Phan Huy Lê
1. Cơ sở tư liệu và những ghi chép khác nhau về khởi nghĩa Mai Thúc Loan
Bộ sử xưa nhất của ta còn lưu truyền đến nay là
Đại Việt sử lược, biên soạn vào khoảng đầu thời Trần, không chép về nhân vật
Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông.
Bộ quốc sử đầu tiên
chép về ông là Đại Việt sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ do Ngô Sĩ Liên biên soạn,
được khắc in năm 1697, chỉ chép một đoạn rất vắn tắt :
« Năm Nhâm Tuất [1722]
(Đường Huyền Tông Long Cơ, Khai Nguyên năm thứ 10), tướng giặc là Mai Thúc Loan
chiếm giữ châu, xưng là Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp, Chân Lạp,
số quân nói là 30 vạn. Vua Đường sai Nội thị Tả giám môn Vệ tướng quân là Dương
Tư Húc và Đô hộ là Nguyên Sở Khách đánh dẹp yên được » 1. Rõ ràng Ngô Sĩ Liên đã tham khảo Đường
thư và thiếu tinh thần phê phán đến mức độ gọi Mai Thúc Loan là « tướng
giặc ».
Bộ quốc sử thứ hai là
Đại Việt sử ký tiền biên do Ngô Thì Sĩ biên soạn và con là Ngô Thì Nhậm dâng
lên vua Tây Sơn Nguyễn Quang Toản và được khắc in năm 1800 như bộ chính sử của
vương triều Tây Sơn. Về Mai Thúc Loan, bộ sử này chép : « Nhâm Tuất [722]
(Đường Huyền Tông Khai Nguyên năm thứ 10), bấy giờ người Hoan Châu là Mai Thúc
Loan chiếm cứ Hoan Châu, tự xưng Hắc Đế, bên ngoài liên kết với người Lâm Ấp,
Chân Lạp, quân số có tới 30 vạn. Quân nhà Đường sai Nội thị tả đô hộ là Nguyên
Sở Khách dẹp yên được. (Thúc Loan người Hương Lãm, huyện Nam Đường, nay có đến
thờ ở thôn chợ Sa tức là nhà ông. Tư Húc tính tàn nhẫn, bắt được tù binh hoặc
lột da mặt, hoặc bóc da đầu, mọi người đều khiếp sợ) » 2.
Bộ sử chép Lời bàn của
Ngô Thì Sĩ : « Đương lúc nội thuộc, Mai Hắc Đế ở Nam Đường khởi binh chiếm
giữ châu, không chịu sự trói buộc của bọn quan lại bạo ngược, cũng là tay lỗi
lạc trong bậc thổ hào. Thành công thì có Lý Bôn, Triệu Quang Phục, không thành
công thì có Phùng Hưng, Mai Thúc Loan, Họ đáng được nêu ra mà biểu dương. Nhưng
sử cũ lại chép là 'tướng giặc' là sai lầm. Cho nên [tôi] sửa lời văn mà chép
cho chữ 'dân châu' » 3. Ngô Thì Sĩ là nhà sử học có tinh thần
phê phán và đã đính chính những sai lầm trong sử cũ. Ông là tác giả bộ Việt sử
tiêu án, trong đó đã nêu lên và bình luận những sai lầm kéo dài trong chính sử.
Cũng với tinh thần đó, ông là người đầu tiên đã chỉnh sửa sai lầm của Ngô Sĩ
Liên gọi Mai Thúc Loan là « tướng giặc » và khẳng định vua họ Mai là một
thổ hào lỗi lạc.
Bộ quốc sử thứ ba là
Khâm định Việt sử thông giám cương mục biên sọan từ năm 1856 đến năm 1884 thời
Nguyễn và khắc in năm 1884. Về Mai Thúc Loan, bộ sử chép như sau :
« Năm Nhâm Tuất [722]
(Đường Huyền Tông năm Khai Nguyên thứ 10). Tháng 7, mùa thu, ở Hoan Châu, Mai
Thúc Loan giữ lấy châu, tự xưng đế. Nhà Đường sai bọn Nội thị Dương Tư Húc sang
đánh, phá được. Theo Đường thư, khoảng năm Khai Nguyên (713-741), An Nam có Mai
Thúc Loan làm phản, tự xưng Hắc Đế, chiêu tập quân 32 châu, ngoài liên kết với
các nước Lâm Ấp, Chân Lạp và Kim Lân, giữ vùng biển nam, quân số có đến 40 vạn.
Tư Húc xin đi đánh, chiêu mộ 10 vạn quân, cùng với Quang Sở Khách tiến quân
theo đường cũ của Mã Viện, nhân lúc bất ý sập đến đánh. Thúc Loan hoang mang
nao núng, không kịp mưu tính cách đối phó, bị thua to. Tư Húc mới chôn những
xác chết chung vào một nơi, đắp thành cái gò cao (kình quán) để ghi chiến công
của mình, rồi rút quân về » 4.
Bộ quốc sử thời Nguyễn
không chỉ tham khảo Đường thư và thư tịch Trung Quốc để chú thêm tiểu sử của
Dương Tư Húc, Quang Sở Khanh, lai lịch các nước Chân Lạp, Kim Lân, đường cũ của
Mã Viện, mà còn dựa vào tư liệu trong nước để chú về nguồn gốc quê quán của Mai
Thúc Loan là « người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc, thuộc Hoan Châu, bây giờ
thuộc huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thúc Loan người đen lắm nên
người Hoan Châu gọi là Hắc Đế. Nay còn vết thành cũ ở núi Vệ thuộc huyện Nam
Đường và có đền thờ ở xã Hương Lãm thuộc huyện ấy. Đền này được liệt vào hàng
đền thờ đế vương các triều đại ».
Những bộ sử sau đấy
như Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bản, Việt sử lược của Trần Trong
Kim... hay địa chí như Đại Nam nhất thống chí... đều dựa vào quốc sử để chép
văn tắt về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan như trên 5.
Các sách và giáo trình
lịch sử Việt Nam cho đến đầu những năm 70 thế kỷ XX đều chép về cuộc khởi nghĩa
Mai Thúc Loan trên cơ sở những nguồn tư liệu trên, cho rằng cuộc khởi nghĩa
bùng nổ năm 722, làm chủ châu Hoan và sau đó bị quân Đường đàn áp. Cũng có sách
cho rằng Mai Thúc Loan đã tiến quân ra bắc chiếm được phủ thành, làm chủ An Nam
một thời gian 6.
Năm 1964 Trần Bá Chí
công bố một số tư liệu khảo sát thực địa vùng Hà Tĩnh, Nghệ An gồm gia phả ở xã
Đông Liệt, văn tế, hát chầu, hai bài thơ chép trong Tiên chân báo huấn tân kinh
tại đền thờ Mai Hắc Đế, một số truyền thuyết dân gian... cùng một số di tích như
thành Vạn An, đền thờ Mai Hắc Đế, lăng mộ mẹ và cha con vua Mai ở Nam Đàn, Nghệ
An và một số di tích, truyền thuyết ở Mai Phụ, Hà Tĩnh...7. Khai thác nguồn tư liệu này, một số sách
sử làm rõ hơn nguồn gốc, quê hương Mai Thúc Loan, nhấn mạnh thành phần xuất
thân lao động nghèo khổ, coi chuyện đi phu gánh vải cống là nguyên do trực tiếp
khởi đầu cuộc khởi nghĩa, sau khi chiếm Hoan Châu xây dựng căn cứ Sa Nam, từ đó
mở cuộc tiến công làm chủ cả nước, nêu cao qui mô cuộc khởi nghĩa 8. Năm khởi nghĩa và thất bại vẫn coi là
năm 722. Nhiều nhà sử học tiếp nhận nguồn tư liệu dân gian này và bổ sung vào
công trình nghiên cứu thời Bắc thuộc. Sách giáo khoa phổ thông và đại học đều
viết theo nguồn tư liệu bổ sung này.
Năm 2003 trên báo Thế
giới mới đăng tải một số bài của Lê Mạnh Chiến 9 chất vấn và phê phán các nhà sử học, cho
việc cống vải trong thời Bắc thuộc là không có cơ sở khoa học vì vải vùng nam
Trung Quốc nổi tiếng, thời thuộc Đường việc vận chuyển quả vải tươi từ nước ta
về kinh đô Trường An không thể thực hiện được, coi Mai Thúc Loan cùng đoàn phu
chuyên chở vải cống bất bình nổi dậy là không đúng về nguyên nhân khởi nghĩa...
Năm 1997, Đinh Văn
Hiến và Đinh Lê Viên xuất bản sách Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử 10, đã có công thu thập các tư liệu liên
quan trong sử sách của ta, trong Tân Đường thư của Trung Quốc và tư liệu tại
các địa phương liên quan, từ đó đặt lại một số vấn đề như năm khởi nghĩa là năm
713 chứ không phải năm 722, qui mô rất lớn của cuộc khởi nghĩa, quốc đô Vạn An,
cuộc kháng chiến chống quân Đường... Cuốn sách đã thu hút được sự quan tâm của
một số báo chí và một số người quan tâm đến lịch sử dân tộc, nhưng cũng có
người coi đó là một cuốn sách kể chuyện nặng theo truyền thuyết nên chưa chú ý
đến đề xuất có tính khoa học của tác giả. Năm 2007 tác giả mở trang Web về Mai
Hắc Đế và khởi nghĩa Hoan Châu để vận động mở cuộc hội thảo về vấn đề này. Năm
2008 tác giả cũng đã viết thư cho Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề nghị Hội
cùng Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức cuộc hội thảo để xác minh và kết luận các vấn đề
đã được đặt ra về cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Thái độ của Hội Khoa học lịch
sử là luôn luôn khuyến khích, cổ vũ mọi sự tìm tòi, khám phá nhằm làm sáng rõ
các vấn đề của lịch sử dân tộc và sẵn sàng phối hợp với các tỉnh, thành phố,
các cơ quan khoa học tổ chức những cuộc hội thảo khoa học để góp phần xác minh
các vấn đề lịch sử khi đã hội đủ các điều kiện khoa học cần thiết. Vì vậy chúng
tôi rất hoan nghênh trường Đại học Vinh cùng Viện sử học đứng ra tổ chức cuộc
hội thảo về khởi nghĩa Hoan Châu ngày 8-11-2008 tại thành phố Vinh (Nghệ An).
Cũng nhân cuộc hội thảo này, tôi kiểm tra lại các nguồn sử liệu đã phát hiện và
cố gắng khai thác, thu thập thêm những sử liệu liên quan, nhất là trong thư
tịch cổ của Trung Quốc, để góp phần xác minh lại những vấn đề đã đặt ra về cuộc
khởi nghĩa Mai Thúc Loan.
Cách ghi chép và nhận
định về khởi nghĩa Mai Thúc Loan tuy còn nhiều điểm khác nhau, nhưng điều đáng
mừng là cơ sở tư liệu càng ngày càng được thu thập phong phú. Tựu trung gồm mấy
lọai chính sau đây :
- Tư liệu trong thư
tịch cổ của ta gồm cả chính sử, địa chí, văn bia, thần tích... Ngoài những bộ
sử cũ đã sử dụng từ lâu, gần đây được khai thác thêm có An Nam chí lược của Lê
Tắc, Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên với bài tựa đề năm Khai Hựu thứ nhất,
năm 1329 và phần "tục bổ", "tăng bổ", "tân đính"
về sau, trong đó có truyện "Hương Lãm Mai Đế ký".
- Tư liệu khảo sát và
thu thập tại Nghệ An, Hà Tĩnh và một số địa phương liên quan gồm di tích đền
thờ, thành lũy, thần tích, gia phả, truyền thuyết...
- Tư liệu trong thư
tích cổ của Trung Quốc, ngoài Cựu Đường thư và Tân Đường thư, cần tìm tòi và
khai thác thêm những tư liệu liên quan.
Trong nghiên cứu sử
học, công tác sưu tầm, giám định và xử lý sử liệu giữ vai trò rất quan trọng.
Mỗi loại tư liệu có đặc điểm riêng và do đó, giá trị thông tin cũng khác nhau.
Vì vậy chúng ta không thể tuỳ tiện sử dụng mọi thông tin của các loại tư liệu
khác nhau, nhất là khi giữa các loại tư liệu đó có sự khác biệt, mà nhất thiết
phải tiến hành phân tích, đối chiếu và rút ra những thông tin có độ tin cậy, có
giá trị khoa học trong khi xử lý sử liệu và tiếp cận đối tượng nghiên cứu. Đặc
biệt là mối quan hệ giữa truyền thuyết với lịch sử, vừa không đồng nhất truyền
thuyết với lịch sử, coi mọi tình tiết của truyền thuyết đều là lịch sử, vừa
không loại bỏ truyền thuyết như một nguồn sử liệu mang tính đặc trưng của văn
học dân gian cần khai thác theo yêu cầu của phương phương pháp luận sử học.
2. Về quê
hương và gia đình Mai Thúc Loan
Từ thế kỷ XIX,
sử quán triều Nguyễn đã ghi chú Mai Thúc Loan « người Mai Phụ huyện Thiên Lộc »
11. Căn cứ vào truyền thuyết, địa danh lịch
sử và thần tích địa phương, Mai Phụ là một địa danh vẫn tồn tại như một đơn vị
hành chính cơ sở cho đến thời Nguyễn. Theo Các tổng trấn xã bị lãm thì vào đầu
thời Nguyễn, Mai Phụ là một đơn vị hành chính cơ sở thuộc tổng Vĩnh Luật, huyện
Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An 12. Trong cải cách hành chính năm 1831 vua
Minh Mệnh chia đặt các tỉnh trong đó có tỉnh Hà Tĩnh gồm hai phủ Hà Hoa và Đức
Quang. Năm 1853 vua Tự Đức bỏ tỉnh Hà Tĩnh, lập đạo Hà Tĩnh gồm các huyện Thạch
Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Năm 1875 vua Tự Đức lập lại tỉnh Hà Tĩnh như cũ, huyện
Thiên Lộc năm 1861 đổi là Can Lộc. Trong Đồng Khánh địa dư chí biên soạn thời
Đồng Khánh (1866-1888), Mai Phụ đổi tên là xã Mai Lâm thuộc tổng Vĩnh Luật,
huyện Can Lộc, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An 13. Thời Pháp thuộc, cắt hai tổng Canh
Hoạch và Vĩnh Luật của huyện Can Lộc nhập vào huyện Thạch Hà. Từ đó làng Mai
Phụ thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Sau cải cách ruộng đất, Mai Phụ đổi tên
là Mai Thuỷ, rồi Mai Lâm thuộc xã Thạch Bắc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, từ
năm 2008 là xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Mai Phụ có thể hiểu
theo nghĩa là "Gò Mơ" (tức Gò cây mơ) nhưng cũng có thể hiểu là
"Gò họ Mai" như một loại địa danh chỉ các điểm tụ cư gắn với một dòng
họ cư trú lâu đời như Mạc Xá, Cao Xá, Dương Xá, Đàm Gia Loan... Theo kết quả
điều tra thực địa của Trần Bá Chí, Mai Phụ là một gò đất cao, cát trắng ở gần
biển, có tên nôm là Kẻ Mỏm, do họ Mai khai phá làm ruộng muối, gây dựng nên xóm
làng. Sau có nhiều họ đến cư trú như họ Hoàng, họ Nguyễn... và nay họ Mai chỉ
là một thành phần nhỏ 14. Như vậy Mai Phụ là Gò họ Mai và địa
danh lịch sử này cho thấy họ Mai đã khai phá, định cư lâu đời ở vùng đất này.
Theo Thiên Nam ngữ lục, một bản sử ca thế kỷ XVII, nhà mẹ Mai Thúc Loan gần
biển, làm nghề muối :
Nhà gần bể đã khổ thay, Mẹ làm hàng muối đêm ngày khổ thân 15.
Mai Phụ gần biển và
sông Hộ Độ là vùng sản xuất muối lâu đời. Theo truyền thuyết, vì mang thai
không chồng nên bà bị ruồng bỏ, phải trốn tránh, lưu lạc lên vùng Ngọc Trừng,
huyện Nam Đường, nay thuộc xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, sinh sống
bằng nghề lao động vất vả như hái củi, làm thuê. Mai Thúc Loan sinh ra trên đất
Ngọc Trừng, lên mười tuổi, mẹ mất sớm. "Mang thai thần kỳ" vốn là mô
típ thường thấy của văn hoá dân gian về nguồn gốc của một số nhân vật lịch sử.
Nhưng theo truyện Hương Lãm Mai Đế ký trong Việt điện u linh thì Mai Thúc Loan
có cha tên là Mai Sinh và mẹ họ Vương. Đấy là một khác biệt trong truyền thuyết
giữa các vùng mà sự xác minh không dễ dàng, thậm chí có thể coi như đặc trưng
lưu truyền với những biến thái mang tính địa phương của loại hình văn học dân
gian.
Điều cần lưu ý là theo
truyền thuyết thì Mai Thúc Loan sống lam lũ với nghề hái củi, chăn trâu, làm
thuê, nhưng có sức khoẻ phi thường và giỏi vật. Nhưng theo Việt điện u linh thì
sau khi mẹ mất, Mai Thúc Loan được người bạn của cha là Đinh Thế nuôi và gả con
gái là Tô Ngọc cho. Nhờ lao động, gia đình trở nên khá giả, « gia sản ngày một
nhiều, môn hạ ngày một đông », và khi chuẩn bị khởi nghĩa « thực khách
trong nhà thường có đến mấy nghìn người » 16 Việt điện u linh vốn là tác phẩm của Lý Tế
Xuyên với Bài tựa đề năm Khai Hựu thứ nhất tức năm 1328. Nhưng về sau tác phẩm
được "tăng bổ", "hiệu đính", "tân đính" thêm và
truyện Hương Lãm Hắc Đế ký nằm trong bản Tân đính hiệu bình Việt điện u linh do
Chư Cát Thị bổ sung với Bài tự dẫn viết năm Giáp Ngọ đời Cảnh Hưng thứ 35, tức
năm 1774. Chư Cát Thị hiệu đính và tăng bổ trên cơ sở « để tâm rộng tìm
các bậc ẩn dật, rộng nhặt khắp bách gia, đem đối chiếu so sánh, tìm ra phần chủ
chốt, phàm những mơ hồ khó kê khảo, nếu viết được thì viết vào, nếu bỏ được thì
bỏ đi, cốt sao cho ý tứ lưu loát, đầu đuôi khớp nhau, mach lạc liên tục để
thuận tiện cho việc xem, việc nghe vậy » 17. Như vậy truyện Mai Hắc Đế được bổ sung
theo phương thức sưu tầm và có phần chỉnh sửa theo quan niệm của tác giả. Chư
Cát Thị bổ sung truyện Mai Hắc Đế vào năm 1774 sau sự kiện lịch sử hơn nghìn
năm. Nhưng xét về nguồn gốc tư liệu vẫn là từ truyền thuyết dân gian hay dã sử
và có thể có một số tư liệu trong sử sách cổ và qua biên soạn của tác giả, đã
được văn bản hoá vào thế kỷ XVIII. Đấy cũng là những thông tin cần tham khảo,
nhưng nhất thiết phải đối chiếu với những nguồn tư liệu khác.
Tôi chưa rõ từ nguồn
tư liệu nào nhưng từ năm 1958 GS Đào Duy Anh đã coi Mai Thúc Loan là một
"hào trưởng" 18. Trong thư tịch cổ của Trung Quốc, chép
Mai Thúc Loan là "An Nam Man cừ" (Tân Đường thư, Q. 207; Tục tư trị
thông giám trường biên, Q. 279; Tống sử giám, Q.58; Tống danh thần tấu nghị, Q.
62), "An Nam thủ lĩnh" (Cựu Đường thư, Q. 184; Sách phủ nguyên qui,
Q.667; Quảng Tây thông chí, Q. 90), "An Nam tặc soái" (Cựu Đường thư,
Q. 8, khảo chứng); "An Nam nhân" (Tân Đường thư, Q. 5; Khâm định tục
thông chí, Q. 6). Các sách đều chép tên ông là Mai Thúc Loan, riêng Cựu Đường
thư chép là Mai Huyền Thành hay Mai Nguyên Thành 19. Trong các danh xưng trên thì đáng lưu ý
là "Man cừ", "thủ lĩnh" cho thấy trong mắt đối phương, Mai
Thúc Loan là một "tướng giặc" nhưng là người có uy tín, ảnh hưởng ở
An Nam, thuộc hàng thủ lĩnh của người Việt.
3. Nguyên
nhân khởi nghĩa và vấn đề cống quả vải
Sau khi công bố
những truyền thuyết về Mai Thúc Loan phải đi phu chuyển vải cống, đã vận động
đoàn phu nổi dậy chống Đường, thì nhiều sách đã bổ sung thêm tình tiết này vào
lịch sử. Từ đó có người nêu lên hai vấn đề :
- Phải chăng nguyên
nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ thu hẹp lại trong sự bất bình của đoàn
phu cống vải ?
- Chuyện nộp vải cống
có đáng tin hay không khi ở vùng nam Trung Quốc có nhiều loại vải ngon nổi
tiếng và ở nước ta, cây vải tập trung ở miền đông bắc đồng bằng và trung du Bắc
Bộ, trong đó vải Thiều là giống nhập từ nam Trung Quốc. Còn vùng Hoan Châu
(Nghệ An) thì không thể có loại vải ngon ?
Về nguyên nhân khởi
nghĩa, có lẽ không một nhà sử học hay người có hiểu biết về lịch sử lại có thể
nghĩ đơn giản rằng cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ xuất phát từ sự bất bình
của một đoàn phu gánh vải cống và như thế thì làm sao giải thích được sự tham
gia, hưởng ứng rộng rãi của các tầng lớp xã hội thời bấy giờ. Một số nhà sử học
đưa thêm truyền thuyết này, trong đó có tác giả nói rõ là theo truyền thuyết,
cũng chỉ bổ sung thêm một tình thế và nguyên do trực tiếp mà Mai Thúc Loan đã
khai thác để phát động cuộc khởi nghĩa. Tôi lấy ví dụ, trong cuốn Lịch sử Việt
Nam tập I, phần Bắc thuộc do cố GS Trần Quốc Vượng viết, chương về thời
Tùy-Đường (chương 8) đã dành mục "Đất nước ta dưới ách đô hộ của Tùy
Đường" để trình bày về tổ chức bộ máy đô hộ cùng các chính sách bóc lột,
vơ vét nặng nề của chính quyền Tùy, Đường rồi sau đó mới đến mục "Nửa sau
thế kỷ VIII : khởi nghĩa Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế", trong đó coi chế độ
đi phu cống quả vải như nguyên do trực tiếp bùng nổ cuộc khởi nghĩa 20. Vì vậy nếu tác giả nào đó qui nguyên
nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ vào sự bất bình, phản kháng của đoàn phu
cống vải thì dĩ nhiên là một sai lầm về lý luận cũng như thực tế lịch sử. Cuộc
khởi nghĩa Mai Thúc Loan có cội nguồn sâu xa trong chế độ bóc lột, áp bức của
nhà Đường, trong tình hình kinh tế xã hội và những mâu thuẫn giữa các tầng lớp
nhân dân ta với chính quyền đô hộ.
Còn việc trồng vải
thời bấy giờ đã có chưa thì không nên lấy bản đồ thực vật hiện đại để áp đặt
vào thời xa xưa, đã cách ngày nay hơn 12 thế kỷ. Theo kết quả khai quật khảo cổ
học thì trong một số di tích văn hoá Đông Sơn đã tìm thấy hạt vải cùng hạt
trám, hạt na, hạt cau 21... .Như vậy từ thời cổ đại, vào những
thế kỷ trước CN người Việt đã phát triển nghề làm vườn, trồng nhiều loại cây ăn
quả, trong đó có cây vải. Đại Việt sử lược có lẽ là bộ sử đầu tiên của nước ta
chép tên quả vải (lệ chi) vào năm Kiến Gia thứ 8 đời vua Lý Huệ Tông tức năm
1218 : « Vua ngự đến Cựu Kinh (tức Thăng Long) ăn quả vải » 22. Vào cuối thời Trần, trong các yêu sách
của nhà Minh có đòi hỏi cống nộp các giống cây quý trong đó có cây vải. Năm
1386 « nhà Minh sai Lâm Bột sang đòi cống các loại cây cau, vải, mít, nhãn
vì nội nhân Nguyễn Tông Đạo nói, hoa quả phương nam có nhiều thứ ngon. Vua sai
bọn viên ngoại lang Phạm Đình đem sang, nhưng những cây ấy không chịu được rét,
đi nửa đường đều chết khô cả » 23. Chính sử cũng ghi chép vào thế kỷ XV đã
có địa danh mang tên Lệ Chi viên (Vườn Vải, nay tại xã Đại Lại, huyện Gia Bình,
tỉnh Bắc Ninh), nơi năm 1442 vua Lê Thái Tông từ trần đột ngột và bọn quyền
thần đã lợi dụng dựng lên vụ án thảm khốc tru di cả nhà Nguyễn Trãi, một anh
hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá thế giới. Trong thư tịch cổ, từ Dư địa chí
của Nguyễn Trãi thế kỷ XV đã nói đến quả vải ở xã Quang Liệt, đạo Sơn Nam 24 đến Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thế
kỷ XVIII đã khẳng định "nước Nam nhiều vải nhất", nổi tiếng là vùng
An Nhân, huyện Đường Hào 25, Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn
thế kỷ XIX cũng nói đến quả vải như một đặc sản của vùng huyện Đường Hào, Đông
Triều 26...Như vậy cây vải đã có mặt ở nước ta từ
lâu đời, ít nhất là từ thời kỳ văn hoá Đông Sơn và đi vào địa danh lịch sử, thư
tịch cổ từ thế kỷ XIII, thế kỷ XV. Tất nhiên, bên cạnh cây vải bản địa, sau này
dân ta còn du nhập thêm giống vải Thiều ở miền nam Trung Quốc.
Trong lịch sử, bản đồ
thực vật, do thay đổi khí hậu kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng, môi trường,
sinh thái và sự thiên di của con người cùng sự di chuyển của loài chim, một số
động vật ăn hoa quả, sự phân bố các giống cây thường có sự thay đổi về địa bàn
theo hướng lan toả hay thu hẹp và cả sự chuyển dịch trung tâm. Biết bao dẫn
chứng có thể nêu lên như cây ngô, cây khoai tây, cây mít... trong quá khứ và
ngày nay thì sự mở rộng hay thay đổi địa bàn phân bố thực vật càng có nhiều
chuyển biến do những tiến bộ về khoa học và công nghệ cho phép con người dễ
dàng chọn và nhập giống cây trồng.
Ngày nay, tại Nghệ An,
Thanh Hoá nhiều vùng vẫn còn loại vải chua hay vải rừng, nhiều nhà vẫn trồng
trong vườn như một loại cây ăn quả, chứng tỏ vùng này từ xa xưa đã có cây vải,
chưa kể giống vải mới đưa từ bắc vào gần đây. Cho đến nay, dân vùng Nam Đàn xứ
Nghệ vẫn còn lưu truyền ba đặc sản quê hương qua câu "Nhãn lồng, vải tiến,
cá rô Bàu Nón" 27 nhưng không rõ vào thời gian nào. Như
vậy trên đất nước ta thì từ thời cổ đại, người Việt đã biết trồng vải và nghề
trồng vải phát triển liên tục cho đến ngày nay.
Trong thư tịch cổ của
Trung Quốc cũng ghi nhận, trong thời Bắc thuộc, từ thời Tây Hán, vải và nhãn là
những sản phẩm nổi tiếng Giao Chỉ và Cửu Chân. Sách Nam phương thảo mộc trạng
do Kế Hàm soạn năm Vĩnh Hưng thứ 1 (305) đời Tây Tấn (265-317), cho biết : «
Hán Vũ đế năm Nguyên Đỉnh thứ 6 (111 TCN) phá nước Nam Việt, xây dựng cung Phù
Lệ, tên Phù lệ là lấy tên lệ chi (cây vải) đặt cho, đem chuyển 100 cây vải từ
Giao Chỉ về trồng ở sân, nhưng không một cây nào sống. Sau nhiều năm liền đem
cây vải về trồng, cuối cùng chỉ có một cây hơi xanh tốt nhưng không có hoa quả.
Vua lấy làm tiếc vật quý và trong lúc buồn bực, sai giết người trông nom đến
mấy chục, rồi không trồng nữa và bắt cống nộp hàng năm (tuế cống) » 28.Vấn đề gây tranh cãi là Giao Chỉ ở đây
là quận Giao Chỉ miền bắc nước ta hay bộ Giao Chỉ bao gồm cả miền Lĩnh Nam ở
nam Trung Quốc. Triệu Đà sau khi đánh chiếm nước Âu Lạc, đã lập 2 quận Giao Chỉ
(Bắc Bộ) và Cửu Chân (bắc Trung Bộ). Năm 111 TCN nhà Hán đánh chiếm nước Nam
Việt, lập ra các quận Nam Hải, Thương Ngô, Quế Lâm, Hợp Phố, Châu Nhai, Đạm
Nhĩ, Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sáu quận trên là miền Lĩnh Nam và đảo Hải
Nam, ở nam Trung Quốc, riêng hai quận Châu Nhai, Đạm Nhĩ trên đảo Hải Nam đã
lập năm Nguyên Phong thứ 1 (110 TCN) 29. Quận Nhật Nam là miền bắc Lâm Ấp
(khoảng trung Trung Bộ từ Hoành Sơn đến Cù Mông) do quân Hán mới chiếm thêm năm
111 TCN. Năm Nguyên Phong thứ 5 (106 TCN) nhà Hán lập Giao Chỉ bộ quản lý cả 9
quận do chức Thứ sử đứng đầu 30. Như vậy sự việc cống vải từ Giao Chỉ do
Nam phương thảo mộc trạng chép vào năm Nguyên Đỉnh thứ 6 tức năm 111 TCN là
quận Giao Chỉ thuộc miền bắc nước ta, chứ không phải là bộ Giao Chỉ bao gồm cả
miền nam Trung Quốc lập sau đó 5 năm, vào năm Nguyên Phong thứ 5 tức năm 106
TCN. Hơn nữa, Cổ kim sử văn loại tùng còn chép thêm : « Ngụy Văn đế
(220-226) hạ chiếu cho quần thần rằng, quả phương nam, loại quý lạ là long
nhãn, lệ chi, lệnh hàng năm nộp cống là xuất từ Giao Chỉ, Cửu Chân » 31. Sự kiện này cũng được chép trong Nam
phương thảo mộc trạng 32. Như vậy cây vải không chỉ có ở Giao Chỉ
mà cả ở Cửu Chân và lệ cống vải bắt đầu từ Tây Hán, tiếp tục đến Nguỵ. Tư liệu
này cho biết thêm Cửu Chân tức vùng Thanh Nghệ Tĩnh hiện nay, thời đó đã có cây
vải và lệ cống vải bao gồm cả vùng này. Cây vải ở vùng Thanh Hoá, Nghệ An có
nguồn gốc lâu đời và sau này thoái hoá dần thành loại vải chua, vải rừng hiện
nay.
Chế độ cống nộp là một
phương thức bóc lột mà chính quyền đô hộ đã thực hiện từ thời thuộc Hán. Cống
phẩm bao gồm những loại sản vật quý như ngà voi, sừng tê, châu ngọc, hương
liệu... và cả một số sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới như cam, quít, nhãn, vải...
Các nguồn tư liệu thư tịch đáng tin cậy của Trung Quốc khẳng định chế độ cống
nộp các loại quả trên. Còn cách bảo quản và vận chuyển như thế nào thì tư liệu
không ghi lại và dĩ nhiên là cần nghiên cứu thêm, cần sự hợp tác liên ngành của
nhiều ngành khoa học liên quan, trong đó khai thác kinh nghiệm cổ truyền giữ
vai trò quan trọng. Trong lịch sử biết bao vấn đề do sử sách ghi chép và có di
tích còn tồn tại đến nay mà việc giải thích về kỹ thuật chế tác và công việc kiến
tạo vẫn là câu hỏi đang đặt ra cho khoa học với nhiều giả thuyết được nêu lên
như Kim Tự tháp ở Ai Cập, Vạn Lý trường thành ở Trung Quốc... Ngay ở nước ta
như thành Tây Đô (thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc, Thanh Hoá) chỉ xây trong ba tháng
năm 1397 với những khối đá trên dưới 10 tấn được chế tác, vận chuyển, xây dựng
như thế nào ; rồi tháp Chăm ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và dọc theo miền
trung và nam Trung Bộ, kỹ thuật sản xuất và ghép gạch đã thực hiện thế nào...,
cũng là những câu hỏi chưa có kết luận tuy một số khám phá và giả thuyết đã
được nêu lên.
Sau thời thuộc Hán,
chế độ phú thuế càng ngày càng phát triển và thu hẹp dần chế độ cống nộp. Thời
thuộc Đường, thực hiện chế độ tô-dung-điệu rồi chuyển sang chế độ lưỡng thuế,
nhưng chế độ lao dịch, cống nộp vẫn còn, kể cả cống quả vải. Nhưng theo kết quả
tra cứu của tôi thì vào thời thuộc Đường, không tìm thấy một tư liệu đáng tin
cậy nào về chế độ cống vải từ Giao Châu hay An Nam, tức từ nước ta. Còn việc
tiến vải cho Dương Quý Phi xẩy ra sau khởi nghĩa Mai Thúc Loan và là quả vải
cống của vùng Lĩnh Nam, từ Quảng Châu, Nam Hải của Trung Quốc 33. Phương thức chuyển quả vải cống thời này
được ghi rõ là dùng ngựa trạm chạy khẩn cấp từ Lĩnh Nam đến Trường An làm sao
bảo đảm quả vải tươi, mà theo Tư trị thông giám thì quả vải hái khỏi cây, sau 1
ngày sắc đã biến đổi, sau 2 ngày hương vị biến đổi và sau 4-5 ngày thì sắc và
hương vị không còn nữa 34. Sau này nhà Đường dùng cách ngâm quả
vải vào nước muối hay ngâm mật để bảo quản lâu hơn. Nhưng rồi vì đường sá xa
xôi, lao phí nhiều nên đến năm Hàm Thông thứ 7 (866) và thứ 8 (867) vua Đường Ý
Tông (860-874) mới bỏ rồi ra lệnh đình chỉ việc tiến cống quả vải 35.
Vì vậy câu chuyện Mai
Thúc Loan đã từng đi phu cống vải là thuộc phạm trù truyền thuyết dân gian và
bài hát chầu văn kể về chuyện cống vải, xét về thể loại văn học chỉ mới xuất
hiện khoảng thời gian gần đây. Câu chuyện dân gian đó vẫn mang cốt lõi lịch sử
của nó nhưng chỉ là ảnh xạ chế độ cống nộp quả vải từ thời thuộc Hán và phản
ánh chế độ lao dịch nặng nề thời Bắc thuộc mà thời thuộc Đường vẫn tồn tại. Vì
vậy, sau này khi Khúc Thừa Dụ giành lại chính quyền tự chủ, con là Khúc Hạo kế
vị đã tiến hành cải cách, trong đó có chủ trương "tha bỏ lực dịch"
cho nhân dân 36.
Theo kết quả kiểm tra
tư liệu của tôi, trong thời Bắc thuộc chế độ cống quả vải cũng như một số quả
quý của nước ta như cam, quýt, nhãn... đã có từ thời Tây Hán, nhưng đến thời
thuộc Đường thì quả vải cống lấy từ vùng Lĩnh Nam. Vì vậy ý kiến của ai đó coi
nguyên nhân của khởi nghĩa Mai Thúc Loan chỉ là hay chủ yếu là chế độ đi phu
cống vải là không có cơ sở khoa học.
4. Về năm
khởi nghĩa
Chính sử và hầu
hết các bộ lịch sử Việt Nam cho đến nay vẫn chép là năm Khai Nguyên thứ 10 tức
năm 722. Tác giả sách Những người trẻ làm nên lịch sử và Biên niên lịch sử cổ
trung đại Việt Nam là những người đầu tiên đưa ra niên đại mới cho cuộc khởi
nghĩa là năm 713 37, nhưng trong một cuốn sách kể chuyện
lịch sử và biên niên sử kiện nên không đưa ra chứng cứ khoa học và biện giải rõ
ràng, nên không được mấy người quan tâm và chưa thể thay đổi quan niệm cũ. Hơn
nữa các tác giả chỉ chuyển năm khởi nghĩa từ năm 722 thành năm 713, còn qui mô
và thành bại của khởi nghĩa vẫn chỉ giới hạn trong 1 năm. Đinh Văn Hiến và Đinh
Lê Yên là hai tác giả đã nêu vấn đề này lên trong dư luận như một yêu cầu phải
xác minh khi xuất bản cuốn sách Mai Hắc Đế, truyền thuyết và lịch sử cùng nhiều
bài báo đăng tải trên báo chí.
Trước hết, xem lại ghi
chép trong chính sử của ta từ Đại Việt sử ký toàn thư đến Khâm định Việt sử
thông giám cương mục đều dựa theo thư tịch Trung Quốc, chủ yếu là Đường thư.
Điều đó cũng dễ hiểu vì mãi đến thời Lý, Trần nước ta mới có những bộ sử đầu
tiên mà nay đều thất truyền, duy bộ Đại Việt sử lược cũng tìm thấy ở Trung Quốc
và đến đời Thanh đưa vào Tứ khố toàn thư với tên sách là Việt sử lược. Nhưng
còn hai tác phẩm do tác giả người Việt viết mà trước đây ít người khai thác về
khởi nghĩa Mai Thúc Loan là An Nam chí lược và Việt điện u linh.
An Nam chí lược do Lê
Tắc biên soạn trong thời gian sống lưu vong trên đất Nguyên. Theo giám định của
Trần Kinh Hoà, Lê Tắc biên soạn trong khoảng 1285-1307, sau đó bổ sung cho đến
1339 mới xong 38. Bộ sử này có nhiều truyền bản và đời
Thanh đã được đưa vào Tứ khố toàn thư, trong phần "Sử bộ, tải ký
loại". Trong quyển 9 viết về các quan đô hộ, kinh lược An Nam thời Đường,
có đoạn chép về "Nguyên Sở Khách" như sau : « Người Giang Lăng, năm
đầu niên hiệu Khai Nguyên đổi làm An Nam đô hộ, cùng Dương Tư Húc dẹp yên cuộc
nổi loạn của người Man là Mai Thúc Loan » 39. Nguyên Sở Khách là Quang Sở Khách được
chép thống nhất trong Đường thư cũng như chính sử của ta, có thể vì tự dạng gần
giống nhau nên chép nhầm.
Hương Lãm Mai Đế ký
trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh cũng chép Mai Thúc Loan khởi
nghĩa, chiếm châu huyện và xưng đế vào « năm Quý Sửu mùa hạ, tháng tư, vào
thời Đường Huyền Tông, niên hiệu Khai Nguyên thứ nhất vậy » 40. Đây là truyện bổ sung của Chứ Cát Thị
vào năm Cảnh Hưng thứ 35-1774.
Như vậy là hai tác giả
người Việt, Lê Tắc vào đầu thế kỷ XIV và Chư Cát Thị vào giữa thế kỷ XVIII, đã
đưa ra một niên đại thống nhất cho cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan vào năm Khai
Nguyên thứ nhất. An Nam chí lược ghi là "Khai Nguyên sơ" và Việt điện
u linh ghi rõ cả niên hiệu là năm Khai Nguyên thứ nhất và cả năm theo can chi
là năm Quý Sửu tức năm 713. Vua Đường Minh Hoàng (712-756), có ba niên hiệu,
niên hiệu đầu tiên là Tiên Thiên (712-713), niên hiệu thứ hai là Khai Nguyên
(713-742) và niên hiệu thứ ba là Thiên Bảo (742-756). Khai Nguyên năm đầu là
năm 713.
Trong thư tịch Trung
Quốc thì Tân Đường thư và Cựu Đường thư, phần bản kỷ, đều chép cuộc khởi nghĩa
vào năm Khai Nguyên thứ 10 tức năm 722.
Cựu Đường thư do Lưu
Hướng biên soạn vào đời Hậu Tấn (936-947). Phần bản kỷ chép : « [Khai
Nguyên] năm thứ 10, tháng 8, Án sát Lĩnh Nam là Bùi Trụ Tiên tâu, tướng giặc An
Nam là bọn Mai Thúc Loan vây đánh châu huyện. Sai Phiêu kỵ tướng quân kiêm Nội
thị Dương Tư Húc đánh dẹp » 41.
Tân Đường thư do Âu
Dương Tu và Tống Kỳ biên soạn vào đời Tống (960-1279). Phần bản kỷ chép
: « [Khai Nguyên] năm thứ 10, tháng 7, nguời An Nam là Mai Thúc Loan làm phản,
bị giết » 42.
Trước đây, các tác giả
Việt Nam có lẽ chỉ tham khảo phần bản kỷ của Đường thư nên đều chép cuộc khởi
nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm Khai Nguyên 10 tức năm 722. Nhưng nếu tra cứu
kỹ thì Cựu Đường thư, phần liệt truyện, mục Hoạn quan có truyện Dương Tư Húc
lại chép : « Dương Tư Húc vốn họ Tô người Thạch Thành thuộc La Châu, làm
nội quan (hoạn quan), được họ Dương nuôi rồi thiến làm việc ở Nội thị tỉnh...
Tư Húc có sức khỏe, tàn bạo, hiếu sát, theo Lâm Truy vương giết họ Vi, rồi theo
vua làm vũ sĩ nanh vuốt, đổi làm Hữu giám môn Vệ tướng quân. Khai Nguyên năm
đầu, thủ lĩnh An Nam Mai Huyền Thành làm phản, tự xưng Hắc Đế, cùng nước Lâm
Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ. Sai Tư Húc đem binh đánh dẹp. Tư Húc đến
Lĩnh Biểu, chiêu mộ con em các thủ lĩnh được binh mã hơn 10 vạn, theo đường cũ
của Phục Ba mà tiến đánh xuất kỳ bất ý. Huyền Thành nghe tin sợ hãi, không kịp
đề ra mưu kế, nên bị quan quân bắt, chém tại trận, giết hết bọn chúng, chất
thây làm kình quán rồi rút về » 41.
Tân Đường thư, phần
liệt truyện, truyện Dương Tư Húc cũng chép tương tự : « Dương Tư Húc người
Thạch Thành thuộc La Châu, vốn họ Tô, theo họ cha nuôi. Lúc trẻ làm ở Nội thị
tỉnh, theo Huyền Tông đánh dẹp nội loạn, được phong Tả giám môn Vệ tướng quân,
vua coi là vũ sĩ nanh vuốt. Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh người Man ở An Nam
(An Nam Man cừ) là Mai Thúc Loan làm phản, xưng Hắc Đế, dấy dân chúng 32 châu,
bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm giữ vùng Hải
Nam, quân chúng có 40 vạn. Tư Húc xin cho chiêu mộ con em các thủ lĩnh được 10
vạn cùng An Nam đại đô hộ Quang Sở Khách theo đường cũ của Mã Viện, bất ngờ
đánh, giặc sợ hãi, không kịp mưu tính, bị thua to, chất thây làm kình quán rồi
rút về » 42.
Phân tích các tư liệu
trên có thể hiểu cuộc khởi nghĩa bùng nổ năm Khai Nguyên đầu, nhưng đến năm
Khai Nguyên thứ 10 tức năm 722, quân nhà Đường mới tổ chức phản công chiếm lại
An Nam. Do đó, trong phần bản kỷ chép theo biên niên, sử nhà Đường chép theo
niên đại của sự kiện phản công và chép cuộc khởi nghĩa vào cùng năm đó như
nguyên nhân của việc chinh phạt. Hai sự kiện, khởi nghĩa của Mai Thúc Loan và
phản công của nhà Đường, chép vào chung một đoạn và xếp vào niên đại của cuộc
phản công. Trong Cựu Đường thư và Tân Đường thư, năm Khai Nguyên đầu, phần bản
kỷ, không chép cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan mà chép vào năm Khai Nguyên thứ 10
khi nhà Đường phát quân sang đàn áp. Rõ ràng trong năm Khai Nguyên thứ 10
(722), không thể vừa nghe báo có cuộc làm phản của Mai Thúc Loan mà lập tức sai
tướng sang đàn áp, vừa điều binh, chuẩn bị lương thảo, dừng lại ở Lĩnh Biểu để
chiêu mộ con em các thủ lĩnh, vừa tiến công đánh bại đối phương ở An Nam phủ,
tất cả chỉ diễn ra từ khi khởi nghĩa bùng nổ vào tháng 7 (Tân Đường thư) hay
tháng 8 (Cựu Đường thư) đến hết năm đó nghĩa là chỉ trong vòng 4 - 5 tháng.
Nhưng trong truyện Dương Tư Húc là tướng chỉ huy cuộc phản công thì hai sự kiện
- khởi nghĩa và đàn áp, mới được tách ra với hai niên đại khác nhau. Nhận định
này càng được minh chứng thêm bằng một số tư liệu khác trong thư tịch cổ của
Trung Quốc.
Sách phủ nguyên quy là
một bộ sách lớn biên soạn từ năm Tống Chân Tông năm Cảnh Đức thứ 2 (1005) cho đến
năm Đại Trung Tường Phù thứ 6 (1013), trong 8 năm mới xong. Bộ sách gồm 1.000
quyển cùng với bộ Thái Bình ngự lãm, Thái Bình quảng ký, Văn uyển anh hoa, được
coi là "Tống đại tứ đại bộ thư" (bốn bộ sách lớn đời Tống). Đoạn chép
về Dương Tư Húc như sau : « Thời Đường Huyền Tông, Dương Tư Húc làm Hữu
giám môn Vệ tướng quân, Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh An Nam là Mai Huyền Thành
làm phản, tự xưng Hắc Đế cùng nước Lâm Ấp, Chân Lạp thông mưu hãm An Nam phủ...
» 43.
Quảng Tây thông chí do
Hoàng Tá soạn và Lâm Phú tu sửa vào năm Gia Tĩnh (1522-1567) đời Minh
(1368-1644), gồm 128 quyển. Bản in Quảng Tây thông chí trong Tứ khố toàn thư chép
truyện Dương Tư Húc gần như trong Tân Đường thư: « Dương Tư Húc người
Thạch Thành thuộc La Châu, vốn họ Tô, được nội quan họ Dương nuôi để thiến làm
Cấp sự nội thị tỉnh, tham dự việc giết họ Vi có công, đổi làm Hữu giám môn Vệ
tướng quân. Khai Nguyên năm đầu, thủ lĩnh An Nam Mai Thúc Loan làm phản, xưng
hiệu Hắc Đế.. » 44.
Lê Tắc khi soạn An Nam
chí lược chắc dựa trên tư liệu thư tịch Trung Quốc. Còn Hương Lãm Hắc Đế ký của
Chư Cát Thị thì dựa vào các tư liệu trong nước, trong đó có truyền thuyết và
những tư liệu từ "các bậc ẩn dật", "bách gia" mà không ghi
xuất xứ. Từ phân tích sử liệu của ta và Trung Quốc, có thể rút ra nhận định
cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan bùng nổ năm Khai Nguyên đầu, chứ không phải năm
Khai Nguyên thứ 10 (722) như đã ghi chép phổ biến trước đây.
Chỉ còn một tiểu tiết
về thời gian cần xác định rõ. Cách ghi chép niên đại trong sử cũ, thường dùng
niên hiệu, có khi kết hợp cả năm can chi. Hầu hết thư tịch của Trung Quốc đều
chép "Khai Nguyên sơ". Chữ "sơ" theo Từ hải, có 4 nghĩa :
(1) khởi đầu, lần thứ nhất, (2) ban đầu, đương sơ, (3) thấp nhất như sơ cấp,
(4) chỉ ngày đầu của tháng hay khởi đầu của 10 ngày (10 ngày là một tuần) như
sơ nguyệt, sơ thập... Trong sử biên niên, khi mở đầu một năm theo niên hiệu, ví
dụ niên hiệu Khai Nguyên năm thứ nhất thường viết là "Khai Nguyên nguyên
niên", rồi năm thứ hai là "Khai Nguyên nhị niên"... Nhưng trong
một đoạn văn khi viết "Khai Nguyên sơ" có nghĩa là đầu niên hiệu Khai
Nguyên tức năm Khai Nguyên thứ nhất. Cũng có người hiểu "Khai Nguyên
sơ" là những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên (713-744), có thể những năm
713, 714, 715... Nhưng Hương Lãm Hắc đế ký của Việt điện u linh viết rõ Khai
Nguyên năm thứ nhất kèm theo năm can chi là năm Quý Sửu tức năm 713. Như vậy có
thể xác định niên hiệu "Khai Nguyên sơ" là năm Khai Nguyên thứ 1, ứng
với năm can chi là năm Quý Sửu, tức năm 713. Đó là sự phù hợp và thống nhất
giữa niên hiệu và can chi.
5. Qui mô và
sự thành bại của cuộc khởi nghĩa
Sự ghi chép của
nhiều tác phẩm trước đây cho rằng cuộc khởi nghĩa bùng nổ và thất bại trong năm
722 và gần như chỉ giới hạn trong vùng Hoan Châu. Nhưng nhiều tư liệu cho thấy
qui mô to lớn của cuộc khởi nghĩa. Theo chính sử nhà Đường, Mai Thúc Loan
"làm loạn", "vây đánh châu huyện" (Cựu Đường thư, Q. 8),
"tự xưng Hắc Đế" (Cựu Đường thư, Q.184), "đặt hiệu Hắc Đế"
(Tân Đường thư, Q. 207), "dấy dân chúng 32 châu" (Tân Đường thư,
Q.207), "bên ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, Kim Lân, chiếm
giữ vùng Hải Nam (vùng biển nam?), quân chúng 40 vạn" (Tân Đường thư, Q.
207), "mưu hãm An Nam phủ" (Cựu Đường thư, Q.184; Sách phủ nguyên
qui, Q. 667).
Nước ta thời thuộc
Đường, năm Vũ Đức thứ 5 (630) đặt Giao Châu tổng quản phủ cai quản 10 châu là :
Giao, Phong, Ái, Tiên, Diên, Tống, Từ, Hiểm, Đạo, Long. Năm Điều Lộ thứ 1 (679)
đổi Giao Châu đô đốc phủ làm An Nam đô hộ phủ 45. Các đơn vị hành chính của An Nam qua
nhiều lần thay đổi, nhưng vào khoảng khởi nghĩa Mai Thúc Loan, chia làm 12 châu
: Giao, Lục, Phong, Ái, Hoan, Diễn, Trường, Phúc Lộc, Thang, Chí, Vũ Nga, Vũ
An. Ngoài ra ở phía nam Hoành Sơn, nhà Đường còn đặt châu Lâm, Ảnh và rất nhiều
châu ki mi ở miền núi, đến trên dưới 40 châu. Riêng Hoan Châu, năm Vũ Đức thư 5
(630) đặt Nam Đức châu tổng quản phủ cai quản 8 châu : Đức, Minh, Trí, Hoan,
Lâm, Nguyên, Cảnh, Hải. Châu Nam Đức quản 6 huyện. Năm Vũ Đức thứ 8 (633) đổi
làm Đức Châu. Năm Trinh Quán thứ 1 (649) đổi làm Hoan Châu, lấy Hoan Châu cũ
làm Diễn Châu. Năm thứ 2 (650) đặt Hoan Châu đô đốc phủ, lãnh 8 châu: Hoan,
Diễn, Minh, Trí, Lâm, Nguyên, Cảnh, Hải. Năm thứ 12 (660), bỏ 3 châu : Minh,
Nguyên, Hải 46. Đó là các đơn vị hành chính của Hoan
Châu trước khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Hoan Châu là một châu gồm 4 huyện (Cửu
Đức, Phố Dương, Việt Thường và Hoài Hoan) thuộc Nam Đức châu tổng quản phủ rồi
đổi thành Hoan Châu đô đốc phủ gồm 8 châu. Vì vậy rất khó xác định 32 châu mà
Mai Thúc Loan đã dấy quân, nhưng chắc chắn đó là vùng rộng lớn vượt ra ngoài
phạm vi của Hoan Châu (vùng Nghệ Tĩnh), có thể bao quát gần như cả nước, nhất
là vùng đồng bằng và trung du, bao gồm cả một số châu ki mi ở miền núi.
Lâm Ấp là vương quốc
đã từng bị nhà Hán đô hộ và giành lại độc lập vào khoảng cuối thế kỷ II sau
cuộc khởi nghĩa do Khu Liên cầm đầu ở huyện Tượng Lâm (vùng Quảng Nam, Quảng
Ngãi, Bình Định) thuộc quận Nhật Nam (vùng đất từ Hoành Sơn đến Cù Mông). Sau
đó, Lâm Ấp đã mở rộng lãnh thổ ra phía bắc đến Hoàng Sơn. Tại vùng biên giới
phía bắc Lâm Ấp giáp Giao Châu đời Tuỳ, An Nam thời Đường đã diễn ra nhiều cuộc
tranh chấp ác liệt. Năm 446 Thứ sử Giao Châu là Đàn Hoà Chi tiến công vào quốc
đô Lâm Ấp, cướp nhiều của cải châu báu. Năm 605 tướng Lưu Phương nhà Tuỳ sau
khi đánh bại nước Vạn Xuân của người Việt, tiến công vào quốc đô Lâm Ấp, chiếm
một phần đất phía bắc, lập ra ba châu : Đăng Châu, Nông Châu, Xung Châu, sau
đổi thành 3 quận : Tỷ Cảnh, Hải Âm, Lâm Ấp 47. Nhưng rồi Lâm Ấp chiếm lại vùng đất này
và vào thời Mai Thúc Loan khởi nghĩa, Hoành Sơn là biên giới phía bắc. Như thế
Hoan Châu phía nam giáp với Lâm Ấp và trong bối cảnh mâu thuẫn giữa nhà Đường -
Lâm Ấp thì Mai Thúc Loan liên kết với nước này trong cuộc đấu tranh chống Đường
là điều có thể xẩy ra.
Chân Lạp vốn là một
thuộc quốc của đế chế Phù Nam, từ thế kỷ VI-VII trở nên cường thịnh đã đánh bại
Phù Nam, phát triển thành một quốc gia độc lập. Từ đầu thế kỷ VIII, Chân Lạp
phân chia làm hai vùng : Thủy Chân Lạp ở phía nam là miền đất thấp, nhiều đầm
lầy, giáp biển và Lục Chân Lạp ở phía bắc là miền đồi núi, thung lũng, đồng
bằng. Vùng Lục Chân Lạp bao gồm cả miền Hạ Lào hiện nay và có phần biên giới
giáp Hoan Châu. Quan hệ giữa Mai Thúc Loan với Chân Lạp qua vùng biên giới phía
tây Hoan Châu là có khả năng.
Tân Đường thư còn kể
thêm nước Kim Lân. Theo Lương thư, vua Phạm Mạn của Phù Nam sau khi chinh phục
"các xứ Đô Côn, Cửu Trĩ, Điển Tôn, cả thảy hơn 10 nước", đã tiến đánh
Kim Lân thì bị bệnh 48. Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
trong chú thích về nước Kim Lân dựa vào Thái Bình ngự lãm và Ngoại quốc truyện,
cho rằng ở phía tây Phù Nam hơn 2.000 dặm 49. Kim Lân có nghĩa là "xứ
vàng", chữ Phạn là Suvarnabhumi vốn là tên người Ấn Độ chỉ chung vùng Đông
Nam Á nổi tiếng có nhiều vàng, bạc và hương liệu quý. Sách Thái Bình ngự lãm có
đoạn chép : « Sách Dị vật chí viết: nước Kim Lân cách Phù Nam hơn 2 nghìn dặm,
đất sản ra bạc » 50. Nhiều thư tịch cổ khác lại chép
"vịnh Kim Lân" và « từ Phù Nam vượt qua vịnh lớn Kim Lân về phía
nam 3 nghìn dặm » đến bốn nước Biên Đẩu (hay Ban Đẩu), Đô Côn (hay Đô Quân),
Câu Lợi (hay Cửu Nhã), Tỷ Cảo 51. Như vậy Kim Lân là một nước ở gần vịnh
biển Kim Lân và từ Phù Nam (Nam Bộ) phải vượt qua vịnh này 2 nghìn dặm mới đến
nước Kim Lân, rồi qua 3 nghìn dặm đến các nước Biên Đẩu, Đô Côn, Câu Lợi, Tỷ
Cảo. Từ đó có thể suy đoán vịnh Kim Lân là vùng biển lớn từ vịnh Thái Lan đến
vùng biển phía đông bán đảo Mã Lai hiện nay và nước Kim Lân có thể ở trên bán
đảo Mã Lai. Cho đến nay, chưa rõ vào đầu thế kỷ XVIII, Kim Lân là một nước hay
chỉ chung vùng Đông Nam Á ? Có lẽ vì thế, ngoài Tân Đường thư, Quảng Tây thông
chí, hầu hết các tư liệu thư tịch cổ của Trung Quốc, kể cả Cựu Đường thư, không
nói đến nước Kim Lân.
Qua xác định các châu
huyện của An Nam và các nước mà Mai Thúc Loan liên kết, có thể hình dung qui mô
rất lớn của cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Ông nổi dậy ở Hoan Châu (Nghệ Tĩnh)
rồi nhanh chóng phát triển ra hầu khắp cả nước, đã "hãm An Nam phủ"
(Cựu Đường thư, Sách phủ nguyên qui) tức đã tiến công phủ thành An Nam lúc đó
là thành Tống Bình (Hà Nội). Đô hộ Quang Sở Khách phải bỏ thành chạy trốn. Tất
cả các nguồn tư liệu của ta và Trung Quốc đều xác nhận, Mai Thúc Loan xưng đế
hiệu tức Mai Hắc Đế. Các tư liệu của ta ghi nhận thêm, ông xây dựng thành Vạn
An làm quốc đô. Như thế là cuộc khởi nghĩa đã toàn thắng, giải phóng đất nước
khỏi ách đô hộ nhà Đường và xây dựng chính quyền độc lập. Riêng việc xưng đế đã
cho thấy ý thức quốc gia rất mạnh mẽ của Hoàng đế họ Mai. Trong lịch sử Việt
Nam, người đầu tiên xưng đế là Lý Bí với đế hiệu Lý Nam Đế và quốc hiệu Vạn
Xuân. Mai Thúc Loan là người thứ hai xưng đế và sau khi thoát khỏi thời Bắc
thuộc, trải qua chính quyền tự chủ họ Khúc, họ Dương vẫn giữ chức Tiết độ sứ,
Ngô Quyền tiến lên xưng vương năm 939, đến Đinh Bộ Lĩnh năm 968 mới tiếp tục
xưng đế mở đầu thời kỳ xưng đế liên tục của các hoàng đế nước Nam, biểu thị ý
thức độc lập của quốc gia - dân tộc Đại Việt - Việt Nam - Đại Nam thời chế độ
quân chủ.
Nhưng về phương diện
khoa học cần đặt ra vấn đề là Mai Thúc Loan đã chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa như
thế nào, xây dựng lực lượng ra sao cùng diễn biến của cuộc khởi nghĩa. Dĩ nhiên
để đạt được qui mô khởi nghĩa to lớn như vậy, Mai Thúc Loan và những người khởi
xướng phải dày công chuẩn bị, phải có sự vận động, liên kết lực lượng, phải có
tài năng tổ chức và lãnh đạo. Nhưng về tư liệu thì gần như chỉ có một số truyền
thuyết và truyện Hương Lãm Hắc Đế ký trong Việt điện u linh. Truyện này cho
biết Mai Thúc Loan đã bàn với vợ « Nay ta vốn có chí bình định thiên hạ, đi
khắp hải nội để giao kết với hào kiệt bốn phương, cùng lập sự nghiệp » và
đã « phóng tầm giang hồ, đi tìm những kẻ dật sĩ » 52. Sau đó, tác giả là Chư Cát Thị dẫn ra
tên tuổi một số nhân vật đã gặp gỡ và tham gia công việc chuẩn bị khởi nghĩa.
Câu chuyện mang tính truyền thuyết, phản ánh công việc liên kết hào kiệt, chuẩn
bị một cuộc nổi dậy qui mô lớn. Nhưng truyền thuyết phản ánh lịch sử, chứ không
phải là lịch sử. Vì vậy từ truyền thuyết để phân tích và xác minh những vấn đề
lịch sử là rất phức tạp, cần có sự xác nhận thêm của những cứ liệu khoa học liên
quan. Tôi được biết Đinh Văn Hiến và Đinh Lê Yên cùng một số nhà nghiên cứu
quan tâm đến sự kiện này đang ra sức đi điều tra, khảo sát các địa phương liên
quan đến cuộc khởi nghĩa để sưu tầm và xác minh tư liệu. Một ví dụ mà tôi đã
kiểm tra. Khi nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Phùng Hưng, phát hiện tấm bia ở đình
Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết cha Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh đã từng
tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Họ Phùng là một thủ lĩnh vùng Đường Lâm
(thị xã Sơn Tây, Hà Nội) ở phía tây bắc phủ thành An Nam. Văn bia khắc lại bản
thần tích của làng và dựng năm 1841. Tuy chỉ dạng thần tích nhưng cũng cung cấp
thông tin cho thấy một số hào trưởng kiểu thủ lĩnh địa phương vùng tây An Nam
phủ như Phùng Hạp Khanh đã tham gia khởi nghĩa. Rồi việc liên kết với Lâm Ấp,
Chân Lạp thực hiện như thế nào, chỉ là sự hưởng ứng hay cử quân sang tham
chiến, cũng cần xác minh.
Tuy nhiên, sử Trung
Quốc chép quân số khởi nghĩa lên đến 40 vạn quân thì cũng phải xem xét cho phù
hợp với một cuộc khởi nghĩa. Về phương diện này, Lời cẩn án của Khâm định Việt
sử thông giám cương mục tỏ ý hoài nghi số quân của vua họ Mai : « Khoảng
năm Khai Nguyên (713-741) nhà Đường, An Nam đô hộ phủ vẫn còn ở Giao Châu,
thống trị 12 châu, 59 huyện, đều đặt các quan thú tể để quản trị, việc đánh tô,
dung, điệu và bắt lính đều tuân theo lệnh nhà Đường ; lúc Mai Thúc Loan khởi
lên, thì phủ đô hộ với các châu Phong, Ái, Lục, Diễn, chưa nghe thấy có đâu là
thuộc về Mai Thúc Loan đóng giữ ; như vậy Mai Thúc Loan làm thế nào mà chiêu
tập được người 32 châu, có số quân đến 40 vạn ? Trộm nghĩ Thúc Loan chẳng qua
giữ được một châu, thế lực cũng nhỏ. Bấy giờ Đường Huyền Tông thích lập công ở
biên giới, bọn Tư Húc và Sở Khách thì lợi dụng xứ này ở nơi hiểm trở xa xôi,
nên mới thổi phồng thanh thế bên địch để cầu lấy công cán và phong thưởng đó
thôi. Nếu không phải thế thì sao giáp binh và đất đai như thế, mà quân nhà
Đường mới thoạt kéo đến đã vội kinh hãi tan rã ngay ? Sử cũ cũng chép Thúc Loan
ngoài liên kết với các nước Lâm Ấp, Chân Lạp, số quân có 30 vạn có lẽ cũng cứ
dựa vào Đường thư, chứ chưa đến sự thật » 53.
Đó là một nghi vấn có
cơ sở nhưng mặt khác cần lưu ý, trong một cuộc khởi nghĩa thì số quân khởi
nghĩa buổi đầu chủ yếu là quần chúng tự vũ trang nổi dậy đấu tranh, chứ chưa
phải là quân đội được tổ chức và phiên chế chặt chẽ. Vì vậy 40 vạn quân chép
trong sử nhà Đường chỉ là con số phỏng chừng và điều quan trọng cần hiểu đấy là
lực lượng nổi dậy của dân chúng trên phạm vi rộng lớn gần như cả nước.
Năm 713 Mai Thúc Loan
khởi nghĩa, trước hết chiếm giữ Hoan Châu làm căn cứ, mở rộng thế lực ra các
châu huyện, rồi tiến công chiếm An Nam phủ thành. Từ đó cho đến lúc thất bại
năm 722, trong thời gian gần 10 năm, nhà nước Vạn An đã cai quản đất nước như
thế nào, xây dựng bộ máy chính quyền và thực thi các chính sách gì ? Đấy cũng
là một vấn đề quan trọng mà cho đến nay, chưa có tư liệu để đưa ra trả lời có
sức thuyết phục.
Năm 722 nhà Đường mới
điều quân sang đàn áp. Một câu hỏi cần đặt ra là tại sao nhà Đường phản ứng
chậm như vậy. Sau khi Đường Thái Tông mất năm 649, triều đình nhà Đường lâm vào
tình trạng rối loạn bởi sự chuyên quyền của Thái hậu Võ Tắc Thiên cho đến năm
690, rồi lại thời xưng đế, đổi thành nhà Chu của Võ Tắc Thiên cho đến lúc thoái
vị năm 705. Nhà Đường được khôi phục, nhưng cho đến năm 713 xung đột và mâu
thuẫn cung đình vẫn tiếp tục với ba vua bị phế truất là Trung Tông (705-707),
Thiếu Đế (710) và Duệ Tông (710-712). Đường Huyền Tông (712-756) lên nối ngôi,
chắc chắn trong những năm đầu phải tập trung giải quyết những hậu quả nặng nề
của hơn nửa thế kỷ khủng hoảng cung đình, lo dẹp yên nội loạn, chỉnh đốn bộ máy
nhà nước và ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đó là lý do cắt nghĩa việc
chậm điều quân sang đàn áp của nhà Đường và cũng là thời cơ để Mai Thúc Loan
khởi nghĩa giành và giữ chính quyền trong gần một thập kỷ. Năm Khai Nguyên thứ
12, năm 722, Dương Tư Húc là nội quan (hoạn quan) và là một tướng rất tàn bạo,
đã từng lập công trong các cuộc tranh giành quyền lực, vua Đường coi như nanh
vuốt, được cử làm Tả (Hữu?) giám môn Vệ tướng quân điều quân cùng với An Nam
đại đô hộ Quang Sở Khách đánh chiếm lại An Nam. Dương Tư Húc còn chiêu mộ thêm
con em các thủ lĩnh vùng Lĩnh Biểu tức vùng nam Trung Quốc gần An Nam, được hơn
10 vạn binh mã. Tân Đường thư và Cựu Đường thư miêu tả cuộc tiến quân quá đơn
giản và rất vắn tắt : theo đường cũ của Mã Viện tức đường ven biển vùng Quảng
Ninh, rồi bất ngờ tiến công khiến quân vua Mai không kịp đối phó và bị thất
bại. Hắn sai thu nhặt và chôn xác chết thành gò đống gọi là Kình quán để ghi
chiến công rồi rút quân về nước. Căn cứ vào đường hành quân thì nơi quân Đường
tiến công là phủ thành An Nam tức thành Tống Bình (Hà Nội). Cuộc phản công của
quân Đường dường như chỉ có một trận đánh. Nhưng theo các truyền thuyết và di
tích ở Nam Đàn thì vua Mai sau thất bại ở phủ thành An Nam, rút quân về Hoan
Châu và cuộc kháng chiến tiếp tục với những trận đánh ác liệt quanh thành Vạn
An. Đây cũng là một vấn đề cần xác minh trên cơ sở tìm kiếm thêm các cứ liệu
khoa học.
6. Nhận xét
tổng hợp
6.1. Trên cơ sở
tập hợp và phân tích các nguồn tư liệu hiện có, có thể nhận định:
- Khởi nghĩa Mai Thúc
Loan bùng nổ năm Khai Nguyên thứ 1 tức năm 713, chứ không phải năm Khai Nguyên
thứ 10 tức năm 722 như sử cũ của ta đã chép và nhiều công trình nghiên cứu lịch
sử đã viết theo.
- Cuộc khởi nghĩa có
qui mô lớn, từ Hoan Châu đã mở rộng ra gần như cả nước và đã giành thắng lợi,
chiếm phủ thành An Nam, giải phóng đất nước.
- Trên cơ sở thắng lợi
đó, Mai Thúc Loan đã xưng đế tức vua Mai Hắc Đế, xây thành Vạn An làm quốc đô.
- Nhà nước độc lập tồn
tại được gần 10 năm từ năm 713 đến năm 722.
- Đại Đường là một đế
chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông thế kỷ VIII, nhất là thời vua Đường Thái
Tông (626-649) và Đường Huyền Tông (712-756). Mai Thúc Loan đã khởi nghĩa thành
công, giải phóng cả nước và duy trì nhà nước độc lập với danh hiệu hoàng đế gần
10 năm ngay trong thời cường thịnh của nhà Đường. Cũng cần lưu ý trong buổi đầu
thời Đường Huyền Tông còn phải lo khắc phục hậu quả những năm xung đột cung
đình sau thời Đường Thái Tông đã tạo cơ hội cho cuộc khởi nghĩa bùng nổ và
thắng lợi. Trước đế chế Đại Đường thời thịnh đạt, thắng lợi của khởi nghĩa Mai
Thúc Loan là một thành công rất lớn, cần được nhìn nhận và tôn vinh một cách
xứng đáng.
6.2. Tuy nhiên, các tư
liệu ngoài thư tịch, phần lớn là truyền thuyết, thần tích, thần phả, chưa hội
đủ thông tin khoa học để làm sáng rõ một số vấn đề như công việc chuẩn bị khởi
nghĩa của Mai Thúc Loan, diễn biến của cuộc khởi nghĩa thắng lợi cũng như cuộc
kháng chiến thất bại cùng hoạt động của chính quyền vua Mai. Do đó, cần tiếp
tục công việc phát hiện và thu thập tư liệu, nhất là trên những địa bàn liên
quan đến các hoạt động của Mai Hắc Đế để giải quyết những vấn đề khoa học đang
tồn tại.
Dù còn một số
vấn đề chưa hội đủ cứ liệu khoa học để làm sáng tỏ và cần tiếp tục nghiên cứu,
nhưng những gì đã có tư liệu để xác định cũng đủ cho thấy khởi nghĩa Mai Thúc
Loan hay khởi nghĩa Hoan Châu là một cuộc khởi nghĩa qui mô rất lớn, đã giành
được những thắng lợi vang dội, bảo tồn được một nhà nước độc lập trong gần chục
năm. Cùng với khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khởi nghĩa Lý Bí, khởi nghĩa Phùng Hưng,
công cuộc giành và giữ chính quyền của Khúc Thừa Dụ - Khúc Hạo, Dương Đình Nghệ
và chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền, khởi nghĩa Mai Thúc Loan là một trong
những khởi nghĩa vào loại lớn nhất của thời chống Bắc thuộc, một trong những
cột mốc quan trọng trên con đường dấu tranh đi đến giải phóng đất nước, giành
lại độc
lập dân tộc.
1 Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ Q.5,
tr. 4b , bản dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1993, T.1, tr. 190.
2 Đại Việt sử ký tiền biên, Ngoại kỷ Q.6,
tr. 6b, bản dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1997, tr. 119. Sách chép
"nhà Đường sai nội thị Tả đô hộ Nguyên Sở Khách" là nhầm, Nội thị
(hoạn quan) là Tả giám môn vệ tướng quân Dương Tư Húc, còn Đô hộ là Quang Sở
Khách. Chắc viết hay in sót chức và tên Dương Tư Húc.
3 Đại Việt sử ký tiền biên, Ngoại kỷ Q.6,
tr. 6b-7a, bản dịch, Sđd, tr. 119.
4 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Tiền biên, Q. 4, tr. 21b, bản dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội 1998, T.1, tr. 187.
5 Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu,
bản dịch, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2000, tr. 47.
Trần Trọng Kim, Việt
Nam sử lược, NXB Tân Việt, Hà Nội 1949, tr. 64
Đại Nam nhất thống chí, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1970, T.2, tr. 165, viết chung "khoảng
niên hiệu Khai Nguyên" Mai Thúc Loan dấy quân ở Hoan Châu.
6 Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc
đến cuối thế kỷ XIX), Q. Thượng, NXB Văn hoá, Hà Nội 1958, tr. 158.
Trần Quốc Vượng, Hà
Văn Tấn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, T. I, NXB Giáo dục, Hà Nội
1963, tr. 156
7 Trần Bá Chí, Một số tài liệu liên quan đến
Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông, tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 68,
1964, tr. 50-57.
8 Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương
Ninh, Lịch sử Việt Nam, T.1, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà
Nội 1983, tr. 286-287 (phần Bắc thuộc do Trần Quốc Vượng viết).
Ủy ban khoa học xã hội
Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, T.1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1971, tr.
129-130.
Phan An, Lê Xuân Diệm,
Võ Sĩ Khải, Lịch sử Việt Nam, T. 2, NXB Trẻ, tr. 214-217.
Nguyễn Quang Ngọc (chủ
biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội 1999, bản in
2008, tr. 55-56.
Viện sử học, Lịch
sử Việt Nam (từ khởi thủy đến thế kỷ X), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2001,
tr. 370-372.
Trương Hữu Quýnh (chủ
biên), Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội 2000, T.1, tr. 94-95.
9 Xem Thế giới mới số 526, 527, 528 năm
2003.
10 Đinh Văn Hiến, Đinh Lê Yên, Mai Hắc Đế,
truyền thuyết và lịch sử, NXB Nghệ An, 1997, in lần hai 2003, lần ba năm
2005.
11 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Tiền biên, Q. 4, tr. 23a, bản dịch Sđd, T. 1, tr. 188.
12 Các tổng trấn xã bị lãm, Bản dịch của
Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, NXB Khoa
học xã hội, Hà Nội 1981, tr. 101
13 Đồng Khánh địa dư chí, nguyên bản chữ
Hán, Nghệ An tỉnh, tr. 65b; bản dịch Hà Nội 2003, T. 2, chữ Hán tr. 1309 ,
tiếng Việt, tr. 1270.
14 Trần Bá Chí, Một số tài liệu liên quan đến
Mai Thúc Loan và cuộc khởi nghĩa của ông, Sđd, tr. 54.
15 Thiên Nam ngữ lục, NXB Văn hoá, Hà Nội
1958, tr. 196.
16 Việt điện u linh, NXB Văn học, Hà Nội
2001, tr. 144-145.
17 Việt điện u linh, Sđd, tr. 40.
18 Đào Duy Anh, Lịch sử Việt Nam (từ nguồn gốc
đến cuối thế kỷ XIX), Q. Thượng, Sđd, tr. 158.
19 Xem Tân Đường thư, Q. 207, phần Khảo
chứng
20 Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn,
Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà
Nội 1991 (in lần thứ 3), T. 1, chương 8, tr. 281-287.
21 Hà Văn Tấn (chủ biên), Khảo cổ học Việt Nam,
T. 2, Thời đại kim khí, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1999, tr. 282..
22 Đại Việt sử lược, Q.3, tr. 30b, bản
dịch, Sđd, tr. 206. Trong các biến loạn vào cuối thời Lý, kinh thành nhiều lần
bị đốt phá nên năm 1216 phải dựng "thảo điện" (điện tranh) ở Tây Phù
Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) và do đó gọi Thăng Long là "Cựu Kinh" (kinh
cũ).
23 Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, Bản kỷ Q.
8, 9a, bản dịch, T. 2, tr. 172.
24 Nguyễn Trãi, Dư địa chí, trong Nguyễn
Trãi toàn tập, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1976, tr. 223
25 Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, NXB Văn
hoá, Hà Nội 1962, T.2, tr. 191.
26 Đại Nam nhất thống chí, NXB Khao học xã
hội, Hà Nội 1971, T. 3, tr. 440-441
27 Do ông Đinh Văn Hiến cung cấp.
28 Kế Hàm, Nam phương thảo mộc trạng, Q.
hạ, bản Tứ khố toàn thư, địa lý loại, sử bộ, tr. 14. Tứ khố toàn thư
đề yếu cho biết theo bản cũ, tác giả viết vào tháng 11 năm Vĩnh Hưng thứ 1
đời vua Hiếu Huệ đế thời Tây Tấn (265-317) tức năm 305. Trong sách tác giả đã
phân chia làm 4 loại: thảo, mộc, quả, trúc và miêu tả được cả thảy 80 thứ. Đề
yếu cũng nêu lên vài nghi vấn như tháng 12 Huệ Đế mới đổi niên hiệu là Vĩnh
Hưng nên tại sao lại có tháng 11 niên hiệu Vĩnh Hưng, hay nói Kế Hàm làm Thái
thú Tương Dương chắc là nhầm, theo Tuỳ chí, ông làm Thái thú Quảng Châu
phù hợp hơn vì tác giả khảo các loại cây quả vùng Lĩnh Biểu.
29 Tiền Hán thư, Địa lý chí; Đại Thanh
nhất thống chí, Q. 338, bản Tứ khố toàn thư, thuộc tổng chí, địa lý
loại, sử bộ.
30 Tiền Hán thư, Q.6; Đại Thanh nhất
thống chí, Q.338, Sđd.
31 Chúc Mục, Cổ kim sử văn loại tùng, Q.
25, soạn vào đời Tống (960-1279), trong Tứ khố toàn thư.
32 Kế Hàm, Nam phương thảo mộc trạng, Sđd,
Q. hạ, tr.16
33 Tân Đường thư, Q. 43 thượng, Q. 76; Tư
trị thông giám, Q. 250; Thông giám tổng loại, Q. 6.
34 Tư trị thông giám, Q. 215, Tứ khố
toàn thư, sử bộ, biên niên loại.
35 Tiên Dịch, Nam bộ tân thư, Q.3, soạn
đời Tống (960-1279), trong Tứ khố toàn thư.
Tống Mẫn Cầu, Đường
đại chiếu lệnh tập, Q. 86, soạn đời Tống (960-1279), trong Tứ khố toàn
thư, sử bộ, chiếu lệnh tấu nghị loại.
36 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Sđd, Tiền biên, Q. 5, tr. 15a, bản dịch, T. 1, tr. 218
37 Nguyễn Lương Bích, Những người trẻ làm nên
lịch sử, NXB Thanh niên, Hà Nội 1974, bài "Làm phu gánh vải đánh bại
quân thù", tr. 184.
38 Lê Tắc, An Nam chí lược, Viện đại học
Huế 1961, bài nghiên cứu Soạn niên, tài liệu và truyền bản của An Nam chí
lược của Trần kinh Hòa.
39 Lê Tắc, An Nam chí lược, nguyên bản chữ
Hán trong Tứ khố toàn thư, sử bộ, tải ký loại, Q.8; bản dịch, NXB Thuận
Hoá 2002, tiếng Việt tr. 193, chữ Hán tr. 452.
40 Việt điện u linh, Sđd, tr. 147.
41 Lưu Hướng, Cựu Đường thư, Trung Hoa thư
cục xuất bản, Bắc Kinh 1975, Q. 8, tr. 183-184
42 Âu Dương Tu, Tống Kỳ, Tân Đường thư,
Trung Hoa thư cục xuất bản, Bắc Kinh 1975, Q. 5, tr. 129
41 Lưu Hướng, Cựu Đường thư, Sđd, Liệt
truyện, mục Hoạn quan, truyện Dương Tư Húc, Q. 184, tr. 4755-4756
42 Âu Dương Tu, Tống Kỳ, Tân Đường thư,
Sđd, Liệt truyện, mục Hoạn giả, truyện Dương Tư Húc, Q. 207, tr. 5857.
43 Sách phủ nguyên qui, Thượng Hải nhân
dân xuất bản xã, Sách 3, Q. 667, tr. 2243.
44 Quảng Tây thông chí, Q. 90, bản Tứ
khố toàn thư, sử bộ, địa lý loại.
45 Lưu Hướng, Cựu Đường thư, Sđd, An Nam
phủ, Q. 41, tr.
46 Lưu Hướng, Cựu Đường thư, Sđd, An Nam
phủ, Q. 41.
47 G. Maspero, Le royaume de Champa,
Paris-Bruxelles 1928.
48 Lương thư, Q.54
49 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Tiền biên, Q. 4, tr. 22b-23a, bản dịch Sđd, T. 1, tr. 188.
50 Thái Bình ngự lãm, Q. 812, bản Tứ
khố toàn thư, tý bộ, loại thư loại.
51 Thông chí, Q. 41, bản Tứ khố toàn
thư, sử bộ, biệt sử loại, thông chí; Văn hiến thông khảo, sử bộ,
chính thư loại, thông chế chi thuộc, Q. 332; Thái bình hoàn vũ ký, Q.
177; bản Tứ khố toàn thư, sử bộ, địa lý loại, tổng chí chi thuộc.
52 Việt điện u linh, Sđd, tr. 144-145.
53 Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
Tiền biên, Q. 4, tờ 21b-22b, bản dịch Sđd, T. 1, tr. 187-188.