29 tháng 12, 2011

PHƯƠNG SÁCH NGOẠI GIAO VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRONG NHẬN ĐỊNH CỦA YVELINE FÉRAY (KHẢO SÁT TRƯỜNG HỢP NGUYỄN TRÃI TRONG VẠN XUÂN)

                                                           Hoàng Thị Thanh Trà

Trong trường kì lịch sử, tồn tại bên cạnh một quốc gia hùng mạnh và nhiều khi tàn ác là Trung Quốc, để bảo đảm sinh mệnh của mình trên mọi phương diện: cương vực lãnh thổ, văn hóa... người Việt Nam luôn cố gắng tìm ra những phương sách quan hệ thích hợp: đối đầu, đối thoại, cứng rắn, uyển chuyển, nhưng nhìn chung là khôn khéo và cương quyết. Điều này không chỉ được nhận thức bởi những người Việt với tư cách là nạn nhân và chủ nhân của mối quan hệ ấy, mà có thể được nhận thức bằng những học giả, những nhà văn có quan tâm đến văn hóa và lịch sử Việt Nam. Yvelin Féray có thể coi là một trong những người có cái nhìn thấu suốt về chiến lược ngoại giao này. Thông qua hình tượng Nguyễn Trãi trong tiểu thuyết Vạn Xuân, bà đã phác họa được hình ảnh một dân tộc Việt Nam ngoan cường và khôn khéo, tự bảo vệ mình bằng phương sách ngoại giao lấy nhân văn làm tư tưởng và mục đích cốt lõi. Yveline trong tác phẩm của mình nhận thấy ở Nguyễn Trãi một khả năng ngoại giao đặc biệt và một tư tưởng ngoại giao hết sức tân kì, nhân văn: “Ngã mưu phạt tâm công, bất chiến tự khuất” (ta mưu đánh vào lòng người không chiến trận mà địch phải tự khuất - Bình Ngô đại cáo). Đó là cách thức “tác động đến trái tim quân địch để chúng quy hàng” hay cho rằng “việc tiêu diệt dục vọng xâm lược của kẻ thù còn quan trọng hơn chỉ lo tàn sát chúng nó”(tr727,729)(1). Như vậy, rõ ràng trong tư tưởng ngoại giao của Nguyễn Trãi không phải mục đích duy nhất là để giành thế áp đảo, chiến thắng quân thù mà ngoại giao để giảm thiểu tổn thất xương máu cho cả hai bên tham chiến, tiêu diệt dục vọng xâm lược của kẻ thù và đặt nền móng cho một nền hòa bình bền vững, lâu dài.
Trong một chiến trận nói chung và trong chiến tranh ngoại giao “biết mình biết người” là câu khẩu quyết làm nên chiến thắng. Có biết mình và hiểu người thì mới có khả năng vận dụng tâm lí chiến trong đấu tranh ngoại giao. Trong tình thế đạt được một số thắng lợi dầu không phải là quyết định nhưng nó có khả năng mở ra tình thế mới như trận Tốt Động, Xương Giang, nhân vật Nguyễn Trãi đã quyết định ứng dụng đường lối ngoại giao bằng thư. Vận dụng một cách linh hoạt điểm mạnh này, với tư tưởng ngoại giao đầy thiện chí thì theo cách nói của nhân vật Lê Lợi thì “mỗi lá thư của Nguyễn Trãi đáng giá cả một đạo quân”(765)
Với những lí lẽ thuyết phục kẻ thù, Nguyễn Trãi “đã dùng ngọn bút giao đấu một trận chiến lớn: đem nhân nghĩa chống lại sự tàn bạo, đem ánh sáng giọi vào chỗ tối tăm, đem thiện lương chống lòng gian trá, đem sự cao thượng chống lại sự đê hèn” (tr765) và cứ như vậy ông đã trở thành một chiến binh nghiên bút “có thể lật đổ thành lũy bằng vài nét chữ”(tr764). “Tâm thư ngỏ các đạo quân” và lá thư ngỏ với Vương Thông đã được Nguyễn Trãi thảo vào những năm Bính Ngọ (1426), Đinh Mùi (1427), cũng với nhiều những bức thư khác. Ở bức thư nào lời lẽ của ông cũng đầy tính thuyết phục vừa công vừa thủ, vừa trọng vừa khinh, vừa chặn nhưng cũng để lại những khoảng trống vừa đủ để kẻ thù có thể quy phục quay về với thiện lương.
Kết hợp chặt chẽ với sức mạnh quân sự, bằng tầm nhìn viễn thấu và khả năng chinh phục lòng người, nghệ thuật ngoại giao của Nguyễn Trãi là minh chứng hết sức thuyết phục cho sức mạnh của “chiến trường không tiếng súng” hay nói cách khác là “chiến tranh trong hòa bình”.
Điều khiến cho Yveline Féray chú ý trong việc xây dựng hình tượng Nguyễn Trãi - nhà ngoại giao kiệt xuất không phải chỉ ở chỗ, ông đã dùng ngòi bút tâm lý chiến để góp phần làm nên chiến thắng 15 vạn quân Minh xâm lược, mở ra một triều đại mới cho lịch sử nước nhà, mà quan trọng hơn ông đã góp phần định hình phong cách ngoại giao nhân văn với các nước lớn trong đó có Trung Quốc vốn có từ xưa ở Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử: “trong xã hội có giai cấp, nhất là thời phong kiến, quan hệ đối ngoại giữa các nước phổ biến là thứ quan hệ bất bình đẳng, cá lớn nuốt cá bé, nước lớn xâm lược nước nhỏ, chưa được thì bắt nước nhỏ phải làm chư hầu phiên thuộc, phải nộp cống phục dịch nước lớn. Quan hệ đối ngoại phạt giao được sử dụng để đe dọa, nạt nộ, lừa gạt bắt nước khác phải hàng phục, cống nạp, phải chịu sự thống trị của mình. Nếu thành công thì không phải vũ trang xâm lược, nếu không cũng tạo nên sự e sợ, giảm sút tinh thần chiến đấu khiến cho việc đánh cướp nước người được dễ dàng nhanh chóng.” (Binh pháp Tôn tử, thiên 3, mưu công)(2). Là nhà ngoại giao ngoài giỏi, hơn ai hết, Nguyễn Trãi là người hiểu rõ nhất điều này. Và nền hòa bình lâu dài của một đất nước có được hay không chính là nhờ sự khéo léo trong việc tạo và giải quyết tốt mối quan hệ không bình đẳng này. Mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã được Yveline khái quát: “Phải nói rằng đối với một người phương Tây thực khó mà hiểu được thấu đáo mối tương quan phức tạp giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đối với Trung Quốc, người anh cả phương Bắc, người dân Việt buộc phải sống chung đời đời kiếp kiếp, cái ông anh họ mà họ vừa phải đề phòng, vừa dàn xếp ổn thỏa, trong lúc họ vẫn chiến đấu. Trong mối tương quan ấy lòng ái quốc của nhân dân Việt Nam như được khích lệ, dựa trên nguyên tắc “nếu Trung Quốc là một thế giới thì Việt Nam cũng lại là một xứ sở”, người Việt Nam chiến đấu là chiến đấu cho làng mạc của mình để bảo vệ hàm răng đen và các phong tục tập quán của mình và mối tương quan ấy cũng là nơi biểu hiện một đường lối ngoại giao tinh tế một mặt thì không cho phép “làm mất mặt” người bạn phương Bắc và mặt khác giữa lòng những cơ cấu của một chế độ thực dân áp bức, mọi hình thức quyền lực đều được áp dụng chẳng thiếu một loại nào” (tr.11). Như vậy trong tác phẩm, nhân vật Nguyễn Trãi không đơn thuần là một chiến binh nghiên bút cả gan đối đầu với 15 vạn quân Minh xâm lược mà ông đang tự mình “mưu phạt tâm công” với một “nhân vật hoành tráng” là Trung Hoa. Trong cuộc chinh phục ngoại giao này, Nguyễn Trãi đã thể hiện một quan niệm nhân văn toàn diện trong cách nhìn về Trung Quốc.
Cụ thể, khi tiếp xúc với tướng Thái Phúc - một nhân vật “có nét duyên dáng của một phụ nữ kèm theo nét kiêu kì của một chúa tể rừng xanh” (tr834), Nguyễn Trãi đã không đánh đồng sự tha hóa của một số cá nhân, một số chế độ, một số triều đại với một đất nước. Trung Quốc thời nhà Minh có những bọn tham tàn như Vương Thông, Hoàng Phúc, Trần Trí, Liễu Thăng, đám trộm cướp như Mã Kì, Phương Chính, Sơn Thọ... nhưng cũng có những con người lịch lãm mang “tư chất Trung Hoa”, “tấm lòng tin tưởng vào Trung Hoa như Thái Phúc”. Ứng xử với Thái Phúc trong cuộc đấu tranh ngoại giao không chính thức đầu tiên, Nguyễn Trãi vừa rắn rỏi lên án tội ác, vừa lung lạc tinh thần người Trung Hoa bằng ý chí sắt đá, bằng lí lẽ thuyết phục và từng bước tạo ra những thuận lợi cho trước hết là đoàn người lưu đày và lâu dài hơn là thay đổi cách nhìn nhược tiểu đối với đất nước Việt Nam của người Trung Hoa. Nguyễn Trãi đã chỉ ra rằng, người Trung Hoa đã ứng xử không đúng đạo người quân tử vì vậy họ đáng thương bởi chính sự hiếu chiến của một người cầm đầu sẽ tạo nên sự tổn thất tinh thần cho vô số người dân Trung Quốc. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này, vừa mềm dẻo vừa rắn rỏi, Nguyễn Trãi đã khiến Thái Phúc kinh ngạc: “anh ta có cái khả năng đáng sợ là có thể dẫn dụ kẻ khác đến cái anh ta muốn mà họ không hay biết. Mọi lời lẽ anh ta mang đầy tính đạo đức thích đáng có tác dụng cảm hóa tâm hồn kẻ thù địch nhất đối với anh ta” (tr.434).
Nhân vật Thái Phúc trong tác phẩm không đơn thuần chỉ là một vị tướng giỏi, nhân nghĩa, hiểu lẽ phải một người đã từng được lịch sử ghi chép lại là đã quy hàng nghĩa quân Lam Sơn - những kẻ đối đầu với quân đội của chính ông - Quân Minh vì sức mạnh chinh phục nhân tâm của những bức thư Nguyễn Trãi, Thái Phúc còn được Yveline gửi gắm sứ mệnh là một tâm hồn, một ý chí, một văn hóa Trung Hoa thu nhỏ. Cuộc đối đầu giữa Nguyễn Trãi và ông chính là cơ hội để Nguyễn Trãi thể hiện được quan điểm ngoại giao của người Việt Nam với Trung Hoa, mà nhiều khi họ phải chấp nhận mối quan hệ vừa là đàn anh, vừa là láng giềng, vừa là bằng hữu, dẫu là trong mối quan hệ nào thì cũng luôn chứa đựng những nguy hiểm. Cuộc đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Thái Phúc mà tác giả đã dày công xây dựng không đơn thuần là câu chuyện giữa hai con người mà là cuộc chiến đấu tư tưởng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Lược bỏ hết tính chất võ biền của một cuộc chiến tranh quân sự, sự mềm dẻo, quyết liệt đầy trí tuệ trên bàn ngoại giao của Nguyễn Trãi đã làm cho vị thế, chiều sâu văn hóa của nước Việt Nam được khẳng định. Nhân vật Lê Lợi trong tác phẩm đã không tiếc lời khi dành cho Nguyễn Trãi những câu sau đây: “Nguyễn Trãi là một con người ngoại hạng có biệt tài về ngoại giao, có tầm nhìn chiến lược cao. Một lương tâm sống động khó lòng thoát khỏi sự chi phối của nó chính vì nó trong lúc mời gọi con người hướng thượng nhưng vẫn không hủy diệt những gì là nhân tính”.

----------------------------
(1). Tất cả trích dẫn tác phẩm trong bài viết này đều lấy từ Vạn Xuân, Nxb Văn học và SUDESTASIE, 2004.
(2). Lược sử ngoại giao Việt Nam các thời trước - Nguyễn Lương Bích Http://lichsư VN. info.