6 tháng 12, 2011

ĐỊA DANH HỒNG NGỰ

Nguồn: Hội Sử học Đồng Tháp

Theo yêu cầu của Sở Nội Vụ Đồng Tháp, Hội Sử học Đồng Tháp, xin cung cấp một số thông tin về nguồn gốc của địa danh và sự thay đổi địa giới Hồng Ngự như sau:
1- Truyền thuyết dân gian cho rằng Hồng Ngự bắt nguồn từ tên gọi “Hùng Ngự” – nơi những người hùng cư ngụ. Những người hùng chính là những người đến đây khai phá đầu tiên, phần lớn là dân “trốn xâu, lậu thuế”, dân “cứng đầu, bất trị”. Đó là những người chống đối chế độ phong kiến bằng biện pháp tiêu cực. Họ rời quê cũ, nơi bị áp bức bóc lột, tìm đến đây xây dựng cuộc sống mới. Sau một thời gian vật lộn với thiên nhiên, họ đã thật sự làm chủ vùng đất mới này nên được người nơi khác gọi là vùng đất “Hùng Ngự”.
Thực dân Pháp đến lo ngại vùng đất và con người nơi đây. Vì vậy, đầu thế kỷ XX, họ đã cải danh thành “Hồng Ngự”.
2- Theo Đại Nam thực lục, dưới thời Gia Long (1802-1820), nhà nước phong kiến nhà Nguyễn có thành lập hai đội binh mang phiên hiệu Hùng Ngự 1 và Hùng Ngự 2 phụ trách an ninh biên giới Tây Nam của Nam Bộ. Đội Hùng Ngự 1 đóng cách vàm rạch Đốc Vàng Thượng 10 trượng, gọi là thủ sở “Hùng Ngự”. Đội Hùng Ngự 2 đóng ở phía Tây vàm sông Lễ Công (sông Ông Chưởng).
Năm 1818, để ổn định biên giới, vua Gia Long cho dời đạo thủ Tân Châu lên cù lao Long Sơn (cù lao Cái Vừng tức Long Thuận, Phú Thuận bây giờ), dời đạo thủ Chiến Sai (vùng Kiến An ngày nay) đến vàm trên sông Hiệp Ân (tức sông Sở Thượng, đồn biên phòng 913 hiện nay) và thủ sở Hùng Ngự ở Đốc Vàng Thượng được dời lên bờ dưới vàm sông Hiệp Ân (tức ngay thị trấn Hồng Ngự bây giờ).
Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, tại đây – phía đông sông Hiệp Ân – có xây một thành bằng đất, gọi là thành đất Hùng Ngự, chu vi 36 trượng 2 thước, cao 4 thước, có hai cửa. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), tại đây có đặt trạm quan thuế.
Trong quá trình giao tiếp, theo qui luật thuận thịnh âm, qua năm tháng Hùng Ngự được nói trại đi trở thành Hồng Ngự, cũng như Câu Lãnh trở thành Cao Lãnh.
Như vậy, cũng như Thông Bình, Tân Châu, Chiến Sai… , Hùng Ngự ban đầu là phiên hiệu của một thủ sở biên phòng ngày xưa, khi dời chỗ mới vẫn giữ nguyên tên cũ và lâu ngày trở thành địa danh.
3- Cũng như tất cả các huyện phía Bắc sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp ngày nay, từ ngày khai hoang lập ấp đến khi bị thực dân Pháp chiếm đóng (1862), trong đó có phần đất liền của Hồng Ngự đều nằm trong tỉnh Định Tường, thuộc phủ Kiến Tường, huyện Kiến Phong; còn phần đất các cù lao lại thuộc phủ Tân Thành, huyện Đông Xuyên, tỉnh An Giang.
4- Từ năm 1876 đến 1989, địa giới hành chánh Hồng Ngự thay đổi như sau:
- 1876-1899: phần đất các cù lao thuộc khu tham biện (còn gọi là khu thanh tra) Tân Thành, còn phần đất liền thuộc khu tham biện Cần Lố.
- 1900: khi khu tham biện đổi thành tỉnh, quận Hồng Ngự (bao gồm cả phần đất cù lao) thuộc tỉnh Châu Đốc cho đến 1954.
- Đầu năm 1948: để phù hợp với sự chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp, ta chủ trương thành lập tỉnh Long Châu Tiền; quận Hồng Ngự thuộc tỉnh Long Châu Tiền.
- Tháng 10 năm 1949: ta ghép Hồng Ngự với Tân Châu thành huyện Tân Hồng, thuộc tỉnh Long Châu Tiền.
- Tháng 6 năm 1951: ta thành lập tỉnh Long Châu Sa; huyện Tân Hồng thuộc Long Châu Sa (Long Xuyên - Châu Đốc – Sa Đéc).
- Tháng 10 năm 1954: ta tách Long Châu Sa ra làm 3 tỉnh: Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc; Hồng Ngự nằm trong sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Châu Đốc.
- Tháng 2 năm 1956: chính quyền Ngô Đình Diệm cắt ba quận Hồng Ngự, Cao Lãnh, Phong Thạnh Thượng và bốn xã phía Bắc quận Cái Bè để thành lập tỉnh Phong Thạnh.
- Tháng 10 năm 1956: đổi tên thành Kiến Phong cho đến 30/4/1975.
- Đầu năm 1957, Khu ủy Khu 8 chủ trương thành lập Tỉnh ủy Kiến Phong: Hồng Ngự thuộc tỉnh Kiến Phong.
- 1962: ta ghép hai huyện Hồng Ngự và Thanh Bình thành huyện Thanh Hồng. Chưa đầy một năm lại tách ra, trở về với tên cũ Hồng Ngự, cũng thuộc tỉnh Kiến Phong.
- Giữa năm 1974: ta tái lập tỉnh Long Châu Tiền: Hồng Ngự thuộc tỉnh Long Châu Tiền.
- Cuối 1975 đến đầu 1976: Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp.
- Tháng 8/1989: Hồng Ngự tách 5 xã để thành lập huyện mới Tân Hồng. Phần còn lại như huyện Hồng Ngự ngày nay./-