân đội, cảnh sát của những chính quyền cũ, kinh nghiệm Irak và A Phú Hãn. Chính sách này tỏ ra hao tốn và mất thì giờ, vì phải dọn sạch, sau đó rồi mới giữ và xây dựng.
Từ kinh nghiệm đó, ông Micheal Auslin đề nghị một chính sách mới cho Hoa Kỳ ở vùng Ấn độ Thái bình dương là  Xây, Giữ và Dọn ; theo đó có thể dùng những hạ tầng cơ sở quân đội, cảnh sát, hành chánh có sẵn để xây dựng, sau đó giữ những cái mình đã xây dựng, rồi từ từ dọn và tu bổ sau.
Đó là nói một cách lý thuyết, nhưng đi vào thực tế, ông Auslin khuyên Hoa Kỳ nên tạo ra nhiều tam giác đồng tâm, trong đó có tam giác chính. Đó là Nhật Bản, Hàn quốc và Úc, sau đó nới thêm ra với Ấn độ rồi lan ra nhiều nước khác. Với 3 nước này, Hoa Kỳ nên xây dựng thêm những liên hệ vế chính trị, quân sự, kinh tế thương mại. Từ ba nước này, xây thêm những liên hệ với những nước khác, có những nước mà tình trạng nhân quyền, tự do, dân chủ mới bắt đầu như Nam Dương, Thái lan, Phi luật tân, Mã lai, nhưng cũng có nước mà tình trạng nhân quyền chưa được bảo đảm như Miến điện, Việt Nam, Bắc Hàn và cả Trung cộng. Tuy nhiên cứ từ đi từng bước một, rồi từ từ dọn sau.
Từ đó, có người cho rằng Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược ngoại giao tại vùng Châu Á Thái bình dương, cũng như có người cho rằng có những sự đoạn tuyệt trong chính sách ngoại giao Hoa kỳ, nhất là giữa 2 ông tổng thống thuộc hai đảng khác khau.,
Thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Chúng ta lấy lịch sử gần để làm sáng tỏ : Trường hợp chiến tranh A phú Hãn và Irak.
Mặc dầu trong thời gian tranh cử, Tổng thống Obama đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách ngoại giao, quân sự của ông G. Bush ở 2 nước này. Tuy nhiên khi thắng cử, lên cầm quyền, ông vẫn dùng lại ông Robert Gates làm Bộ trưởng Quốc phòng, một trong những người chính hiện nay về chính sách ngoại giao và quân sự ở 2 nước trên. Điều này nói lên không có sự thay đổi nhiều lắm và không có sự gián đoạn.
Nhìn về lâu dài và toàn diện, ít ra là cả trăm năm nay, người ta có thể nói không có sự thay đổi mạnh mẽ và sự gián đoạn của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nhất là chính sách dài hạn ; mà người ta có thể nói là có một sự tiếp nối và bổ xung cho nhau, dù người đó là tổng thống dân chủ hay là tổng thống cộng hòa.
Chúng ta cứ lấy kinh nhiệm của Chiến tranh Lạnh thì rõ. Chiến tranh này kéo dài gần nửa thế kỷ, từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến tới ngày đế quốc Liên Sô sụp đổ. Trong suốt thời gian dài đó, Hoa kỳ trải qua bao nhiêu Tổng thống từ Dân Chủ qua Cộng Hòa, nào là Truman, qua Eisenhower, Kennedy, Johnson, Nixon, Ford, Carter, Reagan, Bush (cha), nhưng vẫn theo Chính sách Be Bờ ( Containment Policy), được soạn thảo ra bởi Paul Nitzé và Georges Kennan, một người là Cố vấn An ninh cho Tổng thống Truman, một người là Chuyên viên về vấn đề cộng sản ở Bộ Ngoại giao. Chính sách này được gói ghém trong Chỉ thị mang tên Chỉ thị số 68 của Hội đồng An Ninh quốc gia Hoa Kỳ, mà những người làm ngoại giao coi như Thánh kinh, theo đó Hoa kỳ nên nhân nhượng ( Aménager ) với Liên Số để có ngày có thể lôi kéo họ trở lại cộng đồng những quốc gia tự do, dân chủ ; làm thế nào để tránh việc Liên sô dùng những nước Tây Âu để bắt chẹt Hoa Kỳ ; và cuối cùng cố gắng ngăn chặc làn sóng đỏ tràn xuống Đông Nam Á. Ông Paul Nitzé, sau khi làm Cố vấn An ninh cho Tổng thống Truman, thì làm Trưởng Phái Đoàn về tài giảm Binh bị ở Genève, suốt thời gian Chiến Tranh Lạnh, trải mười mấy vị tổng Tổng thống, cho đến ngày bức tường Bá Linh sụp đổ, ông tuyên bố : «  Chúng ta đã thắng Chiến tranh Lạnh », và xin về hưu. Ngày hôm nay có người cho rằng việc đàm phán tài giảm binh bị ở Genève là một đài quan sát việc vũ trang của Liên sô, để lôi kéo Liên sô vào một cuộc chạy đua vũ trang, lâm vào cảnh nhà nghèo thi đua tiêu tiền với nhà giàu, anh lực sỹ yếu sức chạy đua với anh lực sỹ sung sức, đến lúc không còn chạy được nữa, đó là thách thức của Reagan đối với Liên sô về việc chạy đua Chiến tranh các vì sao (Starwar), thì Liên sô bị ngã quị. Điều này không phải là không có lý.
Trở về bài viết của ông Auslin, điểm son đó là ông đã nhắc nhở chính giới Hoa Kỳ về tầm quan trọng của vùng Ấn độ Thái Bình dương trong tương lai; điểm son nữa, đó là ông đã làm cho người ta dễ hiểu, dễ nắm bắt chiến lược ngoại giao của Hoa kỳ qua ba chữ : Xây – Giữ và Dọn thay vì Dọn – Giữ và Xây, rút tỉa kinh nghiệm từ Chiến tranh A phú Hãn và Irak.
Tuy nhiên cái nhìn của ông Auslin có tính chất chiến thuật nhiều hơn là chiến lược, đúng với trường hợp của A Phú Hãn và Irak ; nhưng trên bình diện chiến lược, thì tôi không tin là có sự thay đổi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ ở vùng Ấn Độ Thái bình dương, mà tôi nghĩ rằng có một sự lập lại chiến lược đã được áp dụng cho Liên sô và Đông Âu, nay áp dụng cho những nước cộng sản còn lại như Trung cộng, Việt Nam và Bắc Hàn ; và từ đó tôi không nghĩ có một sự gián đoạn về chiến lược ngoại giao giữa những người Tổng thống Hoa ky ; mà ngược lại có một sự bổ xung.
Thực vậy, như trên đã nói, ngay về chính sách ngoại giao, quốc phòng với 2 nước Irak và A phú hãn, mặc dầu, trong kỳ tranh cử, ông Obama chỉ trích mạnh Georges Bush, nhưng sau khi lên Tổng Thống, ông lại chỉ định ông Robert Gates, Bộ trưởng quốc phòng của Bush, làm lại chức này.
Về Trung cộng, Việt Nam và Bắc Hàn, Hoa Kỳ muốn áp dụng lại chíến lược ngoại giao đã làm sụp Liên Sô và Đông Âu. bản cũ soạn lại. Nhiều khi lịch sử lập lại. Điều hiển nhiên, vì Hoa Kỳ đã chiến thắng với chiến lược cũ. dại gì mà thay đổi.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ biết rất rõ rằng dù mình là đại cường quốc, có ưu điểm ở nhiều mặt, nhưng nếu Trung Cộng và Việt Nam nhất định bế quan tỏa cảng như Bắc Hàn, Cu Ba, thì Hoa kỳ cũng không thể làm gì được. Vì vậy để áp dụng chiến lược ngoại giao cũ đã áp dụng cho Liên sô, nay áp dụng cho Việt Nam và Trung Cộng, thì phải làm thế nào dụ 2 nước này chấp nhận luật chơi kinh tế thị trường, mở cửa buôn bán với nước ngoài.
Thời gian đầu, có thể phải giành cho 2 nước này một vài đặc lợi, chẳng khác nào câu cá, để con cá cắn mồi chính, thì phải tung ra một vài mồi giả, có mùi thơm, sau đó cá cắn câu rồi, thì cũng phải tùy thời cơ mới giật câu, vội vã giật, nhiều khi cá còn khỏe, quậy quặng, có thể làm đứt dây câu, hay có thể làm rách môi cá, bị tuột câu.
Nhìn một cách khác, để thay đổi một chế độ tại một quốc gia khác chỉ có 2 cách : Bột biến và tiệm tiến :
Bột biến như trường hợp gửi quân sang Irak, sang A phú hãn ; hay Hoa Kỳ có những liên hệ chặt chẽ với quân đội, sinh viên học sinh, xúi quân đội đứng ra đảo chánh, hay xúi sinh viên học sinh đứng ra biểu tình. Trường hợp đã xẩy ra ở Á châu tại Việt Nam, Nam Hàn, Phi luật tân vào những năm của thập niên 60 ; hay trường hợp hiện nay của Ai Cập, Tunisie.
Tiệm tiến đó là phải từ từ, biến cải nước đó qua thương mại, ngoại giao, từ từ tổ chức những hội vô chính phủ (ONG) để xâm nhập từ từ vào xã hội đó ; rồi đợi thời cơ thuận tiện hoặc làm cuộc đảo chính hoặc xúi sinh viên đứng lên biểu tình.
Từ đó, đâu là chính sách ngoại giao của Hoa kỳ đối với Trung Cộng và Việt Nam. Chắc chắn không thể nào là bột biến, mà phải là tiệm tiến ; vì người ta không thể nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ gửi quân qua Trung cộng và Việt Nam để làm một cuộc thay đổi như ở Irak va A phú hãn. Cũng như Hoa kỳ chưa đủ những đường dây để có thể tổ chức một cuộc đảo chính.
Chiến lược ông Auslin đưa ra : Xây – Giữ và Dọn, chiến lược này đã được áp dụng từ lâu. Hoa Kỳ đã phải từng bước một xây dựng mối bang giao với Trung cộng, như thí dụ vừa kể là phải dụ Trung Cộng chấp nhận kinh tế thị trường, chẳng khác nào như dụ con cá cắn câu. Đấy là xây vậy. Thêm vào đó còn phải tăng cường mối bang giao với những nước chung quanh Trung cộng, để làm một cái vòng đai. Thì đó chính là quan niệm những tam giác đồng tâm của ông Auslin.
Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, nếu chúng ta nhìn lâu dài và toàn diện trên phương diện chiến lược, thì không có nhiều thay đổi và cũng không có sự đứt đoạn, mà nhiều khi bổ xung nhau. Nhưng nếu chúng ta nhìn ngắn hạn, trên phương diện chiến thuật và kỹ thuật, thì nhiều khi có sự thay đổi. Chính giới Hoa Kỳ rất thực tế, thực tiễn. Đúng theo tư tưởng của trường phái Thực Tiễn ( Pragmatisme), mà người sinh ra nó chính là một người Hoa Kỳ, ông Williams James (1842-1910). Nhưng một bên thì thực tế thực tiễn, bên khác thì rất lý tưởng và không bao giờ quên những mục đích dài hạn.
Bài của ông Auslin có vẻ nhìn nhiều về khía cạnh chiến thuật và kỹ thuật. Tuy nhiên nó vừa là một lời tiên đoán, vừa là một sự nhắc nhở rằng kỷ nguyên tới là kỷ nguyên của vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Chính phủ Hoa Kỳ không nên quên điều này (1).
                                                              Paris ngày 16/09/2 011
                                                                    Chu chi Nam
http://bahaidao.wordpress.com/2011/09/19/hoa-k%E1%BB%B3-thay-d%E1%BB%95i-chi%E1%BA%BFn-l%C6%B0%E1%BB%A3c-ngo%E1%BA%A1i-giao-t%E1%BA%A1i-chau-a-thai-binh-d%C6%B0%C6%A1ng/