5 tháng 12, 2011

KHÁI NIỆM “ĐỨC” TRONG TƯ TƯỞNG KHỔNG TỬ QUA “LUẬN NGỮ”

                                                                       Nguyễn Thị Kim Bình
                                                                            Đại học Đà Nẵng
TÓM TẮT
          Quan niệm về Đức là cơ sở quan trọng tạo nên tư tưởng đức trị của Khổng Tử. Khổng Tử coi đức là gốc của con người, coi hiếu đễ là gốc của đức. Quan niệm về "đức" của Khổng Tử trong "Luận ngữ" rất sâu sắc và phong phú. Đức không chỉ là thiện đức mà chủ yếu là hành động, là lời nói đi đôi với việc làm. Khổng Tử quan niệm đức với tài phải đi đôi với nhau, nhưng đức phải là gốc. Lòng tin mãnh liệt vào thiện đức của con người chính là cơ sở của đường lối đức trị Khổng Tử.
ABSTRACT
          The concept of Morality is the essence of Khong Tu's moral-governing ideology. According to Confucius, morality is the root of human beings, and piety is the basis of morality. Morality is not only good virtue but principally action. He advocates that words must go hand in hand with deeds and that virtue must be paralled with capability, but virtue must be taken as the root. Belief in people's kindness is the source of Confucius's moral- governing ideology.
1. Đặt vấn đề
Nếu như triết học phương Tây thiên về hướng ngoại, với xu hướng tập trung nghiên cứu thế giới vật chất để nhận thức thế giới và cải tạo thế giới, thì triết học phương Đông nói chung và Nho học nói riêng thiên về hướng nội, nghiên cứu con người và thế giới nội tâm của con người và từ đó đi đến các vấn đề xã hội. Bởi vậy, không có gì là lạ khi ta thấy Nho học xem con người là hạt nhân, là đối tượng để nghiên cứu chủ yếu. Đường lối "đức trị" của Khổng Tử đã thống trị trong xã hội phong kiến Á Đông hàng nghìn năm lịch sử và tạo nên một truyền thống lớn của văn hoá Á Đông. Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày nay, vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống trong đó có tư tưởng đức trị của Nho giáo có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy nội lực của con người Việt Nam để tiến cùng thời đại. Đến hiện đại từ truyền thống không thể không nghiên cứu và làm rõ những giá trị đích thực của truyền thống từ góc nhìn hiện đại. Để hiểu rõ tư tưởng đức trị của Nho giáo không thể không bắt đầu từ những khái niệm cơ bản của nó. Một trong những khái niệm cơ bản làm nền tảng cho đường lối "đức trị" của Nho giáo là phạm trù Đức trong tư tưởng Khổng Tử. Nghiên cứu và làm rõ những tư tưởng sâu sắc về Đức của Khổng Tử chính là cơ sở để chúng ta nhận rõ đường lối "đức trị" của Nho giáo.
2. Quan niệm về "đức" của Khổng Tử
Đọc Luận Ngữ chúng ta thấy hầu như mọi tư tưởng, mọi luận bàn của thầy trò Khổng Tử đều xoay quanh đường lối "Đức trị", vậy trước hết ta hãy xem Khổng Tử đã quan niệm về "Đức" như thế nào"?
Với Khổng Tử đạo đức là gốc của con người, nói đến con người trước hết là nói đến đạo đức. Đúng như thiên "Học Nhi" - sách Luận ngữ đã viết: "Làm người có nết hiếu, đễ thì ít ai dám xúc phạm bề trên. Không thích xúc phạm bề trên mà thích làm loạn thì chưa từng có. Người quân tử chăm chú vào việc gốc, gốc mà vững thì đạo đức sinh ra. Hiếu, đễ là cái gốc của đức nhân..." [1].
Trước thời Khổng Tử đã xuất hiện khái niệm quân tử. "Nhưng thời đó nó trỏ cái địa vị trong xã hội, chứ không trỏ cái phẩm tính con người. Người có phận cao (tối đại đa số ở trong giai cấp quý tộc) cai trị dân, có đức hay không đều gọi là quân tử" [2]. Đến thời mình, Khổng Tử đã đề ra những tiêu chuẩn về tài đức, về tư cách phẩm chất để thành người quân tử đáng được nắm quyền trị dân, nhờ đó tiếng quân tử không còn thuần tuý chỉ người cầm quyền như trước nữa, mà chủ yếu là có nghĩa chỉ người có đức dù họ cầm quyền hay không.
Như trên ta thấy, với Khổng Tử, hiếu, đễ là gốc của đạo đức. Làm người trước hết phải có hiếu nghĩa, phải đền ơn sinh thành. Chính vì vậy ông từng mắng Tể Dư là bất nhân, bất hiếu không nhớ công cha mẹ bồng bế ba năm, mà muốn rút thời gian để tang từ ba năm xuống một năm: "Dư là đứa bất nhân? Đứa trẻ sinh ra, sau ba năm cha mẹ mới thôi bồng bế. Dư nó có được cha mẹ bồng bế trong ba năm hay không?" [3]. Khổng Tử đề cao đức hiếu bởi vì làm người phải có lòng kính yêu cha mẹ và người thân trong nhà, thì mới biết yêu thương người ngoài, yêu thương đồng loại. Và làm người theo Khổng Tử trước hết phải có "đức", tu dưỡng "đức" rồi mới học văn. Đạo hiếu quan trọng như vậy, nhưng như thế nào là hiếu? Hãy xem Khổng Tử trả lời Tử Du hỏi về đạo hiếu: "Ngày nay người ta cho hiếu là có thể nuôi cha mẹ, nhưng đến chó ngựa kia người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có khác gì?"[4]. Như vậy, theo Khổng Tử, hiếu đức không phải chỉ là nuôi dưỡng cha mẹ mà là chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ với sự thành kính, sự yêu thương thật sự.
 Mặc dù coi trọng hiếu đức như vậy nhưng quan niệm của Khổng Tử không khắt khe, nghiệt ngã, một chiều mà rất đúng mực "Thờ cha mẹ, nên nhỏ nhẹ khuyên can; nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ; tuy khó nhọc, lo buồn nhưng không được oán hận" [5]. Có thể nói quan niệm này của Khổng Tử nếu đặt trong bối cảnh xã hội hiện đại vị tất đã lỗi thời mà vẫn gợi lên cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Sau hiếu, đễ, nói đến "đức" là nói đến tính thiện. Khổng Tử quan niệm: "Bản tính tốt chẳng phải học tập theo cổ nhân mà cũng tốt, nhưng không đạt được mức tinh vi của đạo". Người có "đức", có tính thiện thì "thấy việc thiện thì vội vàng như đuổi theo không kịp, thấy việc bất thiện thì như nhúng tay vào nước sôi" [6]. Nhưng điều chủ yếu "đức" không phải chỉ là thiện đức mà là hành động. Khổng Tử nói: "Biết (đạo lý) không bằng thích nó, thích nó không bằng vui làm theo nó" và "nghe được điều nghĩa mà không làm theo, có lỗi mà không sửa đổi đó là những mối lo của ta".
Như vậy, đức là lời nói đi đôi với việc làm đúng như Khổng Tử đã nói: "Người xưa thận trọng lời nói, sợ sẽ xấu hổ nếu nói mà không làm được" và "Người quân tử chậm chạp (thận trọng) về lời nói, mà mau mắn về việc làm".
Đọc "Luận ngữ", chúng ta thấy Khổng Tử nói rất nhiều đến "đức", nhất là "đức" của người cầm quyền. Song đáng chú ý là Khổng Tử quan niệm về "đức" không phải như một cái gì biệt lập mà là trong sự thống nhất chặt chẽ không tách rời với tri thức, tài năng. Quan niệm này thực sự nhất quán từ Khổng Tử đến các môn đệ của ông. Với Khổng Tử thì "chất phác thẳng thắn văn nhã thì là người quê mùa; văn nhã thẳng thắn chất phác thì là người chép sử (giữ việc văn thư); văn và chất đều nhau mới là người quân tử" [7]. Là người hết sức coi trọng đạo đức như vậy đương nhiên, trong hoạt động của mình Khổng Tử bao giờ cũng hành xử theo đúng những chuẩn mực đạo đức mà ông tôn thờ, coi trọng và ra sức tuyên truyền nó trong xã hội, cho dù đời ông như chúng ta biết hết sức long đong, lận đận. Khổng Tử cho rằng: "Người có đức thì không cô độc, tất có người đồng đạo kết bạn với mình như ở đâu thì có láng giềng ở đó" [8]. Với ông "sáng được nghe đạo lý, tối chết cũng được (không hận)". Bởi vậy, lẽ sống của Khổng Tử là "để tâm chí vào đạo, giữ gìn đức hạnh, nương theo điều nhân, vui với lục nghệ". Chính vì thế mà khi gặp nguy ở nước Tống bị quan tư mã là Hoàn Khôi tìm cách hãm hại, Khổng Tử thản nhiên nói: "Trời cho ta có phẩm đức, Hoàn Khôi làm gì được ta", hoặc khi ông đau nặng, Tử Lộ xin phép cầu đảo, Khổng Tử nói: "Khâu này cầu đảo từ lâu rồi" (ý nói ăn ở phải đạo thì chẳng cần phải cầu đảo). Thế mới biết ông tin và coi trọng đạo đức đến mức nào.
Điều dễ nhận thấy là tuy Khổng Tử nói nhiều về "đức", tin vào "đức" và đề cao về "đức" như vậy, nhưng ông cũng nhận thấy rằng, xã hội thời ông đang thiếu "đức" một cách nghiêm trọng. Chính là thực tế xã hội và cuộc sống đã khiến ông phải buông ra những lời than thở: "Ta chưa thấy ai hiếu đức bằng hiếu sắc", "Học ba năm mà không có ý cầu bổng lộc, dễ được mấy người?" và "Trung dung là đức cực đẹp vậy. Từ lâu rồi, người ta ít có đức đó". Ngay đối với lớp học trò được ông đào tạo theo lý tưởng đạo đức của mình, Khổng Tử cũng phải thừa nhận: "Anh Hồi (Nhan Uyên) lòng ba tháng không lìa đạo nhân, còn các anh khác chỉ được một ngày, một tháng là cùng". Có lần ông nói với Tử Lộ rằng: "... người biết đạo đức (nghĩa lý) ít lắm". Sống trong một xã hội "vô đạo", loạn lạc như vậy, một xã hội mà đầy rẫy những cảnh phản loạn, tàn bạo, dâm bôn, đạo đức suy vi, phần nhiều giả dối, nói mà không làm, nhưng Khổng Tử với lòng yêu thương con người thắm thiết, vẫn tin ở con người, tin ở học thuyết của mình có thể cứu vớt cuộc đời. Với ông: "Người ta không thể làm bạn với cầm thú; ta không sống chung với người trong xã hội này thì sống chung với ai? Nếu thiên hạ thịnh trị thì Khâu này cần gì phải đổi nữa?" [9]. Chính là trên cơ sở đó, mà Khổng Tử đã đề xuất đường lối "Đức trị" - đường lối trị nước bằng đạo đức mang đậm dấu ấn độc đáo của ông. Nguyễn Hiến Lê rất có lý khi nhận xét rằng: "Khổng Tử là người đầu tiên nói nhiều nhất đến tư cách người cầm quyền, đến bổn phận họ phải sửa mình, phải làm gương cho dân, phải giáo hoá dân. Ông không tách rời đạo đức và chính trị, ông đã đạo đức hoá chính trị. Và tất cả triết lý chính trị của ông gồm trong danh từ đức trị, mà danh từ này có nghĩa là người trị dân, phải trị dân bằng đức, chứ không bằng bạo lực..." [10].
Thật vậy, Khổng Tử thật sự tin rằng, "Làm chính trị (trị dân) mà dùng đức (để cảm hoá dân) thì như sao Bắc Đẩu ở một nơi mà các ngôi sao khác hướng về cả (tức thiên hạ về theo)". Cơ sở tư tưởng "Đức trị" của ông suy đến cùng là lòng thương yêu con người, lòng tin ở bản tính con người có thể cảm hoá được. Ông quan niệm phép trị dân "cần gì phải dùng biện pháp giết người?... Đức hạnh của người quân tử (người trị dân) như gió, mà đức hạnh của dân như cỏ. Gió thổi thì cỏ tất rạp xuống" [11]. Khổng Tử từng bảo với học trò: "Xử kiện thì ta cũng như người khác thôi; phải làm sao (dạy dân phải biết nghĩa vụ nhường nhịn) cho dân không kiện nhau (thì mới hơn chứ)".
Đọc "Luận ngữ" chúng ta thấy rõ, trước sau Khổng Tử chỉ tin vào đức chứ không tin vào "hình" bởi "dùng chính lệnh để dẫn dắt dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính". Tin vào "Đức trị" như vậy và cả đời ôm mộng cứu đời bằng "Đức trị" như Khổng Tử mà không có bậc vua chúa nào dung nạp. Khổng Tử thật sự tin rằng: nếu có ai dùng ông làm quốc chính" thì một năm kỷ cương đã khá, ba năm sẽ thành công". Tóm lại, với Khổng Tử, "Đức trị" có sức mạnh vạn năng. Đó là đường lối "dù không ra lệnh dân cũng theo", như vua Thuấn chỉ kính cẩn đoan trang ngồi trên ngai, chẳng làm gì mà thiên hạ bình trị.
3. Kết luận
Quan niệm về đức của Khổng Tử có nhiều ý tưởng sâu sắc và phong phú. Những quan niệm đó thể hiện lòng tin ở tính thiện của con người và chủ trương bồi dưỡng, phát huy thiện đức của con người. Từ quan niệm về đức Khổng Tử đi sâu bàn luận về nhân, lễ làm cơ sở cho đường lối đức trị của mình. Các nhà tư tưởng Nho giáo về sau đều coi tư tưởng về đức của Khổng Tử là nền tảng của đường lối đức trị. Quan niệm về đức của Khổng Tử không chỉ có ý nghĩa đối với xã hội cổ đại đương thời mà còn có ý nghĩa đối với xã hội ta ngày nay. Trong bối cảnh xã hội đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay, rất cần trở lại với những giá trị đạo đức truyền thống trong đó có tư tưởng đức trị Nho giáo. Quan niệm đức là gốc của con người và thiện đức phải biểu hiện ở hành động của Khổng Tử vẫn còn nguyên giá trị và rất cần được tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong xã hội ta ngày nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]               Doãn Chính (chủ biên), Đại cương triết học Trung Quốc, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997.[2]               Đoàn Trung Còn (dịch giả), Tứ Thơ, Luận ngữ, in tại nhà in riêng Trí Đức Tòng Thơ, SG, 1950.[3]               Đoàn Trung Còn, Chuyện đức Khổng Tử, NXB Văn hoá Thông tin, 1996.[4]               Quang Đạm, Nho giáo xưa và nay, NXB Văn hoá, Hà Nội, 1994.[5]               Nguyễn Hiến Lê (chủ dịch và giới thiệu), Khổng Tử, NXB Văn hoá, 1991, Tp. Hồ Chí Minh.[6]               Nguyễn Hiến Lê (chủ dịch và giới thiệu), Luận ngữ, NXB Văn học, 1995, Tp. Hồ Chí Minh.[7]               Nguyễn Hiến Lê, Nhà giáo họ Khổng, NXB TP HCM, 1992, Tp. Hồ Chí Minh.[8]               Nguyễn Tài Thư, Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.Chú thích:[1], [3], [4], [5], [6], [7], [8], [9], [10], [11] Nguyễn Hiến Lê (chủ dịch và giới thiệu), Luận ngữ, NXB Văn học 1995.[2], [10] Nguyễn Hiến Lê (chủ dịch và giới thiệu), Khổng Tử, NXB Văn hoá 1991.