28 tháng 12, 2011

VỀ VIỆC CẢI CÁCH PHONG TỤC

Nguyễn Trường Tộ

NƯỚC NHÀ KHÔNG NÊN KHINH SUẤT ĐIỀU NHỎ
Bẩm, tôi nghe: Triều đình làm việc tươm tất đầy đủ. Lại nói “muôn điều mục đều trưng lên”. Nói “mục” tức là chỉ điều nhỏ (như là lưới, “cương” là cái diềng, mục là từng khoảng trong mặt lưới). Quan chánh đời Đường, Ngu nói đến thuật muông chim. Thầy Mạnh Tử nói đến Vương đạo mà trù đến việc nuôi heo, gà; Quản Trọng làm tướng nước Tề, có đặt nữ thương. Bính Cát tướng nhà Hán mà hỏi đến trâu, thỏ; Châu Lễ, vườn nào không trồng cây thì bị phạt; Nhà Tần, ai bỏ tro ngoài đường thì bị tội… Xem đó thì biết rằng làm việc quốc gia không nên khinh suất những việc nhỏ.
Việc Trung Quốc kể trên, còn là sơ lược. Đến như phương Tây thì càng tương tế hơn, như: tập lội có trường, lấy phân có phép, đổ rác có xe, quét đường có phu; phàm việc thường hành trong dân gian, không có việc gì là không đặt chức để coi sóc việc ấy. Thành muôn việc đều theo thứ lớp tiến hành. Vì công việc dầu nhỏ mà khắp nơi đều có, chứa lại thành việc lớn.
 VIỆC NHỎ MÀ CẦN THIẾT VỚI NHÂN SINH
Tạo hóa sinh vật từ cái lớn không có bờ bến, cho đến cái nhỏ không nhìn thấy được trời vẫn sinh thành và chiếu cố đến cả. Tức như các đảo san hô ngoài biển, hợp lại rộng đến đôi ba ngàn dặm, có người và vật sống trên đảo ấy, mà nguyên chất đảo ấy là do xác trùng san hô tý tý chất chứa keo dính lại mà thành. Trên mặt đất về tính phì nhiêu ở trên, đều do cứt trùn cùng lá mục… chứa chất lâu đời, động trong núi, do xác cá, xác trùng nhưng kết lại mà thành (nhà địa học đã xét nghiệm, đó là việc thiệt, không phải nói lý), thành món đại hữu dụng cho đời (như xác nghêu, hến, chế ra vôi cùng các vị thuốc kim thạch v.v…) đều từ những cái nhỏ đó cả, mà lại có cơ màu nhiệm sinh hóa mãi mãi không đời nào dứt. Tuy là vật nhỏ mà loài giống không tiêu diệt thành vật đại quan trên đời. Đấy là toàn đức của trời của tạo vật…
Trong vật trời sinh, loài người khác hơn muôn vật, vì biết học theo đạo trời. Nếu chỉ có tánh tri giác vận động mà không có năng lực kinh dinh bố trí, thì sao gọi được là thiêng hơn loài vật? Bởi vậy đã có loài người, đầu tóc không thể để bùm xùm như đống cỏ, thì bịt khăn đội mũ: thân thể không lẽ để trần truồng, thì bận áo quần. Không thể sống trần trụi giữa đất trống không, thì làm ra nhà cửa; không thể ngồi nằm dưới đất được, thì sắm ra giường ghế; chân không đi trần được, thì sắm ra giày dép… Phàm những vật dụng người đời sắp đặt ra để hưởng dụng, khác với loài vật là tại chỗ ấy.
Nay nhân dân nước ta tuy đã biết dùng những cơ xảo để giúp sức người. Cơ xảo xứ ta còn nhiều khuyết điểm cái đó chưa nói, chỉ nói những điều nhỏ và dễ làm mà khuyết điểm còn chan chan. Xin lược kể như dưới:
 NHỮNG KHUYẾT ĐIỂM VỀ VIỆC NHỎ (QUANH ĐÔ THÀNH HUẾ) CÓ THỂ CẢI CÁCH ĐƯỢC.
Kinh thành là một nơi tụ hội cả thanh danh văn vật và oai nghi lễ phép từ đó mà ra. vậy mà trừ các nơi cung phủ ra, có lắm điều thô lỗ quê mùa không sao nói xiết. Thánh như Khổng Tử, từ cư xử, ăn uống, cử động, tới lui, việc nhỏ mọn ấy, học trò đều ghi chép để làm gương cho đời sau. Vì xem người, xem điều nhỏ mà có thể biết được điều lớn.
Nói riêng về một sự ở. Nhà cách trí có nói: Người đời sinh bệnh nhưng bệnh đó từ lỗ mũi mà vào; những nơi uế độc, nhân khí nặng nề mà chưng lên, lẫn trong không khí, theo gió bay ra khắp nơi, nếu người nào hớp vào phổi thì khí độc ấy theo mạch máu mà đạt vào phủ tạng và chi thể mà sinh ra bệnh tật, đến huyết trong thân người hư hỏng mà chết. Đó là lý rất đích xác. Xem mùa nắng nhiều người cảm bệnh mà nhiễm bệnh ôn dịch thì rõ.
Nay trong Kinh thành, con đường lục bộ cho đến đường các nhà thự chợ quán tường hào, vườn hoa và các bến sông chỗ nào cũng có uế khí, thậm chí có kẻ trước mặt công chúng mà đi tiểu đại không biết xấu hổ; các cầu dọc theo sông, không luận ngày đêm đàn ông, đàn bà cứ ra nơi ấy mà phóng uế, quen lấy làm thường. Người lo sửa mình đối với bóng đèn nệm gối, còn lấy làm hổ thẹn, xây lưng với người gọi là vô lễ, trần mình đối khách gọi là khinh mạn. Huống Kinh đô là nơi tôn nghiêm, trên các đường quan quân qua lại, sĩ thứ tới lui mà còn để có những chuyện “bất nhã” như trên sao? Ở phương Tây phàm những người nào bỏ rác làm nhơ đường đều bị phạt cả vì việc ấy bất nhã mà có mối hại chung. Ta cũng là người như họ, lại không biết xấu hổ sao?
Đến như gạch vỡ ngói hư, cây nhành khô lá rụng đổ rác và tro than các nhà loại ra người nước khác thu nhặt làm đồ vật hữu dụng, tăng tấn nguồn giàu nước… mà người mình thì vứt ra cùng đường, ném xuống ao vũng, hoặc đổ ra ngoài hào quanh thành, chất đầy cả bến sông, có nơi đến chất đống, người ta nhân đó có thể vượt hào sang bến được. Tôi từng thấy nhà người ta cứ mang đồ ra tới nơi lan can các hào cửa thành mà đổ xuống thường lắm.
Người Tây phàm đường sông quanh thành và thông vào thành, nếu như có người nào bỏ vật gì xuống thì bắt phạt là phòng lâu ngày đường sông ấy bị chất chứa mà thành cạn. Nay hào sông quanh thành ta nước cạn không lút đầu gối, hai cảng Đông Ba, Bạch Hổ cát bồi gần lấp bờ. Lúc đầu tiên đào những hào và sông ấy là đặt nơi hiểm yếu, mà nay gần như đất bằng là vì sao? Hiện dọc hai bờ hào quanh thành bờ đã có những nơi gần đổ sụp những vôi cát đã hủng hỉu, thấy người ta thường vịn theo nơi hang bờ đá, ở dưới hào mà leo lên bờ, dưới hào lại cỏ tốt, sen lên dễ ẩn núp được… Những điều đó đều phạm đến kiêng kỵ của nhà binh.
 QUAN THỰ
Dinh thự các quan, tường vách xiêu đổ; đến các quan giải, trống dưới dột trên, ngoài đường thì bùn lầy, vườn tược thì rác bẩn; trước sân quan nha thì cỏ mọc; trước cửa dinh quan nơi tụ ngõ mà đổ rác thành đống; ngoài hào thì nơi lồi nơi hủng, các nhà trong thành, hai bên đường gần nhà cứ quét dọn ra giữa đường như chia giới hạn vậy. Những đường bên vách tường đó, mùi hơi hôi thối, người đi qua phải che mũi đi mau… Cửa thành gọi là “quốc môn” lại gọi là “tượng khuyết” đời xưa phàm có truyền hiệu thì lệnh đều treo yết nơi cửa đô thành, người đi qua phải nghiêng lọng, xuống ngựa để tỏ lòng tôn kính, mà nay lại công nhiên làm nhơ  bẩn, như thế thì lòng tu ố ở đâu. Không phải là tiết mạn hay sao? Sao gọi là người nước biết giữ lễ nghĩa?
 NHƠ BẨN CÓ HẠI ĐƯỜNG VỆ SINH
Những mối tệ như trên không sao kể xiết. Phàm những khí uế độc đều ở xứ này mà theo luồng gió lại bay sang xứ khác; huống chi là ở trong một đô thành. Tuy có một vài quan thự dọn dẹp sắp đặt cũng sạch sẽ chỉnh đốn; song nước gáo không thể cứu được lửa xe, cả đời đều đục mà trong riêng một mình thành ra  nhiều người sinh bệnh, quân lính hay sinh lở chân… đã hại thân thể người và kém phần nhân đạo, như thế không cho là việc nhỏ được.
 VIỆC ĂN Ở
Các dinh quan như sáu bộ đường, bốn phía thềm ủm thủm, chỗ lủng, chỗ sứt, trông nó so le, xiêu quẹo như hình rắn đi. Trong nhà mò tối cửa vách đen ngòm, khói bay mờ mắt, giường chõng mục rệu, cánh cửa lung gãy, có lẽ giống nhà ông Nguyễn Hiến thời xưa (1). Đến đồ dùng trong nhà đều khí cụ thô vụng cũ rích đời nào, tưởng đâu các quan ta có tính ham đồ xưa. Ván kê sát đất không thông khí gió, trải qua ba mươi, bốn mươi năm loài rệp mối tụ họp thành ổ cắn người thành ghẻ, thán khí chất chứa không tan, cảm xúc là sinh bệnh. Thường nhà người trong buồng sâu phòng kín, không khí không thông, hễ một lần quét là thán khí bung ra, người vào đấy phải nhức đầu nghẹt mũi. Đó là thực chứng; huống rắn rết chuột muỗi dùng những nơi dưới hầm thắp buồng kín làm hang làm ổ truyền đời này sang đời kia, những đồ nhơ bẩn chung quanh đều dồn chứa vào đấy, cái khí độc thật không nói hết!
Tôi thường thấy quan viên ở dãy hai bên, và gia thuộc sai lính đi tìm thầy thuốc mà những quan và gia thuộc đó trông hình vóc ốm yếu như người ở trong rừng sâu, trọn ngày làm việc khó nhọc khí uất trí ngăn, thì làm sao cho mình được thanh sảng, chí khí được khoẻ khoắn mà làm việc cho tinh tường được?
Thầy Mạnh Tử nói: “Sự ở thay đổi được chí khí, sự nuôi thay đổi được thân thể”. Thật thế, người không có ăn mặc thì đạo vua tôi cũng dứt. Đó là điều đích xác và nhân đạo. Tôi thấy phần nhiều quan viên ăn uống sơ sài không bằng nhà trung sản trong dân gian. Họ thì trả lời rằng không phải không biết đồ tư dưỡng nên phong hậu, chỉ khổ không có tiền chu cấp nên phải thế… Chính dưới nhà bếp không mấy khi có thịt thừa, cơm thừa. Đó là mắt tôi từng thấy mà không khi nào quên. Như thế là cố làm cái giả dối để câu cái dạng sao?
Năm trước sứ bộ ta sang Tây, người Tây thấy sự ăn uống của sứ bộ quá đơn giản, họ nói: “ăn uống như thế mà có sức để bổ vào phần trí dũng thật không sao hiểu được”. Đến trước mặt người nước ngoài mà không dám dọn bữa ăn cho sang không rõ là ý gì? Tôi rất lấy làm đau lòng, nên không thể không nói, sợ làm trò cười cho người ngoài không phải là việc không quan hệ.
Bộ đường là nơi nguồn gốc chính trị, nền tảng cường thịnh trong nước, quan hệ đến phong hóa và quốc thể, nhân dân chiêm ngưỡng, người nước ngoài trông vào sự ăn như đã thuật trên không những không biểu thị khí tượng hùng tráng của nước nhà, mà ở trong không khí ẩm thấp thì người càng mê mỏi, tâm trí còn có lúc nào khoẻ khoắn mà làm việc gắng sức chịu nhọc với phận sự? Tôi ở nơi chái tây quan Hiệp biện đại thần mà sinh bệnh lười biếng mệt nhọc, không có việc gì mà còn thế, huống chi các đại nhân công việc nhiều thì sao?
Hiện nay có lệnh cấm “người nước ngoài không được vào trong thành” vẫn là theo thời thế. Song ngày sau cùng các nước giao thông mà bỏ lệ cấm trên, người nước ngoài vào thành bước chân vào các bộ đường mà so sánh với cách cư xử của họ thật không khác gì một trời một vực, nhục đến quốc thể biết bao! Mà đã nhục đến quốc thể tức là bày chỗ hèn yếu cho thế giới cùng nhìn thấy, không xem như là việc nhỏ được.
 KHOẢN TIÊU DÙNG CỦA QUAN VIÊN
Về các khoản ăn dùng chi tiêu của các quan viên không bằng sự tiêu dùng của một nhà khá giả trong dân gian. Tôi hỏi vì sao, thì họ trả lời: “ăn tiêu như thế mà người ta gọi là quá xa xỉ rồi đó”. Có viên hàm Hàn lâm trước tác, ra chợ mua một xâu cá một xấp thuốc, mang về tự nấu lấy, hỏi thì họ nói: “Không có tiền thuê đứa nấu bếp” (!).
Chức phận dầu nhỏ cũng là quan của Triều đình, mà khổ nhục đến thế, thì dân bảo thế nào? (Đoạn này kể nhiều đến điều mắt thấy vào thời ấy, như nhà quan chức lớn mà ăn uống thô hèn, công tử mà bận áo rách v.v… xin lược).
Thường thấy nhiều vị quan viên tiêu dùng một quan tiền như nhà buôn giàu xài một trăm quan…
Những cách hiểu đó, chính là con ma nghèo đeo đuổi trìu mến mà không rời vậy. Sao không làm văn mà trục nó đi? (Quan há bấy giờ không tiền mà lương ít thì lấy đâu mà xài? Tiên sinh chỉ nói đến hiện tượng mà không xét đến nguyên nhân, nên lúc ấy dư luận không phục).
Ở phương Tây một vị quan nhà nước, nếu làm không đúng cái thể quan, mà có đê hèn đôi chút đã bị cách chức vì đã làm vết xấu trên danh dự quan trọng. Cho đến hạng dân nghèo không được đi đến nơi đô hội phồn hoa đều là để tôn trọng quốc thể vậy.
Còn như quan ta, nếu bảo rằng che giấu sự giàu mà biểu thị cái nghèo ra, thì cũng vô lý hết sức. Vì ăn dùng như vậy có người làm quan trọn đời mà cũng như vậy. Lại có ông quan thăng trật cải lỵ mà dân dám dọn đường đòi nợ như đám dân nguyện lưu. Vậy để tiền làm gì? Giả dối đến thế là cùng. Phải chăng để dành tiền đặng dùng vào lúc mình chết? Tôi chính mắt thấy có ông quan già về hưu mà còn sống nhờ vay nợ, phải chăng để dành tiền bạc di chúc cho con cháu trả nợ cho mình được sạch tiếng chăng?
 SAO GỌI LÀ LIÊM?
Gọi rằng “liêm” vẫn tiếng tốt, song tại lương tâm mình chứ không phải dùng vật. Nay có người giữ theo tính riêng của mình khác với mọi người, như người xưa có anh say mê người con gái một mắt, xem người đời đều thừa một con mắt, mà cho là người đời không có người hoàn toàn; hay thấy người nào dùng một vật gì tốt mà xúm tay chỉ trỏ, làm cho người kia mang tiếng này nọ. Lấy cái tính quyến giới trái thường của mình mà đạc chừng sự tham mạo của kẻ khác xem người đời như ruồi hút máu, mà đem cái nết con trùn để buộc vào tính người (loài giun ăn đất) để so sánh chỗ mình khác người, đó há phải người bình tình nên làm sao?
Tôi thấy quan viên phương Tây gặp có vị quan nào cùng túng thì bạn đồng nghiệp, đồng liêu quyên giúp đặng mua đồ khí dụng tinh hoa, trần thiết cho có vẻ đẹp. Nhà nước đối với quan viên ngoài bổng lộc, lại có tiền phụ cấp, cho xứng với chức quan và thể diện quan. Vì một người có điều xấu hổ như lá đổ xuống nước nương rãnh và dạy quan học thói tham vậy.
Nhà nước vẫn cầu cho quan được giàu sang và ghét quan tham ô. Làm quan tham ô nhục đến thể diện, ăn của đút lót, hình luật có phạt. Song có bổng dưỡng liêm mà sau tránh phạt kẻ không liêm, mới mong tránh khỏi mối tệ nói trên. Nếu ngăn phòng sự tham ô mà lại ghét tanh kẻ giàu sang, nào có khác gì nhân nghẹn mà bỏ ăn?
Vậy, trừ việc “hiếp người trái phép mà lấy của” đáng bắt tội ra, ngoài ra, theo việc thông thường mà làm nên giàu không hại cho ai mà dân được nhờ, cũng lại là đáng khoan, lại giúp thêm việc thịnh lợi cho nước. Tức như thầy Mạnh Tử đã nói: “Trị người thì được người nuôi”.
Vả chăng tài hóa cần phải lưu thông, có tụ lại thì có tan ra, là lẽ tự nhiên, không lấy gì làm phương hại, Tiên Triết có nói: “Quan tham mà có phần trung hậu, hại dân chưa lắm. Quan liêm mà quá ư thâm khắc, dân chịu cái hại ngấm ngầm không ít, mà hao tốn đến quốc mạch”. Vì đã cần cho được tiếng “liêm” thì việc gì cũng thẳng tay, không chịu xét theo nhân tình. Đạo trời cũng thế, nên chỉ thi hành cái lệnh “túc sái” mùa thu, tội gì cũng tuyệt trừ đi, thì người và vật có lẽ đến ngày nay không còn.
Đời Đường, ông Hàn Dũ làm việc tể tướng, thấy có ai bới lông tìm vết, chỉ vạch điều lỗi của kẻ khác, ông bảo: “Trên đời, vua thánh như trời mùa xuân, sanh trưởng muôn vật; thứ tốt loài xấu đều bao dung cả. Sao lại tìm móc điều lỗi nhỏ của kẻ khác để giam cầm người ta giữa đời thịnh trị?”
Trương Tuấn, tôi đời Tống, một ngày nọ bắt được một đảng nguỵ chở ba mươi vạn quan tiền, muốn kết án tử hình. Triệu Khai xin lấy cái ấn “Tuyên vũ sứ” đóng lên trên số tiền ấy, kêu tội “kềnh” (chạm chữ vào trán) bắt bọn chúng làm công việc đúc tiền… chỉ xoay một cái đã được ba chục vạn tiền, lại thoát tội tử hình cho năm mươi người, đời sau khen Triệu Khai là tay “đại thủ đoạn kinh tế”.
Tào Tham, danh tướng đời Hán, uỷ thác cho người thay chức mình nói không nên làm rối chợ ngục. Quản Trọng, danh tướng nước Tề nói Bảo Thúc Nha không thể làm chính trị vì thấy người nào có lỗi thì trọn đời không quên (Không có độ lượng làm tướng quốc v.v…).
Trên, nói “liêm cũng có hại” là vì thế. Bằng như nói kẻ giàu sang lại tham ô, thì sao không trị tội một cách minh bạch công nhiên, mà chỉ lấy lời nói làm phòng hại người cùng cách bóc buộc ăn ở để phòng hại đến quốc thể?
(Bài này cốt châm mối tệ đời Tự Đức, nên cực lực bác cái đức “liêm” giả dối đó. Đời nay thì dầu người liêm giả dối cũng đỡ cho dân).
 KHÔNG DÙNG ĐỒ TỐT ĐẸP KHÔNG PHẢI LÀ LIÊM
Âu Tây thì khác thế: Không luận là quan hay dân, đều cần cho được giàu thịnh, vì quan dân trong nước mà có được nhiều cái tốt đẹp, đều có quan hệ với quốc gia Triều đình. Nghiệm ở Triều và ở thôn quê mà biết nhà vua tôn quý là thế nào. Vào một nhà nào mà thấy bọn đầy tớ ăn mặc chỉnh tề, thì biết chủ nhà là giàu sang; làm con cái mà lập được cơ nghiệp tốt đẹp, đó là lẽ đương nhiên. Nay ở nước ta lại cố ý làm cho thô vụng xấu xa và có tục ngăn cấm sự ham đồ tốt đẹp, như có nhà nào dùng một vài đồ ngoại quốc thì nghi là tư giao, ngấm ngầm kiếm cách để làm hại, cho đến người đời lấy sự “tốt đẹp” là kỵ huý. Từ quan đến dân, đua nhau làm những nghề tinh xảo ngày một tiêu mòn, dùng những đồ vụng rồi thể thống càng hèn, người giàu cũng như người nghèo, kẻ sang cũng như kẻ hèn, có cái thế đáng ham muốn mà không có sự đáng kính, không có cái vinh hoa phô với người. Văn vật ngày càng suy, áo xiêm càng xấu, không có vẻ tốt đẹp. Như nói lấy lễ mà tiết chế kẻo sợ người tập thói xa xỉ thì trên thế giới các nước đều lấy sự giàu mạnh mà khoe với nhau là ngu dại cả hay sao?
Trời sinh ra những vật tốt đẹp cho người sử dụng, mà nay lại ném bỏ đi, ấy là bạo khí của trời. Như thế thì việc thông thương mại, khuyên trăm thợ, không cần nói đến, giàu nước đủ dân cũng là sự đáng chê, lợi dụng hậu sinh, không có nghĩa gì, mà đặt ra trường học và xưởng công nghệ, cũng là việc không cần tả. Đồ khí dụng tốt đẹp, tạo ra mà không được dùng, lại kiêng sự dùng, khinh rẻ kẻ dùng, ai dùng lại bị chê cười nữa, thì dùng đồ tốt đẹp đó trở thành làm như kẻ hiền đạt, nhục đến thân danh, rước lấy điều ghen ghét lại bị dòm xét này nọ, thì có khác gì làm cái hầm trong nước cho người nước xỉa chân vào hay sao?
Thánh nhân đời xưa không quý chuộng vật lạ là những thứ vô ích vô dụng mà khêu lòng dâm đãng kia. Nay như cái đồng hồ, cây đèn cùng cả đồ tinh xảo thường dùng trong nhà, cần thiết với nhân sinh thì dùng lại càng tốt. Vậy mà tôi đã hỏi nhiều vị quan sao không mua đồ ấy mà dùng cho tiện lợi, thì thảy cả đều trả lời: “chết! chết!”. Không rõ có cái gì cảm hóa mà ngấm ngầm khiến cho người ta làm theo, như là luật hình nghiêm khắc đối với giặc bí mật.
Theo thông tánh loài người, ai cũng có tính ưa thích cái đẹp; nếu trái với cái tính ấy thì trăm việc không việc gì nên, mà trái với tính trời đã phú cho người. Duy dùng có tiết độ, vừa phải, ấy tức là lễ, chớ đâu phải buộc cả mỗi người đều trốn đời tu hành mới gọi là “liêm” hay sao? Liêm như ông Trần Trọng Tử ở Ô Lăng (không ăn của anh, ở riêng một mình) mà thấy Mạnh Tử mạt sát, Tề Oai Hậu cho là đem dân vào đường vô dụng mà đòi giết đi.
 TRỊ ĐỜI PHẢI XÉT TÍNH NGƯỜI
Thánh nhân trị thiên hạ, phàm việc gì bất cận nhân tình như kẻ trốn đời, tuy có kính trọng, mà không thể đem khuôn kiểu ấy ra dạy người đời. Sáng mắt như Lý Lâu, thấy cây kim trong buồng tối, nhưng cũng phải dùng thước, cân, lượng mà chuẩn, vì không lấy cái “sáng” đó mà buộc cho người thường được.
Vua Hoàn Công nước Tề háo sắc, mà Quản Trọng cho là không hại gì nghiệp bá. Vua Tuyên Vương nước Tề háo hóa mà thầy Mạnh cho là nên suy ra thành vương chánh… Từ xưa những vị vua anh hùng khai cơ dựng nghiệp, đều lấy sự “bảo trợ giàu sang, chung cùng lợi lộc” thề với những truy tuỳ với mình. Nếu mỗi người đều thành như Bá Di, tín như Hiếu Kỷ thì cùng ai mà tóm thâu thiên hạ làm nên nghiệp vương được? Và như các vị công thần, bỏ nhà cửa, lìa bà con, trông ngày sau được phong tước hưởng lộc đó, đều cho là hạng người bất trung và tham tâm cả sao? Như chỉ hứa bằng miệng suông mà không có thực lợi giàu sang đi theo sau thì mục “cửu kinh” trong sách Trung dung, có hai chữ “trọng lộc” cũng nên cạo bỏ đi cả.
Phải biết hai chữ “danh lợi” cùng đi đôi với nhau. Nay đã gánh phần lo cho thiên hạ mà không được hưởng niềm vui trong thiên hạ, thì ai còn khổ gì mà phải làm quan? Xưa vợ Trần Trọng Tử can chồng nếu chịu lãnh tước lộc thì phải gánh việc nước, e có điều nguy đến tánh mạng…, người đời cho là hiền, vì trọng tính mạng mà xem nhẹ tước lộc. Nay đã bắt lo toan việc nước là việc nặng mà lại không được hưởng cái nhẹ kia, thì làm sao mà bảo trọng được?
Đời xưa vua đãi với tôi, như vua Nghiêu sắm đủ kho đụn để phụng vua Thuấn, vua Chiêu Công định phong Thơ xã cho Khổng Tử, có phải là đem cái mồi giàu sang mà dụ người đâu?… (lược) Đã là quốc gia phàm việc gì cũng gốc theo nhân tình và không tính trời phú cho người, dầu thánh hiền cũng không khỏi. Nay lại mất cả người trong thiên hạ mà làm cùng khốn quê hèn, không phải là trái với tính người sao? Như vậy thì trông mong cho nhà nước giàu mạnh thịnh lợi để dùng làm việc gì mà lo toan cho mệt nhọc?
 VẬT CHẤT CÓ QUAN HỆ VỚI TINH THẦN
Người xưa đến một nước nào, vào trong nước mà trông thấy đô thành tráng lệ, lâu đài phố xá chỉnh tề sạch sẽ, đô thị có ngăn nắp, nhà cửa có hàng ngũ, đồ mặc đồ dùng có vẻ chỉnh sức, không khí trong sạch… thì biết là nước ấy có cái cảnh tượng hùng thịnh tấn tới, trái lại nếu trông thấy nhân vật quê mùa hèn hạ, phong cảnh u sầu, ăn ở tệ lậu, trông phong sắc có dạng buồn rầu cực khổ thì tương lai của cái vận nước ấy không đợi nói mà ai cũng hiểu được; điều quan hệ đó, đâu phải là việc quan hệ nhỏ (thuyết này rất đúng, không rõ triều Tự Đức có quan cảm thế nào?).
Nói riêng ở chỗ Kinh thành đây, cái ao trong ngoài thành để cỏ mọc um tùm, chung quanh thì làm nơi chứa những rác rến dơ bẩn chất thành từng đống, có nhiều hơi độc. Nhà cách trí có nói: Phàm những nơi ẩm thấp đồ dơ bẩn của người và vật, chấm ngấm trong bùn đất, đến mùa nắng khí độc xông lên, ngừơi ta gặp phải sinh tật bệnh cảm nhiễm đến chết. Xem hôm nào trời động trên mặt nước có cái sắc khác với ngày thường, đó là chứng thực rõ ràng. Bằng như nói sợ động đất không nên đụng chạm đến các ao đó, thì trước kia đào những ao đó làm gì? Mà đã vô dụng thì lắp bằng đi, sao lại để cao không cao, thấp không thấp, ao không phải ao, ruộng không thành ruộng, làm những khoảng đất trống vô dụng làm mối hại lâu dài ngấm ngầm cho người đời? Nay như nhận những cái cũ sẵn có đó mà chỉnh đốn cho thành mới, nuôi cá phải phép thì mỗi ao trong một năm có thể lợi được hai ba ngàn quan tiền, lại được những điều ích hơn là phong cảnh vui đẹp, có lợi dùng nước để tưới vào hoa quả và tuyệt khí độc sinh bệnh hoạn. Như thế vì cớ gì mà không làm được?
Tôi lại thấy các nước trên thế giới, phàm những dấu tích của các vị đế vương đời trước còn lưu lại, bất kỳ thứ gì có mồ hôi tay và miệng của tiên triều, không luận cái lớn hay nhỏ, đều bảo tồn một cách rất cẩn thận, cho đến lâu đài quan phủ cũ đều chăm sóc chỉnh đốn cho mới thêm, khiến cho người sau trông thấy huân nghiệp hùng vĩ, biết là cội gốc sâu xa mà sinh lòng yêu mến sùng bái cũng lâu dài. Điều quan hệ không phải nhỏ, chỉ xét về mặt trái thì biết. Song đó là điều kỵ huý không dám nói rõ.
 ĐI XE VÀ ĐI GIẦY
Xa chính (trong nước dùng xe để đi và vận tải) có lẽ nước ta bỏ đã lâu mà không tu chỉnh lại. Trên thế giới từ nước hạng nhất đến nước hạng ba không nước nào không lấy xa chính làm việc trọng đại, vì giúp cho sức người rất nhiều công việc. Xưa nay trên sử sách nói về xa chính đều có minh chứng không đợi nói nhiều.
Trời sinh vật để giúp cho người dùng và thay sự khó nhọc cho người nữa, dùng trâu ngựa kéo xe chở đồ nặng, trên đời thường dùng ít mà thu công nhiều. Nếu dùng sức một, hai người mà mang gánh không phải phụ cái ý “trời sinh vật cho người dùng” hay sao? Đến xe cộ dùng vào việc binh, công dụng rất lớn, không nói hết được. Đã có xa chánh (có xe phải nuôi ngựa), mà nghề mục súc cần phải mở mang, không phải là việc lớn trong quốc chính sao?
Tôi thấy những người phu kéo xe và đẩy xe chở vật hạng trên đường cái quan, nếu có người nào quá nhọc mệt mà ngồi lên trên xe thì kẻ hạch hỏi và bắt phạt tội, không rõ có điều nghiêm cấm ấy không mà họ làm như thế? Nếu như nhận thứ xe làm đồ phẩm dụng quan dụng thì phân biệt bằng quy chế để chỉ rõ từng đẳng cấp (xe quan dùng, xe dân dùng, có dấu hiệu v.v…) không tiện sao? Sao lại không chỉ rõ đẳng cấp, mà cứ để mù mờ để hẳn một việc dùng lớn trong nước? (trong dân không có xe). Có tiện lợi cho việc dùng mà sau dân được phong hậu, tức là ích cho nước. Các nước thế giới đều nhận việc xe cộ vận tải làm mối lợi giàu mạnh trong nước, quan hệ cả công tư, không phải là việc nhỏ. Việc dùng thế nào không đợi nói nhiều.
Thứ giày là việc hèn không đáng nói. Người sở dĩ khác với loài vật là biết ăn thịt nó, dùng da nó để giữ thân mình cho tròn vẹn, cha mẹ sinh thế nào thì bảo tồn thế ấy, không làm hại đến có vết tích, ấy gọi là hiếu. Nay người mình đem cái chân cha mẹ sinh thành mà không từ gai góc, không tránh sạn sỏi, nhơ bẩn và trúng độc, cứ đạp bừa mà đi. Vì thế người mình thường sinh bệnh lở chân, lở cẳng (ghẻ chùm bao và dạn v.v…) nhiều hơn nước ngoài.
Trời sinh loài thú ban cho nào nanh, nào móng, lại có da dày rất bền, gai không đâm thủng được. Nên loài vật không cần đi giày cũng có đồ tự vệ. Đến loài người da chân rất mỏng, có cái gì chạm là lủng, đã không có da dày như loài thú để giữ cái chân, lại không dám mang giày, người không giống người, vật không giống vật, không phải một điều khổ sao?
Các nước thế giới không nước nào dùng thứ giày làm vật phẩm quan dụng (quan dân có tiền thì sắm mà mang), vì nó là vật hèn. Như nước ta nhận lầm là vật phẩm dụng (dùng để phân biệt với người có quan phẩm) thì trên đôi giầy mang một dấu hoa hay vẽ gì đó để phân biệt quan dân cũng được, cần chi phải cấm thứ “giày” hèn đó, khiến cho dân gian không ai dám đi giầy để cho người ngoài cười mình là dân dã man? Chưa nói người mình cần giầy thì thêm được một nghề cho người có việc làm, đó là điều ích. Chứ như không mang giầy mà chân bị thương thì toàn thân đều không dung. Người xưa lúc ra trận bị đâm nhằm vật nhọn, bị té ngã mà toàn quân bị thua, chứng rằng “giày”, vật tuy hèn mà công dùng rất lớn vậy.
(Dân gian đi giày không có minh văn lệnh cấm đời nào. Song xem đời Nguyễn Trường Tộ tiên sinh thì đời Tự Đức có lẽ theo tục lệ, quan thấy dân đi giày thì quở phạt. Hiện nay một vài nơi phủ huyện học trò và dân đi giày, guốc có nơi bị quở trách, thì tục lễ vẫn chưa dứt hẳn. Một điều lạ là phương Đông như nước tàu mà mắng người thường dùng tiếng “lão không giầy” (Vô lũ chi lão). Còn người Nhật toàn đi guốc cả nên có tiếng là nước guốc gỗ. Duy có nước ta dân gian không đi giầy, đến ngày nay dân quê còn thế, đó là cái chứng nghèo chăng?)
Trời sinh loài người khiến biết bao các vật dụng để phân biệt với loài vật, để toàn đạo làm người, là vì lẽ gì? Nói nhường riêng một thứ giàu đó để quan dùng cho trọng sự tôn kính, thì giày ở dưới chân vẫn là đồ khinh, còn áo mặc mới là trọng, sao không cấm thứ trọng để quan được mặc áo, hưởng sự quan trọng đó? Mà bắt dân gian làm “nước ở trần trụi” không được mặc áo, không cần trồng dâu để nuôi tằm, không dễ dàng hơn sao?
Thánh nhân chế lễ, gồm cả việc nghi văn để  bày tỏ là có lễ có văn mới gọi là lễ; nếu như trần vai truồng mình thì gọi là khinh mạn. Nay ở trường ca xướng hát bội thì bọn hát được đội mũ đi giày, thì ra lấy trường hát bội làm trọng, mà khinh rẻ nhà công đường sao? Tôi không rõ từ đâu mà sinh ra cái tục đó, rất trái với bản ý lễ của thánh nhân.

MỘT VÀI TỤC XẤU CỦA PHỤ NỮ
Đến như phụ nữ ta, lại có lắm điều vô lễ; tôi thấy trên thế giới người đàn bà đã 50 tuổi mà không khi nào lộ nửa thân thể ở trần bao giờ. Tuy dân Mã Lai là dân bậc chót, đàn ông nửa mình trên đều ở trần, mà con gái thì bận kín. Đến người nước Tiểu Tây (Thổ Nhĩ Kỳ) thì con gái, đàn bà chỉ để lộ hai con mắt, mặt mũi đều che kín cả. Người ta làm thế là để phòng nhàn sự phi lễ.
Nay đàn bà xứ ta, thường thấy nửa thân trên ở trần (ở Kinh thành cũng có thế) mà trước mặt công chúng đông người xắn quần đến trên đầu gối, như đàn ông bận khố, trông như vị hòa thượng không mang một sợi tơ… Đời xưa nói “mẹ chín con” nay hẳn thấy thế, quê xấu biết bao! Sao không biết hổ đến thế. (Đoạn này nói ở trần đi tắm và giỡn cợt nhau.. Xin lược).
 CHỬI RỦA
Đến trong ngôn ngữ giao tế với nhau lại lắm điều không thể đặt tên được:
Nước ta những nơi thành phố chợ búa không luận đàn bà trẻ con ngu dốt không biết gì đến người có học có biết chữ mà quở miệng là nói tiếng mắng chửi và lời thô bỉ nói luôn đầu môi. Tập thành thói quen, những tiếng “mắng cha chửi mẹ” cùng tục tĩu, người nghe đến nhơ cả lỗ tai mà tự người nói lại lấy làm khoái, cho đến dạy câu mắng, học bài chửi, đọc ra có cung, có điều, nếu như người nào mắng chửi cả ngày mà không trùng lặp, thì người ta xẽ như Tô Tần, Trương Nghi trong khoa mắng chửi, chiếm giải quán quân vì miệng chửi như nước chảy không khi nào cạn vậy.
Đến lúc diễn ra cái bộ dạng mắng chửi, tiếng như mõ rao, chân như múa hát, lên tay, xuống ngón, mặt như sơn đổ, tóc như tơ vò, nước miếng như bọt giải, tay cầm đất lia, chân đi cà xiểng không khác gì người điên… Những thói xấu đó thất là ba phần giống người bảy phần giống ma quỷ. Trước đây lúc người Tây mới đến Gia Định (Nam kỳ) một lấn thấy hai người Nam đang mắng chửi nhau, lên tay xuống ngón, múa men v.v… họ xúm lại xem cho người Nam làm trò. Sau họ biết rõ hễ thấy đám mắng chửi nhau, thì dùng “ba toong” giải tán ngay.
Lại còn một điều xấu nữa, hễ có điều bất bình với ai thì phát thệ và nguyện rủa chúc dữ rất nặng. Thường ngày cùng giao du với nhau mà đến ghét bỏ nhau, chất chứa điều bất bình lâu thì khi yêu nhân đó mà sinh ra. Như cho là vô hại thì trong luật có điều “cấm nguyền rủa” làm già? Đời Hán, Giả Nghị lấy gương nhà Tần làm răn, không phải là vô cớ.  Vì đối với đồng bạn mà nguyên rủa thì minh bạch, thì đối với người trên, há không nguyền rủa âm thầm hay sao.
(Có dẫn vài chuyện “rủa” làm chứng, xin lược)
“Không nến nói điều phi lễ” thánh nhân có dạy: “Mắng chửi bị án xuy mười roi”, luật có điều ấy rõ ràng. Nay thói ấy đầy cả thành thị mà cứ để như vậy thì còn dùng sách và vật làm gì? Việc nhỏ như thế mà không làm lấy lễ phép chỉnh đề sửa đổi lại, huống chi việc lơn. Ngoài ra như “đầy miệng điều láo, một ngày bán được ba gánh giả, đến đâu cũng dối, ba ngày không mua được một điều thiệt”. Thật là không còn chút lễ nghĩa liêm sỉ nào. Cái phong tục khiêu bạc đến thế là cùng? Thế giới chưa có nước nào như xứ mình. Phép nước mà không làm cho người nước đổi ngoài mặt thì còn nói đến chuyện hóa thành tục mỹ được?
Trên mấy khoản là tựa chỗ gần mà thường thấy, nên chỉ trật tự như thế mà không nói đến phương cải cách. Vì việc cải cách đó rất dễ…
 Chú thích
 (*) Bản dịch của X.T.T đăng trong TIẾNG ĐÀN từ tháng 1-1940. Không thấy bản Hán văn ở đâu cả.
 (1) Nguyễn Hiến: Bậc cao đệ của Khổng Tử có cảnh nhà trên dột, duới thì ướt.