29 tháng 12, 2011

TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI VÀ KHẢO CỔ HỌC THỜI THUỘC ĐỊA TẠI VIỆT NAM

                                                                     Haydonl. Cherry* 

Bài khảo luận này khảo sát sự phát triển của khảo cổ học và sự truyền thông xã hội tại Việt Nam thời thuộc địa. 2  Bài viết nhắm vào sự cấu tạo kiến thức về Thời Đồ Đồng của Việt Nam dưới thời kỳ thuộc địa, trong khung cảnh của các sự thay đổi trong các kỹ thuật truyền thông và sự xuất hiện của một khu vực công tại thuộc đia.  Bài viết cố gắng thực hiện vài điều.  Trước tiên, bài viết chứng minh rằng học thuật về khảo cổ tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa không phải là địa hạt chỉ dành riêng cho các học giả Âu Châu, mà rằng các học giả bản xứ cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình lãnh vực kiến thức này.  Thứ nhì, bài viết lập luận rằng học thuật khảo cổ ở cả mẫu quốc đế quốc lẫn tại thuộc địa đã được thực hiện trong một khung cảnh toàn cầu, một hậu quả của cả sự lưu hành các văn bản uyên thâm lẫn sự giao tiếp trí thức của các học giả thuộc đia.  Các người đóng góp từ các căn bản khác nhau, cả ở trong lẫn ngoài đế quốc Pháp, đã can dự vào sự cấu thành kiến thức về quá khứ của Việt Nam.  Thứ ba, và sau cùng, bài viết này chứng tỏ rằng kiến thức khảo cổ đã không còn là địa hạt chỉ dành riêng cho các học giả Pháp và giới tinh hoa bản địa, mà đã được lưu hành và tranh luận tại một khu vực công mới xuất hiện tại thuộc đia.
Truyền Thông Xã Hội và Sự Cấu Thành Kiến Thức Thuộc Địa
Các lập luận khai triển trong bài khảo luận này được đóng khung bởi hai bộ phận then chốt của văn chương lịch sử, một liên hệ đến sự sản sinh và sự tổ chức kiến thức trong khi phần kia thảo luận về lịch sử các mạng lưới xã hội trong phạm vi Đông Nam Á.  Giới học thuật gần đây đã chứng minh các phương cách trong đó sự bành trướng Âu Châu trong thế kỷ thứ mười chin và hai mươi nối kết với các văn hóa và dân chúng được quan hệ một cách lỏng lẻo trước đây xuyên qua các mạng lưới của cả sự cưỡng ép lẫn truyền thông, góp phần vào sự phát triển ban đầu của xã hội toàn cầu. 3  Trong một bài viết gần đây, tác giả C. A. Bayly đề nghị hai phương cách bổ túc theo đó các sự nối kết và các mạng lưới này có thể đựoc khảo cứu. 4 Khảo hướng thứ nhất mà Bayly xác định nhấn mạnh đến sự trao đổi liên lục địa và ở đây sự bành trướng kỹ thuật truyền thông có tính chất chủ yếu.  Sự phát triển của hải vận và các đường xe hỏa và các dịch vụ bưu điện tại và giữa Âu Châu với các thuộc địa đã nối kết lại với nhau các phần đất cho đến giờ đó còn xa xôi và rời rạc trên thế giới.  Một sự giao tiếp trí thức mới đã trở nên khả dĩ xuyên qua sự lưu hành của con người, các văn bản, và các ý tưởng nằm trong phạm vi các mạng lưới xa xôi này.  Quyển The English Atlantic 1675-1740: A Study in Communications and Community của Ian Steele có lẽ là thí dụ hay nhất của học thuật đuợc kích hoạt bởi một khảo hướng như thế. 5 Khảo hướng thứ nhì mà Bayly xác định liên quan đên các phương cách trong đó các nhóm tại các xã hội khác nhau tiếp nhận và biến hóa thông tin và các sự trình bày trong phạm vi các xã hội đó.  Nó khảo sát các phương cách theo đó các sự trình bày liên hệ đến các cơ câu của quyền lực và các sự phân tích các tư chất của “trật tự thông tin”, có nghĩa cách thức mà tin tức và kiến thức được tổ chức ra sao trọng phạm vi các cộng động khác biệt và các phương cách theo đó các sự cấu tạo này tiến hóa theo thời gian. 6  Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phổ biến kéo theo đuôi sự xuất hiện của một khu vực công cộng trong đó các ý tưởng được khai triển, tranh luận, và sửa đổi bởi một loạt các sự đối thoại trung gian.  Tác giả Bayly trưng dẫn quyển Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism (Các Cộng Đồng Tưởng Tượng: Các Suy Nghĩ Về Căn Nguyên và Sự Lan Tràn của Dân Tộc Chủ Nghĩa) của Benedict Anderson như một thí dụ của một cuộc nghiên cứu được hướng dẫn bởi một khảo hướng như thế. 7
Cùng lúc, Denys Lombard đã viết về nhu cầu để các học giả “vượt lên trên trọng lực của các lịch sử cấp miền, thuộc địa và …. tinh thần dân tộc chủ nghĩa đã chia cắt quá đáng không gian lịch sử”, tại Đông Nam Á. 8  Ông đề nghị rằng điều này có thể làm được xuyên qua việc “tái dựng các sự tiếp xúc”, và “cứu xét đến các mạng lưới” đã nối kết các bộ phận của Đông Nam Á lại với nhau. 9 Tác giả Lombard thúc dục các học giả chú ý đến ba kiểu mẫu mạng lưới chính yếu: Trung Hoa, Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo. 10 Tuy nhiên, ông không nói đến các mạng lưới và các sự nối kết được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa, đã nối kết các phần khác biệt của Đông Nam Á lại với nhau, và với thế giới.  Khảo luận này hy vọng sẽ tạo một bước nhỏ trong chiều hướng này bằng cách truy tìm các phương hướng theo đó kiến thức khảo cổ tại Việt Nam đã được cấu thành, tranh nghị, và phổ biến từ các địa điểm phức hợp, cả ở bên trong lẫn bên ngoài thuộc địa.
Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (École Franҫaise d’Extrême-Orient)
Cuộc thăm dò khoa học tận tụy đầu tiên về Đông Dương đã được tiến hành bởi ông Henri Mouhot (1826-1861).  Mouhot rời London thàng Tư năm 1858 nhưng đã chết ở Lào trong tháng Mười Một năm 1861.  Sự ấn hành sau khi chết nhật ký của ông trong năm 1864 đã đem các sự mô tả khu đên Angkor Wat đến độc giả Âu Châu. 11 Trong năm 1865, Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) được thành lập tại Sàigòn dể phối hợp sự nghiên cứu các lãnh thổ mới sở đắc được của Pháp tại vùng Viễn Đông. 12 Một nhà ngữ học người Đức đã khởi sự tìm hiểu văn phạm đối chiếu đầu tiên của tiếng Chàm, và một tác giả Hòa lan đã bắt đầu một bản phiên dịch đầu tiên các văn bia đền đài Khmer. 13 Sự đua tranh học thuật liên thuộc địa có nghĩa rằng để “sửa chữa tình trạng nhục nhã này”, ít nhất một phần, Phái Bộ Khảo Cổ Đông Dương (Mission Archéologique d’Indochine) đã được thiết lập tại Sàigòn vào năm 1898. 14 Nó đã được thành lập theo đề nghị của ba hội viên của Viện Académie des Inscriptions et Belles-Lettres (Hàn Lâm Viện Pháp Quốc về Văn Bia và Mỹ Tự) – các chuyên viên về Ấn Độ Auguste Barth và Émile Senart và nhà ngữ học Michel Bréal – với sự ủng hộ của Toàn Quyền Đông Dương thuộc Pháp, Paul Doumer (1857-1932). 15 Trong năm 1900, tên của nó được đổi thành École Franҫaise d’Extrême-Orient, rập khuôn theo các trường uy tin của Pháp tại Rome, Athens và Cairo.  Giám Đốc đầu tiên của Trường là ông Louis Finot (1864-1935). 16 Trong năm 1902, trường được chuyển ra Hà Nội cùng với thủ đô của Liên Bang Đông Dương.
Một bảo tàng viện để nghiên cứu và trưng bày các cổ vật Đông Dương đã mau chóng được thiết lập bởi Trường.  Tuy nhiên, một trận bão đã tàn phá tòa nhà nguyên thủy trong năm 1903, gây ra việc nhiều vật phẩm bị gửi sang viện bảo tàng Louvre.  Năm 1910, bảo tàng viện được mở lại tại một tòa nhà khác, là trụ sở tu bổ lại của phái bộ Pháp tại Bắc Kỳ trước khi có chiến dịch quân sự năm 1883. 17 Mỗi phòng trong bảo tàng viện vinh danh một anh hùng quân đội, viên chức chính quyền, hay học giả Pháp đã từng phục vụ tại Việt Nam. 18 Sưu tập của bảo tàng viện đã sớm vượt quá không gian cung ứng, và nó đã bị phá bỏ trong năm 1925 để dành chỗ cho một kiến trúc mới được thiết kế bởi Ernest Hébrard, và đã được hoàn tất trong năm 1932. 19 Bảo tàng viện mới được đặt tên là Bảo Tàng Louis Finot.  Finot mới rút lui khỏi Trường để nhận chức giáo sư về lịch sử và triết lý Đông Dương tại trường Cao Đẳng Pháp Quốc (Collège de France).
Một khi được thiết lập, Trường đã mau chóng thu góp được một sưu tập khổng lồ các tạo phẩm.  Các cuộc khai quật chính thức thu gom các tác phẩm điêu khắc và chạm chìm (bas-reliefs) từ các địa điểm đền đài bị bỏ hoang.  Điều không biết chính xác là làm sao mà Trường đã thu góp được hàng nghìn tạo phẩm bằng đá, gỗ, sắt, đồng, đồ sứ, và đồ bằng giấy tạo thành bộ sưu tập của nó. 20 Tuy nhiên, Trường đã không chỉ đơn thuần dính líu vào việc cướp phá và tước đoạt các văn hóa vật thể của Đông Dương.  Nó đã khôi phục Văn Miếu và Chùa Một Cột ở Hà Nội cùng với cung điện của vua Gia Long nhà Nguyễn tại Huế và nhiều ngôi chùa khác. 21 Tại Căm Bốt, các học giả của Trường và các công nhân Căm Bốt đã trùng hưng các ngôi đền ở Angkor, mà theo cái nhìn của tác giả David Chandler, có lẽ là di sản quý báu nhất của nước Pháp để lại cho Căm Bốt. 22 Ngoài các tạo phẩm khảo cổ, Trường cũng tích trữ một thư viện to lớn.  Trong năm 1941, sưu tập bao gồm 14,500 tác phẩm Âu Châu với khối lượng 39,500 tập; 4,000 tác phẩm Hoa ngữ với khối lương 27,000 tập; và khoảng 5,000 tác phẩm Việt Nam sao chép từ Thư Viện Hoàng Triều tại Huế.  Thư viện cũng có lưu giữ 2,000 tác phẩm Nhật ngữ và 2000 bản thảo của Lào và Căm Bốt. 23
Quan yếu trong thư viện của Trường là sưu tập của nó về các văn bản sử ký Việt Nam.  Văn bản lâu đời nhất như thế, có các phần được bảo tồn, là bộ Đại Việt Sử Ký [History of Great Việt] được đệ trình lên triều đình nhà Trần bởi sử gia Lê Văn Hưu năm 1272.  Các văn bản sử ký Việt Nam quan trọng khác gồm cả Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [The Complete History of Great Việt] (1479) của Ngô Sĩ Liên; Đại Việt Thông Sử (1749) của Lê Quý Đôn; Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [Preliminary History of Great Viet] (1800) của Ngô Thì Sĩ; Đại Nam Thực Lục [Veritable Records of the History of Việt] (1860); và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [Imperially Ordered Text and Commentary on the Total Mirror of the History of Việt] (1884).  Các bản văn này được định giá quan trọng cả như các nguồn tài liệu lẫn đối tượng nghiên cứu trong học thuật về lịch sử và triết lý được sản sinh bởi Trường. 24 Trong khi người Việt Nam không có truyền thống bản địa về học thuật khảo cổ trước khi có sự cập bến của người Pháp, họ đã sở đắc một truyền thống viết sử phong phú, điều mà người Pháp đã tham gia vào.
 Khảo Cổ Học Thời Đồ Đồng
Từ thập niên 1920, các nhà khảo cổ tại Trường đã bắt đầu chú ý nhiều hơn, nhưng không hề có tính cách chuyên độc, vào các tạo tác phẩm từ Thời Đồ Đồng Đông Nam Á.  Các học giả Tây Phương có hay biết từ lâu về các tạo phẩm như thế.  Ngay từ 1705, nhà thiên nhiên học G. E. Rumpf đã đề cập đến cái trồng nổi tiếng giờ đây, Bulan Pejeng, hay Mặt Trăng Pejeng từ Miền Trung đảo Bali. 25 Trong năm 1902, Franz Heger công bố bài viết Alte Metallstrommeln aus Sudestasien [Các Trống Kim Loại Cổ của Đông Nam Á] trong đó ông trình bày 144 chiếc trống đồng từ Đông Nam Á và Nam Trung Hoa và đề xuất một hệ thống phân loại bốn loại, được gọi là Các Loại Heger I đến IV, vẫn còn tiếp tục được dùng ngày nay. 26 Heger trình bày lần đầu sự phân tích của ông trong bài viết nhan đề “On the Old Metal Drums of South East Asia” (Về Các Trống Kim Loại Cổ của Đông Nam Á) tại Hội Nghị Quốc Tế Đầu Tiên Về Viễn Đông Học, được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 3 đến ngày 8 Tháng Mười Hai 1902. 27 Hội Nghị là một phần của cuộc triển lãm thuộc địa về các sản phẩm nông nghiệp và kỹ nghệ được tổ chức năm đó. 28 Các hội thảo viên đa dạng tham gia tại Hội Nghị, đến từ Đức, Austria-Hungary, Tic;h Lan, Trung Hoa, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Ấn Điộ tuộc Anh, Vùng Đông Ấn thuộc Hòa Lan, Pháp, Ý Đại Lợi, Đông Dương thuộc Pháp, Nhật Bản, Madagascar, Na Uy và Xiêm La.  Các tham dự viên Hội Nghị đã du hành đến Hà Nội với tiện nghi hạng nhất được đài thọ bởi chính quyền thực dân trên một trong các tầu hải hành của Pháp.  Các phối ngẫu của họ và các người đến dự nhưng không tham gia hội nghị cũng được du hành với giá biểu giảm giá đáng kể. 29 Các bài tham luận được đưa ra không chỉ bởi các nhân vật Âu Châu nối tiếng chẳng hạn như Paul Pelliot, Henri Parmentier, Franz Heger và Marcel Mauss, mà cũng bởi các học giả Đông Dương: Nguyễn Khắc Huề, Trần Bản Hanh và Son [?] Diệp.  Tham luận của Nguyễn Khắc Huề, được trình bày bởi M. Chéon, là một bản dịch và chú giải một bia ký từ mộ của một học giả nổi tiếng của thế kỷ thứ mười chin, ông Võ Trường Toản. 30  Các học giả Á Châu khác, gồm Shams-Ul-Ulama Jivanji Janshedi Modi, Lala Bhaij Nath, và phái đòan Nhật Bản của các ông N. Okamoto, J. Takakusu, B. Nanjio, và R. Fujishima cũng đóng góp các bài tham luận.  Gyan Prakash xem ra sẽ bị hiểu lầm một cách khá hiển nhiên khi ông ta viết bài nghị luận thuộc địa rằng “Đông Phương Học (Orientalism) đã là một nỗ lực táo bạo của Âu Châu ngay từ lúc khởi đầu.  Các học giả là người Âu Châu; và người Đông Phương xuất hiện như các đối tượng bất động của kiến thức”. 31 Tại Việt Nam thuộc địa, ít nhất, các học giả và trí thức phi-Âu Châu đã tích cực can dự vào sự sản sinh kiến thức về các dân tộc và lịch sử của Á Châu.
Chính vì thế sự phục hồi quá khứ của Việt Nam không phải là phần đất chỉ dành riêng cho các học giả thực dân, mà còn có sự tham gia bởi các thành viên thuộc giới trí thức bản xứ do Pháp huấn luyện. 32 Ông Ngutyễn Văn Tố đã viết một số bài về các sự trình bày về con người, thú vật và cây cỏ trong nghệ thuật Việt Nam cổ truyền và về cách thức thay đổi tên họ của người Việt Nam.  Ông Trần Văn Giáp đã viết các bài quan trọng về lịch sử Phật Giáo Việt Nam, về các bia ký tại Văn Miếu hà Nội, và về đời sống của một quan chức trong thế kỷ thứ mười sáu dựa theo sự khám phá một bia táng.  Ông Đỗ Xuân Hợp đã viết các bài có tầm quan trọng về các động và thực vật  thời tiền sử hóa thạch (paleontological).  Tất cả đều là các hội viên của Trường hay các định chế thực dân Pháp can dự vào sự sản sinh ra kiến thức.
Cũng là một sự sai lầm nếu xem học thuật Việt Nam trong thời thuộc địa như một “cuộc đàm luận phụ sinh (derivative)”. 33 Một cái nhìn như thế đặt trên tiền đề rằng khảo cổ học của mẫu quốc Pháp đã được tạo lập với khái niệm trọn vẹn và rằng các học giả Việt Nam chính vì thế chỉ là các kẻ bắt chước, về hình thức, nếu không phải về nội dung các khuôn mẫu tư tưởng của Pháp vốn đã được xuất cảng sang thuộc địa.  Trong thực tế, tư tưởng khảo cổ của Pháp còn lâu mới được cấu thành một cách trọn vẹn vào thời tiền bán thế kỷ thứ hai mươi.  Hơn nữa, tư tưởng này không cách gì cấu thành một toàn thể thống nhất hay không mâu thuẫn. 34 Tư tưởng khảo cổ ở cả thuộc địa và mẫu quốc phải được nghĩ như đang phát triển đồng thời trong một khung cảnh toàn cầu và cấp miền rộng lớn hơn, có thông tin hỗ tương cho nhau, mặc dù không nhất thiết là đồng đẳng.
Ngay dù có người Việt Nam, và trong thực tế, các người Á Châu khác đã can dự vào sự sản sinh học thuật về quá khứ của họ, nhưng vấn đề là các học giả thực dân chắc chắn đã không tin rằng người Việt Nam có dính líu đến sự sản xuất ra các trống đồng cổ được tìm thấy tại Bắc Kỳ.  Trong năm 1924, một người đánh cá tìm thấy một số vật dụng bằng đồng tại làng Đông Sơn bên dòng sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa.  Ông ta bán sưu tập này cho một viên chức quan thuế Pháp, Louis Pajot.  Pajot nguyên là đầu bếp trên tàu thủy và diễn viên hát xiếc,  là kẻ bất kể các khả năng chuyên môn đáng ngờ vực, đã khởi sự khai quật tại Đông Sơn năm 1925 dưới danh nghĩa Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. 35 Trong năm 1929, ông Victor Goloubew (1879-1945) công bố các khám phá của Pajot trong bài viết “L’age du Bronze au Tonkin et Dans le Nord-Annam” (Thời Đồ Đồng tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ), trong tạp chí Bulletin của Trường. 36 Đây là sự thảo luận bao quát đầu tiên về các khám phá mới tại Đông Dương.  Tác giả Goloubew đã xác định niên đại của trống Đông Sơn, thuộc Loại I Heger, là thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, và lập luận rằng người Trung Hoa đã định hình mẫu mã của chúng.
Goloubew còn đẩy các lập luận này đi xa hơn trong bài viết nhan đề “Sur l’origine et la diffusion des tambours métalliques” (Về nguồn gốc và sự phát tán các trồng kim loại), trong năm 1932, tại Hội Nghị Lần Đầu Tiên Các Nhà Tiền Sử Học Vùng Viễn Đông, được tổ chức tại Hà Nội. 37 Ông giải thích rằng các trống đồng được tìm thấy tại các phần khác của Đông Nam Á là do sự phát tán kỹ thuật bên ngoài Đông Dương.  Hội Nghị này mở ra từ ngày 26 tháng Một đến 31 Tháng Một, 1932 và được tham dự bởi các đại biểu từ Nhật Bản, Xiêm La, Hồng Kông, Mã Lại thuộc Anh, và Các Khu Định Cư Tại Eo Biển (Straits Settlements), vùng Đông Ấn Độ thuộc Hòa Lan, Phi Luật Tân và Đông Dương thuộc Pháp.
Hội Nghị Lần Thứ Nhì Các Nhà Tiền Sử Học Vùng Viễn Đông, được tổ chức tại Manila năm 1935,  nhưng các biên bản tổng kết chưa hề được công bố. 38 Năm 1938, Hội Nghị Lần Thứ Ba được tổ chức tại Singapore từ ngày 24 đến 30 Tháng Một, dưới sự bảo trợ của Chính Quyền Các Khu Định Cư Tại Vùng Eo Biển (Government of the Straits Settlements), tại Bảo Tàng Viện Raffles. 39  Các đại biểu đai diện các chính phủ Hồng Kông, Đông Ấn thuộc Hòa Lan, Đông Dương thuộc Pháp, Phi Luật Tân, Các Bang Quốc Mã Lai, và Các Khu Định Cư Dọc Eo Biển đã tham dự kỳ nhóm họp này.  Do bởi sự gián đoạn của Thế Chiến II và các cuộc đấu tranh chống thực dân sau đó, Hội Nghị Tiền Lịch Sử  Viễn Đông Lần Thứ Tư đã không được tổ chức tại Manila cho mãi tới năm 1953. 40 Điều quan trọng về các hội nghị này là các chi tiết của Thời Đồ Đồng tại Đông Dương tiếp tục được cấu tạo tại cuộc họp cộng đồng thế giới thuộc địa này, và rằng, mặc dù chỉ có ít về số lượng, các người Đông Nam Á và Á Châu khác đã tham dự, dù không nhất thiết phải là các kẻ ngang hàng.
Rõ ràng để dập tắt các sự chỉ trích rằng các cuộc điều tra của Pháp về Thời Đồ Đồng tại Đông Sơn là cực kỳ nghiệp dư, một nhà khảo cổ Thụy Điển, ông Olov Janse (1895-1985), đã được bổ nhiệm đứng đầu các vụ khai quật.  Ông ta đã làm việc tại đó từ 1934 đến 1939 dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Pháp, các Bảo Tàng Viện của Paris, Toàn Quyền Đông Dương, và Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. 41 Các cuộc khai quật của ông Janse đã đào lên được một số tạo tác phẩm, gồm các vũ khí bằng đồng, các chiếc trống, đồ trang sức cá nhân và các thùng chứa (containers).  Các kết quả của các cuộc điều tra của ông tại Đông Dương được công bố trong ba tập liên tiếp nhau từ nằm 1947 đến 1958. 42 Janse lập luận rằng văn hóa Đông Sơn là kết quả của các ảnh hưởng Trung Hoa trong thế kỷ thứ ba hay thứ tư trước Công Nguyên.  Trước thời điểm đó, Đông Sơn được cư trú bởi người Indonesian” “thời đồ đá” hay “dân Mã Lai nguyên mẫu” (proto-Malayan). 43 “Các người Trung Hoa tiền phong” hay có thể “các người Thái bị Hán hóa” đã mang sự sử dụng các khí cụ bằng đồng và sắt cùng các vũ khí và các thành tố văn hóa Trung Hoa khác vào trong vùng. 44 Tác giả Janse nêu ý kiến rằng, như một hậu quả của sự chinh phục của Trung Hoa, “các người Indonesian” Hán hóa hay “An Nam nguyên mẫu” (proto-Annamites) [Việt Nam] có thể đã di chuyển xuống phía nam, mang theo “các thành tố của một nền văn minh khá cao cùng với họ”. 45
Trong năm 1942, ông Bernhard Karlgren (1889-1978), nhà Trung Hoa học gốc Thụy Điển, công bố bài viết “Niên Đại Của Văn Hóa Đông Sơn Thời Ban So” (The Date of the Early Đông Sơn Culture), trong Tập San Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities.  Đối với Karlgren cũng vậy, văn hóa Đông Sơn bị ảnh hưởng bởi Trung Hoa.  Ông Bernhard Karlgren là giám đốc của Bảo Tàng Viện Các Cổ Vật Viễn Đông (Museum of Far Eastern Antiquities) tại Stockholm, và là người tiền phong trong sự thiết lập ngành Trung Hoa học tại Thụy Điển.  Ủy ban Nghiên Cứu Trung Hoa của Bảo Tàng Viện Quốc Gia Thụy Điển đã thiết lập ra bảo tàng viện năm 1926 và đã mở cửa cho công chúng vào năm 1929. 46 Tác giả Karlgren là người quen thuộc với học giới về Đông Sơn xuyên qua Tập san Bulletin của Trường.  Được ấn hành đầu tiên trong năm 1902, Tập San Bulletin đã là phương tiện chính theo đó học thuật của Pháp từ và về các lãnh thổ Đông Dương được phổ biến.  Nó tạo thành một phần quan trọng trong các sưu tập thư viện của các trường đại học, bảo tàng viện và các hội thâm cứu khắp thế giới.  Tác giả Karlgren lập luận rằng các tạo tác phẩm bằng đồng ở Đông Sơn liên hệ với văn hóa đồ đồng miền trung Trung Hoa thời tiền Hán của nước Huai [Hoài], và ấn định niên đại của chúng vào khoảng thế kỷ thứ 4 – 3 trước Công Nguyên. 47  Karlgren bất đồng một cách cụ thể với các kết luận đã được công bố bởi ông Robert von Heine-Geldern (1885-1968).
Heine-Geldern lập luận rằng trên căn bản các sự tương đồng giữa các vũ khí, khí cụ, đồ trang sức và các mẫu họa trang trí của Thời Đồ Đồng Âu Châu tại Hallsatt, Transylvania và Hungary với các tạo phẩm của Đông Sơn rằng các chủ điềm nghệ thuật của nền văn hóa kể sau được mang tới Việt Nam bởi các kẻ xâm nhập chịu ảnh hưởng văn hóa của nhóm kể trước trong thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên. 48
Robert von Heine-Geldern là thành viên của Kulturkreise Âu Châu, tức trường phái Vòng Tròn Văn Hóa (Culture Circle) về chủng tộc học tại Vienna [nước Áo], vốn được đề xướng bởi Friedrich Ratzel (1844-1904). 49 Các thành viên của trường phái chủ trương rằng các phức hợp của các đường nét văn hóa to lớn trước đây đã đánh mất sự thống nhất địa dư cũ của chúng và giờ đây được phát tán ra khắp thế giới. 50 Tác giả Ratzel chủ trương rằng các nhà nhân chủng học phải cứu xét đến sự di trú khả hữu hay các hiện tượng giao tiếp ưu tiên, trước khi các sự tương đồng trong các văn hóa khác nhau được quy kết cho sự phát kiến độc lập.  Trên căn bản một cuộc nghiên cứu các điểm tương đồng nơi trắc diện (mặt cắt ngang) của cánh cung, vật liệu và việc thắt bện dây cung, và việc gắn lông thú vật vào mũi tên, tác giả Ratzel kết luận rằng cung và tên của Indonesia và Miền Tây Phi Châu có liên hệ với nhau. 51 Heine-Geldern có mặt tại Đại Học University of Vienna vào cùng lúc mà Linh Mục Wilhelm Schmidt (1868-1954), người thành lập tạp chí Anthropos, và đã khai triển lý thuyết của chính ông về Kulturkreise (Vòng Tròn Văn Hóa). 52 Với Fritz Graebner (1877-1934), tác giả Smith đã phát triển hai quy luật căn bản để xác định các sự tương quan và niên lịch giữa các nền văn hóa. 53 Quy luật thứ nhất nói rằng các sự tương đồng giữa hai thành tố văn hóa, không tự động phát sinh từ bản chất, vật liệu, hay mục đích của các đường nét đặc trưng hay của các đối vật, phải được giải thích như phát sinh từ sự khuếch tán, bất kể đến khoảng cách đến đâu giữa hai nơi. 54 Quy luật thứ nhì nói rằng xác xuất của một mối quan hệ lịch sử hiện diện giữa hai tạo phẩm văn hóa gia tăng khi mà số lượng các tạo phẩm bổ túc cho thấy các điểm tương đồng gia tăng. 55
Điều rõ ràng từ các quan điểm tóm tắt ở đây rằng các học giả của Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp, và các học giả Âu Châu tổng hợp các công trình của họ, đã nhìn Thời Đồ Đồng Việt Nam, được biểu trưng bởi văn hóa Đông Sơn, như kết quả của hoặc sự di trú hay phân tán văn hóa từ bên ngoài Việt Nam, hơn là có khởi nguyên thuần túy bản địa.  Học thuật thực dân trở nên khả dĩ nhờ sự lưu hành các văn bản chẳng hạn như Tập san Bulletin của Trường, mà cũng nhờ, đây là điều cần được nói đến, xuyên qua sự biệt xứ và lưu hành của chính các tạo tác phẩm. 56 Sử gia ngành khảo cổ, Bruce Trigger, đã viết rằng “khỏa cổ học của phái thực dân, bất kể được thi hành nơi đâu, được dùng để dè bỉu các xã hội và dân chúng bản xứ bằng việc cố gắng chứng minh rằng họ đã bất động trong các thời tiền sử, và thiếu sáng kiến để phát triển chính mình”. 57 Quan điểm này quá quả đoán.  Nó không cứu xét đến mối quan hệ văn bản cụ thể giữa các công trình học thuật với căn bản tri thức của các người đã viết ra chúng.  Hơn nữa, đó không phải là trường hợp mà sự khuếch tán nhất thiết phải liên can đến sự di chuyển các nét đặc trưng từ một Âu Châu ưu việt sang một Phi Châu hay Á Châu hạ đẳng.  Như có nói ở trên, tác giả Friedrich Ratzel đã tin rằng các khía cạnh của văn hóa Indonesia được chuyển hóa từ Tây Phi Châu.  Hơn nữa, nhà giải phẫu học Anh quốc, Grafton Eliot Smith (1871-1937) tin rằng tất cả nền văn hóa của thế giới đều có nguồn gốc của chúng tại Ai Cập. 58
Nếu nhiều học giả khác nhau đã có một cái nhìn ít nhân từ hơn về các nguồn gốc bản địa của Kỷ Nguyên Đồ Đồng của Việt Nam, ông Henri Maspéro (1883-1945), nhà Trung Hoa học người Pháp và thành viên của Trường, lại có các sự ngờ vực rõ rệt về các phần tường thuật về các thời kỳ tiền Trung Hoa trong các văn bản Việt Nam – thời kỳ mà một cách trùng hợp, tương ứng về niên lịch với sự ấn định niên đại của các khám phá Thời Đồ Đồng.  Trong năm 1918, ông đã công bố bài viết “Études d’histoire d’Annam: IV, Le Royaume de Văn Lang” (Nghiên cứu lịch sử An Nam: IV, Vương Quốc Văn Lang), trong tập san Bulletin của Trường.  Niên sử Việt Nam sớm nhất cho rằng một nhà vua được viết tên là Hùng đã thành lập vương quốc Văn Lang, chính thể Việt đầu tiên, và rằng các hậu duệ của ông đã cai trị nước này trong mười bảy thế hệ sau nữa.  Tuy nhiên, tác giả Maspéro lập luận rằng chữ Hùng trong văn bản Việt Nam là một lỗi lầm ký tự từ chữ Lạc và rằng tên Văn Lang là sự chép sai danh xưng cổ Trung Hoa, Yeh-lang, một vương quốc cổ xưa tại Quý Châu. 59 Ông đã kết luận rằng đã không hề có bất kỳ vua Hùng nào và họ không hề cai trị một vương quốc nào mệnh danh là Văn Lang. 60 Quan điểm phê bình các văn bản lịch sử Việt Nam này tuy thế không thể bị xem như có tính cách làm phương hại hay như một thí dụ đơn giản của chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc của Pháp hay sự phủ nhận nền tự trị của Việt Nam.  Vào thế kỷ thứ mười chin, các học giả Việt Nam soạn thảo bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục [Imperially Ordered Mirror and Commentary on the History of the Việt] và Đại Việt Sử Ký Tiền Biên [Preliminary Record of the History of Great Viet] đã hạ thấp như các huyền thoại nhiều đoạn ghi về thời các vua Hùng trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư [Comprehensive History of Great Viet] soạn hồi thế kỷ thứ mười lăm. 61 Học thuật văn bản Pháp cần được nhìn, ít nhất một phần, như một hậu duệ trong phả hệ trọng yếu này.
Khảo Cổ Học Và Sự Xuất Hiện Khu Vực Công Tại Thuộc Địa
Trong thời hậu độc lập, các kết luận của Maspéro về sự phi-hiện hữu của vương quốc Văn Lang và các vua Hùng đã bị phản bác toàn diện bởi các học giả Việt Nam.  Tuy nhiên, chúng không phải đã không bị nhận thấy bởi các trí thức Việt Nam trong khi còn ở dưới sự cai trị của thực dân.  Trong năm 1941, năm ấn hành đầu tiên của nó, tạp chí Tri Tân [To Know the new] có đăng bài “Lạc Vương, chứ không phải Hùng Vương” [Lạc kings, not Hùng kings] của ông Nguyễn Văn Tố (1889-1947), trong đó người kể tên sau, cũng là một thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp, đã công bố các kết luận của Maspéro. 62 Ấn bản đầu tiên của tờ Tri Tân phát hành ngày 3 Tháng Sáu, 1941. 63 Nó được ấn hành hàng tuần cho đến năm 1945 và bán với giá 12 đồng. 64 Mỗi số gồm 24 trang, với số ấn bản xấp xỉ khoảng 1500-2000 bản. 65 Nó đăng tải các bài tổng quát về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và văn chương Việt Nam.  Một tầng lớp bao quát các cộng tác viên đã viết cho tờ báo, từ nhà sư phạm bảo thủ Dương Quảng Hàm cho đến sinh viên đại học cấp tiến Nguyễn Đình Thi.  Các người đóng góp khác gồm Hoa Bằng, Nguyễn Huy Tưởng, Đào Duy Anh, Hoàng Thiếu Sơn, Lê Thước và Phan Văn Hùm. 66
Như đã nói ở trên, ông Nguyễn văn Tố và ông Trần Văn Giáp, một cộng tác viên thường lệ khác, đều được tuyển dụng làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp.  Đối với hai người này, tờ Tri Tân đã là một phương tiện để truyền bá và tranh nghị bằng chữ quốc ngữ [tiếng Việt trong nguyên bản, chú của người dịch] [sát nghĩa, “văn tự dân tộc”, ở đây có nghĩa là tiếng Việt được ký âm bằng mẫu tự la mã”] về một vài sự khám phá lịch sử sâu sắc của Trường từ thập niên trước. 67
Ông Phạm Quỳnh (1892-1945), chủ biên tờ Nam Phong [Southern Wind] cũng đã làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp.  Là một thành viên của một gia đình lâu đời và nổi tiếng, ông Phạm Quỳnh bị mất cha mẹ trước khi lên mười và đã được gửi bởi bà ông vào Trường Thông Ngôn (School of Interpreters).  Bốn năm sau đó,  sau khi đã học tiếng Pháp, quốc ngữ và một ít tiếng Hán, và với Bằng Sơ Học (Certificate of Primary Education), ông đã vào làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp.  Năm 1913, trong khi vẫn còn làm việc ở đó, ông đã gia nhập vào ban biên tập của tờ Đông Dương Tạp Chí [Indochina Journal], chủ biên bởi ông Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936).  Trong năm 1915, Phạm Quỳnh được cử làm chủ bút tờ báo Nam Phong bởi Louis Marty.  Được ấn hành thành ba phần, tiếng Pháp, Trung Hoa và quốc ngữ, Nam Phong đã bênh vực cho sự sử dụng loại văn tự kể sau cùng và đã gánh vác sự phát huy và phổ biến thủa ban sơ học thuật Tây Phương và văn chương bản xứ dưới dạng mẫu tự La Mã. 68 Nam Phong đã đăng tải các bài viết trong một loạt chủ đề bao gồm chính trị, kinh tế, địa dư, lịch sử và ngay cả khảo cổ học.  Trong năm 1928, nó  có ấn hành một bài viết có tác giả ẩn danh giải thích các khám phá gần đó về thời tiền sử của Bắc Kỳ bởi Henri Mansuy và Madeline Colani. 69 Ngoài việc thảo luận về các cuộc khai quật thời đồ đá bởi Colani và Mansuy tại tỉnh Hòa Bình, nó có đề cập, liên quan đến công tác của họ, các khám phá của Van Stein Callenfels tại Penang và lý thuyết của Robert von Heine-Geldern về sự phân tán kỹ thuật thời đồ đá khắp Á Châu.  Trong năm 1934, Nam Phong có đăng tải một bài về lịch sự và khảo cổ học của Trung Kỳ và xứ Chàm công bố công việc mới diễn ra ở vùng đó bởi các học giả của Trường. 70 Điều quan trọng cho sự thảo luận ở đây là sự kiện rằng học thuật về khảo cổ đã được thuyết minh và lưu hành bởi và giữa người Việt Nam và đã không còn là khu vực chỉ dành riêng cho các học giả hay giới tinh hoa thực dân Âu Châu.  Nó đã được ấn hành, giải thích và đôi khi tranh nghị tại một khu vực công được xây dựng bởi chủ nghĩa tư bản phổ quát mới xuất hiện.
Trong khi Việt Nam đã có từ lâu một tầng lớp trí thức văn học, các số lượng lớn các tờ báo, tạp chí, sách và các loại ấn phẩm khác mới chỉ bắt đầu được lưu hành trên một quy mô rộng lớn hồi thập niên 1920. 71 Các sự thảo luận về tôn giáo và luân lý, chính yếu là Khổng học và Phật Giáo, có ảnh hưởng đáng kể hơn các sự thảo luận của các người vận động chống thực dân hay giới tiền phong (avant-garde) chính trị. 72 Bằng cớ cho thấy rằng số người có thể đọc một tờ báo quốc ngữ đã tăng gấp đôi giữa năm 1925 và 1945, lên tới khỏang 10% dân số. 73 Trong hai thập niên đó, ít nhất có tới ba mươi triệu ấn phẩm đã được in ra tại Việt Nam. 74 Một vài tờ báo Việt ngữ đã đạt tới số phát hành 10,000 bản hay hơn, mặc dù phần lớn chỉ in khoảng 2,000 – 3,000 bản. 75 Một lãnh vực công định nghĩa bởi sự truyền tải kiến thức được in ấn chính vì thế đã phát triển.  Đọc báo, sách và các tờ rời quảng cáo dẫn người ta vượt quá thế giới của sự tiếp xúc trực diện và đã nối kết họ với một cộng đồng độc giả rộng lớn hơn. 76
Khu vực công vượt quá các trung tâm thành phố lớn xuyên qua sự phát triển các hệ thống đường sắt và bưu điện.  Trước khi có sự chiếm đóng của Pháp, đường thủy là các tuyến đường giao thông chính yếu.  Tuy nhiên, vào cuối năm 1939, 3,372 cây sô đường sắt đã nối liền các vùng đất của Đông Dương. 77 Thư từ, báo chí, và sách viết bằng quốc ngữ được lưu hành bởi đường xe hỏa khắp cõi Đông Dương, kích thích sự phát triển và ảnh hưởng của một khu vực công rộng lớn mà các thành viên, nói theo cách của tác giả David Del Testa, “thì hiểu biết về các nguyên lý và văn hóa của tính hiện đại”. 78 Trong năm 1920, có 347 phòng bưu điện tại Đông Dương. 79 Năm 1944, 584,000 vật phẩm đã được gửi xuyên qua 380 phòng bưu điện tại Đông Dương, được chuyên chở chính yếu bằng đường xe lửa, và nhiều thứ trong các vật phẩm này là sách, ấn phẩm định kỳ và các tờ rời quảng cáo. 80  Tác giả Benedict Anderson có viết về vai trò của bảo tàng viện như một kỹ thuật của quyền lực, được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa, tiến tới việc sản sinh ra dân tộc chủ nghĩa.  Nếu chúng ta xem bảo tàng viện như một sự hoán dụ (metonym) cho sự sản xuất và truyền bá học thuật khảo cổ, điều rõ ràng là trong thời kỳ thuộc địa, các ý tưởng, các hình ảnh và các hình tượng khảo cổ đã gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phổ quát đại chúng và sự mở rộng khu vực công.
Các Sự Khởi Đầu Của Khảo Cổ Học Thời Hậu Độc Lập
Trong tháng Sáu 1954, một tháng sau sự đầu hàng sau cùng của Pháp tại Điện Biên Phủ, các học giả Việt Nam đã khởi sự việc lượng định phê phán các khám phá của học thuật khảo cổ thực dân trong một số ấn phẩm mới, nhưng chủ yếu là tờ Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa [The Journal of Literary, Historical and Geographical Research], được xuất bản bởi Ban Nghiên Cứu Lịch Sử, Địa Lý, Văn Học [Committee for Research in History, Literature and Geography].  Ban này đã được chính thức thành lập bởi một sắc lệnh ban hành bởi Ủy Ban Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam – the Vietnamese Labour Party. 81 Có ba nhóm riêng biệt trong Ban này, mỗi nhóm cho một trong ba ngành khoa học.  Tập San Nghiên Cứu Văn Sử Địa xuất bản hàng tháng hay hai tháng cho đến năm 1959, khi ban được tái tổ chức để thành lập Viện Sử Học [Institute of History], đã khởi sự ấn hành Tập San Nghiên Cứu Lịch Sử [The Journal of Historical Research]. 82 Nghiên cứu khảo cổ được ấn hành trong các tập san của Ban và Viện cho đến năm 1969, khi Tập San Khảo Cổ Học [The Journal of Archaeology] xuất hiện, được xuất bản bởi Viện Khảo Cổ Học [Institute of Archaeology], vốn được thành lập trong năm trước đó. 83 Học thuật khảo cổ trong thời kỳ thuộc địa đã được phát động tại địa điểm nhiều gấp bội và trong nhiều khung cảnh gấp bội.  Sự lượng định phê phán và chuẩn nhận (appropriation) của nó sẽ là một trong các công tác quan trọng của các học giả trong thời kỳ hậu độc lập.  Điều này sẽ xảy ra trong một môi trường chính trị và một khu vực công bị chế ngự lần lượt bởi một nhà nước cộng sản và một sự thuyết giảng chống thực dân, có tính chất dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. 84 Những nhu cầu cấp bách của cuộc Chiến Tranh Đông Dương Thứ Nhì (1954-1975) ảnh hưởng một cách áp đảo trên khung cảnh xã hội và trí thức cung ứng dữ liệu cho dự án này.
Các nhà khảo cổ thời hậu độc lập tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thừa kế một ngành học thuật và một sưu tập các tạo phẩm đòi hỏi sự lưu tâm phê phán.  Như chúng ta đã nhìn thấy giới học thuật thực dân nêu ý kiến rằng các vua Hùng và vương quốc Văn Lang của họ là không có thực; các ý niệm này không gì khác hơn sản phẩm của các sự sai lầm khi biên chép. 85 Văn hóa vật thể Thời Đồ Đồng tương ứng với cùng thời khoảng hoàn toàn không có tính Việt Nam trong nguyên thủy, mà chỉ là sản phẩm chịu ảnh hưởng của Trung Hoa hay Âu Châu.  Các nhà khảo cổ thời hậu độc olập đã bác bỏ cả hai đề xuất này, và gắng sức để thiết lập quan điểm đối nghịch của họ: các vua Hùng và vương quốc của họ đã hiện diện và các danh xưng này không phải đặt trên sự nhầm lẫn, mà theo một truyền thống truyền khẩu độc lập. 86 Văn hóa vật thể Đông Sơn không phải là sản phẩm của ảnh hưởng của Trung Hoa hay Âu Châu, mà là kết quả của thiên tài bản địa. 87 Các sự kiện này sau này sẽ tạo thành nguyên lý chủ chốt của sự tường thuật lịch sử Việt Nam thời hậu độc lập.  Trong tập đầu tiên của bộ Lịch Sử Việt Nam [The History of Việt Nam] phù hợp với kinh sách được xuất bản năm 1971, quốc gia Việt Nam đầu tiên trong lịch sử là vương quốc Văn Lang, được cai trị bởi các vua Hùng, được làm bằng trong các bộ niên sử và trong văn hóa Thời Đồ Đồng của Đông Sơn. 89
Kết Luận
Đông Phương Học trước tiên, và trên hết, là một hệ thống lưu hành. 90 Sự thiết lập các đế quốc Âu Châu giúp cho việc di chuyển, không chỉ các đồ vật và con người, sản vật và các thực dân, mà còn cả các văn bản và các tư tưởng nữa.  Bài viết này quan tâm đến ngành khảo cổ học và các ý tưởng khảo cổ.  Nó cố gắng để chứng tỏ một vài phương cách trong đó chủ nghĩa đế quốc của Pháp tại Việt Nam đã giúp cho việc khả dĩ truyền tải và lưu hành các tư tưởng khảo cổ và các khung cảnh truyền thông nơi mà các tư tưởng đó đã được sinh sản ra.  Học thuật khảo cổ trong thời kỳ thuộc địa không phải là phần đất chỉ dành riêng cho các học giả Âu Châu.  Các học giả bản xứ cũng đóng giữ một vai trò trong sự sản sinh của nó.  Tư tưởng khảo cổ ở cả mẫu quốc và thuộc địa đều đã diễn tiến trong một khung cảnh toàn cầu.  Các người đóng góp khác nhau, từ cả trong lẫn ngoài đế quốc Pháp, đều can dự vào sự cấu thành kiến thức về quá khứ của Việt Nam.  Học thuật khảo cổ không có ttính chất thuần chủng và cũng không đơn thuần là một sự áp đặt của Pháp trên nước bị trị.  Trong phạm vi Việt Nam, kiến thức khảo cổ được lưu hành trong một khu vực công mới xuất hiện.  Các văn bản được in ấn, chuyển đi bằng thư tín, đường xe lửa và tàu chạy bằng hơi nước đã thông tin cho thuộc địa, dân chúng và đế quốc về quá trình khảo cổ của Việt Nam.
Trọng tâm của khảo hướng trong bài khảo luận này là tiền đề rằng đế quốc Pháp đã mang các vùng, các cộng đồng và các cá nhân  riêng rẽ đến sự giao tiếp xuyên qua các hệ thống di động và trao đổi.  Nó nối kết các lãnh thổ của Đông Dương với Pondicherry và Chandernagor taị Ấn Độ, và với Maghreb tại Bắc Phi Châu.  Giống như các ý tưởng về khảo cổ, các ý tưởng về chủng tộc và sự thay đổi văn hóa và xã hội đều diễn tiến trong khung cảnh chủ nghĩa đế quốc toàn cầu của Pháp.  Các ý tưởng này, sau này được theo đuổi bởi các trí thức bản địa tại các thuộc địa đã góp phần vào sự tái tạo hình dạng các cộng đồng và các cá tính thời tiền thuộc địa, đã dần tạo thành các cơ bản, ít nhất một phần, cho các cuộc đấu tranh bạo động chống tbực dân đã xảy ra tại Bắc Phi Châu và Đông Dương hồi giữa thế kỷ thứ hai mươi.  Sự chú ý hơn nữa đến các vấn đề truyền thông xã hội trong một khung cảnh đế quốc phải chiếu rọi vào cả sự sản sinh ra kiến thức lẫn sự sản sinh ra sự khác biệt dưới chủ nghĩa thực dân Pháp, chế độ đã uốn nắn, một cách mạnh mẽ biết bao, lịch sử của thế giới hiện đại/-        
_____
CHÚ THÍCH
(*): Đại học Yale
1. Haydon L. Cherry ( haydoncherry@gmail.com) vừa hoàn tất gân đây một luận án cao học về khảo cổ và chủ nghĩa dân tộc tại Việt Nam, tại Khoa Lịch Sử, trường Đai Học Quốc Gia Singapore.  Ông hiện là một ứng viên Tiến Sĩ  tại Khoa Sử học, Viện Đại Học Yale University, nơi ông hy vọng nghiên cứu về lịch sử xã hôi của dược phẩm tại Việt Nam trong thế kỷ thứ hai mươi.  Đây là bản đã tu chỉnh Khảo Luận Số 21, nhan đề Truyền Thông Xã Hội và Khảo Cổ Thời Thuộc Địa tại Việt Nam (Social Communication and Colonial Archaeology in Vietnam).  Tác giả cảm ơn Tiến Sĩ Tony Ballantyle, Tiến Sĩ Mark Frost, và Tiến Sĩ Michael Montesano về sự đóng góp ý kiến của họ.  Tuy nhiên, chỉ một mình tác giả mới chịu trách nhiệm các đề xuất xác định nơi đây.
2. Trong thời kỳ thuộc địa, Việt Nam bị cai trị như ba kỳ: Bắc Kỳ (Tonkin), Trung Kỳ(An Nam) và Nam Kỳ (Cochin China), tuy thế, trong bài viết này, được đề cập tới một cách riêng rẽ hay toàn bộ như Việt Nam nói chung.  Các cư dân tại các phần đất này được gọi ở đây là người Việt Nam.  Trước ngày độc lập, Căm Bốt, Lào, Đông Kinh, An Nam, Nam Kỳ cùng chung cấu thành Đông Dương thuộc Pháp.
3. Xem, thí dụ, A. G. Hopkins, biên tập, Globalization in World History (London, 2002).
4. C. A. Bayly, “Informing Empire and nation: Publicity, Propaganda and the Press 1880-1920”, trong quyển Information Media and Power Through the Ages, biên tập bởi Hiram Morgan (Dublin, 2001), 180.
5. Ian Steele, The English Atlantic 1675-1740: A Study in Communications and Community, (New York, 1986).
6. Bayly vay muơn ý tưởng về một “trật tự truyền thông” từ Manuel Castells, The Informational City: Information Technology, Economic Restructuring and the Urban Regional Process (Oxford, 1989).
7. Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, (London, 1991).
8. Denys Lombard, “Networks and Synchronisms in South East Asian History”, Journal of South East Asian Studies 26,1 (March 1995), 10-11.
9. Cùng nơi dẫn trên, trang 11.
10. Cùng nơi dẫn trên, các trang 14-15.
11. Henri Mouhot, Travels in Siam, Cambodia and Laos 1858-1860, (Singapore 1989).
12. Bernard Groslier, Indochina , phiên dịch bởi James Hogarth, (Cleveland, 1966), trang 157.
13. L’École Franҫaise d’Extrême-Orient depuis son origine jusqu‘en 1920’, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient 21 (1922), 3.
14. Cùng nơi dẫn trên.
15. Groslier, đã dẫn, trang 157.
16. Henri Parmentier, Guide au musée de l’École Franҫaise d‘Extrême-Orient, (Hà Nội, 1915), 2.
17. Cùng nơi dẫn trên, trang 5.
18. Cùng nơi dẫn trên, trang 7.
19. Gwendolyn Wright, The Politics of Design in French Colonial Urbanism (Chicago, 1991), các trang 193-199.
20. Sách báo về chủ nghĩa thực dân và các bảo tàng viện có rất nhiều.  Tập khảo luận này chịu ảnh hưởng của các bài viết “The Transformation of Objects into Artifacts, Antiquites, and Art in Nineteenth-Century India” của Barnard Cohn, trong quyển Colonialism and Its Forms of Knowledge: The British in India (Princeton, 1996), 76-105.
21. Groslier, sách đã dẫn, trang 191.
22. David Chandler, A History of Cambodia, 2nd ed., (Chiang Mai, 1996), trang 151.
23. Les civilizations de l’Indochine et l’École Franҫaise d’Extrême-Orient (Hà Nội, 1941), các trang 11-12.
24. Xem, thí dụ, Henri Maspéro, “Études d’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient 16 (1916), 1-55; và 18 (1918), 1-36; Émile Gaspardone, “Materiaux pour server a l’histoire d’Annam”, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient 29 (1929), 63-106; “Bibliographie annamite”, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient 34 (1934), 1-172.  Rất tiếc không có đủ chỗ ở đây để thảo luận về các công trình này một cách sâu rộng.
25. Ian Glover và Belinda Syme, “The Bronze Age in South East Asia: Its Recognition, Dating and Recent Research”, Man and Environment XVIII, 2 (1993), 41.
26. Nguyễn Duy Hinh, “Bronze Drums in Vietnam”, Vietnam Forum 9 (1987), 1-2.
27. Franz Heger, “Sur d’anciens tambours de metal du Sud-est Asia”, trong quyển Premier congrès international des etudes d’Extrême-Orient Hanoi (1902), Compte rendu analytique des séances premiere, (Hà Nội, 1903), 89-91.
28. Cùng nơi dẫn trên, trang 2.
29. Cùng nơi dẫn trên, các trang 2-3.
30. Cùng nơi dẫn trên, các trang 119-121.
31. Gyan Prakash.  “Writing Post-Orientalist Histories of the Third World: Perspectives from Indian Historiographe”, Comparative Studies in Society and History 32, 2 (April 1990), 384.
32. Muốn có một thư tịch sâu rộng về học thuật thời kỳ thuộc địa, kể cả công trình của các học giả ban xứ, xem Louis Bezacier, Archéologie au Việt-Nam d’après les travaux de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient, (Sàigòn, 1959), 27-50.
33. Partha Chatterjee, Nationalist Thought and the Colonial World: A Derivative Discourse? (Delhi, 1986).
34. Muốn có sự thảo luận nhiều hơn về khảo cổ của mẫu quốc Pháp, xem Alain Schnapp, “French Archaeology: Between National Identity and Cultural Identity” trong sách biên tập bởi Margarita Diaz-Andreu và Timothy Chapmen, Nationalism and Archaeology in Europe (London, 1996); Franҫoise Audouze và André Leroi-Gourhan, “France, A Continental Insularity”, World Archaeology 13,2 (1981), 170-189; Michael Dietler, “Our Ancestors the Gauls”; Archaeology, Ethnic Nationalism, and the Manipulation of Celtic Identity in Modern Europe”, American Anthropologist 96 (3), 584-605.
35. Glover and Syme, đã dẫn trên, trang 43.  Các nguồn tài liệu cung ứng không cho phép bình luận về tầm mức mà các người phụ tá bản xứ đã tham dự trong các cuộc khai quật khảo cổ do người Pháp cầm đầu, mặc dù không phải là không hợp lý để giả định rằng họ đã đóng giữ một số vai trò.
36. Victor Goloubew, “L’âge du bronze au Tonkin et dans le Nord Annam”,  Bulletin de l’École Franҫaise  d’Extrême-Orient 29 (1929), 1 - 46.
37. Victor Goloubew, “Sur l’origine et la diffusion des tambours métalliques”, trong quyển Praehistorica Asiae Orientalis: Premier Congrès des Préhistoriens d’Extrême-Orient, Hanoi 1932 (Hà Nội, 1932), 137-150.
38. P. I. Boriskovskii, “Vietnam in Primeval Times I”, Soviet Anthropology and Archaeology (1966), 25, 29.
39. F. N. Chasen và M. W. F. Tweedie, đồng biên tập, Proceedings of the Third Congress of Prehistorians of the Far East, Singapore 24th January – 30th January 1938 (Singapore, 1940).
40. Tóm lược các Tham Luận Được Trình Bày tại Hội Thảo Khoa Học Thái Bình Dương Lần Thứ Tám và Hội Nghị Về Tiền Sử Viễn Đông Lần Thứ Tư (The Eighth Pacific Science Conference and the Fourth far Eastern Prehistory Congres, November 16-18, 1953 (Quezon City, 1953).
41. Groslier, đã dẫn trên, trang 160.
42. Olov Janse, Archaelogical Research in Indo-China, 3 vols. (Cambridge, 1941 và 1947; Bruges, 1958).
43. Janse, đã dẫn trên, tập 3, trang 91.
44. Cùng nơi dẫn trên.
45. Cùng nơi dẫn trên.
46. Torbjorn Lodén.  “Swedish China Studies on the Threshold of the 21st Century”, Tham luận trình bày tại Đai Học Trung Hoa tại Hồng Kông (The Chinese University of Hong Kong), 28 Tháng Chín 1998.
47. Bernhard Karlgren, “The Date of the Early Đông Sơn Culture”, Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities XIV (1942), 24-25.
48. Các kết luận của tác giả Heine-Geldern được ấn hành trong một số bài viết trên nhiều tập san khác nhau, và chính yếu bằng tiếng Đức.  Có lẽ lý thuyết gây nhiều tranh luận nhất của ông về sự khuếch tán và di trú tại Đông Nam Á sẽ được nhận thấy trong bài “Urheimat und fruheste Wanderungen der Austronesier”, Anthropos 27 (1932), 543-916.  Cũng xem Robert von Heine Geldern, “Prehistoric Research in the Netherlands Indies” trong quyển Science and Scientists in the Netherlands Indies, đồng chủ biên bởi Pieter Honig và Franz Verdoorn (New York, 1945), 147.
49. Sự tuyên bố bằng Anh ngữ quan trọng nhất về khảo hướng của Ratzel là tác phẩm The History of Mankind của ông, phiên dịch bởi A. J. Butler, (New York, 1896).
50. Marvin Harris, The Rise of Anthropological Theory, (New York, 1968), 373.
51. Cùng nơi dẫn trên.
52. Cùng nơi dẫn trên.
53. Cùng nơi dẫn trên, trang 384.
54. Cùng nơi dẫn trên.
55. Cùng nơi dẫn trên.
56. Các đồ đồng Đông Nam Á tạo thành các phần của một số sưu tập của Âu Châu, đặc biệt là tại Stockholm [Thụy Điển] và Vienna [Áo], mà cả Karlgren và heine-Geldern đề lần lượt được tiếp cận.  Rất tiếc không thể truy tìm được sự lưu hành của các tạo phẩm này, hay ảnh hưởng của chúng trên học thuật cho các mục đích của việc viết khảo luận này.
57. Bruce Trigger, “Alternative Archaeologies: Nationalist, Colonialist, Imperialist”, Man, 19 (1984), 363.
58. Glyn Daniel, The Idea of Prehistory, (London, 1962), 82-91.
59. Henri Maspéro, “Études d’histoire d’Annam, IV.  Le royaume de Văn Lang”, Bulletin de l’École Franҫaise d’Extrême-Orient 18 (1918), 1-10.
60. Sự lượng định của Maspéro không hoàn toàn hợp lý bởi Hán tự cho chữ Hùng và chữ Lạc chỉ khác nhau phần viết bên tay trái.  Khả tính ở mức tối thiểu cho một sự sai lầm về ký âm.
61. Yamamoto Tatsuro.  “Myths Explaining the Vicissitudes of Political Power in Ancient Viet Nam”, Acta Asiatica (Bulletin of the Institute of Eastern Culture, Tokyo) 18 (1970), 70 – 94.
62. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, “Lạc Vương, chứ không phải Hùng Vương”, Tri Tân, Tạp chí Văn hóa ra Hàng Tuần, Số 9, (1 August 1941), 1-2.
63. David Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, (Berkeley, 1981), 279.
64. Cùng nơi dẫn trên, chú thích số 88.
65. Cùng nơi dẫn trên.
66. Cùng nơi dẫn trên,  trang 280.
67. Cùng nơi dẫn trên.
68. Sự thảo luận trước đây của Phạm Quỳnh dựa trên Tai [?, không rõ nghĩa, ND], đã dẫn trên, 46-49; và Marr, đã dẫn trên, 153-154.
69. Vô Danh, “Les découvertes préhistoriques au Tonkin”, Tạp chí Nam Phong, XXIII, 133 (1928): 28-30.
70. Ứng Hòe, “Histoire et archeology de l’Annam-Champa: À propos d’un livre recent”, Tạp chí Nam Phong, XXVIV, 201 – 202 (1934), 33 – 37.  Ứng Hòe là bút hiệu của Nguyễn Văn Tố, xem chú thích số 61 ở trên, và cũng xem Phạm Thị Ngoạn, “Introduction au Nam Phong (1917 – 1934), Bulletin de la Société des Études Indochinoises, Nouvelle-Série XLVIII (2-3), 380.
71. Shawn McHale, “Printing and Power: Vietnamese Debates over Women‘s Place in Society, 1918 – 1934”, trong Essays into Vietnamese Pasts, K. W. Taylor và John K. Whitmore, đồng chủ biên, (Ithaca, New York, 1995), 232-245.
72. Muốn có sự thảo luận đầy đủ nhất được cung ứng về lãnh vực công tại Việt Nam trong thời kỳ thuộc địa, xem Shawn Frederick McHale, Print and Power: Confucianism, Communism, and Buddhism in the Making of Modern Vietnam, (Honolulu, 2003).
73. Marr, đã dẫn trên, 34.
74. Nguyễn Văn Ký, La société Vietnamienne face à la modernité: Le Tonkin de la fin du XIXe siècle à la second guerre mondial.  (Paris, 1995), 56 – 57.
75. Marr, đã dẫn trên, 46-51.
76. Các sự phát biểu cổ điển về sự phát triển lãnh vực công và các hậu quả xã hội của việc ấn loát tại Tây Âu được tìm thấy nơi Jurgen Habermas, The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry into a Category of Bourgeois Society, phiên dịch bởi Thomas Burgur với sự trợ giúp bởi Frederick Lawrence (Cambridge, 1989); và Elisabeth Eisenstein, The Printing Press as an Agent of Change (Cambridge, 1979).
77. Charles Robequain, The Economic Development of French Indochina.  Phiên dịch bỏi Isabel A. Ward.  (London, 1944), 94.
78. David Del Testa, “Imperial Corridor”: Association, Transportation and Power in French Colonial Indochina”, Science, Technology & Society 4, 2 (1999), 321.
79. Exposition Colonial Internationale de Paris, Commissariat Général.  Indochine: documents officiels.  (Paris, 1931). 62.
80. Annuaire statistique de l’Indochine, Onizieme volume, 1943-1946.  (Sàigòn, 1948), 131.
81. Trái với thông lệ, “Đảng Lao Động” được dịch ở đây là “Labour Party” thay vì “Workers’ Party”, bởi từ lao động để chỉ labour hơn là các workers (công nhân).
82. Kỷ niệm năm thứ 20 quyết định của Trung ương Đảng thành lập Ban Nghiên Cứu Lịch Sử, Địa lý, Văn học”, Tập san Nghiên cứu Lịch Sử 152 (Tháng Mười 1973), 1-4.
83. Hà Văn Tấn, “30 năm Viện Khảo cổ học”, Tạp chí Khảo Cổ Học (Tháng Chín 1998), 3-7, và Hà Văn tấn, “Tạp chí Khảo cổ học tròn 30 tuổi, Tạp chí Khảo Cổ Học (Tháng Mười Hai, 1999), 3-4.
84. Về văn hóa và chính trị trong thời kỳ sau độc lập, xem Kim N. B. Ninh, A World Transformed: The Politics of Culture in Revolutionary Vietnam, 1945-1965, (Ann Arbor, 2002).
85. Maspéro, đã dẫn trên.
86. Trần Quốc Vượng.  “Về danh hiêu “Hùng Vương”, trong bộ “Hùng Vương Dựng Nước, Tập 3, biên tập bởi Ủy ban khoa học xã hội, 353-355.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1973.
87. Đào Duy Anh.  “Văn hóa Đông Sơn hay văn hóa Lạc Việt”, Tập san Sử Địa 1 (Tháng Sáu, 1954), 14-29.
88. Muốn có một sự thảo luận đầy đủ hơn về điểm này và các khía cạnh liên hệ, xem Patricia Pelley, Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past.  (Durham and London, 2002), 147-157; và đặc biệt liên hệ đến khảo cổ học, xem Haydon L. Cherry, Excavating the Foundations of Identity: Archaeology and nationalism in Vietnam.  Luận án Cử Nhân (Danh Dự) chưa ấn hành.  South East Asia Studies Programme, National University of Singapore, 2002.
89. Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Lịch Sử Việt Nam, Tập I.  Hà Nội: Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1971.
90. Edward Said, Orientalism, (New York, 1979).  Tác giả Tony Ballantyne chứng tỏ diểm này một cách quả quyết trong quyển Orientalism and Race: Aryanism in the British Empire, (Basingstoke, 2002).
91. Susan Bayly, “Racial Readings on Empire: Britain, France, and Colonial Modernity in the Mediterranean and Asia”, trong quyển biên tập bởi Leila Tarazi Fawaz và C. A. Bayly, Modernity and Culture: From the Mediterranean to the Indian Ocean, (New York, 2002), 285-313./-
_____
Người dịch: Ngô Bắc
Nguồn: Heydon L. Cherry, Social Communication And Colonial Archaeology In Việt Nam, New Zealand Journal of Asian Studies 6, 2 (December 2004): các trang 111-126./gio-o.com