Chương Thâu
Sách được viết năm
1919, phát hành năm 1921 của Trần Trọng Kim, một học giả Việt Nam từ đầu thế kỷ
XX. Cuốn sách ra đời đã giành ngay được thiện cảm của giới nghiên cứu, được bạn
đọc đón nhận nhiệt tình, hầu như không có một phản ứng nào đáng kể (trừ một
trường hợp sẽ nói ở sau). Giá trị đặc biệt ấy của cuốn sách cũng là do tình
hình đặc biệt của ngành Sử học ở nước ta mà có.
Mọi người đều biết
rằng, người Việt Nam chúng ta rất thiết tha với lịch sử đất nước, với những kì
tích của cha ông. Khi sách vở chưa có, thì người dân chúng ta ở khắp nơi vẫn
truyền tụng nhau những câu chuyện trong dã sử. Những gương sáng của tiền nhân.
Ngay cả những câu chuyện cổ tích, những câu ca dao, rồi những chuyện thánh thần
ở đền này, miếu nọ lịch sử thường để lại những dấu hiệu thực hư, người ta dẫu
biết là huyền tích xa xôi, nhưng có kẻ vẫn tin như là chuyện thực lịch sử. Sau
này, do ảnh hưởng của văn hoá giáo dục Trung Quốc chúng ta mới chính thức làm
quen với lịch sử, trước tiên là theo kiểu quan phương. Nhà nước có thành lập
Quốc sử quán, các sử thần được trọng dụng rồi những bộ sử chính thức ra đời.
Đời nhà Trần có Đại Việt sử ký, đời nhà Lê có Toàn thư, đời nhà
Nguyễn có bộ Cương mục. Kèm theo đó, còn có những bộ Chí, bộ Lục
v.v… có thể viết ở nước ngoài (như An Nam chí lược) hoặc có thể cũng
giao cho các sử thần phụ trách (như Đại Nam thực lục). Rồi còn có những
bộ sách của các cá nhân rất bề thế, rất hoành tráng (như Đại Việt thông sử
của Lê Quý Đôn, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú). Việc
ham thích chuyện sử, chuyện chí này, có thể nói là phổ biến toàn dân, tuỳ theo
hoàn cảnh mà có tầm rộng hẹp khác nhau (như loại hương biện, xã chí, huyện chí
v.v…) có thể nói, với người Việt, chuyện ham thích lịch sử là phổ cập và cũng
có truyền thống rõ ràng.
Tuy nhiên, có hai vấn
đề (cả bề mặt và bề sâu) làm cho việc học tập lịch sử nước nhà ít nhiều gặp
phần trở ngại. Ở bề mặt, những sách lịch sử xưa nay (trước phong trào tân học)
đều viết bằng chữ Hán và chỉ được lưu hành trong giới trí thức có điều kiện
giao thiệp xa gần. Mãi cho đến cuối thế kỉ XX, một số sách chữ Hán mới lần lượt
được dịch ra, góp nhiều cho sự nghiệp nghiên cứu. Ở bề sâu, những sách ấy hoàn
toàn được viết theo quan điểm phong kiến, phải tuân thủ cái tôn chỉ thờ vua,
trọng vua. Có những cuốn sử ngay cái tên sách đã nói rõ, sách này là theo
lời vua phán bảo, chúng ta vâng theo mà học (sách Khâm Định Việt sử thông
giám cương mục). Đã là sách “Khâm Định” là phải vâng lời vua rồi v.v… Do
vậy mà suốt mấy trăm năm qua, sử học của nước ta không đi ra ngoài thông lệ đó.
Trần Trọng Kim viết Việt Nam sử lược, ngay từ phút bắt đầu đã có được
cái riêng. Viết sử bằng chữ quốc ngữ: “Lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà(1)”.
Bây giờ nghe nói thế ta thấy là đơn giản, nhưng vào lúc ấy (đầu thế kỉ XX) thì
quả là một kỳ công. Vinh dự của Trần Trọng Kim là ở đó. Viết sử theo quan điểm
mới: không phục vụ vua chúa nào như kiểu sử phong kiến ngày xưa. Vì “Sử là của
chung cả quốc dân, chứ không phải riêng cho một nhà, một họ nào, cho nên mới
phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và không vị tình riêng để phạm đến lẽ
công bằng(2).
Trần Trọng Kim có chủ trương như thế.
***
1. Biên soạn lịch sử
một quốc gia, một dân tộc, điều mà các tác gia (kể cả những đại gia) băn khoăn,
suy ngẫm nhiều hơn cả trước khi bắt tay vào công trình, đó là việc phân định
thời kì lịch sử. Ở phương Đông, sử sách các nước, nhất là Trung Quốc, tất nhiên
phải căn cứ vào các vương triều để định mốc cho các thời kì lịch sử. Ở phương
Tây, vấn đề phức tạp hơn nhiều. Có người đề nghị nên phân theo các thế kỉ rõ
rệt hơn về mặt thời gian. Có người lại đề nghị nên chia theo giai đoạn lịch sử
xã hội. Thời Thượng cổ, thời Trung cổ, thời Cận cổ, thời Hiện đại v.v… Có người
viết sách (không phải là sử toàn diện, “thông sử”) lại chủ trương lấy những sự
kiện trọng đại nhất của các giai đoạn mà chia ra, thí dụ thời kì đại chiến thế
giới lần thứ nhất; sau đại chiến thế giới lần thứ hai v.v… Ngay ở nước ta đã
từng có ý kiến trao đổi và tranh luận có nên lấy năm 1930 làm một cái mốc lịch
sử hay không (ngay cả trong “Văn học sử” cũng băn khoăn điều này). Gần đây lại
có ý kiến sắp xếp các thời gian lịch sử theo trình tự của các Đại hội Đảng v.v…
Có thể nói vấn đề phân kỳ luôn luôn đòi hỏi một sự nghiên cứu thấu đáo.
Ở tập sách Việt Nam
sử lược này, Trần Trọng Kim đã rất khéo léo sắp xếp việc phân kì làm sao
cho tiện với trí nhớ phổ thông mà không gây ảnh hưởng gì đến các vấn đề quan
điểm lập trường của người viết cũng như người đọc. Ông không theo cách sắp xếp
của các sử gia cũ, chia theo kiểu Tiền biên, Chính biên. Ông cũng căn cứ
vào các triều đại, nhưng lại không gây cảm tưởng về sự khẳng định những vương
triều. Ông chia ra thành quyển, Quyển I là Thượng cổ thời đại, Quyển II là Bắc
thuộc thời đại, Quyển III – IV là Tự chủ thời đại, Quyển V là Cận kim thời đại.
Ở từng thời đại như vậy, ông có điểm đến các triều nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê,
nhà Nguyễn và cũng theo các đời vua mà ghi chép, phản ánh tình hình. Có triều
vua viết ngắn chỉ vài dòng, có triều vua được viết dài hơn và cố giữ lấy sự
khách quan trong nhận định. Dù sao thì cách phân chia và biên soạn như vậy cũng
cho người ta thấy rõ ràng hơn các diễn biến của những thời kì khi cần tra cứu
đỡ sự nhầm lẫn, nhất là không bị ảnh hưởng bởi thiện cảm hay ác cảm với triều
đại. Những chuyện gây hấn, xâm lược, thủ đoạn tốt xấu v.v… đều được kể ra
một cách tự nhiên. Các nhà Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều được điểm
đến như nhau theo một giọng văn đều đặn. Riêng có sự kiện quân Pháp xâm lược
thì ông phải lựa lời nói cho khéo, vì sách viết dưới chế độ thực dân. Sách Việt
Nam sử lược được chính thức lưu hành, mà lại có vị trí, có ảnh hưởng nhất
định, đó là do cái tài của người viết.
2. Điều quan trọng nữa
trong việc viết sử là sự phản ánh các diễn biến lịch sử, từ thời đại này sang
thời đại khác. Ta cũng thấy ở đây, Trần Trọng Kim có cách sắp đặt diễn tả khá
tài tình mà gọn nhẹ. Các chương sách về nhà Lý, nhà Trần, nhà Hồ, nhà Lê, kể ra
những thời kỳ nước ta bị đô hộ, Trần Trọng Kim đều điểm qua trên các bình diện
chính trị, xã hội, không hề bỏ sót. Mọi việc võ công, văn trị, sự học hành,
trạm dịch, binh chế, thuế khoá, sưu dịch quan lại v.v… đều được điểm đến rất
gọn gàng mà đầy đủ, làm sáng rõ được tình hình. Văn phong của các nhà sử học rất
điềm tĩnh, nhẹ nhàng, cần cân nhắc, cần gay gắt hay thiết tha hơn đều thấy rất
rõ. So sánh với cách phản ánh của các sử gia chính thống (qua các bộ Toàn
thư, Cương mục) ta thấy Trần Trọng Kim tỏ ra toàn diện mà lại thấu đáo hơn.
Không nên quên rằng những điều ông viết đây là thu lượm ở cả một kho tàng rành
mạch có mà phức tạp cũng có. Vậy mà ông lại đưa tất cả khối lượng sử liệu bề
bộn, rối rắm thành ra những trang diễn dịch có lớp lang có đầu cuối phân minh
như vậy thì thực là tài giỏi. Người đọc bây giờ chắc không có điều kiện đối
chiếu. Vậy xin lưu ý ai có điều kiện và tư liệu thì nên mở những trang viết
trong sách giáo khoa tiểu học ngày xưa: quyển Sử ký giáo khoa thư lớp sơ
đẳng(1). Rất nhiều mẩu trong sách giáo khoa này là nguyên văn rút từ tập sách Việt
Nam sử lược, và đó là những đoạn trích đầy đủ, khái quát lại, hào hứng,
trơn tru khiến cho trẻ em lúc ấy đã có thể thuộc lòng. Phản ánh lịch sử được
như thế quả là xuất sắc.
3. Một vấn đề nữa mà
giới sử học (cũng như bạn đọc nhiều thế hệ) rất quan tâm khi xem một tác phẩm
lịch sử là cần biết sự nhận định của sử gia đối với các nhân vật, các sự kiện
lịch sử như thế nào. Từ bao đời nay, tiếng nói của nhà chép sử (ngày xưa là
tiếng nói của sử thần) được cho là chính xác, là công bằng nhất. Ngòi bút viết sử
được gọi là “Xuân Thu sử bút” là vì vậy. Bút Xuân Thu là công lý, là phán quyết
theo sự thực, theo chính nghĩa, có thể không phải tuân theo sự thực hiện hành
mà chỉ theo sự thật bản chất là đúng với chân lý rồi. Ở Trung Quốc đã có nhiều
sử gia kiên quyết ghi chép (đánh giá) theo sự thật bản chất này mà bị những ông
vua giết hại, song nhà sử học không sợ, vẫn cứ tuân theo chân lý, theo lẽ công
bằng. Trần Trọng Kim có được cái bản lĩnh ấy không? Ta không dám chắc, vì dù
sao ông cũng là nhà chép sử trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ. Nếu ông chép
đúng sự thực là đất nước bị chiếm đoạt, dân bị bóc lột đàn áp… thì chưa nói kết
quả gì sẽ dẫn đến với ông, mà sách rõ ràng là không thể in ra được. Phải thấy
đúng sự thực ấy để có cách nhìn nhận tập sách Việt Nam sử lược này. Việt
Nam sử lược không thể ví được với sách Bản án chế độ thực dân Pháp,
vì bản án này được viết ở Pháp mà lại là một tác phẩm tuyên truyên đấu tranh
cách mạng. Nhà cầm quyền có thể theo dõi, đề phòng hoặc cấm đoán chứ không thể
làm gì tác giả được. Dù sao thì trong Việt Nam sử lược cũng có một
trường hợp chứng tỏ Trần Trọng Kim đã rất can đảm, rất đúng đắn để giữ được sự
công bằng. Đó chính là trường hợp ông viết về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và công
lao, đức độ của vua Quang Trung. Các cuốn sách về sử (cả về sáng tác) liên quan
đến Tây Sơn lúc bấy giờ vẫn phải dè dặt, nhưng Trần Trọng Kim thì đàng hoàng
biện luận. Việt Nam sử lược đã chép về Tây Sơn, biện luận khá dài như
sau:
Những người làm quốc
sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy
triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng tạo ra cơ nghiệp; hai là được kế
truyền phân minh, thần dân đều phục; ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất
Trung Nguyên, thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua,
làm sự thoán đoạt không thành; hai là xưng đế, xưng vương ở chỗ rừng núi, hay
là ở đất biên địa; ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua, thì
cho là ngụy triều.
Vậy nay lấy những lẽ
ấy mà xét xem nên cho nhà Nguyễn Tây Sơn làm chính thống hay ngụy triều, để cho
hợp lẽ công bằng và cho xứng cái danh hiệu những người anh hùng đã qua.
Nguyên nước ta là nước
quân chủ, lấy cái nghĩa vua tôi làm trọng hơn cả, thế mà từ khi nhà Lê trung
hưng lên trở về sau, họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, họ Trịnh xưng chúa miền Bắc;
trên tuy còn tôn vua nhưng mà quyền về cả nhà chúa. Trong nước ta đã có vua lại
có chúa, làm thành ra vua không phải là vua, tôi không phải là tôi, ấy là một
thời loạn. Đến sau ở trong Nam thì có Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, ở
ngoài Bắc thì có kiêu binh làm loạn, giết hại quan đại thần, vua chúa phải nhún
mình mà chiều đãi, đình thần phải khoanh tay mà chịu một bề, ấy lại là một lúc
đại loạn vậy.
Lúc ấy anh em Nguyễn
Nhạc là người dân mặc áo vải, dấy binh ở ấp Tây Sơn, chống nhau với chúa Nguyễn
để lập nghiệp ở đất Quy Nhơn. Tuy rằng đối với họ Nguyễn là cừu địch, nhưng mà
đối với nước Nam, thì chẳng qua cũng là một người anh hùng lập thân trong lúc
biến loạn đó mà thôi.
Còn như Nguyễn Huệ là
vua Thái Tổ nhà Nguyễn Tây Sơn, thì trước giúp anh bốn lần vào Gia Định đều
được toàn thắng, phá hai vạn quân hùm beo của Xiêm La, chỉ còn được mấy trăm
người lủi thủi chạy về nước; sau lại ra Bắc Hà, dứt họ Trịnh; tôn vua Lê, đem
lại mối cương thường cho rõ ràng. Ấy là đã có sức mạnh mà lại biết làm việc
nghĩa vậy.
Nhưng vì vua nhà Lê
nhu nhược, triều thần lúc bấy giờ không ai có tài kinh luân, lại để cho Trịnh
Bồng và Nguyễn Hữu Chỉnh nối nhau mà chuyên quyền, đến nỗi thành ra tán loạn.
Dẫu thế mặc lòng, khi Nguyễn Huệ giết Vũ Văn Nhậm rồi, không nỡ dứt nhà Lê, đặt
Giám Quốc để giữ tông miếu tiền triều; như thế thì cách ở với nhà Lê không lấy
gì làm bạc.
Sau vua Chiêu Thống và
bà Hoàng Thái Hậu đi sang kêu cầu bên Tàu, vua nhà Thanh nhân lấy dịp ấy mượn
tiếng cứu nhà Lê, để lấy nước Nam, bèn sai binh tướng sang giữ thành Thăng
Long. Bấy giờ cứ theo như tờ mật dụ của vua nhà Thanh thì nước Nam ta, bề ngoài
tuy chưa mất hẳn, nhưng kỳ thật đã vào tay người Tàu rồi.
Vậy nước đã mất, thì
phải lấy nước lại, ông Nguyễn Huệ mới lên ngôi Hoàng Đế, truyền hịch đi các
nơi, đường đường chính chính, đem quân ra đánh một trận phá 20 vạn quân Tàu,
tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín mà chạy, làm cho vua tôi nước
Tàu khiếp sợ, tướng sĩ nhà Thanh thất đảm. Tưởng từ xưa đến nay nước ta chưa có
võ công nào lẫm liệt như vậy.
Vả đánh đuổi người Tàu
đi lấy nước lại mà làm vua thì có điều gì mà trái đạo? Há lại chẳng hơn nhà Lý,
nhà Trần nhân lúc ấu quân, nữ chúa, mà làm sự thoán đoạt hay sao? Vậy thì lấy
lẽ gì mà gọi là ngụy? Huống chi sau vua nhà Thanh cũng công nhận cho ông Nguyễn
Huệ làm vua nước Nam, và lại sai sứ sang phong cho ông làm An Nam Quốc vương
theo như lệ các triều trước, như thế thì nhà Nguyễn Tây Sơn mở nước có khác gì
nhà Đinh và nhà Lê không?
Tuy rằng chẳng được
bao lâu nhà Nguyễn Tây Sơn sinh ra nội loạn, vua Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn
lại thu phục được cơ nghiệp cũ mà nhất thống cả Nam Bắc lại làm một, nhưng việc
thành bại hưng vong là mệnh trời, vả lại khi hai người anh hùng đuổi một con
hươu, tất là người nọ gọi người kia là cừu địch. Vậy lấy lẽ tôn bản triều mà
xét thì nhà Nguyễn Tây Sơn là ngụy, mà lấy công lý mà suy thì vua Quang Trung
Nguyễn Huệ là một ông vua cùng đứng ngang vai với vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê
Thái Tổ, mà nhà Nguyễn Tây Sơn cũng là một nhà chính thống như nhà Đinh và nhà
Lê vậy.
Ngoài đoạn văn xuất
sắc ấy, có lẽ Việt Nam sử lược không còn đoạn nào gây ấn tượng bằng. Còn
đối với một số sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử khác, Trần Trọng Kim không có
ý kiến gì độc đáo nữa. Một số nhân vật bị ông nhìn nhận theo đạo lý phong kiến
ngày xưa – (hình như Trần Trọng Kim vẫn nặng tính chất bảo hoàng, trung thành
với triều đại chính thống. Sau này ông cũng vẫn gắn bó với Bảo Đại một cách
thiếu sáng suốt như ta đã biết). Với các nhân vật như Hồ Quý Ly, ông vẫn nhận
định theo quan điểm lập trường của các sử gia phong kiến ngày xưa, cho đó là
những kẻ tham tàn phản bội. Ông không có được cái nhìn của theo quy luật tiến
hoá của chúng ta sau này, nên đã có nhiều lời chê trách nặng nề, cũng có phần
bất công nữa. Đối với một số nhân vật thời cận đại, Trần Trọng Kim cũng đã có
cái nhìn không thoả đáng, có lẽ một phần vì chịu ảnh hưởng của cách đánh giá
đương thời. Phải công nhận rằng đất nước ta dưới thời Tự Đức thật là rối ren
phức tạp mà sự phẩm bình - thường là của đại đa số - lại rất thiếu công bằng.
Thí dụ có các câu thơ gò tên những người cầm quyền để nói lên sự bất bình như:
Nhất giang lưỡng khúc
nan phân thuyết
Tứ nguyệt tam vương
triệu bất tường!(3)
Hay còn có câu:
Nước Nam có bốn người
hùng
Tường gian, Viêm láo,
Khiêm khùng, Thuyết ngu!(4)
Đánh giá như vậy hoàn
toàn là bất công, mà lại còn sai sự thực. Tại các cuộc Hội thảo khoa học ở Huế,
ở Thành phố Hồ Chí Minh vào thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, đã có người phản
bác rất chính xác về các nhận định này. Nhưng phải thấy là vào hồi cuối thế kỷ
XIX đến đầu thế kỷ XX, dư luận chung là như thế. Chắc chắn Trần Trọng Kim đã
chịu ảnh hưởng của dư luận ấy nên đã có phần khe khắt với các nhân vật trên,
nhất là với Tôn Thất Thuyết. Tuy nhiên, ông cũng vớt vát được một điều là rất
trân trọng đối với các người con trai của Tôn Thất Thuyết.
Còn một điều đáng băn
khoăn (và cũng đáng trách cứ) khác là những ý kiến của Trần Trọng Kim đối với
những nhà văn thân yêu nước. Có ở đây một thực tế mà dưới này ta sẽ bàn thêm
nhưng quả thực là đã có chỗ Trần Trọng Kim quy tội cho các nhà sĩ phu “không
chịu mở mắt ra mà nhìn, còn làm việc nông nổi càn rỡ v.v… (5).
Đến đây thì dù muốn viện lẽ hoàn cảnh ngôn luận hay tư thế cá nhân gì gì đi nữa
thì cũng không thể không đồng ý với Viện trưởng Viện sử học Trần Huy Liệu được.
Ta nhớ lại, đồng thời (hoặc trước đó ít năm) ở nước ta cũng có một số người
chép sử nhưng họ đã không có cách sắp đặt hay biện luận như Trần Trọng Kim.
Dương Quảng Hàm viết sách giáo khoa, nhưng viết bằng tiếng Pháp và không đặt
nặng vấn đề lịch sử cận đại. Hoàng Cao Khải cũng viết sử, lại có khá nhiều ý
kiến, nhiều nhận định khác với người viết sử truyền thống nhưng ông rất khôn
ngoan, tuyệt đối không nói gì đến thời kỳ cận hiện đại(6).
Cao Xuân Dục cũng là một vị quan đại thần cũng phải liên hệ chặt chẽ với bọn
thực dân Pháp, nhưng vẫn nhắc đến các nhà yêu nước chống Pháp thời kỳ Cần vương,
thời kỳ Duy Tân, Đông Du một cách đàng hoàng. Ông chỉ kèm cho các vị ấy mấy chữ
“nghi can” để lướt qua tính chất thời sự rất khéo(7),
không phạm gì đến danh dự của ai, càng không có sự phàn nàn nào hay chê trách.
Trần Trọng Kim không làm được như thế. Đó là nhược điểm, là khuyết điểm của
ông. Việt Nam sử lược có những hạn chế nào không? Có và là ở mặt quan điểm
lập trường. Trần Trọng Kim không thể tránh được lời chê trách, phê phán chính
là ở chỗ này.
***
Việt Nam sử lược ra đời đã giành được ngay cảm tình của giới nghiên cứu. Người ta ca ngợi
Trần Trọng Kim là người có học, đọc rộng rãi (Trần Thanh Mại), người có trình
độ bậc thầy (Nguyễn Triệu Luật, Thiếu Sơn) và Việt Nam sử lược đáng coi
là bộ sách giá trị (Vũ Ngọc Phan). Vũ Ngọc Phan còn cho Trần Trọng Kim là “Lời
lời sáng suốt, giọng lại thiết tha, là một nhà văn có nhiệt tâm, có lòng thành
thật” (Nhà văn hiện đại, Tập I, tr. 208). Không thấy có ý kiến gì chê
bai về góc độ sử học. Mãi cho đến 1955, trên tập san Văn Sử Địa, số 6,
mới có bài của Trần Huy Liệu phê phán rất nặng nề. Trần Huy Liệu muốn “bóc
trần quan điểm thực dân và phong kiến của Trần Trọng Kim”. Lúc này (1955),
chúng ta đang phải cố gắng kiên định lập trường giai cấp vô sản, phê phán
phủ định hàng loạt những lý thuyết và di sản quá khứ, nên sự phê phán nặng nề
và thiên lệch là không tránh khỏi. Thật ra, ý kiến của Trần Huy Liệu chỉ đúng ở
trường hợp Trần Trọng Kim không đánh giá đúng các văn thân, không nhìn nhận
đúng được bản sắc dân tộc. Còn ở nhiều trường hợp khác thì cách phê phán là
không chiếu cố đến thực tế khuynh hướng tư tưởng chung trong xã hội bấy giờ -
khi tiếp xúc với văn hoá, với văn minh vật chất phương Tây, chúng ta thường bị
thua kém ở nhiều mặt, nên phải tự nhận mình là hèn kém. Các nhà Nho Duy
Tân cũng cho ta là phận “người ngu nước yếu” (lời Ngô Đức Kế). Những ý kiến
theo lối lập luận như thế trong Việt Nam sử lược không phải là sự hạ
thấp dân tộc.
Hoàn cảnh người viết Việt
Nam sử lược là hoàn cảnh con người đang phải chịu công nhận sự “bảo hộ”, sự
định đoạt của bọn cầm quyền. Phải có cách nói bằng nhận định nào đó để có thể tồn
tại, có thể sống chung. Ngay những người như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu,
Huỳnh Thúc Kháng v.v… khi buộc phải hợp tác, phải công nhận sự bảo hộ của thực
dân, thì cũng phải có cách nói, cách lập luận thích hợp. Ta cũng không nên quên
rằng để kết luận quyển sách lịch sử do mình biên soạn, Trần Trọng Kim đã dành
hẳn một trang viết về “Lòng yêu nước của người Việt Nam”, trong đó mặc dầu có
chỗ tỏ ra ông không hiểu thời cuộc (như gọi các cuộc khởi nghĩa chống Pháp là
phiến động) nhưng ông vẫn biết thú thực là “xin để về sau, nhà làm sử sẽ tìm đủ
tài liệu mà chép cho rõ ràng và phê bình cho chính đáng”./.
(1) Nguyên văn trong Lời
tựa của Việt Nam sử lược.
(2) Nguyên văn trong Lời
tựa của Việt Nam sử lược.
(3) Nghĩa là:
Một con sông có hai
đoạn thật khó nói việc chia phần
Bốn tháng ba vua là
triệu chứng của sự không tốt.
Thuyết là nói, cũng ám chỉ Tôn Thất Thuyết. Bất tường là không tốt, nhưng
cũng ám chỉ Nguyễn Văn Tường. Ở đây nói đến hai vị phụ chính đại thần Thuyết và
Tường tranh chia quyền lợi.
Bốn tháng ba vua: Trong vòng bốn tháng (1884) mà triều đình Huế thay đổi đến ba vua - Dục
Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc.
(4)
“Tứ hùng” (bốn kẻ gian hùng): Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Ông Ích Khiêm,
Tôn Thất Thuyết ngu. Hai câu thơ (dân gian) này không phản ánh đúng về bốn nhân
vật lịch sử nói trên. Giới sử học và nhân dân ta ngày nay đã đánh giá lại.
(5) Nguyên văn trong sách
Việt Nam sử lược.
(6) Xem bài Giới thiệu
Việt sử lược, Nxb Nghệ An, 2007.
(7) Xem lời giới thiệu in
trong sách Quốc triều chính biên toát yếu, tr.1 và tr.2, Nxb. Thuận Hoá,
1998.