Trần Văn Chánh
Những năm gần đây, nhiều vấn đề lịch sử nói chung hay nhân vật lịch sử nói
riêng đã được giới nghiên cứu sử học xem xét lại, nhờ vậy vấn đề triều Nguyễn
hay một vài nhân vật lịch sử nổi bật như vua Gia Long, các cụ Lê Văn Duyệt,
Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh... cũng đã được
đánh giá lại trong một tinh thần thông thoáng cởi mở hơn xưa rất nhiều, và việc
làm nầy đều được mọi tầng lớp trong xã hội hoan nghênh tán đồng.
Có lẽ từ giờ trở đi, nhân dân Việt Nam khỏi phải mất công tranh cãi
nhau dài dòng về tư cách tốt xấu của cụ Lê Văn Duyệt hay cụ Phan Thanh Giản
nữa. Nghe tin cụ Lê Văn Duyệt được dựng tượng đồng, cụ Phan Thanh Giản được
đánh giá tốt lại như thế, chắc không ai mừng gì riêng cho cá nhân các cụ, vì dù
sao các cụ cũng đã ra người thiên cổ từ lâu, nhưng mừng cho nhân dân địa phương
tại những nơi quê hương xứ sở của các cụ có được những tấm gương sáng rạch ròi
để mà hãnh diện và noi theo. Và ở một đằng khác, mừng cho giới sử học ngày nay
đã thoát ra được thời kỳ dài mông muội của chủ nghĩa giáo điều để có được những
nhận thức sáng suốt đúng đắn hơn về một số vấn đề liên quan đến lịch sử và nhân
vật lịch sử, nhờ thế đã xác nhận lại lần nữa cho chắc nịch những điều mà toàn
dân thật ra đã có nhận thức từ lâu. Những sự đánh giá lại như thế mặc dù rất
đáng hoan nghênh, nhưng nếu xem xét bằng thái độ khiêm tốn khách quan trung
thực, người ta có lẽ không nên hào hứng hiểu theo nghĩa các cụ vừa được
những kẻ hậu sinh “xá tội”, mà phải hiểu theo chiều khác là việc buộc tội
hồ đồ của một số người đánh giá sai trước đây đã được bỏ qua, không cần nhắc
lại để trách cứ, vì ở đây, với tinh thần sử học chân chính, không nên nhấn mạnh
đến sự hơn thua hay dở hoặc tìm cách phô trương uy tín cho phe nhóm trong những
cuộc tranh luận liên quan vấn đề quan điểm nhận thức, mà cần nhất một thái độ
trung thực và quảng đại hướng tới tương lai, bởi có cả một thời kỳ khá dài, vì
những lý do cũng thuộc lịch sử, liên quan đến chính trị nhất thời, khái niệm về
tự do trong nghiên cứu học thuật nói chung và sử học nói riêng là một điều nếu
không xa lạ thì vẫn còn rất mù mờ. Trong một hoàn cảnh sinh hoạt như thế, tư
duy về mọi vấn đề liên quan đến học thuật tư tưởng của các văn nhân - học giả
tất nhiên đã phải chịu những hạn buộc khắt khe mà bây giờ lần lần họ mới nói
ra, như trường hợp giáo sư sử học Phan Huy Lê mãi mấy năm gần đây mới khai thật
(trên tạp chí Xưa Nay) nhân vật Lê Văn Tám chỉ là do người tiền bối bậc
thầy ông là cố giáo sư Trần Huy Liệu sáng tác ra để động viên phong trào kháng
chiến… Nghĩ cũng có chỗ đáng thương cảm cho giáo sư Trần Huy Liệu, cho đến phút
lâm tử mới “dám” trối trăng lại sự thật, nhưng như thế thì nên gọi ông là nhà
giáo dạy sử yêu nước, nhà cách mạng đáng tôn kính hơn là nhà sử học, bởi bản
chất của sử học, nếu đã có chữ “học” trong đó rồi thì phải tôn trọng sự thật,
nhằm khám phá ra sự thật qua lớp bụi thời gian đi cùng với những diễn biến phức
tạp, coi chân lý lịch sử như là một trong những tiêu chí hàng đầu của mọi quá
trình tìm tòi - nghiên cứu, vì nếu không như thế thì cũng không cần duy trì
phân môn phương pháp sử học trong khoa sử học để làm gì. Điều này có nghĩa,
viết sử thì không thể muốn nguệch ngoạc cái gì trong đó theo ý chí chủ quan của
mình cũng được, cho dù có nhân danh bất kỳ một yêu cầu đặc biệt nào khác!
Trong tinh thần sử học như thế, mặc nhiên chúng ta cũng chấp nhận mọi sự tranh
luận tự do để tìm ra các sự thật truyền lại cho thế hệ sau. Sự thật là một lẽ,
còn bao biếm khen chê là một lẽ, nhưng khi đánh giá một nhân vật hay sự kiện
lịch sử thì cũng phải dựa trên sự thật. Không phải vì yêu thương cụ Phan Thanh
Giản mà nói cụ cái gì cũng tốt, cũng như không phải vì ghét ông Hoàng Cao Khải
vì lý do ông hợp tác với thực dân Pháp mà cho ông cái gì cũng xấu. Đã có thời
gian, trong giới nghiên cứu văn - sử học, tức trong cái môi trường tiêu biểu
nhất của nền văn hóa một dân tộc, phàm hễ ai bị đặt vào cái thế “phản diện” thì
đều bị gọi bằng “y”, bằng “hắn”, như vua Gia Long khi chưa được nghiên cứu kỹ
cũng bị nhà nghiên cứu văn - sử học nổi tiếng TC gọi là “hắn” trong một bài dẫn
nhập cho tập thơ chữ Hán Nguyễn Du. Tương tự như thế, về phương diện sự kiện
lịch sử, cái cách viết sử “ta thắng địch thua”, hoặc cho cuộc nổi dậy nào cũng
là phong trào nông dân mang tính cách mạng tiến bộ chống lại triều đình phong
kiến, vốn được khuôn định trong quan điểm về đấu tranh giai cấp, cũng là một
lối viết sử thiếu tinh thần khách quan cần được xem xét lại.
Chính vì loại thiên kiến
nêu trên mà người ta cứ cho phàm hễ thuộc về nhân vật anh hùng Quang Trung thì
phải ngon lành hơn nhân vật lịch sử Nguyễn Ánh, triều đại Nguyễn Quang Trung ưu
việt hơn triều đại Nguyễn Gia Long, đơn giản chỉ vì Nguyễn Huệ xuất thân nông
dân, Nguyễn Ánh là kẻ đối đầu của Nguyễn Huệ, trong khi đó hoạt động của Quang
Trung mãi đến ngày hôm nay vẫn còn phải tiếp tục tìm hiểu, có những khoảng
khuất lấp cần soi sáng dần qua những cứ liệu lịch sử ngày một thêm phong phú.
Quan điểm về đấu tranh giai cấp, đáng được coi là một phát hiện quan trọng của
phương pháp luận sử học, và cho vài khoa học xã hội khác nữa, thay vì được sử
dụng một cách hợp lý - có chọn lọc theo đúng giá trị thật của nó, và như ước
vọng của những người phát hiện ra nó, góp phần vào việc soi sáng bức tranh lịch
sử, đã có thời kỳ dài được coi là công cụ độc tôn duy nhất đúng để giải thích
mọi hiện tượng lịch sử. Sự đề cao quan điểm độc tôn này rõ ràng là không phù
hợp với phương pháp sử học đích thực, vì nếu như vậy mà cho là phù hợp thì tất
cả những nhà sử học lỗi lạc thời xưa như Tư Mã Thiên, và thời cận - hiện đại
như Arnold Toynbee (1852-1883), Will Durant (1885 - 1981)… chắc là họ đã trình
bày và diễn giải lịch sử trật lất hết, còn sách giáo khoa về môn lịch sử ở các
nước Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ… không theo quan điểm đấu tranh giai cấp có lẽ cũng
đều lệch lạc và không xài được tất.
Chúng ta chấp nhận mọi sự tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng chỉ
nhắm vào mục đích tôn trọng sự thật lịch sử. Nếu có kèm thêm mục đích giáo dục
quần chúng thì cũng không nên để thoát khỏi cơ cở tôn trọng sự thật, bởi trong
thực tế lịch sử của một dân tộc vốn đã có biết bao tấm gương tốt để noi, gương
xấu để tránh, bài học lịch sử thành công hoặc thất bại để rút tỉa, thì không
cần gì phải thêu dệt, như đã thêu dệt chuyện Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722
vì “nạn cống vải” sang nhà Đường Trung Quốc (xem Nghiên Cứu Và Phát Triển,
số 2 (67). 2008), chuyện Lê Văn Tám chống Pháp tẩm xăng làm đuốc nhảy vào kho
xăng Thị Nghè năm 1946 (xem tạp chí Xưa Nay, tháng 10.2009)… Nếu vì một
lý do quá đặc biệt và bất đắc dĩ phải thêu dệt, vì quyền lợi công chúng, cũng
thuộc vấn đề lịch sử, thì sau khi giai đoạn lịch sử đặc biệt đã qua rồi, cũng
phải trả cho sự thật được trở về… Nếu vì lý do tuyên truyền giáo dục quần
chúng, có thể viết thêm các thể loại dã sử, giai thoại về nhân vật lịch sử (như
kiểu viết Tang thương ngẫu lục, Linh Nam dật sử, Tây Sơn thuật
lược, Việt sử giai thoại…), mà không cần đưa những nội dung có tính
huyền thoại vào sách giáo khoa dạy cho học trò vì yếu tính của sách giáo khoa
là sự thật khoa học.
Có một quy luật, dường như chung nhất: không có tự do tư tưởng thì đừng mong có
một ngành nghề nào phát triển được, từ âm nhạc, thi ca, phim ảnh, cho đến các
khoa học tự nhiên, và sử học.
Việc các cụ Lê, cụ Phan, cụ Nguyễn Trường Tộ, cụ Trương Vĩnh Ký... trong một
thời kỳ khá dài bị một bộ phận giới sử học quan phương đánh giá xấu thường được
người dân Việt Nam hiểu một cách thô sơ qua việc xóa bỏ tiểu sử của họ trong
sách giáo khoa; các tượng thờ, tên đường, tên trường học mang tên các cụ cũng
bị xóa bỏ tại nhiều địa phương khác nhau, vì lý lịch các cụ phần nhiều đều có
liên quan mật thiết đến triều Nguyễn, thời kỳ thực dân Pháp, hoặc với đạo Công
giáo. Nhìn chung, người dân phần nhiều không nghiên cứu kỹ sử sách nhưng họ đều
lấy làm hoang mang kinh ngạc trước việc một số cụ đang tốt bỗng nhiên hóa
xấu. Bởi chỉ cần phán đoán theo lương tri thông thường không phải thông
qua nghiên cứu sâu xa như Viện Sử học, ai cũng biết những người như cụ Lê Văn
Duyệt được nhân dân trân trọng thờ phụng hương khói chuyên cần, như cụ Phan
Thanh Giản từ bỏ cả mạng sống (cái quý nhất ở cá nhân con người) khi vì
tình thế bức bách khách quan phải giao thành cho giặc để tránh cho sinh linh đỡ
bị tàn sát, như cụ học giả Trương Vĩnh Ký trong và ngoài nước đều kính trọng
dựng tượng thờ... thì không thể là những người tồi tệ phản dân hại nước cho
được. Do vậy, nếu có những sự đánh giá cẩu thả sai lạc về các cụ trong một thời
của một số người nào đó trong giới sử học hoặc chính quyền (chứ không phải của
cả giới sử học hoặc của tất cả mọi người trong chính quyền) thì điều nầy gợi ý
cần phải coi lại triệt để phương pháp và thái độ nghiên cứu lịch sử, từ đó rút
ra những bài học kinh nghiệm cần thiết trong tương lai khi cần áp dụng kiến
thức và tư duy lịch sử soi xét, đánh giá những vấn đề hoặc nhân vật lịch sử
khác. Điều quan trọng là những người đưa ra các đánh giá phải không được xuất
phát từ bất kỳ một quan điểm giáo điều nào, cũng như ít nhất họ phải dựa trên
cơ sở sử liệu đầy đủ đã được thẩm tra kỹ, và một mặt khác đôi khi họ cũng phải
có tư cách - nhân cách tương đương hoặc cao hơn các đối tượng nhận sự đánh giá
của họ. Một người viết được vài ba bài viết trên báo hoặc tập tiểu luận nhỏ về
sử học, khi nhận xét về cụ Phan Thanh Giản chẳng hạn, ít nhất cũng phải biết để
cân nhắc cụ là một người ăn học đàng hoàng, văn hay chữ tốt, đỗ Tiến sĩ
với chất lượng cao thật sự, và từng giữ chức Tổng tài Quốc sử quán tổ chức biên
soạn Khâm định Việt sử thông giám cương mục (53 quyển) vốn được coi là
một bộ sử Việt biên soạn cẩn thận và đồ sộ nhất từ trước đến giờ.
Có một vấn đề cũ mèm được nói nhiều nhất có lẽ trong
các giới nghiên cứu văn học và lịch sử, nhưng lại luôn bị áp dụng một cách lúng
túng sai lạc do ảnh hưởng nặng nề của tệ giáo điều, đó là chủ nghĩa duy vật
lịch sử mà về mặt áp dụng để nghiên cứu văn học - sử học thì quen gọi bằng cụm
từ “quan điểm lịch sử cụ thể”. Mác nói rằng không ai được chọn thời để sinh ra
cũng như không ai được quyền lựa chọn lực lượng sản xuất cho mình, nói nôm na
là khi người ta sinh ra thì nhiều cái đã có trước, không tùy thuộc vào ý muốn
chủ quan của bất kỳ ai. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của cái gọi là bối
cảnh hay hoàn cảnh lịch sử mà con người hầu như không thể thoát ra được. Ở một
chỗ khác ông viết: “Quan điểm của tôi cho rằng sự phát triển của hình thái
kinh tế của xã hội có thể coi như quá trình của tự nhiên và lịch sử của tự
nhiên. Cho nên so với mọi quan điểm khác, quan điểm của tôi có thể ít quy trách
nhiệm cho cá nhân hơn về những quan hệ mà xét theo nghĩa xã hội, cá nhân đó
trước sau vẫn là sản vật, dù cho về mặt chủ quan cá nhân đó có thoát khỏi những
quan hệ ấy như thế nào chăng nữa” (Về những quy luật kinh tế trong chủ
nghĩa xã hội, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 12). Mác cũng nhận định thật
tài tình “lịch sử chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích
của bản thân mình” (C.Mác và Ph. Ăngghen, Gia đình thần thánh hay là phê
phán sự phê phán có tính chất phê phán, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1971, tr.
163).
Nếu xét theo quan điểm đại loại như trên thì triều Nguyễn được dựng nên ứng vào
thời kỳ sung mãn nhất của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật thế kỷ 19. Việc
phát minh ra chiếc máy hơi nước giải phóng sức sản xuất cùng với việc khám phá
thêm các đường hàng hải mới đã dẫn đến sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân
lúc đó đang cần thêm rất nhiều nguyên liệu, nhân công và thị trường tiêu thụ.
Đây là sự diễn biến tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của lịch sử
chủ nghĩa tư bản thế giới. Nếu Pháp không dòm ngó Việt Nam trong lúc nầy thì cũng sẽ có
một nước Bồ Đào Nha hay Y Pha Nho nào khác. Rủi thay, thực dân Pháp đã đặt tầm
ngắm một cách thuận tiện vào Việt Nam giữa lúc trong nước còn đang chiến loạn
nhiễu nhương, hai thế lực Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn quần thảo nhau kịch liệt
một mất một còn. Trong lúc núng thế gặp được một số đoàn truyền giáo khi đó
cũng đang muốn triển khai việc mở đạo hứa giúp, lẽ tất nhiên Nguyễn Ánh phải
xem đây là một cơ hội, dù có thể là “một cái xấu cần thiết”. Những đoàn truyền
giáo nầy ngược lại đang cần tranh thủ sự ủng hộ vừa của chính quốc vừa của
những ông chúa tể bản xứ, trong khi chủ nghĩa tư bản phương Tây cũng cần dựa
vào những thế lực nầy để mở rộng các thị trường thuộc địa, Nguyễn Ánh thì cần
súng ống tàu chiến đánh Tây Sơn, thế là một sự kết hợp nhuần nhuyễn trúng khía
đã xảy ra một cách khách quan để thỏa mãn nhu cầu của tất cả các bên liên quan.
Việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần làm là diệt được quân Tây Sơn trước đã
bằng bất kỳ phương tiện nào, bởi mối thù “chỉ non Tây thề chẳng đội trời
chung”, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp. Khía cạnh ngẫu nhiên
của hoàn cảnh còn nằm ở chỗ ông là người theo tổ tiên vào lập nghiệp ở miền Nam
trước nên có nhiều cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các nhà truyền giáo lúc đó
đang cần liên lạc, tranh thủ sự che chở của ông để truyền đạo. Diệt được Tây
Sơn rồi mọi việc sẽ tính sau, đó là mục tiêu cấp thời mang tính sách lược tình
huống của vị vua sáng lập triều Nguyễn. Nói Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” là
không đúng với thực tại lịch sử khách quan, cũng như nói Alêchxăng đơ Rôt hay
Bá Đa Lộc làm môi giới giữa Pháp với triều Nguyễn là những tên thực dân phản
động lại càng sai lầm hơn về mặt quan điểm lịch sử. Bằng cớ là sang thời Minh
Mạng (từ 1820), Thiệu Trị, các vị
vua con vua cháu nầy chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực hiện chính
sách giết đạo tàn khốc (chứng tỏ không thân Pháp) để giải quyết cái di sản trớ
trêu của lịch sử, và chỉ khoảng thời gian đó các nhà vua mới có thể dám làm như
vậy (dù không phải việc đúng, tốt), do mối ân tình giữa vua cha (Nguyễn Ánh)
với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp coi như đã sạch nợ giang hồ.
Ngay như vua Quang Trung đại phá được quân Thanh trong trận Đống Đa (1789) mùa
xuân năm Kỷ Dậu cũng vậy, nhiều tài liệu mới phát hiện gần đây cho biết một
phần quan trọng là nhờ nhà vua đã biết sử dụng khéo léo các lực lượng hải khấu
ở biển Đông (xem những tài liệu và phát hiện của Nguuyễn Duy Chính, đăng trên
tạp chí Nghiên Cứu và Phát Triển về đề tài Quang Trung). Trên thế giới
cổ kim, không ít thành tích lẫy lừng được người đời ca tụng của một số nhân vật
lịch sử đã được làm nên không phải lúc nào cũng bằng những con đường chính quy
chính thống bằng phẳng, vấn đề chỉ là sự thật lịch sử đã được phơi bày trong
các bộ chính sử ở mức độ thế nào mà thôi.
Tương tự như vậy và mở rộng vấn đề ở một cấp khái quát hơn, nếu xét trên quan
điểm lịch sử, tạm lấy thế kỷ thứ 19 làm mốc thí dụ, chủ nghĩa tư bản xuất hiện
và bành trướng dưới hình thái chủ nghĩa thực dân là hậu quả tất yếu của cuộc
cách mạng khoa học - kỹ thuật thế kỷ 19; tiếp theo, phong trào cộng sản là hậu
quả tất yếu phản ứng lại chủ nghĩa tư bản man rợ thời kỳ đầu, nó lại đã kết hợp
một cách “khế cơ” (ăn khớp) với phong trào cách mạng dân tộc dân chủ và giải
phóng dân tộc vừa chống phong kiến vừa chống thực dân ở một số nước thuộc địa
trong thời kỳ “giải thực” toàn thế giới. Kết quả là một số chính quyền mang danh
nghĩa chủ nghĩa cộng sản đã được thành lập, như trường hợp của Trung Quốc, Việt
Nam
và vài nước khác... Cứ thế lịch sử tuần tự nhi tiến, “trùng trùng duyên khởi”,
chắc chắn sẽ diễn biến đến những giai đoạn tiếp theo như có thể hiện thấy, với
những thứ di sản thuộc loại ngoài ý muốn (đi kèm theo những mặt tốt của các
cuộc chiến tranh giải phóng tộc) vẫn đang cần tiếp tục giải quyết, như tệ nạn
đặc quyền và tình trạng tham nhũng... ở một số nước. Riêng trường hợp các nước
thực dân xâm lược, hiểu như một sự thể tất yếu không thể tránh khỏi của một
thời kỳ phát triển nhất định trong lịch sử thế giới, trong khi đặt ách thống
trị lên các quốc gia nhược tiểu, để phục vụ trước hết quyền lợi cho chính chủ
nghĩa thực dân chứ không phải cho các dân tộc bản xứ bị nô lệ, nó cũng để lại,
dù muốn hay không, một số di sản hữu ích “xài được” cho các dân tộc bị trị như
khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế, hành chính, các cơ sở hạ tầng nhà cửa
đường sá cầu cống hiện đại, và đặc biệt là những tư tưởng về tự do dân chủ và
cách mạng. Khi cục diện thế giới thay đổi, các dân tộc bị trị đến lượt mình
đương nhiên đã sử dụng những thứ “xài được” đó chống lại ách áp bức bóc lột của
chính thực dân, buộc các nước nầy phải buông tay bằng nhiều cách khác nhau
(thông qua hoặc không cần thông qua cuộc chiến tranh giải phóng) để trao trả
lại quyền độc lập tự chủ cho
mình.
Trở lại cách nhìn thực tế lịch sử của một dân tộc hay một cộng đồng xã hội nào
khác, có thể mượn cách diễn đạt khá tinh tế của ông Trần Bạch Đằng trong “Lời
giới thiệu” sách Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ (Bán nguyệt san Xưa
& Nay và NXB Trẻ, 2002): “Người viết sử có thể phân chia diễn biến
của quá khứ thành nhiều chương, hồi, theo một chủ điểm yêu ghét nào đó, có khi
còn được gọi là chính thống; nhưng bản thân lịch sử thì nó triển khai đan xen
với vô số mâu thuẫn và cách xử lý mâu thuẫn, không từ trong một kịch bản có sẵn
nào cả”.
Trong chiều hướng “giải hoặc” và “xét lại” phổ biến hiện nay để loại bỏ dần
những cách đánh giá chính thống nhưng cực đoan và trái quan điểm lịch sử vì
thiếu tính toàn diện, một số nhân vật cận đại ở Trung Quốc như Tăng Quốc Phiên,
Tưởng Giới Thạch... có thời kỳ bị lên án cực độ ở lục địa, nay đã được người
Trung Quốc nhìn nhận lại theo chiều hướng cởi mở hơn, và tư tưởng - tác phẩm
của họ cũng đã được phổ biến khá nhiều trên các kệ sách ở mọi nơi.
Ngày nay, ở Trung Quốc không ai còn viết truyện hay làm phim để lên án Tần Thủy
Hoàng là tàn bạo (mặc dù tàn bạo thật), Tào Tháo là gian hùng (mặc dù gian hùng
thật)... làm gì nữa, vì như thế cũng vô ích. Trái lại một số đạo diễn có tài đã
cố gắng dựng lên những bộ phim truyện hay mô tả toàn diện tính cách của một số
nhân vật, đặt họ đúng vào lại bối cảnh cụ thể của một thời kỳ lịch sử nhất định
tương ứng với những phong tục tập quán cùng lề lối tư duy - hành động phản ánh
cách hành xử của con người trong cả một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, do
vậy mà Tần Thủy Hoàng hoặc Tào Tháo cũng có được những nét dễ thương đầy nhân
tính song song với tính cách tàn bạo hoặc gian hùng không ai chối cãi của họ.
Bộ phim Công tử Bạc Liêu được dựng ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước sở
dĩ không thành công là vì những người thực hiện mải lo phản ảnh khía cạnh tiêu
cực của công tử nhắm vào chủ đề chống phong kiến nhiều hơn là nhìn “công tử” ở
góc độ khách quan là một con người có gốc đại địa chủ thích ăn chơi nhưng tính
tình hào sảng khả ái của vùng đất mới Nam Bộ.
Đánh giá nhân vật lịch sử vì thế rất cần có sự cân nhắc thận trọng nhiều mặt
trong tất cả mọi trường hợp. Ở Việt Nam, ngoài các nhân vật lịch sử lớn như
Nguyễn Ánh (gắn với cả triều Nguyễn), Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản... có lúc
bị đánh giá nhầm, còn có những nhân vật khác như Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh
Ký, Phạm Quỳnh... có thời gian khá dài cũng bị kết án oan về một số mặt cơ bản,
khiến cho những con đường hay trường học mang tên họ đều bị xóa bỏ hết, và học
sinh trong các nhà trường hoặc không biết gì về họ hoặc phải học hai môn Văn
học, Lịch sử với những quan điểm và cách trình bày cực kỳ phiến diện.
Việc viết sử nói chung cũng thế, phải thận trọng giống như đánh giá nhân vật
lịch sử. Ngoài nguyên tắc phải tôn trọng sự thật lịch sử trên cơ sở thu thập -
phân tích - khảo chứng tư liệu và tôn trọng phương pháp sử học thuần túy, không
để bị chi phối bởi bất kỳ giáo điều chính trị nào, người viết sử còn phải vận
dụng chính xác cái gọi là “quan điểm lịch sử cụ thể” như đoạn trên của bài viết
nầy đã cố gắng diễn giải. Ngoài ra họ còn phải hiểu đời một cách sâu sắc, thông
đạt chính trị và nhân tình, hiểu được lý do các hoạt động của loài người, có
tầm nhìn bao quát về về tâm lý cuộc sống..., và tất cả những điều đó phải được
thể hiện với một lương tri hay trực giác bén nhạy tối thiểu. Xét về các phương
diện nầy, cho đến nay chúng ta vẫn có thể tạm coi bộ Việt Nam sử lược
của cụ Trần Trọng Kim là một bộ “tín sử” hay nhất trong những bộ sử hiện có,
bởi nó đã được cụ Trần căn cứ trên nhiều tài liệu rồi viết ra theo kiểu thấy
sao nói vậy bằng cách nghĩ cách diễn đạt thận trọng riêng của mình với một
lương tâm khá trong sáng, trong đó cụ không hề có một lời khen ai hoặc mạt sát
ai quá đáng, tuy rằng nó vẫn chưa đạt tiêu chuẩn khoa học đầy đủ của một bộ
thông sử có tính toàn quốc. Như khi bình luận về tư cách của Phan Thanh Giản,
tác giả nói rất gọn mà thấm thía: “Bấy giờ ông đã già, đã ngoài 74 tuổi, làm
quan thật là thanh liêm, nhưng chẳng may gặp phải khi nước có biến, biết thế
mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước cho hết bổn
phận người làm tôi”. Phải công tâm thừa nhận có một thời học sinh rất thích
học môn Lịch sử một phần là nhờ bộ Việt Nam sử lược, với cách trình bày
các sự kiện lịch sử vừa ngắn gọn mạch lạc vừa hấp dẫn, lời lẽ ôn nhu khiêm tốn,
bình phẩm có mức độ, đọc hay như một bộ tiểu thuyết trường thiên của dân tộc.
Còn hiện nay, người ta than rằng học sinh không thích học môn Lịch sử, dốt sử,
thì cũng là một điều dễ hiểu và nên xem lại cách viết sử như là một hướng tiếp
cận để nghiên cứu giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, lịch sử vốn thường là những diễn biến được mô tả lại bằng ngôn ngữ
của kẻ chiến thắng, nên trong những cuộc “cải triều hoán đại”, nó rất khó
giữ được tính trung thực khách quan hoàn toàn. Chẳng hạn, trong những bộ chính
sử do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn khó thể tìm được chỗ nói tốt cho
triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, cũng tương tự như lịch sử do các cơ quan chính thức
của nhà nước Trung Quốc viết ra thì hầu như việc gì của lực lượng Quốc Dân Đảng
làm trong giai đoạn Tưởng Giới Thạch cầm quyền cũng đều tệ hại phản động tất
tần tật. Trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, việc gì của Mao làm cũng
được ca tụng, thành công gì trong các hoạt động khoa học, chính trị, văn hóa...
cũng đều được quy công cho sự lãnh đạo anh minh của Mao. Các sách khoa học tự
nhiên thời đó từ địa chất học cho đến thực vật học đều phải tôn Mao làm minh chủ.
Phải đợi cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 nhiều sự thật lịch sử mới
được phơi bày ra ánh sáng, hàng ngàn người bị kết án oan đưa đi lao động khổ
sai trong thời Cách mạng Văn hóa được trả tự do, phục hồi danh dự; bản thân Mao
cũng được đánh giá lại, nhưng vì nhiều lý do chính trị phức tạp tế nhị vẫn chưa
phơi bày đầy đủ, mặc dù hầu hết mọi chuyện đều đã được biết qua các lời truyền
miệng hay công bố trên mạng Internet... Thực tế khó chối cãi nầy đặt ra một vấn
đề hết sức tế nhị, là liệu có thể có được những bộ sử trung thực ở đâu đó trong
những nước có hoàn cảnh tương tự Trung Quốc, trong khi cái gọi là “chính sử”
đều do các nhà đương cuộc tổ chức biên soạn bằng kinh phí nhà nước, còn tư nhân
thì hầu như chắc chắn không ai được tài trợ để làm công việc nầy cả. Trong
chiều hướng thực tế nói chung như thế, chúng ta có thể khẳng định một cách
tương đối rằng, lịch sử thành văn khá trung thực thường chỉ có thể có được
trong hai điều kiện: hoặc thời kỳ lịch sử đang nói phải ở thời gian cách xa với
nhà cầm quyền đương đại, hoặc việc viết sử là do tư nhân độc lập đảm trách một
cách tự nguyện như trường hợp của Tư Mã Thiên đối với bộ Sử ký có một
không hai trong lịch sử sử học của nhân loại.
Mặc dù những lý do nêu trên về điều kiện nghiệt ngã để có những bộ
sử trung thực, về mặt lý thuyết chúng ta vẫn còn có thể nêu thêm những thực tế
khác để xem xét vấn đề một cách tường tận thấu đáo thêm. Có một điều kiện lý
tưởng vẫn còn nêu ra được, đó là nhà cầm quyền cũng phải trung thực nếu thật sự
vì dân, nhận thức sự trung thực trong sử học như một điều quan trọng cần thiết
có lợi ích lâu dài cho cả dân tộc, theo nghĩa lịch sử là tấm guơng soi chung và
là những bài học kinh nghiệm cần để rút tỉa cho công cuộc xây dựng tương lai
đối với tất cả mọi thành viên công dân, và đối với đất nước, mà nếu trung thực
thì tốt hơn là làm ngược lại. Để có sự trung thực, lẽ tất nhiên phải coi chân
lý khoa học và lợi ích của nhân dân là luật pháp tối thượng, có tầm nhìn thần
thông quảng đại, rộng mở, do đó sẽ không nhìn lịch sử hay nhân vật lịch sử bằng
một tâm địa nhỏ nhen tầm thường. Một thực tế khác có thể cho thấy các nhà viết
sử phương Tây dường như phóng khoáng hơn. Nếu các nhà sử học phương Tây (chủ
yếu Pháp, Mỹ) cận hiện đại mà viết sử với một tâm hồn nhỏ nhen, không tôn trọng
sự thật lịch sử hoặc chỉ vì những cái danh hão hay quyền lợi dân tộc hẹp
hòi, chắc chắn họ sẽ bôi nhọ một số nhân vật lịch sử Việt Nam vốn từng là
nguyên nhân sự chiến bại của quốc gia họ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp
và chống Mỹ của nhân dân việt Nam. Trái lại, họ thường đã mô tả một số nhân vật
lịch sử Việt Nam như Nguyễn Thái Học, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... với một
lòng kính ái đặc biệt, đưa tên vào từ điển, một phần cũng nhờ vậy mà nước Việt
Nam đến nay được rất nhiều quốc gia khác trên thế giới biết đến một cách trân
trọng.
Trái lại với những thí dụ vừa kể trên đây là trường hợp một số sử gia Trung
Quốc từ lâu và nhất là gần đây đã cố gắng bóp méo sự thật lịch sử, “tự viên kỳ
thuyết” (vo tròn các sự kiện cho khớp với lý luận chủ quan của mình) để chứng
minh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc, tự đặt ra
đường chữ U chín đoạn để chiếm hữu hầu hết diện tích biển Đông. Làm như vậy
trước mắt Trung Quốc nếu có thể lấy được Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vĩnh
viễn (?) thì đó chỉ là một lợi ích nhỏ thiển cận, hậu quả xấu lâu dài là làm
cho cả nhân dân Trung Quốc tập nhiễm tư tưởng thực dụng thô thiển cùng thói
quen nói láo, và như thế đã góp phần tiêu cực phá hoại cả nền văn hóa Trung
Quốc vốn có rất nhiều nhân tố truyền thống tốt đẹp mà tổ tiên người Trung Quốc
với những Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tuân Tử... đã dày công xây đắp trong suốt
mấy ngàn năm lịch sử. Đây là một trường hợp lợi bất cập hại khá rõ ràng có thể
đem ra dẫn chứng cho lối làm việc bằng tâm địa nhỏ nhen không tôn trọng chân lý
khoa học và lịch sử.
Đến đây có thể thấy rõ, trong khá nhiều trường hợp, sự chi phối của những quyền
lợi chính trị nhất thời mang tính phe nhóm đôi khi có hại khi đặt toàn bộ vấn
đề lợi ích ở mức độ dân tộc hay nhân loại trên một bình diện rộng lớn hơn, và
có thể tạm rút ra một hệ luận: công việc nghiên cứu lịch sử, để có được tính
trung thực cần thiết, đòi hỏi sự tôn trọng tính độc lập tự do của các sử gia,
dù sử gia đó là tư nhân (như Trần Trọng Kim...) hay cán bộ đang hoạt động trong
những cơ quan chuyên trách sử học, giáo dục của nhà nước cũng vậy. Nói chung
hơn, theo kinh nghiệm hoạt động của Giáo sư Dân tộc học Nguyễn Đức Từ Chi dạy
lại cho các học trò của mình thì muốn nghiên cứu lĩnh vực nào, tốt nhất đừng
công tác tại cơ quan chuyên môn về lĩnh vực ấy... “Ngoài việc tránh được
những phiền phức do cơ chế quản lý, việc nầy còn mang lại một lợi ích lớn hơn,
đó là người nghiên cứu sẽ tránh được lối mòn, sự khuôn sáo, định kiến, hạn chế
sự ảnh hưởng bởi “tâm lý đám đông” trong nghiên cứu khoa học xã hội... Tất
nhiên điều nầy đòi hỏi người nghiên cứu phải có bản lĩnh khoa học vững vàng”
(xem Nguyễn Thị Hậu, “Vài lời cuối sách” trong quyển Khoa học soi sáng lịch
sử của Nguyễn Đức Hiệp, Nxb. Lao Động, 2007, tr. 356).
Tại Việt Nam, chúng ta đã có khá nhiều tấm gương chứng tỏ được mối nguy hại một
thời của lối viết sử dựa trên những quan điểm gọi là chính thống nhưng giáo
điều, đầy định kiến, dẫn đến việc đánh giá sai lầm nhiều nhân vật lịch sử mà
nay phải đánh giá lại, như giới sử học gần đây đã cố gắng làm và đã làm thành
công đối với nhân vật Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản...
Ngoài khía cạnh quan điểm ra, nhiều sự kiện thuộc về sự thật lịch sử thể hiện
trong các sách giáo khoa cũng cần được xem xét lại để điều chỉnh. Phong cách
viết sử theo lối tự hào dân tộc hẹp hòi quá đáng hay theo kiểu “tốt khoe xấu
che” “ta thắng địch thua”cũng cần phải loại bỏ. Trong một bài viết (tạp chí Tia
Sáng số 9, ngày 5.5.2008), Giáo sư - NGND Nguyễn Văn Chiển (đã quá cố), khi
nói về tính dũng cảm, khiêm tốn và trung thực của người trí thức, đã nhắc lại
câu chuyện nhà sử học Trần Huy Liệu về việc trước khi mất, ông Liệu đã nói thật
với học trò của mình rằng Lê Văn Tám không phải con người có thật mà chỉ là một
hình ảnh ông dựng lên để động viên phong trào kháng chiến mà thôi! GS Chiển,
cũng trong ý tưởng đòi hỏi tính can đảm trung thực phải có của người trí thức,
đã nhắc khen ông Nguyễn Mạnh Tường và ông Trần Đức Thảo, hai nhân vật trí thức
Việt Nam lỗi lạc có thời gian vì trung thực đóng góp ý kiến xây dựng cho việc
chung nhưng không hợp quan điểm “chính thống” mà bị “rút phép thông công”, phải
chịu oan chịu khổ trong hầu suốt quãng đời còn lại (riêng Trần Đức Thảo sau khi
chết, vài năm trước đã được minh oan công khai).
Như vậy để nói tiếp ý kiến GS - NGND Nguyễn Văn Chiển, thiết tưởng đến lúc nầy,
sau khoảng nửa thế kỷ, một vài nhân vật khác trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm cũng
như toàn bộ vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm cũng nên được giới nghiên cứu văn - sử
học đưa vào bàn hội nghị đánh giá lại một cách xác đáng công khai để rút ra
thêm được nhiều bài học quý báu khác nữa cho cả nước rút tỉa. Làm được như vậy,
giới văn học và sử học Việt Nam ghi thêm được một thành tích chói lọi mới, đẩy
mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, và chắc chắn sẽ được mọi người mọi
giới cả trong lẫn ngoài nước hoan nghênh nhiệt liệt vì góp phần làm thay đổi
hẳn bầu không khí hoạt động văn hóa - tư tưởng theo chiều hướng tích cực nhất.
Cái “vùng cấm” Nhân Văn Giai Phẩm (1956 - 1958) không có văn bản giấy tờ tồn
tại đúng năm chục năm nay trên thực tế đã được cả xã hội giải cấm dần vì trong
những khoảng thời gian gần đây, không ít tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai Phẩm
đã có tác phẩm được in, thậm chí còn được cả giải thưởng. Lai rai đâu đó người
ta đã bớt ngại khi công khai nhắc đến tên tuổi của nó, thậm chí còn mạnh dạn
khen ngợi, như có thể kể trường hợp ý kiến của luật gia Lê Hiếu Đằng (Phó chủ
tịch UBMTTQVN - TP. HCM, Chủ tịch HĐQT Quỹ Bảo trợ Giáo dục và Đào tạo TP. HCM)
phát biểu trên báo Tuổi Trẻ (16.5.2008) khi người ta hỏi ông về thơ của
một số tác giả trong nhóm: “Hiện nay thì tôi đang... lai rai thơ Phùng Quán,
Trần Dần. Đọc “Chống tham ô lãng phí” của Phùng Quán làm năm 1956 mà thấy còn
nguyên tính thời sự, như mới làm đây thôi. Tôi thuộc lòng bài “Nhất định thắng”
của Trần Dần khi còn là sinh viên, giờ đọc lại vẫn thấy đầy xúc động... Phùng
Quán, Trần Dần là những nhà thơ tài năng của Việt Nam. Họ là những người đi trước,
thơ của họ mang tính dự báo rất lớn. Cái hay chính là ở tính dự báo đó. Cứ lật
lại những trang thơ của họ mà xem, những điều họ nói cách nay mấy chục năm bây
giờ đang xảy ra, nhức nhối, đau lòng”.
Tại đây xin được mở thêm dấu ngoặc, trong Từ điển Văn học (bộ mới,
2004), một công trình đang được xã hội đánh giá cao, nhiều tác giả thuộc nhóm
Nhân Văn Giai Phẩm đã được đưa vào giới thiệu một cách trân trọng, như Hữu
Loan, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Phùng Quán, Trần Dần..., nội dung cũng
nêu sơ lược những nhân vật nầy đã bị kỷ luật như thế nào sau khi tham gia vào
nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng quyển từ điển giá trị nêu trên lại cũng còn có
chút úy kỵ tránh né khi nó không cung cấp cho người sử dụng từ điển mục từ
“Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm” (trong khi những nhóm khác như Đông Dương Tạp Chí,
Hàn Thuyên, Nam Phong, Sáng Tạo, Tân Dân, Thanh Nghị, Tri Tân đều có đủ), nên
khi cần tra cứu thì chẳng có để mà tra. Nếu các sinh viên học sinh vì tiếp tục
thắc mắc cứ phải đi tra tìm ở những tài liệu công bố “lậu” ở đâu đó thì có khi
lại nguy, hiểu theo nhiều nghĩa “nguy” khác nhau. Sự thiếu sót có lẽ bất đắc dĩ
nầy tuy có thể thông cảm được, nhưng dù sao như thế cũng làm cho một bộ từ điển
lớn đáng tiêu biểu cho cả nước lại bị sai quy cách của khoa từ điển học, và
điều nầy càng cho thấy sự cần thiết phải sớm đem vấn đề ra công khai phân tích
mổ xẻ, hầu tránh cho giới nghiên cứu văn học - sử học những thứ nhếch nhác rụt
rè không cần thiết. Làm văn học - sử học mà nhếch nhác rụt rè thì thật khó coi
và không thể chấp nhận được, vì không còn chi để gọi là “học” nữa! Chung quy
cũng vẫn là cần sự can đảm, lòng trung thực và tính liêm chính trí thức của các
nhà nghiên cứu văn học - sử học.
Một số sự kiện lịch sử hay cách đánh giá nhân vật lịch sử, nếu được điều chỉnh
đúng, sẽ dẫn đến một số hệ quả thực tế tích cực tất nhiên trong đời sống người
dân cũng như trong một phần của công tác giáo dục, như trường hợp tên Kim Ngọc
đã được chọn đặt tên đường và tên vài trường học ở Vĩnh Phú khoảng sáu năm
trước, sau khi quan điểm về khoán sản phẩm trong nông nghiệp của ông Kim Ngọc
có lúc bị kết án sai lầm đã được đánh giá lại tỏ rõ. Tương tự như thế, tượng
Phan Thanh Giản và trường học mang tên Phan Thanh Giản đang được phục hồi tại
Bến Tre, tượng Lê Văn Duyệt đã được an vị tại lăng Ông Bà Chiểu hồi mấy tháng
trước... Chúng ta ngày nay có thể cần những điều đó vì lý do chính trị này khác
nhưng các vị được tôn vinh dường như cũng không mấy cần. Với cái đà nầy, nếu
nghĩ một cách trung thực, rồi đây người ta cũng phải nghĩ đến việc đổi tên các
công viên, rạp hát, trường học mang tên Lê Văn Tám thành công viên Lê Văn
Duyệt, công viên Gia Long, rạp hát Đào Tấn, trường Trương Vĩnh Ký, trường Phạm
Quỳnh... chẳng hạn...
Về mặt khách quan, cũng là sự thật lịch sử và chân lý cuộc đời, kẻ thù không
phải lúc nào cũng xấu, còn “phe ta” thì luôn tuyệt vời. Hơn nữa cũng không có
ai là kẻ thù thật sự hay vĩnh viễn, kể cả trong cùng một đất nước một nòi giống
hay giữa dân tộc nầy với dân tộc khác. Người Mỹ phải rút quân thảm hại trong
cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, trước đó họ có thể làm mọi cách để ngăn
chặn “làn sóng cộng sản”, dội bom miền Bắc, nhưng không có sử gia hay nhà báo
nào của Mỹ viết sách để bôi nhọ Việt cộng, mà chỉ cố gắng phân tích mọi khía
cạnh để “biết người biết ta”, cho hiểu được tại sao họ thất bại ở Việt Nam mà
thôi. Đứng về mặt nào, người Mỹ như thế cũng có khía cạnh “mã thượng” tuy chưa
phải thật sự anh hùng. Trong lịch sử Việt Nam, đã có trường hợp Lê Lợi - Nguyễn
Trãi đánh tan xong giặc Minh còn cấp cho các tướng địch 500 chiếc thuyền với
quân lương đầy đủ để chạy về cho tiện, cũng là một hành vi đáng xem là “mã
thượng” của người xưa. Ngày nay, nếu có thấy hàng ngàn công nhân Trung Quốc qua
Việt Nam lao động phổ thông không có giấy phép, họ vì nghèo khổ bức bách mà
phải làm như vậy, nếu có muốn đuổi họ về, thì cũng nên đuổi về theo các
mã thượng như khi Nguyễn Trãi làm bài Bình Ngô đại cáo vậy thôi.
Có một phong cách viết sử không cần bôi bác kẻ thù, mà cứ việc xảy ra thế nào
kể lại thế ấy theo đúng những tài liệu chữ viết hoặc truyền khẩu đã thu thập
được. Có thể kể trường hợp sách Bản triều bạn nghịch liệt truyện của học
giả Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, soạn trong năm Thành Thái thứ 13 (1901). Đây là sách
của một ông quan triều Nguyễn viết về những kẻ phản nghịch chống lại “bản
triều”, nhưng cách thuật chuyện và thể hiện các nhân vật phản diện lại khách
quan sinh động, còn cho thấy được những nét ưu điểm, khả ái và khí phách cá
nhân của những kẻ bị tác giả xếp vào thành phần phản loạn, như Lê Văn Khôi, Cao
Bá Quát và rất nhiều người khác...
Cuộc đời thực, tức cũng là lịch sử, luôn phải có kẻ vầy người khác. Có kẻ xấu
kẻ phản dân hại nước thì tính cách của người tốt người yêu nước mới bộc lộ rõ
và được tôn vinh. Anh hùng tạo thời thế nhưng thời thế cũng có thể làm nên anh
hùng. Nếu không có những cuộc loạn lạc thời cuối Xuân Thu đầu Chiến Quốc thì
cũng không có những học thuyết của Nho gia, Đạo gia, Pháp gia... nở rộ, để lại
những tinh hoa di sản tư tưởng của phương Đông ngày hôm nay. Thời thế tức là
cái hôm nay chúng ta gọi “bối cảnh lịch sử” mà khi nghiên cứu bất kỳ một biến
cố, phong trào, học phái nào, người nghiên cứu cũng không thể không xét đến nơi
đến chốn. Tương tự như vậy, nếu không có cái xấu của chủ nghĩa tư bản man rợ
thế kỷ 19 thì cũng không có nhân vật Mác và chủ nghĩa Mác xuất sắc; không có
thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam cũng không có một Phan Bội Châu hay một Hồ Chí
Minh với sự nghiệp lẫy lừng... Trong lịch sử Việt Nam từng có những hạng trí
thức không dược dũng cảm cho lắm, vì tình thế bức bách phải lưu vong chạy theo
quân giặc cho yên thân, như Trần Ích Tắc và Lê Tắc trong trận giao chiến với
quân Nguyên đời Trần, nhưng họ cũng chưa kịp làm điều gì đồi bại đến nỗi, chỉ
mong “cẩu toàn tính mệnh ư loạn thế”. Riêng Lê Tắc khi trốn sang Tàu còn viết
được bộ An Nam chí lược để đời, được một người đương thời viết lời tựa
khen là “không thua gì sách của Tư Mã Thiên và Ban Cố hồi trước”, đã được cả
Việt Nam và Trung Quốc in lại nhiều lần như một sử liệu có giá trị tham khảo
tốt. Nếu buộc Lê Tắc phải là một nhân vật anh hùng, và trong bộ sử giá trị nói
trên, phải nói xấu ít nhiều gì đó về kẻ thù Trung Quốc lúc bấy giờ thì ngày nay
chúng ta cũng không có bộ An Nam
chí lược...
Bình luận về con người trong lịch sử vì thế không thể thiếu sự thông đạt chính
trị nhân tình, và đức công bằng, luôn biết đặt con người vào trong hoàn cảnh cá
nhân cùng với những mối tương tác nhân quả của các sự kiện chi phối bên ngoài,
trên cái nền chung những bi kịch và nỗi thống khổ của nhân sinh và trong cái
trào lưu sinh hoạt bất tuyệt của cuộc đời, từ đó có được quan điểm phóng khoáng
mang chất triết lý sâu hơn về cuộc sống để có thể tiếp cận với chân lý lịch sử
một cách khách quan toàn diện hơn, góp phần xây dựng một nền văn hóa hòa bình
không mang tính sát phạt vì các kiểu thái độ cực đoan, phiến diện, căm thù có
tính nguyên thủy của loài người chưa văn minh. Đó có lẽ cũng là thế giới quan
hình thành nên thái độ, cách nhìn cùng những ý kiến bình luận đánh giá thâm
trầm sâu sắc của Tư Mã Thiên (trong các bài “Tán”, bài “Tự”) đối với một số
nhân vật và sự kiện lịch sử tiêu biểu ở Trung Quốc cổ đại, làm cho bộ Sử ký trở
thành một bộ sách sử-triết-văn chương khuôn mẫu bất hủ.
Văn hóa là cái gì còn tồn lại bền lâu trong tâm trí, bàng bạc trong cách ứng xử
hiện tại của con người sau khi mọi sự kiện, nhân vật, chế độ chính trị... đã
qua đi. Mà bao nhiêu sự kiện, nhân vật, chế độ chính trị quá khứ đều đã phải
tuần tự cứ qua đi như thế trong trường kỳ lịch sử, bất chấp cả không gian thời
gian. Nhân vật lịch sử không nhất thiết phải là danh nhân, đều là con người nên
có mặt tốt mặt xấu, có những lúc yếu mềm lầm lỗi, rồi ai cũng ra người thiên cổ
dù đi trong gió ngược hay xuôi, nhưng tất cả đều có vai trò riêng trong một bối
cảnh lịch sử nhất định. Việc đánh giá lịch sử cũng như các nhân vật lịch sử nếu
chính xác, sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với lớp người đi sau chứ không phải cho
lớp người trước, hiểu như là những bài học kinh nghiệm quý báu để rút tỉa áp
dụng cho cuộc sống hiện tại và tương lai lâu dài, vì thế phải được thực hiện
một cách khách quan và thận trọng, không nên để bị ảnh hưởng bởi bất kỳ định
kiến hay loại quan điểm chính trị thực dụng nhất thời nào.
Đến đây, chúng ta đã lặp đi lặp lại khá nhiều cái gọi là rút tỉa kinh nghiệm
lịch sử, thế thì những con người hiện sống thực tế có thể học được những gì từ
trong những bài học đã có sẵn trong lịch sử? Trước hết, muốn học được điều gì
thì lịch sử phải là lịch sử của sự thật, của những sự kiện và biến cố có thật
đúng như chúng đã diễn ra trong quá khứ. Lịch sử được viết nên một cách giả dối
do sự thêm thắt thêu dệt hoặc tưởng tượng, gán ghép đầy định kiến thì không thể
dùng để tham khảo học hỏi gì được, nếu không muốn nói có hại. Bài học lịch sử
là cái có sẵn, bất di bất dịch, điều quan trọng thuộc về cách con người biết
tham khảo nó sáng suốt ra sao để hướng dẫn cho những hành động trong hiện tại
và hướng tới xây dựng tương lai. Có những kinh nghiệm thành công và những kinh
nghiệm thất bại, y như lẽ thường tình thành bại của con người (không có gì
xấu), trong cách làm, cách hành xử liên quan đến việc trị nước tổng quát cũng
như với từng công việc cụ thể đã được áp dụng trong những tình huống khác nhau.
Kinh nghiệm nào nếu biết áp dụng cũng đều tốt nhưng riêng những kinh nghiệm thất
bại thì thường quý hơn, trước hết giúp tránh được vết xe đổ của những người đi
trước (tiền xa chi giám). Chính vì lẽ đó công việc ghi lại lịch sử càng đòi hỏi
gắt gao tính trung thực, phải nêu đủ cả những chuyện xấu và những việc thất
bại, kể cả “những cuộc bại trận thê thảm cuả quân ta”... Trái lại, khuynh hướng
cường điệu ca tụng khía cạnh những võ công oanh liệt, lặp đi lặp lại quá nhiều,
thường ít có giá trị thực tế mà còn làm cho người ta trở nên kiêu mạn mất ý
thức mất cảnh giác vô cùng tai hại. Chiến tranh là hành động bất đắc dĩ nếu
không muốn nói xuẩn ngốc, bởi nó luôn đem lại sự đau thương chết chóc cho tất
cả các bên tham gia chiến cuộc. Trong mọi cuộc chiến tranh đều có kẻ thắng
người thua, nhưng chiến công của một người hay nhóm lớn người nầy lại là sự đau
khổ và thua thiệt của nhóm người khác chiến bại, nên nếu đứng từ góc độ nhân
bản sẽ chẳng thấy có gì đáng để tự hào. Chiến tranh gây nên cái cảnh “đống
xương Vô Định đã cao bằng đầu”, hay “nhất tướng công thành vạn cốt khô”... của
biết bao thế hệ con người.
Ở Úc và Tân Tây Lan, người dân chọn ngày 25 tháng 4 hàng năm làm ngày Anzac,
một lễ lớn mang tính dân tộc, với lễ hội tưng bừng (còn hơn cả Quốc khánh Úc
26.1, Tân Tây Lan 6.2), không phải để kỷ niệm chiến thắng mà để ghi nhớ chiến bại.
Đó là một ngày vào năm 1915, trong Thế chiến I, liên quân Úc - Tân Tây Lan đã
đổ bộ vào Gallipoli của Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 8.000 lính Úc và 2.700 lính Tân Tây
Lan bị thiệt mạng, và từ đó đến nay nhân dân cả hai nước đều coi như một kinh
nghiệm thất bại, tuy có bi hùng nhưng nếu tránh được càng tốt, vì dù sao cũng
là một chuyện đau thương chung cho cả hai dân tộc.
Ở Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến Nam Bắc năm 1865, các sĩ quan và binh sĩ dưới
quyền của tướng Lee miền Nam thua trận đã không bị giam giữ như tù binh chiến
tranh. Những binh sĩ chết trận của cả hai phe thắng bại đều được chôn xen kẽ
trong cùng một khu mộ, nơi có tấm bia ghi rõ “Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất
cả những người vì nước Mỹ”. Hết chiến tranh thì không còn hận thù, mà bát tay
đoàn kết nhau ngay để cùng nhau xây dựng hướng đến tương lai, đó cũng là một
trong những nguyên nhân chủ yếu giúp cho nước Mỹ mau trở thành một cường quốc
thế giới.
Đọc lại câu chuyện cũ nước Mỹ sau khi tướng Lee thua trận, ai trong chúng ta mà
không cảm động đến rơi nước mắt: “Tướng Lee đứng dậy, lần lượt bắt tay các sĩ
quan trong Bộ Tham mưu của tướng Grant (phe miền Bắc thắng trận), bắt tay tướng
Grant, nghiêng mình chào tất cả mọi người có mặt và bước ra khỏi phòng họp.
Tướng Grant và ban sĩ quan tham mưu đã đứng sẵn ở bao lơn trước căn nhà, nơi
đôi bên nghị hoà. Khi ngựa tướng Lee rảo bước đi qua, cặp mắt của hai vị tướng
quân chạm nhau trong giây phút, họ đồng ngả nón chào nhau. Trên bao lơn xung
quanh tướng Grant và suốt trong sân trước căn nhà lịch sử, sĩ quan và binh sĩ
miền Bắc đều đưa tay chào kính vị tướng bại trận quân đội liên hiệp miền Nam.
“Tin đồn đầu hàng của tướng Lee tràn lan mau chóng như thuốc súng. Khắp nơi
binh sĩ miền Bắc reo mừng…. Thế nhưng tướng Grant nhanh chóng ra lệnh ngưng ngay
tức khắc những biểu lộ nỗi vui mừng của binh sĩ miền Bắc. “Rồi sẽ có ngày mừng
chiến thắng”, tướng Grant giải thích, “Nhưng không phải là ngày hôm nay. Quân
đội miền Nam
đã đầu hàng. Chúng ta không được phép reo mừng trên chiến bại của họ”. Điều
quan trọng với tướng Grant là phải làm sao để thắng trận, đồng thời cũng phải
gìn giữ cho bằng được sự toàn vẹn tình cảm giữa những người cùng trong cộng
đồng dân tộc Hoa Kỳ.
Câu chuyện lịch sử vừa kể lại trên đây đáng là một tấm gương tốt về hòa hợp dân
tộc, xóa bỏ hận thù, và những bài học lịch sử như thế mới thật sự lợi ích trong
ý nghĩa giáo dục chủ nghĩa nhân đạo và tinh thần nhân bản cho các thế hệ mai
sau, thay vì hình ảnh ngược lại là những trại cải tạo tập trung như nhà tù sau
chiến tranh ở một số nước khác, chỉ làm cho “oan oan tương báo”, “oán oán chập
chồng”. Cũng không như trong sách giáo khoa các môn văn - sử của ta, cứ
in mãi tấm hình người lính Mỹ cao lớn bị cô du kích Việt cầm súng áp giải, rồi
lại còn đề thêm câu thơ “O em du kích giương cao súng/ Thằng Mỹ lêu nghêu bước
cúi đầu”. Làm thế thì ai tin được chuyện “xóa bỏ quá khứ hướng về tương lai”
như đường lối ngoại giao Việt Nam
đã từng khẳng định!
Viết sử là loại công việc công phu tốn nhiều thời gian, ngoài tôn trọng sự thật
trên cơ sở bám sát sử liệu còn đòi hỏi phải có sự nghiền ngẫm sâu xa, nêu lên
được những bài học tham khảo cho các thế hệ hiện tại và tương lai, góp phần vun
đắp nhân bản, nên không thể có sự tùy tiện, định kiến, gán ghép bóp méo sự
thật, buồn vui yêu ghét thất thường, nay vầy nay khác, hay dựa dẫm quyền thế,
xu phụ theo miệng nhà quan. Hai vợ chồng nhà sử học lừng danh người Mỹ Will và
Ariel Durant (Will sinh năm 1885) bỏ ra đến 39 năm soạn bộ Câu chuyện của
nền Văn minh (bản tiếng Anh 10 cuốn; bản tiếng Pháp 33 cuốn với trên 14.000
trang), như vậy mà vẫn cứ nơm nớp lo sợ rằng mình chưa đủ tư liệu để tái hiện
diện mục lịch sử một cách trung thực. Khi gần cuối đời, họ đã viết thêm một
quyển nhỏ cuối cùng Bài học của Lịch sử như để thay lời kết luận cho
toàn bộ sách, đúc kết lại rằng thời nào nước nào trước kia cũng có những kẻ
loạn luân, độc ác; đâu đâu cũng có tình trạng độc tài, tham nhũng, lộng quyền,
cùng những thứ khác như bệnh dịch và chiến tranh..., song song với những hành
vi có tính cách xây dựng tích cực của loài người. La Quán Trung mở đầu tiểu
thuyết lịch sử Tam quốc diễn nghĩa của mình bằng câu ngắn gọn “Thiên hạ
hết loạn lại trị, hết trị lại loạn...”, dường như đã thu tóm hết được yếu tính
phổ quát của lịch sử. Tuy nhiên con người vẫn chưa chịu bó tay phó thác cho
định mệnh, nên lịch sử cũng còn ghi lại được biết bao suy ngẫm, nỗ lực, công
trình văn hóa, vật chất của con người để nhằm phát huy những mặt tích cực, hạn
chế mặt tiêu cực. Đã có một số nước, số nơi nêu được những tấm gương thành công
trong việc không ngừng cải tiến những phương pháp và định chế cai trị nhằm tạo
lập sự ổn định khá hơn ít nhất trong phạm vi của nước họ để ổn định xã hội, cải
thiện cuộc sống người dân, hạn chế nạn độc tài, độc quyền, bằng cách áp dụng
khế ước xã hội dưới hình thức chấp hành chung bản hiến pháp cùng những định chế
dân chủ chính trị khác. Đó có lẽ cũng là bài học lịch sử chung lớn mà một số
dân tộc khác còn đang lao đao lận đận trong cảnh nghèo khổ bệnh tật và trong
các chế độ độc tài nên suy ngẫm, tham khảo và phấn đấu.
Hiểu lịch sử, theo nghĩa tích cực nhất là để yêu thương hơn con
người, tạo được mối đồng cảm, trên cơ sở thấy được những mối dị biệt và hoàn
cảnh khác nhau giữa các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, màu
da, trình độ phát triển, từ đó thúc đẩy sự đoàn kết hợp tác để cùng nhau chống
chọi những thiên tai, bệnh tật, rủi ro đang đe dọa con người mỗi lúc một thêm
hung hãn dồn dập trong điều kiện của cuộc khủng hoảng môi sinh toàn cầu hiện
nay. Tấm lòng người viết sử vì thế cũng phải bao la, nhân đạo, mới có thể đảm
đương được sứ mệnh, và mới đủ trùm lên được những gì mà kho lịch sử phong phú
của quá khứ muốn khải thị lại cho con người.
Tuy nhiên, muốn rút tỉa được những kinh nghiệm và bài học lịch sử như trên đã
bàn để áp dụng cho cuộc sống hiện tại và tương lai thì không thể không nói đến
hiệu quả của việc học sử - dạy sử trong các nhà trường từ tiểu học đến đại học.
Đáng tiếc, tình trạng dốt sử của học sinh - sinh viên Việt Nam đã và đang gia tăng ngày một
thêm trầm trọng. Đây là một hiện tượng đã được phát giác và cảnh báo từ khá
lâu, như kết quả một cuộc điều tra của Trường đại học KHXH&NV TP. HCM hồi
năm 1999 cho thấy, với 1.800 người được hỏi, có tới 39% không biết Hùng Vương
là ai; 49% không biết Trần Quốc Toản là ai; và một báo cáo khác cho thấy 44%
trên 468 sinh viên không biết Chu Văn An là ai (xem Phan Thành Nhơn, “Việc phổ
cập kiến thức lịch sử hiện nay”, tạp chí Xưa Nay, 6.1999, tr. 27).
Trước tình trạng có vẻ bi quan như trên, đã có biết bao nhà giáo, nhà sử học và
các bậc thức giả cao minh tâm huyết tham gia bàn luận một cách tương đối rốt
ráo, trên các diễn đàn báo chí, mà nếu tổng hợp lại, người ta sẽ có dư thừa ý
kiến để biết được nguyên nhân và giải pháp khắc phục, không cần chi thêm những
cuộc hội thảo tổ chức rườm rà tốn kém như ngành giáo dục đang muốn dợm làm.
Trong số các nguyên nhân được nêu ra, có nguyên nhân liên quan đến vấn đề đang
xét, đó là quan điểm, phương pháp và thái độ giáo điều trong hoạt động nghiên
cứu sử học từ trước tới nay. Các nhà sử học vì thế càng bị động tâm nhiều hơn
do họ thấy tận mắt hậu quả: điểm thi môn sử thấp không ngờ trong kỳ thi
đại học - cao đẳng 2011 vừa qua, với kết quả hầu hết học sinh đều đạt điểm
không hoặc gần với điểm không, trên cả toàn quốc. Nhưng chính họ cũng thuộc thành
phần thủ phạm, hay ít nhất tòng phạm, của tình trạng bất như ý như thế, qua
những cuốn sách giáo khoa biên soạn độc quyền không đảm bảo kiến thức trung
thực về lịch sử, như mọi người đều biết.
Lý thuyết phân vân, giờ nói ra được một phần sự thật, coi như cũng đợi điều
kiện chín muồi của lịch sử mới “tát nước theo mưa”, đã trễ nhưng chưa quá trễ,
và còn đáng mừng, vì đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan hơn, như lời khẳng
định chân thật của giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, người cũng từng chủ trì các
sách giáo khoa môn sử cho một số cấp lớp phổ thông trước đây: “Từ lâu chúng tôi
đã rất đau đầu để chứng minh một cách khoa học và giản dị với các nhà quản lý
giáo dục là chúng ta đang hiểu sai về môn lịch sử. Đó không phải là một môn
giáo dục, tuyên truyền chính trị thông qua các sự kiện và con số, mà là một môn
khoa học với tất cả sự hấp dẫn và khó khăn của nó. Lịch sử cần được nghiên cứu
và trình bày một cách khách quan, không thiên kiến thì mới tạo ra sự hấp dẫn
được. Tôi dạy sử hơn nửa thế kỷ, tôi biết trẻ em đứa nào cũng yêu thích môn
lịch sử. Chính người lớn làm cho nó hết yêu”.
Nhưng người lớn là ai? Ngoài các nhà quản lý giáo dục phải chịu trách nhiệm
tương đối trực tiếp ra, còn có các nhà sử học đầu đàn như ông không, và ai nữa,
thì ông Đinh Xuân Lâm chỉ dừng lại chỗ đó mà không chịu nói rõ!
TÓM TẮT
Tác giả bài viết
bàn chung vấn đề quan điểm, phương pháp và thái độ nghiên cứu sử học trên cơ sở
cho rằng công việc nghiên cứu lịch sử cũng như viết sử trước tiên đòi hỏi phải
tính độc lập khách quan và tôn trọng sự thật lịch sử. Chính chủ nghĩa giáo điều
trong hoạt động nghiên cứu các khoa học nhân văn nói chung và sử học nói riêng
trong mấy chục năm nay đã từng chi phối dẫn đến những nhận thức cực đoan, sai
lầm trong cách trình bày, đánh giá một số nhân vật và sự kiện lịch sử, cũng như
đã có những sự hiểu sai về mục đích đích thực của bộ môn sử học. Cách làm việc
như thế cũng đã gây nên rất nhiều tai hại, gây trở ngại đáng kể cho nỗ lực hòa
giải hòa hợp dân tộc, và một trong những hậu quả quan trọng khác nữa là tình
trạng dốt sử của hầu hết học sinh Việt Nam hiện nay, từ tiểu học cho đến bậc
đại học.
(Bài đăng trên tạp
chí Nghiên cứu và Phát triển
của Thừa Thiên Huế số mới nhất)